Con à! Ở giữa đầu bà nội con có một chỗ nhẵn thín không mọc tóc làm lộ ra mảng da trơn bóng. Mỗi lần nhìn vào đó, bố không khỏi phân vân: Tại sao tóc lại rủ nhau rụng đúng vào một chỗ như vậy? Ngày còn trẻ, tóc bà nội con đen dài óng mượt rười rượi chảy dọc sống lưng. Mỗi lần bà gội đầu, hương bưởi hương sả cứ quấn quyện trong gió, vấn vít gần xa. Vậy mà có một chỗ không chịu mọc tóc là cớ làm sao. Mãi rồi bố mới tìm được câu trả lời. Biết rồi thương. Hiểu rồi ngơ ngẩn buồn. Thấu rồi xót dạ. Bà kể, hồi bà sinh nở, bà đỡ có dặn rằng, mỗi lần các con bị ốm cứ túm tóc trên đầu mẹ mà giật. Giật càng mạnh con càng đỡ đau. Mẹo này dân gian gọi là “nhổ bão”.
Tội thân bà! Thuốc men chẳng có, bà chỉ có hai bàn tay trắng và trái tim người mẹ. Thế là mỗi lần con đau, bà tự nhổ tóc mình, bật máu, ứa nước mắt. Có hề gì. Con nhanh khỏi là mẹ vui. Và đâu chỉ có một đứa, cả một bầy con lóc nhóc ốm đau dặt dẹo quanh năm. Những đận nhổ tóc theo đó cứ dày lên mãi. Mỗi sợi tóc rớt xuống là một giọt buồn ám ảnh. Các con lớn lên nhưng “di chứng” về những đận nhổ tóc vẫn còn mãi trên đầu bà. Mỗi lần nhìn lên hay chạm vào khoảng trống không có tóc trên đầu bà, bố thấy nó giống hệt hình trái tim, và lòng bố lại rưng rưng...
Con trai à! Ông nội con đã hai lần bị nhồi máu cơ tim, may mắn là đều qua khỏi. Mỗi lần như thế, đưa ông vào bệnh viện, quan sát bác sỹ siêu âm tim cho ông, bố lại run rẩy, chênh chao. Quả tim bé nhỏ đập yếu ớt trong lồng ngực phập phồng. Bố bỗng nhớ tới những nỗi đau đớn, mất mát mà ông nội con đã trải qua. Ấy là những lần bác Lụa mắc bệnh hiểm nghèo, bác Ba, bác Túc mất. Mỗi lần như thế, ông không khóc nhưng trái tim đau quặn thắt. Phải chăng vì thế, nó trở nên yếu ớt và mong manh dường ấy. Chỉ nghĩ đến đó thôi bố đã thấy cay cay khóe mắt và mằn mặn trên môi.
Con à! Bà ngoại con thường bị đau nhức cánh tay. Mỗi khi trái gió trở trời, cái tay đau làm bà khó ngủ. Bà sinh mẹ con đúng vào mùa hè. Hồi đó không có điện như bây giờ nên bà phải dùng quạt tay. Bao đêm hè oi ả, muốn con mình ngon giấc, bà cứ sà sã quạt suốt đêm. Đôi khi buồn ngủ quá ngơi tay quạt, con ọ ẹ là lại choàng dậy quạt tiếp. Phụ nữ vừa sinh xong yếu ớt, phải dùng đến tay nhiều nên sau này thành di chứng tê tay. Vậy nên cứ mỗi lần sinh nhật mẹ con, đúng vào mùa hè oi nóng, bố lại nghĩ về những cơn gió mát từ tay bà ngoại trao cho mẹ con khi mới ra đời. Và bố lại thấy lòng rưng rưng lắm...
Con à! Trên chân ông ngoại con có một vết sẹo. Ông ngoại bảo hồi mẹ con còn nhỏ, nhà ông bà ở trước con sông làng. Tất cả nước sinh hoạt đều lấy từ con sông ấy về đánh phèn. Một lần, ông ra sông múc nước cho mẹ con tắm. Về đến trước cửa thì trượt chân. Chậu nước đổ òa lên người và chân đập vào thềm tóe máu. Vết sẹo vẫn nằm đó, chắc ông cũng quên rồi nhưng mỗi lần nghĩ đến, bố vẫn thấy rưng rưng...
Nam à! Chẳng hiểu sao mẹ con mọc lắm răng khôn thế. Mọi người đùa là mẹ con “khôn” muộn quá. Nhưng bố lại nghĩ vẩn vơ rằng, có thể hồi mang thai con, mẹ uống quá nhiều sữa thành thử dư lượng canxi. Bố không biết suy đoán của mình có đúng không, nhưng mỗi lần nói đến “răng khôn” của mẹ là bố lại nôn nao nhớ đến những lần mẹ bặm môi uống sữa vì con. Sáng nào trước khi đi làm, bố cũng pha cho mẹ một cốc sữa đầy. Mẹ tỉnh dậy sau khi nôn thốc nôn tháo là lập tức uống sữa. Uống xong bị nôn lại pha uống tiếp. Cứ thế, mẹ loay hoay với những cơn nghén khủng khiếp và quyết tâm phải ăn uống để cho con đủ chất. Mẹ nghén cho đến tận lúc chuẩn bị sinh con. Vậy mà có lẽ không hôm nào bỏ bữa, không khi nào rời cốc sữa. Giờ, thấy mẹ kêu đau vì bị cái răng khôn hành hạ là bố lại thấy rưng rưng lắm...
Còn với bố, ấy là những sợi tóc mỗi ngày thêm bạc trắng vì đau đáu những niềm lo và dằng dặc nỗi nhớ thương con...
Con trai của bố! Mỗi người cha, người mẹ đều để lại những “vết tích” làm chứng nhân cho sự trưởng thành cho mỗi đứa con của mình. Những đứa con lớn lên, trên chặng đường đời mà chúng trải qua, gặp buồn đau, đơn độc hay bất hạnh, chúng sẽ nghĩ về những “vết tích” trên thân thể cha mẹ mình và thấy lòng ấm áp hơn.
Và con cũng thế, con cứ lớn lên hồn hậu với đời. Con cứ thở bằng những hơi thở tinh khôi, trong trẻo. Con cứ yêu những hành trình mà con đã vượt qua. Những “vết tích” mà con thấu cảm được sẽ nằm yên trong một cõi lặng nào đó của trái tim con. Chúng là những biểu tượng cho “một chút mặt trời trong nước lạnh” (F. Sagan).
Một mai nào đó, con thấy tóc bố bạc trắng nhiều hơn, mắt nhuốm màu thời gian cằn cỗi thì con ơi, những “vết tích” thân thương ấy sẽ đưa con trở về với tuổi thơ êm đềm. Nơi đó có bố và mẹ đã yêu con bằng tình yêu nhẫn nại và hiền lành của cỏ.
Để con vững tâm bước tiếp những tháng năm vời vợi...
Nhé con yêu!