Bất cứ ai, nếu bị so sánh với vua Kiệt, vua Trụ, Chu U Vương, Chu Lệ Vương1 sẽ sinh tâm giận dữ; nhưng nếu được so sánh với Bá Di, Thúc Tề2 lại vui vẻ ưa thích.
1 Những bạo quân nổi tiếng trong lịch sử Trung Quốc.
2 Bá Di, Thúc Tề là con vua Cô Trúc, chư hầu của nhà Ân. Vũ Vương kéo quân đánh Trụ, Bá Di, Thúc tề ghìm cương ngựa can, cho đó là việc làm bất nhân. Khi vua Vũ diệt xong nhà Ân (vua Trụ), dựng nghiệp nhà Chu, Bá Di và Thúc Tề lấy việc nước mất làm xấu hổ mới bỏ đi ở ẩn trong núi, hái rau vi mà ăn chứ không ăn thóc nhà Chu. Về sau cả hai người đều chịu chết đói trên núi Thú Dương.
Kiệt, Trụ, U, Lệ đều là vua của một nước, nhưng vì sao người được so sánh với họ lại giận dữ như vậy? Bá Di, Thúc Tề chỉ là những người đói khổ cùng cực, nhưng vì sao người ta lại thấy vui vẻ?
Bởi vì, đây chính là sự khác nhau giữa người có đạo đức và không có đạo đức!
Đạo đức là sự tu dưỡng cần có trong xã hội. Nếu trong xã hội, cuộc sống của chúng ta mất đi khuôn phép đạo đức, thì thế giới sẽ trở nên như thế nào?
Công nhân viên chức ăn hối lộ, làm trái pháp luật, lấy việc công làm việc tư; thương nhân buôn bán lại lấy giả làm thật, lừa gạt khách hàng; bạn bè nghi ngờ, đố kỵ, vu khống hãm hại lẫn nhau; tình làng nghĩa xóm thì bị chia rẽ, ly gián, đổi trắng thay đen.
Trong xã hội, khắp nơi đều đầy rẫy những con người ngu muội, tà kiến, cứng đầu, cố chấp, tranh giành, không biết xấu hổ, ích kỷ lợi mình, tổn hại người khác nhưng đến cuối cùng chẳng được lợi ích gì cho mình.
Đại Đới Lễ ký chép rằng: “Người có đạo làm sáng tỏ cái đức; người có đức mới tôn trọng cái đạo. Cho nên nói không có đức thì không tôn trọng, không có đạo thì không sáng tỏ”.
Chu Đôn Di nói rằng: “Mỗi một niệm khởi lên đều chân thật, chính trực được gọi là đạo. Mỗi một cử chỉ hành động đều ôn hòa, nhã nhặn được gọi là đức”. Lại nói: “Trong trời đất, điều cao cả nhất là đạo, cái quý báu nhất là đức vậy!”
Cuộc sống có đạo đức thì gia đình mới thuận hòa, xã hội mới an ổn, bạn bè mới giữ chữ tín với nhau, mình và mọi người mới cùng chung sống hài hòa, giúp đỡ nhau.
Vì thế, trong xã hội chúng ta: Thầy cô giáo phải gánh vác trách nhiệm “truyền đạo, dạy nghề, giải đáp thắc mắc”. Y tá, bác sĩ phải mang tinh thần “xem bệnh nhân như người thân mà cứu lấy mạng sống cho họ”. Công nhân phải chăm chỉ làm việc, để cho ra sản phẩm phục vụ nước nhà. Giới thương nhân buôn bán làm ăn hợp pháp, không buôn gian bán lận, không lừa người, trốn thuế. Quân nhân bảo đảm an ninh quốc phòng, chiến đấu anh dũng, ngăn chặn kẻ thù xâm lược.
Ngoài những điều ấy, còn có nhân luân1, ngũ thường2, tứ duy, bát đức3 của nhà Nho; tứ nhiếp4, lục độ5, ngũ giới6, thập thiện7 trong nhà Phật. Còn có chính tri chính kiến, bố thí, kết duyên, tha thứ, bỏ qua, hổ thẹn, biết ơn, phòng hộ sáu căn, lợi lạc hữu tình, thường báo bốn ân, hoằng pháp lợi sinh, tôn trọng bao dung, tâm ý nhu hòa, nói lời khen ngợi, giữ gìn chính niệm, chí công vô tư, vì người quên mình đặt lợi ích của mình xuống để làm việc lợi ích cho tập thể, v.v. Tất cả đều là lối sống đạo đức.
1 Nhân luân: Mối quan hệ đạo đức giữa người với người như giữa vua tôi, cha con, vợ chồng, anh em, bè bạn, v.v. theo quan niệm Nho giáo.
2 Ngũ thường: Năm đức tính mà con người cần phải có theo quan niệm Nho giáo, gồm: nhân, nghĩa, lễ, trí, tín.
3 Tứ duy, bát đức: Những nguyên tắc đạo đức của Nho giáo, trong đó, tứ duy là: lễ, nghĩa, liêm, sỉ; bát đức là: hiếu, đễ, trung, tín, lễ, nghĩa, liêm, sỉ.
4 Tứ nhiếp: Bốn phương pháp lợi tha nhằm giúp tất cả chúng sinh biết quay về với Phật pháp chân chính, sống an vui, hạnh phúc ngay bây giờ và tại đây.
(1) Bố thí nhiếp: Đem những gì mình có bằng vật chất lẫn tinh thần để cứu giúp người khác khi cần thiết, nhằm tạo sự thiện cảm để họ tâm phục, khẩu phục và mến mộ mà biết quay về với Phật pháp chân chính.
(2) Ái ngữ nhiếp: Khéo léo dùng lời nói hòa nhã, an ủi, khuyên lơn, nói đúng sự thật, làm cho mọi người nâng cao trình độ hiểu biết mà cảm phục, để rồi từ đó họ mới theo ta cùng nhau học hỏi và tu sửa.
(3) Lợi hành nhiếp: Làm lợi ích cho người bằng ý nghĩ, lời nói và hành động dấn thân phục vụ, khiến người sinh lòng cảm mến, từ đó theo ta học hạnh từ, bi, hỷ, xả với tinh thần tốt đạo, đẹp đời.
(4) Đồng sự nhiếp: Tạo điều kiện cùng làm chung một công việc, để tạo phương tiện sống gần gũi với mọi người nhằm giúp đỡ họ làm tốt công việc ấy, sau đó dẫn dắt họ đến với Phật pháp.
5 Lục độ: Sáu pháp tu căn bản của người học Phật, bao gồm: bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định và trí tuệ.
6 Ngũ giới: Năm điều ngăn cấm mà Đức Phật đã chế ra, để ngăn những tưởng niệm ác, nói năng chẳng lành, hành động bất chính. Năm điều răn ấy là: Không được giết hại; Không được trộm cướp; Không được tà dâm; Không được nói dối; Không được uống rượu.
Năm điều này y cứ trên tâm từ bi bình đẳng, trên phương diện dứt trừ tội lỗi cá nhân và đem lại trật tự, an vui cho xã hội mà thành lập.
7 Mười điều thiện: Không sát sinh; Không trộm cắp; Không tà hạnh, không tà dâm; Không nói dối; Không nói lưỡi đôi chiều; Không nói lời hung ác; Không nói lời hoa mỹ; Không tham dục; Không sân hận, không phẫn nộ; Không tà kiến.
Điểm tương đồng giữa Nho giáo và Phật giáo là đều đề cao, xem trọng lối sống đạo đức: Khổng Tử không nói lời quái lạ, vũ lực, phản loạn, quỷ thần; Phật giáo chân chính cũng không rêu rao những điều thần kỳ huyền bí, mà xem trọng từ bi, đạo đức.
Sở dĩ con người khác với động vật là bởi con người có đời sống đạo đức. Cho nên nói, con người sống trên thế gian, ai ai cũng có trách nhiệm hướng thiện, cải tạo xã hội. Người đầy đủ đạo đức, thường sẽ dùng thân giáo để tác động đến mọi người, đây gọi là đức phong (gió) của quân tử, đức thảo (cỏ) của tiểu nhân, gió thổi ắt làm cỏ đổ rạp. Nếu ta thường lấy đức để nhiếp phục người, thì ai ai cũng đều vui lòng nghe theo. Do đó, trên bước đường thành công lập nghiệp trong xã hội, điều quan trọng nhất chính là, chúng ta cần tu dưỡng thành người có đạo đức, phải sống một cuộc đời của người có đạo đức.