“Nếu muốn được lắng nghe, trước hết ta nên dành thời gian để lắng nghe người khác.”
- Marge Piercy
“Joan hả, June nè! Hôm nay đi ăn trưa với mình được không?”
Lâu nay tôi không muốn ra khỏi nhà nên đã nghĩ sẵn nhiều cái cớ để từ chối mỗi khi có ai mời. Nhưng tôi mến June, và dù không thân với cô ấy lắm nhưng tôi cảm động vì lời mời này. Thế là cuối cùng tôi cũng nhận lời.
Đặt điện thoại xuống, tôi bắt đầu hoảng loạn. Tôi vừa làm gì thế này? Tôi đâu có hứng thú nói chuyện phiếm, lại càng chẳng có tâm trạng ăn uống. Rồi tôi nhớ lại lời mà đứa con trai mười tuổi nói tối qua, “Mẹ ơi, dạo này con thấy mẹ không còn cười nhiều nữa”. “Đâu nào, mẹ vẫn cười suốt đó chứ”, tôi chống chế rồi toét miệng cười với con. Sau đó tôi vào phòng tắm và đứng trước gương. Tôi cố mỉm cười với chính mình, nhưng sao nụ cười ấy trông căng thẳng và gượng ép quá. Tôi khóa cửa phòng tắm lại rồi ngồi sụp xuống đất, để mặc nước mắt tuôn rơi.
Sáu tháng trước, con trai đầu lòng của tôi qua đời trong một tai nạn giao thông. Sau cú sốc ấy, tôi cố tỏ ra mạnh mẽ để làm chỗ dựa tinh thần cho mọi người trong gia đình. Nhưng sâu trong thâm tâm, tôi vô cùng đau đớn.
Tôi vùi đầu vào đọc sách để mong tìm được lời giải cho hoàn cảnh của mình, nhưng vô ích. Không gì có thể giúp tôi nguôi ngoai nỗi đau này. Dù gia đình và bạn bè luôn động viên vợ chồng tôi vượt qua nỗi đau mất con, nhưng lòng tôi vẫn hoài trống trải và khắc khoải.
Tôi nghĩ biết đâu cú điện thoại của June sẽ mở đầu một cuộc sống mới cho tôi. Có thể đó là điều tôi cần lúc này – ra ngoài gặp gỡ bạn bè một chút.
Khi ngồi cùng June tại một nhà hàng, tôi mới nhận ra rằng bạn tôi không hề có ý mời tôi đi ăn để nói chuyện phiếm. Cô mở lời, “Lâu nay mình luôn muốn nói chuyện với cậu để đảm bảo rằng cậu vẫn ổn và muốn cùng cậu chia sẻ nỗi đau này. Cậu biết không, con trai mình cũng mất mấy năm trước”. Tôi hỏi June về sự ra đi của con cô ấy cũng như cách cô vượt qua nỗi đau đó. Nói về khoảng thời gian kinh khủng đó, những phút giây đau đớn nhất đời người mẹ chợt sống dậy rồi cô ấy khóc, và tôi cũng khóc theo. June cầm bàn tay tôi và thì thầm, “Chuyện đã xảy ra lâu rồi nhưng với mình, tất cả như mới hôm qua”.
Tôi cũng chẳng nhớ mình có ăn gì trong bữa trưa hôm ấy hay không, nhưng tôi nhớ rất rõ June đã ngồi lắng nghe tôi trút hết nỗi lòng mình. Đó là lần đầu tiên có người giúp tôi làm được điều này.
Trước đó, tôi rất muốn nói về đứa con trai bé bỏng bất hạnh của mình, nhưng mỗi khi nghe tôi nhắc đến tên con hay thấy nước mắt tôi rưng rưng là mọi người lại cảm thấy khó xử. Dường như họ cảm thấy mình nên chuyển sang chủ đề khác nhẹ nhàng hơn. Thế nhưng khi ngồi trước mặt June, tôi có thể trút cạn tâm tư của mình cũng như cất lên những câu hỏi tuyệt vọng vốn giày vò trái tim tôi bấy lâu. Tôi kể với June rằng tôi rất nhớ con, nhớ sự hiện hữu, nụ cười và tiếng nói của con. Tất cả những gì về con đều in đậm trong tâm trí tôi. Sau mất mát ấy, tôi không biết mình còn có thể thực hiện những dự định từng vạch ra hay không, và trên hết, trong tôi lúc nào cũng canh cánh nỗi lo về sự an toàn của hai đứa con còn lại. Tôi kể vợ chồng tôi đã cố vượt qua nỗi đau mất con như thế nào và đôi lúc tôi giận mình vì làm mẹ mà lại không bảo vệ được con. June tâm sự cô cũng từng tự dằn vặt bản thân như thế. Câu chuyện của chúng tôi cứ dài ra mãi.
Trở về nhà, tôi cảm thấy lòng mình đã dịu lại, đó chính là cảm giác thanh thản tôi tìm kiếm bấy lâu. Tình bạn của chúng tôi ngày càng sâu sắc và chúng tôi bắt đầu tổ chức những buổi đi chơi chung cho cả hai gia đình. Chúng tôi cảm thấy thân thuộc như người một nhà.
Tình bạn của chúng tôi cứ bền chặt như thế trong suốt nhiều năm. Mỗi khi nghe câu “Joan hả, June nè!” trên điện thoại là tôi đều cảm thấy ấm áp và vui vẻ trong lòng.
Một ngày mùa thu, June nhắn tôi ghé nhà cô ấy. Tới nơi, tôi thấy cô có vẻ lo lắng, “Mình linh cảm có điều gì đó không ổn, gần đây mình thấy trong người khác lắm”. Chúng tôi nói chuyện với nhau rất nhiều, đến khi sắp sửa ra về, tôi thoáng thấy nét lo lắng trên gương mặt June. Tôi ra về mà lòng vẫn cứ day dứt vì dường như tôi chưa làm hết sức mình để giúp bạn.
Gần cuối năm đó, bác sĩ chẩn đoán June bị u não. Vào đêm giao thừa, vợ chồng tôi đến bệnh viện thăm June sau khi cô vừa trải qua một ca phẫu thuật. Lòng tôi đau thắt khi nhìn hình hài gầy yếu của bạn nằm dán chặt trên giường. Ca mổ không thành công, và việc điều trị sau đó cũng không giúp bệnh tình của June thuyên giảm. Hầu như ngày nào tôi cũng ghé thăm June, dù chỉ năm mười phút. Nhìn bạn gầy mòn dần theo ngày tháng, tôi đau lòng nguyện cầu cho June sớm hồi phục. Nhưng tôi phải đối mặt với sự thật là mình chẳng làm được gì cho June ngoài việc dành cho cô ấy tình bạn chân thành của mình.
June ra đi vào một ngày tháng Tám. Mỗi lần đứng trước mộ June, tôi nhớ da diết giọng nói dịu dàng của bạn cùng những kỷ niệm ấm áp của chúng tôi. June mãi là người bạn tuyệt vời của tôi, người đã dạy tôi biết rằng người bạn thật sự là người luôn biết lắng nghe.