Ký ức Điện Biên hằn sâu trong tôi là những con người, những địa danh, những trận chiến lừng danh đã thành huyền thoại ghi trong sử sách đất nước. Tôi viết về đồi E1 qua ký ức của mình, qua nhật ký của Đại tá Nguyễn Đức Tình - người chiến sĩ của Đại đội 806, Trung đoàn 45 Pháo binh, ở tổ đài quan sát anh dũng kiên cường bám trụ trên điểm cao đồi E1 và lời kể của Anh hùng Phùng Văn Khầu, những chiến sĩ Điện Biên mà tôi có vinh dự được gặp lại, được cùng công tác và chiến đấu trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước; trong Chiến dịch Quảng Trị năm 1972 lịch sử.
Đồi E1, nằm ở phía đông bắc trung tâm Mường Thanh, cạnh đường 42, đường Tuần Giáo vào Điện Biên.
Đồi E1 là một cứ điểm trong cụm cứ điểm Dominique, bao gồm đồi E1, đồi E2, đồi D1, đồi D2. Vì vậy, không thể nói và viết chung chung là đồi A, D, E… mà phải nói rõ là đồi A1, đồi E1 hay E2 thì người chỉ huy, người trinh sát mới xác định đối chiếu chính xác được tọa độ để tác chiến. Tọa độ đồi E1 là: X: 66.825 - Y: 94.720.
Thực dân Pháp đặt đồi E1 (viết tắt là E1) là cứ điểm quan trọng trong cụm cứ điểm phòng ngự tuyến 2 sau cụm Him Lam. E1 nằm sát đường 42 từ Him Lam qua E1 xọc thẳng vào trung tâm Mường Thanh. E1 được quân Pháp xây dựng thành một cứ điểm rất mạnh trong phòng ngự không khác gì Him Lam, có hệ thống giao thông hào bao quanh nối dọc, ngang rất cơ động trong tác chiến. Cứ khoảng 3 mét giao thông hào, trên mép hào có một hố đựng sẵn vài chục quả tạc đạn màu vàng óng, các ụ súng máy, hầm hào thiết bị vững chắc, nóc hầm lát những khúc gỗ to đường kính 20 - 40 cen-ti-mét, trên xếp những bao cát, đất rất dày, rất khó phá hoại bằng đạn pháo. Từ E1 có thể quan sát, phát hiện khống chế mọi hoạt động tiếp cận của ta từ phía đường 42 vào, và là lá chắn bảo vệ an toàn cho trận địa pháo 210 và sân bay Mường Thanh của địch.
Sau khi đánh chiếm được E1, chúng ta chọn E1 để đặt đài, vì E1 có bình độ trung bình so với dãy đồi phía Đông, đây là một cao điểm lý tưởng để tiếp cận, chiếm lĩnh… có thể triển khai binh hoả lực. E1 có thể quan sát được toàn cảnh trung tâm Mường Thanh từ những hoạt động nhỏ của địch như tên lính đi, chạy ở các đoạn giao thông hào, bọn pháo thủ từ hầm ẩn nấp chạy ra pháo để thao tác bắn… E1 rất gần các mục tiêu sân bay, trận địa pháo của chúng ở cầu Mường Thanh với cự ly khoảng 300 mét.
Sau khi chúng ta chiếm giữ được E1, ta đã triển khai pháo bắn thẳng 75 - đài quan sát pháo binh (Trung đoàn 45), trận địa súng cối 82 ly, có cả chỉ huy sở bộ binh cấp trung đoàn (Trung đoàn 209, Đại đoàn 312).
Khi đánh chiếm E1, pháo binh, súng cối của ta đã chế áp phá hoại E1 để bộ binh xung phong, địch phản kích chiếm lại. Chúng dùng cả pháo 105 ly đến 155 ly, bom tạ, bom tấn trùm lên E1. Vì vậy E1 bị cày xới, méo mó, hầm hào bật tung, ngổn ngang, tan tác, các khúc gỗ chỏng chơ, khúc thì dựng đứng, khúc thì đổ nghiêng chồng chéo lên nhau. Cỏ cây chết sạch hết màu xanh, chỉ còn một màu đất đỏ lở loét, toang hoác và nham nhở, một quả đồi chết!
Cho nên tất cả mọi hoạt động tiếp theo trên mặt đồi chỉ được diễn ra ban đêm, còn ban ngày thì không thể, vì từ Trung tâm Mường Thanh nhìn E1 rõ mồn một như nhìn lòng bàn tay. Tất nhiên ta nhìn rõ địch, địch cũng nhìn rõ ta!
Vì vậy địa hình E1 phải giữ nguyên “hiện trường”, chỉ cần một chút thay đổi nhỏ như xê dịch khúc gỗ, bao cát, hòn đất, có màu đất mới… đều bị địch phát hiện và bắn ngay. E1 nằm trong tầm pháo bắn thẳng trên xe tăng của địch rất hữu hiệu. Từ khi địch phát hiện ta có hoạt động mạnh ở E1, có hoả khí lớn, chúng lồng lộn đánh phá, huỷ diệt bằng mọi phương tiện, vũ khí hiện đại, khống chế cả ngày lẫn đêm dữ dội, liên tục, trong khi ta không có xe tăng, không máy bay!
Cấu trúc đài quan sát, trận địa bắn trên E1 phải hết sức khéo léo, ngoài việc lợi dụng hầm hào cũ của địch, phải tìm những khe hở, sự ngổn ngang của những khúc gỗ, bao cát mà tạo ra, khó có thể làm hầm hào mới.
Ở E1 có thể nói là “ngàn cân treo sợi tóc”. Đã bám trụ phải “bền gan, ngoan cường, mưu trí, dũng cảm và không bao giờ nghĩ đến cái chết”. Thực tế thì cũng đúng như vậy. Xe tăng địch từ đầu cầu Mường Thanh cách E1 chưa đầy 300 mét, cùng với phi pháo chúng thường trực suốt ngày đêm, soi mói, sẵn sàng “bóc vỏ” E1. Sau 36 ngày đêm trụ bám chiến đấu, bom đạn đã biến E1 trở thành đồi chết. Đài quan sát bổ trợ nằm trong tầm bắn của xe tăng. Hầm quan sát bị trúng đạn xe tăng, xới tung nhiều lần, chiến sĩ thương vong tưởng không trụ nổi. Trận địa cối 82, các trận địa của Đại đội sơn pháo 75 (Đại đội 75, Trung đoàn 675) cũng không ngoài tầm bắn của xe tăng, luôn luôn ở thế hiểm nguy ác liệt, nhiều lần bị xe tăng bắn trúng lỗ châu mai (xạ giới) thương vong gần hết, cuối cùng chỉ còn một khẩu đội do Khẩu đội trưởng kiêm pháo thủ Phùng Văn Khầu, một mình một pháo vẫn tiến công. Dù bị thương nhiều lần, anh vẫn cùng với đài quan sát kiên cường bám trụ chiến đấu đến cùng, quần nhau với địch, diễn ra trận đấu pháo trực tiếp, không cân sức, vô cùng ác liệt, nhưng đã dũng cảm mưu trí tiêu diệt hoàn toàn cụm hoả lực, trận địa pháo 4 khẩu 105 ly và 2 khẩu đại liên của địch ở chân cầu Mường Thanh, tiếp tục chi viện đắc lực cho bộ binh tiến công vào trung tâm tập đoàn cứ điểm cho đến giờ toàn thắng, ngày 7-5-1954 lịch sử.
Sau chiến dịch, Phùng Văn Khầu được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.