"Lời hứa” là lời đồng ý, hứa hẹn với người khác, đã hứa thì phải thực hiện cho bằng được. Đây chính là giữ chữ tín.
Khổng Tử từng lấy ví dụ như thế này: “Người mà không giữ chữ tín, cũng giống như xe trâu không có then, xe ngựa không có chốt, làm sao có thể di chuyển được?” Trung thành, giữ chữ tín là nền tảng để đứng vững ở đời.
Trong xã hội trước kia, giao thông bất tiện, thiết bị thông tin chưa phát triển, con người làm việc ở ngoài cần phải nhờ người đưa thư chuyển phát thư tín, vật phẩm đến tận nhà. Giữa hai bên người gửi và người nhận vốn không có giao kèo, cũng không có người làm chứng, chỉ nhờ vào lòng tin chân thật. Dù cách trở trăm sông nghìn núi hay ăn gió nằm sương, người đưa thư cũng nhất định phải hoàn thành công việc được giao. Đây chính là sức mạnh của việc giữ chữ tín.
Người xưa vô cùng coi trọng việc giữ chữ tín, điều này có thể được thấy trong các thành ngữ như: một lời hứa đáng giá nghìn vàng; một lời nói nặng tựa chín đỉnh; một lời đã nói ra, xe bốn ngựa kéo cũng không đuổi kịp; giao thiệp với bạn bè phải giao thiệp với người giữ chữ tín; nói lời trung thực, làm việc hết lòng, v.v.
Thậm chí, người xưa không chỉ giữ chữ tín trong đời sống hằng ngày, mà ngay cả trên chiến trường giao tranh, họ vẫn không thất tín. Có một lần, Tấn Văn Công phái binh bao vây đánh đất Nguyên. Trước khi ra trận ông tuyên bố, nếu nội trong ba ngày không công hạ được thành, sẽ lập tức lui binh. Sau ba ngày, nhận thấy quân địch sắp hết lương thực, chỉ cần thêm một ngày nữa đối thủ ắt sẽ đầu hàng, thế nhưng Tấn Văn Công vẫn quyết định lui binh. Ông tuyên bố rằng, lời hứa với muôn dân quan trọng hơn việc đánh chiếm thành trì. Kết quả, bởi lòng chân thành, đáng tin cậy của Tấn Văn Công, quân địch phải kính phục, chủ động hiến thành đầu hàng.
Khi Gia Cát Lượng giao chiến với quân Ngụy tại Kỳ Sơn, vì để nuôi dưỡng binh lực, ông cho binh sĩ thay phiên trở về nghỉ ngơi, dưỡng sức theo định kỳ. Sau đó, chiến tranh ngày càng khốc liệt, có người kiến nghị tạm hoãn cho quân về nước, nhưng Gia Cát Lượng vẫn kiên quyết giữ vững lời hứa với binh sĩ. Hành động này đã khiến binh lính cảm động, họ tự động trở về doanh trại, anh dũng chiến đấu, cuối cùng đã giành được chiến thắng.
Nếu người nắm quyền xử lý chính sự giữ vững lời hứa thì sẽ được nhân dân tín nhiệm, có thể thực thi pháp luật nhà nước một cách hiệu quả, hợp lòng dân. Nếu người chức vị cao giữ lời hứa thì sẽ khích lệ ý chí tận tâm cống hiến của cấp dưới, giữa bạn bè với nhau chỉ khi giữ chữ tín, mới bồi đắp được tình hữu nghị lâu bền.
Có những người ngoài việc giữ chữ tín với người khác, họ còn giữ chữ tín với thời gian, như pháp sư Y Dung, pháp sư Thiệu Giác tại bệnh viện Nhân Ái Nghi Lan, vì một lời hứa mà hai vị ấy đã nhẫn nhục chịu khó cống hiến suốt 30 năm, cho đến nay vẫn chưa từng có một ý kiến hay một lời than trách gì trong quá trình thuyên chuyển công tác.
Có người cũng giữ lời hứa với tiền bạc, như người nhận lời quyên góp thì họ nhất định sẽ làm đến cùng. Thậm chí có người cũng giữ chữ tín với tương lai như ủy quyền thừa kế hay truyền pháp, truyền chức vị, v.v. Cũng có người giữ lời hứa với chuyện tình cảm, như câu: “Chàng như Vĩ Sinh ôm cầu1, thì em đâu ngại đến đài Vọng phu” trong Trường can hành của Lý Bạch. Câu ấy đã nói lên việc giữ lời thề hẹn ước của hai vợ chồng, đến chết cũng không thay lòng, chuyện tình đẹp nhưng thê lương.
1 Ôm cầu (bão trụ): Xuất phát từ điển tích Vĩ Sinh có hẹn với một người con gái ở dưới chân cầu, nước lên mà không thấy cô gái tới, cứ ôm trụ chân cầu mà chết đuối.
Người xưa vì một lời hứa mà sẵn sàng dùng cả đời mình để thực hiện, thậm chí còn không tiếc hy sinh tính mạng. Ngược lại, nhiều người thời nay hứa hươu hứa vượn, nói không giữ lời, do đó người ta không thể không tìm đến các phương pháp như hợp đồng, cam kết, ghi âm, ghi hình, nhân chứng, công chứng, ủy quyền, v.v.
Thật ra, chúng ta ứng xử ở đời, lợi dụng nhau thì có thể đạt được lợi ích, nhưng chỉ được một lúc mà thôi. Chỉ có giữ chữ tín, thật thà làm việc, ta mới nhận được sự tin cậy lâu dài từ mọi người.