1.Sau khi chia tay mối tình đầu với T.V, mình rơi vào giai đoạn khủng hoảng. Nhìn đâu cũng thấy bóng dáng người cũ. Chả đến nỗi: “Đập cổ kính ra tìm lấy bóng/ Xếp tàn y lại để dành hơi” nhưng sự thực là nhớ!
Nóng tí là nhớ đến những hôm đạp xe cùng nhau trên bờ đê lộng gió. Lạnh tí là nhớ những buổi tay trong tay trên ghế đá ấm sực. Đói tí là nhớ những buổi được nàng nấu cho bát mì nóng hổi. No tí là nhớ những lần lách rách ăn vặt cùng nhau. Thì đại loại thế, trạng thái nào cũng nhớ, thế mới lạ! Nhưng nhà nghèo quá. Ăn còn chả đủ no. Lại còn mẹ đang nằm viện, các em học hành dang dở... cưới thế nào được. Phải chia tay cho nàng còn đi lấy chồng.
Chia tay, cứ tự nhủ đàn ông là phải cứng rắn, không thể để ngã lòng. Vậy mà thi thoảng đêm về nước mắt vẫn ứa mi. Nhiều khi cũng chẳng phải chỉ vì nhớ mà là vì thương thân mình. Đến nghe tiếng thạch sùng kêu cũng giật thót mình.
2. Trong tình cảnh ấy, một hôm thằng em chí cốt vỗ vai an ủi: “Thôi! Bác quên chuyện cũ đi. Em có cô bạn vốn là học trò trường em về thực tập trước đây, em sẽ chân gỗ cho. Cứ yêu đã, còn cưới xin tính sau”.
Nghe nó nói cũng... có lý. Và mình tặc lưỡi đi cùng!
Buổi đầu tiên gặp nhau vui vui là.
Em cao ráo, khuôn mặt sáng sủa, xinh xắn, nói chuyện cũng có chút duyên. Chả hiểu sao lòng mình cứ âm ỉ niềm vui.
Và từ hôm đó, cứ tối tối, mình kẽo kẹt đạp xe đến nhà em “trồng cây si”. Từ khu tập thể sư phạm đến nhà em quãng đường chẳng ngắn ngủi gì so với cái bụng luôn lép kẹp và chiếc xe đạp rọt rẹt của mình.
Ngõ tối thui và sâu hun hút, nhiều lúc sợ đến thót tim mà mình vẫn cứ phăng phăng “băng lối vườn khuya”, hì hì!
Đến nơi, thường thì mình ngồi trò chuyện với... bố mẹ em. Em thì đi với một người đàn ông mà em gọi là chú. Người này là bạn hàng buôn bán với bố em. Mình nghĩ, hai chú cháu đi với nhau chắc hẳn là có công việc nên không mấy quan tâm...
3. Được cái bố mẹ em cực quý mình. Hai bác thấy mình đến là vui như hội. Bác gái lấy cam quýt ra bổ, thơm nức cả mũi, miệng luôn giục: “Ăn đi cháu, ăn đi lấy sức mà đạp xe, rõ khổ, xa xôi quá”.
Mình quay sang đàm đạo với bác trai, lẩy Kiều, ngâm thơ, huyên thuyên về văn chương nước nhà thời kỳ cởi trói...
Trên trời dưới đất, đủ cả!
Nhiều hôm em đi “công việc” với chú 11 giờ khuya mới về. Em nhìn mình loáy nhoáy: “Anh vẫn còn chưa về cơ ợ?”.
Mình cười tươi vồn vã: “Anh ngồi chơi với hai bác vui chuyện nên chưa về”. Trong bụng thầm nghĩ, vui vẻ gì, muỗi đốt sưng hết cả chân.
Rồi tạm biệt cả nhà, dắt xe lủi nhủi vào màn đêm... Những tối sau lại thế!
Hai bác càng lúc càng quý mình. Em thì càng ngày càng bận rộn với chú!
Đôi lúc bác trai xúi: “Cháu phải rủ nó ra vườn mà trò chuyện chứ cứ ngồi mãi trong nhà thế này biết nói gì!”.
Ơ hơ, hóa ra là bật đèn xanh cơ đấy. Mình vui lắm, trong bụng thầm cảm ơn hai bác. Cơ mà em thì vẫn bận...
Thi thoảng nhà em có việc như trồng cây, sửa điện, xây cổng, thậm chí tát ao, bắt cá... mình xông xáo làm tất. Mình thích cái cảm giác nhảy ùm xuống ao bì bõm tát tát, bắt bắt, trên bờ có ba đứa em nàng cổ vũ hò reo. Thật không khác người hùng là mấy. He he!
Đi đi lại lại mãi thế nhưng thú thật là mình chỉ mới dám cầm tay em, chưa đi xa hơn. Mình thề!
4. Thế mà em lại đường đột thăm nhà mình mới khổ! Trong ánh chiều tà, em hiện ra trước vuông cửa nhóng nhánh và sặc sỡ.
Mình cuống cuồng vơ vội chiếc áo trên mắc khoác vào người. Em vào nhà, liếc nhanh qua mình, nhí nhảnh: “Hôm nay anh đệp giai quá hà!...”.
Chả là mọi lần đến nhà em chơi mình toàn diện quần áo đi mượn. Hôm nay “trả lại tên cho anh” bằng cái áo trắng đã ngả màu cháo lòng quen thuộc.
Mình gượng cười éo ẹo: “À, có mấy bộ cánh giặt chưa khô, anh lôi cái áo cũ ra mặc, em thấy lạ là phải”. Nói xong đến mình còn thấy ngượng, huống là em!
Em ngồi xuống chiếc ghế ọp ẹp, mắt lia một lượt khắp căn phòng tồi tàn. Qua cái giá ngất ngưởng sách được phủ ni lông phòng mưa dột, mắt em dừng lại ở mấy cái nồi vứt lỏng chỏng góc nhà. Bếp lạnh tanh, nồi méo mẹo, vung quai sứt sẹo lởm khởm, khập khà khập khiễng là lời “tố cáo” đanh thép nhất về cái sự tồi tàn, nghèo nàn đến không thể nghèo hơn của chủ nhân. Mình đọc được cảm nhận ấy trong em khi em nhíu mày: “Anh Thảo toàn ăn cơm bụi thì phải...”. Như người đang và cơm cắn nhầm vào hạt sạn, mình đứng chôn chân như Từ Hải.
Một không khí im lặng bao trùm. Có gì đó như bẽ bàng, như ngột ngạt. Em đánh trống lảng: “Giáo viên mà...”.
Vẫn biết em chẳng thể dối lòng! Nhưng giá như em đừng nói thêm gì nữa!
Bấy lâu nay, em cảm tình với anh vì thấy anh hiểu biết lại chân chất hiền lành, nhưng có lẽ em không nghĩ một giảng viên đại học lại nghèo đến thế!
Em ra về trong hoàng hôn tím lịm và bao lời chưa kịp thốt lên môi đã vội vàng lụi tắt.
Mình đứng lặng ở cửa... Lòng ngập buồn... và cả nỗi xót xa...
Sau lần ấy, mình đến chơi với bố mẹ em và ba đứa em em vài lần nữa.
Bố mẹ em vẫn thế, nhiệt tình, vui vẻ, hết lòng. Lần chót, mình như đọc được trong mắt hai bác nỗi buồn thương và niềm nuối tiếc...
Và trong lần chót ấy, con chó nhà em thật là quá tệ. Đã quen mặt nhau, thế mà trong “ngày cuối” đó, nó lại hào hứng tặng mình một nhát cắn điếng hồn.
Mình lặng lẽ đi tiêm phòng. Sau này mỗi lần nhìn vào vết sẹo vẫn thấy “đau xờ cau”!...
Và em thì vẫn bận, vẫn mải miết trên chiếc xe Simson với ông chú trạc tứ tuần...
5. Vết sẹo nơi chân và vết sẹo trong sâu thẳm lòng mình, cái lia mắt và nụ cười gượng của em trước đám nồi niêu sứt sẹo nơi góc bếp lạnh tanh... khiến mình có thêm nhiều quyết tâm để bắt tay vào những điều mới mẻ...
Bẵng đi một thời gian, cuộc sống với quá nhiều lo toan, bận rộn khiến mình gần như đã quên hẳn cái ngõ nhỏ ngoằn ngoèo, quên em cùng ông chú và chiếc Simson. Mình miệt mài đèn sách, cắm đầu đi dạy, buôn tàu bán bè, bới đất nhặt cỏ... Yêu đương gái gú dẹp hết!
Một hôm mình sang dạy ở trường Cán bộ Quản lý Giáp Bát bất chợt nhìn thấy em bên kia tường rào. Sực nhớ em là công nhân may của xí nghiệp may quân đội kế bên. Mình tảng lờ dù biết em đã nhận ra mình. Kệ, cho em yên và cho mình được yên.
... Và rồi cái gì đến sẽ đến, tan ca, em ra tìm gặp mình.
Em lúng búng, ngượng ngùng, bàn tay chằng chịt gân xanh vân vê tà áo. Mình nhìn em chỉ thấy thương chứ tịnh không có cảm giác gì là bồi hồi xao xuyến như thuở nào.
Em nhỏ nhẻ: “Mời anh vào nhà em chơi nhé! Mẹ em và mấy đứa vẫn nhắc anh luôn...”.
Mình thoáng thấy miếng băng đen trên ngực áo em nên hiểu chuyện và vào thăm nhà em ngay trưa đó.
Bố em vừa mất. Chỉ một thời gian mà gia cảnh nhà em đổi khác. Không còn sung túc như xưa. Có nét gì đó tiêu điều, hoang lạnh. Mình run run thắp hương trên ban thờ bác trai. Nghĩ lại những lúc bác giục giã mình rủ em ra ngoài vườn trò chuyện riêng rồi còn nao nức: “T. H nó cảm tình với cháu lắm đấy, cố lên”... chợt thấy lòng ngậm ngùi quá đỗi!
Sau rốt mình bước ra sân, hướng ánh nhìn căm hận vào con chó. Hình như nó cũng đã quá mệt mỏi nên chẳng còn hơi sức mà gầm gừ với mình như thuở nào.
Em nhón chân bước theo, mỏng mảnh nghiêng đầu ghé sát vai mình thầm thĩ: “Anh à... Em muốn... Em muốn...”.
Mình lùi ra, quay lại nhìn thẳng vào mắt em. Muốn nói nhiều điều an ủi nhưng thấy em hình dong xanh mướt, ánh nhìn hoai hoải như có như không, nên ái ngại. Mình nắm tay em lắc nhẹ: “Anh chia buồn cùng gia đình. Em giữ gìn sức khỏe nhé. Đến giờ anh phải về rồi!”. Mắt em ầng ậng nước. Mình lên xe mà lòng chống chếnh. Một “cuộc tình” đã rơi như viên sỏi băng mình vào dòng sông lạnh buốt. Cũng dư chút mủi lòng!
6. Rồi sau đó nhận được tin em lấy chồng. Lẽ dĩ tất ngẫu, chồng em là ông chú thuở nào. Cái ông chú phóng xe Simson vèo vèo dạy em những bài học về ngao du, buôn bán thương trường. Cái ông chú hút thuốc lá phì phèo mỗi lần gặp mình lại nhếch môi cười khẩy. Thực tình thì mình “ngộ” ra mối tình giữa em với ông chú ấy chính từ cái lia mắt của em trên đống nồi niêu xoong chảo thủng trôn méo ẹo nhà mình. Bởi mình hiểu, sớm muộn gì rồi em cũng tìm đến với người như thế: “Là vàng em chẳng lấy cho/ Em đi tìm để đầy kho không vàng” (Le Tien Vuong Vuong).
Sau này mỗi lần nghĩ đến, mình chẳng nhớ gì ngoài vết chó cắn. Mình thề! Thông thường những cặp đôi khi chia tay nhau thường tiếc nuối: Hình như ta có nhiều điều còn chưa kịp nói!
Nhưng với em, mỗi lần nghĩ lại, mình thấy đã nói quá đủ đầy, dù những lần trò chuyện với em chẳng nhiều nhặn gì.
Mình thề!