Mỗi lần bê mâm cơm lên mời bố mẹ, mình thường lặng ngồi nán lại đợi bố mẹ ăn. Cái cách ăn của người già thương thật là thương. Rụt rè và hạt cơm vào miệng, ngẫm nghĩ, sau đó mới nhai chệu chạo, lại ngẫm nghĩ, rồi lại chệu chạo nhai. Mãi rồi mới nuốt nổi miếng cơm. Mình thường gắp thức ăn bỏ vào bát bố, bố luôn lắc đầu xua tay. Mình chợt ngậm ngùi... nhớ ra hàm răng của bố đã rụng gần hết. Còn sót lại đúng hai cái răng cửa.
Mỗi lần bố nở nụ cười hồn hậu, mình yêu sao, thương sao hai cái răng cửa đó. Chúng ở đấy, kiên gan cùng thời gian mặc cho “đồng đội” đã lần lượt bỏ đi.
Hai chiếc răng với nụ cười móm mém của bố đã dẫn dắt mình ngược thời gian “tua” lại những tháng năm nắng dội mưa chan của gian nan đời bố.
Khi hàm răng còn đủ đầy, ở với bố, chúng chứng kiến bao khổ đau thăng trầm cùng bố.
Ấy là những khi bố phải cắn răng trong những ngày mưa bão sụt sùi, đồng nước mênh mang trắng trời trắng đất. Quê mình vùng chiêm trũng, ngày nước lũ đồng ngập nổi nênh bèo bọt, thảng thốt câu ca: “Cấy cắn răng, gặt há mồm/ Nước đồng ễnh bụng bát cơm vàng khè”. Chẳng hiểu sao nước ở đâu dồn tụ về đồng làng mình nhiều thế. Bốn mặt làng quê chìm trong mênh mông nước, bạc phếch nỗi niềm. Đói nghèo cơ cực cứ thế trải dài theo màu nước. Nước cũng như pha nỗi lấm láp, nhọc nhằn. Ban đêm, nước tràn vào nhà, ướt sũng những cơn mê. Lúa đồng làng mình luôn dầm trong nước ướt lướt thướt. Cả làng phải ngồi bó gối ngóng ra cánh đồng chờ nước rút để hy vọng vớt vát những bông lúa đã mọc mầm úng thối. Nhưng bố thì không. Nhìn cảnh đàn con nheo nhóc đói khát, không đành lòng chờ nước rút, bố lui cui khoác lên mình chiếc áo tơi rách tứ bề đi mót thóc, kiếm thêm con cá con cua cho bữa ăn nghèo đỡ tủi. Bố cắn răng loi thoi trên ruộng nước. Đồng trắng xóa, tanh lạnh bóng người. Bố nhỏ nhoi và đơn côi, môi ngậm nhánh lúa, bần bật, run run. Răng ghì sát vào môi buốt nhói. Trên cái nền tương phản vô tận của sông nước và những nhánh lúa dập dờn ấy, những số phận nghèo khổ như bố mình cứ trôi nổi, tưởng như có thể tụ vào mà vẫn ly tán, để lại trong mình dư vị đắng cay của sự bất lực. Nhớ lại càng thấy xót xa thương cảnh bố phải cắn răng chống chọi qua những ngày bão lũ.
Ấy là những khi bố phải nghiến răng, bặm môi giữa đường làng trơn nhẫy, bùn ngập đến quá mắt cá chân. Nếu không ghì chặt răng vào môi, bấm chặt từng ngón chân xuống bùn thì có thể ngã bất cứ lúc nào. Dưới gan bàn chân bố chai nhiều chỗ, phía gót thì nứt nẻ như đồng khô mùa hạn. Mỗi lần ở ruộng về, chỗ nứt lại tứa máu tươi ròng. Trong khắc nghiệt khốn khó, bố đã dùng răng và chân để trụ lại trên mặt đất, tần tảo gắng gỏi nuôi đàn con khôn lớn. Răng và chân vì thế dường như biết khóc và ấm nặng ân tình với bố.
Ấy là những khi bố phải giữ cho hai hàm răng khỏi va vào nhau mỗi khi trời đông gió bấc tràn về. Bao năm qua rồi, mình vẫn không quên được những sáng mùa đông tê tái. Bố lẳng lặng dậy thật sớm chuẩn bị ra đồng. Chén nước chè xanh đất đồng chiêm chát đậm mỗi sáng ấy giúp bố chống lại cái lạnh buốt thấu xương. Bố chậm rãi thưởng thức mùi chè xanh thơm ngái. Đây là phút thư thái nhất trong ngày của bố. Từng giọt chè chảy qua kẽ răng lắng lòng bố chút đườm đượm thanh thao nồng ấm. Sau ấm chè, sau phút giây tĩnh lặng đó, bố lại quần quật trên đồng sâu ruộng cạn, cố giữ cho hàm răng khỏi rung lên va vào nhau từng chặp. Khắc khổ, ưu tư, bố lầm lụi như hạt bụi mỏng mảnh giữa nhân sinh. Hàm răng khi ấy là cái neo giúp bố cắm xuống thinh không cho khỏi bơ vơ những ngày lạnh căm trên đồng quê thăm thẳm.
Ấy là những khi bố phải ghì răng cắn chặt nỗi niềm đối diện với những khổ đau mất mát. Ngày anh trai thứ ra chiến trường, hàng đêm bố ngồi vá áo vá quần cho nguôi nỗi nhớ. Hàm răng cắn vào sợi chỉ buồn so. Nhận được tin anh hy sinh, bố mím răng vào môi tứa máu, hai dòng nước mắt lặng lẽ chảy tràn trên gò má nhăn nheo. Những năm dài đằng đẵng sau đó, bố âm thầm, mỏi mòn chờ hài cốt anh. Hiểu tâm nguyện của bố, mình đã đi tìm anh khắp những nơi đèo heo hút gió, nơi có bước chân anh và đồng đội đã đi qua. Vô vàn những nén nhang đã thắp trên bạt ngàn những nghĩa trang, mình khao khát tìm dòng bia có khắc tên anh. Vậy mà anh đã lẫn vào giữa trập trùng non nước. Mình đã không thể tìm ra chút tro bụi của anh để đưa anh về với đất Mẹ. Hoàng hôn nối hoàng hôn, bố lặng nhìn những mảng lục bình trôi liêu phiêu, khi ấy, răng, môi, vai, cả tấm thân gầy rung từng đợt. Nỗi đau chồng chất nỗi đau, rồi đến ngày anh trai cả mình qua đời trong bạo bệnh. Ngày đưa anh về với đất, bố không khóc. Trong đau khổ đầm đìa, mình thấy bố bấm răng ghì vào môi sướm sượt. Đêm về, bố lầm lụi lên sân thượng òa khóc nức nở, tức tưởi. Mình theo sau, lặng lẽ ôm vai bố. Bố quay lại, gục đầu vào vai mình. Răng bố đánh cầm cập, cả thân hình mềm nhũn trong đớn đau bất tận, trong hoang hoải mệt nhoài.
Vậy là, hàm răng của bố đã cùng Người qua bao nhiêu lận đận bão giông. Chúng hiền và buồn. Chúng thiện và lành như đời cây đời cỏ, như đời bố. Chúng là biểu tượng của việc tùy nghi với thân phận và nỗi đau.
Mình chỉ mong được mãi là cậu bé con ngày nào quanh quẩn bên bố, đêm rúc vào nách bố mà ngủ để hít hà mùi hăng nồng nắng gió trên áo, trên tóc Người. Để được ngắm miệng bố cười đôn hậu với hàm răng hiền mà buồn nhưng nhức ấy. Để được nghe từ “ờ” sau mỗi câu nói nhè nhẹ, thanh thản, an nhiên. Sống bên bố, từ gai góc, mình trở nên dung dị và mềm mại.
Chỉ mong hai chiếc răng cửa sẽ ở mãi với bố, với cuộc đời này, nhiều nhiều năm nữa. Chắp tay tự tâm nguyện cầu!