Trong Chương 1, chúng ta đã thảo luận về tầm quan trọng của tính kỷ luật. Và bây giờ, tôi sẽ yêu cầu bạn bắt tay vào thực hành đặc điểm tính cách tích cực này.
Nếu bạn chưa từng lập mục tiêu thì hãy chuẩn bị sẵn một quyển sổ tay hay nhật ký. Tôi muốn bạn tự biến mình từ người theo dõi (người đọc) thành người tham gia (người viết).
Loại bài tập về nhà mà bạn sắp làm bây giờ khác với bài tập về nhà thông thường ở chỗ nó kéo dài trọn đời. Chủ đề là những mục tiêu và như bạn sẽ sớm hiểu ra, mục tiêu là việc của cả đời – không ngừng tiến hóa, không ngừng biến chuyển.
Tại sao bạn nên làm việc này? Vì khi lập mục tiêu là lúc bạn đang đi những bước đầu tiên tiến gần đến kiểu cuộc sống mà bạn hằng mơ ước nhưng không bao giờ dám tin rằng sẽ xảy đến với mình. Vậy thì hãy bắt đầu nào. Càng sớm áp dụng tính kỷ luật thì bạn càng sớm có được những kết quả tốt đẹp. Và một khi những việc bạn làm mang lại kết quả, tôi hứa chắc rằng bạn sẽ không nề hà chút nào khi phải nỗ lực thêm nữa và tuân thủ kỷ luật thêm nữa.
MỤC TIÊU DÀI HẠN
Hãy ghi vào quyển sổ tay hay trên tờ giấy ghi chú của bạn đề mục “Mục Tiêu Dài Hạn”. Nhiệm vụ của bạn là trả lời câu hỏi: “Tôi mong muốn điều gì trong vòng từ một đến mười năm tới?”.
Bí quyết để làm bài tập này hiệu quả là viết ra trong thời gian ngắn nhất nhiều điều bạn mong muốn nhất. Hãy dành khoảng từ 12 đến 15 phút cho toàn bộ bài tập và hãy cố gắng viết được khoảng 15 điều.
Để giúp bạn bắt đầu, hãy xem xét sáu câu hỏi sau như những hướng dẫn:
1. Tôi muốn làm những gì?
2. Tôi muốn trở thành những gì?
3. Tôi muốn thấy những gì?
4. Tôi muốn có những gì?
5. Tôi muốn đi những đâu?
6. Tôi thích chia sẻ những điều gì?
Với sáu câu hỏi này trong đầu, bạn sẽ trả lời được câu hỏi chính yếu: “Tôi mong muốn điều gì trong vòng từ một đến mười năm tới?”. Hãy để mọi thứ trong trí bạn tuôn chảy. Đừng cố gắng đi vào chi tiết ngay; các chi tiết sẽ tự khắc đến sau. Ví dụ, nếu bạn muốn có một chiếc Mercedes 380SL màu xám với nội thất màu xanh dương, bạn chỉ cần viết “380” rồi chuyển sang điều mong muốn tiếp theo.
Sau khi hoàn tất danh sách của mình, hãy xem lại những gì đã viết ra.
Tiếp theo, bạn hãy ghi số năm mà bạn tin mình cần phải dành ra để đạt được mỗi mục tiêu hay có được mỗi thứ mà bạn mong muốn trong danh sách. Chẳng hạn, bạn ghi số 1 kế bên những mục mà bạn nghĩ là cần một năm để thực hiện; hoặc ghi số 3 bên cạnh những mục mà bạn cần khoảng ba năm để sở hữu hay đạt được... Làm như vậy cho tất cả các mục.
Bây giờ, hãy kiểm tra xem có sự cân đối giữa các mục tiêu của bạn không. Ví dụ, nếu bạn nhận thấy mình có rất nhiều mục tiêu mười năm nhưng rất ít mục tiêu một năm, nghĩa là bạn đang trì hoãn việc hành động ngay bằng cách đẩy lùi thời hạn hoàn thành.
Trái lại, nếu bạn có rất ít mục tiêu dài hạn, có lẽ là bạn vẫn chưa quyết định được kiểu cuộc sống mà mình mong muốn tạo dựng về lâu về dài.
Điều quan trọng ở đây là phát triển được sự cân đối giữa những mục tiêu ngắn hạn và dài hạn. (Sắp tới đây chúng ta sẽ thảo luận về những mục tiêu thật sự ngắn hạn – những mục tiêu cần dưới một năm để hoàn thành.)
Bạn có bối rối khi có quá nhiều mục tiêu không? Bạn có phải là kiểu người sẽ cảm thấy thoải mái hơn khi chỉ tập trung vào một mục tiêu ở từng thời điểm không?
Thật ra, có một lý do thuyết phục cho việc nên phát triển nhiều tầng lớp mục tiêu. Nếu không có nhiều và đa dạng các loại mục tiêu, bạn có thể rơi vào tình trạng tương tự từng xảy ra với một số phi hành gia trên những chuyến tàu không gian Apollo đầu tiên. Sau khi trở về từ mặt trăng, vài người trong số họ đã bị những tổn thương sâu sắc về mặt cảm xúc. Lý do ư? Một khi ngay cả mặt trăng mà bạn cũng đã đặt chân đến rồi, thì còn nơi nào khác bạn muốn đi không? Sau nhiều năm rèn luyện, hình dung mọi viễn cảnh và háo hức mong đợi chuyến du hành đến mặt trăng, thời khắc đó cũng đã đến đầy vinh quang và ra đi chóng vánh. Đột nhiên mọi thứ dường như chấm dứt, cùng với toàn bộ sự nghiệp của cuộc đời họ, và thế là tình trạng trầm cảm bắt đầu xảy ra.
Rút kinh nghiệm từ việc này, các chương trình huấn luyện sau đó đã bao gồm cả việc giúp các phi hành gia “khởi động” những dự án lớn khác sau khi sứ mệnh của họ được hoàn thành.
Hạnh phúc là điều khó kiếm. Dường như cách tốt nhất để tận hưởng cuộc sống là hoàn thành một mục tiêu và đồng thời cũng bắt đầu thực hiện mục tiêu tiếp theo. Việc bạn ngủ quên trên chiến thắng là rất nguy hiểm. Cách duy nhất để có được một bữa ăn ngon miệng khác là bạn trở nên hưng phấn và đói bụng.
* * *
Nào, bây giờ bạn đã xem lại và cân đối danh sách của mình, hãy chọn ra bốn mục tiêu từ mỗi hạng mức thời gian (một năm, ba năm, năm năm, mười năm) mà bạn cho là quan trọng nhất với mình. Bây giờ bạn đang có 16 mục tiêu. Đối với mỗi mục tiêu, hãy viết một đoạn ngắn bao gồm những điều sau:
1. Phần mô tả chi tiết điều bạn muốn. Ví dụ, nếu đó là một mục tiêu vật chất, hãy mô tả chiều cao, chiều dài, số lượng, kiểu mẫu, màu sắc... Còn nếu đó là một vị trí công việc hay một dự án khởi nghiệp, hãy mô tả chi tiết công việc đó, bao gồm mức lương, chức vụ, ngân sách thuộc quyền kiểm soát của bạn, số lượng nhân viên...
2. Lý do tại sao bạn muốn hoàn thành mục tiêu này. Khi xác định được điều này, bạn sẽ khám phá được rằng đó là điều bạn thật sự mong muốn hay chỉ là một mơ ước thoáng qua. Nếu không thể đưa ra được lý do rõ ràng và thuyết phục, bạn nên xếp mục tiêu này vào loại bốc đồng, không phải là một mục tiêu thật sự, và thay nó bằng một mục tiêu khác.
Bạn thấy không, điều bạn muốn chỉ có thể trở thành một động lực mạnh mẽ khi có một lý do rõ ràng đằng sau nó. Bạn có thể sẽ phát hiện ra rằng một vài mục tiêu mà bạn từng xem là quan trọng không còn hấp dẫn nữa, chỉ đơn giản vì bạn không thể thấy được một lý do đủ thuyết phục khiến bạn thật sự mong muốn chúng. Việc làm bài tập này là hữu ích; nó khiến bạn phải ngẫm lại, tinh chỉnh và sửa đổi. Tất cả những điều này sẽ giúp bạn hoạch định tương lai của mình.
Một khi bạn đã xác định rõ 16 mục tiêu của mình, hãy viết lại 16 mục tiêu đó trên một tờ giấy khác hoặc viết vào sổ nhật ký để lưu giữ lâu dài và mang theo bên mình để bạn có thể xem lại bất cứ khi nào. Hãy xem lại danh sách này hằng tuần để xem có mục tiêu nào không còn quan trọng không và bạn có đang thực hiện những bước đi tích cực để biến chúng thành hiện thực không. Như bạn thấy đấy, thiết lập mục tiêu không phải là việc chỉ làm một lần với những kết quả xác định cụ thể. Thay vào đó, nó là một quá trình liên tục, trọn đời.
MỤC TIÊU NGẮN HẠN
Tôi định nghĩa mục tiêu ngắn hạn là những mục tiêu mà chúng ta cần từ một ngày đến một năm để hoàn thành. Và những mục tiêu này tuy khiêm tốn hơn những mục tiêu dài hạn về mức độ cần thiết nhưng không kém tầm quan trọng. Một thuyền trưởng có thể lên kế hoạch cho một hành trình dài để đến được đích cuối cùng. Tuy nhiên, dọc theo suốt hành trình này sẽ có nhiều điểm đến cho những chặng hành trình ngắn và ông ta phải đến được những nơi đó thì hành trình mới có thể kết thúc thành công.
Cũng giống như trong một hành trình trên biển, những mục tiêu ngắn hạn của bạn phải gắn kết với những thành tựu dài hạn. Ưu điểm rõ rệt của mục tiêu ngắn hạn là khả năng đạt được mục tiêu có thể nhìn thấy được trong tương lai gần. Tôi gọi loại mục tiêu này là “những nhân tố xây niềm tin” vì việc hoàn thành chúng mang đến cho bạn niềm tin để đi tiếp. Vì vậy, khi bạn làm việc chăm chỉ, chong đèn thâu đêm và hoàn thành một nhiệm vụ ngắn hạn cụ thể, bạn có thể mừng vui với “chiến thắng” của mình, để cho mình được truyền thêm cảm hứng mà tiếp tục hành trình.
Đó là lý do tại sao tôi khuyên bạn nên viết vào sổ tay hay nhật ký của mình cả những dự án ngắn hạn. Tổ chức các mục tiêu này như thế nào là tùy ở bạn. Ví dụ, bạn có thể sắp xếp chúng theo ngày, tuần hoặc tháng. Bạn cũng có thể sắp xếp chúng như là những hạng mục phụ trong các mục tiêu dài hạn của mình.
Bạn sẽ tìm thấy niềm vui trong việc lập danh sách này khi bạn có thể đánh dấu hoàn tất một việc. Sau khi hoàn thành một mục tiêu, bạn hãy dành thời gian để ăn mừng thành quả đó. Hình thức ăn mừng có thể là một khoảnh khắc dừng lại, hài lòng về bản thân khi vừa hoàn thành một nhiệm vụ nhỏ, hay là một sự tưởng thưởng lớn cho một thành quả tương xứng. Bất kể đó là gì, điều quan trọng là bạn phải dành thời gian để cảm nhận niềm vui chiến thắng của mình. Điều đó sẽ truyền cảm hứng để bạn nỗ lực nhiều hơn.
Tuy nhiên, bên cạnh việc uống ly rượu mừng thành công, bạn cũng cần làm một việc khác, không mấy dễ chịu: Đối diện nỗi đau khi thất bại.
Bạn thấy đó, chúng ta trưởng thành nhờ hai loại trải nghiệm: niềm vui chiến thắng và nỗi đau thất bại. Vì vậy, nếu đã tự đặt mình vào một cam kết hoàn thành một dự án mà bạn lại cứ nhàn nhã, để thời gian trôi thì hãy tìm cách để phạt bản thân vì sự lười biếng của mình. Hãy chịu trách nhiệm về cả hành vi tích cực và tiêu cực.
Ngoài ra, đừng thân mật với những người chấp nhận sự biếng nhác của mình. Đừng gia nhập vào một đám đông dễ dãi. Hãy đến những nơi có yêu cầu cao, những nơi có áp lực cao về hiệu quả công việc. Điều đó cũng là một phần trong chiến lược tổng thể của bạn để có một cuộc sống sung túc và hạnh phúc.
BUÔNG XUÔI
Tôi muốn bạn thành công! Vì vậy, tôi có một chút băn khoăn. Tôi biết rằng phần lớn người đọc quyển sách này sẽ không đủ kiên trì để thiết lập và thường xuyên tinh chỉnh các mục tiêu của họ. Tại sao ư? Bởi vì đó là một việc mất nhiều thời gian, đòi hỏi tư duy. Trong khi đó, một nghịch lý là nhiều người làm cật lực công việc mà họ không thật sự yêu thích từ năm này qua tháng nọ nhưng khi được yêu cầu dành thời gian để thiết kế tương lai của chính mình, họ thường trả lời rằng “Tôi không có thời gian”. Họ đã buông xuôi điều đó, buông xuôi tương lai của chính họ.
Tuy biết rằng phần lớn mọi người không lập những kế hoạch rõ ràng, tôi mong bạn không nằm trong số đó; bạn sẽ không đi loanh quanh với tâm thế buông xuôi, trông chờ vào vận may với nỗi lo lắng hiện rõ trên mặt, hy vọng mọi chuyện sẽ suôn sẻ.
Dù có chấp nhận hay không thì ngay bây giờ bạn vẫn đang là một trong những người tham gia trò chơi của cuộc sống. Và hãy tin tôi, nếu bạn không có những mục tiêu để nhắm đến thì trò chơi bạn đang chơi sẽ không có gì thú vị. Sẽ không ai chịu bỏ ra những đồng tiền chính đáng để xem bạn chơi một trò chơi mà không có người nào ghi điểm.
Anh chàng buông xuôi đó nói: “Anh thử làm việc ở vị trí của tôi xem: anh về tới nhà thì đã trễ; anh ăn cho qua bữa, xem truyền hình một lát cho thư giãn rồi vào giường ngủ; anh không thể thức đến nửa đêm để lên kế hoạch, lên kế hoạch, và lên kế hoạch”. Và anh chàng đó luôn trễ hạn trả góp tiền mua xe hơi, mặc dù anh chàng đó là một người làm việc tốt, luôn chăm chỉ và nhiệt tình.
Nhưng, bạn thân mến, tôi phát hiện thấy rằng bạn có thể nhiệt tình và làm việc cật lực trong suốt cuộc đời mình nhưng kết cục của bạn vẫn là rỗng túi, hoang mang và túng bấn. Bạn phải trở nên tốt hơn cả người lao động tốt. Bạn phải trở thành một người làm việc tốt hơn cả tốt. Bạn phải là một người hoạch định tốt, một người lập mục tiêu tốt.
Việc bạn viết ra những mục tiêu của mình cho thấy bạn quyết tâm chuyển biến và thật sự nghiêm túc trong chuyện này. Và sự nghiêm túc là vô cùng cần thiết nếu bạn muốn làm tốt hơn. Bạn không cần phải quá nghiêm khắc nhưng phải thật sự nghiêm túc. Mà này, mọi người đều hy vọng sẽ làm tốt hơn. Nhưng niềm hy vọng có thể khiến bạn bị tổn thương nếu không có sự hoạch định rõ ràng. Như một câu trong Kinh Thánh: “Niềm hy vọng bị trì hoãn quá lâu có thể làm con tim đau yếu”, đó là tình trạng không lành mạnh... Tôi biết điều này.
Tôi từng bị một căn bệnh gọi là “hy vọng thụ động”. Đó là một căn bệnh tệ hại. Chỉ có một thứ tệ hơn hy vọng thụ động là hy vọng thụ động mà vẫn vô tư. Chẳng hạn như một người đàn ông đã 50 tuổi, nghèo mà vẫn vô tư và hy vọng. Vì vậy hãy trở nên nghiêm túc. Viết các mục tiêu của bạn ra giấy. Đó là đề nghị của tôi dành cho bạn – từ kinh nghiệm của chính mình.