Lời tựa của Sean Covey(cho phiên bản kỷ niệm 30 năm ngày xuất bản cuốn sách)
Tôi đã vô số lần được hỏi: “Bạn cảm thấy thế nào khi lớn
lên trong ngôi nhà của tiến sĩ Stephen R. Covey nổi tiếng thế giới và
7 Thói quen của ông ấy?”
Khi tôi là một đứa trẻ, bố mẹ tôi đơn giản chỉ là bố mẹ tôi, họ yêu thương và chăm sóc tôi, nhưng cũng có đôi lúc họ làm tôi thấy xấu hổ. Khi tôi là một thiếu niên, nhiều lần có những người lạ đến gần tôi, ôm tôi, bắt đầu khóc trên vai tôi và chia sẻ: “Tôi muốn bạn biết rằng cuốn sách của bố bạn đã thay đổi cuộc đời tôi.” Lúc đó tôi 17 tuổi và nghĩ, “Bạn có nghiêm túc không vậy? Bạn có nhận ra rằng bố tôi mặc một cái áo sơ mi rộng thùng thình với chiếc quần bò và đôi giày thuyền không? Và ông ấy đã thay đổi cuộc đời bạn ư?”
Tôi nhớ có lần khi tôi đang đi học ở trường tiểu học, bố xuất hiện vào giờ ăn trưa và bắt đầu hát một giai điệu mà ông tự sáng tác có tên “Tôi yêu gia đình tôi” trong khi đứng xếp hàng chờ lấy đồ ăn với tôi. Bạn bè tôi nghĩ việc đó thật buồn cười, còn tôi thì chỉ muốn đào lỗ chui xuống đất. Đã thế, bố còn bị hói! Thật đáng xấu hổ!
Mãi sau này tôi mới nhận ra món quà mà bố đã tặng khi tôi là một đứa trẻ. Ở tuổi 19, cuối cùng thì tôi cũng bắt đầu đọc một trong những cuốn sách của bố, và tôi nghĩ: “Wow, bố thật thông thái và sâu sắc.” Nó làm tôi nhớ lại tất cả những bài học mà bố đã dạy. Là đứa con thứ tư trong số chín đứa trẻ của “ngôi nhà 7 Thói quen”, tôi lớn trên trong môi trường của những nội dung này. Bố không chỉ dạy chúng tôi những nguyên lý mà ông đã viết, mà còn coi chúng tôi là những học sinh quan trọng nhất của mình. Ông đã cố gắng truyền tải tất cả những tư tưởng của mình cho chúng tôi. Nhưng cũng giống như con cá không nhận ra rằng nó đang sống trong nước, chúng tôi cũng không nhận ra rằng mình đang được sống trong môi trường của những thói quen hiệu quả.
Khi bắt đầu đi làm và ngày càng nhận thức được bản chất sâu sắc của 7 Thói quen, tôi quyết định viết một phiên bản cuốn sách dành cho các bạn tuổi thanh thiếu niên mang tên “7 Thói quen của tuổi teen hiệu quả”. May mắn cho tôi, tôi không có con cái tuổi thanh thiếu niên vào thời điểm đó. Bây giờ con tôi đến độ tuổi này, tôi muốn rút lại tất cả những gì mình đã viết, vì tôi thấy không có thứ gọi là “tuổi teen hiệu quả”. Đùa thôi. Thực ra thì ngày nay có rất nhiều bạn thanh thiếu niên xuất sắc.
Nhìn thấy ảnh hưởng của 7 Thói quen đối với cuộc sống của rất nhiều người, tôi có cảm hứng tiếp tục chia sẻ thông điệp của nó. Tôi đã viết một cuốn sách truyện tranh dành cho trẻ em mang tên “7 Thói quen của Trẻ em Hạnh phúc” và một cuốn sách dành cho sinh viên đại học mang tên “7 Thói quen của sinh viên hiệu quả”. Trong vai trò Trưởng bộ phận Sáng tạo của FranklinCovey, tôi cũng thiết kế các chương trình, hội thảo, video và sách bài tập về 7 Thói quen trong vài thập kỷ qua. Nói ngắn gọn, ngoài việc được lớn lên trong “ngôi nhà 7 Thói quen”, tôi nghĩ rằng có lẽ tôi là người suy ngẫm, viết và làm việc với 7 Thói quen nhiều hơn bất kỳ ai khác trên thế giới, ngoại trừ bố tôi.
Vậy nên khi Simon & Schuster, nhà xuất bản của 7 Thói quen hiệu quả, hỏi tôi về việc viết thêm những hiểu biết của riêng mình vào phiên bản kỷ niệm 30 năm của cuốn sách, tôi cảm thấy phân vân. Phản ứng đầu tiên của tôi là: “Không thể nào! Cuốn sách này là một kiệt tác. Tại sao lại cần bổ sung thêm bất kỳ điều gì vào nó?”
Tuy nhiên, khi ngẫm nghĩ thêm về việc này, tôi bắt đầu cảm thấy rằng đây có thể là một ý tưởng hay vì nó cho phép tôi làm rõ hơn những tác động của 7 Thói quen, không chỉ đối với bản thân tôi mà còn đối với cả thế giới. Không chỉ vậy, tôi nhận ra rằng tôi cũng có thể chia sẻ những câu chuyện ít người biết từ cuộc sống của chính bố tôi, cũng như cho độc giả thấy rằng 7 Thói quen vẫn còn nguyên giá trị cho đến tận ngày nay.
Trên thực tế, những vấn đề và thách thức bên trong những gia đình, tổ chức và xã hội càng lớn, các thói quen lại càng có giá trị. Tại sao? Vì chúng được dựa trên những nguyên lý phổ quát, trường tồn của tính hiệu quả. Bố tôi không tuyên bố mình phát minh ra những khái niệm này, mà ông xem chúng là những nguyên lý đã được chấp nhận rộng rãi. Công việc của ông là tổng hợp chúng vào trong những thói quen mà một người có thể sống dựa trên đó.
Tuyên ngôn sứ mệnh của bố tôi là lan tỏa khả năng lãnh đạo dựa trên nguyên lý trong thế giới. Tôi thường nghe ông nói: “Cá nhân bố không quan trọng. Những nguyên lý mới quan trọng. Và bố muốn những nguyên lý này được giảng dạy trong nhiều đời sau nữa.” Câu nói đó đã khích lệ tôi và tôi cảm thấy rằng nếu bố có mặt ở đây, bố sẽ khuyến khích tôi thêm một vài màu sắc vào cuốn sách của mình để những nguyên lý này có thể tiếp tục được lan tỏa.
Ở cuối mỗi phần và mỗi thói quen, tôi đã viết thêm một vài trang về những hiểu biết và những câu chuyện mà tôi hy vọng sẽ giúp làm rõ hơn và giúp bạn áp dụng những nguyên lý tốt hơn. Xin lưu ý rằng tôi không thay đổi bất kỳ từ ngữ nào của bố tôi. Cuốn sách này là của Stephen R. Covey, và khi đọc, bạn sẽ cảm thấy như thể ông ấy nhảy ra khỏi cuốn sách, khẳng định giá trị và tiềm năng của bạn, và dạy bạn cách trở thành người hiệu quả hơn trong công việc và gia đình.
Càng làm việc với 7 Thói quen, tôi càng thấy chúng là một bước đột phá lớn trong lĩnh vực giáo dục cảm xúc & xã hội và ngành khoa học hành vi. 7 Thói quen không đơn thuần là những “kỹ thuật” hay “bí quyết”. Thay vào đó, tôi đồng ý với điều mà Jim Collins viết trong phần Lời giới thiệu cuốn sách:
“Tôi nghĩ về những gì mà Stephen Covey đã làm cho tính hiệu quả cá nhân tương tự như những gì mà những nhà thiết kế giao diện người dùng đã làm cho máy tính cá nhân… Trước thời của Covey, trí tuệ về tính hiệu quả cá nhân đã có mặt hàng trăm năm, từ Benjamin Franklin đến Peter Drucker, nhưng chúng chưa bao giờ được tập hợp trong một mô hình rõ ràng và mạch lạc. Covey đã tạo ra một “hệ điều hành” chuẩn, như hệ điều hành Windows, cho tính hiệu quả cá nhân, và ông ấy làm nó trở nên dễ áp dụng đối với tất cả mọi người.”
7 Thói quen hiện đang được áp dụng bởi học sinh, sinh viên ở hàng ngàn trường tiểu học, trung học và đại học trên khắp thế giới, bởi các công ty Fortune 100, bởi các công ty vừa và nhỏ, bởi những người khuyết tật, trong nhà tù, trong quân đội, trong gia đình, trong những buổi trị liệu và còn nhiều nữa.
Những nguyên lý, phép ẩn dụ và câu chuyện trong 7 Thói quen có thể thay đổi cả một cuộc đời. Tôi nhận được một lá thư từ một cô gái 16 tuổi vừa được học Thói quen 4 - “Tư duy cùng thắng” ở trường như sau:
“Thầy Sean thân mến, thật khó để phá vỡ những thói quen mà con đã có từ trước đến nay. Nhưng con đã làm được một điều quan trọng là con đã thôi cố gắng cạnh tranh với một cô bạn ở trường. Cô ấy kiêu căng và quan tâm đến cùng những thứ mà con quan tâm nên tụi con cạnh tranh rất nhiều. Trong quá khứ, con đã để sự thù nghịch của mình đối với cô ấy gây ảnh hưởng tiêu cực đến sự tận hưởng của con trong các vở kịch hoặc các cuộc thi hùng biện trong trường. Giờ đây con đã tiến bộ rất nhiều! Con không còn ghét cô ấy nữa. Hôm nay con đã viết trong quyển nhật ký để nhắc nhớ bản thân rằng cuộc sống không phải là một cuộc thi. Và thầy biết không, con cảm thấy tốt hơn rất nhiều! Con cảm thấy như thể mình đã bỏ đi một gánh nặng trên đôi vai mình.”
Và tôi cũng nhớ đến email sau từ Anthony Wilson, chủ tịch công ty điện lực Mississippi Power:
“Vào những năm 90, trong bối cảnh ngành điện lực phải đối mặt với những thách thức chưa từng có đến từ việc chính phủ thay đổi các quy định, công ty chúng tôi đã dựa vào 7 Thói quen để tiến về phía trước. Chúng tôi đã đào tạo 7 Thói quen cho mọi nhân viên, từ cấp cao nhất đến cấp thấp nhất, và dần đưa chúng vào văn hóa của chúng tôi. Vào năm 2005, cơn bão Katrina tàn phá Mississippi và làm mất điện của tất cả khách hàng của chúng tôi. Chúng tôi đã phải điều động 12.000 nhân viên từ Bắc Mỹ đến, nhưng chúng tôi không có đủ người giám sát để dẫn dắt họ. Chúng tôi đã giao cho họ vai trò lãnh đạo trong tình huống khẩn cấp này. Nhưng vì họ biết cách “Bắt đầu bằng đích đến” (thói quen 3), “Thấu hiểu rồi được hiểu” (thói quen 5), và các thói quen khác, họ đã thực hiện công việc một cách xuất sắc. Chúng tôi đã mang lại điện trong chỉ 12 ngày, một kỳ tích được tờ USA Today mô tả vào thời điểm đó là “một ví dụ điển hình về quản lý khủng hoảng”. Chúng tôi đã tạo ra được một nền văn hóa mà ở đó nhân viên được trao quyền, dám bước lên và lãnh đạo, đưa ra quyết định nhanh chóng và sáng tạo trong hoàn cảnh tồi tệ nhất. Và chính 7 Thói quen đã tạo ra nền văn hóa đó. Vậy nên tôi chỉ muốn nói thật nhiều lời cảm ơn!”
Đó là sức mạnh của những nguyên lý. Đó là sức mạnh của 7 Thói quen. Tôi hy vọng rằng những nội dung, hiểu biết mới mà tôi thêm vào cuốn sách sẽ giúp ích cho bạn.
Cảm ơn và chúc bạn mọi điều tốt đẹp!
Sean Covey
SEAN COVEY là chủ tịch FranklinCovey Education và là đồng sáng lập và chủ tịch Quỹ Bridle Up Hope. Là một diễn giả nổi tiếng, Sean đã diễn thuyết với khán giả trên khắp thế giới và xuất hiện trên nhiều chương trình phát thanh, truyền hình và báo chí. Có bằng MBA tại Đại học Harvard, Sean cũng là tác giả và đồng tác giả của nhiều cuốn sách bán chạy nhất theo bình chọn của tờ New York Times, bao gồm “The 4 Disciplines of Execution”, “The 6 Most Important Decisions You’ll Ever Make”, “The Leader in Me”,… Đặc biệt, cuốn sách “7 Thói quen của tuổi teen hiệu quả” đã được bán hơn 8 triệu bản trên toàn cầu. Hiện Sean sống cùng gia đình tại Rocky Mountains.