1. Bạn muốn thay đổi thế giới, hãy tập trung vào 1000 ngày đầu tiên của cuộc đời!
Làm cha mẹ là công việc quan trọng nhất trên đời. Trong 1000 ngày đầu tiên, cha mẹ có cơ hội duy nhất trong đời để hình thành não bộ và hình thành khả năng học hỏi và phát triển của trẻ.
Ở Việt Nam, khi nói đến thông minh, hầu hết các mẹ đều sẽ nghĩ rằng việc tương tác như đọc sách, nghe nhạc, chơi hay các bài tập kích thích …sẽ tác động đến trí não bé nhiều hơn. Nhưng trước khi bộ não có thể học, nó cần được hình thành và phát triển đầy đủ về kích thước và chức năng. Dinh dưỡng cung cấp cho bộ não những gì nó cần để lớn, mọc ra các nơron, các dây thần kinh và từ đó hình thành não bộ. Bộ não nếu không được hình thành đầy đủ, sẽ khó mà thông minh được.
Nói đơn giản hơn, dinh dưỡng là yếu tố đầu tiên và quan trọng nhất trong sự hình thành nên một bộ não thiên tài.
Năm 2008, Tạp chí y khoa uy tín nhất thế giới The Lancet được quỹ Melinda & Gate tài trợ đã tiến hành cuộc khảo sát toàn diện trên hơn 100 quốc gia có mức thu nhập trung bình và thấp. Sau đó, The Lancet đã công bố loạt bài báo gây chấn động về tình trạng suy dinh dưỡng là nguyên gây ra hơn một phần ba số ca tử vong ở trẻ em trên toàn cầu. Trong đó, thiếu vi chất gây ra 9,6% số ca tử vong.
Suy dinh dưỡng là thuật ngữ chỉ tình trạng dinh dưỡng kém, dẫn đến thiếu hụt các chất dinh dưỡng cần thiết như protein, chất béo, khoáng chất, vitamin, ảnh hưởng đến quá trình phát triển của cơ thể.
Đường đồ thị nằm ngang ở biểu đồ trên chính là chỉ số Z-score (chỉ số chiều cao theo tuổi của WHO. Đường màu xanh là chỉ số Z-score tại các nước đang phát triển. Một bé sơ sinh, thường nặng khoảng 3,3 kg và cao 50 cm. Nếu được nuôi dưỡng tốt, đường màu xanh sẽ song song hoặc trùng với đường trung bình của WHO. Tuy nhiên, các nhà khoa học nhận thấy: Tất cả các vùng được khảo sát, trẻ sinh ra ở gần đường tiêu chuẩn. Điều đó có nghĩa, chiều cao và cân nặng của bé khi mới sinh không khác nhiều so với trẻ em ở các nước có thu nhập cao trên thế giới. Tuy nhiên, sau một thời gian nuôi dưỡng, chiều cao của chúng ngày càng giảm. Thời gian giảm mạnh nhất là 24 tháng đầu tiên của cuộc đời.
Ở Việt Nam, sự tăng trưởng về thể chất của trẻ em trong những tháng hoàn toàn bú mẹ không có gì khác so với trẻ em ở các nước phát triển. Kể từ khi cho trẻ ăn dặm thì sự tăng trưởng chậm dần và thua kém nhiều so với trẻ em ở các nước phát triển. Nó giải thích vì sao thể lực và chiều cao trung bình của chúng ta luôn thuộc top cuối của thế giới. Điều này khiến chúng ta phải nhìn lại cách nuôi dưỡng con. Các nhà khoa học cũng phát hiện khoảng thời gian chìa khóa của tất cả các vấn đề: 1000 ngày đầu tiên của cuộc đời.
Khác với quan niệm 3 năm đầu đời, 1000 ngày được tính từ khi bắt đầu mang thai đến khi bé đón sinh nhật tròn 2 tuổi. Đây là một khoảng thời gian tuy rất ngắn ngủi nhưng những tác động của nó lại có ảnh hưởng tới cả cuộc đời của con.
Những gì bạn cho con ăn trong thời gian này là nguồn dinh dưỡng duy nhất cho sự phát triển của con. Vì thế, một chế độ ăn dặm dinh dưỡng tối ưu cho sự phát triển về thể chất và đặc biệt là trí não trẻ trong giai đoạn vàng 1000 ngày đầu đời là rất quan trọng. Thực tế là, thể chất của trẻ có thể dần dần phát triển trong nhiều năm sau, nhưng trí não trẻ phát triển và hoàn thiện rất nhanh chỉ trong 1000 ngày đầu đời. Dinh dưỡng chính là nguồn nhiên liệu thúc đẩy phần lớn sự phát triển và hoàn thiện của trẻ trong giai đoạn này.
2. Ba năm đầu đời có định hình tương lai của con bạn không?
Một trong những điều làm cho khoảng thời gian 1000 ngày đầu đời trở nên kỳ diệu và quý giá đối với mỗi một con người chính là độ dẻo thần kinh - khả năng tự thay đổi và thích ứng mạnh mẽ của não. Khả năng này mạnh mẽ nhất và có ảnh hưởng lớn nhất chính trong 1000 ngày đầu tiên của cuộc đời- khi các hệ thống, cơ quan và hệ thần kinh trung ương đang được hình thành. Sau khi kết thúc sinh nhật lần thứ 2 của bé, 85% não bộ và nhận thức đã được hoàn thiện, hệ thống cơ quan quan trọng đã hình thành và có thể hoạt động như người trưởng thành.
Để hiểu về độ dẻo của thần kinh, hãy xem xét một thí nghiệm mà các nhà khoa học trường Đại học Provence ở Marseilles đã thực hiện năm 1999. Thí nghiệm rất đơn giản, họ luyện cho một chú khỉ điều khiển một công cụ. Việc này có độ khó tương đương với một đứa trẻ học cầm và dùng một cái thìa. Con khỉ đạt được kỹ năng đó sau 700 lần thử. Khi mới bắt đầu con khỉ không làm được gì cả. Tỉ lệ thành công là khoảng 1 trong 8 lần thử. Mỗi lần thử đều khác nhau, nhưng con khỉ dần dần đã tìm ra cách của nó. Sau 700 lần thử con khỉ đã hoàn thiện kỹ năng - nó có thể lấy thức ăn với thìa và không làm rơi nữa.
Bây giờ, các nhà khoa học quan sát các vùng vỏ não khác nhau trong suốt quá trình khỉ học động tác này và họ nhận thấy sự thay đổi đáng kinh ngạc: Họ đã phát hiện ra vài phần bề mặt của đầu ngón tay rộng hơn. Đó là vùng da mà khỉ dùng để điều khiển cái thìa. Trên vỏ não của khỉ, họ nhận thấy có những vùng mới hình thành tiếp nhận cảm giác đầu vào từ da các đầu ngón tay được dùng. Mỗi thay đổi trên não và cơ thể đều đã chuyên biệt cho việc đạt được kỹ năng đó. Ví dụ vùng vỏ não đại diện cho tín hiệu đầu vào liên quan đến dáng điệu của khỉ. Các vùng vỏ não điều khiển các vận động cụ thể, và các chuỗi vận động cần thiết cho hành vi, và cứ thể tiếp tục. Não bộ luôn được điều chỉnh và chuyên biệt để thực hiện việc đang làm. Có từ 15 đến 20 vùng vỏ não thay đổi theo sự điều chỉnh khi bạn học một kỹ năng như thế này.
Như vậy, cả não bộ và cơ thể của con khỉ đã thay đổi. Khả năng tự thay đổi để thích ứng này gọi là độ dẻo thần kinh. Ở con người cũng vậy nhưng nó tinh tế hơn và xảy ra với mức độ lớn hơn rất nhiều. Độ dẻo này diễn ra mạnh nhất trong 1000 ngày đầu đời. Nó là phản ứng của hàng chục triệu, có thể đến hàng trăm triệu nơron và hàng tỷ kết nối trong não của bạn. Cũng giống các thay đổi xuất hiện trong não của một đứa bé trong quá trình học nói, học đi hay học các động tác cụ thể.
Khi bắt đầu thụ thai, trứng và tinh trùng kết hợp vật chất di truyền của chúng để tạo thành phôi, có bộ gen phản ánh sự tiếp xúc với môi trường của cả bố và mẹ. Trong quá trình thụ tinh và những lần phân chia tế bào đầu tiên, phôi rất nhạy cảm với các tín hiệu từ đường sinh sản của mẹ: chất lỏng bao quanh phôi trong quá trình di chuyển đến tử cung thay đổi tùy theo trạng thái dinh dưỡng, trao đổi chất và tình trạng viêm nhiễm của người mẹ, phản ánh thế giới mà người mẹ sống. Phôi có tính thích ứng cao và phản ứng với các tín hiệu môi trường này bằng cách điều chỉnh sự trao đổi chất, biểu hiện gen và tốc độ phân chia tế bào. Bằng cách này, phôi tạo ra một quỹ đạo phát triển thích nghi cho phù hợp với môi trường bên ngoài mà nó dự đoán trước, nhằm tối đa hóa sự sống sót về thể chất của nó. Bằng cách tiếp nhận những tín hiệu về dinh dưỡng, thức ăn, tình trạng bệnh lý, nhiệt độ, âm thanh…. phôi thai ngay từ trong bụng mẹ đã dự đoán môi trường sống mà nó sắp trải qua. Từ đó chúng tự thay đổi cấu tạo cơ thể để thích nghi với môi trường mà chúng dự đoán.
Nếu một đứa trẻ sống trong một môi trường nghèo nàn chất dinh dưỡng, được cho ăn kém, cả cơ thể và não bộ của chúng sẽ thay đổi để thích ứng với hoàn cảnh đó. Và ngay cả sau này, khi trưởng thành, nếu chế độ ăn tốt lên thì những thay đổi về não bộ và cơ thể lại vẫn còn tồn tại. Điều đó có nghĩa là, nếu bạn cho con ăn dặm không tốt trong những năm đầu đời, trí não và cơ thể chúng sẽ điều chỉnh để phù hợp với hoàn cảnh sống mà chúng có được, chúng sẽ chỉ phát triển ở mức tối thiểu, hay còn gọi là suy dinh dưỡng thấp còi. Tình trạng thấp còi không phải chỉ là tình trạng thể chất, nó là sự suy kiệt của cả cơ thể và não bộ trong một thời gian dài. Sau này, khi bé trưởng thành, mặc dù chế độ ăn có tốt hơn, cho ăn đầy đủ hơn, nhiều hơn cũng không thể cải thiện tình trạng thấp còi ấy. Một đứa trẻ bị thấp còi hoặc béo phì khi còn nhỏ, sẽ có nguy cơ cao sẽ thấp còi hoặc béo phì khi trưởng thành.
Khả năng thích nghi này làm cho con người trở nên linh hoạt nhưng cũng dễ bị tổn thương: vì những thay đổi mà cơ thể tạo ra để thích ứng với môi trường hiện tại có thể gây ra những ảnh hưởng lâu dài cả về tinh thần lẫn thể chất. Ví dụ như rối loạn hệ thần kinh trung ương, bao gồm bại não, thiểu năng trí tuệ, rối loạn phổ tự kỷ và rối loạn tâm thần kinh như rối loạn tăng động giảm chú ý.
Trái ngược với sự hiểu biết thông thường, gen không đơn lẻ quyết định bất kỳ đặc điểm nào của chúng ta. Thay vào đó, sự phát triển là một quá trình năng động liên quan đến sự tác động lẫn nhau giữa gen và môi trường. Cả gen và môi trường đều không có tác động trực tiếp và độc lập đến sự phát triển hoặc hoạt động. Do đó, một đứa trẻ có thể có sự kết hợp của các gen có khuynh hướng dẫn chúng đến một tình trạng hoặc hành vi cụ thể, nhưng không bao giờ phát triển tình trạng hoặc hành vi bởi vì chúng chưa bao giờ được tiếp xúc với môi trường cụ thể cần thiết để kích hoạt tình trạng này - và do đó gen vẫn ‘không hoạt động’ .
Tương tự như vậy, một đứa trẻ có thể tiếp xúc với một môi trường kích hoạt cụ thể nhưng lại thiếu các gen khiến chúng có thể phản ứng bất lợi với môi trường đó. Khi gen và môi trường tương tác với nhau, chúng dẫn đến những thay đổi biểu sinh. Những điềunày liên quan đến những thay đổi trong cách thức hoạt động của các gen nhưng không làm thay đổi trình tự DNA của gen. Điều này có nghĩa là, thay vì được sinh ra với bộ gen cố định, chúng ta được sinh ra với bộ gen đang phát triển thay và đổi theo bối cảnh môi trường. Thực tế, gen chỉ chiếm 20% kết quả, 80% còn lại là phụ thuộc vào môi trường.
Những yếu tố môi trường có thể ảnh hưởng tới sức khỏe trọn đời bao gồm: Dinh dưỡng, vận động, nhiệt độ, tình trạng nhiễm khuẩn, sử dụng thuốc, các căng thẳng độc hại, sang chấn tâm lý… Bất kỳ sự thiếu hụt hoặc mất cân bằng nào về những yếu tố trên, nếu xảy ra vào đúng khoảng thời gian một bộ phận của cơ thể đang hình thành hoặc khi các mạch thần kinh đang tạo ra những kết nối, sẽ tạo ra những thay đổi sâu sắc về cấu tạo của cả não bộ và cơ thể. Dinh dưỡng cung cấp nguyên liệu cho phần lớn những sự thay đổi ấy đóng một vai trò quan trọng mà người làm cha mẹ như chúng ta cần phải hiểu đúng.
Đây là một đoạn trích dẫn ý kiến của Viện Dinh dưỡng quốc gia về 1000 ngày đầu tiên của của cuộc đời:
“1000 ngày vàng – cơ hội đừng bỏ lỡ
Ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy suy dinh dưỡng trong giai đoạn phát triển quan trọng của con người – trước và trong và trong quá trình mang thai và trong hai năm đầu đời của trẻ đã “lập trình” cho khả năng của mỗi cá nhân trong việc điều tiết tăng trưởng và ảnh hưởng đến sự phát triển của não bộ. Do đó suy dinh dưỡng đầu đời có thể dẫn đến những tổn thương không thể phục hồi được với sức phát triển của não, hệ miễn dịch và tăng trưởng thể lực.
Trẻ có não kém phát triển ở những năm đầu đời sẽ có nguy cơ về các bệnh của hệ thần kinh sau này, kết quả học tập kém hơn, bỏ học sớm hơn, kỹ năng làm việc kém, chăm sóc con cái kém, và góp phần tạo nên sự chuyển giao nghèo đói từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Dinh dưỡng đúng trong 1000 ngày đầu đời mang lại những lợi ích to lớn trong tương lai
- Trẻ có khả năng phòng tránh được những căn bệnh chết người ở trẻ nhỏ gấp 10 lần.
- Trẻ có khả năng đi học nhiều hơn 4,6 năm
- Khi lớn, trẻ có khả năng thu nhập cao hơn 46%.
- Khi lớn, trẻ có khả năng có một gia đình khỏe mạnh hơn.
Trẻ cũng có thể bị suy dinh dưỡng trong những năm đầu đời do bệnh tật, do thiếu sữa mẹ hoặc các thực phẩm bổ sung giàu dinh dưỡng. Suy dinh dưỡng làm suy yếu hệ miễn dịch của trẻ, khiến trẻ có nguy cơ tử vong cao từ những bệnh thường gặp như viêm phổi, tiêu chảy hay sốt rét.
Các nghiên cứu gần đây còn cho thấy giai đoạn 1000 ngày đầu đời chính là cửa sổ cơ hội để phòng ngừa các bệnh mạn tính không lây có liên quan đến dinh dưỡng như thừa cân béo phì, rối loạn chuyển hóa đường, mỡ, các bệnh tim mạch, huyết áp, loãng xương…
Các bệnh không lây nhiễm hiện được coi là sát thủ hàng đầu trên thế giới với 35 triệu người tử vong hàng năm, chiếm 60% số ca tử vong toàn cầu. Tổ chức Y tế thế giới dự kiến các bệnh không lây sẽ tăng 17% trong thập kỷ tới, và tập trung đến 80% ở các nước đang phát triển. Bệnh không lây nhiễm có thể dự phòng được và dinh dưỡng trong 1000 ngày đầu, đặc biệt từ “lập trình” bào thai đóng vai trò quan trọng.
Bà mẹ bị thiếu dinh dưỡng ở đầu thai kỳ thì trẻ sơ sinh có trọng lượng bình thường lúc sinh nhưng có nguy cơ béo phì và bệnh mạch vành khi lớn lên. Bà mẹ có bị thiếu dinh dưỡng cuối thai kỳ thì trẻ sơ sinh có nguy cơ sinh ra nhẹ cân và khi lớn lên có nguy cơ béo phì và đái tháo đường type 2. Trẻ thiếu dinh dưỡng ở giai đoạn sớm sau khi sinh thì sẽ giảm tăng trưởng tạm thời, nếu trẻ bắt kịp tăng trưởng thì sẽ có nguy cơ tăng huyết áp và đái tháo đường type 2 khi trưởng thành. Dinh dưỡng kết hợp với các yếu tố môi trường khác (thể dục, thuốc, nhiệt độ, áp lực…) ảnh hưởng đến 80% tình trạng sức khỏe trọn đời, yếu tố di truyền chỉ ảnh hưởng tối đa 20%.
Những ảnh hưởng do suy dinh dưỡng tạo nên một gánh nặng to lớn về kinh tế cho các quốc gia, tiêu phí hàng tỷ đô la do việc giảm năng suất lao động và các chi phí y tế không tránh được. Trẻ bị suy giảm phát triển về thể lực và trí lực do suy dinh dưỡng khi lớn lên đi làm thường có mức thu nhập bình quân thấp hơn. Một số nghiên cứu cho thấy mức thu nhập trung bình bị giảm sút đến 20% do thấp còi so với tiềm năng có thể đạt được. Ảnh hưởng của suy dinh dưỡng ở các nước đang phát triển dẫn đến GDP hàng năm bị mất đi 2 – 3%. Trên toàn cầu mất mát trực tiếp về kinh tế do suy dinh dưỡng ước tính lên đến 20 - 30 tỷ đô la một năm, ảnh hưởng to lớn đến phát triển kinh tế thế giới. Ngược lại, những đứa trẻ được nuôi dưỡng tốt thì có kết quả học tập tốt hơn và khi lớn lên sẽ có thu nhập cao hơn. Bằng chứng gần đây cho thấy các can thiệp về dinh dưỡng có thể cải thiện được thu nhập ở người trưởng thành lên tới 46%.
Từ những bằng chứng khoa học nêu trên ta thấy rõ ràng rằng giải quyết tình trạng thiếu dinh dưỡng đặc biệt trong 1000 ngày vàng là ưu tiên hàng đầu nhằm giảm gánh nặng bệnh tật toàn cầu và tăng trưởng phát triển kinh tế cho các nước có thu nhập thấp và trung bình thấp.”
Một đứa trẻ khỏe mạnh sẽ giảm được gánh nặng về y tế. Một đứa trẻ cao lớn, thông minh sẽ có cơ hội làm việc tốt hơn, năng suất lao động, thu nhập cao hơn. Đặc biệt, đứa trẻ ấy sẽ có cuộc sống hạnh phúc hơn.
Trẻ em là lực lượng lao động tương lai của đất nước. Lực lượng lao động ấy khỏe mạnh, thông minh sẽ tạo sức cạnh tranh trong nền kinh tế toàn cầu. Từ đó, phát triển đất nước hùng cường và truyền lại cho các thế hệ sau. Đó cũng chính là lý do, cả thế giới đang tập trung vào cải thiện dinh dưỡng trong 1000 ngày đầu tiên của trẻ.
Nuôi dưỡng trẻ tốt chính là nuôi dưỡng tương lai của đất nước. Khoảng cách của thành tích học tập, chi phí chăm sóc sức khỏe, khoảng cách về thu nhập, chênh lệch giàu nghèo, chất lượng cuộc sống... phụ thuộc vào việc đứa trẻ có sức khỏe thế nào trong những năm đầu đời.
Đầu tư vào dinh dưỡng, ăn dặm nghiêm túc rất quan trọng để đảm bảo con có một khởi đầu mạnh mẽ giúp con có một tương lai khỏe mạnh, thịnh vượng hơn.
Gen và các yếu tố di truyền chỉ chiếm tối đa 20% tình trạng sức khỏe trọn đời. 80% còn lại là do dinh dưỡng và môi trường.
3. Thể chất của trẻ có thể dần dần phát triển trong nhiều năm sau, nhưng trí não trẻ phát triển và hoàn thiện rất nhanh, chỉ trong 1000 ngày đầu đời
Cơ thể con người chúng ta là một kỳ quan của tạo hóa và não bộ là cơ quan có tổ chức cao cấp nhất trong cơ thể. Một đứa trẻ mới sinh ra không thể làm được gì nhiều. Mặc dù não bộ của trẻ đã phát triển từ khi còn trong bụng mẹ; nhưng chúng vẫn có rất ít nhận thức và chỉ có thể kiểm soát được rất ít hành động của cơ thể. Phải mất vài tháng để đứa trẻ ấy có thể chủ động đưa tay ra, nắm lấy một đồ vật, kéo lại và đưa vào mồm. Rồi cũng cần vài tháng, để ta thấy sự tiến bộ chậm và chắc chắn từ các động tác vặn vẹo người, đến lật úp, ngồi dậy, bò trườn, đứng, rồi đi, trước khi đến thời điểm kỳ diệu khi đứa bé thực sự có nhận thức. Khi nhìn vào trong bộ não, chúng ta sẽ thấy những sự thay đổi rõ rệt: Não bộ trẻ nhỏ sẽ có khả năng lưu trữ, ghi lại, chúng có thể nhanh chóng nhớ được hàng nghìn đồ vật, động tác và mối quan hệ của chúng. Dần dần não bộ có khả năng nhận thức một cách tinh tế. Bộ não đang thiết kế sự phát triển của chính nó. Chuyên biệt cho nhu cầu của mỗi giai đoạn khác nhau, trong những năm đầu đời là khả năng kiểm soát hoạt động. Những năm sau đó là phát triển nhận thức.
Trong 1000 ngày đầu đời, não bộ của trẻ phát triển với một tốc độ không bao giờ lặp lại nữa!
Cơ thể con người phức tạp và khác hoàn toàn các động vật khác. Cấu tạo cơ thể con người ưu tiên phát triển não bộ trước nhất, để não bộ có thể chỉ huy toàn bộ cơ thể, sau đó mới tới các cơ quan khác. Do đó, mỗi cơ quan trong cơ thể có mốc phát triển khác nhau.
Hình số 2 mô tả sự phát triển của các cơ quan trong cơ thể. Cơ quan sinh sản phát triển vào khoảng 15 - 20 tuổi. Các cơ quan nội tạng có hai giai đoạn từ 0 - 5 tuổi và 15 đến 20 tuổi.
Sự phát triển chiều cao có ba giai đoạn: Giai đoạn bào thai, giai đoạn 1000 ngày đầu tiên, giai đoạn dậy thì.... Muốn con cao lớn, mẹ hãy đầu tư vào giai đoạn phát triển chiều cao mạnh nhất của trẻ. Khi con cao được 25cm/năm thì việc thêm vài centimet rất dễ dàng. Tuy nhiên, qua giai đoạn phát triển chiều cao thì dù có cố gắng tẩm bổ bao nhiêu cũng không có hiệu quả.
Đặc biệt, não bộ phát triển và hoàn thiện khá sớm. Não bắt đầu phát triển từ khi mẹ mang thai, 1000 ngày đầu tiên đã đạt 85% kích thước khi trưởng thành. Vì thế, thực tế thể chất của trẻ có thể dần dần phát triển trong nhiều năm sau, nhưng trí não trẻ lại phát triển và hoàn thiện rất nhanh chỉ trong 1000 ngày đầu đời.
Hiểu được quỹ đạo của các cơ quan, chúng ta mới có thể đầu tư hiệu quả cho sự phát triển toàn diện của con.
Thể chất của trẻ có thể dần dần phát triển trong nhiều năm sau, nhưng trí não trẻ phát triển và hoàn thiện rất nhanh chỉ trong 1000 ngày đầu đời.
4. Điều gì xảy ra trong 1000 ngày đầu đời của con?
Trong 1000 ngày đầu tiên của cuộc đời, cơ thể trẻ sẽ trải qua những thay đổi phi thường. Tiến bộ của khoa học giúp chúng ta có cơ hội hiểu thêm về con, từ đó người làm cha mẹ có thể hỗ trợ con phát triển tối đa tiềm năng và sống khỏe mạnh hơn. Có 4 hệ thống quan trọng sẽ hình thành và hoàn thiện trong khoảng thời gian này, có ảnh hưởng suốt đời chúng, mà cha mẹ có thể thực sự giúp con bằng một chế độ ăn dặm đúng cách:
Phát triển thể chất: Đây là sự phát triển dễ nhận thấy nhất. Trong 1000 ngày đầu tiên của cuộc đời, em bé phát triển thể chất nhiều hơn cả cuộc đời của bé cộng lại. Từ 1 tế bào khi thụ thai đến 500 nghìn tỷ tế bào sau 2 năm. Chúng sẽ nặng gấp năm lần khi mới sinh và chiều cao tăng gấp đôi trong 2 năm. Bạn hãy tưởng tượng nếu bạn cần tăng gấp 5 lần cân nặng và gấp đôi chiều cao trong 2 năm để hiểu rằng những bữa ăn bình thường là không thể đủ. Để đạt được mốc ấy, con cần một chế độ ăn đặc biệt. Ăn dặm không phải chỉ là “dặm thêm ngoài sữa”. Muốn đạt được mục tiêu phát triển chiều cao, cân nặng chuẩn cho con, rõ ràng đòi hỏi những bữa ăn đúng cách cả về chất và lượng.
Phát triển hệ thống miễn dịch: Trẻ em sinh ra với hệ miễn dịch chưa có khả năng bảo vệ chúng. Cần tới 2 năm để cơ quan miễn dịch quan trọng nhất trong cơ thể là hàng rào đường ruột phát triển. Sự xâm nhập của vi khuẩn trong ruột trong những năm tháng đầu đời rất quan trọng cho sự phát triển của trẻ. Nó bị ảnh hưởng bởi phương thức sinh con và chế độ ăn dặm.
Phát triển bộ máy tiêu hóa: Trẻ sơ sinh có ruột và hệ tiêu hóa non nớt. Trước 6 tháng, hệ thống tiêu hóa của bé không thể tiêu hóa được tinh bột hay bất kỳ thức ăn gì một cách hiệu quả, trừ sữa mẹ. Hệ thống đường ruột và gan của bé hầu như chưa hoạt động trong năm đầu tiên của cuộc đời, vì thế một chút gia vị cũng dễ dàng làm bé quá tải và gây ra những bệnh mãn tính không lây sau này như tiểu đường, huyết áp cao, béo phì… Khả năng tiêu hóa và hấp thụ thức ăn sẽ được từ từ hoàn thiện trong 2 năm đầu đời. Thức ăn cho con cần phải bám sát tốc độ phát triển của hệ tiêu hóa.
Phát triển não bộ: Đây là sự phát triển đáng kinh ngạc nhất của con người: Não bộ của con hình thành từ rất sớm: chỉ 16 ngày sau khi thụ thai ống thần kinh đã được hình thành. Đến tháng thứ 7, não của trẻ sẽ có hình dạng tương tự như người lớn. Vào tuần thứ 4 của thai kỳ, ước tính não có khoảng 10.000 tế bào. vào tuần thứ 24, nó chứa 10 tỷ tế bào! Thật là choáng ngợp!
Trong 1000 ngày này, mỗi ngày não của bé có thể nặng thêm tới 2gram và tạo ra tới 1 triệu kết nối thần kinh mỗi giây. Để đạt được điều đó, não cần được “cho ăn” đúng cách.
Sự phát triển của bộ não cùng với nhận thức chắc chắn là điều kỳ diệu nhất xảy ra đối với cơ thể một con người. Giai đoạn 1000 ngày lập trình nên tương lai của một đứa trẻ vì đây là giai đoạn lập trình của não bộ. 1000 ngày đầu tiên quan trọng chính là vì não bộ phát triển và hoàn thiện.
Dinh dưỡng mà em bé nhận được trong 1000 ngày đầu đời sẽ quyết định sức khỏe, khả năng nhận thức và sự phát triển thể chất của trẻ trong suốt phần đời còn lại của trẻ.