Pò Hèn tháng 2 năm 2019.
Mùa xuân lại về phơi tấm áo mới trên khắp vùng đồi. Những quả đồi trong tầm mắt và xa hơn như đàn voi chiến đang trên đường ra trận. Một màu xanh đầy tràn sức sống. Những cánh rừng, thảm cỏ như cũng đang mở lòng khoe sắc trong buổi giao thoa đất trời. Đưa mắt nhìn đâu cũng thấy một màu non tơ ngút ngát. Hoa mua e ấp dọc đường lên đồi. Từ xa mà nhìn, chỉ thấy một màu tím dịu dàng và tin cậy. Trải khắp thung lũng, là màu xanh bình yên. Nhưng từ trong màu tím hoa mua, màu xanh non tơ của cỏ, ta vẫn thấy lấp lánh những giọt sương mai mà có người đã liên tưởng đấy là nước mắt của đất trời dành riêng cho những người đã ngã xuống 40 năm trước. Vâng, điều đó không có gì quá. Mùa xuân như đang chơi trò chơi trốn tìm với đất đai. Đó là gió. Phải. Chính những làn gió đuổi bắt nhau trong lùm cây, trên đỉnh đồi. Rồi bướm. Có ngàn vạn cánh bướm từ khắp nơi đổ về đây dập dìu bay lượn như trong một vũ điệu linh thiêng huyền ảo. Dưới ánh nắng mặt trời, những đốm trắng, đốm vàng, đen, đỏ… quấn quýt, xoắn xuýt lấy nhau, chuyển động không ngừng. Nó như ngàn vạn chớp mắt giữa một buổi sáng thanh bình. Cuối tầm nhìn là những xóm nhà, mái phố được chở che ủ ấp của sự bình yên. Và những con đường nhộn nhịp, thảm lúa đang thì con gái…
Quần thể khu tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ tọa lạc uy nghiêm trên nền đất của khu doanh trại đồn Pò Hèn cũ. Đài liệt sĩ cao 16 mét. Đỉnh hương, nhà bia, khu đón tiếp, vườn cây, đường dạo... tất cả nằm gọn trong một khuôn viên rộng hơn tám héc-ta.
Từ xa người ta đã nhìn thấy bức tượng đài liệt sĩ như một lời thề cương quyết, sắt son vươn thẳng giữa trời mây lồng lộng. Ba bàn tay tượng trưng cho ba dân tộc chính ở vùng đất biên cương này: Kinh, Sán Dìu, Dao, đang nâng cao ngôi sao vàng năm cánh - Đó là biểu trưng của Tổ quốc Việt Nam. Sẽ không quá lời khi nói rằng người nghệ sĩ đã thổi được hồn cốt, khí phách dân tộc Việt vào một không gian tráng thế, đậm nét linh thiêng. Nó như một tuyên thệ, một quyết tâm gửi tới “ai đó” đang rắp tâm làm điều phi luân, phi pháp đối với vùng đất viễn biên này. Nhà điêu khắc hoàn toàn có lý khi gửi gắm ý tưởng, niềm tin vào những con người đã, đang ngày đêm bám đất, khẳng định chủ quyền bất khả xâm phạm trước thế lực ngoại bang. Bất kể, vào những ngày trời quang mây tạnh hay sấm chớp mây mù, từ bức tượng đài vẫn vang lên những lời dao chém đá: Nam quốc sơn hà Nam đế cư. Tiệt nhiên định phận tại thiên thư. Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm. Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư. (Sông núi nước Nam vua Nam ở. Rành rành định phận tại sách trời. Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm. Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời)1.
1. Bài thơ “Thần” của Lý Thường Kiệt (bản dịch của Hoàng Xuân Hãn).
Ngày, từng ngày. Và từng ngày. Những đoàn người đến viếng. Các em học sinh, cựu chiến binh, đoàn thanh niên, phụ nữ. Những bà mẹ, lão ông tuổi đã cao. Những gương mặt ưu tư. Những ánh mắt vời vợi. Mái đầu xanh bên mái đầu bạc, người trẻ bên người già… Tất cả đều thành kính, tất cả như mang một tâm thế hướng thần linh ứng. Trong khói hương trầm nghi ngút, ta nhận ra sau những bước chân nhẹ nhàng cẩn trọng, là giọng nói từ các vùng quê khác nhau. Nam Bộ, miền Trung, Hà Nội, Thái Bình, miền cao Tây Bắc...
Vâng. Từ bao năm nay Pò Hèn đã trở thành địa chỉ đỏ cho những cuộc hành hương tâm linh mang nặng tấm lòng tri ân của người khắp bốn phương, nhất là mỗi dịp tết đến xuân về.
Giữa không gian huyền diệu này, ta nghe vang lên bên tai những ca từ đầy xúc động của bài hát “Bài ca trên đỉnh Pò Hèn” của nhạc sĩ Thế Song: “Ai lên núi Pò Hèn, ngang con đường Thán Pún thân quen, nhớ cái tên đã làm nên bất tử... Hoàng Thị Hồng Chiêm chiến đấu hiên ngang. Ôi người con gái Việt Nam anh hùng, mang dòng máu Bà Trưng oai phong, muôn đời mãi còn ghi chiến công, đây người con gái trên đỉnh Pò Hèn...”.
Pò Hèn - Cái tên đã trở thành bất tử. Thành niềm tự hào của tất cả những người dân Việt Nam. Lịch sử không thể không ghi đậm ngày ấy. Những ngày tháng ác liệt của cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc ở biên giới phía Bắc. Đấy cũng là một trang đau buồn, đẫm máu của nhân dân Việt Nam. Lại thêm một lần nữa chúng ta bắt buộc phải cầm súng chống lại kẻ dã tâm, dù những vết thương chiến tranh ngàn ngày chưa lành hẳn trên mình mẹ Việt Nam nhiều thương đau nỗi niềm..
Bài hát đã đưa chúng ta trở về cái ngày 17 tháng 2 năm 1979, tại Đồn Biên phòng Pò Hèn - Đồn 209. Nhớ về ngày ấy, không thể nói lòng chúng ta không khỏi nhức nhối. Tôi chợt nhớ đến câu thơ của một nhà thơ: “Sự phản bội còn nguy hơn gươm súng” và “Đừng cậy lớn bắt ta chiều tham vọng”.
Đúng vậy! Không có sự phản bội nào lại không bị lên án. Không có tham vọng phi lý nào không bị trừng phạt.
Cựu chiến binh, Chuẩn úy Hoàng Như Lý, nguyên trinh sát viên của Đồn Biên phòng Pò Hèn - người duy nhất còn sống sau trận chiến đấu sáng ngày 17 tháng 2 năm 1979 kể:
“Mơ sáng hôm ấy (17.2.1979), khi tiếng gà báo sáng râm ran cất lên, bình thường như mọi ngày, anh nuôi dậy chuẩn bị cơm cho đơn vị. Tưởng như mọi hôm, một ngày mới bình yên lại bắt đầu, thì những loạt pháo từ bên kia biên giới dồn dập dội xuống những mái nhà đang thiu thiu giấc ngủ. Pháo nổ chụm quây lấy khu doanh trại của Đồn Biên phòng Pò Hèn. Sau những chớp lửa là tiếng nổ vang trời, mặt đất rung chuyển, mảnh đạn xé không khí. Tất cả đơn vị chồm dậy, ai nấy vớ vội súng đạn lao ra chiến hào. Trời vẫn chưa sáng hẳn, nhưng trong nhập nhoạng tối sáng, quân đối phương dàn hàng ngang tràn lên, lớp này lớp kia. Phía sau chúng là xe tăng. Đường đi lối lại chúng thuộc như người nhà. Hóa ra là vậy. Để chuẩn bị cho âm mưu này, những lần sang “giao lưu”, là những lần chúng thăm dò, điều tra, xác định tọa độ cho pháo binh…”.
Diễn biến của trận chiến thật vô cùng ác liệt. Ngay loạt đạn pháo đầu tiên, một số cán bộ, chiến sĩ ta đã bị thương vong, trong đó có Trung úy, Đồn phó Đỗ Sĩ Hoa, Chính trị viên Phạm Xuân Tảo, nhưng các anh vẫn chỉ huy đơn vị chiến đấu. Trời sáng hẳn, từ trên đồi quan sát, quân đối phương bò lóp ngóp từng tốp, từng đàn như cua. Hàng trăm, hàng ngàn chiếc mũ vải có đính sao dàn hàng ngang cứ nhấp nha nhấp nhô, những tên chỉ huy đi phía sau thổi kèn thúc giục. Xe tăng vừa đi vừa vãi đạn, cây cối bị cắt đổ ngổn ngang. Từ các ngách chiến hào, quân ta ném thủ pháo, lựu đạn, quét tiểu liên vào giữa cái đám quân lính bùng nhùng như gà mắc tóc ấy. Sau tiếng nổ của lựu đạn, B-41, của những loạt AK, trung liên là tiếng la hét hoảng loạn, tiếng rú chết chóc. Những chiếc xe tăng bị đạn B-41 thiêu cháy, ngọn lửa phực lên tới mấy mét. Từng đợt sóng người bị hỏa lực từ trên sườn cao hất ngược về phía sau, nhưng ngay sau đó chúng lại bị chỉ huy thúc dồn lên. Dựa thế quân đông, lại có xe tăng, pháo binh yểm trợ, chúng tổ chức tấn công hết đợt này đến đợt khác hòng chiếm cao điểm. Sau khi đồn phó và chính trị viên hy sinh, Thượng sĩ Hoàng Tiến Cờ chỉ huy đơn vị tiếp tục chiến đấu, nhưng hỏa lực quân ta vơi dần, không còn đủ đếm trên đầu ngón tay. Những tay súng còn lại bị đối phương áp đảo dồn xuống chân đồi quế…
Chúng tôi theo cựu chiến binh Hoàng Như Lý xuống đồi quế phía sau Đồn Pò Hèn chừng dăm chục mét. Những cây quế thân thẳng, da mốc vươn cao, tỏa cành. Cây lớn cây nhỏ, lớp sau lớp trước mọc thành hàng thẳng tắp, nghiêm trang như đoàn quân chuẩn bị vào trận. Những cây quế rễ bám sâu vào lòng đất biên cương như người lính Biên phòng ngày đêm trấn giữ đất đai nơi địa đầu Tổ quốc. Hương quế thơm lan tỏa khắp sườn đồi như thầm nhắc chúng tôi những phút giây bi tráng cuối cùng của cuộc chiến đấu. Một cơn gió ào qua. Tiếng xào xạc lá cành, hay tiếng thầm thì của những linh hồn ngã xuống với người hôm nay.
Cựu chiến binh Hoàng Như Lý bỗng hào hứng hẳn lên. Anh đi chỗ này, sang chỗ kia, bàn tay vuốt nhẹ lên từng gốc quế, như muốn ôm lấy những người đồng đội thân yêu. Rồi anh chỉ vào một hòn đá lớn nằm cạnh một gốc quế, sau bao nhiêu năm, giọng anh vẫn nghẹn ngào như chuyện vừa mới hôm qua:
“Đây là nơi xảy ra cuộc đọ sức cuối cùng, sự quyết tử cuối cùng giữa hai bên. Và hòn đá này là vật chứng, chứng kiến người chiến sĩ cuối cùng của đơn vị ngã xuống khi trong tay anh không còn một viên đạn. Vết đạn phía đối phương băm lỗ chỗ làm cho hòn đá xù xì sắc cạnh. Ai cũng hiểu, đấy là điểm tựa, đất đai Tổ quốc không dễ gì kẻ thù có thể chiếm giữ mà không phải trả giá đắt. Lịch sử trận chiến giữa các chiến sĩ Đồn Pò Hèn với quân đối phương được viết bằng sự hy sinh của hơn 40 cán bộ, chiến sĩ và một tốp công nhân lâm trường Hải Sơn. Mảnh đất này đã thấm đẫm máu các anh, các chị, nó sẽ còn lưu giữ mãi hình ảnh bất khuất kiên cường ấy”.
Đúng vậy, nhắc đến trận đánh, không thể không nhắc đến những con người như: Trung úy, Phó Đồn trưởng, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Đỗ Sĩ Hoa; Chính trị viên Phạm Xuân Tảo; Hạ sĩ, Tiểu đội trưởng Nguyễn Bá Chuyên; Binh nhất Nông Văn Điều, Hoàng Văn Lò, v.v.. Những tên tuổi ấy đã trở thành niềm tự hào và là một phần lịch sử không thể thiếu trong khu nhà bia tưởng niệm. Nhắc lại trận chiến đấu ấy, cũng không thể không nói đến cái tên Hoàng Thị Hồng Chiêm - người con gái quê hương Yên Hưng, thành phố Móng Cái, Quảng Ninh.
Là một nhân viên cửa hàng thương nghiệp dưới xuôi, cách xa chân núi, chị tình nguyện tháng vài lần vượt quãng đường dốc hàng tiếng đồng hồ đem hàng lên phục vụ bộ đội trên Đồn Pò Hèn. Ngày nắng cũng như ngày mưa, mùa đông cũng như mùa hè, chị như cánh chim vượt dốc cõng theo các loại nhu yếu phẩm lên núi phục vụ chiến sĩ. Cần mẫn và nhiệt tình, chẳng biết từ khi nào Hồng Chiêm đã trở thành “người nhà” của Đồn Biên phòng Pò Hèn. Rồi trái tim người con gái thành phố ấy đã rung động trước anh chiến sĩ Bùi Văn Lượng. Hai tâm hồn đồng điệu và nhạy cảm gặp nhau, tình yêu nở hoa, mối tình ấy được anh em trong đồn ủng hộ. Họ hẹn nhau một ngày đẹp trời về quê thưa chuyện với bố mẹ hai bên để làm lễ cưới. Mối tình ấy rồi sẽ kết thúc có hậu như bao mối tình đẹp đẽ khác nếu không có buổi sáng tội ác kia. Phải, đấy là một buổi sáng đừng bao giờ có trong đời sống loài người. Nhưng, nó đã xảy ra và trở thành một buổi sáng tội ác của âm mưu đen tối.
Khi trận đánh xảy ra, nghe tiếng súng nổ dồn dập trên đỉnh đồi, từ dưới cửa hàng, Hồng Chiêm đứng ngồi không yên. Thế là những kẻ mọi ngày vẫn tự nhận là bạn bè, cười nói xí xớn với các anh Đồn Pò Hèn đã hiện nguyên hình. Chúng đang điên cuồng xả đạn vào những người anh em của Hồng Chiêm. Là một người lính chuyển ngành, máu căm thù lũ phản bội sôi lên, Hồng Chiêm một mình băng rừng vượt dốc, có mặt ở chiến hào sát cánh cùng các chiến sĩ chiến đấu. Bất chấp hiểm nguy, chị lao đi như con thoi dưới làn bão đạn. Khi làm cứu thương, tiếp đạn, lúc trực tiếp cầm súng đánh trả.
Nhưng chị và các đồng đội của mình cũng chỉ cầm cự chống trả được 7 tiếng đồng hồ trước một tiểu đoàn quân chính quy có xe tăng, pháo binh yểm trợ đắc lực. Không kịp làm đám cưới với anh Bùi Văn Lượng - Cái đám cưới mà cả Đồn Pò Hèn mong đợi đã vĩnh viễn không diễn ra. Hoàng Thị Hồng Chiêm đã góp dòng máu tuổi 25 cho sự trường tồn của đất đai quê nhà. Là con cháu Bà Trưng, Bà Triệu, chị đã tiếp bước bao thế hệ liệt nữ trong các cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, là hình ảnh sáng ngời của những người phụ nữ Việt Nam khi đất nước lâm nguy. Đúng như lời bài hát: “Hoàng Thị Hồng Chiêm chiến đấu hiên ngang. Ơi người con gái Việt Nam anh hùng. Mang dòng máu Bà Trưng oai phong. Muôn đời mãi còn ghi bao chiến công”…
*
Tháng Hai hàng năm là ngày giỗ trận Pò Hèn. Lần giỗ thứ 40 diễn ra trong không khí trang nghiêm. Khắp các ngả đường người đổ về đây. Những tốp cựu chiến binh quân phục bạc màu, ngực áo lấp lánh huy chương. Những tốp phụ nữ, áo dài lung liêng trước gió. Bà già, lão ông khoác áo nâu sồng như đi lễ chùa. Và thanh niên, các cháu học sinh hợp thành từng đoàn… đông đúc, nhưng không phải trẩy hội mà là đến để tri ân những người đã quên mình vì Tổ quốc. Những mái đầu bạc bên mái đầu xanh, những gương mặt trẻ bên gương mặt nhăn nheo vết thời gian. Ai cũng thành kính, ai cũng ưu tư. Hương trầm nghi ngút.
Có một người mà hầu như năm nào người ta cũng gặp. Ông là cựu chiến binh, Đại tá Nguyễn Quang Vinh, nguyên Chính ủy Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Ninh. Đã ngoài 75, nhưng ông Vinh trông vẫn còn khỏe. Mái tóc đốm bạc và dáng người tầm thước làm ông đứng chỗ nào cũng rất dễ nhận ra.
Để đến được đây, Đại tá Nguyễn Quang Vinh đã phải di chuyển một quãng đường khá xa. Nhưng điều đó chưa bao giờ làm ông nản lòng. Ông đã từng chia sẻ, mỗi năm có một ngày giỗ chung cho tất cả anh chị em hy sinh trong trận chiến đấu trên đỉnh Pò Hèn ngày ấy, nỡ nào lại vắng mặt.
Vâng, đã sẵn sàng hy sinh, máu xương các anh chị đã tan hòa vào đất đai Tổ quốc. Các anh chị đã trở thành một phần quê hương. Những khu nhà mới xây, cây cầu mới bắc, những cánh đồng, thảm lúa trĩu bông, những vườn cây trái xum xuê, những ngôi trường sớm chiều ríu ran tiếng trẻ học bài, những khúc ca thúc giục tuổi trẻ lên đường bảo vệ quê hương, đất nước.
Người đang sống phải sống sao cho xứng đáng với sự xả thân của bao người đã ngã xuống. Để có cái nhìn khách quan về những chiến sĩ Biên phòng Pò Hèn hôm nay, chúng tôi tìm tới người lính già, Đại tá Nguyễn Quang Vinh. Là cán bộ chính trị, ông có cách nhìn và đánh giá khá biện chứng mối liên quan giữa quá khứ và hiện tại của cán bộ, chiến sĩ Biên phòng Pò Hèn.
Ông cho biết: “Pò Hèn sau ngày 17 tháng 2 năm 1979 đã trở thành một địa chỉ đỏ, với thành tích chiến đấu anh hùng. Với hai lần được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân (năm 1979 và 2000), Pò Hèn thật xứng đáng là một trong những ngọn cờ đầu của lực lượng Biên phòng toàn quân. Trong thời gian gần đây, tình hình biên giới diễn biến khá phức tạp, gian lận thương mại và buôn lậu hoạt động không kể ngày đêm, nhưng lực lượng chức năng của đồn đã có nhiều biện pháp kịp thời ngăn chặn, triệt phá nhiều vụ buôn bán trẻ em, giải cứu nhiều chị em bị bọn tội phạm lừa bán qua biên giới. Thấm nhuần phương châm dựa vào dân, luôn coi công tác dân vận là trọng tâm, nhiều thông tin được người dân cung cấp đã trở thành yếu tố quyết định trong việc điều tra phá án, như vụ mai phục bắt đối tượng, giải cứu một cô gái người dân tộc bị bọn tội phạm bán qua biên giới. Đồn còn kết hợp với Báo Thanh Niên hỗ trợ cung cấp giống cây trồng cho bà con nông dân xã Hải Sơn, thành phố Móng Cái. Đó là sự kế thừa thành quả của những người đi trước”.
Quả vậy. Biết phát huy truyền thống, đoàn kết quân dân để làm nên sức mạnh tổng hợp, hoàn thành tốt nhiệm được giao - Đó là bí quyết của Đồn Biên phòng Pò Hèn hôm nay.
Vĩ thanh
Pò Hèn sau trận chiến ngày 17 tháng 2 năm 1979 đã thành cái tên quen thuộc, một địa chỉ thân thương của cả nước. Đến với Pò Hèn là đến tấm lòng ngưỡng mộ và tâm thế của người “uống nước nhớ nguồn”. Đến với Pò Hèn là đến với giá trị cao cả của lòng yêu nước không gì có thể khuất phục. Sự bất tử của Pò Hèn không chỉ nằm ở chiến công, tinh thần xả thân vì nước. Vâng, chiến thắng ấy còn gắn liền với câu chuyện tình yêu - Một thiên tình sử của đôi trai gái Hoàng Thị Hồng Chiêm và Bùi Văn Lượng. Nó như nốt nhạc trữ tình trong bản trường ca chiến thắng bất hủ. Người đời sẽ nhớ mãi ngày ấy, ngày họ sát cánh cùng nhau bên chiến hào, rồi cùng nhau ngả vào lòng đất mẹ. Kẻ thù có thể cướp đi mạng sống, nhưng không thể nào giết nổi tình yêu thương cháy bỏng trong trái tim đôi trai gái ấy.
Bao nhiêu năm qua, trái tim yêu thương của họ vẫn chưa một phút giây ngừng đập. Họ vẫn khăng khít bên nhau, âm thầm chờ đợi ngày vui hạnh phúc nhất cuộc đời. Hạnh phúc của cuộc đời. Và ngày ấy đã đến. Cũng như bao đám cưới của những lứa đôi khác, đám cưới Bùi Văn Lượng và Hoàng Thị Hồng Chiêm được tổ chức trang trọng và ấm cúng. Đủ mặt họ hàng, người thân bạn bè hai bên nhà trai nhà gái. Cũng lễ ăn hỏi, cũng lễ rước dâu. Vẫn những thủ tục cưới xin như cho những người còn sống. Hôm nay chị Chiêm từ giã ngôi nhà tình nghĩa địa phương xây cho “chị” và người em gái để bước lên xe hoa về nhà chồng. Đoàn rước dâu là các cựu chiến binh, những bạn bè cùng trang lứa, và họ mạc đôi bên. Họ đi trong không khí trang nghiêm, từ thành phố Móng Cái về Hạ Long, quê hương anh Lượng. Nếu không có hai tấm ảnh chân dung hai người, không ai biết đấy là đám cưới của hai liệt sĩ. Và có chăng, trên gương mặt những người đi cưới luôn phảng phất nỗi buồn xa xót với lời cầu nguyện hạnh phúc trăm năm cho họ ở thế giới bên kia chân thành. Trên đất nước Việt Nam chồng chất thương đau mất mát do chiến tranh không biết có bao nhiêu nàng Vọng Phu? Bao nhiêu đám cưới không cô dâu chú rể, như đám cưới của chị Chiêm và anh Lượng? Và có bao nhiêu người con trai, con gái đi qua cuộc chiến tranh để đến được với hạnh phúc một cách vẹn toàn?
Cựu chiến binh Hoàng Như Lý xúc động nói khi dâng hương tại khu tưởng niệm: “Thế là bao nhiêu năm chờ đợi, hai anh chị đã chính thức thành vợ chồng. Dù có muộn, nhưng đấy là tất cả tấm lòng của quê hương và những người đang sống. Xin cầu chúc cho anh chị được hạnh phúc nơi chín suối”.
Kể từ đây, anh chị đã chính thức trở thành vợ chồng. Kể từ hôm nay anh chị đã là một gia đình, và không gì có thể làm họ chia xa nhau. Thế mới biết tình yêu của họ thật mãnh liệt. Gần 40 năm đợi chờ để cho một lễ cưới. Gần 40 năm cho một ngày vui ứa tràn nước mắt của bạn bè, người thân. Thời gian đã bất lực trước cuộc tình có một không hai này. Cái chết dù có nghiệt ngã đến đâu cũng không thể nào dập tắt được ngọn lửa tình yêu luôn cháy trong tim họ, và chia tách nổi họ. Viết lại điều này, người viết muốn nói lời nguyện cầu cho trái đất của chúng ta không bao giờ có chiến tranh, chết chóc.
Viết lại điều này, người viết chỉ muốn đem đến cho mọi người những điều mắt thấy tai nghe về Đồn Biên phòng mang tên Pò Hèn trong quá khứ và hôm nay. Bản trường ca chiến thắng đã làm nên một Pò Hèn bất tử trong nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc và xây dựng đất nước hôm nay.
Lại một ngày nữa đang đến. Tiết trời mát mẻ. Gió nhẹ và nắng dịu. Mùa Xuân dường như cũng muốn chiều lòng những người từ khắp nơi về đây dâng hương ngày giỗ trận của các chiến sĩ Biên phòng Pò Hèn.