Mọi sự vật, hiện tượng luôn vận động và biến đổi không ngừng, con người cũng không nằm ngoài quy luật đó. Đất, núi, sông, biển, v.v. đều đang thay đổi từng ngày. Trên thế giới, ngôn ngữ văn tự, các loại văn hóa, phong tục tập quán, thói quen, v.v. không đứng yên mà vận động không ngừng.
Trong cuộc sống, không có cái gì không thay đổi. Chẳng hạn: Một hạt nhân nguyên tử từ khi phóng ra một hạt từ nó thì cũng đồng thời là lúc tự nó biến đổi, chuyển hóa thành một hạt khác, đó chính là sự biến đổi vật lý. Ấu trùng phát triển thành con tò vò; con tằm lớn lên sẽ tạo kén và biến thành nhộng, sau khi biến đổi thành nhộng hoàn thiện thì sẽ trở thành bướm ngài; v.v. đó là quá trình biến hóa.
Bất kì một sự vật nào trong cuộc sống cũng đều đang biến đổi. Giống như, từ một bé gái, lớn lên sẽ trở thành thiếu nữ, sau đó trở thành vợ, thành mẹ, khi già đi thì trở thành bà lão. Có thể thấy, cuộc đời là vô thường, đa dạng biến hóa.
Trên thế gian, không có thứ gì không thay đổi. Nếu cứ cố chấp, không chịu thay đổi, thì sẽ không thể phát triển và tiến bộ. Phật dạy rằng: “Ta như người khéo chỉ đường, dẫn dắt người đi con đường thiện, nhưng nếu người không đi đúng đường, không thể đến đích, thì lỗi không phải ở người chỉ dẫn. Ta như vị thầy thuốc giỏi, có thể tuỳ bệnh mà cho thuốc, người bệnh không uống, lỗi không phải bởi vị thầy thuốc”.
Muốn nâng cao chất lượng đời sống tinh thần, con người cần phải được học tập và giáo dục. Con người thường muốn mua nhà, đổi nghề, chính là muốn thay đổi nơi ở, hoàn cảnh, phải có thay đổi mới có tiến bộ. Giống như các em học sinh ban đầu học trường mầm non, sau đó học trường tiểu học, trung học cơ sở, phổ thông trung học, đại học, sau đại học và cuối cùng trở thành các học giả, giáo sư.
Khi chúng ta thay đổi, mọi người thường nói rằng: “Bạn dường như đã thay đổi trở thành một người khác”. Khi một người từ thiếu hiểu biết trở thành người hiểu biết và có đức hạnh, chúng ta liền khen rằng: “Bạn đã trưởng thành”. Cho nên, trong Thiền môn gọi ngộ đạo là “thay hình đổi dạng”.
Trong cuộc đời có rất nhiều sự “biến đổi”: Biến thiên, biến tiết (phụ bạc), biến thông, biến quẻ, biến tướng, biến cố, biến dung (thay đổi dung mạo), thay đổi cục diện. Có lúc thay đổi biến hóa theo hướng tốt, cũng có lúc thay đổi biến hóa theo hướng xấu. Khi chơi bóng chày, người ném bóng cần phải học cách “biến hóa quả bóng” ở tay mình. Trong chính trị, Khang Hữu Vi phát động “biến pháp duy tân” (cải cách và phục hồi). Đối với công việc dịch thuật kinh điển, để tạo điều kiện thuận lợi cho việc hoằng dương giáo nghĩa, người phiên dịch nên “chuyển đổi văn bản” theo hướng dùng ngôn ngữ hiện đại viết lại lời xưa kia, giúp người đọc dễ hiểu hơn. Trong kịch Tứ Xuyên có nghệ thuật “thay đổi gương mặt”, thậm chí có bộ phim điện ảnh được đặt tên là Lật Mặt, khiến người xem kinh ngạc tán thán, cảm động thương cảm.
Âm nhạc thì có biến điệu, thực vật thì có biến sắc, con người lại có biến tâm (thay lòng đổi dạ) - điều đáng buồn nhất của cuộc đời. Tuy nhiên, tâm tốt có thể biến thành xấu, tâm xấu cũng có thể trở thành tốt. Tham, sân, si có thể biến thành giới định tuệ; giới định tuệ nếu như không thể tăng thượng, không tiếp tục dụng công tu tập, lại bị tác động bởi nghịch cảnh bên ngoài, thì rất nhanh sẽ biến thành tham, sân, si. Cho nên, chỉ cần sai một ly là đi một dặm.
Vì vậy, tốt nhất, chúng ta nên biến tâm tham lam thành tâm hỷ xả, biến tâm sân giận thành tâm từ bi, biến tâm si mê thành tâm trí tuệ; chỉ cần tâm có sự thay đổi theo hướng tích cực, thay đổi tính cách ngày một tốt hơn, thì việc trở thành thánh thành hiền đâu có gì khó!