Tất cả các ý tưởng trong quyển sách này đều xuất phát từ một nhóm các từ then chốt. Vì vậy, để hiểu và từ đó thu nhận được tối đa giá trị của quyển sách, chúng ta cần phải có một cách hiểu thống nhất những từ này.
NỀN TẢNG
Trước hết, hãy xem xét từ “nền tảng”. Tôi định nghĩa nền tảng là những nguyên tắc cơ bản mà từ đó mọi thành tựu được xây dựng nên.
Nền tảng tạo nên sự khởi đầu, phần căn bản và hiện thực để từ dòng chảy đó, mọi thứ khác có thể hình thành theo.
Những gì thuộc về nền tảng thì không thay đổi theo thời gian, chẳng hạn như những nguyên tắc nền tảng. Vì vậy, bạn có thể áp dụng từ “nền tảng” vào khái niệm thành công. Nếu bạn đang tìm kiếm sự thành công nền tảng, loại thành công bền vững được xây dựng từ một nền móng vững chắc, thì bạn cần phải tránh mọi câu trả lời hoa mỹ. Ngày nay, chúng ta thường nghe rất nhiều câu trả lời hoa mỹ, trong khi trái lại, thành công là một quá trình đơn giản. Nó không rơi từ trên trời xuống. Nó cũng không phải là điều gì mầu nhiệm hay bí ẩn.
Thành công đơn giản là kết quả tự nhiên của việc áp dụng nhất quán những nền tảng của sự thành công vào cuộc sống.
Điều đó cũng đúng cho sự sung túc và hạnh phúc. Hai điều này cũng đơn giản là kết quả tự nhiên của việc áp dụng nhất quán những nền tảng của sự sung túc và hạnh phúc vào cuộc sống.
Chìa khóa cho mọi sự là bám chắc vào các nền tảng.
Một số ít điều then chốt
Một ngày nọ, vị thầy của tôi, ông Shoaff, nói với tôi: “Này Jim, thường chỉ có một số ít điều then chốt làm nên 80% sự khác biệt”.
Một số ít điều then chốt... thật là một ý tưởng đáng suy ngẫm.
Cho dù chúng ta đang làm mọi chuyện để cải thiện sức khỏe, tài sản, thành tựu cá nhân hay công việc kinh doanh thì sự khác biệt giữa thành công vượt trội và thất bại đắng cay cũng tùy thuộc vào mức độ cam kết của chúng ta trong việc tìm kiếm, học hỏi và áp dụng một số ít điều then chốt này.
Ví dụ, với một người nông dân mong muốn một vụ mùa bội thu vào mùa thu tới thì những điều then chốt mà ông ta cần tập trung khá dễ thấy: đất, giống, nước, nắng, phân bón và sự chăm sóc. Mỗi thành tố này đều có tầm quan trọng ngang nhau vì chỉ khi kết hợp cùng nhau thì chúng mới mang lại quả ngọt là một vụ thu hoạch thành công.
Vì vậy, câu hỏi thích hợp cần đặt ra trước khi thực hiện bất kỳ một dự án mới hay thiết lập những mục tiêu mới nào là: Một số ít điều then chốt nào sẽ quyết định phần lớn sự khác biệt ở các kết quả? Dù là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực mỹ thuật hay âm nhạc, toán học hay vật lý, thể thao hay kinh doanh thì những nền tảng này đều đóng vai trò quyết định.
Hiểu và áp dụng nguyên tắc đơn giản này là bước đi thông minh đầu tiên đưa bạn đến việc hoàn thành những mục tiêu và ước mơ của mình.
SUNG TÚC
Từ then chốt thứ hai chúng ta cần phải định nghĩa là sung túc. Sung túc, hay giàu có là một từ gây tranh cãi vì nó mang đến cho tâm trí chúng ta nhiều hình ảnh khác nhau và thậm chí là nhiều khái niệm mâu thuẫn nhau. Kết quả là mỗi người chúng ta có quan điểm khác nhau về sự giàu có hay sung túc. Với người này, giàu có nghĩa là có đủ tiền để có thể làm mọi điều mình muốn. Với người kia, nó có thể là hoàn toàn không nợ nần. Với một người khác nữa thì sự giàu có hay sung túc lại đồng nghĩa với cơ hội để phát triển và thành đạt.
Nhưng cũng chính sự đa dạng về quan điểm này lại đưa đến khả năng sáng tạo, và khả năng sáng tạo giúp mỗi chúng ta tìm ra những phương cách độc đáo cho riêng mình để làm việc vì một cuộc sống sung túc.
Đối với đa số những người không dành quá nhiều thời gian suy nghĩ về chủ đề này, để định nghĩa sự giàu có, đơn giản họ chỉ cần một từ: triệu phú. Hiện nay, đó là một từ khiến người nghe phấn khích! Nó vang lên âm thanh của sự thành công, tự do, sức mạnh, tầm ảnh hưởng, sự hưởng thụ, khả năng và tinh thần từ thiện. Có một điều chắc chắn, triệu phú là một hình ảnh không tệ.
Mặt khác, từ giàu có không chỉ bao hàm những khái niệm về kinh tế. Ta cũng có thể nói về sự giàu kinh nghiệm, sự giàu có về tình bạn, sự giàu có về tình yêu thương, về gia đình, về văn hóa.
Tuy nhiên, mục đích của chúng ta ở đây là tập trung vào loại giàu có mà đi cùng với nó là sự tự do về tài chính: Sự giàu có đến từ việc chuyển đổi nỗ lực và công việc kinh doanh thành tiền tệ và vốn.
Số tài sản mà mỗi người chúng ta cần để có được cảm giác sung túc sẽ khác nhau. Tuy nhiên, tôi chắc chắn một điều rằng ước mơ của chúng ta về cơ bản là giống nhau: được tự do khỏi áp lực tài chính, được tự do lựa chọn và tận hưởng các cơ hội để sáng tạo và chia sẻ.
***
Sự giàu có có ý nghĩa như thế nào đối với bạn? Bạn cần có nhiều tiền đến mức nào để có cảm giác tự do về tài chính? Đây không phải là những câu hỏi chỉ “để cho vui”. Bạn sẽ nhanh chóng thấy rằng bạn càng có ý niệm rõ ràng về sự giàu có vật chất thì những ý tưởng trong quyển sách này sẽ càng hữu dụng với bạn.
HẠNH PHÚC
Sự tìm kiếm hạnh phúc bao hàm mọi sự tìm kiếm trên thế giới này.
Tuy nhiên, cũng giống như sự giàu có, hạnh phúc với từng người lại có cách hiểu khác nhau. Hạnh phúc bao hàm cả niềm vui của sự khám phá và niềm vui của sự hiểu biết. Nó thường đồng hành với những ai nhận thức được trọn vẹn những màu sắc, thanh âm và sự hài hòa của cuộc sống.
Hạnh phúc cũng đến với những người dành trọn tâm sức để thiết kế đời sống của họ, rồi thưởng thức đời sống đó như một tuyệt tác.
Hạnh phúc là kỹ năng phản ứng với những gì mà cuộc sống mang lại bằng khả năng nhận thức và tận hưởng cuộc sống của mình.
Bạn cảm nhận được niềm hạnh phúc cả khi cho và khi nhận, khi gặt hái cũng như khi gieo trồng. Bạn cảm nhận được sự hài hòa trong khi thưởng thức những món ăn cũng như trong suy nghĩ.
Hạnh phúc sẽ đến với những ai chân thành mong muốn mở rộng phạm vi hiểu biết và kinh nghiệm của mình.
Hạnh phúc lưu trú trong ngôi nhà của những ai có khả năng ứng phó với cảm giác thất vọng để không đánh mất cảm giác hạnh phúc của mình. Hạnh phúc không rời xa những ai kiểm soát được cả hoàn cảnh và cảm xúc của họ.
Hạnh phúc cũng là tự do thoát khỏi những cảm xúc tiêu cực khác do nỗi sợ sinh ra như sự lo lắng, đánh giá thấp bản thân, thói ganh tị, tham lam, bất mãn, định kiến và sự oán giận.
Những ai nếm trải được hạnh phúc thường thấu hiểu và nhận thức được sức mạnh tích cực diệu kỳ của cuộc sống và tình yêu.
Tuy nhiên, hạnh phúc không chỉ là cảm nhận thông thường mà còn là một phương thức suy nghĩ – phương thức tổ chức các cảm giác, hoạt động và phong cách sống. Nói cách khác, nó là một phương cách diễn dịch thế giới và các sự kiện.
Hạnh phúc là tìm thấy được giá trị trong sự cân bằng. Đó là cảm giác hài lòng với công việc hằng ngày, kể cả những công việc lặp đi lặp lại nhàm chán mà ít ai trong chúng ta có thể thoát được.
Hạnh phúc là sống trọn vẹn, một cuộc sống phong phú những trải nghiệm và ký ức mà sẽ trở thành những tài sản vô giá cho những ai biết cách “chi tiêu” và “đầu tư” chúng.
Hạnh phúc là hành động có mục đích, là tình yêu trong thực tế. Hạnh phúc vừa là khả năng nhìn thấy được những gì đang hiển hiện, vừa là lòng tôn kính với những điều kỳ diệu.
Tuy nhiên, hầu hết chúng ta nghĩ rằng hạnh phúc là thứ gì đó đã mất trong quá khứ hay một đỉnh cao cần phải đạt đến trong tương lai xa xôi (Tôi sẽ hạnh phúc chỉ khi nào mà...). Chỉ có rất ít người hiểu rằng hạnh phúc chỉ có thể tìm thấy được trong hiện tại. Và quả thật, cũng như nhiều điều tốt đẹp khác, hạnh phúc thường khó nắm bắt. Nhưng tôi cam đoan với bạn rằng hạnh phúc không phải là thứ không thể có được.
Vậy làm thế nào chúng ta có thể tìm thấy hạnh phúc? Thật kỳ lạ là bạn chỉ cần hiểu và áp dụng một khái niệm tưởng chừng như không liên quan chút nào đến hạnh phúc, đó là... tính kỷ luật.
KỶ LUẬT
Nếu có một yếu tố sống còn quyết định sự thành công của hành trình tìm kiếm cả sự giàu có lẫn hạnh phúc thì đó là tính kỷ luật. Khi vừa nghe đến khái niệm này, nhiều người sẽ không đồng ý vì nó khiến bạn liên tưởng đến hình ảnh một viên sĩ quan huấn luyện khắt khe hay một giáo viên nghiêm khắc lăm lăm cây thước trên tay.
Nhưng tôi đảm bảo với bạn rằng một khi bạn đã rèn được tính kỷ luật tức là bạn đã nắm giữ chiếc chìa khóa để biến những ước mơ và khát vọng của mình thành hiện thực. Bạn thấy ngạc nhiên ư? Vậy thì có lẽ chúng ta nên dành một chút thời gian để định nghĩa xem thế nào là kỷ luật.
* * *
Kỷ luật là chiếc cầu nối giữa ý tưởng và kết quả đạt được, là chất keo kết dính niềm cảm hứng với thành quả, là mãnh lực phi thường biến nhu cầu tài chính thành sự sáng tạo ra một tác phẩm nghệ thuật đầy cảm hứng.
Kỷ luật đến với những ai nhận thức được rằng để cánh diều có thể bay cao thì nó phải cưỡi lên ngọn gió; rằng những điều tốt đẹp chỉ có thể xảy đến với những người quyết tâm bơi ngược dòng; rằng một thái độ sống buông xuôi, để mọi thứ trôi đi vô định chỉ dẫn đến đắng cay và thất vọng mà thôi.
Kỷ luật là nền tảng để tạo dựng thành công. Sự thiếu kỷ luật sẽ không tránh khỏi dẫn đến thất bại.
Tuy nhiên, thật kỳ lạ là nhiều người lại không thấy được mối liên hệ giữa sự thiếu kỷ luật và sự thiếu vắng thành công. Phần lớn mọi người hình dung thất bại như là một sự kiện chấn động, chẳng hạn như một công ty đang có nguy cơ phá sản hay một căn nhà sắp bị tịch biên.
Tuy nhiên, đây không phải là cách thất bại diễn ra. Thất bại hiếm khi là kết quả của một sự việc riêng lẻ. Thay vào đó, nó là hệ quả của một danh sách cộng dồn nhiều thất bại nho nhỏ xảy ra do tình trạng thiếu kỷ luật quá mức.
Thất bại xảy đến mỗi khi chúng ta không thể nghĩ trong hôm nay, hành động ngay hôm nay, chăm sóc, nỗ lực, phấn đấu, học hỏi hay cứ bước tiếp... ngay hôm nay.
Nếu mục tiêu ngày hôm nay của bạn là phải viết mười bức thư nhưng bạn chỉ viết được ba bức thư, bạn còn thiếu bảy bức thư mới đạt mục tiêu.
Nếu bạn tự cam kết sẽ thực hiện năm cuộc gọi trong hôm nay nhưng bạn chỉ thực hiện một cuộc gọi, bạn còn thiếu bốn cuộc gọi mới đạt mục tiêu.
Nếu kế hoạch tài chính đòi hỏi bạn phải tiết kiệm 10 đô-la trong khi bạn không tiết kiệm được đồng nào, bạn còn thiếu 10 đô-la mới đạt mục tiêu của ngày hôm nay!
Khi chúng ta nhìn lại một ngày trôi qua lãng phí và thấy như vậy cũng không hại gì, thì khi đó mới thật sự nguy hiểm. Dù sao đó chỉ là một ngày thôi mà. Nhưng nhiều ngày như thế cộng lại sẽ thành một năm và nhiều năm như thế cộng lại sẽ thành một đời, và có lẽ giờ đây bạn đã có thể thấy được cách mà những thất bại nho nhỏ lặp đi lặp lại của hôm nay có thể dễ dàng biến cuộc đời bạn thành một thất bại thảm hại.
Thành công cũng tuân theo một khuôn thức chính xác như trên, nhưng theo cách ngược lại. Nếu bạn lên kế hoạch thực hiện mười cuộc gọi trong hôm nay và bạn gọi mười lăm cuộc, tức là bạn đã vượt chỉ tiêu năm cuộc gọi. Hãy làm tương tự với kế hoạch gửi thư cũng như tiết kiệm của mình và bạn sẽ sớm nhìn thấy quả ngọt từ những nỗ lực bền bỉ từng ngày của bạn sau một năm và thành quả cuối cùng sau một đời.
Kỷ luật là chiếc chìa khóa chủ. Nó mở cánh cửa dẫn đến sự sung túc và hạnh phúc, văn hóa và nhận thức, lòng tự trọng cao và thành tựu lớn, và đồng hành với kỷ luật là những cảm giác tự hào, mãn nguyện và thành công.
Làm thế nào để có được tính kỷ luật?
Thứ nhất, bạn phải nhận thức được tầm quan trọng của tính kỷ luật trong cuộc sống của mình. Hãy bắt đầu bằng cách tự hỏi: “Tôi muốn đạt được điều gì trong cuộc đời mình? Những thay đổi nào là cần thiết để tôi đạt được những mục tiêu đó?”.
Thứ hai, hãy tự hỏi mình một cách trung thực: “Tôi có quyết tâm thực hiện những điều đó không?”. Nếu câu trả lời là “Có” thì bạn cần làm một cam kết dài hạn để duy trì tính kỷ luật của mình một cách khôn ngoan, có chủ đích, và nhất quán.
Cuối cùng, cam kết này của bạn cần phải được kiểm nghiệm trong những tình huống phát sinh mà có thể gây cản trở cho việc bạn thực hiện cam kết.
Chắc chắn tính kỷ luật sẽ mang lại nhiều điều cho cuộc sống của bạn và quan trọng hơn, nó mang lại nhiều điều cho chính bản thân bạn. Kỷ luật giúp bạn nhìn thấy được con người tốt đẹp của chính mình.
Ngay cả kỷ luật ở mức độ tối thiểu cũng có ảnh hưởng khó tin đến thái độ của bạn. Và cảm giác tích cực mà bạn có được từ việc nhìn thấy giá trị của bản thân khi bắt đầu tuân theo một kỷ luật mới cũng tuyệt vời gần như cảm giác khi bạn đạt được kỷ luật mới đó.
Mỗi kỷ luật mới đều ngay lập tức góp phần làm chuyển hướng cuộc đời bạn, giống như con tàu đổi hướng hành trình giữa đại dương và nhắm tới một đích đến mới.
Có những người tin rằng kỷ luật là điều trái tự nhiên, rằng chỉ cần sống là đủ. Họ xem mong muốn thành tựu là nhân tạo, là không lành mạnh. Nhưng trên thực tế, tính kỷ luật rất phù hợp với thế giới tự nhiên, nơi mà mọi thứ đều phải nỗ lực.
Một cái cây khi lớn lên sẽ cao đến mức nào? Nó phải tranh đấu với sức mạnh to lớn của trọng lực và không ngừng vươn ra hấp thụ ánh nắng mặt trời để mọc lên cao hết mức có thể. Đúng vậy, sự đấu tranh này không phải là một hành vi có ý thức, bởi vì cây không có não. Nhưng bạn và tôi đã được ban cho khả năng lựa chọn có ý thức việc luôn cố gắng và trở thành con người hoàn thiện nhất có thể.
Kỷ luật thu hút cơ hội. Những cơ hội tuyệt vời luôn đến với những người không ngừng phát triển các kỹ năng và hăng say hành động. Những người có tầm nhìn và quyết tâm thực hiện những mục tiêu cao thông qua kỷ luật và cam kết sẽ nắm bắt được những cơ hội mà những tâm hồn yếu đuối hơn sẽ không bao giờ nhìn thấy được.
Kỷ luật là một quá trình độc nhất vô nhị của tư tưởng và hành động thông minh, giúp làm giảm bớt sự bốc đồng và nuôi dưỡng những cách ứng xử có chừng mực, phép tắc; phát triển những hành động tích cực và kiểm soát những ý nghĩ tiêu cực; khuyến khích hướng tới sự thành công và từ chối chấp nhận thất bại; tăng cường sức khỏe và hạn chế bệnh tật.
Bất kỳ ai cũng có thể bắt đầu quá trình sống có kỷ luật. Bạn có thể rèn tính kỷ luật theo từng cấp độ, nâng lên từng bậc theo thời gian.
Một tin rất tốt lành là...
Bạn có thể bắt đầu, ngay hôm nay!
Đừng nói: “Nếu tôi đã có thể…, tôi cũng sẽ…”. Hãy nói: “Nếu tôi…, tôi sẽ có thể…!”.
Bây giờ, hãy bắt đầu quá trình mới này và bắt đầu bằng những việc nhỏ. Và sau đó, bạn học cách để luôn thực hiện đúng những cam kết mới của mình. Từ sự bắt đầu tưởng chừng như không quan trọng này, bạn sẽ thấy sống có kỷ luật tuyệt vời như thế nào. Và kể từ đó, cuộc sống của bạn không còn giới hạn nào nữa.
Hành động thay vì tự huyễn hoặc
Trong những năm gần đây, có một vài quyển sách đưa ra ý tưởng rằng nếu mỗi ngày chúng ta khẳng định bằng lời nói điều mình mong muốn, thành công sẽ đến một cách kỳ diệu. Tôi cho rằng điều này thật phi lý. Việc chỉ nói ra điều mình mong muốn mà không hề thực hành kỷ luật để thực hiện mong muốn đó sẽ khiến chúng ta trở nên phi thực tế. Chúng ta ảo tưởng rằng mình đang tiến bộ, trong khi những hoạt động hằng ngày không mục tiêu, không nỗ lực sẽ chẳng đưa chúng ta đến đâu cả.
Hãy hình dung một người mơ ước trở nên giàu có nhưng những việc anh ta làm hằng ngày trong thực tế lại đang đưa anh ta đến sự túng quẫn; hay một người khát khao được hạnh phúc trong khi những suy nghĩ và hành động của cô ta lại theo chiều hướng tiêu cực. Họ đều tự huyễn hoặc mình khi tự xoa dịu bằng lời nói. Vì vậy, hãy nhớ: Để đi đến thành công, chúng ta phải thật sự bắt đầu!
Để trở nên giàu có, hãy phát triển một kế hoạch “giàu có”. Nên nhớ rằng bạn không cần phải giàu có mới cần một kế hoạch giàu có; một người không có bất kỳ phương tiện nào cũng có thể lập một kế hoạch để “trở nên giàu có”.
Có vô số kiểu kế hoạch khác mà bạn có thể tạo ra:
• Nếu sức khỏe của bạn không tốt, hãy bắt đầu một kế hoạch về sức khỏe.
• Bạn luôn cảm thấy mệt mỏi? Vậy hãy bắt đầu một kế hoạch trau dồi năng lượng.
• Bạn cảm thấy mình vẫn còn thiếu nhiều kiến thức? Vậy thì hãy bắt đầu một kế hoạch học tập.
• Bạn thường nói “Tôi không thể”? Hãy bắt đầu một kế hoạch “Tôi có thể”.
Ai cũng có thể!
Ngay cả một người dở tệ cũng có thể bắt đầu đọc những quyển sách hay. Quan trọng là tiến từng bước, ngay hôm nay. Dù dự án của bạn là gì, hãy bắt đầu ngay hôm nay.
Bắt đầu dọn sạch ngăn kéo để có bàn làm việc mới được sắp xếp khoa học ngay hôm nay.
Bắt đầu lập mục tiêu đầu tiên ngay hôm nay.
Bắt đầu nghe những nội dung audio tạo động lực ngay hôm nay.
Bắt đầu kế hoạch giảm cân hiệu quả ngay hôm nay.
Bắt đầu gọi điện hỏi thăm một khách hàng khó tính mỗi ngày ngay hôm nay.
Bắt đầu nạp tiền vào tài khoản mới, “đầu tư cho tương lai” ngay hôm nay.
Viết bức thư mà bạn đã trì hoãn quá lâu ngay hôm nay.
Có gì to tát đâu nhỉ! Hãy tạo động lực cho cam kết mới của bạn về một cuộc sống tốt đẹp. Hãy xem bạn có thể làm được bao nhiêu việc để thực hiện cam kết này. Hãy làm hết sức mình! Hãy bứt phá ra khỏi vòng xoáy đi xuống của trọng lực. Hãy khởi động những lực gia tốc của bạn. Hãy chứng tỏ cho bản thân thấy rằng thời của chờ đợi và hy vọng viển vông đã qua và đây là thời của niềm tin và hành động.
Đây là một ngày mới, một sự khởi đầu mới cho cuộc sống mới của bạn. Bằng kỷ luật, bạn sẽ rất kinh ngạc nhận ra mình đã tiến bộ nhiều đến đâu. Bạn đã chẳng mất gì ngoài cảm giác hối tiếc và nỗi sợ quá khứ, phải không?
***
Giờ đây, tôi mang đến cho bạn thử thách tiếp theo: Hãy biến ngày đầu tiên cho sự khởi đầu mới của bạn thành ngày đầu tiên của tuần lễ của những sự khởi đầu mới.
Bắt tay vào việc nào! Hãy xem bạn có thể bắt đầu bao nhiêu việc để khởi đầu cho tuần lễ khởi đầu đó.
Tiếp theo, hãy biến tháng này thành tháng của những sự khởi đầu mới... và rồi năm của những sự khởi đầu mới. Vào lúc bạn hoàn thành năm đầu tiên này của mình, bạn sẽ không bao giờ còn bị “đòi nợ” bởi quá khứ – những thói quen quá khứ, những ảnh hưởng quá khứ, những tiếc nuối quá khứ, những thất bại quá khứ. Bạn đã sẵn sàng để “bay cùng đại bàng”.
THÀNH CÔNG
Thành công là từ then chốt thứ năm. Và cũng giống như những khái niệm đã được lần lượt thảo luận, thành công có nhiều tầng ý nghĩa.
Thành công cũng là một khái niệm khó hình dung, một nghịch lý. Suy cho cùng, nó vừa là hành trình, vừa là đích đến, không phải vậy sao?
Thành công là sự tiến bộ ổn định, có thể đo lường được so với mục tiêu và mức độ hoàn thành mục tiêu.
Thành công vừa là thành tựu vừa là sự thông tuệ dành cho những ai hiểu được sức mạnh tiềm tàng của cuộc sống.
Thành công là sự nhận biết giá trị và sự trau dồi những giá trị xứng đáng bằng kỷ luật.
Thành công vừa là vật chất, vừa là tinh thần; vừa thực tế, vừa huyền bí.
Thành công là một quá trình, trong đó bạn “quay lưng” với một vài thứ để chuyển sang những thứ tốt đẹp hơn – từ tình trạng uể oải sang lối sống năng động, từ kẹo sang trái cây, từ chi tiêu sang đầu tư.
Thành công là nghe theo tiếng gọi thay đổi, trưởng thành, phát triển và trở thành – tiếng gọi vươn lên một vị trí tốt đẹp hơn để có được một vị thế thuận lợi hơn.
Nhưng điều quan trọng hơn hết là thành công mang đến cho bạn cuộc sống mà bạn mong muốn. Hãy xem xét mọi khả năng, hãy xem xét tấm gương của tất cả những người có cuộc sống mà bạn ngưỡng mộ để biết bạn muốn có được những gì trong cuộc đời mình? Đó là một câu hỏi lớn!
Hãy nhớ rằng thành công không phải là một bộ tiêu chuẩn được lấy từ nền văn hóa của chúng ta mà là một tập hợp những giá trị cá nhân được định nghĩa rõ ràng và cuối cùng phải đạt được.
***
Tạo dựng cuộc đời mình như mình mong muốn – đó chính là thành công. Nhưng làm thế nào chúng ta thực hiện được điều đó? Đó chính xác là những nội dung mà quyển sách này đề cập.