Một buổi sáng, sau khi tôi đã làm việc cho Shoaff được hai tuần, ông ấy và tôi đang ngồi ăn sáng cùng nhau. Khi tôi ăn gần xong phần trứng của mình, ông ấy nói: “Jim, chúng ta hãy xem qua danh sách mục tiêu của cậu để cùng nhận định và thảo luận. Có thể đó là cách tốt nhất để tôi có thể giúp cậu kịp thời”.
“Nhưng hiện giờ tôi không có danh sách này”, tôi đáp.
“À, vậy cậu đang để nó ở trong xe hay để ở nhà?”
“Không thưa ông, tôi không có danh sách này ở đâu cả.”
Shoaff thở dài. “Được rồi, anh bạn, có vẻ như chúng ta nên bắt đầu từ đây.”
Rồi ông ấy nhìn thẳng vào mắt tôi và nói: “Nếu cậu không có danh sách mục tiêu của mình, tôi đoán là tài khoản ngân hàng của cậu hiện giờ chỉ có vài trăm đô-la”. Ông ấy đoán đúng, và điều này khiến tôi thật sự chú ý.
Hết sức kinh ngạc, tôi hỏi: “Ý ông là nếu tôi có danh sách mục tiêu của mình thì tài khoản ngân hàng của tôi sẽ khác?”.
“Đúng, khác hẳn”, ông ấy đáp.
Từ hôm đó, tôi đã trở thành một cậu học trò của nghệ thuật và khoa học lập mục tiêu.
Trong tất cả những điều tôi học được vào những ngày đầu ấy thì việc lập mục tiêu là kỹ năng có ảnh hưởng sâu sắc nhất đến cuộc đời tôi. Mọi mặt trong đời sống của tôi – thành tựu, thu nhập, tài khoản ngân hàng, phong cách sống, kể cả nhân cách – đều nhờ đó mà thay đổi theo hướng tốt hơn.
Với niềm tin vững chắc rằng việc nắm được cách thiết lập mục tiêu sẽ mang lại sự thay đổi sâu sắc cho cuộc sống của bạn, tôi sẽ dành nhiều trang sách để thảo luận về quá trình thường bị hiểu sai này. Thật ra, tôi không chỉ yêu cầu bạn đọc những chương tiếp theo mà bạn cần làm nhiều hơn thế: nghiền ngẫm chúng. Và nếu bạn có bên mình một quyển sổ tay thì càng tốt hơn nữa.
SỨC MẠNH CỦA ƯỚC MƠ
Mỗi người chúng ta đều chịu ảnh hưởng của một vài yếu tố. Một trong những yếu tố đó là môi trường sống – nơi chúng ta sống, trường chúng ta học, cha mẹ và bạn bè của chúng ta.
Chúng ta còn được định hình bởi những sự kiện xảy ra trong đời.
Kiến thức hay sự thiếu hụt kiến thức cũng sẽ góp phần ảnh hưởng đến cuộc đời chúng ta. Một yếu tố cũng quan trọng không kém là kết quả mà những nỗ lực của chúng ta mang lại – khả năng đạt được kết quả như mong muốn có thể cho chúng ta thêm động lực...
Tuy nhiên, trong tất cả những yếu tố này, không yếu tố nào có nhiều sức mạnh tiềm tàng, thúc đẩy chúng ta làm những điều tốt đẹp bằng khả năng mơ ước của chúng ta.
Ước mơ là sự phản chiếu cuộc sống mà chúng ta mong muốn. Vì vậy, khi chúng ta cho phép những ước mơ của mình “cuốn hút” mình theo, chúng sẽ giải phóng một sức mạnh sáng tạo có thể khuất phục mọi trở ngại ngăn chúng ta đạt đến những mục tiêu của mình.
Tuy nhiên, để khai thác được sức mạnh này thì chúng ta phải xác định rõ những ước mơ của mình. Một tương lai lờ mờ thì không đủ “sức hút”. Để thật sự đạt được những ước mơ của mình, để những kế hoạch tương lai đủ “sức hút” đối với bạn, những ước mơ của bạn phải thật sống động, rõ ràng.
Giờ đây bạn có hai cách để đối mặt với tương lai: hoặc bằng sự dự phòng, hoặc bằng nỗi lo âu. Bạn thử đoán xem có bao nhiêu người đối mặt với tương lai bằng nỗi lo âu? Câu trả lời là phần lớn.
Bạn từng thấy kiểu người đó – luôn luôn lo lắng, lo lắng và lo lắng. Tại sao họ lại lo lắng nhiều như vậy? Vì họ đã không dành thời gian thiết kế tương lai của mình. Trong đa số trường hợp, họ sống cuộc sống của mình bằng cách cố gắng thuận theo ý người khác. Trong quá trình đó, rốt cuộc họ chỉ “áp dụng” quan điểm của người khác vào cuộc sống của mình mà thôi. Chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi họ luôn lo lắng – luôn nhìn ra xung quanh, tìm kiếm sự đồng thuận của người khác cho mọi việc mình làm.
Trái lại, những người đối diện tương lai với sự dự phòng đã hoạch định cho chính mình một tương lai đáng phấn khích. Họ có thể “nhìn thấy” được tương lai đó bằng con mắt của tâm trí và nó trông thật tuyệt vời. Tương lai đó thu hút trí tưởng tượng của họ và tạo ra một sức hút mạnh mẽ đối với họ.
SỨC MẠNH CỦA NHỮNG MỤC TIÊU ĐƯỢC XÁC ĐỊNH RÕ RÀNG
Những ước mơ luôn tuyệt vời nhưng chưa đủ. Có một bức tranh rực rỡ về những kết quả mà ta mong đợi vẫn chưa đủ. Để dựng nên một công trình vĩ đại, ta còn phải có một bản vẽ chi tiết từng bước một về cách đổ móng, cấu trúc chịu lực... Do đó, chúng ta cần có các mục tiêu.
Cũng như một ước mơ được xác định rõ ràng, những mục tiêu được xác định rõ ràng hoạt động như những khối nam châm. Chúng hút bạn về hướng của chúng. Bạn càng định nghĩa chúng rõ ràng, bạn càng mô tả chúng cụ thể, bạn càng nỗ lực để đạt được những mục tiêu thì sức hút của chúng càng mạnh. Khi những “ổ voi” cuộc đời có nguy cơ khiến bạn phải dừng lại trên đường đến thành công, bạn cần một lực nam châm đủ mạnh để hút bạn về phía trước.
Để hiểu được tầm quan trọng sống còn của các mục tiêu, hãy quan sát những người không có bất kỳ mục tiêu nào – phần đông mọi người đều như thế. Thay vì thiết kế cuộc đời mình, vì không được ai hướng dẫn, họ chỉ đơn giản là kiếm sống. Họ tranh đấu từng ngày trong cuộc chiến mưu sinh sống còn; họ phải chọn sinh tồn thay vì chất lượng sống. Không có gì đáng ngạc nhiên khi Thoreau nói rằng: “Hầu hết con người sống một cuộc đời tuyệt vọng âm thầm”.
LÝ DO
Ông Shoaff nói với tôi: “Jim, tôi nghĩ rằng tài khoản ngân hàng hiện giờ của cậu không thể hiện đúng mức trí thông minh của cậu”. (Ôi chao, tôi đã sung sướng biết bao khi nghe điều đó!) Ông ấy nói tiếp: “Tôi nghĩ cậu có nhiều tài, nhiều khả năng và thông minh hơn cậu tưởng rất nhiều”. Và hóa ra điều này lại đúng; tôi thật sự thông minh hơn tôi nghĩ vào thời điểm đó.
“Vậy tại sao tài khoản ngân hàng của tôi không nhiều hơn?”, tôi hỏi ông ấy.
“Vì cậu không có đủ lý do để đạt được điều đó”, người bạn của tôi đáp. Và rồi ông ấy nói thêm: “Nếu có đủ động lực thì cậu đã có thể làm được những điều khó tin; cậu có đủ trí thông minh nhưng không có đủ lý do”.
Ý tưởng này rất quan trọng: Phải có đủ lý do.
Từ đó tôi đã khám phá ra điều này: Lý do đến trước, câu trả lời sẽ đến tiếp theo. Dường như một “lẽ khác thường” của cuộc sống là những câu trả lời được ngụy trang theo một cách mà chúng chỉ hiện ra rõ ràng với những ai có động cơ đủ mạnh – những ai có đủ lý do – để tìm kiếm câu trả lời.
Nói theo một cách khác, khi bạn biết mình muốn gì và mong muốn đó đủ mạnh thì bạn sẽ tìm ra con đường để đạt được nó. Những câu trả lời, những phương pháp và giải pháp mà bạn cần để giải quyết các vấn đề trên đường đi sẽ lần lượt hé lộ ra cho bạn nhìn thấy.
Này, điều gì sẽ xảy ra nếu bạn buộc phải giàu có? Điều gì sẽ xảy ra nếu sinh mạng của người mà bạn rất mực yêu thương phụ thuộc vào khả năng chi trả của bạn cho dịch vụ y tế tốt nhất?
Chúng ta hãy đi xa hơn bằng một giả thuyết khác, rằng bạn vừa biết đến một quyển sách sẽ chỉ cho bạn cách để trở nên giàu có. Bạn sẽ mua nó chứ? Tất nhiên bạn sẽ mua.
Vì bạn đang đọc một quyển sách về cách để thành công, bạn sẽ được dẫn dắt để biết đến nhiều quyển sách và băng đĩa hay về chủ đề làm giàu. Nhưng nếu không buộc phải trở nên giàu có thì chắc bạn sẽ không sẵn sàng bỏ thời gian để đọc sách hay nghe băng. Có một câu tục ngữ: “Sự thiết yếu là mẹ của phát minh”. Đúng vậy! Hãy ghi nhớ điều này để luôn xác định những lý do của bạn trước tiên và tiếp đó mới đến những câu trả lời.
BỐN ĐỘNG LỰC MẠNH MẼ
Câu hỏi lớn mà bạn cần đặt ra cho chính mình là: Điều gì thúc đẩy tôi?
Mỗi người đều có những động lực khác nhau. Chúng ta đều có những “nút nóng” của riêng mình. Và nếu bạn chịu khó khám phá tâm hồn mình một chút, tôi chắc rằng bạn sẽ tìm thấy được một danh sách những điều truyền động lực cho bạn.
Những nhân tố nào thúc đẩy chúng ta nỗ lực để vượt trội? Ngoài mong muốn chính yếu rất rõ ràng là sự thành tựu về tài chính, còn có bốn động lực mạnh mẽ khác.
Thứ nhất là sự công nhận. Các công ty lớn và các giám đốc bán hàng khôn ngoan biết rằng một số người sẽ làm tốt khi được công nhận nhiều hơn là được tưởng thưởng bằng vật chất.
Đó là lý do tại sao những tổ chức kinh doanh thành công, đặc biệt là những công ty có hoạt động chủ yếu là bán hàng trực tiếp, đã bằng mọi giá chú trọng việc công nhận thành tích của nhân viên dù đó là thành tích lớn hay nhỏ. Họ biết rằng trong thế giới đông đúc của chúng ta, phần lớn mọi người đều cảm thấy mình nhỏ bé và không được biết đến dù làm tốt đến đâu. Sự công nhận là một cách để xác nhận nỗ lực của một người là xứng đáng. Trên thực tế, khi công nhận ai đó, người ta thường nói: “Này, bạn thật đặc biệt; bạn tạo nên sự khác biệt”.
Tôi tin rằng nếu ngày càng có nhiều công ty quan tâm hơn nữa đến việc công nhận nhân viên của mình – không chỉ nhân viên bán hàng mà cả cấp quản lý, thư ký và nhân viên bảo trì – thì các công ty đó sẽ tạo nên hiệu suất công việc tăng vọt không ngờ.
Lý do thứ hai khiến một số người trở nên vượt trội là họ thích cảm giác chiến thắng. Đây là một trong những lý do quan trọng nhất.
Nếu bạn phải nghiện một thứ gì đó thì hãy chọn chiến thắng để nghiện.
Tôi có vài người bạn, họ đều là triệu phú, làm việc từ 10 đến 12 tiếng mỗi ngày để kiếm thêm nhiều triệu đô-la nữa.
Không phải vì họ cần tiền. Điều họ cần là niềm vui, cảm giác thích thú và sự thỏa mãn mà những “chiến thắng” của họ mang lại. Với họ, tiền bạc không phải là động lực lớn; họ đã có rất nhiều tiền. Bạn biết động lực của họ là gì không? Đó là hành trình – cảm giác chiến thắng tuyệt vời mà hành trình đó mang lại.
Đôi khi, thường là ngay sau một buổi hội thảo do tôi dẫn dắt, một người nào đó sẽ đến gặp tôi và nói: “Thưa ông Rohn, nếu tôi có một triệu đô-la, tôi sẽ không bao giờ làm việc thêm một ngày nào nữa trong đời”. Đó có thể là lý do những người đó không bao giờ làm giàu được. Họ sẽ dễ dàng bỏ cuộc.
Động lực mạnh mẽ thứ ba là gia đình. Một số người sẽ làm việc vì những người mình thương yêu chứ không phải cho chính họ.
Một người đàn ông tôi từng gặp đã nói với tôi: “Ông Rohn à, gia đình tôi và tôi có một mục tiêu là cùng nhau đi du lịch khắp thế giới. Để có thể làm tất cả những điều mình muốn, chúng tôi sẽ cần 250 ngàn đô-la mỗi năm”. Thật khó tin! Một người đàn ông có thể chịu nhiều ảnh hưởng từ gia đình đến thế sao? Và câu trả lời là: “Tất nhiên rồi!”. Những người có động lực là tình yêu thương quả là những người may mắn!
Lòng nhân từ, mong muốn san sẻ sự giàu có của mình với người khác, là động lực mạnh mẽ thứ tư. Khi ông vua thép vĩ đại Andrew Carnegie qua đời, người ta mở ngăn kéo bàn làm việc của ông và tìm thấy một tờ giấy đã ố vàng. Trên mẩu giấy đó (ngày tháng được ghi cho biết vào lúc đó ông ấy đang ở độ tuổi 20), Carnegie đã viết ra mục tiêu chính của đời ông: “Tôi sẽ dành nửa đầu của cuộc đời mình để tích lũy tài sản. Nửa còn lại của cuộc đời mình, tôi dành để cho đi toàn bộ tài sản đó”.
Bạn biết điều gì không? Mục tiêu này đã truyền cảm hứng cho Carnegie nhiều đến nỗi nhờ đó mà tài sản tích lũy được của ông đã lên đến 450 triệu đô-la (tương đương 4,5 tỷ đô-la ngày nay!). Và quả đúng như vậy, trong suốt phần cuối của cuộc đời mình, ông ấy đã tìm thấy niềm vui trong việc cho đi hết tài sản mình có.
NHỮNG LÝ DO THIẾT YẾU
Chẳng phải việc chúng ta được thúc đẩy để đạt được những thành tựu bởi một mục tiêu tốt đẹp, cao cả như vậy là rất tuyệt vời sao? Tuy nhiên, về phần mình, tôi phải thú nhận rằng trong những năm đầu nỗ lực để vươn tới thành công, động lực của tôi thực dụng hơn rất nhiều. Lý do khiến tôi phấn đấu khi ấy mang tính cơ bản hơn. Đó là loại lý do mà tôi gọi là “thiết yếu”, là những lý do khiến cuộc sống của chúng ta buộc phải thay đổi. Tôi sẽ kể các bạn nghe điều gì đã xảy đến với tôi...
Một ngày nọ, không lâu trước khi tôi gặp Shoaff, tôi đang nằm dài trên ghế sofa ở nhà thì có tiếng gõ cửa, nghe có vẻ ngập ngừng và hơi rụt rè. Khi mở cửa ra, tôi thấy một cặp mắt màu nâu mở to đang ngước nhìn mình chăm chú. Một bé gái ốm yếu chừng 10 tuổi đang đứng đó. Lấy hết can đảm và quyết tâm từ trái tim nhỏ bé, cô bé nói với tôi rằng cô bé đang bán bánh quy cho Hội Nữ Thiếu sinh Hướng đạo (Girl Scouts). Đó là một phần giới thiệu sản phẩm rất thành thục – bánh có nhiều hương vị, giá đặc biệt và chỉ 2 đô-la một hộp. Ai có thể từ chối được chứ? Cuối cùng, bằng nụ cười niềm nở và lời lẽ vô cùng lễ phép, cô bé mời tôi mua.
Và tôi đã muốn mua. Tôi thật tình rất muốn mua!
Chỉ có một vấn đề: tôi không có 2 đô-la! Ôi trời, tôi đã bối rối vô kể! Chính là tôi đấy – một người cha, đã học đại học, đã đi làm và kiếm ra tiền – vậy mà khi ấy lại không có nổi 2 đô-la.
Đương nhiên là tôi không thể thú thực điều này với cô bé có đôi mắt to màu nâu ấy. Vậy nên tôi đành làm điều mà tôi cho là tốt nhất khi ấy: nói dối cô bé. Tôi nói: “Cảm ơn cháu, năm nay chú đã mua bánh quy của Nữ Thiếu sinh Hướng đạo rồi. Ở nhà chú vẫn còn rất nhiều”.
Hiển nhiên đó không phải là sự thật, nhưng tôi đã không nghĩ ra được cách nào khác để thoát khỏi tình huống đó. Và nó hiệu quả. Cô bé nói: “Dạ không sao, thưa chú. Cháu cảm ơn chú nhiều”. Nói xong, cô bé quay đi để tiếp tục công việc của mình.
Tôi chăm chăm nhìn theo cô bé trong một lúc, có lẽ là rất lâu. Cuối cùng, tôi quay vào nhà, đóng cửa lại, tựa lưng vào đó và kêu lên thật lớn: “Mình không muốn sống như thế này thêm một phút nào nữa. Mình đã quá chán ngán với tình trạng rỗng túi này rồi, vì mình không thể chịu được việc nói dối. Đừng bao giờ phải khó xử lần nữa vì không có đồng nào trong túi”.
Ngày đó, tôi đã tự hứa rằng sẽ kiếm đủ tiền để trong túi phải luôn có vài trăm đô-la.
Đó là những gì tôi muốn ngụ ý về lý do thiết yếu. Một lý do thiết yếu có thể không khiến tôi được trao giải thưởng vì một việc làm cao cả nào đó, nhưng nó đủ thiết yếu để ảnh hưởng đến suốt phần đời còn lại của tôi.
Câu chuyện bánh quy Nữ Thiếu sinh Hướng đạo của tôi cuối cùng cũng đã có một cái kết đẹp. Một vài năm sau đó, khi vừa đi ra khỏi ngân hàng sau khi gửi vào một khoản tiền lớn, tôi thấy hai cô bé đang bán kẹo cho một tổ chức dành cho bé gái. Một trong hai cô bé tiến về phía tôi và nói: “Thưa chú, chú có thể mua một ít kẹo không ạ?”.
Tôi vui vẻ nói: “Để chú xem nào. Cháu có loại kẹo nào thế?”.
“Almond Roca ạ.”
“Almond Roca à? Đó là loại chú thích! Bao nhiêu tiền vậy cháu?”
“Dạ 2 đô-la thôi ạ.” Hai đô-la! Thật không tin nổi!
Tôi hào hứng hẳn lên. “Cháu có bao nhiêu hộp kẹo?”
“Năm ạ.”
Nhìn sang bạn của cô bé, tôi hỏi: “Còn cháu, cháu còn mấy hộp?”.
“Dạ cháu còn bốn.”
“Vậy là chín hộp. Được, chú sẽ lấy hết.”
Nghe vậy, cả hai cô bé há hốc nhìn và cùng kêu lên: “Thật ạ?”.
“Chắc chắn rồi”, tôi đáp. “Chú có vài người bạn nên chú sẽ san sẻ ra cho mỗi người một hộp.”
Hai cô bé phấn khởi hẳn lên, liền gom lại tất cả các hộp kẹo mình đang có. Tôi đưa tay vào túi và trao cho hai cô bé 18 đô-la. Khi tôi định đi với những hộp kẹo kẹp dưới cánh tay, một trong hai cô bé nhìn tôi với vẻ ngưỡng mộ và nói: “Thưa chú, chú ‘ngầu’ thật đó!”.
Thật tuyệt! Bạn có tưởng tượng được chuyện bạn tặng ai đó 18 đô-la và họ nhìn vào mắt bạn và nói rằng bạn thật ‘ngầu’ không?!
Giờ thì bạn biết tại sao tôi luôn mang theo bên mình vài trăm đô-la rồi đấy. Tôi sẽ không để mất những cơ hội như thế một lần nào nữa.
Tôi sẽ kể cho bạn một ví dụ khác về lý do thiết yếu. Tôi có một người bạn tên là Robert Depew. Bobby (tên thân mật của anh ấy) từng đi dạy ở Lindsay, California, thủ phủ của ô-liu. Sau một vài năm, Bobby quyết định sẽ bỏ việc. Anh ấy muốn có một khoảng dừng và sau đó sẽ bắt đầu một nghề nghiệp mới. Một ngày nọ, không nói cho bất kỳ ai biết, anh ấy từ bỏ việc dạy học và nhảy vào lĩnh vực kinh doanh. Khi gia đình Bobby biết được điều đó, anh ấy trở thành mục tiêu của rất nhiều lời chỉ trích. Nhưng phản ứng tồi tệ nhất là từ người anh trai; cứ như anh ấy cảm thấy thỏa lòng khi chì chiết em trai mình vậy.
“Cuộc đời mày sẽ không đi đến đâu”, người anh mỉa mai. “Việc dạy học của mày đang tốt đẹp, giờ thì mày coi như mất hết. Hẳn là mày bị mất trí rồi.”
Anh của Bobby nhiếc móc anh ấy bất cứ khi nào có cơ hội. Bobby kể lại: “Cách hành xử của anh tôi khiến tôi bực tức đến nỗi tôi quyết định phải trở nên giàu có”.
Hiện nay, Robert Depew là một trong những người bạn triệu phú của tôi.
Cũng như câu chuyện “bánh quy” của tôi, câu chuyện này nói lên một điều rằng ngay cả sự tức giận và cảm giác có lỗi khi được định hướng đúng cũng có thể trở thành những động lực thiết yếu mạnh mẽ giúp chúng ta đạt mục tiêu.
* * *
Bạn có câu chuyện nào tương tự để minh họa cho điều này không? Bạn có từng rơi vào một tình huống khó xử mà bạn muốn xóa khỏi ký ức không? Tôi chắc rằng bạn biết một câu nói rất đúng của người xưa: “Thành công to lớn là sự trả thù ngọt ngào nhất”.
Có thể bạn cũng nhận ra rằng có bao nhiêu người là có bấy nhiêu lý do để thành công. Chìa khóa chính là: Có đủ lý do. Làm thế nào để một người tìm được “nút nóng” (hay những nút nóng) để có thể biến chuyển một cuộc đời với ít thành tựu trở thành một cuộc đời sung túc và hạnh phúc? Đó là chủ đề của chương tiếp theo.