Trong xã hội, ngoài những người làm chủ doanh nghiệp kinh doanh, lời lỗ tự mình chịu; hoặc là những người nông dân sống nhờ đồng ruộng, làm được bao nhiêu hưởng bấy nhiêu ra; còn lại phần lớn công nhân, viên chức đều là những người làm công ăn lương, dùng đồng lương hàng tháng để duy trì cuộc sống gia đình. Cho nên xã hội ngày nay ai cũng cần phải có nghề nghiệp, nếu kinh tế càng suy thoái thì tỷ lệ thất nghiệp càng gia tăng, điều này khiến toàn xã hội lâm vào khủng hoảng.
Thực tế cho thấy có sự chênh lệch rất lớn giữa người được hưởng lương cao và người được hưởng lương thấp. Đối với một số người, khoản tiền lương hàng tháng mà họ nhận được chỉ đủ nuôi sống bản thân, không đủ nuôi gia đình, vậy nên trong gia đình cần phải có hai hoặc ba người cùng đi làm thì mới có đủ kinh phí chi tiêu cho cả gia đình. Nhưng cũng có người, tiền lương hàng tháng rất cao, cao gấp mấy chục lần so với người có thu nhập thấp. Thậm chí có người, chỉ cần đóng một con dấu, ký một chữ ký nhưng lương mà họ nhận được có thể lên đến con số hàng chục triệu. Chẳng hạn, người buôn bán vũ khí, chỉ cần một vụ làm ăn của họ, lợi nhuận mà họ thu về có thể đạt tới con số mà cả đời của một người làm công ăn lương cũng không thể nào có được.
Trước đây, trong xã hội, đại đa số là những người lao động chân tay, cho nên thu nhập không cao và không ổn định. Ngày nay khoa học tiến bộ, một số người có đầu óc và trí tuệ nhanh nhạy, chỉ cần một phát minh, một công trình của họ làm ra cũng nhận được sự xem trọng của các ông chủ lớn. Những nhân tài ấy, mỗi tháng nếu không có hàng chục triệu đến hàng trăm triệu để trả lương thì e rằng khó mà mời được họ.
Hầu hết các nước trên thế giới, thậm chí ở các nước phát triển, mức thu nhập của người lao động chỉ đủ để lo cơm ăn áo mặc trong gia đình. Những người nhập cư trái phép, do không có nhân thân hợp pháp cho dù có nỗ lực bằng cách nào và nhiều như thế nào đi nữa thì cũng không nhận được sự đãi ngộ tương xứng.
Từ xưa đến nay, vấn đề “bóc lột sức lao động” luôn tồn tại trong xã hội. Ngày nay, phần lớn các quốc gia trên thế giới đều có Bộ lao động, Ủy ban lao động, Hiệp hội lao động, nhằm mục đích bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người lao động. Chúng ta đều đã từng ít nhiều nghe thấy việc người lao động tổ chức các cuộc bãi công, viết những bức tâm thư, gửi những lá đơn yêu cầu lên những người lãnh đạo doanh nghiệp, lên những ông chủ nhà máy, v.v. tất cả đều xuất phát từ sự bất công, bất bình đẳng.
Một số người có bản chất cầu an, chỉ hy vọng có một cuộc sống ổn định, cũng không mong đợi có được đãi ngộ quá cao. Có người không cam chịu cuộc sống bình thường, thích thực hiện các loại đầu tư mạo hiểm, như đầu tư bất động sản, cổ phiếu và các ngành công nghiệp mới phát triển. Nếu cơ duyên tốt thì họ có thể có được khối tài sản lớn, nếu không may ra làm ăn thua lỗ, thì chắc chắn sẽ chẳng còn gì, tán gia bại sản, nợ nần chồng chất, thậm chí phải hy sinh tính mạng.
Người xưa có câu: “Gia tài vạn đồng, không bằng có một nghề trong tay”. Cho nên, nếu muốn có thu nhập tốt, nâng cao chất lượng cuộc sống, ngoài việc chăm chỉ, nỗ lực lao động, chúng ta cần phải trau dồi kiến thức và rèn luyện năng lực, kỹ năng chuyên môn nghiệp vụ. Nếu có tay nghề cao, thì tất nhiên đãi ngộ sẽ cao hơn.
Một quốc gia có tiềm lực kinh tế mạnh, một mặt phụ thuộc vào lực lượng sản xuất, bên cạnh đó còn phụ thuộc vào mối quan hệ hợp tác giữa người lao động và người sử dụng lao động. Vì vậy, chúng ta cùng nhau hy vọng các ông chủ doanh nghiệp có thể xây dựng mối quan hệ tốt đẹp với người lao động. Giống như Hứa Văn Long, Chủ tịch hội đồng quản trị công ty Kỳ Mỹ, đã đem lợi nhuận thu được chia cho nhân viên, nhờ đó được mọi người ca ngợi, trở thành tấm gương để mọi người học tập.