Gần như không bao giờ là do giá cả
Nếu đã từng khảo sát nhân viên bán hàng, bạn sẽ nhận thấy rằng hầu hết bọn họ đều tin rằng giá cả là lý do duy nhất khiến họ bị mất đơn hàng. Điều này không đúng và sự thật khác xa hoàn toàn.
Giá cả không phải là mối bận tâm lớn nhất của người mua. Thực ra nó còn nằm ở cuối danh sách nguyên nhân khiến mọi người không mua hàng. Phần lớn các thương vụ bị mất là vì những lý do ngầm mà người mua không nói ra chứ không phải vì những lý do rõ ràng như giá cả, điều kiện thanh toán hay ngân sách. Giành được đơn hàng không phải nhờ giá cả, mà chủ yếu là vì người mua tin rằng sản phẩm đúng là thứ họ cần.
Nếu giá cả chênh lệch, khách hàng muốn được đảm bảo rằng sản phẩm của bạn có ưu điểm vượt lên khoản chênh lệch đó.
Thử nghiệm giá cả
Hầu hết nhân viên bán hàng tin rằng nếu giá thấp hơn thì họ có thể bán được nhiều hàng hơn. Nhưng sự thực là, họ không thể bán được nhiều hơn vì đã hiểu sai nguyên nhân, dẫn đến không có giải pháp đúng đắn. Đã từng có nhân viên bán hàng phàn nàn rằng nếu mức phí tham dự hội thảo của tôi thấp hơn thì anh ta đã bán được gấp đôi vé tham dự rồi. Mặc dù biết rõ điều anh ta nói gần như là ngu ngốc, song tôi vẫn áp dụng nguyên tắc đầu tiên trong bán hàng là “Luôn đồng ý với khách hàng” và bảo anh ta rằng tôi cũng thường băn khoăn như thế nhưng sẽ sẵn sàng thử nghiệm ý tưởng của anh ta.
Vì vậy chúng tôi đã tổ chức một hội thảo Grant Cardone ở Detroit với mức phí bằng 1/10 phí thông thường. Detroit vốn luôn là nơi tổ chức hội thảo có lượng người tham dự đông nhất của chúng tôi và anh chàng đề nghị giảm giá vé đó đinh ninh rằng chúng tôi sẽ có lượng người tham dự đông nhất từ trước đến nay. Chỉ có một quy định trong thỏa thuận của chúng tôi để kiểm tra chính xác ý tưởng đáng yêu của anh ta là: Anh ta chỉ có thể bán vé bằng cách quảng bá các thông tin về buổi hội thảo như: thời gian, giá cả, trang web và số điện thoại liên hệ. Anh ta không được phép thực hiện một buổi giới thiệu bán hàng đầy đủ. Thực tế là nếu đã có mức giá thấp thì bạn không cần phải nỗ lực thực hiện phần giới thiệu đó.
Lượng người tham dự buổi hội thảo đó thấp nhất trong số các buổi hội thảo tôi tổ chức suốt 20 năm qua. Nó thậm chí còn không đủ tiền vé máy bay cho tôi, còn tiền hoa hồng của anh ta không đủ trả tiền gửi thư mời. Tôi hỏi khán giả nguyên nhân tại sao số người tham dự lại ít như vậy, và câu trả lời là họ không tin tôi sẽ thực sự xuất hiện, mà cho là bên tổ chức sẽ chỉ trình chiếu một đoạn video của tôi thôi. Nếu giá cả quá thấp, mọi người sẽ cảm thấy nó không có giá trị. Ngoài ra, nếu giá cả là lý do duy nhất của người mua, thì các công ty cũng không cần tuyển nhân viên bán hàng nữa và gần 25% dân số sẽ gặp khó khăn.
Thành công sẽ luôn đến với người bán hàng chuyên nghiệp, tập trung vào bán các tính năng và lợi ích của sản phẩm.
Tình yêu chứ không phải giá cả
Sau lần thử nghiệm phí thấp, tôi đã tăng gấp đôi mức phí thông thường và số người tham dự các hội thảo trong tương lai của tôi tăng hơn 100%!
Giá cả chưa bao giờ là vấn đề của người mua cho dù họ có nói như vậy. Thông thường, vấn đề thực sự chính là sự yêu thích và tin tưởng. Tôi có yêu thích sản phẩm này không? Bởi vì nếu yêu thích nó thì tôi sẽ sẵn sàng mua nó bằng bất cứ giá nào. Khách hàng có tin tưởng 100% rằng sản phẩm này sẽ giúp họ có được thứ họ muốn không? Dịch vụ này sẽ đúng như mô tả chứ? Nếu người mua quá đỗi yêu thích sản phẩm và không thể sống thiếu nó, thì họ sẽ mua bằng được, bất chấp giá cả, và luôn giả định rằng họ sẽ kiếm đủ tiền trả cho nó. Nếu người mua tin chắc sản phẩm này sẽ giúp giải quyết vấn đề và mang lại cho họ giải pháp thực sự, họ sẽ mua nó với bất cứ giá nào. Mọi người sẽ làm mọi thứ vì tình yêu và sẽ vét đến đồng tiền cuối cùng cho giải pháp thực sự.
Nếu đã từng mất đi ai đó, bạn sẽ biết tôi đang nói về điều gì. Trong khoảnh khắc nhận ra mình đã mất đi một người rất đặc biệt, bạn sẽ bán mọi thứ mình có và sẵn sàng mắc nợ suốt nhiều kiếp chỉ để mang người đó trở lại cuộc đời bạn. Tại sao? Đó là tình yêu, bạn thân mến ạ - là tình yêu!
Bạn phải khiến khách hàng yêu quý sản phẩm của bạn hơn cả túi tiền của anh ta! Anh ta phải muốn sản phẩm hay giải pháp đó hơn là con số trong tài khoản ngân hàng của mình. Hãy khám phá xem anh ta đang cố đạt được điều gì, và hãy chứng minh sản phẩm của bạn sẽ giải quyết vấn đề, đó chính là mấu chốt giúp bạn chốt giao dịch. Chắc chắn sẽ có tình huống sản phẩm nằm ngoài khoảng giá của người mua, và đây cũng là điều tôi đang cố nhấn mạnh. Nếu họ thực sự yêu thích nó và nó thực sự giải quyết vấn đề của họ, họ sẽ tìm ra cách kiếm đủ tiền mua nó.
Bạn không thể đặt một mức giá cho người hay đồ vật mà bạn vô cùng yêu quý được. Và nếu bạn đã từng gặp vấn đề cực kỳ nghiêm trọng trong cuộc sống, thì tiền bạc không còn là mối bận tâm của bạn nữa. Hãy gạt vấn đề đó đi. Hãy trao cho họ sự yêu thích, giải quyết vấn đề của họ, và bạn sẽ thu về kết quả.
Nếu một người có khả năng mua sản phẩm hay dịch vụ, song họ lại không mua và cứ lảm nhảm về tiền thì có nghĩa là anh ta đang có những lo ngại và bạn cần xử lý chúng. Nếu anh ta hoàn toàn bị thuyết phục thì giá cả không phải là vấn đề!
Trong khi khách hàng tiềm năng của bạn đang phàn nàn về giá cả thì có thể suy nghĩ đang diễn ra trong đầu anh ta là: Sản phẩm này có phù hợp không? Liệu có sản phẩm nào tốt hơn không? Đề nghị này có tốt không? Nó có thực sự giải quyết vấn đề của mình không? Người của mình có dùng nó không? Người khác sẽ nghĩ gì nếu mình mua nó? Mình có thực sự dùng nó và cảm thấy hài lòng không? Có thật công ty này sẽ chăm sóc và phục vụ mình không? Nếu mình mua cái khác thì có tốt hơn không? Có khi nào một sản phẩm tốt hơn sẽ xuất hiện vào tuần tới không? Mình đã tìm hiểu đủ chưa? Chúng ta đã có đủ thông tin chưa? Chúng ta có nên thay thế bằng sản phẩm ‘X’ không? Tôi có nên tham gia vào câu lạc bộ toàn quốc không? Mình giữ tiền trong tài khoản có hữu ích hơn là mua nó không? Liệu đây có phải là quyết định sai lầm giống lần trước không?
Nếu bạn có thể giải quyết những băn khoăn này và khiến người mua hài lòng, giá cả sẽ không còn là trở ngại nữa. Hiển nhiên những người ra quyết định sẽ có các mối bận tâm khác nhau về sản phẩm hay dịch vụ của bạn, nhưng hãy tin tôi đi, dù bạn có bán gì thì vấn đề chưa bao giờ chỉ là giá cả. Khi đã hiểu rõ điều này, bạn sẽ thành công.
Hãy cùng xem ví dụ về một anh chàng đang mua quà sinh nhật cho tình yêu của đời mình. Anh ta tìm thấy một món quà mà tin rằng người yêu sẽ thích, nhưng lại nói với người bán hàng rằng giá của nó cao quá số tiền anh ta dự định. Điều anh ta thực sự đang nói là anh ta chưa hoàn toàn tin chắc món quà là hoàn hảo với cô ấy. Hoặc bản thân anh ta không thích nó, hoặc anh ta không chắc rằng cô ấy sẽ yêu thích nó. Món quà này vẫn khiến anh ta cảm thấy chưa đủ tốt hoặc đủ chắc chắn để rút ví và mua nó. Trong trường hợp này, tôi sẽ tỏ ra đồng tình với anh ta, nói rằng tôi hiểu nó có mức giá vượt quá số tiền anh ta muốn chi tiêu, và rằng liệu tôi có cơ hội giới thiệu cho anh ta một vài món quà đắt hơn một chút chỉ để tham khảo không. Anh ta phàn nàn nó quá đắt, nhưng không nói rằng không thích hay không thể mua nó! Đồng thời lưu ý khi anh ta nói nó đắt, có thể ý anh ta là mức giá đó quá cao so với bản thân sản phẩm hơn là anh ta không thể mua nó. Có thể, chỉ là có thể thôi nhé, anh ta sẽ chi nhiều tiền hơn và mua món quà anh ta thực sự yêu thích.
Hãy tăng giá, đừng giảm giá
Hầu hết nhân viên bán hàng đều mắc sai lầm là đề nghị khách hàng mua sản phẩm khác có giá thấp hơn khi họ phàn nàn về giá. Đây là giải pháp không phù hợp dựa trên lầm tưởng rằng giá cả là lý do duy nhất khiến mọi người không mua hàng.
Khi bạn hạ giá hay giới thiệu sản phẩm rẻ tiền hơn, rất ít khả năng khách hàng sẽ mua sản phẩm thứ hai nếu họ đã không thích cái đầu tiên. Hành động này sẽ khiến khách hàng nghi ngại rằng bạn không có giải pháp nào cho họ và họ chỉ đang lãng phí thời gian mà thôi. Bằng cách giới thiệu những mặt hàng đắt giá hơn, bạn sẽ khiến anh ta suy nghĩ về mặt giá trị và tìm ra được lời phàn nàn của anh ta có căn cứ hay không.
Nếu tin rằng người yêu của mình sẽ thích món quà và thực lòng muốn cô ấy hạnh phúc, thì việc cho anh ta xem món quà đắt tiền hơn sẽ giúp bạn dễ dàng chốt đơn hàng hơn đó. Hãy nhớ là anh ta muốn có lựa chọn tốt nhất. Đến lúc này, hoặc anh ta sẽ chứng minh sản phẩm đầu tiên là lựa chọn sai lầm bởi đơn giản là anh ta đang băn khoăn về sản phẩm đắt tiền hơn; hoặc anh ta sẽ nói với bạn rằng mình muốn sản phẩm có giá rẻ hơn. Dù là tình huống nào thì hiện bạn đã buộc anh ta lựa chọn cùng bạn, mà không phải thương lượng với bạn. Thậm chí bạn có thể giới thiệu cho anh ta dòng sản phẩm hoàn toàn khác, mà có thể giúp bạn khéo léo đưa anh ta trở lại sản phẩm đầu tiên. Điều bạn muốn không phải giá cả, mà là bán hết hàng!
Tôi nhớ một khách hàng đã từng phàn nàn rằng sản phẩm của tôi quá đắt và anh ta không thể mua được. Sau đó anh ta đã mua một sản phẩm với giá hơn 150.000 USD từ đối thủ của tôi. Ý của anh ta khi phàn nàn giá quá đắt nghĩa là nó thực sự quá đắt so với giải pháp tôi đưa ra. Bạn sẽ khám phá ra rằng các phàn nàn về giá được xử lý bằng các giải pháp đắt tiền hơn cũng nhiều như các giải pháp rẻ tiền hơn.
Khi không thể chốt giao dịch do vấn đề về giá, giải pháp đầu tiên của tôi là hướng khách hàng đến những sản phẩm “nặng ký” hoặc đắt đỏ hơn. Dù có thể bạn không lập tức nhận ra ý nghĩa của động thái này, song tôi đảm bảo nó sẽ thành công. Nếu khách hàng tỏ ra cân nhắc thì tôi biết họ vẫn còn thắc mắc về sản phẩm. Đây gọi là kỹ thuật “chốt đơn hàng bằng mặt hàng khác”. Đã có hàng ngàn khách hàng phàn nàn với tôi rằng nó quá đắt hay vượt quá ngân sách, hoặc giữ nguyên vẻ mặt nhăn nhó về tiền trong suốt quá trình chốt đơn hàng. Tôi liền ngay lập tức hướng họ tới sản phẩm đắt tiền hơn. Tại sao? Bởi vì họ đang nói rằng mức giá này quá cao so với sản phẩm, dịch vụ đó, hay họ không chắc nó sẽ giải quyết vấn đề của họ. Khách hàng sẵn sàng trả thêm tiền để có sản phẩm hữu ích hơn là trả ít tiền cho sản phẩm không cần thiết.
Mọi người tiêu dùng đều đã từng mắc sai lầm, và đó chính là lý do hàng đầu khiến họ lưỡng lự khi đưa ra quyết định mua hàng. Đó là nỗi sợ lặp lại sai lầm, thay vì sợ phải tiêu tiền. Họ lo sợ mình đã lựa chọn sai lầm, mua sản phẩm không cần thiết hoặc đưa ra quyết định không mang lại giải pháp họ cần, hơn là lo lắng về giá cả của mặt hàng.
Hãy luôn chỉ cho khách hàng thấy họ có thể chi nhiều tiền hơn cho giải pháp ra sao - nó sẽ cho biết liệu khách hàng có đang thực sự ái ngại về giá cả hay không. Kết quả tồi tệ nhất là sản phẩm đắt hơn sẽ khiến sản phẩm ban đầu có vẻ dễ chấp nhận hơn, nó thực sự tạo nên giá trị cũng như là minh chứng cho giá cả. Đừng bao giờ tin vào lời nói của những người bán hàng tầm thường luôn cho rằng, giá cả là vấn đề quan trọng nhất, hay những người rêu rao rằng họ sẽ bán được nhiều hàng hơn nếu giá cả thấp hơn! Chỉ cần nhìn vào doanh số của họ hãy và bỏ qua lời khuyên đó.
Một quỹ từ thiện đã đề nghị tôi giúp đỡ gây quỹ. Các thành viên nói về một nhà từ thiện tiềm năng có thể đóng góp và ủng hộ rất lớn, song họ đang gặp khó khăn khi thuyết phục ông ta quyên tiền. Họ đã liên hệ ông ta cả năm trời mà vẫn không nhận được một xu nào. Tôi hỏi họ đã đề nghị ông ấy đóng góp bao nhiêu tiền và câu trả lời là 10.000 USD. Tôi cho rằng con số họ đưa ra quá thấp. Có lẽ nhà từ thiện này không thích quyên góp ít như vậy và sẽ dễ dàng hơn nếu họ đưa ra con số lớn hơn.
Một phụ nữ nhìn tôi với vẻ ngờ vực và nói rằng nhà từ thiện này là một trong số những người khó nhất mà cô ấy từng kêu gọi ủng hộ. Vì thế tôi đã kéo ông ta ra chỗ khác và trong vòng 10 phút, ông ta đã ủng hộ số tiền gấp mười lần con số mà họ cố gắng đề nghị trong suốt một năm. Ông ta không hề khó khăn chút nào ngoại trừ trong suy nghĩ của người gây quỹ. Thực tế, ông ta là người hào phóng nhất mà tôi từng gặp. Ông nói với tôi rằng mình không đóng góp gì cho tổ chức từ thiện này bởi ông nghĩ 10.000 USD không tạo ra bất kỳ khác biệt nào. Tất cả những gì tôi cần làm là đề nghị ông một con số đúng, con số mà ông tin là tạo ra khác biệt! Mức đóng góp cao hơn thực sự đã giải quyết vấn đề của ông.
Lời khuyên: Khách hàng tiềm năng chưa bao giờ là vấn đề - chưa từng! Chính người bán hàng mới là rào cản cuối cùng đối với mỗi đơn hàng chứ không phải là khách hàng tiềm năng.
Người bán hàng làm hỏng thương vụ, chứ không phải khách hàng
Bạn phải ghi nhớ điều này: Giá cả không phải là vấn đề - chính bản thân bạn mới là vấn đề! Khách hàng không hủy giao dịch, chính người bán hàng đã làm điều đó. Bản thân bạn, chứ không phải khách hàng, chính là rào cản với việc chốt giao dịch.
Hãy cung cấp cho khách hàng tiềm năng sản phẩm anh ta yêu thích, hay dịch vụ có thể giải quyết vấn đề của anh ta, và bạn sẽ chốt được giao dịch khi anh ta hoàn toàn tin tưởng vào sản phẩm hay dịch vụ và bản thân bạn.
Sẽ có lúc bạn phải giải quyết được những băn khoăn về giá cả của người mua. Đôi khi tôi sẽ nói rằng, “Mặc dù tôi đồng ý số tiền này là quá nhiều cho một món quà, nhưng thế giới này không hề thiếu tiền tuy thế lại có rất ít người tìm được tình yêu đích thực của mình và biết cách thể hiện sự trân trọng đối với người họ yêu thương. Hãy tự hào vì anh có người để yêu thương. Nào, giờ anh sẽ quyết định thế nào?” Đây là lúc bán hàng! Nếu khách hàng hoàn toàn bị thuyết phục thì họ sẽ dốc sạch túi để mua nó!
Nếu một khách hàng phàn nàn nó quá đắt đỏ phát hiện ra mình mắc bệnh nặng và sẽ chết, nhưng sản phẩm này lại cứu sống anh ta, anh ta sẽ làm gì? Anh ta sẽ tìm cách kiếm tiền, mua nó và cứu sống bản thân. Tại sao? Vì anh ta tin tưởng vào sự cần thiết! Nếu sự cần thiết đủ quan trọng và anh ta tin vào phương thuốc, nếu tình yêu đủ lớn, giá sẽ không còn là vấn đề cần bận tâm nữa.
Ví dụ khi mua một ngôi nhà, những lý do từ chối mà người môi giới không muốn nghe là, “Đây có phải căn nhà phù hợp không? Nơi này có đáp ứng đủ nhu cầu của chúng ta không? Chúng ta sẽ hạnh phúc ở đây chứ? Nó có phải là khoản đầu tư tốt không? Tôi có thực sự thích chỗ này không? Chúng ta có lựa chọn nào tốt hơn không? Nếu định chi nhiều tiền như vậy, tại sao chúng ta không chi nhiều thêm một chút để có căn nhà mơ ước?” Lý do cuối cùng - “Chúng ta hãy chi thêm một chút!”, đúng với 50% người mua. Khách hàng sử dụng lý do giá cả tương tự để từ chối thường đến một chỗ khác và thậm chí còn chi nhiều tiền hơn, chứ không phải là ít! Hãy nhớ kỹ, rất nhiều lần khách hàng nói rằng: “Nó quá đắt!”, thì điều anh ta thực sự đang nói là, “mức giá thế là quá đắt với sản phẩm này!”.
Bạn còn nhớ căn nhà tôi đã bán với giá cao hơn 50% so với mức giá người môi giới đề nghị chứ? Khi người mua tới xem nhà, tôi đã biết cô ấy thích nó ngay khoảnh khắc bước vào nhà. Sau đó cô ấy khăng khăng đòi thẩm định lại giá vì người quản lý của cô ấy nhận xét rằng mức giá đó quá cao. Tôi nói với cô ấy rằng, việc thẩm định lại có thể sẽ rất lãng phí tiền bạc vì căn nhà đã được định giá thấp hơn cái giá mà cô ấy đang phải trả. Rằng căn nhà được rao bán với giá quá cao và vì thế nó đã không được thẩm định trước đó. Tôi tiếp tục giải thích rằng tôi cũng đã trả mức giá quá cao khi mua nó, rằng người chủ trước cũng mua nó với giá đắt đỏ và người mua tiếp theo của cô ấy cũng sẽ trả giá rất cao. Bởi vị trí đắc địa nên nó luôn luôn được định giá cao hơn giá trị thực, và mọi người luôn sẵn sàng trả giá cao hơn cho nó. Cô ấy quyết định không thẩm định nữa mà mua luôn căn nhà. Cô ấy sống ở đó một năm và bán nó với mức giá rất cao. Giá cả chưa bao giờ là trở ngại, mà trở ngại chính là sự yêu thích hay niềm tin rằng sản phẩm đó sẽ giải quyết được vấn đề.
4 USD cà phê và 2 USD nước
Để trở thành người bán hàng hiệu quả, bạn phải tin vào bản tính của con người. Bạn phải có cái nhìn tích cực về người khác. Bạn phải tin rằng con người đều tốt đẹp và mong muốn có quyết định đúng đắn. Khách hàng cũng giống hệt bạn - tiêu khoản tiền mà mình không có, chi vượt quá dự định, chăm chỉ kiếm tiền, có quyết định đúng và sai. Họ cũng muốn tránh quyết định sai lầm và đưa ra quyết định đúng đắn. Mọi người muốn cảm thấy hài lòng về bản thân và quyết định của mình.
Nếu bạn đang bán dịch vụ cho một chủ doanh nghiệp thì anh ta muốn biết liệu anh ta có đang làm điều đúng đắn cho doanh nghiệp của mình không, và rằng dịch vụ anh ta trả tiền sẽ mang lại khác biệt cho công ty không? Nếu bạn bán sản phẩm, người tiêu dùng muốn chắc chắn rằng họ sẽ hài lòng với nó và họ sẽ cảm thấy tốt hơn, xinh đẹp hơn khi dùng nó, được mọi người tán dương vì đã quyết định mua nó.
Nếu họ không mua hàng của bạn, tôi cam đoan đấy là vì lý do nào đó bạn chưa khám phá ra chứ không phải vì vấn đề tiền bạc hay ngân sách. Nếu nguyên nhân là do giá cả, vậy hãy lý giải giúp tôi tại sao mọi người phải xếp hàng dài chỉ để mua một ly cà phê 4 USD, trong khi họ có thể tự pha cả một ấm cà phê tại nhà mà chẳng mất đồng nào. Tại sao mọi người lại bỏ ra 2 USD để mua một chai nước suối, trong khi họ có thể uống miễn phí ở vòi nước. Tại sao mọi người lại chi hàng ngàn USD để mua vé mùa(1) cho một giải bóng, trong khi họ có thể xem trên ti-vi. Tại sao mọi người lại mua một chiếc xe thể thao, trong khi họ có thể đi làm bằng tàu điện ngầm và chỉ mất một nửa thời gian. Tại sao khi con bạn bị đứt tay, bạn lại đưa chúng tới bác sĩ mà không tự khâu vết thương. Là sự yêu thích, bạn thân mến - yêu thích!
1 Vé mùa cho phép người mua đi xem bao nhiêu trận đấu tùy ý trong suốt giải đấu.
Hãy nghĩ xem đã bao nhiêu lần bạn chi quá số tiền mình có và cảm thấy hài lòng! Bao nhiêu lần trong đời bạn đã chi tiêu quá tay vì tìm thấy thứ gì đó mà bạn không có nhu cầu nhưng rồi mua nó trong cơn bốc đồng.
Hãy nhớ, những trường hợp đó chưa bao giờ là vì giá cả.
CÂU HỎI THỰC HÀNH
Theo tác giả, lý do chính khiến mọi người không mua hàng là gì?
Hãy liệt kê hai ví dụ khi bạn nói với người khác rằng bạn không thể mua gì đó và viện cớ là vì giá cả trong khi lý do thực sự là khác.
1. .............................................................................
2. .............................................................................
Hai lý do chủ yếu khiến mọi người mua hàng là gì?
1. .............................................................................
2. .............................................................................
Liệt kê ba thứ mà mọi người mua hàng ngày do yêu thích hơn là cần chúng.
1. .............................................................................
2. .............................................................................
3. .............................................................................
Liệt kê ba trường hợp bạn mua thứ gì đó vượt quá khả năng tài chính chỉ vì chúng giải quyết được vấn đề của bạn hoặc vì bạn quá yêu thích đến nỗi phải mua chúng.
1. .............................................................................
2. .............................................................................
3. .............................................................................
Theo tác giả, cách tốt nhất để người bán hàng xử lý trong trường hợp khách hàng từ chối mua hàng vì lý do giá cả là gì?