Trong Kinh Tứ thập nhị chương, Đức Phật đã hỏi các đệ tử rằng: “Đời người kéo dài trong bao lâu?”
Có thầy Tỳ kheo đáp: “Đời người kéo dài trong khoảng vài năm!”
Có thầy bảo: “Đời người kéo dài khoảng vài ngày!”
Cũng có thầy thưa: “Đời người trong khoảng một ngày!”
Lại có thầy khác cho rằng: “Đời người trong khoảng một bữa cơm!”
Cuối cùng Đức Phật dạy rằng: “Đời người chỉ tồn tại vỏn vẹn trong một hơi thở mà thôi”.
Mạng sống con người là vô cùng quý giá! Tuy quý giá nhưng chỉ tồn tại trong một khoảng thời gian ngắn ngủi, vỏn vẹn bằng một hơi thở mà thôi. Do đó, có thể thấy, hơi thở quan trọng biết bao nhiêu!
Con người chúng ta lúc có ánh sáng, không biết tầm quan trọng của ánh sáng; lúc có sông hồ lại không biết giọt nước đáng quý; lúc còn thở được, lại chẳng ai nghĩ đến “một hơi thở” quý giá và quan trọng với chúng ta biết nhường nào! Con người, một khi không còn hơi thở thì tất cả tài sản, chức vị, danh tiếng, bạn bè thân quyến, bà con dòng họ chẳng còn ý nghĩa gì với chúng ta nữa.
Trong các giác quan của con người, mắt thấy, tai nghe, miệng nói, chân tay cử động. Thế nhưng, nếu không còn hơi thở nữa thì mắt, tai, thân thể, tất cả đều trở nên vô dụng! Cho nên, con người sống trên cõi đời là vì có sự tồn tại của hơi thở và nhờ hơi thở mới có mạng sống của chúng ta!
Mắt, tai, mũi, lưỡi và cả thân thể chúng ta, mỗi thứ đều có tác dụng riêng, nhưng hơi thở lại có thể thay thế được tất cả công năng của chúng.
Hơi thở, không phải dùng để nhìn như đôi mắt, nhưng có thể cảm nhận được những môi trường khác nhau.
Hơi thở, không dùng để nghe như đôi tai nhưng có thể “ngửi” được sự khác thường trong lòng người.
Hơi thở, có thể cảm nhận được sự thay đổi bên ngoài, có thể xem xét được lòng dạ của người khác.
Có đôi lúc, hơi thở cũng cảm giác được chính mình đang ung dung tự tại, nên thở phào một hơi nhẹ nhõm.
Đôi khi, qua hơi thở cũng biết được bản thân đang chịu đựng quá nhiều áp lực, nên thở không ra hơi. Hơi thở cho thấy mạng sống đang tiếp tục khỏe mạnh. Hơi thở có thể phát hiện bầu không khí đang trong lành hay ô nhiễm. Hơi thở có thể cảm nhận được mạng sống còn dài ngắn bao lâu. Giữ hơi thở cũng là đang giữ mạng sống của chính mình vậy.
Hơi thở có thể làm đề tài tu hành, điều chỉnh sinh mạng, tịnh hóa thân tâm. Giữa khoảng cách một hơi thở ra và một hơi hít vào, có thể biết được tình trạng của thân tâm mình. Thở không nhẹ nhàng, nhất định tâm không yên tĩnh; hơi thở bình ổn, nhất định tâm lúc ấy cũng đang ôn hòa, lắng đọng. Cho nên trong nhà Thiền thường áp dụng phương pháp tu đếm hơi thở để hướng dẫn các thiền sinh tu tập.
Chúng ta tồn tại trên thế gian này, phải biết trân quý sinh mạng, cũng như quý trọng hơi thở.
Nhân lúc hơi thở ra mà còn hít vào được, chúng ta hãy làm trọn trách nhiệm của mình đối với cuộc đời, hãy nhanh chóng thực hiện nguyện vọng của bản thân đối với nhân gian.
Nhân lúc hơi thở vẫn còn, chúng ta hãy nhanh chóng xử lý ổn thỏa tất cả những gì liên quan đến quốc gia và xã hội, cha mẹ và con cái, bà con và bạn bè, v.v.
Nhân lúc hơi thở vẫn còn thuộc về mình, chúng ta hãy nhanh chóng rộng kết thiện duyên đi!