Mỗi con người từ lúc sinh ra cho đến khi trưởng thành, từ khi còn non trẻ đến lúc chín chắn, trong suốt quá trình này, mỗi một giai đoạn, ta đều có đối tượng để ngưỡng mộ và tin cậy. Chẳng hạn lúc nhỏ, ta luôn tin tưởng cha mẹ, tuyệt đối tin tưởng sâu sắc không một chút nghi ngờ những lời cha mẹ nói; khi cắp sách đến trường, ta lại tin tưởng thầy cô, những điều thầy cô dạy thì gần như chân lý.
Sau này, tùy theo trình độ nhận thức của mỗi người cao, thấp khác nhau và tùy theo mức độ tiếp xúc với xã hội rộng hay hẹp mà giá trị mỗi người hướng đến để tin tưởng có khác nhau. Do đó, có người tin tiền bạc là vạn năng, có người cảm thấy tình yêu mới là tuyệt đỉnh, có người đặt tình nghĩa lên hàng đầu, có người lại hô hào tự do mới là vô giá, nhưng cũng có người lại gửi gắm trọn đời vào lối sống tín ngưỡng, v.v.
Tín ngưỡng xuất phát từ tự nhiên, từ bản tính trời sinh, vốn có của con người và tín ngưỡng không nhất định phải là niềm tin tôn giáo. Có người quan niệm tín ngưỡng là một loại tư tưởng hay một học thuyết nào đó, có người hiểu tín ngưỡng là một chủ nghĩa nào đó. Thậm chí có người sùng bái một ai đó, cũng có người trở thành đối tượng được mọi người sùng bái, tin theo.
Tuy nhiên, chỉ cần có liên quan đến vấn đề sống chết thì nhất định con người sẽ tin vào tín ngưỡng, tôn giáo. Con người khác động vật ở chỗ con người có tôn giáo. Tôn giáo cũng như ánh sáng, chúng ta không thể sống thiếu ánh sáng; tôn giáo cũng như nước và con người không thể sống nếu không có nước. Từ thời thượng cổ, lúc trình độ hiểu biết chưa cao, loài người đã nảy sinh tín ngưỡng đối với thế giới tự nhiên, tiếp đến là tín ngưỡng thần quyền, quân quyền, đến dân quyền, nhân quyền thời hiện đại, thậm chí là sinh quyền. Có thể nói, kể từ khi bắt đầu có văn minh, ngoài xây dựng đời sống vật chất đầy đủ thì con người ngày càng đề cao đời sống tinh thần, và truy cầu đời sống tín ngưỡng.
Về tín ngưỡng tôn giáo, chúng ta cần phải lựa chọn thận trọng, nếu không, một khi tin lầm tà giáo, ngoại đạo sẽ không khác gì với việc uống thuốc độc, đợi đến khi thuốc độc phát huy tác dụng, tính mạng chúng ta sẽ gặp nguy hiểm! Cho nên, so với tin lầm thì chi bằng không tin gì cả, chỉ cần vẫn còn quan niệm về thiện ác nhân quả, hiểu được rằng mình nên bỏ ác, hướng thiện. Người không có lòng tin chẳng khác nào người không dùng não để tư duy, không chịu mở to mắt mà muốn ngắm nhìn thế giới. Vậy thì, người ấy vĩnh viễn cũng không bao giờ có cơ hội để nhận biết thế giới này.
Đương nhiên, nói cho cùng thì tín ngưỡng với “chính tín - niềm tin chân chính” vẫn là tốt nhất! Đặc biệt là giáo lý trung đạo, duyên khởi, nhân quả, nghiệp báo, sinh tử, Niết bàn trong Phật giáo, có thể giúp chúng ta giải đáp được những mê lầm trong kiếp người, cho nên đáng để tin theo.
Tín ngưỡng Phật giáo cũng có thứ lớp, tầng bậc khác nhau: Có người “tin người, không tin pháp”, có người “tin chùa, không tin giáo”, có người “tin tình, không tin đạo”, cũng có người “tin thần, không tin Phật”, v.v.
Nói về việc tin theo giáo lý trong Phật giáo, cũng có những tầng bậc khác nhau, như trí tuệ Bát nhã của phàm phu là chính kiến, trí tuệ Bát nhã của Nhị thừa là duyên khởi, trí tuệ Bát nhã của Bồ tát là tính Không. Duy chỉ có Đức Phật mới thực sự chứng ngộ Bát nhã một cách trọn vẹn. Vì thế, trí tuệ Bát nhã chính là cảnh giới của Phật.
Thật ra, trí tuệ Bát nhã cũng chính là chân như Phật tính vốn sẵn có đầy đủ trong tất cả chúng ta. Mục đích chủ yếu của người học Phật là khơi mở chân như Phật tính. Vì thế, khi tín ngưỡng Phật giáo, chúng ta hãy bắt đầu từ việc cầu Phật, tin Phật, lạy Phật, từ đó mới đi vào học Phật, thực hành theo Phật, và làm Phật. Duy chỉ khi tự mình làm Phật được rồi, mới là tầng bậc cao nhất của tín ngưỡng Phật giáo.