Vừa tối xong thì mưa giăng đầy trời. Một màn nước trắng đục chụp xuống mặt đất. Thỉnh thoảng những tia chớp lằng nhằng lại xé màn nước ra từng mảnh nhỏ và nhọn.
Con đường mới sửa lại bị bánh xe, chân người quấy lên nhầy nhụa. Có chỗ gồ lên trơn nhẫy. Có chỗ bùn thục tới mắt cá.
Tôi đẩy chiếc xe đạp trên mặt đường một cách vất vả. Xe chở linh kiện khá nặng. Chân tôi mỏi nhừ vì đạp xe ròng rã cả ngày, giờ lẫm chẫm tìm được chỗ đặt chân trên con đường cũng quá khó khăn. Những hạt nước to quất thẳng vào mặt, tôi không làm sao đưa tay lên vuốt được, đành để cho nước chảy tràn xuống cổ, len lỏi trên làn da nóng hổi.
Đây là ngã ba đường. Một ngọn đèn xanh đứng bên ngã ba, ánh đèn bị màn nước làm mờ mờ. Người, xe đạp đan qua như mắc cửi. Tiếng máy rì rì, tiếng cười, tiếng gọi nhau, tiếng chân lội trong vũng nước bắn tung tóe...
Tiếng một cô gái quát lên, át tiếng mưa: “Các đồng chí chú... ú... ý, đoạn đường này có thể bị đánh phá bất kỳ lúc nào. Các đồng chí hạn chế sử dụng đèn...”.
Một chiếc ô tô không rõ tiến đến từ lúc nào, đang rúc còi inh ỏi. Mọi người né sang hai bên đường. Riêng tôi, bánh xe ngập trong bùn, chân loạng choạng đặt trên một mô đất trơn nhẫy. Tiếng còi vẫn rúc lên mỗi lúc một ầm ĩ.; Tôi luống cuống và hoàn toàn bất lực.
Tiếng một cô gái thứ hai đứng bên thành ca bin nói vọng xuống: “Đồng chí nào kỳ quặc thế! Sao lại đứng giữa đường thế kia?”.
Nghe thấy tiếng nói, tôi bỗng chững lại, quay nhìn. Chao! Tiếng nói... Không! Không thể thế được. Tôi chưa kịp nhận ra một cái gì đó thì cô gái đã nhảy từ trên thành ca bin xuống, ùa lại:
- Đồng chí cũng phải... ồ, xe của đồng chí nặng quá! Nào, đồng, chí giữ chặt lấy tay lái nhé.
Cô gái giữ cho chiếc xe thăng bằng rồi đẩy vào bên đường. Trong ánh đèn gầm nhờ nhờ của ô tô, tôi thấy bàn tay cô nhợt nhạt héo đi trong những hạt nước vỡ tan. Một người nữa lại gần giúp chúng tôi đưa xe vào mép đường, tôi cũng không để ý đến, tôi còn mải chú ý đến cô gái. Có phải bàn tay với tiếng nói ấy là của người bạn thân tôi chăng? Cô gái hầu như không chú ý đến tôi, người cô khom xuống, chiếc áo vải bạt với cái mũ lùng thùng màu sẫm che kín mặt. Nếu không bao lần bị lầm, ngượng đến chín người thì tôi đã mạnh dạn lật chiếc mũ bạt để rõ người con gái ấy là ai? Có phải Châu, người bạn cùng học với tôi cách đây ba năm?...
Chiếc xe đứng vững bên mép đường, cô gái ngẩng lên, quay lại, đôi ủng loạng choạng trên mặt đường, rồi nhảy lên, bám lấy thành ca bin, nói vọng xuống:
- Đồng chí lính thủy đi xe đạp ơi! Tìm chỗ nghỉ ngớt mưa hãy đi.
Xong, cô ta cười. Máy lại rú lên, ô tô tiến qua mặt tôi, nước trào dưới bánh xe.
Tôi nghe rõ tiếng đập vào ca bin và tiếng nói của cô với người lái xe:
- Đi chậm thôi. Đường tồi lắm. Nó mới thả bom trưa qua.
Cô gái đến, rồi đi nhanh như tia chớp. Tôi đứng nhìn theo, bàng hoàng. Không, làm gì lại thế được. Châu không còn nữa! Đây chẳng qua là một sự nhầm lẫn. Mấy lần trước trên các tuyến đường của cuộc kháng chiến, tôi đã tìm, đã gặp những người tương tự và không thấy Châu.
Thấy tôi đứng ngẩn nhìn theo cô gái trên chiếc xe đã mất hút ở phía trước, người đứng cạnh tôi khẽ nói:
- Anh đừng giận nhớ! Tính chị ấy vẫn thế.
Tôi quay lại, nhận ra người đứng cạnh mình là cô gái cũng cách đây ít phút đã nhắc nhở mọi người sử dụng ánh đèn trên đường. Tôi trả lời:
- Ô, chị... không, tôi có giận gì đâu!
Cô gái thấy tôi ướt sũng, vội kêu lên:
- Anh đến ốm mất. Mà cái gì nặng nhu cùm sau xe, để anh phải nhường áo mưa cho nó?
Cô gái nắn nhẹ vào chiếc máy buộc sau xe, ngước đôi mắt ngạc nhiên nhìn, muốn tôi trả lời. Tôi mỉm cười:
- Bí mật!
- Anh còn đùa được kia à? Anh nên nghỉ, ngớt mưa hãy đi. Đi lại “lâu đài” của chúng em.
Nói rồi, cô gái mạnh dạn đẩy chiếc xe của tôi ngoặt qua đường. Tôi làm theo như cái máy. Thú thực lúc ấy, tôi cũng muốn nghỉ. Vì trời mưa tầm tã, mà con đường mới đắp nhầy nhụa này, không sao vượt qua nổi. Và cô gái có bàn tay mất hai ngón khi nãy vẫn ám ảnh tôi. Tôi hỏi và chờ câu trả lời:
- Tên của chị lúc nãy là gì nhỉ?
- Anh quen chị ấy à?
Tôi lắc đầu. Cô gái cười khúc khích:
- Sao, Sao, anh ạ.
Tưởng cô gái đùa, người tôi bỗng bừng lên, mặc dầu trời khá lạnh:
- Không, hỏi để biết thôi, có sao đâu.
Tôi vừa dứt lời thì cô gái cười ngặt nghẽo:
- Anh tưởng em đùa à? Tên chị ấy là Sao. Sao, anh rõ chưa?
Tôi ngẩn người và cũng phá lên cười. Ra vậy, Sao là một cái tên. Tôi nói với cô gái một cách bình thản:
- Sao! Tên đẹp quá!
Cô gái còn nói những gì nữa, nhưng tôi không nghe thấy. Bởi, một niềm hy vọng vừa đến lại vụt mất đi, tiêng tiếc như bỏ quên một kỷ niệm ngày nhỏ.
Cô gái dẫn tôi đến trước một cái lán lợp lá bên đường. Một tấm phên che chưa hết cửa ra vào. Ngọn đèn xanh mờ mờ trước cửa.
Giữa ngã ba đường, có tiếng người cố gào lên:
- Đường ra bến phà phía nào, các đồng chí ơi?
Nhiều tiếng ồn ào đáp lại với tiếng nước bắn tung tóe. Cô gái chỉ vào cái lán vội nói:
- “Lâu đài” của chúng em đấy. Vào đấy, anh tự do. Nếu chưa ngớt mưa, đừng đi. Nếu ngớt mưa không thấy chúng em về thì cũng cứ đi. Chào trước đấy!
Cô gái nói xong biến mất trong màn nước trắng đục. Tôi chỉ còn kịp nhận thấy một khuôn mặt bầu bĩnh che kín trong chiếc mũ bạt thùng thình.
Nhấc tấm phên che cửa ra vào, tôi thận trọng mở chiếc cặp da lấy đèn pin soi rọi khắp lán. Lán trống không, ở một góc, một chiếc ghế tre đủ hai người ngồi. Đối diện, một bếp than vẫn hồng được những miếng tôn che gần kín chung quanh, gió lùa vào than đỏ rực. Một ngọn lửa vàng liếm nhẹ trên một thanh củi cháy dở rồi tắt ngay. Một tấm phên ken dày ngăn gian bên ngoài tôi đang đứng với gian trong. Cánh cửa bằng nứa khép hờ hững cứ run lên theo tiếng rào rào ngoài trời. Tôi đẩy chiếc xe vào lán, rồi kéo chiếc ghế lại bên bếp lửa ngồi nhìn ra ngoài. Bỗng dưng, tiếng nói của cô gái khi nãy lại vang đến tai tôi mạnh hơn trận mưa đang gào thét. Bàn tay nhợt nhạt héo đi trong nước mưa lạnh ngắt ấy, hình như cách đây ba năm tôi đã nắm một lần. Lần ấy ngực tôi cũng râm ran khi tôi nhìn thấy bàn tay ấy. Đã ba năm, một cái gì đó nhen lên trong tôi ngày thêm tha thiết, rực cháy. Không! Không thể thế, Châu không còn! Nhưng càng chứng minh đấy chỉ là một sự lầm lẫn bao nhiêu, thì tôi lại càng nhớ đến Châu, đến người bạn gái, người bạn học năm nào.
*
Đấy là năm 1964, khi sự kiện ngày 5 tháng 8 mới qua ít ngày, toàn đất nước ta còn đang hừng hực tin giặc Mỹ cho máy bay bắn phá miền Bắc. Đến mấy tháng sau của những ngày đầu năm lớp mười, trường chúng tôi vẫn bàn tán sôi nổi. Nhiều người đã viết đơn xin vào quân đội. Tôi là học sinh cũ, thường đầu năm, tôi hay đứng trên gác ba nhìn bao quát sân trường. Trong bóng cây mát rượi, học sinh đứng quây lại thành từng đám tranh luận sôi nổi. Đây đó một vài người dựa tường, chống tay lên lan can của khu nhà đối diện, đọc báo. Học sinh từ trường khác chuyển đến tìm chỗ tương đối khuất đứng ôm cặp nhìn trường mới và những người bạn tranh luận. Có người mạnh bạo hơn đi khắp nơi trong trường, ra sân bóng, chạy dưới rặng phi lao đứng trên kè đá nhìn từng đợt sóng của Hồ Tây xô đến, tan vỡ dưới chân.
Tôi chú ý đến một cô gái, người cân đối; mặc chiếc áo màu xanh lá cây, tóc dày, tết thành bím buông sau lưng. Tôi chú ý tới cô, bởi cô thường đứng một mình ở chỗ bảng tin. Hôm cô đọc báo, hôm xem tranh đả kích, cười một mình. Sợ mọi người để ý, cô giấu nụ cười sau cuốn sách cầm tay và đưa đôi mắt tròn đen rất sáng nhìn xung quanh. Không ai để ý, cô ta lại tiếp tục cười kín đáo hơn. Một ý nghĩ đến với tôi: “Đấy là một cô gái thông minh nhưng nghịch ngầm phải biết”. Hình như cô ta cũng biết có đôi mắt nào để ý đến mình, nên ngày sau cô ta kín đáo hơn, nét mặt nghiêm trang hơn. Cô ta thoáng chốc cũng nhìn tôi và khi bắt gặp ánh mắt của tôi, cô ta lại nhìn đi nơi khác rất nhanh. Trong cái nhìn ấy, cả hai chúng tôi đều nhận thấy ở nhau một cái gì đồng điệu. Một điều đáng chú ý, khi cô ta khám phá ra kè đá với những đợt sóng ở sau trường bên vườn hoa xinh xắn, thì lúc rỗi rãi cô ta thường ngồi ở đó hàng giờ xem sách, hoặc nhìn chiếc thuyền gỗ câu bống bé nhỏ dập dềnh bên hồ.
Một sự tình cờ, cô ta lại ở cùng lớp, ngồi cùng bàn với tôi. Chúng tôi ngồi cạnh nhau, cả hai đều tỏ ra lạnh lùng, thản nhiên không nói với nhau một câu. Nhưng thực ra cả hai đều thấy mất tự nhiên. Khi trống hết tiết một, cả lớp ồn ào, có người chạy ra hành lang, có người đứng bên cửa sổ nhìn xuống Hồ Tây. Tôi và cô gái vẫn ngồi nguyên. Bỗng cô gái cúi xuống viết lên giấy:
- Bạn có biết chơi cờ nhà không?
Tôi nhìn cô mỉm cười, rồi gật đầu. Cô gái chỉ nhìn tôi bằng đôi mắt tròn đen ánh lên và viết tiếp:
- Bắt đầu nhớ!
Chúng tôi cắm cúi chơi, khi chơi, tôi cố ý cho cô phần thắng. Cô biết vậy, chỉ cười. Thú thực lúc ấy, tôi rất mến cô, mái tóc dày, khuôn mặt trái xoan, đôi mắt đen. Khi cô cười, hàm răng toát ra ánh sáng. Trước mắt tôi cô trở thành một người toàn diện. Tôi nghĩ: “Cô sẽ là người bạn rất thân, chúng tôi sẽ gần nhau mãi”. Tôi chợt nhớ ra là chưa giới thiệu tên cho cô, còn cô tuy chưa nói tôi đã biết. Tuy vậy, trong lúc cô cắm cúi nghĩ nước đi, tôi viết xuống mảnh giấy:
- Bạn tên là gì?
Cô bỗng đỏ mặt, mỉm cười và viết tiếp xuống mảnh giấy:
- Châu, còn bạn?
- Lâm. Thế là chúng ta quen nhau.
Châu lắc đầu, viết:
- Thế chưa chính xác. Chúng ta quen nhau từ khi nãy.
Có vậy mà cả hai đều thích thú, cười mãi.
Đến giờ chơi, tôi còn bận một số việc với lớp bên, khi về lớp thì Châu cũng không còn ở bàn nữa. Tôi và mấy người bạn trai xuống sân. Bất chợt tôi lại nhận thấy Châu đang ngồi trên ghế đá ở vườn hoa sau trường. Cô ta ngồi lặng lẽ nhìn những đợt sóng? Hay ngắm những cánh buồm nhọn màu trắng lướt giữa hồ? Hay để ý tới cô bé cháy nắng đang ngồi trên chiếc thuyền gỗ đỗ sát kè đá thả cần câu bống? Châu nhìn chăm chú dường như không để ý đến xung quanh. Tôi muốn nói chuyện với Châu, nhưng lại không muốn phá vỡ giờ phút yên tĩnh ấy, nên quay lại.
Sau giờ học, tôi hỏi Châu:
- Châu thích phong cảnh lắm nhỉ?
Châu lắc đầu cúi xuống:
- Cũng thích, nhưng ít khi mình chú ý đến.
Tôi ngạc nhiên:
- Sao những giờ nghỉ, Châu chỉ nhìn hoa, nước, cánh buồm?...
Châu cười tảng lờ:
- Chúng mình nói chuyện khác đi!
Tôi im lặng. Chẳng lẽ, điều đó có liên quan đến đời sống riêng của Châu? Cũng có thể. Đôi mắt đen trong sáng mà ít bữa nay tôi tưởng chỉ có tươi vui nhảy nhót, giờ ẩn náu một nỗi buồn. Vì thế tôi càng mến Châu hơn, trong cái mến có sự tôn trọng. Điều đó không riêng với tôi mà cả lớp đều mến và tôn trọng Châu. Kể cả một số người ghét cái cá tính lạnh lùng của Châu cũng vậy. Bất cứ chuyện gì, Châu đều giải quyết đúng mức và bình tĩnh. Trong lúc nói chuyện ít có câu thừa, vô nghĩa. Với một người như vậy, tôi tin rằng dù có bực tức đến đâu cũng ít khi xảy ra to tiếng. Ấy thế mà một lần tôi thấy Châu nổi giận...
Một buổi trưa, ven bờ Hồ Tây có chiếc thuyền của một cô bé tóc cháy nắng đang ngồi câu bống. Cô bé trạc mười hai tuổi, cởi trần, sém nắng, đôi mắt nheo lại nhìn xuống mặt nước, chiếc áo màu đỏ vo tròn để mũi thuyền. Có mấy đứa con trai học lớp bên ngồi trên ghế đá, chúng vứt cặp lăn lóc trên bãi cỏ, đổ xô ra kè đá sát mép nước. Từng đứa vốc những nắm sỏi rồi đố nhau tung từng viên, sao cho đúng khoang thuyền cô bé ngồi. Mỗi khi ném tin, chúng vỗ tay reo khoái chí. Cô bé da sém nắng ngồi đăm đăm nhìn xuống mặt nước, đôi mày nhíu lại. Đôi khi, có viên sỏi không trúng khoang thuyền, tin vào thành gỗ, vào mái chèo, nẩy lên bắn vào người, thì cô bé chỉ ngước lên gằm gằm, môi mím lại.
Tôi toan quăng cặp lại gần để chấm dứt trò chơi lạc điệu ấy thì Châu cũng từ chỗ nào đi đến rất nhanh, đôi mắt lạnh lùng, giọng đanh lại:
- Các cậu không biết ngượng à?
Cả bọn dừng lại. Một thằng mặc áo hoa đen cổ đam, da bột, mái tóc xoăn chùm nho bóng nhẫy. Thằng này tiêu tiền và trêu con gái không nghĩ tới danh dự. Nó tách ra khỏi bọn:
- A... a, việc gì đến cô bạn. Cô bạn mới đến hăng nhỉ?
Rồi nó tung tung những viên sỏi trong tay, đầu ngoái lại, một tiếng sáo gió kéo dài khiêu khích, cả bọn phá lên cười. Châu tiến thêm bước nữa:
- Không bạn bè với chúng mày. Bỏ lối chơi ấy đi.
Vẫn thằng “da bột” mặt đỏ bừng lên, đổi giọng:
- Định dạy nhau chắc! Không việc gì đến mày.
- Sao lại không?
- Kệ tao!
Nó nói gọn lỏn và đổi những viên sỏi sang bàn tay phải, toan tung xuống khoang thuyền. Châu túm chặt bàn tay ấy lại, hất những viên sỏi xuống mặt đất. Đôi mắt Châu rực lên. Mấy đứa ngơ ngác rồi cùng ùa lại. Thằng “da bột” hằm hằm dang tay trái về phía sau.
Tôi tiến đến cùng với những người bạn nữa, và sẵn sàng cho nó một quả đấm nếu như nó động đến Châu. Thấy chúng tôi lại, nó nghiến răng, tái mặt. Nó nuốt nước bọt ấm ức, tay từ từ hạ xuống. Đến lúc này, Châu cũng buông cánh tay phải nó ra, quay lại, đi vào sân trường.
Sau lần ấy, tôi thấy Châu càng thân với cô bé câu bống. Từ trên gác ba, tôi thấy Châu ngồi trên kè đá nói chuyện với cô bé, cả hai cười rất nhiều. Có hôm thuyền ghé sát mép nước, Châu cúi xuống thọc tay vào khoang thuyền vốc lên từng nắm bống rồi lần lượt cho từng con rơi xuống. Lúc ấy, tôi thấy Châu muốn nhảy xuống khoang thuyền thả câu với cô bé.
Qua nhiều lần, tôi hiểu thêm về Châu. Đâu có phải những lần Châu ngồi lặng hàng giờ trên ghế đá là để nhìn những cánh buồm lướt trên mặt hồ, nhìn những đợt sóng mềm mại đuổi nhau xô vào kè đá. Giữa cô bé tóc vàng cháy và Châu, tôi nhận thấy một cái gì tương tự, một sự thông cảm chân thật rất tự nhiên. Nhiều lần nói chuyện, tôi nhắc đến cô bé câu bống, thì Châu im lặng rồi bắt sang chuyện khác. Điều ấy, tôi càng tin rằng Châu có một chuyện gì, một kỷ niệm mà Châu không muốn người khác biết, nhưng hình ảnh hàng ngày gợi lại làm Châu không giấu nổi.
Châu đến một buổi tối mưa cũng tầm tã như đêm nay. Đường phố ánh điện nhòe trong màn nước, tán bàng trước cửa rung lên. Những hạt mưa vỡ vụn hắt qua cửa sổ bay vào phủ lên bông hoa nhựa trên bàn học như sương. Đôi mắt Châu mở căng, thăm thẳm nhìn ra ngoài trời, khẽ nói:
- Mình kể câu chuyện về một đứa bạn gái cho Lâm nghe. Trước nó học cùng lớp. Nó vất vả lắm. Hồi còn nhỏ nó bảo chỉ thấy tiếng quát tháo của “ông bố” và cái dáng khép nép của những người “ở” trong nhà. Có người bảo nó không có bố. Nó nghĩ, không có bố lại hóa hay, còn có bố thì luôn nghe chửi và bị nắm tai lôi từ bếp lên hè, hoặc bị quẳng từ trên nhà xuống bếp như cái chổi cùn. Tuy thế, chẳng bao giờ nó khóc. Có khóc, nó bảo chỉ bị đau thêm thôi, vì nó đã thấy một con chó bị đánh đau cứ im mà lủi đi thì thôi, chứ còn kêu thì lại bị người ta đuổi theo vút thêm vài roi nữa. Nó sợ bố hơn sợ con “ngoáo ộp” mà bà vú thường dọa, nên cứ tìm cách lẩn tránh. Nhưng, bố lại tìm đến nó, giương đôi mắt đỏ đọc, nhằng nhịt tia máu và chửi. Năm lên tám tuổi, người nó cao nhẳng, khô đét thì “ông bố” nhất mực “thương con” ấy sắm cho nó mấy bộ vó kéo tôm. Trời nắng cũng như mưa, nó xoay trần với chiếc nón mê hết cánh đồng này sang cánh đồng khác. Tôm tép kéo được chỉ đủ nuôi ba con chó xồm hung dữ và một con mèo tam thể luôn quấn quýt bên bàn đèn.
Một người ở vú trong gia đình nó, vào những đêm lạnh buốt nằm trên đống rơm cạnh bếp, kể lại:
“Lão ấy - chỉ ông bố có đôi mắt đỏ đọc - không phải là bố đẻ mày đâu. Bố gì hành hạ con thế”. Rồi bà ta chỉ tay lên cái nơm cũ kỹ quăng ở góc bếp thường dùng úp gà, tiếp: “Ngày mày chưa biết đi, lão ấy cũng úp mày bằng cái ấy đấy. Có lần lão ấy phơi mày ngoài nắng, sân bỏng như chảo rang, mày gào khản cổ, nhưng chẳng ai dám lại gần. Lão ấy không muốn mày chết, bắt mày thế để chịu tội cho người sống và người chết”.
Nó nằm sát vào người bà, người run lên, khẽ hỏi giọng yếu ớt: “Sao lại thế?”, “Lớn lên mày khắc biết. Mày có muốn nhận tao làm mẹ không?”.
Nó nhích ra xa, ngơ ngác:
“Để làm gì hở bà?”.
- Chắc Lâm ngạc nhiên vì câu hỏi của đứa bé tám tuổi. Theo mình, chẳng có gì là ngạc nhiên cả. Vì từ nhỏ, nó có hiểu sự chăm sóc của bố mẹ là thế nào đâu.
Bà vú kéo sát nó vào người:
“Giời ơi, ngốc ơi là ngốc. Để làm gì nữa. Để mày có mẹ. Vì mẹ là người yêu thương mày nhất, luôn chăm sóc, tắm gội, vá víu, có cái gì ngon cũng nhường cho nữa”.
Nó rúc vào nách bà ta:
“Thế bà là mẹ cháu nhớ”.
Châu bỗng im bặt, nét mặt có cái lạnh lùng như thường ngày. Hình như Châu không chú ý tới câu chuyện mình đang kể. Mưa vẫn rền rĩ. Mãi sau Châu tiếp:
- Nó sống thế cho đến ngày hòa bình, thì có người đến đón nó đi. Người ấy mặc quân phục, có đeo súng ngắn, trên mũ lưới đính sao vàng. Đây chính là bố đẻ của nó, là người ở năm nào của lão mắt đỏ đọc. Còn mẹ đẻ của nó buộc phải làm vợ tư của lão ta. Cho đến giờ, nó cũng mới hiểu câu nói của bà vú là lão ấy hành hạ nó, bắt nó chịu tội cho người sống và người chết. Người sống là bố nó, người chết là mẹ nó, là vợ tư của lão ta. Lão đã giết vợ, khi nó ra đời được năm ngày.
Châu nói tới đây, với tay lấy chiếc cặp giơ ra cho tôi xem mấy bức tranh. Bức thứ nhất: một cái nơm đen kịt chụp lên đứa bé đang ngồi chồm hỗm, mồm méo xệch, tay muốn thò qua kẽ nơm với thức ăn của lũ gà, chó hỗn độn bên những máng sứt mẻ và bát vỡ. Bức thứ hai: một cô bé mảnh khảnh tay cầm thanh tre, bên sườn đeo ống mồi ngồi thu lu trên cánh đồng lúa chiêm mới gặt nước mênh mông. Cạnh đấy, một đống rạ bị gió thổi thốc lên.
Cả hai bức tranh, thoạt nhìn tôi đã nhận ra nét bút của ai. Tôi đã hiểu ra sợi dây ràng buộc giữa cô bé câu cá bống và Châu. Câu chuyện Châu kể về người bạn nào đó, nào phải là ai xa lạ! Thôi, chẳng cần Châu phải nói rõ người ấy là ai. Giờ cô ta sống ra sao, tôi đã hiểu.
Châu cho tôi xem xong, mỉm cười:
- Nó tự vẽ đấy, có khá không?
Tôi nhìn Châu, và lo sợ những giọt nước trong cặp mắt thăm thẳm sẽ tràn xuống nụ cười ấy... Ngoài trời, mưa vẫn gào lên mỗi lúc một dữ dội. Châu đăm đăm nhìn những bụi nước phủ đầy trên bông hoa nhựa:
- Đến giờ, chắc Lâm hiểu vì sao mình có thể ngồi hàng giờ trên ghế đá ở vườn hoa sau trường. Mình nhìn cô bé tóc vàng cháy ngồi trên thuyền câu bống, bỗng nhiên thấy buồn. Không phải buồn vì thương cô bé. Cô bé có khổ sở gì đâu, nó học lớp bốn trường Mạc Đĩnh Chi, đi câu bống về lấy tiền thành lập tủ sách riêng đấy. Mình buồn vì...
Châu đứng dậy khỏi ghế, nín lặng.
Sau lần ấy, câu chuyện giữa tôi và Châu càng trở nên thân thiết. Lắm lúc chúng tôi ngồi hàng giờ không nói một câu mà cả hai rất hiểu nhau.
Châu rất chăm chú theo dõi báo chí. Nhất là những buổi nói chuyện thời sự nóng hổi ở Hà Nội, không bao giờ Châu vắng mặt. Có hôm Châu đi một mình. Có hôm rủ tôi cùng đi; và khi máy bay của bọn giặc Mỹ điên cuồng bắn phá miền Bắc ngày càng nhiều, thì Châu càng ít nói hơn; đôi mắt đã lạnh lùng càng trở nên thăm thẳm. Châu đọc tin miền Nam chiến thắng, miền Bắc bắn máy bay. Mỗi lần vào giờ học, Châu lại đứng trước bản tin giữa sân trường, mắt mở găng nhìn những dòng chữ đậm nét: “Hôm nay giặc Mỹ cho máy bay bắn phá thị xã Lào Cai, giết hại ba mươi người, trong đó có mười cụ già, năm em nhỏ... Hôm nay giặc Mỹ cho máy bay bắn phá trại an dưỡng Quỳnh Lập, tàn sát dã man những bệnh nhân nằm trên giường bệnh. Hôm nay máy bay bắn phá thị xã Thanh Hóa làm chết hai mươi em học sinh cấp một và một cô giáo”. Hôm nay, cứ thế, hôm nay... Những dòng chữ ngắn gọn, những con số đậm nét trên bảng đang nói với chúng tôi một điều rất khẩn cấp.
Cho tới một ngày oi bức, hai chiếc máy bay của giặc Mỹ đã lén lút bay dọc sông Hồng thả những quả bom ác độc, ghê tởm xuống Phúc Xá. Bom nổ rung mặt đất, cột khói hình nấm bốc lên. Hà Nội sôi lên, uất ức căm thù dồn về đấy. Tôi và Châu cũng có mặt trong những người đào bới. Từ lúc mặt trời trên đỉnh đầu cho tới khi mặt trời cháy rực như hòn máu từ từ mất đi ở rìa núi phía tây, chúng tôi lao vào cứu chữa không ngớt tay. Lần đầu tiên, tôi tận mắt thấy sự tàn sát man rợ của bọn giặc Mỹ.
Đêm ấy Hà Nội không ngủ, bước chân người dồn dập lẫn với tiếng bánh xe siết mạnh trên đường phố. Tôi thức cùng với Hà Nội và ngồi viết đơn tình nguyện nhập ngũ.
Mùa hè năm ấy thật lạ lùng, thi tốt nghiệp xong, chúng tôi không bàn luận hoặc nghĩ tới sẽ học trường chuyên nghiệp nào. Lớp tôi có một số vào bộ đội, vào thanh niên xung phong - thì ra họ cũng viết đơn như tôi, nộp cho Khu đội, nhưng thật kín tiếng. Tôi chờ đợi, và bặt tin. Có buổi tôi tới Khu đội thì họ bận tíu tít với công việc, bảo tôi cố chờ. Vì đâu chỉ riêng đơn của tôi! Cách vài ngày lại có người bạn lên đường. Tôi tiễn, và thấy ghen tị, nghĩ rằng: “Có lẽ đến lần tôi đi thì chẳng còn người bạn nào đi tiễn nữa, chỉ có mẹ và đứa em gái đưa tôi đến chỗ tập trung”.
Một buổi trưa, tôi chuẩn bị đến nhà một người bạn sắp lên đường nhập ngũ thì nhận được mảnh giấy viết vội của Châu: “Hai giờ chiều nay. Lâm đến chỗ mình nhé. Mình nhận được giấy rồi. Nhớ đến đấy”. Tôi nghĩ: “Chắc lại giấy gọi vào đại học”, vì lớp tôi có người đã nhận được giấy gọi vào Bách khoa, Giao thông, Y. Chắc Châu cũng vào Y hoặc Dược, ngành đó thích hợp với nữ. Tôi muốn đến ngay chỗ Châu, nhưng nghĩ tới người bạn cùng phố chơi với nhau từ ngày còn mặc quần đùi chạy ra phố tập trận giả, nay bạn đi mà vắng mình, tôi thấy không yên tâm. Đến với Châu chậm một buổi cũng được. Chúng tôi còn nhiều thời gian để gặp nhau.
Sáng sau, mặt trời mới nhô lên khỏi những tòa nhà ở cuối phố, tôi đến nhà Châu. Một điều làm tôi sửng sốt: cánh cửa mở, không phải Châu ra đón tôi, mà một bà ở chung nhà ra nhìn tôi, cười:
- Cậu Lâm, sao chiều qua không đến? Cô ấy chờ mãi.
- Cháu bận.
Bà ta lắc đầu:
- Bận gì thì bận, bạn bè lúc lên đường phải đến thăm nhau cho vui vẻ.
Tôi trố mắt nhìn bà, tim đập thình thịch. Nhìn tôi, đến lượt bà ngạc nhiên:
- Cậu chưa biết gì à? Cô ấy có giấy gọi vào thanh niên xung phong. Đi chiều qua rồi.
Thì ra lúc tiễn bạn cũng là lúc Châu lên đường. Tôi đứng lặng ở giữa cửa.
- Bố cô ấy cũng mới đi công tác sáng nay - Bà ta tiếp - Trước khi đi, ông ấy nhờ tôi, nếu cậu đến thì nói là có bức thư của cô ấy viết cho cậu để trong ngăn bàn học.
Bà ta vừa dứt lời, tôi đi vội đến bàn học tìm thư. Tôi tìm được giấy gọi Châu vào đại học với những thủ tục cần thiết. Không rõ Châu nhận được giấy này từ bao giờ? Điều ấy không có gì để ngạc nhiên nữa! Tôi quẳng nó vào bên trong, tiếp tục lật mấy quyển sách. Chỉ vài giây sau tôi tìm thấy một lá thư viết vội vàng. Tôi hấp tấp mở ra đọc:
Lâm thân,
Cho tới lúc này mình không hy vọng gì được gặp Lâm. Chỉ ít phút nữa, bố và những người bạn tiễn mình đến địa điểm tập trung. Thật sung sướng biết bao! Nguyện vọng của mình đã được thực hiện.
Nắm chặt tay Lâm. Chúc Lâm nhanh đạt được nguyện vọng…
Hôm ấy tôi đọc đi đọc lại lá thư đến bao lần. Những dòng chữ Châu để lại cho tôi có một sức sống mãnh liệt. Tôi đi trên hè phố rầm rập bước chân, âm vang bài ca diệt giặc Mỹ, người tôi rạo rực, thấy đâu đấy Châu đang bước bên tôi với đôi mắt rực sáng.
Mùa hè đó, tôi có giấy gọi vào đại học, trái hẳn với nguyện vọng của tôi. Có lần tôi được ghé về Hà Nội, tuy được ít ngày, tôi cũng đến trường cũ. Truờng sơ tán vắng tanh. Tôi thấy yêu trường tha thiết, yêu mãnh liệt hơn xưa. Tôi yêu tòa nhà đồ sộ có cửa sổ sơn màu nâu, nhìn ra mặt nước Hồ Tây lấp lánh. Tôi yêu màu đỏ chói của hoa phượng rực rỡ dọc đường Thanh Niên. Tôi yêu vườn hoa sau trường có chiếc ghế đá xinh xắn, có con đường rải sỏi, có kè đá với những đợt sóng mềm mại làm dập dềnh những chiếc thuyền câu bé nhỏ... Bạn bè tôi đã bay đi khắp nơi, khắp nẻo đường của Tổ quốc, mà giờ như đang còn đuổi nhau dưới bóng lim...
Học xong năm thứ nhất, tôi được chuyển làm công tác thông tin trong hải quân. Thật thú vị và đúng nguyện vọng của tôi biết chừng nào. Tôi lao vào công tác rất say sưa. Trên những đoạn đường của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, nhiều lần tôi nghĩ đến Châu. Châu hiện ra trước mắt tôi với đôi mắt nghiêm nghị, với hàm răng bóng loáng.
Cuộc kháng chiến của nhân dân ta càng gần thắng lợi lại càng ác liệt. Mẹ và em gái tôi sơ tán xa. Bố Châu là cán bộ cao cấp trong quân đội đi công tác vắng bặt. Tôi và Châu chẳng còn biết tin tức của nhau. Tuy vậy, tôi tin rằng Châu vẫn nghĩ đến tôi. Và, tôi đã từ chối bao tình cảm của những cô gái khác để chờ Châu. Bởi tôi tin, rất tin.
Nhưng một tin làm tôi choáng váng. Một bạn học năm xưa mới liên lạc được đã viết thư cho tôi: “Châu đã hy sinh. Một mảnh rốc-két đã trúng vào Châu, khi Châu làm nhiệm vụ”.
*
Một ánh chớp chói sáng xuyên qua kẽ liếp. Tôi vẫn ngồi trên chiếc ghế tre bên bếp than sáng rực.
Ngoài kia mưa vẫn rơi, có phần thưa mưa hơn. Tiếng ô tô không ngớt. Hình ảnh cô gái có bàn tay nhợt nhạt héo đi trong mưa lạnh vẫn hiện lên cùng với những luồng suy nghĩ dằng dặc. Tôi lại tự nhủ: “Châu không còn! Đây chỉ là một sự nhầm lẫn”. Sau tin Châu hy sinh, bạn bè có người viết thư bảo tôi là Châu chỉ bị thương đã ra viện, hiện giờ công tác ở đâu không rõ. Có người nói Châu vẫn ở mặt trận giao thông vận tải. Tôi không tin điều ấy, cho rằng bạn bè đã nhận thấy giữa tôi và Châu có một cái gì đấy, nên viết thư động viên tôi thôi.
Tôi đang mải suy nghĩ thì giữa khung cửa hiện lên một người lù xù trong chiếc áo bạt sũng nước. Qua ánh chớp, tôi nhận ra khuôn mặt bầu bĩnh của cô gái khi nãy. Ánh đèn pin lướt nhanh, cô gái kêu lên:
- Anh vẫn ngồi ngoài khi nãy. Sao không vào gian trong?
Tôi đứng dậy mỉm cười, bộ quần áo ẩm dính vào người khó chịu:
- Ngồi đây cũng tiện, cạnh bếp, quần áo sắp khô rồi đấy.
Cô gái nói như trách móc:
- Em đã bảo vào “lâu đài” của chúng em, anh tự do.
Và cô đi thẳng vào gian trong, tay đẩy tung cánh cửa bằng nứa đang rung lên bần bật:
- Anh vào đây. Có cần nước nóng không?
Tôi từ chối, chuẩn bị đi. Cô gái nói như ra lệnh:
- Vẫn mưa! Anh mà dầm mưa lần nữa, thế nào cũng ốm đấy. Sắp tạnh rồi. À, có nước đây anh ạ.
Tôi vào theo. Cô gái chỉ cho tôi ngồi xuống chiếc giường bằng nứa. Xong cô rọi đèn pin đi về góc nhà, lấy ca rót nước. Nhìn gian nhà sơ sài như một cái quán bên đường, tôi hỏi:
- Chị ở đây à?
Cô gái đưa cho tôi ca nước và cười:
- Cũng như anh thôi, sao mọc em đến, sao mọc lại đi. Ban ngày “Giôn” nó hỏi thăm luôn. À, anh có giận chị khi nãy không?
Tôi lắc đầu:
- Cô Sao ấy à? Không.
- Ừ, đừng giận chị ấy. Chị ấy là ngôi sao sáng nhất của chúng em đấy. :
Tôi vô cùng ngạc nhiên, hỏi một cách khéo léo:
- Thế ra Sao không phải là tên thực?
Cô gái mỉm cười gật đầu.
- Những người gác tuyến đường này đều tên là Sao. Cả em nữa. Anh có thấy ngọn đèn xanh trước cửa kia không? Những người lái xe gọi chúng em là Sao đấy.
Tôi đặt ca nước xuống giường, nhìn cô gái:
- Sao đứng gác!
- Chúng em ngượng lắm. Chẳng xứng thế!
Tôi quả quyết:
- Còn hơn thế nữa!
Và bất chợt câu chuyện khi nãy lại bùng lên. Cô ta không phải tên là Sao, vậy cô ta là ai? Có phải Châu không? Câu hỏi đó làm tim tôi đập mạnh, người nóng bừng như có ngọn lửa thiêu cháy.
Qua ánh đèn pin được che khuất một lần vải, tôi thấy chiếc mũ vải bạt của cô gái hất ra phía sau, khuôn mặt bầu bĩnh, mái tóc đen như mun bị nước mưa bết lại. Cô tiếp:
- Chị “Sao” khi nãy anh gặp là tổ trưởng của em đấy. Khi chị ấy được điều về đây, người còn yếu lắm, nhưng đã đòi ra mặt đường. Chúng em ngăn thế nào cũng không được. Có lần chị ấy bị hơi bom hất vào bụi, nằm ngất luôn. Chúng em tìm mãi chẳng thấy. Sáng sau, không rõ chị ấy tỉnh dậy khi nào mà đã bò về, nằm gục dưới chân ngọn đèn xanh kia kìa.
Cô gái chỉ ra ngoài và tiếp:
- Chưa bao giờ em thấy chị ấy viết thư cho ai, và cũng chẳng nhận được thư ai bao giờ. Anh có phải người Hà Nội không? Chị ấy cũng là người Hà Nội đấy!
Nghe cô gái nói, người tôi bỗng run lên. Tôi hỏi gấp:
- Giờ chị ấy đâu?
- Lại đi rồi, tới một trạm gác khác. Có thể đêm mai, có thể tuần nữa mới trở lại.
Tôi toan hỏi tên, nhưng tiếng còi ô tô bên ngoài đang réo lên ầm ĩ, tiếng máy nổ rầm rầm. Cô gái vội vã chụp chiếc mũ vải bạt lên đầu:
- Em phải đi đây. Tạm biệt.
Rồi cô lao ra cửa, quay lại:
- Khi nào qua đây, anh rẽ vào chỗ chúng em nhé.
Cô gái biến mất. Tôi đứng dậy, sững sờ, không kịp hỏi hoặc nói một câu. Tôi lao ra ngoài. Cô gái biến đâu trong cái ồn ào, tối sáng của con đường. Biết tìm đâu bây giờ? Đã đến lúc tôi phải lên đường. Công việc khẩn cấp, không thể dừng lại được.
Mưa tạnh, bầu trời sáng dần. Một vài vì sao lấp lánh trên đỉnh đầu. Bên ngã ba đường, ngọn đèn xanh thẫm hơn. Tôi nghĩ đến Châu, đến cô gái vừa rồi. Không, Châu vẫn còn ở bên tôi trong cuộc chiến đấu. Bởi vì, không thể nào khác được. Ngọn đèn xanh vẫn đứng kia, bình tĩnh, gan góc, đứng gác cho những đoàn xe nối nhau ra trận...