Thi thoảng mình cũng nhận được lời mời viết lời giới thiệu cho một cuốn sách nào đó. Nhưng lần này, mình nhận viết lời giới thiệu cho Ánh sao trong lòng bố với một tâm trạng rất đặc biệt. Đơn giản chỉ vì đó là cuốn sách của “người bên gối” nhà mình, người mà mình hay mượn lời của con trai lúc con vừa tập nói để trìu mến gọi là: Bố bi bi!
Bố bi bi vốn thường dành rất nhiều thời gian cho con trai. Ngoài công việc và những mối quan tâm chung, thời gian còn lại anh đều sống cho con và vì con. Cả tuổi thơ con trai tràn ngập những giờ khắc vui vẻ, ấm áp tình phụ tử. Bố bi bi nói rằng, được chơi với con là niềm vui, niềm hạnh phúc và những lúc đó anh cũng như được sống lại tuổi thơ lần thứ hai. Bởi vậy, khi con trai du học xa nhà thì Bố bi bi bắt tay vào viết. Anh viết như cách người ta thủ thỉ, tâm tình. Bởi thế viết mà như không viết. Những gì anh kể ra, anh viết, khi đọc, mình luôn có cảm giác như được xem lại cuốn băng quay chậm những gì đã trải qua. Hầu như vào mỗi tối, anh đều lụi hụi viết rồi đọc, rồi bâng khuâng thương nhớ con khắc khoải, nhiều khi đến quá nửa đêm. Mình biết khi ấy Bố bi bi cũng đang vừa viết vừa mường tượng đến khuôn mặt của con, đến nụ cười của nó, đến cái nắm tay, cái nheo mắt, những câu dỗi hờn, những ủ ê nồng đượm...
Cả trái tim ắp chặt nỗi nhớ, Bố bi bi mượn trang giấy để giãi bày. Và đó cũng là lý do để Tròn một vòng yêu thương và tiếp theo là Ánh sao trong lòng bố ra đời. Bố bi bi sống đầy đặn trọn vẹn niềm yêu thương vô bờ bến bởi trong lòng anh luôn có “ánh sao” cứ lấp lánh lấp lánh mãi - ánh sao của tình yêu. Cuốn sách với ba phần: “Vũ trụ bé con”; “Những ngôi sao xanh” và “Những vì sao không ngủ” như một tinh cầu của Bố bi bi. Trong tinh cầu đặc biệt ấy, con trai, cái “Vũ trụ bé con” của bố là tâm điểm. Những bài viết với đẫm nỗi nhớ mong, với ngạt ngào kỉ niệm, với những lời dặn dò tha thiết, dịu dàng của bố dành cho con đã đủ nói về một “vũ trụ” thần tiên của bố và chỉ của riêng bố mà thôi. Bố bi bi dường như biến mình thành một tiểu hành tinh xoay quanh cái vũ trụ bé con đáng yêu của mình, quay suốt trong nhịp điệu của Nhớ nhung - Thương yêu - Lo lắng. Đến nỗi khi đọc xong, đôi lúc mình cũng giật mình về sự yêu con đến mức mê mị đắm đuối của ông bố này và tự hỏi: Vậy mình ở đâu trong cái tiểu hành tinh đáng yêu đến ngộp thở này?
Rất may là còn phần hai “Những ngôi sao xanh” kể về những người thân mà bố Bi bi gắn bó bằng con tim tha thiết. Nhưng đến phần này, giọng văn đã khác, anh trở về với con người mà mình biết từ cách đây ngót hai chục năm, bông phèng, dí dỏm và tếu táo. Thế nên mới gọi vợ là “cô dâu 8 tuổi” và tìm đủ cách để “dìm hàng”. Cái việc lạc đường, chậm chạp, thích mua sắm, lãng mạn, thích làm đẹp... dưới con mắt của Bố bi bi cũng dễ thương ra phết (dù mỗi lần đọc xong cũng không khỏi buông một cái nguýt dài). Khổ nỗi những “tật” này, chị em phụ nữ hình như ai cũng mắc, thành thử bài của Bố bi bi viết về vợ cứ đăng trên Facebook là được chị em ủng hộ nhiệt tình, khen nắc nỏm. Thành ra, đứng ở vị trí “người bị hại” mà mình cứ phải im re. Chà chà, Bố bi bi thật là... Và nữa, Bố bi bi cũng rất giỏi trong việc miêu tả cảm xúc và khắc họa chân dung của những người mà anh thương yêu gắn bó. Là bố mẹ, là chị gái, em gái, em trai, là cháu gái, là bố vợ, mẹ vợ... Những “nhân vật” ấy trong văn anh, mình cũng gặp hàng ngày, cũng gắn bó bằng biết bao nhiêu là yêu thương đồng cảm sẻ chia. Vậy mà khi đọc “Những ngôi sao xanh”, lòng mình vẫn dâng tràn niềm xúc cảm của trân trọng, của thấm thía máu thịt về cách sống đến tận cùng chia sẻ của Bố bi bi. Không bằng cách sống hết mình ấy, chắc khó có thể viết được những dòng văn nhẹ nhàng mà diết da đến thế.
Phần ba với “Những vì sao không ngủ” là những câu chuyện nhân tình thế thái, chuyện về chị giúp việc, về những mối tình đã qua... Tất cả đều hài hước, dí dỏm đến độ “cười không nhặt được răng” như nhiều người nhận xét. Nhưng ẩn phía sau nụ cười ấy vẫn là những suy nghĩ kín đáo của một người đàn ông chân thành, tinh tế, biết nhìn ra những điều dung dị và cảm thông thấu hiểu với muôn nỗi của cuộc đời đa diện... Nhiều người thường hỏi mình: Bố bi bi hay viết về những chuyện “tình củm” ngày xưa thế mà mẹ Điệp không “ghen” à? Những lúc như vậy, mình thường mỉm cười. Bởi mình biết đã có một “tiểu vũ trụ” nằm trong lòng Bố bi bi. Giữa những dòng văn dịu dàng mê đắm, mình vẫn tìm thấy... chính mình, một ánh sao xanh lặng lẽ mà không kém phần lấp lánh. Nên mình rất yên tâm. Nên mình, thú thực, rất mong chờ những bài viết của Bố bi bi, kể cả đó là những bài viết về chuyện “ngày xưa” hoặc là bài viết “kể tội” mình. Một người đàn ông quan tâm đến cả cái cách nói chuyện của vợ, “chịu đựng” để vị tha đến mức thi vị hóa những “tật xấu” của vợ và chỉn chu đến từng chi tiết... chắc hẳn sẽ là người luôn sống bằng những nhịp điệu của yêu thương nao nức trong tim. Mình tin là như vậy!
Ánh sao trong lòng bố vì thế đã tặng cho mình một tình yêu “như vẫn rất đôi mươi”. Ánh sao trong lòng bố cũng là dấu thăng trong bản nhạc yêu thương của Gia đình mà mình, bố bi bi và con trai đã và đang “hòa tấu” trong suốt những năm tháng cuộc đời. Ánh sao trong lòng bố cho mình gặp lại người Thầy của mười tám năm về trước, khi lần đầu mình run run nắm tay “Thầy” và đặt vào lòng bàn tay ấm nóng bài thơ tình non nớt, dại khờ. Người Thầy khiêm nhường, ít nói nhưng trí tuệ và bông phèng ấy khiến mình xao xuyến ngay từ lần đầu gặp mặt, để rồi sau đó “thành vợ thành chồng” và “cùng ôm con”. Bởi thế, mình yêu cuốn sách này, một cách thật thà.
Mong bạn đọc hãy cầm trên tay cuốn sách để cảm nhận những yêu thương gửi trao nhẹ nhàng mà trong trẻo. Để hát “Ta là ai mà yêu quá đời này!”.
Trân trọng cảm ơn bạn đọc!
PHAN THỊ HỒ ĐIỆP