Thực hiện chuỗi hành động
Hầu hết mọi người đều tính toán sai lầm nỗ lực cần thiết để đạt được kết quả như mong muốn. Khi thực hiện công việc, đừng bao giờ nghĩ tới sự cân bằng, hãy luôn nghĩ về chuỗi các hành động. Luôn mặc định rằng hành động càng nhiều thì càng tốt, và hành động ít đi đồng nghĩa với chẳng có gì. Bất kể bạn nghĩ mình cần làm gì để hoàn thành công việc, hãy tăng số lượng việc cần làm lên gấp nhiều lần so với mức cần thiết, và bạn sẽ đạt được kết quả vượt ngoài sức tưởng tượng bay bổng nhất của bản thân.
Đừng bao giờ để các nhà tâm lý học sử dụng những thuật ngữ tâm lý khó hiểu và rắc rối của họ nhằm thuyết phục bạn rằng, bạn cần “cân bằng” trong cuộc sống, hay nên dừng việc “thúc đẩy bản thân” và “luôn tập trung vào hiện tại”. Lời khuyên này là của những người muốn bạn có cuộc sống tầm thường và họ không thể chứng minh nó có giá trị. Tôi càng chăm chỉ và đạt được thành quả, tôi càng cảm thấy tuyệt vời hơn. Càng không làm gì tôi càng cảm thấy chán nản. Càng gần đạt được kết quả to lớn và trở nên thành công, bạn càng phải thực hiện theo hướng chuỗi số lượng nhiều hơn. Không có cách nào khác.
Tôi thích hành động và thực hiện càng nhiều càng tốt! Tôi thích hoàn thành công việc và tôi cá là bạn cũng thế! Đối với tôi, được làm việc và sáng tạo là niềm hạnh phúc nhất. Tôi thích làm việc ngoài sân hơn là nằm lỳ trên sofa.
Nếu bạn muốn giành được mọi thứ trong cuộc sống thì bắt buộc phải hành động. Nếu muốn một chuyến đi, bạn phải đổ đầy bình xăng và chạy xe ra đường cao tốc. Muốn xây dựng một ngôi nhà, bạn phải làm móng và đổ trần. Muốn có kết quả, bạn phải hành động! Mức độ thành công của bạn phụ thuộc vào những hành động bạn thực hiện. Tránh xa những người khuyên đừng làm việc quá sức mà nên thư giãn và nghỉ ngơi. Bạn có thể nghỉ ngơi khi đã đạt được mục đích. Còn bây giờ hãy hành động và… hành động.
Tôi đã thực hiện chuỗi hành động trong cuộc đời và làm đi làm lại đến khi nó trở thành một lối sống, một kỷ luật. Tôi có phải là kẻ điên rồ không? Tôi hoàn toàn không nghĩ thế, và có thể nói với bạn rằng tôi đang sống một cuộc đời mà không người nào cùng thế hệ với tôi từng trải nghiệm. Bạn cho rằng một người được bầu là Tổng thống Mỹ mà không cần thực hiện cả một chuỗi hành động nhằm đảm bảo ông ta được lựa chọn sao? Bạn cho rằng Tiger Woods không thực hiện cả chuỗi hành động mà trở thành golf thủ số một thế giới sao? Wood đã tập luyện chăm chỉ hơn bất kỳ ai trong lĩnh vực của anh ta, và nhờ sự nỗ lực ấy mà anh ta đạt tới đẳng cấp người khác không dám mơ tới. Để trở thành người dẫn đầu trong lĩnh vực của mình, bạn phải thoát ra khỏi điểm cân bằng, hoàn toàn tập trung và nỗ lực thực hiện chuỗi hành động khổng lồ.
Bốn loại hành động
Bạn không bao giờ hành động đủ trong cuộc sống, mà chỉ có thể thực hiện một phần nhỏ thôi. Hành động quá nhiều không bao giờ khiến bạn gặp rắc rối. Thực tế, hành động chính là cách thoát khỏi rắc rối. Trường hợp duy nhất hành động khiến bạn gặp rắc rối đó là bạn không làm gì hoặc hành động chưa đủ.
Người ta thường nói rằng có ba loại hành động trong cuộc sống:
1. Hành động đúng
2. Hành động sai
3. Không hành động (mà sẽ luôn không có kết quả) Và trong thế giới của tôi xuất hiện loại thứ tư:
4. Hành động chăm chỉ! Chính là loại giúp tôi thành công!
Loại hành động thứ tư, chăm chỉ, cho đến nay vẫn luôn là công cụ thành công nhất mà tôi có. Nó mang lại thành công cho tôi hơn bất kỳ điều gì tôi làm. Nếu có người hỏi tôi điều gì tạo nên sự khác biệt lớn nhất trong cuộc đời tôi thì chính là nó - chăm chỉ. Ngay cả khi không biết mình đang làm gì, tôi vẫn tiếp tục tiến về phía trước và chăm chỉ. Nếu muốn vay một khoản tiền có đảm bảo bằng bất động sản, tôi thường tới gặp ba hoặc bốn bên cho vay. Khi tìm mua bất động sản, tôi luôn kiểm tra giá của nhiều bất động sản khác. Nếu tổ chức một bữa tiệc, tôi sẽ mời rất nhiều người, rồi lại gửi thiệp mời. Sau khi gửi thiệp mời tôi lại tiếp tục gọi điện cho đến khi đảm bảo có một bữa tiệc tuyệt vời. Hẳn bạn đã từng nghe thấy câu nói, “Được ăn cả, ngã về không” đúng không? Còn tôi sẽ nói: “Hãy chăm chỉ, đừng thụ động!”
Chăm chỉ = Đưa đến những điều mới
Tôi quan sát thấy rất nhiều nhân viên bán hàng thực hiện vài cuộc gọi, gửi vài email rồi nghỉ giải lao và tán chuyện về những tin tức mới đăng trên các báo địa phương. Sau đó họ ngồi xuống và than phiền về tình hình kinh doanh chậm chạp thế nào, các cuộc gọi và kỳ vọng không hiệu quả ra sao. Nếu sử dụng điện thoại theo cách của tôi thì bạn sẽ biết rằng điện thoại chỉ là công cụ; chính người đang gọi điện mới là người làm việc. Tôi không bao giờ ngồi gọi điện. Chưa từng! Nếu quyết định ngồi gọi điện, thì tôi phải chắc chắn rằng mình sẽ có đủ kiên trì và thực hiện số lượng cuộc gọi đủ lớn nhằm đảm bảo sẽ nhận được gì đó từ hành động của bản thân.
Nếu bạn muốn có các cuộc hẹn gặp, hãy chăm chỉ hành động đến khi thay vì bận tâm là mình có nhận được đủ các cuộc hẹn hay không, bạn sẽ phải lo lắng làm thế nào bạn có thể thực hiện được hết các cuộc hẹn đó. Đủ chăm chỉ sẽ đưa đến những điều mới.
Một trong số những mục tiêu trong lĩnh vực tổ chức hội thảo là bán số lượng vé nhiều đến nỗi không đủ ghế ngồi cho người tham dự. Mục tiêu này luôn khiến phòng bán hàng của tôi lo lắng vì họ không muốn khách hàng bực bội do không có ghế ngồi sau khi phải trả 800 USD cho một vé tham dự. Đó là một vấn đề mới và tích cực nên có! Một nhân viên bán hàng phản đối rằng như thế là không công bằng với người tham dự. Tôi đáp, “Cứ làm thế đi, cậu bé! Cậu sẽ lo bán hết số vé nhiều hơn số ghế, còn tôi sẽ xử lý hậu quả.” Đừng bao giờ lo lắng về những điều sai trái; làm thế bạn sẽ không bao giờ đạt được điều bạn muốn. Làm quá nhiều sẽ không bao giờ khiến bạn thất vọng, nhưng làm quá ít thì có.
Khi hành động, hãy thật chăm chỉ, thật táo bạo và cố gắng nhiều hơn nữa. Điều này sẽ luôn đảm bảo kết quả cho bạn. Đừng thỏa thuận với số lượng nhỏ và hành động nhỏ. Hãy thỏa thuận với số lượng lớn và khối lượng hành động đồ sộ. Hãy chăm chỉ, đừng thụ động!
Khi còn là nhân viên bán hàng trẻ tuổi, tôi rất cộc cằn, thô lỗ (vợ tôi nói rằng hiện tại tôi vẫn thế). Song không bao giờ tôi để điều này ngăn cản mình hành động. Khi bạn không hoàn hảo và lịch sự thì cách bù đắp duy nhất chính là chăm chỉ. Bạn sẽ phát hiện ra rằng khi có đủ lượng thành công thì bạn không cần phải hoàn hảo. Bạn không bao giờ tỏa sáng trong nghề này nếu chỉ có một vài cơ hội. Càng chăm chỉ, bạn càng có nhiều giao dịch, và công việc của bạn càng tốt đẹp hơn.
Nếu không có được may mắn để trở thành một người tỏa sáng và chuyên nghiệp, bạn vẫn cần chăm chỉ để đạt được hiệu quả cao hơn. Tôi dùng từ “không may” vì tôi gặp rất nhiều nhân viên bán hàng kỳ cựu có nhiều năm kinh nghiệm, rất chuyên nghiệp và hiểu rõ công việc của mình, song lại quá tự cao tự đại cho rằng mình ưu việt hơn người khác nên không cần tiếp tục học hỏi, thay đổi và hành động. Hãy tỉnh táo! Chính việc thực hiện mọi việc một cách chăm chỉ chứ không phải tỏa sáng sẽ giúp bạn đạt được mọi mong muốn trong cuộc sống! Không ai trả tiền cho điều bạn biết, mà họ trả tiền cho điều bạn làm.
Thành quả tạo ra hạnh phúc
Trong cuộc sống hầu hết mọi người luôn cảm thấy thiếu thốn là do họ không chăm chỉ! Thành quả khiến mọi người cảm thấy sung sướng. Dù thành quả của bạn là gì không quan trọng, miễn là nó mang tính xây dựng. Hãy quyết định tạo ra thứ gì đó với số lượng thật lớn, bạn sẽ thành công. Thành quả mang đến hạnh phúc. Đây là chân lý trong mọi tôn giáo, mọi nền kinh tế và mọi dân tộc trên hành tinh này. Con người cảm thấy hạnh phúc khi họ lao động, và càng tạo ra nhiều thành quả họ càng cảm thấy hạnh phúc hơn. Tiền bạc có thể không khiến con người vui vẻ, nhưng thành quả thì có. Theo như tiến sĩ Michael DeBakey thì “Con người sinh ra là để làm việc chăm chỉ.”
Trong ngành bán hàng thì chăm chỉ chính là điều duy nhất đảm bảo tăng tỷ lệ thành công hơn bất kỳ điều gì khác! Nếu bạn muốn điều gì, hãy chăm chỉ để đạt được nó.
Chăm chỉ = Đưa đến những điều mới. Khi đạt tới điểm này bạn sẽ biết là mình đã làm đủ.
Ném một hòn đá vào hồ nước, nó sẽ tạo ra các vòng gợn sóng ngày càng rộng. Nã từng phát, từng phát súng cối liên tiếp vào hồ, mặt hồ sẽ biến thành các vòng gợn sóng liên miên không dứt. Mọi người xung quanh sẽ vây quanh xem bạn đang làm gì.
Bằng cách thực hiện chăm chỉ mọi việc đủ lớn, bạn sẽ thay đổi điều gì đó, sáng tạo ra thứ gì đó và giành được kết quả. Trong lĩnh vực bán hàng, hành động chăm chỉ giống như những nấc thang dẫn lên thiên đường với những chiếc cúp, những chuyến đi, những phần thưởng và đảm bảo mức thu nhập mới cao hơn! Ngược lại, đồng nghiệp của bạn lại khen ngợi bạn bằng những lời phê bình rằng bạn đang làm việc quá sức, tặng bạn lời khuyên miễn phí rằng “Sống chậm lại - hãy dành thời gian thưởng thức mùi hoa hồng.” Hãy phớt lờ họ và coi lời khuyên có tính ngăn cản của họ là dấu hiệu cho thấy bạn đang đi đúng hướng. Chỉ cần tiếp tục thổi bùng ngọn lửa trong bạn. Mọi ngọn lửa đều đòi hỏi phải được tiếp nhiên liệu liên tục và để thành công trong bán hàng, bạn phải hành động nhiều hơn.
Bất cứ ai khuyên can rằng bạn đang làm việc quá sức nghĩa là họ chưa làm việc đủ chăm chỉ. Thật đáng buồn, những người như vậy đều đã từ bỏ hy vọng có một cuộc sống phi thường. Những người đó đã trở nên tầm thường và quên mất giấc mơ mà họ từng có. Hãy nỗ lực hết sức cho đến khi bạn thấy những điều mới, và chính tại đó bạn sẽ nhận được kết quả bán hàng ở tầm cao mới. Đừng từ bỏ đến khi bạn thấy được điều đó - chẳng hạn như phải nộp nhiều thuế hơn, có nhiều ô tô, nhà cửa hơn và nên đi nghỉ ở đâu.
Quy tắc 10x
Nếu bạn muốn một thứ, hãy hành động chăm chỉ gấp ít nhất là 10 lần so với điều bạn cho là cần thiết để đảm bảo đạt được thứ đó. Làm được như vậy thì bạn không cần phải hy vọng, mong ước, chờ đợi may mắn hay cầu khẩn có được điều bạn muốn. Điều bạn muốn - và nhiều hơn nữa - sẽ đến khi bạn đủ chăm chỉ!
Một nhân viên bán hàng từng chia sẻ với tôi những xui xẻo mà anh ta gặp phải. Cuộc hẹn bị hủy, người mua rút hợp đồng, một khách khác lại thay đổi đơn hàng… Tôi đáp rằng vấn đề của anh ta không phải là xui xẻo hay rủi ro, mà nằm ở chỗ anh ta chưa chuẩn bị đầy đủ. Tôi đề nghị anh ta hãy làm việc nhiều gấp 10 lần so với hiện tại, như thế anh ta sẽ không có thời gian chìm đắm trong những thứ gọi là đen đủi đó và có thể còn hoan nghênh nếu có khách hàng hủy hợp đồng, vì đó sẽ là một giải thoát chứ không phải bất hạnh.
Nếu làm việc chăm chỉ và đang gặt hái thành quả thì một cuộc hẹn bị hủy hay một người rút hợp đồng sẽ chẳng phải là vấn đề gì lớn cả. Trên thực tế bạn còn chào đón việc đơn hàng thi thoảng bị hủy, vì như thế bạn sẽ có khả năng tiếp cận với tất cả khách hàng trong danh sách của bạn. Song nếu chỉ làm vừa phải, thì mỗi khi bị mất hợp đồng, toàn bộ chú ý của bạn sẽ tập trung vào cái gọi là xui xẻo hay mất mát đó vì bạn chẳng có thứ gì để thay thế nó. Bạn sẽ quá quan tâm vào thứ quá nhỏ bé. Hãy dồn sự chú ý vào số lượng lớn nhằm đảm bảo bạn không trở nên thụ động.
Hãy hành động như một kẻ mất trí
Một đồng nghiệp đã từng chứng kiến tôi gọi cho một khách hàng 15 lần trong vòng ba ngày mà người đó không hề trả lời cuộc gọi của tôi. Nhiều quá à? Tôi không nghĩ vậy. Nếu muốn hoàn thành một công việc, tôi sẽ tiếp tục hành động đến khi đạt được điều đó. Chẳng có gì là hợp lý khi hành động cả. Chỉ cần làm việc nhiều hơn. Hãy làm việc nhiều đến mức gần như phát điên để hoàn thành công việc.
Người nông dân nên gieo trồng nhiều hơn mức cần dùng để nếu hạn hán hoặc nạn đói xảy ra, anh ta vẫn có thể nuôi sống gia đình và giúp đỡ hàng xóm. Một người môi giới nhà đất muốn có danh sách sản phẩm thì nên gọi cho hàng trăm người chỉ để có một người nhận cuộc gọi và kết quả là có thể anh ta sẽ có một danh sách dài. Nếu muốn có các cuộc hẹn gặp, hãy gọi cho tất cả bạn bè và khách hàng từng mua hàng của bạn trong quá khứ. Hãy chặn từng người trên phố nếu cần phải làm thế. Hãy nỗ lực “điên cuồng” thực hiện thật nhiều hành động đến khi nó trở thành một thói quen, một phong cách sống và thân thuộc với bạn. Khi đã thành công rực rỡ, mọi người sẽ luôn nói rằng họ biết bạn sẽ thành công thế nào, thay vì bạn điên mức nào. Trong thời gian ngắn, bạn sẽ ngập trong các cuộc hẹn, bán hàng và thành công.
Hãy nỗ lực “điên cuồng” và không cần suy xét đến tính hợp lý về việc bạn sẽ thực hiện để hoàn thành công việc. Hãy gạt bỏ tính hợp lý, hay sự đúng mực khi thực hiện một loạt các hành động và bạn sẽ đạt tới tầm cao mới mà người khác không dám mơ tưởng. Lúc đầu, chuỗi hành động đồng nghĩa với phát sinh vấn đề mới, nhưng sau đó sẽ đồng nghĩa với doanh thu lớn.
CÂU HỎI THỰC HÀNH
Theo tác giả thì điều gì mà hầu hết mọi người đều ước tính sai để đạt được kết quả họ muốn?
Hãy lấy ví dụ về một lần bạn đánh giá thấp nỗ lực cần thiết để đạt được mục tiêu và cho biết bạn đã đánh giá thấp thế nào?
Bốn loại hành động là gì?
1. .............................................................................
2. .............................................................................
3. .............................................................................
4. .............................................................................
Mọi người sẽ lập tức trải nghiệm điều gì khi làm việc chăm chỉ?
Tác giả nói rằng hầu hết mọi người đều cảm thấy thiếu thốn trong cuộc sống là vì … (điền nốt vào chỗ trống).
Quy tắc 10X là gì?