1. Phương pháp
Chúng ta đang sống trong một xã hội đầy tính cạnh tranh và thông minh là một lợi thế. Không chỉ nhờ lợi ích của việc thông minh mà còn cả sự tự tin khi trẻ thông minh. Với tư cách là cha mẹ, bạn nắm trong tay một giai đoạn ngắn ngủi nhưng có sức ảnh hưởng rất lớn, không chỉ đến sự phát triển của não bộ mà còn cả đến toàn bộ tương lai của con.
Ngay từ khi biết nhận thức, trẻ đã bắt đầu để ý, so sánh mình với người khác, cũng như cách mà người lớn tương tác phản ứng với mình. Trẻ có trí tuệ cao hơn thường đòi hỏi sự tôn trọng từ những người xung quanh và đây là một yếu tố quan trọng trong việc gây dựng tính cách.
Trẻ em là những điều kỳ diệu của tạo hóa và khoa học giúp chúng ta hiểu chúng hơn. Ngày nay, chúng ta đã biết trong 1000 ngày đầu đời, cơ thể và não bộ của trẻ phát triển với một tốc độ không bao giờ lặp lại trong cuộc đời chúng. Chúng phụ thuộc vào chúng ta trong suốt quãng thời gian ấy và điều đó biến người mẹ trở thành nhân vật chính trong hành trình ấy.
Tận dụng những kiến thức về khoa học não bộ, những bữa ăn dặm cung cấp các vi chất cho não bộ, những công thức tạo nên chế độ ăn dặm bổ não trong cuốn sách này, sẽ giúp trẻ gần như nắm chắc một bộ não mạnh mẽ và một tương lai thành công.
Ăn dặm bổ não đặt trọng tâm vào việc cung cấp đủ 16 chất dinh dưỡng quan trọng mà bé cần để phát triển thể chất, não bộ, hệ tiêu hóa và hệ miễn dịch – cũng là những cơ quan phát triển mạnh nhất trong thời gian 0-2 tuổi. Ăn dặm không chỉ là để có một cơ thể khỏe mạnh mà còn để có một trí não mạnh mẽ. Chế độ ăn dặm bổ não cung cấp bộ quy tắc chung để nấu những món ăn bổ não cho con, khuyến khích cha mẹ cho ăn đút và cả cho bé tự cầm tay trải nghiệm, linh động tùy theo sự phát triển của chính con mình. Mục đích của cả quá trình này là để con được ăn no và đủ chất.
Trẻ sơ sinh được ăn theo chế độ bổ não, được cung cấp đa dạng các nhóm thực phẩm sẽ có cơ hội có một chế độ ăn cân bằng và tránh được tình trạng ăn lệch một món sau này.
Phương pháp ăn uống này sẽ tốt nhất trong giai đoạn 0-2 tuổi, vì đây là giai đoạn não phát triển mạnh nhất, cần nhiều dưỡng chất nhất. Mặc dù vậy, chúng tôi cũng khuyến nghị các cha mẹ tiếp tục cho bé ăn tới 5 tuổi, khi não bộ của bé đạt kích thước tối đa. Và phương pháp này cũng có thể dùng cho cả cha mẹ và mọi người trong gia đình để có một cái đầu minh mẫn khi về già.
Chế độ ăn phát triển thể chất và một chế độ ăn lấy não bộ làm trung tâm là khác biệt từ căn bản. Chế độ ăn dặm bình thường sẽ chỉ tập trung cung cấp đủ năng lượng, tức là đủ calo để trẻ tăng cân, tăng chiều cao. Trong khi não bộ ngoài năng lượng, còn cần 16 vi chất quan trọng. Yêu cầu của não đối với các chất này là rất lớn, thiếu một chất, dù là nhỏ thôi cũng có thể gây ra những biến chứng của thần kinh, không thể bù đắp lại ở những giai đoạn sau.
Một phương pháp ăn dặm tốt không chỉ giúp cơ thể khỏe mạnh, mà còn là giúp xây dựng bộ não mạnh mẽ. Nó bao gồm 2 phần: Một là các chất dinh dưỡng để phát triển thể chất và hai là các chất dinh dưỡng để phát triển tối ưu não bộ. Gọi chung là phương pháp Ăn dặm bổ não.
Ăn dặm bổ não = Ăn dặm để tối ưu hóa sự phát triển thể chất não bộ + hệ miễn dịch + phù hợp với hệ tiêu hóa của con.
Em bé khi được mẹ cho ăn với phương pháp này sẽ không chỉ khỏe mạnh, ăn ngon, cao lớn, sức đề kháng tăng, giảm được bệnh tật mà quan trọng là sẽ thông minh nhanh nhẹn.
Phương pháp
ĂN DẶM BỔ NÃO
2. Nguyên tắc cơ bản
Em bé Pipi của tôi, lúc mới sinh chỉ có 48,5cm thôi. Chuẩn của WHO là 50cm khi sinh ra và năm đầu tiên bé sẽ tăng thêm khoảng 25cm. Thế nhưng, sau khi áp dụng phương pháp ăn dặm bổ não, năm đầu tiên, Pipi đã tăng được tới 28,5cm, vượt chuẩn những 3.5cm. Mỗi centimet tăng trong 1000 ngày đầu đời sẽ bằng 2cm khi trưởng thành đấy. Phải nói là mommy vui mừng hết sức. Vậy nên 1000 ngày này thời gian ngắn ngủi vô cùng, mình càng áp dụng sớm, con càng tận dụng được cơ hội.
3. Căn cứ khoa học
Cơ thể con người là một cỗ máy tuyệt vời, có khả năng học hỏi, sáng tạo, chiến đấu, và làm những điều chính chúng ta cũng không thể tưởng tượng được. Nhưng, giống như mọi loại máy móc, nó cần nhiên liệu. Mỗi một trong số gần 40 nghìn tỷ tế bào của chúng ta cần dưỡng chất để hoạt động. Và với trẻ nhỏ, nó đến từ một dạng: sữa và thức ăn dặm. Ăn dặm là khoảng thời gian mà em bé của bạn cần nhiều dinh dưỡng hơn bất kỳ thời điểm nào khác trong đời. Mỗi bữa ăn cần cung cấp những chất dinh dưỡng đáp ứng sự phát triển của con. Vậy sự phát triển đó là gì?
Khoa học đã giúp chúng ta biết rằng em bé sẽ phát triển 4 cơ quan quan trọng mà cha mẹ có thể thực sự hỗ trợ sự phát triển ấy bằng một chế độ ăn đúng:
PHÁT TRIỂN THỂ CHẤT
Trong 1000 ngày đầu tiên, trẻ phát triển nhanh hơn trong toàn bộ phần còn lại của cuộc đời. Từ 1 tế bào tới 500 nghìn tỷ tế bào. Tăng gấp 3 lần trọng lượng trong 1 năm đầu tiên. Và tăng thêm 2 centimet chiều dài mỗi tháng! Tất cả những điều này đòi hỏi trẻ phải được cung cấp nhiên liệu thích hợp, cả về số lượng lẫn chất lượng của các chất dinh dưỡng.
Đừng tự hào vì con bạn còi nhưng vẫn nhanh nhẹn. Còi cọc là một tình trạng thể chất và nhận thức. Có nghĩa là cơ thể và não bộ của một đứa trẻ bị tổn thương do suy dinh dưỡng tàn phá.
Quan niệm ăn dặm chỉ là dặm thêm thức ăn ngoài sữa là không đủ để thể hiện tính quan trọng của việc ăn dặm. Để con bạn có thể tăng gấp 5 lần cân nặng và gấp đôi chiều cao trong 2 năm, em bé thực sự cần những bữa ăn đặc biệt, đậm độ năng lượng, giàu dinh dưỡng. Hay nói cách khác: đúng về chất và đủ về lượng.
PHÁT TRIỂN HỆ THỐNG MIỄN DỊCH
Hệ miễn dịch của trẻ ở đâu? Nó ở trong ruột của bé đấy. Hàng rào mỏng bảo vệ ruột là nơi chứa 80% các tế bào miễn dịch trong cơ thể. Khi trẻ tiêu hóa, các tế bào này học cách phân biệt giữa bạn và thù. Chúng biết thứ nào trẻ ăn là dưỡng chất và thứ nào có thể làm tổn thương trẻ sẽ gây phản ứng. Một màng ruột khỏe mạnh và hoàn chỉnh là rất cần thiết để bảo vệ trẻ khỏi độc tố và giữ cho trẻ khỏe mạnh.
Khắp cơ thể con người có rất nhiều vi khuẩn tồn tại. Chúng sống trong và trên cơ thể người và đóng một vai trò quan trọng trong việc duy trì sức khỏe và hạnh phúc của chúng ta. Vì thế, con người có thể được coi là một siêu sinh vật cấu tạo từ hàng tỉ vi sinh vật khác.
Đừng đánh giá thấp vai trò của vi khuẩn. Có một nghiên cứu rất thú vị của Tiến sĩ Ruairi Robertson ở Santa Monica như thế này: Khi ông tiêm virus Toxoplasma hoặc Toxoplasma gondii vào những chú chuột, một vài điều kỳ lạ đã xảy ra. Những con chuột này không còn sợ mèo. Hơn thế nữa, chúng lại phải lòng những con mèo này. Bạn thấy đấy, vi khuẩn đã ảnh hưởng đến các chức năng não của chuột và làm thay đổi cách chúng suy nghĩ và cả hành xử.
Con người giống như tổ ong và hệ vi sinh vật sống trong chúng ta như bầy ong. Không có ong, chúng ta sẽ giống như một cái tổ rỗng và không thể làm được gì. Vi khuẩn là những con ong thợ làm tất cả mọi việc. Chúng tổng hợp vitamin, phá hủy độc tố, tiêu hóa thức ăn, dự trữ chất béo và nhiều vai trò khác. Bất kỳ sự thay đổi nào của hệ vi sinh vật đều có thể làm tăng nguy cơ béo phì hoặc tiểu đường.
Hệ vi khuẩn có liên hệ chặt chẽ với hệ miễn dịch bằng cách thông báo cho hệ miễn dịch tình hình ở những bề mặt cơ thể, nơi mà những tế bào miễn dịch không thể đến tận nơi và kiểm soát được. Ví dụ vi khuẩn đường ruột giúp hệ miễn dịch điều động các tế bào đến trấn giữ ở các mô dưới niêm mạc ruột, ngăn chặn sự xâm nhập của những vi khuẩn không mời. Hay những vi khuẩn trên da góp phần vào quá trình liền sẹo sau mỗi lần tổn thương.
Những vi khuẩn trong đường ruột giúp tiêu hóa các thành phần thức ăn mà ruột của chúng ta không thể xử lý, điều chỉnh quá trình trao đổi chất của cơ thể, sản xuất hormone, giải độc các hóa chất nguy hiểm mà chúng ta ăn vào cùng với thức ăn, đào tạo hệ thống miễn dịch, ngăn ngừa sự xâm nhập và phát triển của các mầm bệnh nguy hiểm.
Hệ thống miễn dịch đóng một vai trò quan trọng đối với sức khỏe thể chất và tinh thần của chúng ta. Bộ não, hệ vi sinh vật và đường ruột là một hệ thống liên lạc chặt chẽ theo ba cách: thứ nhất, ruột được liên kết vật lý với não thông qua dây thần kinh phế vị, gửi tín hiệu theo cả hai hướng. Thứ hai: bộ não của chúng ta được tạo thành từ hàng trăm tỷ tế bào thần kinh, liên tục gửi tín hiệu đến mọi nơi trong cơ thể để chỉ huy cơ thể hoạt động và trong ruột cũng có hàng triệu tế bào thần kinh như thế. Thứ ba, nếu một xáo trộn nào với hệ vi sinh vật trong ruột - trung tâm của hệ thống miễn dịch của chúng ta, đều có thể gây ra những phản ứng miễn dịch tinh vi trên toàn cơ thể. Và nếu lâu dài, sẽ ảnh hưởng đến kết sức khỏe của bộ não.
HỆ MIỄN DỊCH BẮT ĐẦU TỪ ĐÂU?
Ngày nay, khoa học cho chúng ta biết cả não và hệ miễn dịch đều được bắt đầu hình thành trong 1000 ngày đầu đời và có xu hướng tồn tại suốt đời của bé.
Tất cả em bé đều có 9 tháng sống trong môi trường vô trùng là tử cung của mẹ. Khi sinh ra, em bé tiếp xúc với các vi khuẩn có lợi trong âm đạo khi sinh, hít không khí, ăn uống… và vi khuẩn bắt đầu xâm nhập tạo nền tảng trong ruột. Sữa mẹ bao gồm tỷ lệ chính xác chất đạm, chất béo, chất đường cần thiết để cung cấp dưỡng chất cho bé. Quan trọng hơn, nó cũng chứa những kháng thể để thúc đẩy sự phát triển của vi khuẩn trong đường ruột khỏe mạnh và ngăn sự phát triển của vi khuẩn xấu. Hệ miễn dịch của trẻ sơ sinh tương tác với các vi khuẩn này và huấn luyện các tế bào để tạo ra dưỡng chất. Nhưng nếu cơ thể không tiếp xúc đủ với vi trùng, hệ miễn dịch có lẽ không học được cách chống lại những thứ phù hợp. Thay vào đó, cơ thể sẽ có thể tấn công thức ăn vì nhầm lẫn đây là kẻ thù.
Hệ miễn dịch được hình thành ngay từ những ngày đầu tiên của cuộc đời vì vậy thức ăn, sữa, môi trường nuôi dưỡng là những yếu tố giúp huấn luyện nên hệ miễn dịch cho bé. Những thứ hình thành trong giai đoạn này có xu hướng tồn tại trong suốt phần đời còn lại của bé. Trong khi các nhà khoa học vẫn chưa tìm được cách quay lại để điều chỉnh hệ miễn dịch của chúng ta thì tin tốt là cha mẹ có thể hỗ trợ xây dựng và bảo vệ hệ miễn dịch cho con mình ngay từ bây giờ.
HỆ MIỄN DỊCH BỊ ẢNH HƯỞNG BỞI CÁI GÌ?
Hệ vi sinh vật bị ảnh hưởng bởi nhiều cách: mất đi các vi sinh vật có lợi, có thêm các vi sinh vật có hại, hoặc hệ vi sinh vật không đủ đa dạng. Nguyên nhân là do lạm dụng thuốc kháng sinh (trong điều trị cho con người và cho động vật chúng ta ăn), lạm dụng quá mức các ca sinh mổ khi không thực sự cần thiết, việc sử dụng rộng rãi thuốc diệt khuẩn và thuốc sát trùng, và một chế độ ăn không đúng. Hầu hết thuốc kháng sinh phổ rộng sẽ loại bỏ một phần ba vi khuẩn đường ruột của bé. Nếu vi khuẩn có ích bị loại bỏ quá lâu, các chất độc khác sẽ dễ xâm nhập vào cơ thể hơn.
Hậu quả của việc không xây dựng cho con một hệ thống vi sinh vật đường ruột lành mạnh là miễn dịch yếu, hay ốm đau, hồi phục chậm. Chúng cũng có thể gây ra các bệnh mãn tính như viêm ruột, hen suyễn, tự kỷ, rối loạn tâm thần, trầm cảm, Parkinson.
Chất xơ là một trong những thức ăn quan trọng của hệ vi sinh vật. Chất xơ không mang lại năng lượng, không cung cấp vitamin, chúng không được tiêu hóa và ở đó không phải để nuôi sống cơ thể. Chất xơ là thức ăn của hệ vi khuẩn đường ruột. Khi chất xơ bị vi khuẩn đường ruột phân hủy, nó sẽ được lên men thành các chất quan trọng cho sức khỏe của đường ruột. Khi cho ăn dặm thiếu chất xơ, vi sinh vật không đủ thức ăn và chết đi gây nên việc thiếu hụt các khuẩn có ích để xử lý thức ăn. Lời khuyên đối với chất xơ cho trẻ nhỏ là chỉ ăn đủ. Quá nhiều rau, nhiều chất xơ sẽ chiếm diện tích của các loại thức ăn khác. Trẻ nhỏ cần bao nhiêu rau một ngày, bạn có thể tìm thấy công thức trong phần 4 của cuốn sách.
Hệ miễn dịch của con cũng được hình thành bằng cách tiếp xúc với các vi khuẩn trong môi trường một cách từ từ. Hóa ra, sóng trong một môi trường vô trùng lại không có lợi cho bé bằng việc cho bé nghịch ngợm bùn đất và tiếp xúc với môi trường tự nhiên.
Vi khuẩn ở ruột có tác dụng tổng hợp các vitamin nhóm B, vitamin K và làm tăng tiêu hoá đạm, mỡ, đường, sinh ra khí sunfua hydro, tạo nên mùi hôi điển hình của phân. Hệ thống vi sinh vật trong cơ thể là một tổ chức sống, mà chúng ta có thể nuôi dưỡng chúng. Một chế độ ăn dặm đúng đắn là rất quan trọng và sẽ giúp cung cấp thức ăn và xây dựng nên một hệ khuẩn tốt cho cơ thể. Thức ăn có liên quan rất lớn đến việc giúp hình thành hệ miễn dịch đường ruột, chống lại bệnh tật, các loại nhiễm trùng và dị ứng. Chúng ta có thể hỗ trợ hệ thống miễn dịch của con bằng 3 bước: Loại bỏ, thay thế và phục hồi.
BA BƯỚC HỖ TRỢ HỆ MIỄN DỊCH CỦA CON
Loại bỏ - loại bỏ những thứ có khả năng gây ra vấn đề:
• Loại bỏ kháng sinh và những loại thuốc không thực sự cần thiết.
• Lựa chọn sinh thường thay vì sinh mổ.
• Không mua những thực phẩm công nghiệp mà họ chăn nuôi có dùng thuốc kích thích tăng trưởng hoặc kháng sinh.
• Ăn chín uống sôi, vệ sinh vật dụng đựng, rửa tay diệt khuẩn thường xuyên.
• Tránh chia sẻ đồ ăn, ăn chung, thơm… hoặc các hành động giúp lan truyền nước dãi.
• Không ăn những thức ăn chế biến sẵn có chứa nhiều chất béo đã biến đổi (trans fat) như bim bim, bánh kẹo, khoai tây chiên...
Thay thế - Ta có thể làm gì để thay thế vi khuẩn đường ruột?
• Sử dụng những thực phẩm lợi khuẩn hoặc thực phẩm có thể kích thích sự phát triển của vi khuẩn lành mạnh trong ruột như: ngũ cốc, táo, tỏi tây, tỏi, hành, chuối, mật ong, atiso, các loại hạt, măng tây, các loại củ, đậu lăng, đậu đỏ, đậu gà, các loại đậu nói chung, trà xanh và ca cao.
• Cho bé cơ hội được chơi, tiếp xúc với thiên nhiên, với môi trường lành mạnh.
Phục hồi - Làm thế nào để phục hồi hệ vi khuẩn?
• Cho bé bú sữa mẹ trong 2 năm đầu đời.
• Cho con ăn đủ chất xơ mỗi ngày(liều lượng xem ở mục “ăn bao nhiêu là đủ”
• Cho con uống đủ nước mỗi ngày.
• Cho con ăn theo chế độ ăn dặm bổ não.Ta sẽ có hầu hết các vi khuẩn đường ruột từ thực phẩm ta ăn. Vì thế, một chế độ ăn cân bằng và đúng đắn sẽ giúp trẻ tái tạo lại hệ vi sinh vật trong ruột.
PHÁT TRIỂN HỆ THỐNG TIÊU HÓA.
Hệ tiêu hóa được cấu tạo từ 10 cơ quan, có thể dài tới 9m và chứa hơn 20 loại tế bào chuyên hóa- đây là một trong những hệ thống đa dạng và phức tạp nhất trong cơ thể con người- hệ thống sẽ được hoàn thiện trong 1000 ngày đầu đời của bé.
Các bộ phận của hệ tiêu hóa phối hợp với nhau để hoàn thành nhiệm vụ lớn: biến đổi thành phần thô trong thức ăn thành các chất dinh dưỡng và năng lượng để nuôi sống cơ thể.
Nếu đi từ trên xuống dưới, hệ tiêu hóa gồm 4 phần chính. Đầu tiên là đường tiêu hóa, là một ống xoắn, vận chuyển thức ăn và có diện tích bề mặt khoảng 30 đến 40 mét vuông. Đủ để che phủ một nửa sân cầu lông. Thứ hai, là tuyến tụy, túi mật và gan. Bộ ba cơ quan này biến đổi thức ăn bằng các chất dịch đặc biệt. Thứ ba là các enzyme, hooc môn, dây thần kinh và máu, làm việc cùng nhau để tiêu hóa thức ăn, điều chỉnh quá trình tiêu hóa và vận chuyển sản phẩm cuối cùng. Cuối cùng là mạc treo, gồm một số lượng lớn các mô hỗ trợ và định vị tất cả các cơ quan tiêu hóa trong ổ bụng.
Quá trình tiêu hóa bắt đầu trước cả khi lưỡi trẻ chạm vào đồ ăn. Khi nhận biết được một món ăn ngon, các tuyến trong miệng đã bắt đầu tiết nước bọt. Một người trưởng thành trung bình sản sinh khoảng 1,5 lít nước bọt hàng ngày. Ở trẻ sơ sinh, đến tháng thứ 3 - 4 mới phát triển hoàn toàn. Cùng với sự phát triển của hệ thần kinh, số lượng nước bọt tăng dần lên. Trẻ 4 - 6 tháng có hiện tượng chảy nước bọt sinh lý, do mầm răng kích thích vào dây thần kinh V gây nên phản xạ tăng tiết nước bọt và một phần do trẻ chưa biết nuốt nước bọt. Việc cho con ăn đúng giờ giấc chính là giúp cho cơ thể chuẩn bị tốt hơn để tiêu hóa thức ăn.
Khi trẻ ăn, hoạt động nhai và nước bọt trong miệng sẽ phá vỡ thức ăn và liên kết nó thành một khối ẩm ướt sẵn sàng được nuốt xuống thực quản. Các enzyme trong nước bọt phân giải tinh bột. Sau đó thức ăn được chuyển tới đầu một ống dài 25cm được gọi là thực quản và rơi xuống dạ dày.
Các dây thần kinh xung quanh mô thực quản nhận được các tín hiệu của thức ăn và kích hoạt các nhu động, một chuỗi các co thắt của các cơ nhất định. Điều này giúp đẩy thức ăn vào dạ dày, nơi mà nó được các cơ của thành dạ dày co bóp, biến thức ăn thành các mẩu nhỏ. Dạ dày cơ bản là một lọ axit, mạnh đến mức nó có thể hòa tan cả kim loại. Dịch dạ dày giết chết vi khuẩn nguy hiểm và enzym biến thức ăn rắn thành chất lỏng.
Chuỗi co thắt của thực quản ở người lớn mạnh đến mức mà bạn có thể trồng cây chuối mà thức ăn vẫn có thể chống lại trọng lực để đi vào dạ dày. Ở trẻ nhỏ, thực quản có cấu tạo thành rất mỏng và cơ co bóp phát triển yếu, đó là lý do vì sao trẻ hay bị nôn trớ. Dạ dày của trẻ cũng còn rất nhỏ, hình tròn và nằm ngang. Dạ dày của trẻ bằng cân nặng * 30, cha mẹ nên cho ăn khoảng 70% thể tích dạ dày. Ví dụ: bé 7 ký thì dạ dày=7*30= 210ml, cho uống sữa hoặc ăn tối đa 120-140ml. Có thể ăn ít hơn nhưng không được cho ăn nhiều hơn, thức ăn nên chia thành các bữa nhỏ, mỗi bữa cách nhau 2-3 tiếng.
Hooc môn được tiết ra bởi các tế bào ở lớp lót, kích hoạt thành dạ dày giải phóng axit và dịch chứa nhiều enzyme để hòa tan thức ăn và phân giải các protein. Những hooc môn này cũng báo cho tuyến tụy, gan và túi mật để sản xuất dịch tiêu hóa và chuyển mật tới để phân giải chất béo.
Sau ba giờ ở trong dạ dày, thức ăn giờ đã trở thành một chất lỏng sủi bọt được gọi là dịch dưỡng, sẵn sàng được chuyển đến ruột non. Gan nhận mật từ túi mật và tiết mật vào phần đầu tiên của ruột non, được gọi là tá tràng. Tại đây, mật phân giải chất béo để chúng có thể được tiêu hóa dễ dàng. Những enzym này cũng có tác dụng phân giải protein thành amino axit và cacbohydrat thành glucozo. Máu đón nhận các phân tử này ở cuối cuộc hành trình để cung cấp cho các mô và cơ quan.
Những chất xơ, nước còn thừa và tế bào chất thải ra trong quá trình tiêu hóa đi xuống ruột già hay còn gọi là đại tràng. Cơ thể sẽ hút hầu hết chất dịch còn sót lại qua thành ruột. Những gì còn lại là một khối mềm được gọi là phân. Sản phẩm phụ của quá trình tiêu hóa thoát ra qua hậu môn và hành trình dài của thức ăn đã hết thúc.
Bản chất của chất xơ là không thể tiêu hóa được, chúng cũng không cung cấp năng lượng cho bé. Chúng chỉ có tác dụng làm thức ăn cho hệ vi sinh vật trong đường ruột. Ở người lớn, khi giảm béo, chúng ta được khuyên nên ăn nhiều rau củ, nhiều chất xơ vì chúng chiếm diện tích trong dạ dày, làm chúng ta cảm giác no và vì chúng không cung cấp năng lượng nên giúp chúng ta giảm cân. Ở trẻ nhỏ, chúng không cần giảm cân, chúng cần tăng cân. Trẻ vô cùng cần năng lượng để phát triển cơ thể nên bạn không thể cho con ăn quá nhiều rau. Những phương pháp ăn dặm khuyến khích con ăn nhiều rau sẽ gây ra hiện tượng trẻ ăn rất nhiều mà vẫn không tăng cân. Rau chỉ nên ăn ở một mức đủ, tham khảo ở chương “Ăn bao nhiêu là đủ” của sách. Không nên đề cao và ăn quá nhiều.
Ở trẻ sơ sinh, cơ dạ dày của trẻ nhỏ phát triển còn yếu, nhất là cơ thắt tâm vị. Còn cơ thắt môn vị thì phát triển tốt và đóng chặt, do đó trẻ rất dễ nôn trớ sau khi ăn. Chức năng gan và thận ở trẻ nhỏ chưa hoàn thiện, dễ có phản ứng khi trẻ bị nhiễm trùng, nhiễm độc và dễ bị thoái hoá mỡ. Vì thế cần hạn chế muối trong thức ăn của con trong năm đầu tiên.
Thức ăn của con cần được chế biến trước, mềm và dễ nuốt. Đây là ưu thế của tiến hóa. Một con khỉ nặng 25kg cần ăn tới 8 tiếng một ngày để duy trì não bộ 53 tỷ noron của chúng. Ở con người, việc phát minh ra nấu nướng 1,5 triệu năm trước mang lại cho chúng ta lợi thế rất lớn. Thức ăn nấu chín và nghiền nhuyễn nghĩa là được làm cho mềm và được xử lý trước ở bên ngoài cơ thể. Từ đó, ruột chúng ta dễ hấp thụ năng lượng hơn. Việc nấu ăn giúp giảm thời gian và cung cấp nhiều năng lượng hơn so với khi ăn đồ tươi sống. Vậy nên, chúng ta có thể duy trì não bộ với 86 tỷ nơron thần kinh dày đặc. Nhiều hơn 40% so với loài linh trưởng.
Ở trẻ em dưới 1 tuổi, rất nhiều cơ quan trong hệ tiêu hóa, như gan, thận đều chưa hoàn thiện. Nhất là trong năm đầu tiên. Vì thế, trẻ hầu như cần 70% dinh dưỡng từ sữa. Thức ăn còn lại muốn hấp thụ được cần có kết cấu giống sữa, được chế biến trước. Không phải cả tảng thịt, cả tảng rau củ để con tự nhai. Chúng ta đã tiến hóa để có được ngày hôm nay. Hãy tận dụng ưu thế ấy.
Con bị táo bón phải làm gì? Táo bón là một tình trạng nghẽn tắc ở hệ tiêu hóa. Cơ thể có thể mất đến vài ngày để đào thải thức ăn bé ăn vào. Rất nhiều trẻ, táo bón khi nhỏ có thể trở thành mãn tính, nghĩa là thường xuyên đi ngoài khó khăn với phân khô cứng. Nguyên nhân của tình trạng đáng lo ngại này là gì?
Táo bón bắt đầu xuất hiện ở ruột già. Ruột già được chia làm bốn phần: Ruột già lên, ruột già ngang, ruột già xuống và ruột già chậu hông kết nối với trực tràng và hậu môn. Ruột non vận chuyển phân có chứa thức ăn, mật và dịch tiêu hóa tới ruột già. Khi phân tới ruột già, ruột già hút hầu hết lượng nước có trong phân, khiến phân biến đổi từ dạng lỏng sang dạng rắn. Quy trình biến đổi này diễn ra càng lâu, ruột già hút càng nhiều nước, khiến phân càng rắn. Khi phân đến ruột già chậu hông, ruột già tiếp tục hút nước một lần nữa trước khi chuyển tới trực tràng, làm căng phồng trực tràng và khiên cơ thắt hậu môn trong giãn ra.
Một trong những nguyên nhân thường gặp nhất của táo bón là do phân di chuyển chậm trong ruột già, khiến ruột già hút nhiều nước, làm cho phân khô và cứng và khó ra ngoài hơn. Với những trường hợp táo bón ở trẻ, hầu hết có thể được cải thiện bởi chế độ ăn của con và của mẹ như thế này:
Cải thiện táo bón bằng cách
- Cho con uống đủ nước.
- Cho con ăn đủ chất xơ. Nếu bé không chịu ăn rau thì có thể bổ sung bằng chất xơ hòa tan. Liều lượng tham khảo bảng trong Phần 5.
- Massage bụng cho bé theo chiều kim đồng hồ.
- Rèn thói quen đi đại tiện đúng giờ mỗi ngày.
- Cho bé ăn các thực phẩm hỗ trợ tiêu hóa như sữa chua, chuối, đu đủ…
- Bổ sung men vi sinh
- Trong trường hợp nặng, có thể sử dụng thuốc làm mềm phân và thuốc thụt.
Bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ của bạn trước khi sử dụng bất kỳ một loại thuốc nào cho em bé của mình. Chế độ ăn của mẹ cũng cần chú ý vì mẹ ăn có tốt thì sữa mẹ mới tốt được.
PHÁT TRIỂN NÃO BỘ
Trong 1000 ngày đầu tiên của cuộc đời, trẻ sơ sinh xây dựng 80% nhận thức khi trưởng thành. Bộ não sẽ tăng gấp 3 lần kích thước trong 2 năm và có thể học được 900 từ mới trước khi chúng tròn 3 tuổi. Não bộ dùng để suy luận trừu tượng, lập kế hoạch, ra quyết định, thích ứng với các điều kiện sống.
Bạn có biết não bộ sử dụng bao nhiêu năng lượng mỗi ngày không? Não bộ loài gặm nhấm và chó tiêu thụ 5% tổng năng lượng của cơ thể. Não khỉ sử dụng 10%. Não người trưởng thành, mặc dù chỉ chiếm 2% tổng trọng lượng của cơ thể, tiêu thụ tới 20% lượng đường có được hàng ngày. Ở trẻ em, con số này là 50%, còn ở trẻ dưới 2 tuổi, bộ não dùng tới 75%! Thế mà não người chỉ chiếm 1.5kg, não của voi nặng 5kg và não của cá voi nặng tới 9kg cơ đấy. Não người mặc dù nhỏ hơn nhưng chứa nhiều nơron thần kinh hơn bất cứ loài nào khác. Độ đậm này chính là thứ làm chúng ta trở nên thông minh như vậy.
Não bộ của con người đã tiến hóa để thông minh và mạnh mẽ. Vì rất mạnh mẽ nên chúng cần rất nhiều năng lượng để duy trì sự mạnh mẽ đó. Não bộ cần những thức ăn khác với xương, cơ bắp hay hệ vi khuẩn đường ruột. Thực tế, có 16 chất không thể thiếu mà bạn cần phải thường xuyên cung cấp và chúng tôi có một kế hoạch để đảm bảo việc cung cấp đủ 16 chất ấy với phương pháp ăn dặm này. Thông minh là một lợi thế rõ ràng. Hiểu biết về não bộ và hỗ trợ nó nó giúp bạn tranh thủ cho con một tương lai mạnh mẽ phía trước.
Trẻ em là một điều kỳ diệu của tạo hóa. Làm cha mẹ, chúng ta được chứng kiến sự hình thành những điều kỳ diệu ấy từng chút, từng chút một. Trong những tháng ngày đầu tiên của cuộc đời, chúng đã tự hình thành nên những cơ quan mạnh mẽ. Nhưng chúng cũng mong manh và cần được bảo vệ, hỗ trợ từng ly từng tý. Vai trò của mỗi bữa ăn trong khoảng thời gian này là đặc biệt quan trọng vì đây là nguồn dinh dưỡng duy nhất. Để tạo ra một chế độ ăn tốt, cha mẹ luôn cần đọc hiểu những thông tin phát triển cơ bản. Vì thế, phương pháp ăn dặm bổ não tập trung vào 3 điểm:
- Thời điểm
- Nhu cầu
- Đa dạng
Phương pháp ăn dặm bổ não sẽ thúc đẩy sự tăng trưởng và phát triển của não trong giai đoạn đầu đời. Nó đặt nền tảng cho khả năng nhận thức, kỹ năng vận động và phát triển tình cảm xã hội, từ đó ảnh hưởng sâu sắc đến sự thành công ở trường học và các cơ hội kinh tế sau này trong cuộc sống.
3. Phương pháp ăn dặm bổ não có phải là một phương pháp mới?
Việc ăn dặm cần chú ý đến sự phát triển của não bộ đã là thông điệp chính trong rất nhiều chiến dịch của UNICEF và WHO nhiều năm nay. Với tiếng Anh, bạn có thể search cụm từ “brain development in early life” để tìm hiểu về từng giai đoạn phát triển của não bộ trong 2 năm đầu đời. Ở Mỹ, chính phủ có hẳn một chiến dịch mang tên “Nuôi dưỡng tương lai của nước Mỹ” với trọng điểm là nuôi dưỡng bộ não. Hãy seach tài liệu này với từ khóa “Nourishing America’s Future” hoặc đọc bản tiếng việt trên website mammy.vn mục “Tài nguyên cho cha mẹ”.
Quỹ nhi đồng thế giới UNICEF có website riêng cho cha mẹ tên là unicef/parenting với chiến dịch “Building brains, building futures” hay là “Xây dựng bộ não, xây dựng tương lai” để kêu gọi sự thay đổi nhận thức và chính sách từ chính phủ các nước.
Hưởng ứng kêu gọi của Unicef, Việt nam là nước thứ 3 ở Đông Nam á phát hành hướng dẫn chi tiết về dinh dưỡng trong 1000 ngày đầu đời. Bộ Y tế có ấn phẩm “Chăm sóc dinh dưỡng cho bà mẹ và trẻ em” hay Viện dinh dưỡng với cuốn sách “Khuyến nghị dinh dưỡng trong 1000 ngày vàng”. Trong đó, những quy tắc về ăn dặm bổ não này đã được đề cập đến dưới những tên như “ăn đủ 8 nhóm thực phẩm” nhưng vì một lí do nào đó, chúng không đến được tay các mẹ. Việc gán cho nó một cái tên “Ăn dặm bổ não”, và khái quát hóa nó lên thành các bước hành động cụ thể sẽ nhấn mạnh vào sự quan trọng của thức ăn dặm của con và giúp các mẹ dễ nhớ, dễ vận dụng.
Ăn dặm bổ não gồm các nguyên tắc để ăn uống, không phải cách cho con ăn như ăn dặm bé tự chỉ huy hoặc tập hợp các món ăn của người Nhật.
Như vậy, phương pháp này không mới, nó đã được các nước tiên tiến trên thế giới sử dụng trong hàng chục năm nay và chúng tôi dịch lại, cung cấp những thông tin, công thức để các mẹ ở VN cũng có thể vận dụng.
Phương pháp ăn dặm bổ não tập trung vào ba điểm sau: