“Không có ước mơ và tầm nhìn, chúng ta sẽ bị diệt vong.” Điều này thật đúng. Nhưng bạn biết không, điều ngược lại cũng đúng. Khi có những ước mơ, chúng ta có thể chuyển biến theo những cách thức độc đáo không ngờ. Trong những chương trước, tôi đã chỉ cho bạn cách để lựa chọn mục tiêu và bắt đầu như thế nào để đạt được những mục tiêu đó. Bây giờ bạn sẽ học làm sao để những ước mơ định hình chính cuộc sống của bạn.
Trước tiên, bạn cần hiểu rằng một khi bạn đã thiết lập những mục tiêu thật sự quan trọng đối với mình thì bạn không còn là con người trước đây nữa. Những mục tiêu đích thực sẽ tác động đến hầu như mọi việc bạn làm trong suốt cả ngày. Và bạn mang chúng theo dù đi bất cứ đâu. Cái bắt tay của bạn, phong cách ăn mặc của bạn, âm điệu giọng nói của bạn, cách bạn cảm nhận mọi thứ – tất cả đều sẽ thay đổi khi bạn có mục tiêu. Bởi vì khi bạn xem mục tiêu là quan trọng thì mọi việc bạn làm đều có liên quan đến việc hoàn thành các mục tiêu này.
Nhưng để những mục tiêu thật sự tạo động lực, tác động đến cuộc đời bạn, chúng phải đáng giá. Tôi từng hỏi một người đàn ông: “Các mục tiêu trong tháng của anh là gì?”. Anh ta trả lời: “Tôi chỉ cần kiếm đủ tiền để thanh toán hết đống hóa đơn này...”. Mục tiêu của anh ta chỉ có vậy thôi!
Tôi không nói rằng việc thanh toán các hóa đơn không thể gọi là một mục tiêu – nó có thể. Nhưng đó là một mục tiêu khốn khổ. Tôi chắc chắn sẽ không đưa nó vào danh sách những động lực truyền cảm hứng sống nhất. Bạn không thể nhảy ra khỏi giường vào sáng thứ Hai và nói: “Ôi trời, lại tiếp tục ra ngoài kia, cố kiếm đủ tiền thanh toán đống hóa đơn này”.
Để những mục tiêu chuyển hóa bạn, bạn phải đặt mục tiêu cao. Các mục tiêu cần phải trên tầm với, đủ để bạn phát triển và tiến xa hơn nữa; chúng phải đủ cao để kích thích trí tưởng tượng của bạn và thúc đẩy bạn hành động. Tuy nhiên, bạn chỉ nên thiết lập mục tiêu đủ cao để bạn ráng sức vươn lên, và đừng quá xa tầm với đến mức bạn chưa bắt đầu đã nản lòng.
CHỦ ĐÍCH THẬT SỰ CỦA MỤC TIÊU
Tôi muốn chia sẻ với bạn một ý tưởng vô cùng lý thú. Giá trị đích thực của việc thiết lập mục tiêu không nằm ở việc hoàn thành chúng. Việc đạt được những điều mình mong muốn thật ra chỉ đóng vai trò quan trọng thứ hai. Lý do chủ yếu của việc thiết lập mục tiêu là để bạn buộc phải trở thành người có khả năng tương xứng để hoàn thành những mục tiêu đó. Hãy để tôi giải thích:
Bạn nghĩ giá trị lớn nhất của việc trở thành một triệu phú là gì? Có phải là việc bạn có hàng triệu đô-la không? Tôi không nghĩ vậy. Không, giá trị lớn nhất là ở những kỹ năng, kiến thức, kỷ luật và phẩm chất lãnh đạo mà bạn sẽ phát triển trong quá trình đạt đến địa vị cao đó. Đó là những kinh nghiệm mà bạn sẽ đúc kết được trong khi hoạch định và phát triển các chiến lược. Đó là nội lực mà bạn sẽ phát triển để có được lòng can đảm, sự cam kết và sức mạnh ý chí đủ để “hấp dẫn” được một triệu đô-la về mình.
Khi một người không có thái độ của một triệu phú thì nếu được ai đó tặng một triệu đô-la, rất có thể anh ta sẽ đánh mất nó. Tuy nhiên, khi một triệu phú thật sự bị tước đoạt hết mọi tài sản thì chẳng bao lâu người đó vẫn có thể tạo dựng lại được một gia sản mới. Tại sao ư? Vì những người đã đạt đến được vị trí của một triệu phú đã phát triển những kỹ năng, kiến thức và kinh nghiệm để có thể lặp lại tương tự quá trình này bao nhiêu lần cũng được.
Như bạn có thể thấy, khi một người trở thành triệu phú, những thứ họ sở hữu là điều ít có ý nghĩa nhất. Điều quan trọng nhất là con người mà họ đã trở thành.
Sau đây là một câu hỏi mà bạn nên dành thời gian suy ngẫm: Kiểu người mà bạn cần phải trở thành để có thể đạt được mọi điều bạn muốn là như thế nào? Quả thật, bạn cần phải viết ra một vài suy nghĩ về vấn đề này trong quyển sổ tay hay nhật ký của bạn. Viết ra những loại kỹ năng mà bạn cần phải phát triển và những kiến thức bạn cần trang bị. Câu trả lời sẽ mang lại cho bạn một vài mục tiêu mới cho sự phát triển cá nhân.
Hãy nhớ quy tắc này: Thu nhập hiếm khi vượt trên sự phát triển cá nhân. Đó là lý do tại sao tất cả chúng ta đều phải tự “kiểm tra trình độ” của mình.
Tôi thường nhìn vào cuộc sống của mình và đặt câu hỏi: “Ồ, đây là những điều mình mong muốn, nhưng liệu mình có quyết tâm trở thành kiểu người tương xứng không?”. Nếu tôi quá lười biếng, nếu tôi không sẵn sàng cho việc học, đọc sách, nghiên cứu và phát triển để trở thành người mà tôi phải trở thành thì tôi không thể kỳ vọng sẽ thu hút về mình những gì mình muốn. Giờ đây, khi đứng trước một sự lựa chọn như thế, tôi phải quyết định thay đổi, hoặc chính mình, hoặc những điều tôi muốn.
ĐỪNG ĐỂ BỊ ÁP ĐẢO TINH THẦN
Khi thiết lập mục tiêu, nhất là lần đầu tiên, bạn sẽ dễ dàng để quá trình này khiến bạn bị áp đảo tinh thần. Lời khuyên của tôi là hãy thư giãn.
Nếu bạn cảm thấy bản thân chưa được trang bị đủ để đạt được những gì mình muốn, hãy nhớ điều này: Khả năng của bạn sẽ phát triển đủ để đáp ứng những ước mơ của bạn. Đây là điều kỳ diệu của việc thiết lập mục tiêu. Bạn càng nỗ lực cho những mục tiêu của mình bao nhiêu, càng nhiều cơ hội mới sẽ tự mở ra cho bạn bấy nhiêu. Và mỗi cơ hội mới sẽ chứa đựng hạt giống giải pháp cho một vấn đề cụ thể mà trước đây bạn tưởng chừng như không giải quyết được.
Vì vậy, bạn đừng sợ bắt đầu. Hành trình này sẽ đưa bạn vượt xa hơn những gì mà trí tưởng tượng điên rồ nhất của bạn có thể nghĩ ra. Tôi biết điều này. Con người của tôi khi gặp ông Shoaff 25 năm trước là một người xa lạ với tôi hiện giờ. Tôi không còn là con người đó. Tôi đã thay đổi. Bạn cũng thế.
Nhiều người ngại dấn bước vì sự thất bại và nỗi đau trong quá khứ. Họ luôn mang những gánh nặng trong tâm hồn, những gánh nặng mà nếu không được gỡ bỏ thì sẽ trì kéo họ xuống mãi mãi.
Bạn thân mến, bạn và tôi không thể làm gì để thay đổi quá khứ. Quá khứ đã qua và bị vùi lấp. Nhưng bạn có thể làm được vô số điều cho tương lai của mình. Bạn không nhất thiết phải là bạn của ngày hôm qua. Bạn có thể tạo ra những thay đổi trong cuộc đời mình – những thay đổi cực kỳ đáng kinh ngạc trong một khoảng thời gian tương đối ngắn. Bạn có thể tạo ra những thay đổi mà con người bạn-hiện-giờ – con người không dành được cho mình ít nhất là một cơ hội – không thể hình dung được.
Những khả năng của bạn có thể phát triển. Bạn có thể vận dụng được những tiềm năng và tài năng mà bạn chưa bao giờ biết đến sự tồn tại của chúng trong bản thân mình. Và theo thời gian, bạn sẽ khai thác được những nguồn dự trữ khả năng sáng tạo còn tiềm ẩn bên trong mình. Trước khi biết được điều đó, bạn cũng đã có khả năng đạt được những điều mà bạn-hiện-giờ dường như không thể nào đạt được. Bạn có thể giải quyết được những việc mà bạn chưa bao giờ nghĩ mình có đủ khả năng để giải quyết. Trí não của bạn sẽ sản sinh ra những ý tưởng mới mẻ và sáng tạo.
Tại sao mục tiêu lại có sức mạnh lớn lao đến vậy? Tôi không biết làm thế nào chúng có thể khiến cho tất cả điều này xảy ra. Tôi đoán câu hỏi này thuộc về một phạm trù đặc biệt mà tôi gọi là “những bí ẩn của cuộc sống”. Tôi chỉ có thể nói với bạn rằng điều bí ẩn này thật sự tồn tại. Hãy khám phá điều đó cho chính mình. Hãy cho chính mình cơ hội để trở thành mọi điều mà bạn có thể trở thành và đạt được mọi thành tựu mà bạn có thể đạt đến.
HÃY HỎI XIN
Có một lời răn trong Kinh Thánh dạy toàn bộ những gì bạn cần biết để đạt được những điều mình muốn. Lời răn đó là: “Hãy hỏi xin”. Chỉ vậy thôi – hãy hỏi xin. Hãy chắc chắn rằng bạn sẽ ghi lại điều này trong danh sách tất cả những kỹ năng quan trọng bạn cần phải học.
“Hỏi xin” có nghĩa là gì? “Hỏi xin” có nghĩa là “nói ra điều bạn cần”. Và công thức đầy đủ của nó sẽ khiến bạn kinh ngạc, đó là: “Hãy hỏi xin, và bạn sẽ nhận được1”. Tôi nghĩ chúng ta nên ngẫm kỹ điều này...
Chú thích:
1 Nguyên văn của lời dạy này trong Kinh Thánh là: “Hãy hỏi xin, sẽ được; hãy tìm, sẽ gặp; hãy gõ cửa, sẽ mở cho”.
Thứ nhất, “hỏi xin” sẽ khởi động quá trình “nhận”. Yêu cầu điều mình mong muốn cũng giống như nhấn nút để kích hoạt một cỗ máy phi thường, cả về mặt lý trí lẫn cảm xúc.
Như tôi đã nói, tôi không biết về cách thức hay nguyên nhân khiến nó vận hành nhưng tôi biết chắc về sức mạnh của nó.
Có rất nhiều thứ mang lại hiệu quả dù chúng ta có hiểu được cơ chế vận hành đằng sau chúng hay không. Chỉ cần vận hành chúng! Một số người không bao giờ bắt tay vào vận dụng một điều gì bởi vì họ còn mải nghiên cứu, tìm hiểu căn nguyên, gốc rễ của nó. Và những người khác thì chọn cách vừa hái quả vừa tìm hiểu gốc rễ. Tất cả phụ thuộc vào việc bạn muốn bắt đầu từ đâu.
Tôi khuyên bạn nên bắt đầu từ việc “hỏi xin” – nói ra mong muốn của mình.
Thứ hai, “nhận” – phần còn lại của công thức trên – không phải là vấn đề. Bạn không phải lo về phần nhận. Nó tự động đến. Vậy nếu việc nhận không khó khăn gì thì vấn đề nằm ở đâu? Đó là sự thất bại trong việc nói ra yêu cầu.
Anh chàng đó nói: “Đúng, nhưng anh thử làm việc ở vị trí của tôi xem. Khi anh về tới nhà thì đã trễ; anh ăn cho xong bữa, xem truyền hình một chút cho thư giãn rồi vào giường ngủ. Anh còn sức để ngồi đó đến nửa đêm để mà hỏi xin, hỏi xin, và hỏi xin không?”. Và đó chính là anh chàng luôn trễ hạn thanh toán hóa đơn. Anh ta là một người làm việc tốt, luôn chăm chỉ và nhiệt tình. Tuy nhiên, bạn không chỉ cần làm việc tốt, chăm chỉ và nhiệt tình trong suốt cuộc đời mình, mà phải làm tốt hơn thế nếu bạn không muốn đi đến kết cục rỗng túi và luôn túng bấn. Bạn phải trở nên tốt hơn cả người làm việc tốt. Bạn phải là một người biết nói ra mong muốn của mình.
“Giờ thì tôi đã hiểu”, anh chàng đó nói. “Suốt một năm qua, tôi thức dậy và làm việc hết sức mỗi ngày. Nhưng trong nhà tôi không có danh sách những thứ tôi mong muốn về cuộc sống.”
Còn bạn thì sao... danh sách của bạn thế nào?
Thứ ba, khả năng “nhận” cũng giống như đại dương – là rất lớn. Thành công là một nguồn cung không bao giờ cạn.
Nó không hữu hạn đến nỗi khi đến lượt bạn thì mọi thứ đã được phân phát hết. Hoàn toàn không!
Nếu điều này xảy ra thì vấn đề là gì? Vấn đề là phần đông mọi người tiếp cận đại dương cơ hội này với một chiếc muỗng canh. Bạn có hình dung ra hình ảnh này không? Một cái muỗng canh! Với kích thước của đại dương, liệu tôi có nên gợi ý rằng bạn cần thay muỗng canh bằng cái gì đó lớn hơn không? Một cái xô thì sao? Nó có thể chưa phải là điều tốt nhất bạn có thể làm, nhưng ít ra đám trẻ cũng sẽ không cười nhạo bạn...
Thêm hai ý tưởng nữa về “hỏi xin”...
Thứ nhất, nói ra mong muốn của mình một cách thông minh. Một lời dạy trong Kinh Thánh cũng hàm ý điều này. Đừng chỉ lầm bầm trong miệng. Bạn sẽ không nhận được gì nếu chỉ nói lầm bầm trong miệng. Phải rõ ràng, phải cụ thể. Yêu cầu một cách thông minh cũng bao gồm việc trả lời rõ ràng những câu hỏi về đặc tính, kích cỡ, chiều cao, chiều dài, trị giá, thời gian, mẫu mã, màu sắc… Hãy mô tả thứ bạn cần. Hãy xác định nó. Nên nhớ, những mục tiêu được xác định rõ cũng giống như những khối nam châm. Bạn càng đẽo gọt chúng tốt, chúng càng hút mạnh.
Thứ hai, nói ra yêu cầu với niềm tin. Niềm tin là phần trẻ thơ trong bạn. Điều này có nghĩa là bạn tin sẽ có được điều mình muốn. Hãy tin theo cách của một đứa trẻ – không có sự hoài nghi, yếm thế, tức phần người lớn trong bạn.
Bạn thấy đó, đa số chúng ta đã trở nên quá hoài nghi. Chúng ta đã đánh mất niềm tin và sự tin tưởng ngây thơ tuyệt vời đó của trẻ thơ. Đừng để điều này ngăn trở bạn. Hãy tin tưởng và có niềm tin vào bản thân và mục tiêu của bạn. Hãy hào hứng – như một đứa trẻ. Không điều gì có thể lan tỏa nhanh hơn lòng nhiệt thành của trẻ con.
Trẻ con nghĩ chúng có thể làm được mọi điều. Chúng muốn biết về mọi thứ. Điều này thật tuyệt vời! Chúng ghét phải đi ngủ vào buổi tối và luôn háo hức nhảy ra khỏi giường vào mỗi sớm mai. Trẻ con có thể đặt ra cả ngàn câu hỏi, và cho đến khi bạn nghĩ rằng mình không thể kiên nhẫn thêm được nữa thì chúng vẫn sẵn sàng hỏi thêm cả ngàn câu hỏi khác. Chúng luôn khiến bạn phải đi đến điểm tận cùng. Nhưng tính hiếu kỳ của chúng dĩ nhiên là một phẩm chất tốt đẹp. Khi bạn làm sống dậy sự tò mò, óc khám phá nhiệt thành của trẻ thơ trong chính mình, bạn đang giúp bản thân trở thành một người giỏi nói ra điều mình mong muốn.
THIẾT LẬP MỤC TIÊU VÀ QUẢN LÝ THỜI GIAN
Quản lý thời gian là chủ đề được quan tâm rộng rãi trong thời đại ngày nay. Có rất nhiều kênh thông tin như sách, băng từ và các cuộc hội thảo nói về việc làm thế nào để sử dụng thời gian hiệu quả hơn, đáp ứng nhu cầu thông tin rất lớn của công chúng về vấn đề này.
Còn bạn thì sao? Bạn có mong muốn trở thành một người quản lý thời gian tốt hơn không? Nếu có, bạn cần hiểu điều này: Nếu không có mục tiêu thì bạn không thể quản lý thời gian hiệu quả. Năng suất là kết quả của những mục tiêu được xác định rõ ràng. Việc phân bổ thời gian sẽ không có ý nghĩa thiết yếu nếu những mục tiêu không được hình dung rõ ràng và chắc chắn trong tâm trí. Nó đơn giản như vậy đó. Đây là một trong nhiều lý do tại sao việc viết ra những mục tiêu trên giấy lại quan trọng đến vậy.
NHỮNG ĐIỀU ƯU TIÊN
Một trong những khó khăn chúng ta phải đối mặt trong thời đại công nghiệp là sự mất tri giác về mùa. Không giống như người nông dân với những việc cần ưu tiên thay đổi theo mùa, chúng ta trở nên “vô nhiễm” với nhịp điệu của cuộc sống. Hệ quả là chúng ta không cân đối được những điều mình cần ưu tiên. Tôi sẽ minh họa điều tôi nói như sau:
Đối với nhà nông, mùa xuân là mùa mà người nông dân hoạt động nhiều nhất. Đó là thời gian mà anh ta làm việc bất kể ngày đêm, thức dậy trước bình minh và đầu tắt mặt tối cho đến khi đồng hồ điểm nửa đêm. Người nông dân phải cho máy móc, nông cụ chạy hết công suất vì việc gieo trồng mùa màng phải được hoàn thành trong một khoảng thời gian eo hẹp; trong khi vào mùa đông thì anh ta không thể duy trì nhịp độ tất bật như thế vì không có nhiều việc để làm.
Ở đây chúng ta có thể rút ra một bài học. Hãy học cách sử dụng các mùa của cuộc sống. Bạn cần quyết định lúc nào cần dốc hết sức và lúc nào cần thư thả, khi nào cần tận dụng cơ hội và khi nào thì nên để cho mọi việc tiến triển tự nhiên. Bạn dễ dàng duy trì nếp sống một ngày làm việc tám tiếng từ năm này sang năm khác và mất đi tri giác tự nhiên về những điều cần ưu tiên và chu kỳ. Đừng để năm này lẫn vào năm khác trong một chuỗi dường như bất tận những công việc được giao và trách nhiệm. Hãy để tâm đến các mùa của riêng mình, để bạn không bị mất đi ý thức về giá trị và phẩm chất của mọi điều trong cuộc sống.
Chính yếu và thứ yếu
Một phần quan trọng trong việc thiết lập những việc cần ưu tiên là học cách tách biệt những điều thứ yếu trong cuộc sống khỏi những điều chính yếu. Đây là một câu hỏi hữu ích bạn nên đặt ra cho chính mình bất cứ khi nào bạn phải ra quyết định: Việc này là chính yếu hay thứ yếu? Bằng cách đặt câu hỏi như vậy, với mục tiêu luôn ở trong đầu, bạn sẽ giảm được nguy cơ sử dụng thời gian thiết yếu cho những dự án không thiết yếu.
Trong kinh doanh, chúng ta được dạy rằng chỉ có một khoảng thời gian quan trọng, đó là thời gian mà chúng ta dành cho một khách hàng tiềm năng, bất kể chúng ta đã bỏ ra bao nhiêu thời gian trước đó. Rất nhiều người kinh doanh dành quá nhiều thời gian cho những việc bên ngoài cuộc gặp gỡ quan trọng này, và thu nhập của họ nói lên tất cả. Vì vậy mà trong kinh doanh có lời khuyên sau: “Đừng đi khắp thành phố trong khi bạn chỉ cần đi qua con phố đó”.
Còn một khía cạnh khác nữa mà ta có thể áp dụng khái niệm chính yếu và thứ yếu, đó là đừng dùng thời gian thứ yếu cho những việc chính yếu. Chúng ta thường dùng lẫn lộn các giá trị này. Một người cha hay người mẹ có thể dành ba giờ đồng hồ để xem tivi và chỉ dành mười phút để chơi với các con. Một người quản lý có thể dành gần như cả ngày cho việc điền vào các bảng biểu anh ta cho là quan trọng và dành rất ít thời gian để khích lệ nhân viên. Người quản lý này đã đánh mất khả năng nhận biết cái gì là quan trọng và cái gì là vụn vặt.
Khái niệm này cũng áp dụng cho tiền bạc. Đừng chi tiêu những món tiền quan trọng cho những việc không quan trọng và ngược lại, đừng chi dùng một khoản tiêu vặt cho một việc chính yếu. Một số người sẵn sàng bỏ ra cả đống tiền cho việc mua thức ăn để bồi bổ cơ thể và chi tiêu rất ít cho những món ăn tinh thần. Bỏ ra nhiều tiền mua bánh kẹo thay vì mua sách để được truyền cảm hứng và nuôi dưỡng tâm hồn, chẳng phải làm như vậy là ngu ngốc sao?
Cách tốt nhất để sử dụng thời gian và tiền bạc là đưa vào đó giá trị tối đa. Điều này được gọi là đầu tư cẩn trọng để đạt kết quả tối đa.
TẬP TRUNG
Bất kỳ một vận động viên chuyên nghiệp nào cũng có thể nói cho bạn biết cái giá khủng khiếp phải trả cho sự thiếu tập trung. Chỉ cần một khoảnh khắc mất tập trung, bạn sẽ đánh mất vị trí số một và khả năng nhận được một món tiền lớn. Đừng để điều này xảy ra với bạn.
Tập trung tối đa vào mọi việc bạn làm. Bạn đang viết một bức thư? Hãy tập trung. Bạn đang cố gắng giải quyết một vấn đề? Hãy tập trung. Bạn đang nói chuyện với ai đó? Phải rồi, hãy tập trung. Bạn sẽ không tin được điều này ảnh hưởng đến cuộc sống của bạn như thế nào đâu.
Dĩ nhiên là có lúc bạn nên để tâm trí lang thang. Nhưng việc này chỉ nên diễn ra trong khoảng thời gian mà bạn đã quyết định dành riêng cho nó. Và khi ấy, đừng làm việc gì khác. Hãy để tâm trí rỗng rang cho việc này bằng cách đi dạo trên bờ biển hoặc lái xe đến những chỗ có núi non – rời xa những áp lực của cuộc sống.
Hãy để làn gió nhẹ mơn man trên tóc và để đầu óc bay bổng. Hãy mơ mộng. Điều đó tốt cho bạn. Nhưng chỉ nên làm việc đó vào một khoảng thời gian dành riêng mà bạn gọi là “thời gian lang thang”. Với những khoảng thời gian khác, hãy tập trung.
TỶ LỆ TỐI ƯU
Còn một điểm cuối cùng để xem xét... Ngay cả khi đã có một kế hoạch hành động được cân nhắc cẩn trọng nhất, bạn vẫn không thể đạt được tất cả mọi điều bạn muốn. Tôi biết điều này. Sao tôi lại nói như thế sau khi đã dành chừng ấy thời gian chỉ cho bạn cách làm thế nào để đạt được những điều mình muốn? Lời nói của tôi không nhất quán chăng?
Tại sao chúng ta không thể đạt được tất cả mọi điều mình muốn? Bởi vì, bạn thân mến, cuộc sống là như vậy. Đôi khi, một cơn mưa đá trút lên mùa màng của bạn và làm hỏng mọi điều bạn dự tính. Thỉnh thoảng, những con mối cuộc đời gặm nhấm nền móng của bạn. Thật không công bằng, bạn sẽ nói vậy? Có lẽ đúng. Nhưng bởi vì cả bạn và tôi đều không lường được mọi thứ, nên chúng ta chấp nhận cuộc sống vốn như vậy.
Tuy nhiên, tin tốt lành là bên cạnh đó cũng có rất nhiều tin tốt lành trong cuộc sống. Nếu bạn áp dụng những cách thức mà tôi đã chia sẻ, bạn sẽ nhận được nhiều hơn mong đợi rất nhiều. Bạn sẽ đạt được những điều mình muốn thường xuyên hơn bạn nghĩ. Và tỷ lệ “thắng” nhiều hơn tỷ lệ “thua” – tỷ lệ tối ưu đấy.
* * *
Không ai có thể biết trước bạn có thể làm được những gì khi được mục tiêu truyền động lực. Không ai có thể biết trước bạn có thể làm được những gì khi tin vào chúng. Không ai có thể biết trước điều gì sẽ xảy đến với bạn khi bạn hành động dựa trên mục tiêu. Chỉ cần thử áp dụng những cách thức này trong chín mươi ngày. Chỉ cần thử áp dụng thôi! Nó có thể mang lại cho bạn thậm chí nhiều thành công hơn cả cho tôi.
Tôi mong mỏi những điều tốt đẹp đó sẽ đến với bạn.