1. Mối quan hệ của não bộ và cơ thể
Bạn đã biết trong những năm đầu đời, em bé phát triển 4 cơ quan khác nhau, nhưng vì sao não bộ lại là quan trọng nhất? Vì sao cần phải chú ý đến não bộ?
Thứ nhất, bộ não không chỉ đơn thuần là nhận thức mà còn sinh ra cảm xúc sâu sắc. Do đó, cảm xúc ảnh hưởng đến các chức năng của não và cơ thể. Cảm xúc đóng vai trò trung tâm trong não và khả năng điều khiển cảm xúc hình thành khả năng tích hợp kinh nghiệm và thích ứng với các căng thẳng trong tương lai của tâm trí.
Thứ hai, học tập không phải là một quá trình thuần túy có ý thức. Phần lớn việc học tập và giao tiếp trong những năm đầu tiên của cuộc đời xảy ra trước khi trẻ phát triển năng lực thần kinh, để nhận thức và ghi nhớ. Do đó, nhiều khía cạnh quan trọng nhất trong cuộc sống của chúng ta được kiểm soát bởi các phản xạ, hành vi và cảm xúc được học bên ngoài nhận thức của chúng ta.
Thứ ba, bộ não không phải chỉ ở trong hộp sọ mà được định hình bởi các thông điệp được gửi tới từ khắp cơ thể, thông qua hệ thống thần kinh trung ương và ngoại vi. Không có một centimet nào trên cơ thể mà lại không có sự hiện diện và được điều khiển bởi các dây thần kinh.
Cuối cùng, bộ não không phải là một hệ thống độc lập mà được kết nối phức tạp với các hệ thống cơ thể chính khác, bao gồm hệ thống miễn dịch, nội tiết, chuyển hóa, tiêu hóa, tim mạch, ruột và cơ xương. Các hệ thống này được định hình bởi nhau và hoạt động như một hệ thống trí não- cơ thể tích hợp. Điều này có nghĩa là những gì được “học” trong giai đoạn trước khi sinh và hai đến ba năm đầu đời không chỉ ảnh hưởng đến hệ thần kinh mà còn ảnh hưởng đến các hệ thống cơ thể khác, với những hậu quả tiềm ẩn sâu sắc trong suốt cuộc đời.
Khoảng thời gian 1000 ngày đầu đời của trẻ vô cùng quan trọng, bởi vì đây là khoảng thời gian mà não bộ hoàn thiện .
Tập trung vào não bộ nghĩa là tập trung vào cơ thể, cảm giác, cảm xúc, phản xạ, hành vi, nhận thức và tất cả mọi thứ đang diễn ra trong cơ thể của con bạn. Có thể nói, sức mạnh lớn nhất của bộ não là có thể thay đổi cơ thể và thay đổi chính cấu tạo của nó để phù hợp với môi trường. Điều đó làm cho môi trường nuôi dưỡng trở nên vô cùng quan trọng.
2. Bộ não - món quà mạnh mẽ của tạo hóa
Não bộ không phải chỉ có mỗi bộ não trong hộp sọ, thực ra chúng ta đang nói đến hệ thần kinh bao gồm não, tủy sống và cả các dây thần kinh trên khắp cơ thể.
Trong 1000 ngày đầu tiên, bộ não phát triển nhanh hơn bất kỳ thời điểm nào khác trong cuộc đời của một con người. Các tế bào não có thể tiến hành đến 1000 kết nối mỗi giây – đây là tốc độ chỉ có một lần duy nhất trong đời. Dinh dưỡng chính là nguồn cung cấp nhiên liệu thúc đẩy phần lớn sự phát triển và tăng trưởng não bộ sớm này.
Hệ thần kinh là một hệ cơ quan phân hóa cao nhất trong cơ thể dưới dạng ống và mạng lưới đi khắp cơ thể. Nó quyết định trí thông minh của con người. Hệ thần kinh cũng điều khiển toàn bộ hoạt động của chúng ta. Hệ thần kinh được hình thành và hoàn thiện 85% trong 1000 ngày đầu tiên của cuộc đời. Hệ thần kinh bao gồm bộ phận trung ương tức não bộ trong hộp sọ và tủy sống nằm trong xương sống. Bộ phận ngoại biên bao gồm hệ thống dây thần kinh và các hạch thần kinh khắp cơ thể.
Hệ thần kinh được tạo nên bởi các loại mô chuyên biệt gọi là mô thần kinh. Mô thần kinh bao gồm các tế bào hay còn gọi là nơron thần kinh. Chính các nơron này đã tạo ra hai thành phần cơ bản của não, tủy sống và hạch thần kinh là chất xám và chất trắng.
Dây thần kinh thực chất là một tổ hợp tế bào gọi là nơron. Nơron thần kinh có rất nhiều nhiệm vụ phức tạp trong cơ thể. Chúng không chỉ là các dây dẫn mà còn là các tế bào cảm biến, máy dò môi trường bên ngoài, bộ chuyển đổi thông tin thành xung điện, các dây truyền tải những xung điện này, bộ phận bán dẫn lọc thông tin và điều chỉnh âm lượng và cuối cùng, bộ kích hoạt lấy thông tin và khiến chúng tác động lên các cơ quan khác.
Ví dụ như khi mẹ vuốt nhẹ cánh tay bạn, bạn sẽ cảm thấy dễ chịu. Hoặc một con nhện bò lên tay bạn, bạn sẽ giật mình và gạt nó ra. Hoặc khi bạn chạm vào cái nồi vẫn còn nóng bỏng, bạn sẽ ngay lập tức rụt tay lại. Một cái chạm nhẹ có thể sản sinh cảm giác dễ chịu, sợ hãi hoặc đau đớn. Làm thế nào chỉ một loại mô lại có thể làm được ngần ấy thứ?
Mỗi nơron được chuyên biệt hóa để chuyên chở xung thần kinh dưới trạng thái xung điện, phản ứng với duy nhất một loại kích thích, và trong một hướng nhất định. Xung thần kinh bắt đầu với một thụ quan, một bộ phận đặc biệt ở mỗi dây thần kinh nơi mà xung điện hình thành. Một thụ quan được thiết kế chỉ để phản ứng với sự gia tăng nhiệt đột ngột. Một loại thụ quan khác lại nằm trên lông cánh tay, phát hiện chuyển động của những sợi lông đó, như khi con nhện bò trên da bạn. Một nơron khác nữa lại kích hoạt bởi sự chạm nhẹ. Mỗi loại nơron mang một thông tin nhất định như: đau đớn, cảnh báo hoặc cảm giác dễ chịu. Thông tin đó được truyền thẳng lên não bộ hoặc tới một cơ quan khác, như cơ chẳng hạn, dưới dạng xung điện.
Bộ não: Bộ não khi mới sinh ra mới chỉ đạt 25% kích thước để phù hợp với độ lớn tử cung và độ hẹp của đường sinh sản. Vì vậy, ngay khi sinh ra, bộ não ngay lập tức cần phát triển với tốc độ phi thường để đạt được kích thước hoàn chỉnh của nó.
Trong 1000 ngày đầu tiên này, bộ não phát triển nhanh hơn bất kỳ thời điểm nào khác trong cuộc đời của một người. Các tế bào não có thể tiến hành đến 1000 kết nối mỗi giây – đây là tốc độ chỉ có một lần duy nhất trong đời. Dinh dưỡng chính là nguồn cung cấp nhiên liệu thúc đẩy phần lớn sự phát triển và tăng trưởng não bộ sớm này. Nếu không đáp ứng được các chất dinh dưỡng mà não cần, các mạch thần kinh có thể không được hình thành, vỏ não có thể mỏng hơn, giảm kích thước não, gây ra những thay đổi siêu cấu trúc trong khớp thần kinh, giảm sản xuất chất dẫn truyền thần kinh, thay đổi myelination, giảm nồng độ yếu tố tăng trưởng… gây ra những thay đổi nghiêm trọng về cấu trúc và chức năng của cả bộ não.
Nếu một chất dinh dưỡng ảnh hưởng đến não, nó có làm thay đổi hành vi không? Điều này phụ thuộc vào việc thiếu bao nhiêu. Thời điểm, liều lượng là chìa khóa. Não bộ- cơ quan quan trọng nhất trong cơ thể chúng ta đang chưa được quan tâm đầy đủ. Dinh dưỡng mà em bé nhận được trong 1000 ngày đầu đời sẽ quyết định sức khỏe, khả năng nhận thức và sự phát triển thế chất của trẻ trong suốt phần đời còn lại của trẻ. Hãy hiểu đúng để không bỏ lỡ mất khoảng thời gian vàng của con. Ăn dặm là một cửa sổ cơ hội vô cùng quan trọng. Nếu cha mẹ và những người xung quanh tập trung vào chế độ dinh dưỡng tốt cho con trong 1000 ngày đầu tiên của cuộc đời trẻ, cha mẹ có thể tạo ra tác động lớn nhất, tích cực nhất đến sức khỏe và hạnh phúc của con bạn trong suốt quãng đời còn lại của bé.
Chúng tôi, tại Mămmy, cũng thu thập và lưu trữ rất nhiều những nghiên cứu khoa học về sự phát triển của bé, sự phát triển của não bộ, dinh dưỡng và các hướng dẫn ăn dặm của các nước tiên tiến trên thế giới. Một số chúng tôi đã dịch ra tiếng Việt để các bạn dễ theo dõi hơn. Bạn có thể tiếp cận kho kiến thức này tại link https://mammy.vn/chuyen-muc/tai-nguyen-cho-cha-me/
Sơ đồ trên phản ánh sự phát triển của các vùng trong não bộ. Các nơron thần kinh được hình thành ngay từ khi có bầu tới -8 tháng (8 tháng trước khi sinh). Tăng sinh tế bào thần kinh từ -8 đến -3 tháng, quá trình tạo myelin bắt đầu từ 2 tháng trước khi sinh và mạnh nhất trong 2 năm đầu, các quá trình hình thành vỏ não trước trán, vỏ não cảm giác, vỏ não liên kết đỉnh và thái dương đều có đỉnh ngay trước khi bé 2 tuổi.
Tất cả được phát triển và hoàn thiện trong 1000 ngày vàng. Tuy chúng có thời gian phát triển khác nhau, nhưng ở giai đoạn đỉnh, nếu ta không cung cấp chất dinh dưỡng phù hợp để tế bào thần kinh lớn thì chắc chắn giá trị đỉnh của các khớp thần kinh sẽ xuống thấp. Sau này, nếu trẻ học tập có sử dụng các tế bào thần kinh thì các liên kết của mạch thần kinh sẽ đầy lên, nhưng chỉ là giúp cho đường cong suy giảm thoải thôi.
Nếu để qua giá trị đỉnh rồi thì sau này có cung cấp bao nhiêu thuốc bổ, bù đắp lại cũng chỉ có thể tăng lên một chút ít ỏi các khớp thần kinh. Cho dù có tăng được cũng chỉ là 1 - 2 khớp với mỗi tế bào một năm, không đủ để thay đổi đường cong của biểu đồ. Trong khi 0 - 2 tuổi, tốc độ tăng là 1000 kết nối mỗi giây. Đường cong này đạt đỉnh tại đâu sẽ tùy thuộc vào những gì mẹ cho bé ăn và môi trường nuôi dưỡng cho não bộ.
Tầm quan trọng của việc cho con ăn đúng trong những năm tháng đầu đời và tính không thể đảo ngược của nó yêu cầu chúng ta cần phải thay đổi cách cho con ăn hiện nay. Tất cả quá trình phát triển quan trọng nhất của bộ não đều diễn ra trong 1000 ngày. Con phụ thuộc hoàn toàn vào bạn. Ăn dặm bổ não là vô cùng quan trọng. Một vài chất dinh dưỡng cung cấp quá sớm thì không có hiệu quả mà quá muộn lại có thể gây nhiều thiệt hại. Cũng như một vài chất dinh dưỡng đợi quá lâu mà không được cung cấp, vô hình chung, bạn đã lỡ mất cơ hội của con.
Việc thực hành ăn dặm đặt nhu cầu của não bộ làm trung tâm sẽ thay đổi toàn bộ cách bạn cho con ăn. Ở Mămmy, chúng tôi không bao giờ chỉ nấu cháo. Chúng tôi xác định nhu cầu về vitamin, dưỡng chất, khoáng chất mà trẻ cần. Những em bé ở 12 tháng sẽ có nhu cầu khác với em bé 6 tháng. Trẻ dưới
12 tháng có nhu cầu đạm 2,22g/kg/ngày, cao hơn cả trẻ 13-24 tháng, chỉ cần 1,63g/kg/ngày. Mỗi giai đoạn đều là một cột mốc vàng và mỗi nguyên liệu đều có chủ đích hỗ trợ sự phát triển trong giai đoạn đó. Sau đó chúng tôi cẩn thận lựa chọn những nguyên liệu, hải sản, rau củ tươi nhất, sơ chế kỹ lưỡng để giữ lại nhiều nhất các dưỡng chất này. Chúng tôi chế biến bằng tấm lòng của người mẹ, mong muốn những điều tốt đẹp nhất cho con mình, bằng một phương pháp khoa học. Tất cả những phương pháp ấy, tôi sẽ viết rất cụ thể thành 8 bước tại phần 2 để các bạn đều có thể tự nấu cho con những bữa ăn bổ não tại nhà.
3, Điều gì tạo nên một bộ não thông minh?
Khoa học về não bộ luôn là một đề tài hấp dẫn thế nhưng chúng ta mới chỉ hiểu về chúng hơn trong vài chục năm gần đây khi các nhà khoa học đã có thể tạo ra một bộ não mini nằm bên ngoài cơ thể. Nó là một tập hợp các nơ ron thần kinh và mô não nuôi trong phòng thí nghiệm. Các nhà khoa học dùng chúng để nghiên cứu về bộ não của con người. Khó khăn lớn nhất khi nuôi cấy một bộ não mini là tạo ra hỗn hợp thức ăn hoàn hảo để nuôi sống chúng gồm đường, đạm, vitamin và chất khoáng, giúp tế bào gốc hình thành tính đồng nhất về mặt thần kinh. Việc này mới chỉ được khám phá ra gần đây, vào năm 2013. Ngoài dinh dưỡng, phần còn lại của cả quá trình lại cực kỳ đơn giản. Một tế bào thần kinh gốc về cơ bản sẽ tự lớn lên, giống như hạt nảy mầm thành cây vậy. Tất cả những gì nó cần là đất, nước, ánh sáng cho não. Một loại gel đặc biệt để kích thích tế bào phôi, một máy ấp để tạo nhiệt độ như cơ thể người và một ít chuyển động như dòng chảy của máu. Tế bào gốc lớn lên thành một phiên bản rất nhỏ của bộ não người mới đang phát triển. Chúng có đầy đủ các nơron được kết nối với nhau và có mạng lưới thần kinh đơn giản. Khi bộ não mini phát triển, nó cũng tuân theo các bước phát triển của phôi não.
Việc nuôi cấy não trong phòng thí nghiệm, kể cả nó chỉ bằng kích thước một cục tẩy nhỏ, dấy lên các câu hỏi về đạo đức như: liệu chúng có thể tự suy nghĩ, hay tự phát triển ý thức không?
Câu trả lời là bộ não mini này không thể suy nghĩ, lý trí hay phát triển nhận thức. Yếu tố quan trọng giúp bộ não của chúng ta thông minh như vậy là nhờ kích thước. Một bộ não mini chỉ có khoảng 100 ngàn nơron thần kinh, trong khi não thật có đến 86 tỉ nơron.
Thứ hai, bộ não mini không thể tương tác với thế giới bên ngoài. Con người học bằng cách tương tác với thế giới bên ngoài, nhận thông tin từ mắt, tai và các giác quan khác rồi phản ứng lại. Mạng lưới thần kinh phức tạp điều khiển suy nghĩ và hành động có ý thức đã phát triển nên vòng lặp phản xạ này. Nếu thiếu nó, bộ não mini không thể hình thành mạng lưới hoạt động.
Như vậy, chúng ta đã hiểu hai thứ quan trọng để tạo nên một bộ não thông minh: Yếu tố đầu tiên là dinh dưỡng, không có dinh dưỡng, bộ não không thể phát triển hết kích thước tiềm năng của nó, không thể hình thành đầy đủ các chức năng cơ bản. Yếu tố thứ hai là sự tương tác với môi trường bên ngoài.
Đối với trẻ em, các nhà khoa học chỉ ra 3 yếu tố cơ bản để trẻ em phát triển tốt:
- Dinh dưỡng tốt
- Sự tương tác ổn định của người chăm sóc trẻ,
- Môi trường chăm sóc nuôi dưỡng an toàn.
Khi thiếu hoặc thừa ba yếu tố trên, sự phát triển về thể chất, trí tuệ, tình cảm và xã hội của trẻ bị xáo trộn. Điều này có thể làm mất cơ hội phát triển mà mỗi đứa trẻ mới sinh ra đời được hưởng. Thiếu hoặc mất cân bằng dinh dưỡng cả về chất và lượng đều có thể tác động tiêu cực sâu sắc tới sự phát triển lâu dài của trẻ. Nguy cơ mắc các bệnh mạn tính không lây như hen suyễn, béo phì, đái tháo đường, bệnh tim mạch.... Việc này có thể gây hậu quả lâu dài không chỉ với bản thân trẻ mà còn cả gia đình, cộng đồng.
Ăn dặm bổ não - Nền tảng phát triển trí não và học tập
Dinh dưỡng thúc đẩy sự tăng trưởng và phát triển của não trong giai đoạn đầu đời. Nó đặt nền móng cho khả năng nhận thức, kỹ năng vận động và phát triển tình cảm xã hội. Từ đó, ảnh hưởng sâu sắc đến sự thành công ở trường học và cơ hội phát triển kinh tế trong cuộc sống sau này.
Bộ não chi phối sự trao đổi chất của cơ thể trong giai đoạn đầu đời. Bộ não của trẻ nhỏ tiêu thụ 2/3 tổng số calo mà cơ thể nạp vào. Trong 1000 ngày đầu tiên, não bộ phát triển nhanh hơn bất kỳ thời điểm nào khác trong cuộc đời. Trong suốt thời gian này, cần cung cấp các chất dinh dưỡng phù hợp và cần thiết để đáp ứng sự phát triển nhanh chóng của não. Một số chất dinh dưỡng đặc biệt có ảnh hưởng sâu sắc và lâu dài đến não bộ. (Xem chương 3, phần 2: Nhu cầu của bé).
Chế độ dinh dưỡng tốt trong 1000 ngày đầu tiên cung cấp năng lượng cho não bộ để học hỏi.
Dinh dưỡng từ các bữa ăn dặm là nguồn dinh dưỡng duy nhất cho em bé phát triển. Tốc độ xử lý thần kinh của trẻ - nghĩa là não có thể hiểu và truyền thông tin nhanh như thế nào – cũng tăng đáng kể trong thời thơ ấu. Trong thời kỳ này, não trẻ hình thành các khớp thần kinh - các kết nối cho phép các tế bào thần kinh (tế bào não) giao tiếp với nhau. Đứa trẻ sẽ tạo ra các khớp thần kinh với tốc độ nhanh và nhiều hơn bất cứ thời điểm nào khác trong cuộc đời. Trên thực tế, não trẻ mới biết đi có số khớp thần kinh gấp đôi so với khi trưởng thành.
Sự dư thừa các khớp thần kinh được tạo ra bởi não bộ trong giai đoạn này cho phép trẻ phản ứng nhanh với đầu vào bên ngoài và mang lại khả năng tự định hình. Khả năng này - được gọi là tính linh hoạt thần kinh - cho phép con người thích nghi với sự thay đổi của môi trường và hoàn cảnh sống. Đặc biệt, trong năm thứ hai của cuộc đời, các khớp thần kinh vùng ngôn ngữ của não phát triển và liên kết với nhau nhiều hơn. Điều này dẫn tới khả năng ngôn ngữ của trẻ tăng vọt.
Thực phẩm cung cấp nhiên liệu cho phần lớn sự phát triển não bộ trong thời kỳ thơ ấu. Dinh dưỡng trong thời kỳ này vô cùng quan trọng. Đặc biệt: protein, sắt, kẽm và i-ốt rất cần thiết cho não bộ đang phát triển nhanh chóng.
Sắt đóng một vai trò quan trọng trong sự phát triển của não trong suốt 1000 ngày đầu tiên. Những tổn hại do thiếu sắt trong thai kỳ và 2 năm đầu đời của trẻ có thể không thể phục hồi. Trẻ em từ 1 đến 3 tuổi cần 7 mg sắt mỗi ngày. Nếu không cho trẻ ăn thịt hoặc các loại thực phẩm giàu chất sắt khác, chúng sẽ không thể có đủ sắt cho cơ thể. Một số thói quen sai lầm khi cho con ăn dặm ở nước ta như : trẻ em ở Việt Nam thường được bắt đầu ăn dặm bằng các loại bột gạo, bột ngũ cốc và sau vài tháng mới bắt đầu cho ăn thịt. Một số mẹ chỉ cho con ăn bột pha với nước hầm xương, hoặc cho con ăn bột với nước dashi. Đặc biệt một số mẹ tin rằng cần cho con ăn riêng từng loại rau củ trong những tháng đầu để phân biệt mùi vị, dẫn đến mấy tháng trời con không được ăn thịt. Hoặc từ tháng bao nhiêu trở đi con mới có thể ăn thịt cá. Đây đều là những cách thực hành không khoa học. Thịt là nguồn cung sắt tốt nhất. Sai lầm khi cho con ăn dặm này dẫn đến 60% số trẻ từ 6-24 tháng ở Việt Nam bị thiếu máu do thiếu sắt.
Thiếu sắt ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ có thể dẫn đến suy giảm khả năng học tập và hành vi xã hội - tình cảm. Trẻ có thể ít tương tác xã hội, hay cáu kỉnh, cảnh giác và hành vi bị ức chế, ít chơi hơn. Điều này có thể làm giảm mức độ chú ý và sự tương tác với người chăm sóc và giáo viên dẫn tới kết quả phát triển kém hơn. Thiếu sắt cũng ảnh hưởng tới quá trình phát triển của thần kinh. Trẻ thiếu sắt có trí nhớ kém hơn. Các nghiên cứu chỉ ra rằng thiếu sắt sớm có liên quan đến mức độ lo lắng và khả năng mắc trầm cảm cao hơn khi trưởng thành.
Ăn dặm bổ não - Nền tảng cho sức khỏe suốt đời.
Chế độ dinh dưỡng tốt trong 1000 ngày đầu tiên đặt nền móng cho sức khỏe của trẻ khi trưởng thành. Ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy sức khỏe suốt đời của một người — bao gồm cả khuynh hướng béo phì và các bệnh mãn tính khác — được định hình bởi cách người đó được nuôi dưỡng tốt trong tử cung và trong những năm đầu đời.
Giai đoạn sơ sinh là giai đoạn quan trọng khi trẻ học ăn gì và ăn như thế nào. Đây cũng là thời kỳ hình thành khẩu vị và thói quen ăn uống của trẻ.
Nhiều chuyên gia tin rằng thời thơ ấu là thời gian tốt nhất để thiết lập thói quen ăn uống lành mạnh. Để thúc đẩy sự phát triển, trẻ cần ăn nhiều loại thực phẩm giàu protein, trái cây, rau quả, ngũ cốc nguyên hạt, sữa không đường và các sản phẩm từ sữa khác. Đồng thời hạn chế chất béo bão hòa, đường và muối. Những loại thực phẩm này không chỉ không tốt với bộ não đang “lớn” ở trẻ sơ sinh mà còn dẫn tới nguy cơ thừa cân, béo phì. Đồng thời, ngay từ khi còn nhỏ, trẻ có thể “lập trình” vị giác sau này chỉ thích ăn đồ ngọt, mặn hoặc béo.
Chế độ ăn uống lành mạnh là yếu tố quan trọng đảm bảo trẻ phát triển tốt và tăng cân hợp lý.
Hậu quả của việc ăn uống thiếu chất và thói quen ăn uống trong thời thơ ấu rất đáng kể. Tăng cân nhanh trong 2 năm đầu đời có liên quan đến tình trạng béo phì sau này. Nó dẫn tới hàng loạt các bệnh mãn tính không lây. Khoa học cho thấy, với trẻ nhỏ, béo phì có thể là «án chung thân». Trẻ bị béo phì trước 2 tuổi sẽ có khả năng bị béo phì khi trưởng thành. Một nghiên cứu khác cho thấy, trẻ em bị thừa cân trong thời kỳ thơ ấu có nguy cơ thừa cân ở tuổi 12 gấp 5 lần so với những đứa trẻ khác.
Dinh dưỡng tốt trong 1000 ngày đầu tiên mang lại cho trẻ khởi đầu công bằng và giúp trẻ phát triển đúng hướng. Đáng tiếc là quá nhiều trẻ em không có cơ hội này. Khoa học và hiểu biết về cách sử dụng dinh dưỡng tác động đến sự phát triển của não bộ đã rất phổ biến ở các nước phát triển. Tuy nhiên, ở nước ta, mọi việc mới chỉ dừng lại ở việc “ăn no”. Sự ngoan ngoãn của đứa trẻ được “đong đếm” bằng việc “ăn mấy bát cơm rồi”. Một nghiên cứu gần đây đã chỉ ra rằng: não của trẻ em bị chăm sóc kém có diện tích bề mặt nhỏ hơn 6% so với não của những đứa trẻ được chăm sóc tốt.
Trong 1000 ngày này, các mạch thần kinh bắt đầu hình thành, các đuôi gai và tế bào thần kinh lớn hơn, dung lượng não bộ cũng to lên. Cha mẹ cần cung cấp đúng các dưỡng chất não bộ cần để số lượng các mạch thần kinh tăng càng nhiều càng tốt. Não bộ phát triển tốt, con sẽ có sức khỏe tốt và trí thông minh hơn người.
4. Thời điểm thiếu hụt chất dinh dưỡng
Bộ não riêng nó không phải là 1 cơ quan đồng nhất. Não có nhiều vùng, mỗi vùng lại có quỹ đạo phát triển khác nhau. Sự thiếu hụt chất dinh dưỡng trong giai đoạn nhu cầu về chất đó cao, có nhiều khả năng làm suy giảm sự phát triển của não.
Ví dụ như: folate có nhiều trong bông cải xanh, gan bò… rất quan trọng đối với sự phát triển ban đầu của não và cột sống. Khi người phụ nữ không đủ axit folic trước khi mang thai và trong những tuần đầu của thai kỳ, sự phát triển của ống thần kinh có thể gặp trở ngại, dẫn đến dị tật bẩm sinh về não và cột sống (gây ra chứng thiếu máu não và nứt đốt sống) có thể gây tử vong hoặc khuyết tật suốt đời.
Các chất dinh dưỡng khác nhau cần thiết cho các quá trình phát triển thần kinh cụ thể. Mỗi quá trình xảy ra trong các khoảng thời gian khác nhau. Cột mốc đầu tiên bắt đầu ngay trong thai kỳ. Não bộ bắt đầu tăng sinh tế bào thần kinh và hình thành ống thần kinh ngay trong thai kỳ. Quá trình này bắt đầu từ tuần 7 thai kỳ và tăng tốc đến khoảng 4-5 tháng sau sinh. Sau đó nó vẫn diễn ra chậm hơn và kết thúc ở tuổi trưởng thành.
Trong vòng 7 tuần đầu tiên sau khi thụ thai, phôi thai tách phần đầu ra khỏi đuôi. Trong Vòng 5 tuần, phần đầu hình thành bộ não sơ khai và uốn cong lại thành hình dấu hỏi. Chỉ một thời gian ngắn sau đó, ở tuần thứ 8, cột mốc đầu tiên trong hai cột mốc phát triển chính của bộ não bắt đầu diễn ra.
Cột mốc đầu tiên này là quá trình sản sinh hàng triệu triệu tế bào được gọi là nguyên bào thần kinh. Đó là những “con nhộng” của tế bào não, để từ đó phát triển ra thành những “cánh bướm”, tức là tế bào thực thụ. Số lượng nguyên bào thần kinh hình thành trong giai đoạn này sẽ quyết định số lượng tế bào não cuối cùng mà con bạn sở hữu. Từ tuần 14 đến tuần 26, những nguyên bào thần kinh này sẽ biến đổi thành những tế bào não.
Cột mốc thứ hai bắt đầu từ khoảng bảy tuần sau khi con bạn ra đời và tiếp tục đến 2 năm sau đó. Giai đoạn này, não bộ sẽ tăng trưởng Sợi trục và Tua gai, hình thành chức năng các khớp thần kinh và Myelin hóa. Phần lớn não bộ được hoàn thiện trong giai đoạn này và tôi sẽ giải thích vì sao nó cũng lập trình nên tương lai của con bạn.
Khi các mạch thần kinh, các dây thần kinh tại một bộ phận đang vươn dài, mọc ra và kết nối một cách mạnh mẽ, việc không nhận được đúng, đủ các chất dinh dưỡng mà nó cần có thể dẫn đến mạch thần kinh không thể mọc tiếp, không được hình thành, vỏ não mỏng hơn… Từ đó làm thay đổi cấu trúc và chức năng của cả hệ thần kinh.
Trong suốt cột mốc thứ hai, sau khi một tế bào thần kinh được tạo ra, nó sẽ di chuyển đến vị trí của nó trong não, nơi nó phát triển các sợi trục và đuôi gai mọc ra. Mỗi tế bào trong triệu triệu tế bào não này bắt đầu tỏa ra một số lượng lớn sợi mềm, mảnh. Chúng sẽ tìm kiếm và kết nối với hàng chục ngàn tế bào não khác ở xung quanh. Đôi khi, kết nối thậm chí sẽ còn phát sinh giữa những tế bào não thuộc hai bán cầu não khác nhau. Những kết nối này được gọi là khớp thần kinh. Qua đó các tín hiệu thần kinh truyền từ tế bào này sang tế bào khác.
Khi triệu triệu tế bào não liên kết với nhau, những sợi tua liên kết được bao bọc bởi một chất cách nhiệt gọi là myelin. Lớp vỏ myelin này giúp việc dẫn truyền tín hiệu của các dây thần kinh được nhanh chóng và hiệu quả.
Các quá trình phát triển thần kinh này bắt đầu trong thời kỳ mang thai và tiếp tục trong suốt thời kỳ sơ sinh. Các nhóm tế bào thần kinh hình thành các con đường, được tinh chế thông qua việc loại bỏ các tế bào và kết nối được lập trình. Khoảng một nửa số tế bào được tạo ra trong não sau đó bị loại bỏ trong suốt thời thơ ấu và thiếu niên. Quá trình này gọi là Synapse.
Các tế bào và kết nối được kích hoạt sẽ được giữ lại và củng cố trong khi những tế bào không được sử dụng sẽ bị loại bỏ. Đây chính là một đặc điểm kỳ diệu của não người, thể hiện tính dẻo, tính linh động để thích ứng với môi trường của não trẻ. Bộ não trẻ lúc này tạo ra vô vàn tế bào và kết nối, nhiều hơn mức nó cần. Vì thế, tùy theo môi trường sống mà nó tinh lọc những cái nào cần để giữ lại, những thứ không cần sẽ chết đi. Các nhà khoa học phát hiện ra các em bé sơ sinh lúc 3 tháng tuổi có thể phân biệt được mặt của các con khỉ khác nhau. Thế nhưng tới 9 tháng tuổi, khả năng này lại tự nhiên mất đi do những tiếp xúc sau này của bé gửi cho não bộ tín hiệu cho thấy khả năng này là không cần thiết nữa. Vì vậy, đến khi trưởng thành, hầu hết chúng ta đều không còn khả năng này.
Mỗi quá trình hình thành một hệ thống thần kinh đều cần những dưỡng chất riêng biệt. Cũng giống như Canxi và Vitamin D là cần thiết khi nói đến phát triển chiều cao. Bộ não cần tới 13 dưỡng chất khác nhau. Tôi sẽ liệt kê trong phần sau để tiện các bạn tra cứu. Khi một tế bào đang được hình thành, nó cần vươn ra, mọc ra tua gai và sợi trục, kết nối với tế bào tiếp theo. Khi đó, nó cần rất nhiều chất béo tốt, sắt và một số dưỡng chất khác, nhưng nếu nó không nhận được, tế bào này có thể “còi cọc”, không thể vươn ra, không thể mọc tiếp, không hoạt động đúng như chức năng của nó, hoặc thậm chí không được hình thành. Từ việc thiếu chất dinh dưỡng dẫn đến thiếu thông minh chỉ cách nhau gang tấc.
Ở giai đoạn này, phần chính trong kiến trúc bộ não của con bạn đã được dựng xong, bộ não có đạt được mức phát triển tối ưu hay không quyết định trí thông minh của con bạn.
Bảng dưới đây tóm tắt 5 quá trình hình thành hệ thần kinh, thời điểm phát triển của nó và các dưỡng chất cần thiết:
Một chế độ ăn dặm lấy não bộ làm trung tâm, cung cấp dưỡng chất đầy đủ và hợp lý là rất cần thiết cho sự phát triển tối ưu của não. Đặc biệt quan trọng trong lúc mang thai và giai đoạn sơ sinh, vì đó là thời kỳ hình thành và phát triển nhanh nhất hệ thống thần kinh, đặt nền móng cho sự phát triển khả năng nhận thức – vận động, kỹ năng cảm xúc xã hội và các kỹ năng thiên tài khác trong suốt thời thơ ấu đến tuổi trưởng thành.
Hệ thống thần kinh giai đoạn 0-2 tuổi phát triển cực kỳ nhanh chóng, chúng cần nhiên liệu để lớn. Vì vậy chúng vô cùng nhạy cảm với bất kỳ sự thiếu hụt dinh dưỡng nào. Các vitamin có trong thức ăn cho não phải được cung cấp đúng, đủ, đều (đúng về thời gian, đủ về liều lượng và đều về tần suất). Nếu để lỡ nhịp hay khiếm khuyết các yếu tố nêu trên thì không có cơ hội thứ hai cho sự phát triển tối ưu hệ thần kinh của trẻ.
5. Thức ăn ảnh hưởng đến não như thế nào?
Não bộ của con người được hình thành và phát triển chủ yếu từ giai đoạn bào thai, và hoàn thiện dần sau khi sinh. Giai đoạn 3 tháng đầu của bào thai, các tế bào não phát triển rất nhanh với tốc độ 250.000 tế bào mỗi phút và tiếp tục tăng nhanh đến khi chào đời. Cần nhấn mạnh rằng, sau 3 tuổi các tế bào thần kinh không được sinh ra thêm mà chỉ hoàn thiện về chức năng và cấu trúc. Ngược lại, trong quá trình sống, có những tế bào thần kinh bị thoái hóa và mất đi; nếu não bộ có những tổn thương xảy ra thì sẽ không có sự phục hồi hoàn toàn. Do đó, có thể nói, những năm đầu tiên là “cơ hội duy nhất trong đời” để não bộ được phát triển hoàn hảo. Tất cả các yếu tố có ảnh hưởng đến phát triển của thai nhi, của trẻ trong những năm đầu đều có ảnh hưởng đến sự phát triển của não bộ.
Những bữa ăn dặm đầu tiên có vai trò gì nhỉ?
1. Những bữa ăn giúp con hình thành, phát triển cơ thể.
2. Những bữa ăn giúp con duy trì sự sống. Nếu thiếu thức ăn, các tế bào sẽ yếu đi, thiếu nhiều hơn thì thành còi cọc, thiếu nữa thì cơ thể không thể tồn tại được.
3. Cung cấp năng lượng cho cơ thể để có thể học được, di chuyển được, chơi được, làm việc được,
4. Vai trò miễn dịch: tăng sức đề kháng của cơ thể, bảo vệ cơ thể con không bị mắc bệnh.
Bộ não - cơ quan quan trọng nhất trong cơ thể con người, điều khiển cơ thể của chúng ta bằng cách nào? Các nhà khoa học đã nghiên cứu ra rằng não bộ tiết ra những chất dẫn truyền thần kinh, giúp chúng ta có những cảm xúc vui vẻ, hào hứng hay bồn chồn, cáu kỉnh, lo lắng, hạnh phúc. Không có những chất hóa học như vậy, chúng ta sẽ không có cảm xúc.
Hơn thế, tất cả chức năng, sự phát triển, tâm trạng, năng lượng của chúng ta đều được kiểm soát bởi những chất hóa học này trong não. Và 90% các chất dẫn truyền thần kinh này được sản xuất trong cơ thể của chúng ta, bởi thức ăn trong ruột và não bộ. Hay nói cách khác, những gì con ăn vào có thể kiểm soát cách con suy nghĩ, thái độ và hành động của con.
Trong số những chất béo trong não, Omega-3 và Omega-6 là những axit béo quan trọng. Chúng có thể làm giảm sự thoái hóa của não và chỉ có thể được hấp thụ qua đường ăn uống. Vì vậy, những thức ăn như quả hạch, quả óc chó, các loại cá giàu axit béo là những thực phẩm tiên quyết trong việc tạo ra và duy trì màng tế bào.
Trái ngược với những chất béo tốt, thực phẩm chế biến sẵn như bánh kẹo, bim bim, khoai tây chiên, gà rán… chứa đầy những chất béo không tốt. Những chất béo như transfat (chất béo chuyển hóa) và chất béo bão hòa có thể làm tổn thương não. Xem chương 3 “Chất béo nào tốt cho não bộ?”
Protein và axit amin trong thức ăn là nguồn dinh dưỡng quan trọng cho sự phát triển, chúng điều khiển cách trẻ cảm nhận và thể hiện. Axit amin chứa tiền chất dẫn truyền thần kinh, là chất hóa học mang tín hiệu giữa các nơron, ảnh hưởng đến tâm trạng, giấc ngủ, sự tập trung và cân nặng. Những bữa ăn đa dạng sẽ giúp giữ cân bằng giữa liên kết của các chất tín hiệu của não và giữ cho tâm trạng ổn định.
Giống như các cơ quan khác trong cơ thể, não cũng cần đến dinh dưỡng của các chất vi lượng. Chất chống oxy hóa trong trái cây và rau quả gia tăng sức mạnh cho não chống lại sự phá hủy của các gốc tự do, giúp não hoạt động hiệu quả trong một thời gian dài. Thiếu các chất dinh dưỡng vi lượng như vitamin B6, B12, axit folic, trẻ sẽ rất dễ mắc các bệnh về não và sa sút trí tuệ.
Những nguyên tố khoáng như sắt, đồng, kẽm và natri cũng rất quan trọng đối với sức khỏe não bộ và sự phát triển nhận thức. Những kim loại này ảnh hưởng đến sự phức tạp của não bộ, ảnh hưởng đến khả năng học tập và ghi nhớ. Một cách mẹ Thiên nhiên đảm bảo một đứa bé sẽ có đủ sắt là dự trữ nó trong tử cung, để đứa bé sinh ra với đủ lượng sắt cần thiết trong 4 tháng đầu. Những người mẹ có bệnh tiểu đường, bệnh huyết áp cao hoặc hút thuốc lá là những người có chất sắt không thể di chuyển từ tử cung người mẹ tới bào thai, làm cho những đứa trẻ sinh ra đã thiếu sắt. Với những trẻ sinh đủ tháng bình thường, 6 tháng là lúc sắt, kẽm đã cạn kiệt và cần được bổ sung bằng thức ăn dặm. Những đứa trẻ không được ăn thịt cá trong những khoảng thời gian này sẽ có nguy cơ thiếu sắt. 60% trẻ em ở Việt nam thiếu sắt do những quan niệm ăn uống sai lầm. Thiếu sắt sẽ gây ra vấn đề về trí nhớ.
Bạn muốn biết người ta làm thế nào để kiểm tra trí nhớ của trẻ sơ sinh không? Tại Viện Phát triển Trẻ em của Đại học Minnesota, Tiến sĩ Michael Georgieff đã đo điện não đồ của các em bé và xem chúng có thể nhận ra giọng nói của mẹ chúng khác với giọng của người lạ hay không. Hệ thống trí nhớ cần một lượng sắt hợp lý để phát triển. Đầu tiên, các nhà khoa học phát âm thanh của người mẹ nói “con yêu”, rồi sau đó họ phát giọng của một người lạ. Họ xem xét điện não đồ của trẻ khi nghe được hai giọng nói và so sánh chúng. Khi phân tích kết quả, họ thấy rằng: Ở những đứa trẻ đủ sắt, đường điện tâm đồ khi nghe tiếng người mẹ nói là một đường khác hẳn với khi người lạ nói. Điều này cho chúng ta biết rằng, bằng cách nào đó, đứa trẻ đã ghi nhớ và phân biệt được giọng của mẹ và giọng của người lạ. Ở những đứa bé bị thiếu sắt, hai đường điện tâm đồ trứng nhau, trẻ không thể phân biệt được giữa giọng nói của người mẹ và giọng nói của người lạ. Điều đó có nghĩa là hồi hải mã của đứa bé, vùng liên quan đến học hỏi và ghi nhớ, đã không được phát triển hoặc hoạt động đầy đủ vì thiếu sắt.
Để biến đổi và tổng hợp một các hiệu quả những chất dinh dưỡng quý giá này, não rất cần năng lượng. Dù chỉ chiếm 2% cơ thể nhưng bộ não sử dụng tới 75% năng lượng. Chế độ ăn dặm của con cần phải phù hợp với cả nhu cầu phát triển cơ thể và cả nhu cầu phát triển não bộ trong giai đoạn này. Trong khi cơ thể bé chỉ cần đạm, đường bột và chất béo để có thể tăng cân, thì não bộ cần vitamin và khoáng chất riêng của nó. Có 16 chất đặc biệt quan trọng mà nếu không được cung cấp đúng và đủ, các mạch thần kinh có thể không được hình thành. (Xem phần 2, chương 3) Trong quá trình một đứa trẻ hình thành nên cơ thể, có những giai đoạn gắn ngủi mà một cơ quan hoặc một hệ thống phải hoàn thiện, và yêu cầu dinh dưỡng cụ thể để phục vụ quá trình ấy. Việc cho con ăn mà không hiểu, từ đó không đáp ứng đúng và đủ chất dinh dưỡng cho cơ thể phát triển có thể gây ra những thay đổi về cơ thể và chức năng trí tuệ của con.
Khoảng thời gian 1000 ngày đầu đời được ví như đường cao tốc một chiều, vì nó rất nhanh và chỉ xảy ra một lần trong đời. Một khi không cung cấp đủ dinh dưỡng sẽ tạo ra những lỗi tăng trưởng mà chúng ta không thể quay lại hoặc sửa chữa được nữa. Do đó, các tác động bất lợi của dinh dưỡng gây ra trong giai đoạn này sẽ tồn tại trong suốt cuộc đời. Các nhà khoa học dùng thuật ngữ “ thời kỳ quan trọng” hoặc “ thời kỳ nhạy cảm” để mô tả khoảng thời gian 1000 ngày khi chức năng của và cấu trúc của não bộ đang hình thành, cũng để nhấn mạnh cơ hội và tính dễ bị tổn thương bởi các yếu tố bên ngoài của não bộ. Việc lựa chọn chế độ ăn dặm giàu dinh dưỡng cho con là yếu tố quan trọng để duy trì sự phát triển của não. Những thứ bạn cho con ăn, uống và tiêu hóa đều có tác động trực tiếp là lâu dài lên bộ phận quan trọng bậc nhất này trong cơ thể con.
6. Không thể bù đắp
Trong 1000 ngày đầu tiên, não bộ và cơ thể trẻ có thể tự thay đổi để thích nghi một cách cực kỳ mạnh mẽ. Độ dẻo thần kinh mạnh mẽ nhất vào trước và sau khi sinh ra, khi mà 85% não bộ được hình thành.
Cơ chế quan trọng đầu tiên là thay đổi biểu sinh, liên quan đến sự phát triển của nhiều loại rối loạn, từ bệnh tim mạch đến rối loạn phổ tự kỷ và rối loạn nhận thức, và có thể được kích hoạt bởi một loạt các tiếp xúc và trải nghiệm môi trường.
Trong những khoảng thời gian hình thành nên hệ thần kinh trung ương, khi cơ thể đang hình thành nên các mạch thần kinh một cách mạnh mẽ, thì sự ảnh hưởng của các trải nghiệm bên ngoài có thể tạo ra các tác động sâu sắc. Dinh dưỡng kém của người mẹ khi thụ thai có thể có tác động lớn đến chương trình phát triển, làm thay đổi tốc độ phân chia tế bào và sự phát triển dinh dưỡng trước khi sinh và sau khi sinh.
Nhiễm trùng ở mẹ trong giai đoạn phát triển rất sớm này cũng có thể tạo ra những thay đổi biểu sinh, làm thay đổi chức năng miễn dịch của trẻ. Những thay đổi biểu sinh có thể xảy ra trong suốt thai kỳ. Các hormone và chất dinh dưỡng đi qua nhau thai có thể bị ảnh hưởng bởi thành phần cơ thể, sự trao đổi chất và lối sống lâu dài của người mẹ . Thai nhi nhạy cảm với nội tiết tố và căng thẳng của người mẹ, và việc tiếp xúc nhiều với căng thẳng trong bụng mẹ có liên quan đến phản ứng mạnh hơn với căng thẳng sau khi sinh, cũng như các vấn đề lâu dài về chức năng cảm xúc và nhận thức. Nhìn chung, việc tiếp xúc với căng thẳng trước khi sinh khiến trẻ em phản ứng mạnh hơn với thách thức và đe dọa. liên quan đến những thay đổi trong trạng thái biểu sinh của con cái có tác động lâu dài đến não bộ và hành vi của con cái.
Cơ chế biểu sinh này liên quan đến sự phát triển của nhiều loại rối loạn, từ bệnh tim mạch đến rối loạn phổ tự kỷ và rối loạn nhận thức. Cơ chế thứ hai là sự cắt tỉa các khớp thần kinh.
Trẻ em được sinh ra với hàng tỷ nơron thần kinh nhưng lại có tương đối ít khớp thần kinh. Sau khi chúng học hỏi các kỹ năng mới, các khớp thần kinh này sẽ tăng lên nhanh chóng. Những kết nối được sử dụng nhiều hơn trở nên mạnh mẽ và bền bỉ hơn, trong khi những kết nối không được sử dụng trở nên yếu đi và cuối cùng biến mất thông qua một quá trình gọi là cắt bỏ khớp thần kinh. Các mạch được sử dụng tốt sẽ tạo ra các đường dẫn cho các kết nối mạnh mẽ giữa các vùng của não chịu trách nhiệm về các kỹ năng vận động, thị giác, cảm xúc, điều chỉnh hành vi, logic, ngôn ngữ và trí nhớ của trẻ.
Bộ não và cơ thể chỉ có một khoảng thời gian ngắn ngủi để hình thành và thiếu những dưỡng chất để nuôi dưỡng sự phát triển ấy, cấu trúc của não đang phát triển có thể bị phá vỡ. Điều này sau đó tác động xấu đến các giai đoạn phát triển, học tập, hành vi và kết quả sức khỏe sau này.
Suy dinh dưỡng
Suy dinh dưỡng khiến tất cả các cơ quan giảm phát triển, thứ nhất là hệ cơ xương, ảnh hưởng trực tiếp đến chiều cao và tầm vóc của trẻ. Trẻ em suy dinh dưỡng rất dễ mắc phải các bệnh nhiễm trùng về đường hô hấp và đường ruột.
Suy dinh dưỡng làm giảm phát triển trí não, chậm chạp, giảm học hỏi, tiếp thu, trí nhớ kém, khó tập trung, giao tiếp xã hội kém và khả năng làm việc thấp hơn khi trưởng thành.
Nếu cân nặng của con không tăng như dự kiến trong 3 tháng liên tiếp, mẹ cần cho con đi khám.
Quá trình khi các tế bào não đang hình thành và phát triển, nếu tế bào não không nhận được đúng chất dinh dưỡng mà nó cần, có thể sẽ ảnh hưởng tới cấu trúc và chức năng của não bộ. Trẻ thường có những thay đổi trong hành vi, chẳng hạn như thường xuyên quấy khóc, ít vui chơi và kém linh hoạt, cơ thể chậm chạp hơn hẳn bạn cùng lứa. Các bắp thịt tay chân mềm nhão, bụng to dần. Dấu hiệu nhận thấy rõ ràng nhất là khi trẻ chậm phát triển vận động như chậm biết lẫy, ngồi, bò, đi đứng. Đặc biệt hiện tượng rất phổ biến hiện nay là tình trạng biếng ăn kéo dài của trẻ. Ở cấp độ nhẹ suy dinh dưỡng có thể làm các mốc phát triển xảy ra muộn hơn, cấp trung có thể là chậm chạp, khó tiếp thu, kích động, không xuất sắc và cấp độ lớn nhất khi cấu trúc của não bộ hoàn toàn bị thay đổi vì phần đó không được hình thành hoặc rối loạn là thiểu năng trí tuệ và các bệnh về thần kinh hay tâm thần phân liệt.
Khi một phần nhất định của não bị tổn thương vì không nhận được các chất dinh dưỡng để phát triển, tùy thuộc vào mức độ thiếu hụt, mà mạch thần kinh đó sẽ được hình thành hay không. Khi nó được hình thành một phần, cơ thể sẽ phải hoạt động với những gì còn lại. Khi nó không được hình thành, cơ chế tự bảo vệ của não sẽ cho phép những mạch còn nguyên vẹn, không bị tổn thương của não tự tổ chức lại, tạo ra các khớp thần kinh mới để phục vụ chức năng mà mạch bị tổn thương chịu trách nhiệm. Đương nhiên, điều này chỉ xảy ra nếu chất dinh dưỡng bị thiếu đó được cung cấp ngay trong thời gian hình thành bộ phận đó. Một khi bộ phận này hoàn thành quỹ đạo phát triển của nó, việc cung cấp dưỡng chất thường không có tác dụng nữa.
Những thiếu hụt dinh dưỡng nhẹ đến trung bình có thể được chữa trị nhưng những thiếu hụt nặng lâu dài thường gây ra những hậu quả nghiêm trọng không thể đảo ngược được.
Nghiên cứu khoa học từ một nhóm trẻ mồ côi được các gia đình trung lưu Mỹ nhận nuôi đã cho thấy khác biệt khi được bổ sung dinh dưỡng đúng thời điểm. Những đứa trẻ suy dinh dưỡng được nhận nuôi sau 2 tuổi có điểm IQ thấp hơn những đứa trẻ được nhận nuôi trước 2 tuổi. Hoặc một ví dụ thường thấy khi cha mẹ người Việt Nam di cư sang nước ngoài, thế hệ thứ hai- con cái của họ thường cao lớn hơn thế hệ cha mẹ. Điều này cho thấy điều kiện dinh dưỡng được cải thiện sớm, ngay khi trẻ ăn dặm, mang lại khác biệt lớn đối với sự phát triển của trẻ. Một khi đã để qua giai đoạn vàng, những thay đổi hoặc bù đắp sau này đều không thể cải thiện hoặc thay đổi những tổn thương trước đó.
1000 ngày đầu tiên của cuộc đời là thời gian tạo nên cấu trúc của bộ não. 1000 ngày đầu tiên của cuộc đời là giai đoạn tăng trưởng và phát triển, cơ hội tạo nên sự khác biệt cho đứa trẻ đó. Tất cả sự phát triển đều xảy ra rất sớm, trước khi trẻ bắt đầu bất kỳ trường học nào. Nếu não không được nuôi dưỡng và kích thích trong những ngày đầu đó, chúng ta đang tước đi sự phát triển về mặt sức khỏe của đứa trẻ đó.
Bộ não mới sinh sử dụng 97% năng lượng mà đứa trẻ tiếp nhận. Não trẻ 1-2 tuổi sử dụng 75% năng lượng, não trẻ bốn tuổi chỉ sử dụng 44% năng lượng mà đứa trẻ tiếp nhận. Vì vậy, hãy tưởng tượng điều gì sẽ xảy ra nếu một đứa trẻ bị suy dinh dưỡng.
Căng thẳng và suy dinh dưỡng sẽ đồng nghĩa với việc giảm năng lượng để phát triển các chức năng não đó. Bằng việc cho ăn không đúng, chúng ta đã vô tình làm gia tăng bất bình đẳng trong xã hội của chúng ta ngay từ rất sớm. Bằng việc không hiểu đúng về ăn dặm, cho con ăn dặm sai cách, con cái của chúng ta đã thua ngay từ vạch xuất phát.
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng những đứa trẻ có chế độ dinh dưỡng kém, thiếu sự kích thích tiếp xúc quá nhiều với bạo lực hoặc căng thẳng sẽ có sự nghiệp học tập kém hơn ở trường, kiếm được ít tiền hơn và sức khỏe kém hơn so với những đứa trẻ được nuôi dưỡng tốt. Điều này là không thể chấp nhận được và nó không phải là thứ mà đất nước của chúng ta đủ khả năng chịu đựng. Chúng ta phải hành động ngay bây giờ nếu chúng ta muốn có một xã hội bình đẳng hơn cho chính con mình.
Chúng ta có đang sống trong một xã hội đầy tính cạnh tranh và có một bộ não thông minh là một lợi thế rõ rệt.