Cuộc đời vốn đa dạng, đủ mọi cung bậc, hoàn cảnh, lối sống; có cuộc đời cống hiến, có cuộc đời ích kỷ; có kiếp người trí tuệ, có kiếp người ngu si; có kiếp người vui vẻ, có kiếp người buồn phiền. Có người cả một đời chỉ nghĩ đến chuyện ăn uống, ngủ nghỉ, v.v. chẳng khác gì trâu ngựa, ngoại trừ nước và cỏ chẳng muốn gì khác; có người cả đời tham cầu không biết chán, được voi đòi tiên, sống đời nô lệ phục tùng ham muốn. Quả thật không được mấy ai có lòng mong cầu đạt được tự do tự tại, mong được sống một đời giải thoát!
Bạn thấy đó! Trên thế giới này, có người vì tiền tài không thể an nhiên; có người vì tình cảm mà không được tự do; cũng có người vì những tư tưởng, sự hiểu biết mà không được ung dung; cũng có người vì công danh phú quý mà không được tự tại.
Phần lớn con người sống trong cõi nhân gian thường bị tám ngọn gió: khen, chê, vinh, nhục, thịnh, suy, sướng, khổ thổi nghiêng. Có ai không bị ngả nghiêng? Có ai không khổ sở? Chúng ta luôn bị lung lay, xao động trước tám ngọn gió này, muốn được tự tại ung dung, quả thật không dễ chút nào!
Chúng ta muốn sống một đời tự tại thì phải biết cách sống hài hòa giữa mình và người, xem việc người là việc của mình. Nếu được như vậy, rất nhiều việc trên đời đều được tâm bình khí hòa, tự nhiên cuộc sống sẽ trở nên an nhiên, tự tại.
Nếu chúng ta có thể thức tỉnh chính mình, có việc gì đừng vội cầu mong nơi người khác, trước hết phải nghĩ lại mình, trước khi trách người nên tự trách mình, dùng tâm tha thứ cho mình để tha thứ cho người, thì sẽ đạt được cuộc sống ung dung tự tại. Hiểu được đôi bên bình đẳng cùng có lợi, hiểu được bao dung tha thứ, lúc này ta đã có một cuộc sống ung dung rồi.
Chẳng hạn khi bị người ta trộm sạch tiền bạc, bạn hãy nghĩ có lẽ do kiếp trước mình nợ người, xem như đời nay trả hết cho người, quán chiếu như vậy, tự nhiên ta sẽ thấy tự tại.
Khi người yêu thương rời bỏ mình, dù không cam lòng, không vui vẻ, nhưng nếu bạn có thể trầm tư mà suy nghĩ lại, mình yêu thương người ấy, nên tôn trọng lựa chọn, sự tự do của họ, nghĩ đến sự tự do của người khác, thì lẽ nào nội tâm mình không được tự tại hay sao?
Quyền uy, địa vị chẳng còn cũng đừng cảm thấy đau lòng, buồn khổ! Không còn chức tước, sẽ trở nên nhẹ nhàng, ung dung, chẳng phải cũng được tiêu dao vui vẻ sao, có gì mà không được tự tại chứ?
Bị người khác gièm pha, chỉ trích, đừng cảm thấy khó chịu, day dứt! Bạn hãy nghĩ rằng, đây là việc giúp mình tiêu trừ tai họa, bạn không những không nên tính toán, so đo với họ mà còn phải cảm ơn họ. Lúc này làm sao bạn không được tự tại cơ chứ?
Cuộc đời đôi khi cũng giống như một công xưởng, bạn hãy nhìn sản phẩm trong nhà máy sản xuất của mình xem sao? Nếu như sản phẩm được làm ra là am hiểu đạo lý, giác ngộ lợi tha, cống hiến phụng sự, vậy thì danh tiếng của nhà máy sẽ rất tốt, cuộc đời bạn chẳng lẽ không được tự tại sao?
Sự ung dung trong kiếp nhân sinh không nằm ở sự tìm cầu nơi người khác, cũng không do bất cứ ai ban tặng. Tự tại, vốn là việc của bản thân mình, ngay lúc mình chuyển thức thành trí, chuyển ta thành người, chuyển khổ thành vui, chuyển mê thành ngộ thì đương nhiên, ta cũng có thể chuyển cuộc đời ràng buộc thành cuộc đời tự do tự tại rồi!