Liệt sĩ Hoàng Đạt Thiêm, người tổ trưởng cắm cờ của Tiểu đội Trần Ngọc Doãn trong trận đánh cụm cứ điểm đồi Độc Lập - Điện Biên Phủ. Quê anh ở làng Bồng Thượng, xã Vĩnh Hùng, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa, một vùng quê có truyền thống yêu nước quật khởi. Trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945 có khởi nghĩa Hùng Lĩnh nổi tiếng, là trung tâm, căn cứ của phong trào Cần Vương chống Pháp xâm lược nước ta do Tôn Thất Thuyết và Tống Duy Tân lãnh đạo. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, Thanh Hóa là hậu phương lớn ở miền Bắc, cung cấp nhân tài, vật lực cho kháng chiến. Phố Bồng (Bồng Trung); phố Mới (Phủ Quảng) của huyện Vĩnh Lộc và Rừng Thông (Đông Sơn) Thanh Hóa, một thời đã là địa chỉ thân thương của người lính Vệ quốc đoàn, là những nơi “ấm tình” hậu phương - tiền tuyến, “tấp nập đoàn quân ra trận” và nhộn nhịp bà con “vui đón các anh chiến thắng trở về”. Ngày ấy, khắp vùng tự do xứ Thanh, không khí náo nức hướng ra tiền tuyến với tinh thần “tất cả cho tiền tuyến”, “tất cả để chiến thắng”. Cũng như nhiều thanh niên cùng thời, Hoàng Đạt Thiêm để lại người vợ trẻ ở quê nhà, lên đường nhập ngũ năm 1951, trải qua nhiều trận đánh, tham gia Chiến dịch Tây Bắc, Thượng Lào và Chiến dịch Điện Biên Phủ. Trong các trận đánh mở màn Chiến dịch Điện Biên Phủ, sau Him Lam là Độc Lập, một trong những trận đánh ác liệt nhất, Thiêm trong tiểu đội mũi nhọn có nhiệm vụ diệt chỉ huy sở địch và cắm cờ “Quyết chiến quyết thắng” của Bác Hồ trên nóc sở chỉ huy của địch.
Để ngăn chặn hướng tiến công chủ yếu từ phía bắc và đông bắc của quân ta vào tập đoàn cứ điểm Điện Biên, quân Pháp đã xây dựng khu phòng ngự phía bắc và cụm cứ điểm Him Lam (thuộc phân khu trung tâm) thành ba trung tâm đề kháng để bảo vệ tập đoàn cứ điểm là Him Lam, Độc Lập và Bản Kéo. Trung tâm đề kháng cứ điểm đồi Độc Lập thuộc phân khu Bắc, một vị trí án ngữ con đường từ Lai Châu về cánh đồng Mường Thanh, che chở cho sân bay và khu trung tâm tập đoàn cứ điểm do tiểu đoàn 5, trung đoàn Bắc Phi An-giê-ri thứ bảy, đơn vị tinh nhuệ bậc nhất của chúng và một đại đội lính ngụy Thái đóng giữ. Đây là một “cánh cửa sắt” với hệ thống lô cốt và chiến hào vững chắc, có hàng rào dây thép gai bao bọc dày từ 50 đến 200 mét rất kiên cố, hỏa lực dày đặc với những khẩu cối 120 ly và pháo binh hạng nặng từ Mường Thanh, Hồng Cúm chi viện. Địch đã chuẩn bị sẵn sàng toạ độ bắn cho pháo binh, máy bay sẵn sàng đánh trả khi chúng ta tiến công.
Ngày 13 tháng 3 năm 1954, Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ mở màn. Đêm 13 tháng 3, quân ta tiến công tiêu diệt cụm cứ điểm Him Lam. Đúng 5 giờ chiều ngày 14 tháng 3 năm 1954, trọng pháo của ta bắt đầu nổ súng tiến công cụm cứ điểm đồi Độc Lập và liên tục suốt đến 5 giờ sáng ngày 15 tháng 3 đã diễn ra trận đấu pháo dữ dội, rung chuyển núi rừng Điện Biên.
Trong khi pháo ta áp chế dữ dội, tiểu đội xung kích, mũi nhọn thọc sâu của Trần Ngọc Doãn là tiểu đội có vinh dự được nhận cờ “Quyết chiến quyết thắng” của Bác Hồ trao để cắm lên sở chỉ huy địch trong trận này. Được lệnh chuẩn bị xung phong, nhìn lên đồn địch, Hoàng Đạt Thiêm đã nắm chặt cán cờ trong tay. Đêm hôm trước, khi nhận nhiệm vụ cầm cờ, Thiêm thao thức không ngủ, lo chuẩn bị và tìm đoạn tre già, bổ ra vót cán cờ nhẵn đẹp, buộc cờ cẩn thận chắc chắn để thuận tiện cho việc vận động xung phong chiến đấu. Thiêm đã thay mặt tiểu đội hứa sẽ cầm cờ đi đầu và quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ.
Khi hiệu lệnh xung phong vang lên, cả tiểu đội chạy như bay lên chiếm đột phá khẩu. Pháo địch nổ xé tai, cắt đường xung phong, bốn đồng chí bị thương nằm lại đột phá khẩu. Doãn phải cho tiểu đội dừng hai lần, trong khi tiểu đội thứ hai vẫn chưa lên kịp, Doãn cho tiểu đội tiếp tục xung phong, dùng bộc phá, lựu đạn diệt các hỏa điểm, bọn địch ở các ụ súng đột phá khẩu bỏ xác đồng đội, chạy xuống hầm như đàn chuột. Pháo vừa ngớt, Doãn cho tiểu đội vọt lên chiếm rất nhanh mục tiêu khu gò cao. Địch phát hiện, hỏa điểm chúng bắn mạnh tới đỉnh gò cao, một số đồng chí bị thương tới hai, ba lần, có đồng chí đã hy sinh. Tổ trưởng Thiêm phất cao lá cờ, anh bị trúng đạn ngã xuống, chiến sĩ Viện xông lên thay anh lại bị trúng đạn, Viện bị gãy chân không thể đứng lên được nữa mới chịu ngồi lại. Không để cờ đổ, chiến sĩ Lập đỡ lấy cờ nhưng rồi Lập cũng lại bị thương. Thấy vậy Thiêm đã tự băng bó vết thương, rồi bò lại băng vết thương cho Lập, Lập trao cờ lại cho Tổ trưởng Thiêm, dòng chữ “Quyết chiến quyết thắng” trên cờ có chữ đã thủng rách, cờ đã cụt cán vẫn hùng dũng tung bay trước làn mưa đạn. Trên đỉnh cao, các ụ súng ĐKZ của địch đã bị ta phá vỡ. Tiểu đội còntám người, rồi còn bảy. Đến được hầm chỉ huy sở địch, lúc ấy Thiêm đã bị thương hai lần nhưng vẫn dẫn đầu, vẫn phất cao cờ làm chuẩn. Địch chống trả quyết liệt, tiểu đội bị đánh bật ra cả bốn mét, cả tiểu đội bị thương do tiểu liên địch trong hầm chỉ huy sở của chúng quét ra. Không một tiếng kêu, mỗi người tự băng vết thương của mình, rồi xung phong hai lần liên tiếp ném thủ pháo, lựu đạn vào cửa hầm. Thiêm nhảy lên mỏm cao nhất, giương cao cờ phất tới tấp báo tin nhiệm vụ thọc sâu đã hoàn thành. Một hỏa điểm trên cao xuất hiện, trút đạn vào tiểu đội. Thiêm ngã xuống ôm cờ vào ngực, cố nói: “Máu tôi đã nhuộm lá cờ, các đồng chí hãy giương cao cờ chiến đấu đến cùng”. Tiểu đội trưởng Doãn thét lên: “Quyết tiêu diệt sở chỉ huy địch, trả thù cho đồng chí Thiêm”. Tiểu đội phó Cấc nhảy lên gỡ cờ trong tay Thiêm phất cao. Cấc bị thương lần thứ tư, anh ngã xuống. Trong tiếng pháo đạn ù tai, Doãn phải hét to: “Dù đại đội đằng sau chưa kịp lên, tiểu đội ta cũng quyết cắm được lá cờ của Bác lên sở chỉ huy địch”. Tùng nhảy lên đỡ cờ trong tay Cấc, buộc vào đầu súng phất cao làm chuẩn.
Cuối cùng, còn lại Doãn và Tùng cố sức ném tiếp thủ pháo, lựu đạn làm súng địch trong hầm chỉ huy sở câm bặt. Cùng lúc các mũi tiến công của đơn vị đã kịp thời đánh tới. Doãn cùng đơn vị xông vào bắt sống tên quan tư Mếch-cơ-nem - chỉ huy trưởng tiểu đoàn 5/7-RTA, một tên quan ba và gần 40 tên lính đánh thuê cùng số sĩ quan trong sở chỉ huy lốc nhốc giơ tay ra hàng. Lá cờ “Quyết chiến quyết thắng” đã bị rách một nửa được cắm lên nóc sở chỉ huy địch. Lá cờ thiêng liêng anh dũng đã nhuốm máu đồng chí Thiêm, người tổ trưởng cầm cờ, bị thương ba lần vẫn không lùi bước, vẫn phất cao cờ vẫy gọi, đi đầu cùng đồng đội xông lên chiến đấu cho đến khi trúng đạn hy sinh trước cửa hầm sở chỉ huy địch.
Tiểu đội của Trần Ngọc Doãn chiến đấu dũng cảm ngoan cường, đã hoàn thành nhiệm vụ, lập chiến công xuất sắc, đã đóng một cái đinh vào giữa tim địch, góp phần cùng các đơn vị bạn tham gia chiến đấu tiêu diệt hoàn toàn trung tâm đề kháng đồi Độc Lập. Cùng với trận diệt cụm cứ điểm Him Lam, thắng lợi của trận đồi Độc Lập khiến quân địch ở Bản Kéo phải đầu hàng, góp phần mở thông hướng bắc xuống cánh đồng Mường Thanh (Theo Điện Biên Phủ qua các bài báo viết tại mặt trận, Nxb Quân đội nhân dân).
Chiến thắng lớn Him Lam, Độc Lập như một chớp sáng, báo hiệu kết quả tất yếu của trận quyết chiến chiến lược lịch sử, ngày tận số của tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ là không tránh khỏi, là minh chứng cho những quyết định dũng cảm, đúng đắn, sáng tạo; cho quan điểm thực tiễn; cho phương châm “Đánh chắc, tiến chắc”, mặc dù chúng ta còn phải trải qua hơn 50 ngày đêm anh dũng chiến đấu hy sinh nữa mới có được ngày 7 tháng 5 năm 1954, giải phóng Điện Biên, chấn động địa cầu.
Hoàng Đạt Thiêm, người chiến sĩ trung kiên của Trung đoàn 165 Đại đoàn 312, khi đơn vị được lệnh chuẩn bị đi Chiến dịch Điện Biên Phủ, đang điều trị ở đội quân y sư đoàn, anh xin bằng được về đơn vị để tham gia chiến dịch. Anh hy sinh ở tuổi 26, được truy tặng Huy chương Chiến thắng hạng Nhất. Sớm giác ngộ cách mạng, trước ngày nhập ngũ anh đã tham gia công tác kháng chiến, làm giao thông viên ở tòa báo Sự thật. Ngày ấy việc đi lại, phương tiện vận chuyển vô cùng khó khăn. Với đôi vai trần, chân đất và đôi quang gánh, người giao thông viên còng lưng gánh những chồng sách báo, tài liệu “bôn tập” từ căn cứ Rừng Thông, Thanh Hóa ra Khu 3, vào Khu 4, từ hậu phương đến vùng địch, vùng giáp ranh, xuyên rừng, lội suối. Đuổi theo cơ quan, đơn vị bám đường giao liên, lúc vào Chùa Hang - Ninh Bình, khi lên Chi Nê - Xích Thổ, khi vượt dốc Cun - Hòa Bình... và ngược lại. Công việc nặng nhọc, gian khổ không ít hiểm nguy ấy, chỉ có những người kiên nhẫn, cần cù và gan dạ, sẵn sàng hy sinh vì nhiệm vụ, với ý chí và lòng kiên trung cách mạng mới có thể hoàn thành nhiệm vụ. Hoàng Đạt Thiêm, người đảng viên cộng sản đã thể hiện truyền thống ấy trong trận chiến đấu, hy sinh anh dũng trên đồi Độc Lập.
Với truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, ghi nhớ, tôn vinh người có công đánh giặc cứu nước, dòng họ Hoàng Đạt ở làng Bồng Thượng, xã Vĩnh Hùng đã lập bàn thờ các liệt sĩ trong nhà thờ họ, đưa bài vị Hoàng Đạt Thiêm vào thờ để dòng họ đời đời hương khói cho anh.