Ngày bác sĩ học nội trú năm thứ nhất, gần nhà cha mẹ ở quê có chị hàng xóm rất hay bị đau đầu. Quê nhà nghèo khó lại xa trung tâm y tế nên mỗi lần lên cơn đau, chị thường xuống trạm y tế nông trường để truyền dịch cùng thuốc giảm đau, vài hôm đỡ lại về. Rồi cơn đau đầu xuất hiện tần suất dày hơn, kèm theo có lúc nôn ói… Đúng dịp về thăm nhà gặp chị, bác sĩ động viên gia đình nên xuống thành phố Vinh (cách nhà gần 80km) để chụp phim cắt lớp sọ não xem sao. Hình ảnh phim chụp làm cả gia đình choáng váng, chị có khối u to nằm sâu trung tâm nhu mô não, tiên lượng rất phức tạp. Chị được chuyển ra bệnh viện Hữu nghị Việt Đức để hội chẩn với những chuyên gia đầu ngành. Chị có chỉ định sinh thiết để xét hóa, xạ trị, còn phẫu thuật chưa thể đặt ra. Sau can thiệp đã xác định tính chất khối u của chị là ác tính và đáp ứng rất kém với những liệu pháp hóa chất, tia xạ. Nằm điều trị ở viện một thời gian ngắn rồi gia đình đưa về và chị mất sau đó mấy tháng, để lại người chồng cùng hai con thơ dại. Thương xót đến tận cùng…
Các bạn ạ, trong quá trình hành nghề những năm tháng qua, bác sĩ đã gặp thêm nhiều những trường hợp xót xa như vậy. Chỉ vì điều kiện khó khăn, vì xa xôi cách trở, vì chủ quan, vì chưa có kiến thức sức khỏe, vì chưa gặp thầy thuốc tư vấn… để rồi bệnh tật muộn màng, Y học bó tay.
Đau đầu là một trong những chứng bệnh hay gặp nhất của nhân loại và cũng là bệnh lý gây “đau đầu” những nhà khoa học trong suốt nhiều năm qua. Đa số (hơn 80%) các trường hợp đau đầu là lành tính, tuy nhiên chứng đau đầu luôn ẩn chứa những nguy cơ của các bệnh lý nguy hiểm. Chính vì vậy, trách nhiệm người thầy thuốc là cần đảm bảo loại trừ chắc chắn những nguy cơ đó trước khi quyết định điều trị triệu chứng giảm đau và theo dõi cho bệnh nhân. Theo phân loại của Hiệp hội Đau đầu Thế giới (IHS: International Headache Sociaty) thì chứng bệnh đau đầu được chia thành gần 70 nhóm nguyên nhân khác nhau. Tuy nhiên trong bài viết này, bác sĩ chỉ muốn trao đổi với các bạn bệnh lý gây đau đầu thường gặp nhất và những bệnh lý tiềm ẩn nguy cơ nguy hiểm, với mong muốn mọi người biết được phần nào bệnh lý thường gặp nhưng khó chữa dứt điểm này.
1. Đau đầu do chấn thương, tai nạn. Thường những trường hợp bệnh nhân đau đầu sau khi bị tai nạn sẽ dễ được chẩn đoán, vì sau tai nạn nếu bệnh nhân có biểu hiện đau đầu các bác sĩ sẽ chỉ định chụp cắt lớp vi tính (CT Scanner) hoặc cộng hưởng từ sọ não để phát hiện ngay các tổn thương như máu tụ nội sọ, vỡ xương sọ, dập não… Tuy nhiên trong nhóm liên quan đến chấn thương, còn hai vấn đề bác sĩ muốn lưu ý:
▸ Hiện nay, một số nơi khi bệnh nhân vào viện sau tai nạn có triệu chứng đau đầu nhưng lại không chỉ định chụp phim cắt lớp vi tính sọ não ngay mà cho chụp phim X-quang sọ não rồi nằm lưu theo dõi. Và chỉ chụp phim cắt lớp vi tính khi bệnh nhân có các dấu hiệu nặng lên như nôn nhiều, kích thích giãy giụa hoặc lơ mơ, hôn mê… Điều này sẽ là rất đáng tiếc và tiềm ẩn nhiều nguy cơ cho bệnh nhân có các tổn thương trong sọ, vì chụp phim X-quang sọ não thường quy chúng ta không thể đánh giá được các tình trạng tổn thương này. Với lại nếu ngay khi vào viện không chụp phim cắt lớp vi tính sọ não ngay có thể chúng ta sẽ bỏ lỡ mất thời gian quý báu để phẫu thuật giải phóng chèn ép nội sọ để cứu bệnh nhân trong các trường hợp có tổn thương tụ máu nội sọ, dập não, phù não lan tỏa… Vậy nên bất cứ trường hợp nào sau tai nạn vào viện nếu có biểu hiện đau đầu, bác sĩ khuyên mọi người nên chủ động chụp cắt lớp vi tính sọ não, thà chụp xong không phát hiện tổn thương còn hơn là chúng ta chưa chụp, nằm theo dõi và không biết điều gì đang xảy đến trong sọ chúng ta.
▸ Nhiều trường hợp có tổn thương máu tụ mạn tính trong sọ (thường là máu tụ dưới màng cứng) liên quan đến tiền sử có chấn thương, tai nạn, đặc biệt là ở người cao tuổi có cao huyết áp. Những trường hợp này thường bệnh nhân có tiền sử tai nạn cách một tháng đến nửa năm, thậm chí cả năm, hoặc tiền sử tai nạn không rõ ràng (va đầu trong nhà tắm, có cơn ho gắng sức, cơn cao huyết áp…). Bệnh nhân đau đầu tăng dần, thường đau đầu một bên kèm theo yếu nửa người bên đối điện, có thể có nôn. Những trường hợp nghi ngờ như trên, bệnh nhân cần chụp phim cắt lớp vi tính hoặc chụp cộng hưởng từ sọ não để phát hiện sớm. Với tổn thương này, chỉ định mổ cấp cứu, gây tê tại chỗ, khoan sọ một lỗ, dẫn lưu bơm rửa khối máu tụ, giải phóng chèn ép nhu mô não, tiên lượng rất khả quan.
2. Đau nửa đầu migraine. Theo thống kê ở Mỹ thì gần 1/5 các trường hợp nữ giới dưới 45 tuổi có biểu hiện cơn đau nửa đầu migraine. Đây là một trường hợp đặc biệt thuộc nhóm nhức đầu mạn tính có nguồn gốc rối loạn nguyên phát ở não. Đau đầu migraine thường không nguy hiểm đến tính mạng, ngoại trừ các thể đặc biệt như migraine có biến chứng thần kinh (thường gây liệt nửa người, nhồi máu não, co giật). Về cơ chế bệnh sinh migraine xếp vào nhóm đau đầu do nguyên nhân mạch máu (còn gọi là hội chứng thần kinh-mạch máu ở não) và có tính chất cơn rõ rệt với đặc trưng là đau nửa đầu tái diễn, thành cơn, thường khởi phát ở tuổi thiếu niên và người trẻ, hiếm gặp ở trẻ em hoặc người cao tuổi, hay gặp hơn ở nữ giới (tỉ lệ nữ/nam: 3/1). Mức độ cơn đau từ vừa đến dữ dội, da đầu căng giật theo nhịp mạch, mỗi cơn kéo dài từ bốn giờ đến ba ngày và thường đạt cơn đau cực đại sau khởi phát khoảng hai tiếng. Lúc đau thường kèm theo buồn nôn, nôn, sợ ánh sáng, sợ tiếng động, rối loạn thị giác. Cơn đau chỉ xuất hiện một bên đầu và có tính chất thay đổi, khi bên phải khi bên trái. Đau đầu migraine có thể khu trú mọi vị trí trên vùng sọ mặt nhưng hay gặp nhất là ở một bên thái dương. Tần số thường từ 1 – 2 cơn/1 tuần, nếu bệnh nhân có hơn 8 cơn đau/tháng thì nên thận trọng khi chẩn đoán là migraine vì tần suất cơn đau đầu trong migraine ít khi nhiều như vậy. Migraine xuất hiện bất kỳ thời điểm nào trong ngày nhưng thường có xu hướng xuất hiện vào buổi sáng hoặc vào thời điểm chu kỳ kinh nguyệt ở nữ giới. Đau đầu migraine có thể có tiền sử gia đình. Việc chẩn đoán migraine hoàn toàn dựa vào triệu chứng lâm sàng mà chưa có xét nghiệm hoặc dấu ấn sinh học nào đặc hiệu để chẩn đoán, kể cả chẩn đoán hình ảnh, tuy nhiên các kết quả thăm dò hình ảnh và chức năng như chụp cộng hưởng từ sọ não-mạch não, xét nghiệm dịch não tủy, điện não đồ, siêu âm doppler hệ mạch cảnh, soi chụp các xoang vùng hàm mặt... giúp bác sĩ loại trừ được các nguyên nhân gây đau đầu khác trước khi đi đến chẩn đoán xác định là cơn đau đầu migraine. Về điều trị migraine, để phát huy hiệu quả cần phối hợp song song ba giải pháp bao gồm:
▸ Ngăn ngừa các yếu tố có thể gây khởi phát cơn đau: Hạn chế các chất kích thích như rượu bia, thuốc lá, ngủ sớm dậy sớm, thư giãn tránh stress kết hợp yoga, thiền, đi bộ. Điều kiện môi trường nơi ở và làm việc phải có đủ ánh sáng, oxy và tránh nhiều tiếng động. Giáo dục để bệnh nhân biết về tình trạng bệnh, cách dùng thuốc và theo dõi tiến triển bệnh.
▸ Điều trị cắt cơn đau (điều trị giai đoạn cấp): Nhằm mục đích là cắt cơn đau nhanh chóng, hiệu quả, hạn chế tác dụng phụ, cải thiện chức năng thần kinh cho bệnh nhân. Các nhóm thuốc đặc hiệu thường dùng: nhóm Ergotamine Tartrate hoặc nhóm Triptan (Sumatriptan, Eletriptan, Naratriptan, Rizatriptan, Almotriptan và Zolmitriptan) có thể dùng dạng viên uống hoặc dạng tiêm (khi bệnh nhân có biểu hiện nôn nhiều) và cần dùng ở giai đoạn sớm mới có tác dụng tốt. Ngoài ra, cần kết hợp với các thuốc giảm đau thông thường thuộc nhóm không steroid, thuốc chống nôn.
▸ Điều trị nền (điều trị dự phòng): Chỉ sử dụng khi tần suất các cơn dày, ít nhất có hai cơn mỗi tuần, các thể migraine có biến chứng và migraine gây trở ngại lớn đến lao động, sinh hoạt hàng ngày, mặc dù đã được điều trị giai đoạn cấp với mục đích làm giảm cường độ cũng như tần số cơn, dần dần tiến đến cắt hoàn toàn cơn và tránh tái phát.
3. Đau đầu do các khối chèn ép. U não thường phát triển âm thầm, rất ít các triệu chứng ở giai đoạn sớm, nhưng khi đã biểu hiện triệu chứng thì thường u đã phát triển được một thời gian. Triệu chứng u não cũng thay đổi, phụ thuộc vào vị trí cũng như kích thước các khối u. Đau đầu là triệu chứng hay gặp nhất, hơn một nửa số người có khối u trong não bị đau đầu. Đau đầu do khối u não thường xuất hiện lúc nửa đêm về sáng, tiến triển từ từ tăng dần, kèm các triệu chứng khác như nặng đầu, choáng váng. Giai đoạn muộn hơn một chút, bệnh nhân đau đầu thường kèm theo buồn nôn, nôn vọt dễ dàng, ù tai một bên, giảm thị lực, nói khó hoặc có biểu hiện lú lẫn, động kinh co giật, dáng đi mất kiểm soát, yếu nửa người... Khối u não có thể lành tính hoặc ác tính, có thể sinh ra và phát triển nguyên phát tại chỗ, hoặc cũng có thể là khối u do di căn từ nơi khác đến (u phổi di căn…). Khi có các triệu chứng nghi ngờ như trên, các bạn cần sớm quyết định đi khám, chụp cắt lớp vi tính hoặc cộng hưởng từ sọ não để đi đến chẩn đoán xác định. Trong một số trường hợp, có thể kết hợp sinh thiết xét nghiệm tế bào khối u dưới hướng dẫn của chụp cắt lớp vi tính. Nếu nghi ngờ khối u não do di căn từ nơi khác đến, chúng ta cần làm thêm rất nhiều các thăm dò xét nghiệm khác để đánh giá toàn diện tình trạng của bệnh nhân cũng như tìm khối u nguyên phát. Lựa chọn điều trị u não phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như loại u, kích thước, vị trí khối u, toàn trạng chung của bệnh nhân và nguyện vọng gia đình. Với u não, phẫu thuật vẫn là giải pháp hiệu quả cho hầu hết các trường hợp, ngoài ra chúng ta có thể cân nhắc một số phương pháp điều trị khác như xạ trị, hóa chất, Gamma Knife thế hệ Icon…
4. Đau đầu do đột quỵ. Tai biến mạch máu não (đột quỵ) là một trong những nguyên nhân gây đau đầu thường gặp và là một trong các bệnh lý có thể để lại nhiều di chứng nặng nề như yếu nửa người hoặc liệt hoàn toàn, rối loạn ngôn ngữ, giảm thị lực… thậm chí tử vong. Tai biến mạch máu não có thể là do vỡ các mạch máu trong não (xuất huyết não) hoặc do các cục máu đông xuất hiện gây bít tắc các mạch máu nuôi não (nhồi máu não). Phát hiện sớm, sơ cứu vận chuyển và những giải pháp dự phòng đột quỵ… bác sĩ đã chia sẻ hai bài trong cuốn sách này, các bạn quan tâm có thể tìm đọc nhé!
5. Đau đầu do bệnh lý vùng lân cận. Một nhóm nguyên nhân đau đầu cũng hay thường gặp nhưng ít người nghĩ đến đó là nhóm nguyên nhân tai mũi họng, viêm xoang, bệnh lý vùng hàm mặt, bệnh lý cột sống cổ, cơn hạ huyết áp hoặc cơn cao huyết áp. Đau đầu do răng hàm mặt hay viêm xoang thường khu trú ở vùng trán, thái dương, cũng có thể gặp đau vùng đỉnh, chẩm gáy (trong viêm xoang sàng, xoang bướm, thoái hóa cột sống cổ), trong đó đau các dây thần kinh vùng sọ mặt thường đau chói, cơn đau ngắn nhưng cảm giác như điện giật, bỏng rát. Nếu đau đầu một bên dữ dội kèm đỏ mắt, giảm thị lực cần nghĩ đến bệnh lý tăng nhãn áp và các bệnh lý khác của nhãn cầu. Đau đầu kiểu điện giật kèm sốt, động mạch thái dương nổi hằn lên và cảm giác cứng cần nghĩ đến bệnh Horton, đây là một bệnh lý cấp cứu quan trọng và cần chỉ định điều trị sớm. Các bệnh lý hàm mặt như hội chứng sai khớp cắn, viêm quanh cuống, răng số 8 mọc lệch, đau dây thần kinh số V, Zona thần kinh cũng có thể gây đau đầu cấp tính. Thoái hóa, thoát vị đĩa đệm cột sống cổ thường gây đau vùng vai gáy kèm cảm giác mỏi, cứng cổ, hạn chế quay đầu cúi cổ, giảm sự tập trung và có thể tê buốt xuống vai tay. Như vậy, khi có triệu chứng đau đầu, chúng ta cũng cần loại trừ các bệnh lý vùng lân cận bằng cách đi khám các chuyên khoa như tai mũi họng, răng hàm mặt, mắt, cột sống…
6. Đau đầu do stress. Ngày nay, một trong những nguyên nhân gây đau đầu thường gặp và đang có dấu hiệu tăng lên đó là do căng thẳng thần kinh. Làm việc áp lực quá lâu, môi trường nhiều tiếng ồn, liên tục gặp những vấn đề gây lo lắng, mật độ dân số đông đúc, hoặc sau một chuyến đi xa mệt mỏi… là những nguyên nhân gây đau đầu dạng này. Dạng đau đầu này thường được xác định qua tìm hiểu môi trường sinh hoạt, tính chất lặp lại của cơn đau đầu trong những điều kiện nhất định, mức độ không nghiêm trọng của cơn đau, cảm giác đau căng- chặt-đầy-ép-khắp đầu, thường không kèm theo nôn. Đau đầu do căng thẳng thường chỉ cần nghỉ ngơi, dùng thuốc giảm đau thông thường và thuốc an thần nếu cần. Bệnh nhân cũng cần được trấn an về tính chất không nghiêm trọng của căn bệnh.
7. Đau đầu do nhiễm trùng. Nguyên nhân cuối cùng gây đau đầu thường gặp bác sĩ muốn trao đổi với các bạn đó là nhiễm trùng não-màng não (viêm màng não mủ, viêm màng não nước trong, áp xe não, sán não…). Với các trường hợp này, bệnh nhân thường có sốt hoặc thể trạng nhiễm trùng, đau đầu lan tỏa và liên tục, có thể kèm theo cứng vùng gáy, sợ ánh sáng và tiếng động… Việc chẩn đoán xác định chủ yếu dựa vào xét nghiệm dịch não tủy, xét nghiệm máu và chụp cộng hưởng từ sọ não.
8. Lúc nào đau đầu cần đi khám ngay?
▸ Cơn đau đầu xảy ra tối cấp, dữ dội như dao đâm rồi kèm theo ý thức giảm dần, bệnh nhân đi vệ sinh không tự chủ… thường do đột quỵ. Đây là một tổn thương rất nặng và tiên lượng dè dặt, vấn đề xử trí được tính bằng giờ, bằng phút và bệnh nhân cũng cần được vận chuyển vào viện bằng xe cấp cứu chuyên dụng (có các thiết bị sơ cứu hỗ trợ ban đầu trên xe).
▸ Đau đầu sau mọi hình thái tai nạn đều cần đến viện để thăm khám và chụp cắt lớp vi tính, cộng hưởng từ nếu cần thiết.
▸ Cơn đau đầu xuất hiện đột ngột sau khi gắng sức làm một việc gì đó (sau khi ho, sau stress hoặc khi cơ thể tiếp xúc môi trường nhiệt độ thay đổi đột ngột…), trường hợp này cũng cần nghĩ đến đột quỵ.
▸ Đau đầu kèm nôn hoặc bệnh nhân sợ tiếng động, ánh sáng.
▸ Cơn đau đầu xuất hiện lần đầu tiên với mức độ đau được bệnh nhân mô tả là chưa từng bị đau đến mức như thế bao giờ.
▸ Đau đầu kèm tê lưỡi, tê bì tay chân, méo miệng, thiếu hụt thần kinh (yếu nửa người, sệ vai, không nâng được tay, khó cầm nắm vật, rơi đũa…
▸ Cơn đau xuất hiện và nặng lên qua từng ngày, từng tuần.
▸ Đau đầu kèm sốt, cơ thể có biểu hiện nhiễm trùng.
▸ Cơn đau đầu đột ngột ở người trên 55 tuổi, đặc biệt có tiền sử cao huyết áp, uống nhiều rượu, tiểu đường, bệnh lý tim mạch từ trước.
▸ Đau đầu tăng dần sau tai nạn một vài tuần, vài tháng ở người già kèm yếu nửa người.
Trên đây, bác sĩ đã trao đổi với các bạn những nguyên nhân gây đau đầu thường gặp với mong muốn giúp mọi người bước đầu hiểu được căn bệnh rất hay gặp này. Có một nguyên tắc rất cơ bản mong mọi người ghi nhớ đó là: Chúng ta chỉ sử dụng thuốc giảm đau khi đã loại trừ được các nguyên nhân nguy hiểm thông qua việc đi khám và chụp chiếu bởi các bác sĩ chuyên khoa.