Với số lượng người coi trực tuyến là bước đầu tiên để nghiên cứu công ty, sản phẩm hay thậm chí là tìm hiểu thông tin cá nhân của bạn ngày càng tăng, thì bắt buộc bạn phải có một vài quảng cáo trực tuyến. Đây không phải là một lựa chọn hay điều mà bạn muốn hoặc không muốn làm, cũng không phải là thứ mà bạn có thể viện lý do có thời gian dành cho nó hay không: BẠN PHẢI SỬ DỤNG TRUYỀN THÔNG TRỰC TUYẾN.
Truyền thông trực tuyến là phương thức để bạn kết nối, tìm kiếm khách hàng tiềm năng và để người quan tâm đến sản phẩm hoặc thứ bạn đại diện sẽ biết đến bạn. Như tôi đã viết trong cuốn Nếu không phải người đầu tiên, Bạn sẽ là người cuối cùng, tình trạng không tên tuổi (không được biết đến) là vấn đề còn nghiêm trọng hơn tiền bạc. Nếu mọi người không biết bạn là ai, làm sao họ có thể làm ăn cùng bạn chứ. Nếu họ biết bạn, song không nghĩ đến bạn thì cũng sẽ không hợp tác với bạn. Bạn phải làm cho mọi người biết đến bạn, suy nghĩ về bạn, cân nhắc đến bạn và hy vọng trở thành lựa chọn đầu tiên hoặc luôn thường trực trong đầu khách hàng để có thể bán bất kỳ thứ gì cho bất kỳ ai!
Ngày nay phổ biến nhất là Facebook, Twitter, LinkedIn, Google+ và ai biết công cụ nào sẽ xuất hiện tiếp theo chứ. Một ngày nào đó tôi dám chắc những cái tên này sẽ không còn tồn tại nữa, chúng bị thay thế bởi các cải tiến công nghệ khác. Những cái tên này giống như các mục quảng cáo đầu tiên trên báo chí hay các biển quảng cáo xuất hiện dọc đường cao tốc hay đường phố nhiều năm về trước. Truyền thông trực tuyến, ngoại trừ thời gian cần thiết lúc đầu, sẽ là cách thức ít bị ràng buộc nhất để quảng bá bản thân bạn. Điểm mấu chốt là bạn phải biết CÁCH sử dụng nó thay vì lệ thuộc vào nó. Đối với số đông thì sử dụng truyền thông trực tuyến giống như bước vào một quán bar hay một bữa tiệc. Bạn có thể đề cập đến việc kinh doanh trong bữa tiệc hay với một người trong quán bar, nhưng có lẽ bạn sẽ thích nói đến các vấn đề xã hội hơn là về kinh doanh. Nếu bạn muốn có một ví dụ về cách sử dụng truyền thông trực tuyến hiệu quả thì hãy theo dõi các trang tôi đã tạo ra để hướng dẫn mọi người tương tác cũng như tham gia vào: Twitter@GrantCardone và www.facebook.com/ grantcardonefan. Hãy xem bao nhiêu tương tác, phản hồi và tham gia mà tôi nhận được trong khi vẫn nhấn mạnh được rằng tôi là ai.
Một nguyên nhân nữa buộc bạn phải định vị được thương hiệu trên truyền thông trực tuyến là cộng đồng của bạn và/hoặc danh tiếng của công ty. Mười năm trước, nếu có khách hàng không hài lòng với dịch vụ tại khu nghỉ dưỡng ở thiên đường nhiệt đới nào đó, họ sẽ chỉ nói với một vài bạn bè và người thân. Ngày nay, họ sẽ đăng bài đánh giá trực tuyến, và hàng ngàn người có quan hệ hoặc không đều xem được nó. Điều tồi tệ nhất là bình luận được đăng đó đã đánh giá thiếu công bằng với toàn bộ dịch vụ của khu nghỉ dưỡng.
Chỉ cần một vài đánh giá xấu hoặc phàn nàn về bạn, công ty và sản phẩm của bạn sẽ dẫn tới kết quả là hàng loạt cơ hội bị mất cũng như ấn tượng xấu về bạn và thương hiệu của bạn. Khách hàng của bạn luôn trực tuyến nên việc quản lý danh tiếng trực tuyến của bạn là vô cùng quan trọng nhằm bảo vệ thương hiệu của bản thân vì đó có thể là ấn tượng đầu tiên của mọi người về bạn.
Các công cụ xã hội như Yelp, Facebook, Twitter, YouTube cùng hàng ngàn trang blog với các cuộc thảo luận bất tận đã khuếch đại tiếng nói của khách hàng và khách hàng tiềm năng của công ty bạn. Chúng ta phải chấp nhận điều này: Mọi người có thể đăng tải bất cứ điều gì về bạn hay công ty bạn bất chấp sự thật là gì. Ngoài ra, một người đang bất mãn sẽ đăng bài nhiều hơn một người hài lòng vì họ sẽ quá chú ý vào cái mà họ cho là một tranh cãi hay trải nghiệm tiêu cực.
Cho dù bạn là ai, hay doanh nghiệp bạn đang làm gì, từ khi bạn bắt đầu thu hút chú ý và đạt được thành công nào đó, thì sớm hay muộn cũng sẽ có người đăng tải bình luận tiêu cực về bạn. Đây là điều không thể tránh khỏi. Cách duy nhất để không gây chú ý là không tham gia trực tuyến, nhưng kể cả làm như thế, bạn vẫn sẽ bị phát hiện. Với ảnh hưởng của truyền thông xã hội, những người chỉ trích bạn, thậm chí cả những người ghen tị với bạn và đối thủ cạnh tranh với sản phẩm hay công ty bạn có thể dễ dàng lợi dụng nó để hạ gục bạn.
Khách hàng chỉ trích, không hài lòng, ý kiến trái ngược, sự phản đối hay thậm chí là cố tình bôi nhọ thương hiệu không phải là thách thức mới trong kinh doanh. Các vấn đề này đã xuất hiện từ khi có cạnh tranh và các tin đồn, chính sức mạnh, khả năng tiếp cận và mức độ phổ biến của Web đã biến danh tiếng trên truyền thông xã hội của bạn thành vấn đề mới.
Dưới đây là một số ý tưởng giúp bạn hạn chế được khía cạnh tiêu cực của truyền thông xã hội:
1. Coi danh tiếng trên truyền thông xã hội chính là danh tiếng cá nhân của bạn. Giải quyết các xung đột trên truyền thông xã hội giống như cách bạn xử lý các cuộc tấn công cá nhân. Đừng ủy thác cho người khác xử lý hộ hay xem nhẹ các xung đột đó, hãy tự mình xử lý chúng. Không có gì quan trọng hơn tên tuổi hoặc danh tiếng của bạn.
2. Hãy coi TẤT CẢ bình luận tiêu cực là cơ hội. Coi tất cả phàn nàn, bình luận ác ý và khách hàng không hài lòng là cơ hội, không phải rắc rối (cho đến khi chứng minh được chúng là vấn đề khác). Một khách hàng bất mãn hay một bình luận xấu có thể trở thành người hâm mộ hay lời khen ngợi nếu được xử lý đúng cách. Tôi đưa ra một quy định trong công ty là tôi sẽ đích thân liên hệ với những khách hàng có khiếu nại. Mục tiêu của tôi là biến mọi rắc rối thành chiến thắng cho tất cả các bên.
3. Hãy xử lý ngay lập tức. Các khiếu nại càng sớm được xử lý thì càng dễ dàng hơn. Phản hồi ngay tức khắc và những người hiểu biết sẽ đánh giá cao cách bạn ưu tiên họ. Đừng phản hồi với ý định khiến họ phải xóa bài đăng hoặc chỉ trích, thay vào đó hãy hướng đến giải quyết mối bận tâm của họ. “Ừm, tôi đã đọc phần bình luận trên mạng xã hội của anh và lập tức gọi cho anh để xem tôi có thể làm gì để xử lý nó. Tôi không hiểu có chuyện gì, vui lòng cho tôi biết đã xảy ra vấn đề gì? Tôi có thể làm gì nhằm khắc phục nó?” Nếu bạn xử lý đúng đắn thì phần lớn mọi người sẽ rút lại bình luận của họ hoặc đăng bài ca ngợi bạn tuyệt vời thế nào.
4. Liên hệ trực tiếp. Không phản hồi công khai trên truyền thông xã hội với bình luận tiêu cực vì bạn sẽ chỉ khiến nó bị chú ý nhiều hơn thôi. Giống như bất kỳ hình thái giao tiếp nào, tốt nhất là bạn nên giải quyết trực tiếp qua điện thoại, gửi thông điệp thẳng đến họ hay gặp mặt nếu có thể. Hãy cẩn thận, không đề cập đến các hành vi sai trái trong thông điệp của bạn, thay vào đó hãy cho họ biết bạn muốn xem xét có thể làm gì để hóa giải sự khó chịu của họ.
5. Chủ động. Giải pháp hiệu quả nhất để quản lý danh tiếng là tấn công thay vì phòng thủ. Sáng tạo các biện pháp nhằm thu thập bài đăng hay bằng chứng, thậm chí cả video tích cực về bạn và công ty bạn. Khuyến khích và khiến những người yêu quý bạn hay từng hợp tác với bạn truyền bá lời ca ngợi bạn. Xây dựng một chiến dịch quảng bá tích cực về những việc tốt, nỗ lực và đóng góp của bạn sẽ lấn át tất cả bài viết tiêu cực. Hãy liên hệ với chúng tôi nếu bạn muốn xây dựng danh tiếng trực tuyến vững chắc.
6. Hiểu rõ nhược điểm của bản thân. Dù tôi tin rằng mỗi khiếu nại là một cơ hội, song bạn phải hiểu rõ trận chiến nào có thể đánh và trận chiến nào nên tránh xa. Một số người có mục tiêu thực sự là nuốt gọn bạn cùng sự tập trung và năng lượng của bạn. Họ không tìm kiếm giải pháp mà muốn hút máu bạn như ma cà rồng. Số khác lại chỉ thích thú với việc gây ồn ào, tạo ra các vụ lộn xộn cũng như tuyên truyền sự căm ghét. Hãy bỏ qua và không quan tâm đến những người thể hiện rằng họ chỉ thích thú với những điều tiêu cực.
Điều quan trọng nhất là bạn nên coi trọng danh tiếng trên truyền thông xã hội cũng chính là danh tiếng cá nhân của bạn. Sớm hay muộn sẽ có người đăng những bình luận xấu về bạn mà có thể bao gồm cả việc phóng đại sự không hài lòng, hay hoàn toàn là bịa đặt. Bạn phải chấp nhận một thực tế của cuộc sống là khi bạn thu hút được sự chú ý thì bạn sẽ trở thành tấm bia để mọi người chỉ trích.
Bảo vệ danh tiếng trực tuyến của bạn nghĩa là bạn phải biết mình cần làm gì để mọi người có thể tìm được thông tin đúng về bạn. Hãy ưu tiên và chủ động thực hiện nó!
Cuối cùng, lý do hàng đầu cho việc từ chối sử dụng truyền thông xã hội là không có thời gian. Và tôi đồng ý là bạn không có thời gian lãng phí cho truyền thông xã hội như 99% người dùng, song bạn có thể học cách sử dụng nó như một cách tiết kiệm thời gian. Tận dụng thời gian, quảng bá bản thân và xây dựng danh tiếng trực tuyến vững chắc. Cá nhân tôi có ba trang Facebook, một tài khoản Twitter và một Google+. Hoàn toàn không phải là sự lãng phí thời gian khi bạn đầu tư cho truyền thông xã hội; chỉ là bạn đang thiếu tận tâm cũng như hiểu biết về lợi ích mà nó mang đến cho bạn.
Kế hoạch đạt được 250.000 USD doanh số
Thời gian biểu để đạt được 250.000 USD
“Làm việc để giàu có, không chỉ nhằm đủ sống.”
6:00 AM
Thức dậy (quy định là phải dậy sớm hai giờ trước khi bạn phải đi đâu đó)
Viết các mục tiêu dài hạn
Tập thể dục và xem/ nghe các bài huấn luyện tạo động lực (kiểm soát tài liệu của bạn)
7:00 AM
Sửa soạn trang phục như một người thành công
Biến thời gian lái xe thành thời gian học hỏi (nên nghe về đào tạo bán hàng)
Ăn sáng: Chọn địa điểm là nơi tập trung nhiều khách hàng tiềm năng
7:45 AM
Đến văn phòng sớm
Lập kế hoạch chiến đấu cho các mục tiêu ngắn hạn
Họp bán hàng hàng ngày (ngắn gọn, tích cực, tối đa 20 phút)
Lập danh sách khách hàng tiềm năng mà bạn cần gặp mặt trong ngày
Cuộc gặp cứu-vãn-đơn-hàng: lập danh sách giao dịch đã hoàn thành sẽ giúp tiết kiệm thời gian
Chuỗi hành động marketing truyền thống có sử dụng kế hoạch chiến đấu
Theo sát 100% các cơ hội của ngày hôm trước (không có ngoại lệ)
Gọi năm khách hàng để cập nhật dịch vụ
Gọi cho tất cả khách hàng đã gửi thư/ email tuần trước
Gửi bản fax đồng thời tới tất cả các đơn hàng tiềm năng phát sinh tuần trước
Trưa
Mời khách hàng trong danh sách dùng bữa trưa
Hoặc ăn trưa cùng khách hàng, hoặc xuất hiện ở nơi họ thường dùng bữa
1:00 - 5:00 PM
Chuỗi hoạt động liên tiếp
Gửi thư cho năm khách hàng cũ
Gửi email cho tất cả những người đã truy cập trong vòng 10 ngày
Gửi năm email đến bạn bè
Gửi năm email đến những người đã liên hệ hợp tác
Gửi năm thiệp sinh nhật
Đích thân tới thăm khách hàng trước khi ngày làm việc kết thúc
5:00 - 8:00 PM
Xử lý các cuộc hẹn và tin nhắn bất ngờ
Tiếp tục làm việc qua điện thoại đến cuối ngày
8:00 - 10:00 PM
Cập nhật kế hoạch chiến đấu ngày mai
Về nhà/ dành 100% thời gian cho những người thân yêu
Tránh xa tivi
Lập danh sách các mối liên hệ tiềm năng và thực hiện nó suốt thời gian còn lại trong tuần
Viết lại mục tiêu dài hạn
Cố gắng đi ngủ
Cam kết hàng ngày của chuyên gia bán hàng
Cam kết thực hiện kế hoạch hàng ngày!
Cam kết thể hiện thái độ “tôi làm được” với khách hàng!
Cam kết làm bất cứ điều gì cần thiết!
Cam kết vượt ngoài mong đợi của khách hàng!
Cam kết luôn tập trung vào những điều tôi muốn!
Cam kết tận dụng mọi cơ hội có thể!
Cam kết theo sát từng cơ hội!
Cam kết sống đạo đức trong mọi khía cạnh của cuộc sống!
Cam kết thực hiện các thay đổi khi cần thiết!
Cam kết học hỏi mỗi ngày!
Cam kết tập luyện mỗi ngày!
Cam kết luôn làm điều đúng đắn!
Cam kết trở thành người tích cực nhất!
Cam kết không biện minh và luôn tìm cách xử lý!
Cam kết dùng hành động để biến ước mơ thành hiện thực!
Mười điều “răn” trong bán hàng
Điều răn số 1: Hãy tự hào và lạc quan
Ăn mặc, hành động như thể bạn đang rất tự hào và là người lạc quan nhất mà khách hàng từng gặp.
Điều răn số 2: Chọn trang phục của người thành công
Điều răn số 3: Hình dung trước thương vụ
Khách hàng không phải là người quyết định thương vụ thành công, đó là trách nhiệm của người bán hàng. Nếu bạn bỏ mặc nó cho khách hàng thì chắc chắn bạn sẽ thất bại. Nếu bạn tin rằng thương vụ sẽ không thành công, vậy thì nó sẽ không thành công. Bạn phải nhìn thấy kết quả của thương vụ trước khi nó thực sự xảy ra. Bạn phải tin rằng mình sẽ đạt thỏa thuận, thấy được khách hàng sẽ sở hữu sản phẩm của bạn và đăng ký mua hàng với bạn. Nếu bạn không nhìn thấy được thì sẽ chẳng có kết quả nào cả.
Điều răn số 4: Sở hữu sản phẩm mà bạn bán
Đây là điểm mấu chốt của tất cả các giao dịch. Nếu không sở hữu nó, bạn sẽ không thể khiến người khác mua nó! Tôi biết nhiều người bán những sản phẩm mà họ thậm chí chưa hề sở hữu chúng. Làm sao bạn có thể không sở hữu mà vẫn kỳ vọng bán được hàng chứ? Mỗi tuần tôi viết một danh sách các lý do bạn nên mua sản phẩm của tôi và tại sao chúng lại đáng được đầu tư.
Điều răn số 5: Biết rõ đề xuất giá trị của bạn
Đề xuất giá trị thường chẳng liên quan gì đến sản phẩm của bạn. Bạn có thể đặt lên bàn thương lượng những thứ gì nhằm khiến bạn khác biệt với đối thủ cạnh tranh? Tìm hiểu xem khách hàng coi trọng điều gì - điều bạn tìm được chính là động cơ thôi thúc bạn hành động.
Điều răn số 6: Luôn đồng ý với khách hàng
Nếu nghe thấy điều gì từ khách hàng mà bạn bất đồng hay không thích, hãy xử lý nó bằng sự đồng tình thay vì phản đối. Ngay cả khi khách hàng sai, cũng chẳng ích gì nếu bạn bảo họ sai. Luôn luôn, luôn luôn, luôn luôn đồng ý với khách hàng. “Anh nói đúng!” “Tôi đồng ý!” “Tôi ủng hộ anh!” Thừa nhận quan điểm của khách hàng sẽ tốt hơn là bạn cố gắng phản đối họ. Đôi khi chỉ cần nói, “Tôi đồng ý!” là đủ.
Điều răn số 7: Nâng tầm giá trị sản phẩm trong phần giới thiệu
Hãy chắc chắn rằng bạn chứng minh sản phẩm của mình có giá trị gấp đôi trong phần giới thiệu. Chẳng ai chi 200.000 USD cho một sản phẩm chỉ có giá trị 200.000 USD. Họ chỉ chi 200.000 USD khi tin rằng họ sẽ nhận được một sản phẩm có giá trị vượt quá số tiền mà họ phải bỏ ra. Nâng tầm giá trị trong phần giới thiệu sản phẩm, mọi người sẽ không thể cưỡng lại đề xuất của bạn.
Điều răn số 8: Sử dụng thời gian hiệu quả
Người mua trong thế kỷ 21 luôn rất vội vàng. Mục tiêu của tôi là bán được càng nhiều hàng càng tốt trong thời gian ngắn nhất có thể. Quá vội vàng sẽ khiến bạn tốn thêm thời gian. Dành quá nhiều thời gian với khách hàng sẽ KHÔNG đảm bảo thương vụ thành công, thực tế nó còn ảnh hưởng tới khả năng chốt giao dịch và lợi nhuận của bạn. Hãy sử dụng thời gian hiệu quả và hiểu được khách hàng coi trọng giá trị nào sẽ giúp tiết kiệm thời gian cho tất cả các bên.
Điều răn số 9: Giả sử đơn hàng đã được chốt
“Hãy đi cùng tôi và tôi sẽ chỉ cho ngài thấy thật dễ dàng để sở hữu (tên sản phẩm) mới ”. “Nếu không còn lý do nào khác để thực hiện bước phù hợp tiếp theo, xin hãy đi theo tôi.” Khiến khách hàng khó từ chối bằng cách không hỏi thêm câu hỏi nào khác mà chỉ tiến lên bước tiếp theo. “Đi cùng tôi” và “xin hãy ký ở đây” là hai cụm từ hiệu quả nhất của người bán hàng.
Điều răn số 10: Luôn kiên trì hướng tới chốt giao dịch
Cho đến khi giao dịch kết thúc, bạn vẫn chưa mang lại bất kỳ giá trị nào cho khách hàng. Hầu hết người bán hàng chưa từng cố thử chốt đơn một lần, không đủ kiên trì để có được đơn hàng. “Hãy ký ở đây,” là ngôn ngữ của người chốt đơn có khả năng ứng phó tất cả những lảng tránh và từ chối mà thoạt nhìn chính là điểm quyết định bạn có thành công hay không!