Đừng bao giờ hỏi một cô gái xem trong túi của cô ấy có những gì. Mỗi lần liếc mắt vào túi xách của vợ, mình đều “choáng” vì thấy cơ man là đồ đạc. Đồ trang điểm, sách báo, cặp tóc, nước hoa, mũ, ô, đồ ăn, giấy bút, khẩu trang, bấm móng tay, bưu thiếp... Tất tần tật, tạp phí lù lủng củng, loẻng xoẻng. Vốn là người ưa gọn ghẽ, đôi lúc mình cũng định đổ tuốt tuột ra rồi làm cuộc khảo sát, thống kê, phân loại và sắp xếp lại. Nhưng quán triệt câu “Kính vợ đắc thọ” nên đành “Kính nhi viễn chi” vậy! Lộn xộn, bừa bộn là thế nhưng khi cần lấy thứ gì vợ chỉ thò tay nhón một cái được ngay. Không thể có gì tinh tường và chính xác hơn thế!
Đừng bao giờ hỏi xem trong tủ quần áo của một cô gái có những gì. Tủ nhà mình luôn trong trạng thái đầy ứ ừ ự kính thưa các loại quần áo của vợ. Lạ một điều là có vô thiên lủng những cái giống nhau y chang. Váy hoa chẳng hạn, cỡ hàng chục chiếc, hoa lớn hoa nhỏ sặc sỡ như công viên Nghĩa Đô vào mùa xuân. Rồi áo khoác, áo len, quần dài, quần cộc... Thế nhưng mỗi lần có việc quan trọng ra khỏi nhà, vợ thường đứng tần ngần đến cả tiếng đồng hồ, nâng lên đặt xuống và cuối cùng sẽ chọn đại một cái chỉ đơn giản là bởi đã... quá mệt.
Đừng bao giờ hỏi xem một cô gái đã nấu món ăn như thế nào. Nhà mình, mỗi lần dọn cơm, bất kể trên mâm có món gì, mọi người đều ăn uống rất chi là “nghiêm túc”. Hễ món nào không nhận được sự hưởng ứng nhiệt liệt là y như rằng vợ sẽ rất buồn. Sẽ là một loạt những câu hỏi: “Sao thế, em nấu không ngon à? Em ăn thấy ngon thế này mà sao anh không thích? Anh phải biết rằng cả đêm qua em không ngủ vì nghĩ món ăn cho cả nhà...” Nói chung là trả lời sẽ rất mệt và lại rất thiếu tính thuyết phục! Cho nên, giải pháp tốt nhất là vừa ăn vừa gật gù: “Ngon, rất độc đáo! Món ăn không chỉ hợp khẩu vị mà còn giàu tính sáng tạo...” Cao hứng hơn mình còn huếnh: “Nếu cuộc thi Master Chelf bỏ qua em thì quả là một lỗi rất lớn”. Thế là cả nhà ai nấy đều vui!
Đừng bao giờ bất hợp tác với một cô gái chỉ vì con thú cưng của cô ta. Mình đã rất nhiều lần rút kinh nghiệm sâu sắc về điều này. Thi thoảng về nhà, mở cửa phòng ngủ thấy nồng nặc mùi nước đái mèo khai khẳm. Thế nhưng hễ càm ràm là thể nào vợ cũng nhăn nhó: “Em có thấy mùi gì đâu. Tại anh cứ ác cảm với nó nên tưởng tượng ra thế!” Khổ thế, chẳng lẽ lại mở cuộc điều tra. Mình đành còng lưng vác giẻ đi lau từng ngóc ngách. Lông mèo cũng thế, túm được mớ nào, mình lại giơ lên, nhấm nháy: “Em nhìn xem, đẹp chửa, cứ như hoa bồ công anh ấy nhỉ”. Thế là vợ thích chí cười toe. Dưng mà “bồ công anh” còn có mùa chứ lông mèo nhà mình thì cả bốn mùa luôn. Hụ hụ.
Đừng bao giờ cố gắng giải thích điều gì cho một cô gái. Tạng người mình ốm yếu, mỗi khi trở trời trái gió, người ngợm xương cốt cứ đau nhừ. Thế nhưng vợ thì không bao giờ chịu hiểu: Dù có ngồi yên một chỗ, mình vẫn thấy mệt bã bượi! Với cô ấy, mệt có nghĩa là chạy hùng hục quanh sân vận động hoặc leo 8 tầng cầu thang. Vận dụng mọi khả năng về ngôn ngữ, bằng cách so sánh, ẩn dụ, mình cố giải thích để cô ấy hiểu: Em ơi, anh giống như cái điện thoại iPhone của em ấy, để không nó cũng tự hết pin. Nhưng cô ấy vẫn phớt lờ.
Đừng bao giờ...
Phụ nữ quả là quá phức tạp. Thế nhưng mỗi khi nghĩ về những người phụ nữ quanh mình: là mẹ, là chị gái, em gái, là các cháu gái, là vợ, là vô số bạn hữu xa gần... lòng mình vẫn cứ rưng rưng. Bất giác bỗng nhớ bài thơ Mùa xuân chín của Hàn Mặc Tử với những câu kết rất gợi: “Khách xa gặp lúc mùa xuân chín/ Lòng trí bâng khuâng sực nhớ làng/ Chị ấy năm nay còn gánh thóc/ Dọc bờ sông trắng nắng chang chang”, mình lại thấy nôn nao. Tình thực, theo mình, cảm xúc bao trùm trong Mùa xuân chín không phải là cảm hứng thơ mộng, lãng mạn. Cái đọng lại ám ảnh mình là hình ảnh bờ sông chang chang nắng với câu hỏi “Chị ấy năm nay còn gánh thóc” ngân nga da diết trong lòng. Dường như có tới ba mùa xuân trong một “mùa xuân chín”. Một là mùa xuân ửng đỏ chín mọng của thiên nhiên, tạo hóa, của “bao cô thôn nữ hát trên đồi”, của tuổi xuân tràn trề nhựa sống. Thứ nữa là mùa xuân của làng quê nhọc nhằn với những mẹ, những chị oằn vai gánh thóc trên bờ sông chang chang nắng. Và còn một mùa xuân khác, mùa xuân trong sự tìm kiếm, trong khắc khoải và trong sự trưởng thành thấu cảm thẩm mỹ của thi sỹ. Phải lắng lòng lắm, phải trân quý lắm, phải gắn bó thiết tha lắm mới thấy hết “nỗi đoạn trường” của những người phụ nữ áo vải, chân đất mỏng miêng trên bờ cát bỏng rát gió Lào. Không phải ngẫu nhiên mà trong ca khúc Tình ca, Thái Thanh lại viết: “Tấm áo nâu! Rướn mình đi từ cõi rừng sâu / Dắt dìu nhau vào đến Cà Mau, áo ơi!”. Ám ảnh, xót xa và yêu thương ngập lòng những thân cò lặn lội tảo tần trên “triền sông chiều đông buốt giá”: “Yếm rách còn ngăn được gió/ Tình em dang dở yếm nào che...” (Phú Quang). Hình ảnh “rướn mình” rồi “dắt dìu” nhau chốn tha hương sao giống mẹ, giống chị mình đến thế! Từ thuở hỗn mang lập làng lập nước và hình như đến tận bây giờ, người phụ nữ Việt Nam muôn đời vẫn vậy. Vai vẫn gánh nặng bao phần lo khó nhọc, vẫn bươn bả một nắng hai sương nơi đồng sâu ruộng cạn. Vẫn chân đăm đá chân chiêu trên những thửa ruộng mấp mô chiêm khô mùa thối. Vẫn khẩu trang, áo chống nắng tầng tầng lớp lớp len lỏi trong khói bụi, tắc đường. Vẫn tay bấm còi xe, tay giữ con đang gật gà ngủ gục sau lưng trên đường đến lớp. Vẫn gánh rau, rổ cá, mớ tép, tải bánh mỳ, sọt đồng nát chè chai bướt bải chạy mỗi khi công an, dân phòng rượt đuổi. Vẫn giọt giọt mồ hôi, mướt mải tay dao tay thớt chuẩn bị cho những bữa ăn gia đình với khát khao nồng ấm!... Thương lắm...
Và cũng bởi thế, có đôi khi giữa mùa đông lạnh giá xứ người, nhìn những sân tuyết mênh mông trắng, mình lại nhớ diết da những triền cát trắng miên miết quê nhà. Thấy những mẹ, những chị, những em còng lưng gánh gạo, gánh con, gánh cả miệt mài nước mắt trong đêm trăng quầng trăng hạn, hay giữa trưa nắng lửa bỏng rát thịt da. Và thấy trong mình trào lên sự đồng cảm thương mến đến khôn cùng!...
Vậy nên, đừng bao giờ hỏi vì sao một người đàn ông lại đem lòng yêu một cô gái!
Và thay lời kết, xin gửi tri ân nhân ngày 20/10 đến tất cả những người phụ nữ thương yêu của tôi!