Hãy coi thành công là bổn phận, nghĩa vụ và trách nhiệm hơn là một lựa chọn hay công việc!
Lời khuyên hữu ích nhất tôi có thể cho bạn về thành công trong bất kỳ lĩnh vực nào là hãy nhìn nhận thành công là vấn đề đạo đức, thay vì vấn đề tài chính hay kỹ thuật. Đa số mọi người đều mong muốn thành công, song họ lại chỉ coi nó như một lựa chọn. Nếu bạn coi một điều gì đó là một lựa chọn hay điều có thể xảy ra, có thể không, thì tôi đảm bảo nó sẽ KHÔNG BAO GIỜ là của bạn.
Bạn có biết chỉ có chưa tới 2% hộ gia đình ở Mỹ kiếm được 250.000 USD trong năm ngoái không? Tại sao? Ừm, hoặc là vì toàn bộ hệ thống được thiết lập để chống lại 98% dân số, hoặc 98% dân số đang coi thành công là điều ngẫu nhiên. Xem này, thực tế là những người kiếm tiền hàng đầu không thông minh hay làm việc chăm chỉ hơn bạn. Một trong những lý do chính mà hầu hết mọi người không thành công là vì họ không bao giờ tận tâm với nó. Họ đổ lỗi cho nền kinh tế, thời cuộc và các tình huống mà họ không kiểm soát được.
Hãy đối mặt với thực tế là hầu hết mọi người chưa từng nghĩ tới việc tạo dựng cuộc sống mà họ muốn, chỉ có số ít xây dựng được cuộc sống mà họ có tiềm năng tạo ra. Mọi người đều tuyên bố rằng họ muốn một cuộc hôn nhân hạnh phúc, tự do tài chính, muốn thành công, muốn là doanh nhân thành đạt, có nhiều tiền hơn và trở thành triệu phú, song họ lại không theo đuổi chúng một cách miệt mài, không ngừng nghỉ và với tinh thần phải-đạt-được.
Hãy hỏi bản thân những câu hỏi sau
• Bạn có đang phát huy hết tiềm năng của mình không? (Hãy thành thật nhé.)
• Bạn có coi thành công là bổn phận và nghĩa vụ không? Liệu thành công hơn có phải là điều xấu với bạn không?
• Cả gia đình bạn có cùng lên kế hoạch để tạo ra thành công không?
Nếu có bất kỳ câu trả lời nào là không thì cơ hội thành công của bạn ở bất kỳ lĩnh vực nào cũng rất đáng nghi ngờ. Vấn đề của bạn không phải là bán hàng như một chuyên gia, mà là bạn đã không cam kết THÀNH CÔNG như là nghĩa vụ và trách nhiệm của bản thân. Trong bán hàng, cũng giống như bất kỳ lĩnh vực nào khác, bạn phải có mong muốn thành công, nếu không nó sẽ mãi lẩn trốn bạn. Hãy ngừng suy nghĩ về thành công như một lựa chọn, cơ hội đạt được ước mơ của bạn sẽ tăng theo cấp số nhân. Tôi cam đoan nếu bạn không coi nghĩa vụ của bạn là sống đúng tiềm năng của bản thân thì đơn giản là không bao giờ bạn được sống đúng với tiềm năng của mình. Nếu bạn không coi thành công là vấn đề đạo đức - một nỗi ám ảnh và điều phải làm, thì bạn sẽ không bất chấp mọi thứ để đạt được nó. Rất nhiều người cho rằng thành công là một hành trình chứ không phải một điểm đến. Sau khi xây dựng thành công bốn doanh nghiệp từ tay trắng, tôi có thể nói với bạn rằng, dù thành công có thể là một hành trình, song điều quan trọng hơn là bạn phải hiểu rằng hành trình đó chứa đựng rất nhiều trở ngại bất ngờ và có rất nhiều người cũng đang cạnh tranh với bạn. Mọi người và trở ngại sẽ cố gắng ngăn cản bạn tới đích. Những người coi thành công là điểm đến sẽ tồn tại lâu hơn người chỉ coi nó là một hành trình.
Một trong những bước ngoặt lớn nhất trong sự nghiệp bán hàng của tôi xảy ra khi tôi bừng tỉnh và hiểu ra rằng nếu muốn thành công trong bán hàng thì tôi phải ưu tiên nó - coi nó là sự nghiệp thay vì một công việc. Từ lúc thôi suy nghĩ về bán hàng như một công việc và cam kết học mọi thứ về nó, tôi bắt đầu thành công. Từ khi coi bán hàng là phương thức để tạo ra thành công và xem nó là bổn phận, nghĩa vụ, trách nhiệm giống như nghĩa vụ quân sự thì các trở ngại trong bán hàng dần biến mất. Tôi bắt đầu thấy rằng các thương vụ thành công của tôi không phải nhờ người khác hay “may mắn’ hay là điều chỉ thi thoảng mới xảy ra.
Ngay cả những người may mắn nhất hay có mối quan hệ với người có thế lực nhất cũng phải hành động để xuất hiện ở đúng chỗ, đúng thời điểm và gặp được đúng người. May mắn chỉ là sản phẩm phụ của những người thực hiện nhiều hành động nhất và có sự chuẩn bị kỹ lưỡng nhất. Lý do khiến những người thành công có vẻ rất may mắn là bởi thành công của họ tự nhiên sẽ mang lại nhiều thành công hơn. Trừ khi bạn là người thích quan tâm đến chuyện riêng của người khác, bạn sẽ không được chứng kiến hay nghe nói về số lần mà những nhân viên bán hàng hàng đầu đã nỗ lực và thất bại. May mắn sẽ không mang đến thành công cho bạn; nỗ lực hết sức để thành công là cách có được may mắn.
Bạn phải coi thành công trong bán hàng là bổn phận giống như các bậc cha mẹ dành cho con cái họ: là niềm vinh dự, nghĩa vụ và ưu tiên. Hãy tận tâm với sự nghiệp, sản phẩm, công ty và khách hàng của bạn, coi đó là bổn phận, nghĩa vụ và trách nhiệm của bản thân. Như đã đề cập trong chương 5 - “Sản phẩm quan trọng nhất”, bạn phải cam kết ở tất cả các mức độ. Những bậc cha mẹ yêu thương con cái sẽ làm mọi chuyện vì lũ trẻ: thức dậy lúc nửa đêm; thay quần áo, cho chúng ăn; chiến đấu vì chúng; thậm chí sẵn sàng hy sinh tính mạng để bảo vệ chúng. Bạn phải đối xử với sự nghiệp bán hàng của mình theo cách tương tự.
Hãy thành thật với bản thân: Không bao giờ biện minh cho thất bại
Một hiện tượng rất phổ biến là những người bán hàng không thành công luôn biện minh cho lý do tại sao họ thất bại. Một số thậm chí còn tự lừa dối bản thân. Rất dễ dàng nhận ra xu hướng này xuất hiện ở những người đã từng thành công và những người đang ngày càng tìm được nhiều lời biện minh hơn cho lý do tại sao họ không thành công. Đọc chương 13 có “Quy tắc 10X” về tất cả lý do tôi liệt kê ra mà mọi người sử dụng để biện hộ.
Chẳng hạn, khi lũ trẻ không thể có được thứ chúng muốn, chúng sẽ hỏi một cách rất tử tế, rồi thất vọng, bắt đầu khăng khăng muốn có thứ đó, thậm chí có thể chiến đấu một lúc và khóc lóc nữa. Rồi đến cuối chu trình, khi được thông báo rằng yêu cầu của chúng không được đáp ứng, chúng sẽ bắt đầu tự thuyết phục bản thân rằng chúng chưa bao giờ muốn có nó ngay từ đầu. Bán hàng hay bị thuyết phục. Điều lũ trẻ thường làm là sẽ lặp lại chu trình vài lần trước khi bố mẹ chúng trở nên mệt mỏi. Nếu không thành thật với bản thân, bạn sẽ bỏ cuộc! KHÔNG có lý do hay lời biện hộ nào đủ thuyết phục về việc bạn không có được thứ bạn muốn hay cần! Hiển nhiên là không phải lúc nào bạn cũng có đơn hàng thành công, nhưng xin đừng vì một đơn hàng thất bại mà dành cả buổi chiều để thuyết phục bản thân tin vào những lời nói dối hoặc biện hộ về lý do tại sao nó lại không quan trọng hay tại sao bạn không thành công.
Hãy thành thật với chính mình trong từng thương vụ. Hãy tự hỏi bản thân, “Tại sao mình không chốt được đơn hàng đó? Mình có thể làm gì khác? Mình đã thất bại ở bước nào? Có nguyên nhân nào hợp lý hơn là lý do về chi phí không? Mình có thể giúp họ huy động tài chính từ đâu? Tại sao mình không được gặp người có quyền ra quyết định? Mình mới chỉ yêu cầu đơn hàng hai lần…” Hãy chân thành, chân thành một cách tàn nhẫn với bản thân và chịu hoàn toàn trách nhiệm về kết quả. Đừng để đồng nghiệp an ủi bạn rằng không sao đâu, khách hàng vẫn chưa sẵn sàng, họ không có tiền, họ không đáng coi trọng, họ thuộc nhóm khách hàng khó tính, họ không bao giờ mua hàng, họ không có quyền quyết định, sản phẩm của chúng ta quá đắt, chúng ta không có hàng tồn kho phù hợp, nền kinh tế đang suy thoái... hãy dừng lại ngay. Bạn đang làm tôi phát bực và tự giết mình bằng cách không trung thực đấy.
Thành công trong sự nghiệp bán hàng của bạn là kết quả của sự khẳng định về mặt trí óc, tinh thần cùng các yêu cầu phải chuẩn bị kỹ lưỡng để xây dựng và sở hữu nó, theo sau là các hành động cần thiết đòi hỏi phải kiên trì đến khi đạt được mục tiêu. Nếu không thể thành thật đến tàn nhẫn với bản thân, bạn sẽ luôn thấy kết quả của mình đi xuống. Và khi thành công của bạn bị suy giảm, bạn sẽ chứng kiến hiện tượng tương tự xảy ra với hành động của mình.
Nhằm duy trì thành công liên tục, bạn phải:
1. Quyết định bạn là người phải chịu trách nhiệm về việc bán hàng.
2. Coi thương vụ thành công là bổn phận, nghĩa vụ và trách nhiệm của bản thân.
3. Thực hiện chuỗi hành động, rồi tiếp theo là nhiều hành động hơn nữa đến khi thương vụ thành công!
4. Không chấp nhận bất kỳ lý do, lời biện hộ hay lý lẽ nào và phải tìm ra cách làm việc hiệu quả!
5. Hãy luyện tập hàng ngày cách đối phó với các chướng ngại, lảng tránh, lý do và rào cản từ phía khách hàng. Hãy theo dõi Đại học Cardone tại trang web: www.CardoneUniversity.com.