Giờ toán hôm nay Nga giảng thấy hồi hộp, khác những ngày thường. Có đoạn cô nói ngắt quãng, không được tự nhiên giống như ngày đầu tiên lên bục giảng. Cô dạy đã ba năm, bài này đã giảng nhiều lần nhưng sao có công thức cô còn quên nữa. Nga thầm nhủ phải trấn tĩnh và nói cho lưu loát hơn. Cô nhìn xuống cuối lớp và hiểu vì sao hôm nay cô diễn đạt không được như mọi ngày. Giữa những cặp mắt trong sáng của các em đang theo dõi từng cử chỉ của cô, còn có một đôi mắt trắng đục như hơi nước của một anh thương binh ngồi ở hàng ghế cuối lớp nghe cô giảng. Những lúc cô nói bình thường, đầu anh cúi xuống. Mái tóc dày cứng đã sém lại vì sương gió nổi bật giữa những mái tóc đen óng mềm mại của các em. Chỉ đoạn nào cô diễn đạt không tự nhiên anh mới ngẩng lên, cặp mắt trắng đục chớp chớp, đôi mày khẽ nhíu lại như lo ngại cho cô.
Hết giờ, học sinh túa ra sân. Anh thương binh đứng dậy, mắt vẫn mở trân trân, tay cầm gậy lần lần mép bàn đi ra hành lang. Nga vội thu tập giáo trình đi đến gần.
Các em học sinh đang đùa trên hành lang, giãn ra nhường lối cho anh và cô giáo. Tiếng chào ríu rít:
- Chào cô ạ!
- Chào chú ạ!
- Chào chú, chào cô ạ.
Một cậu học sinh có mớ tóc rối bù và đôi mắt nhanh nhẹn chạy trước khép những cánh cửa chắn ngoài hành lang, sợ anh thương binh vấp phải.
Anh thương binh mỉm cười, mặt vẫn hướng về phía trước, tay trái thu chiếc gậy lại:
- Chào các cháu!
Nga vẫn đi sau anh một bước. Gương mặt cô hồng hào, đôi mắt sáng nhìn các em mỉm cười như thầm nói với từng em những suy nghĩ không mạch lạc của cô.
Ra đến đầu lớp học, chiếc gậy hèo bạc trắng nhẵn bóng trong tay anh thương binh khua về phía trước tìm chỗ bước. Nga bước kịp anh:
- Bậc lên xuống đấy anh ạ.
Hai người ra khỏi cổng trường và sóng vai nhau đi lên đường Yên Phụ. Nga đi gần mép đường. Anh đi bên trong, chiếc gậy thỉnh thoảng mới gõ trên mặt đường cốc cốc. Đầu Nga cúi xuống, tim cô đập chậm nhưng rất mạnh. Mỗi tiếng vang lại gợi cô nhớ mảnh đất riêng năm xưa của hai người. Cô vẫn tưởng rằng nếu cô ngẩng lên thì đôi mắt anh vẫn nhìn thấy sự bối rối trên nét mặt cô như mấy năm trước.
Lên mặt đê, cô đi sát anh hơn. Anh nghe thấy cả hơi thở dồn dập của cô. Không quay lại phía cô, anh nói:
- Em giảng hôm nay hình như không được tự nhiên lắm.
Nga gật đầu, ánh mắt bừng lên nhìn anh:
- Không hiểu sao, có anh dự giờ em thấy thế nào ấy. Anh có nhận xét gì về bài hôm nay không?
- Theo ý anh sau những công thức em nên cho thêm thí dụ để minh họa. Có thế các em học sinh về làm bài tập nó mới không bị ngỡ ngàng.
Nga lặng lẽ đi bên anh. Nghĩ tới những ngày sắp đến cô thấy lòng xôn xao. Một cái gì đó rất nhẹ nhưng thấm sâu làm cô rạo rực. Anh lại sắp trở về chỗ đứng của anh, nghề dạy học. Dạy cho các đồng chí cùng hỏng mắt như anh. Nhìn bãi Phúc Xá ngộp những tán lá xà cừ, nắng nhoáng lên vàng rực, đột nhiên cô nghĩ tới những năm trước anh đi bên cô, rồi nói: “Cây sắp thay áo rồi đấy”.
Nga khẽ hỏi:
- Anh đã “đọc” lại phần hôm qua chưa?
- Anh đọc rồi. Nhưng phải sắp xếp và thêm bớt một vài chỗ.
Nga ngạc nhiên:
- Em tưởng như vậy là hoàn chỉnh rồi. Đấy là giáo trình mới nhất của thầy Điện dạy mình ở Trường Tổng hợp đấy.
Anh cúi xuống, nén một tiếng thở dài và buông từng tiếng nhỏ buồn bã:
- Giáo trình soạn cho những người mắt sáng không thể sử dụng cho những người mù như anh được.
Trong các câu chuyện Nga rất tránh, để không bao giờ động đến những nỗi buồn lắng sâu trong lòng anh nhưng vô tình vẫn chạm phải. Nga thấy mình như có lỗi. Cô muốn nói điều gì đó thật chân thành để xoa dịu nỗi buồn vừa trỗi dậy trong lòng anh, nhưng rồi, cô thấy mọi lời nói đều trở nên vô nghĩa mà chỉ có ánh mắt cô mới thể hiện được những điều cô nghĩ. Nhưng, một người mù như anh làm sao có thể thấy được những điều đó trong mắt cô. Người mù chỉ nhìn thấy những điều họ nghĩ.
Nga đặt bàn tay mềm ấm của mình lên bàn tay anh đang nắm trên đầu gậy, lay lay như muốn nói: “Anh Toàn, anh không hiểu là lúc nào em cũng ở bên anh hay sao?”.
Anh quay lại phía cô. Cặp mắt trắng đục như hơi nước mở trân trân, mi mắt rung rung. Và, từ phía đuôi mắt một giọt nước bỗng dào ra, lăn ướt trên gò má tai tái của anh. Đôi mắt như muốn nói: “Em có thấy khổ tâm khi đi bên anh không?”.
*
Bốn năm trước Toàn là sinh viên Trường Đại học Tổng hợp. Anh học toán. Suốt mấy năm học anh tỏ ra là một sinh viên có nhiều khả năng. Anh giải và viết bài cho Báo Toán học tuổi trẻ. Tham gia nghiên cứu một số chuyên đề của toán học hiện đại và cùng một giáo viên mạnh dạn dùng toán học lập ra những phương trình, giải quyết khó khăn về sản xuất cho một số nhà máy. Thầy dạy bảo anh: “Một sinh viên có nhiều triển vọng”. Bạn bè bảo anh: “Có con mắt thông minh”. Riêng Nga, người bạn gái cùng lớp cũng thấy vậy, nhưng còn thêm: “Anh ấy có đôi mắt đẹp”. Và chắc chỉ có cô mới nhận thấy điều ấy.
Hết năm học thứ nhất, anh và cô tuy không nói ra nhưng cả hai đều có ý tìm đến nhau để nói một chuyện gì đó, rất riêng. Nhưng tới lúc gặp nhau họ chỉ nói đến các danh nhân của thi ca, của toán học mà bất cứ một sinh viên nào cũng có thể nói đến được. Cũng có hôm ngồi trong hội trường, đối diện nhau nói thì thầm và cùng nắn nót viết tên mình lên chung một tờ giấy.
Toàn rất thích nghe ca nhạc với Nga. Những đêm biểu diễn ở vườn hoa Chí Linh, Nhà hát lớn của thành phố ít khi anh vắng mặt. Nhưng thỉnh thoảng Nga mới nhận lời vì cô rất ngại gặp các bạn cùng lớp khi đi với anh.
Khi anh nói:
- Tối nay đến chỗ anh cùng đi nhé?
Nga từ chối. Toàn tỏ ra không vui. Nga hiểu và muốn để anh quên chuyện vừa rủ cô đi nghe ca nhạc buổi tối, cô mỉm cười:
- Sáng mai Nga đến, Nga cho Toàn một thứ rất thích.
Sáng sau cô đến thực. Cái rất thích ấy có khi chỉ là một nắm quả bạch đàn, không biết Nga nhặt ở đâu. Anh ngạc nhiên nhìn nắm quả khô quăn queo trong tay cô. Cô để nắm quả lên mặt bàn rồi vui vẻ giải thích:
- Mỗi quả khô này trong lòng nó có hai ngôi sao. Anh cứ tẽ đôi một quả mà xem.
Nga tẽ thử một quả. Trong lòng mỗi nửa hiện lên hình ngôi sao năm cánh, mỗi cánh là một hạt quả bạch đàn màu tím sẫm. Anh tẽ nhiều nữa, để khắp mặt bàn và thú vị ngắm những ngôi sao, nhưng thú vị hơn vẫn là ý nghĩ: “Tại sao Nga lại tìm ra được những ngôi sao ấy”.
Cũng có khi cái thích ấy chỉ là vài bông hoa cỏ, cánh mỏng tang ươn ướt. Nga cắm vào chiếc lọ nhỏ đặt ở thành cửa sổ. Cũng có khi Nga đến với anh và không mang theo gì. Cô hiện ra ở cửa và cười với anh, đôi mắt có con ngươi màu nâu ánh lên như nắng. Cô đến bên giá sách, những ngón tay mềm mại lần lần trên giá sách của anh. Anh nhìn cô, lòng tràn ngập một cảm giác sung sướng. Câu “Sáng mai Nga đến, Nga cho Toàn một thứ rất thích” chỉ là câu từ chối của cô khi anh muốn đi chơi với cô một buổi tối thì lại thành những buổi sáng có nhiều kỷ niệm tươi đẹp, trong sáng. Phải, sáng nay cô có đem đến cho anh cái gì đâu? Nhưng sao anh lại thấy cô đem đến cho anh nhiều quá.
Những ngày ấy qua nhanh, xếp lại trong suy nghĩ thành kỷ niệm. Chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ tràn ra miền Bắc. Trường sơ tán. Những năm học tiếp theo khẩn trương. Năm học cuối anh có giấy gọi nhập ngũ.
Trong thời gian luyện tập, anh là xạ thủ số một của tiểu đoàn về sử dụng loại súng AK. Đường ngắm anh lấy nhanh và bắn trúng đích. Sau đợt huấn luyện ngắn ngày anh chuyển sang một tổ đài quan sát thuộc trung đoàn pháo. Anh vẫn sử dụng khẩu AK cùng với hai người nữa bảo vệ một đồng chí giữ chiếc máy thu phát 2 oát. Nhiệm vụ của tổ đài quan sát là dự đoán, phát hiện và báo ngay về cho đơn vị nơi đổ quân của bọn Mỹ - ngụy sau lưng ta hòng giải vây cho những cứ điểm đang bị ta vây hãm, hoặc đánh thọc vào vùng chuyển quân của ta. Dấu giày của anh đã in trên nhiều mảnh đất khác nhau.
Những đêm sâu nằm trong hầm tối nghe tiếng động của rừng. Những ngày nắng chói chang nằm trong bụi cây dại giữa vùng đồi trọc nhấp nhô như sóng đã được đánh dấu trong tọa độ bắn chờ địch đến. Và, chỉ có những lúc chờ đợi ấy, trong óc anh mới thoáng hiện lên hình ảnh ngày trở về với người thân, bên Nga, người bạn gái yêu dấu cùng với những công việc anh đã từng theo đuổi...
Nhưng đôi mắt anh, ánh sáng không còn nữa.
Hôm ấy vào buổi sáng, giữa một trận pháo kích của ta đang dồn dập giáng vào bãi đổ quân của giặc Mỹ. Tổ đài quan sát của Toàn đang bám sát đội hình địch. Chúng xô sang hai bên, rồi dồn lại thành từng cụm giữa những khoảng trũng của hai quả đồi. Những chiếc máy bay lên thẳng mới đến chưa kịp đổ quân vội nâng bổng lên. Tiếng động cơ ầm ầm lẫn với tiếng nổ liên tiếp của pháo làm mặt đất như một con thuyền gặp sóng, chao đi chao lại. Hai chiếc OV-10 cứ rà rà đan nhau sát trên hàng cây tìm điểm phát sóng của ta. Tổ đài quan sát của Toàn bị lộ. Hơn một trung đội lính Mỹ rượt theo. Nhưng ba tay súng bảo vệ máy đã bắn bọn chúng nằm dán xuống mặt đất. Pháo của ta vẫn nổ. Đồng chí giữ máy vẫn can đảm ngồi nép vào một gốc cây, gọi như quát lên điều chỉnh pháo nã vào giữa đội hình của địch.
Một thằng lính Mỹ phát hiện ra đồng chí giữ máy. Lập tức nó len lét, bò một cách vụng về nấp sau một mô đất. Cái mũ sắt từ từ ngóc lên đồng thời mũi súng cũng ló ra, rê về phía đồng chí giữ máy. Nó thao tác xạ kích rất chính xác. Đôi mắt to trong hai hố mắt khẽ nheo lại.
Nhưng đấy cũng là hình ảnh cuối cùng Toàn nhìn thấy. Hai viên đạn chưa ra khỏi nòng súng thì một cột khói bùng lên trước mặt anh. Anh mất thăng bằng, loạng choạng toan gục xuống thì một người nào đó đã nâng anh lên. Và, anh thấy mình như đang bay, chơi vơi. Rồi cảm giác ấy qua cũng nhanh, anh thấy mình bị rơi, rơi mãi.
Từ hôm ấy mắt anh bị hỏng mặc dù đã được các bác sĩ quân y tận tình cứu chữa.
Tỉnh dậy Toàn được nghe lại: Nếu không có tổ trinh sát của đơn vị bạn đến giải vây thì tổ quan sát của anh cũng khó mà trở về được đơn vị.
Những ngày đầu về trại an dưỡng, Toàn vẫn thấy cuộc chiến đấu như mới diễn ra ngày hôm qua nhưng cũng có lúc anh lại thấy như lâu lắm, xa lắm rồi. Cái cảm giác đầu tiên của người mù là khó phân biệt về thời gian. Đối với Toàn những ngày đầu mất ánh sáng là cả sự căng thẳng của trí não. Anh phải sống bằng phán đoán. Anh trằn trọc suy nghĩ nhiều nhưng lại chẳng có một điều gì rõ rệt. Đối với anh ngày và đêm không có gì khác biệt. Có lúc mặt trời bừng tỉnh giữa đêm. Có lúc anh lại thấy ánh trăng trải mênh mông giữa buổi trưa. Ngày là lúc anh suy nghĩ. Đêm là lúc mệt quá, thiếp đi. Có buổi vì suy nghĩ quá căng thẳng đầu anh ù ù như có trận gió ào đến, đỉnh đầu mạch máu giật mạnh, muốn đứt. Mồ hôi vã ra nhưng người anh vẫn lạnh ngắt. Anh phải nằm mất ba, bốn ngày.
Nhưng rồi cuộc sống bình thường của người mù đã trở lại. Anh dần dần phân biệt và sắp xếp tiếng động để đánh dấu thời gian. Những hình ảnh từ ngày mắt anh còn sáng vụt trở về khi nghe thấy tiếng động bây giờ.
Buổi sáng là tiếng đài phát thanh điểm báo ra trong ngày, là tiếng cọt, cọt, khật của những chiếc chân giả đi lại trong phòng; rồi tiếng nước đổ vào chậu, tiếng lách cách của thìa va vào thành cốc. Rồi nắng lên, và tiếng chim ríu rít, đua nhau trên những lùm cây vải quanh nhà. Xa chút nữa, ngoài hồ là tiếng lạch cạch của mái chèo đập vào mạn thuyền dồn cá. Trưa đến, không gian lặng đi, chỉ có tiếng trở mình trằn trọc của mấy đồng chí thương binh cùng phòng. Có đồng chí không ngủ được ra sau nhà ngồi dưới gốc vải nói chuyện. Còn buổi chiều bao giờ cũng hối hả, tiếng gọi, tiếng nói chuyện từ nhà này qua nhà kia. Tiếng cười vô tư, tiếng giả một đoạn chèo í ới... i... i rồi hàng chục tiếng họa theo.
Nhưng lúc đã ổn định được về thời gian thì Toàn thấy thời gian đi một cách nặng nề. Hầu như các đồng chí thương binh mỗi người đều tìm được một việc làm thú vị. Người nhận làm đồ chơi cho các em. Người lại ngồi đan rổ hoặc cạp rá cho nhà bếp. Hoặc dạy học cho nhau. Riêng Toàn, anh không có bàn tay khéo léo để làm những việc ấy và mắt anh cũng không còn sáng để đọc sách báo cho anh em nghe. Điều đó làm anh bứt rứt. Đêm đối với anh quá dài. Anh ngủ mãi, tỉnh dậy mấy lần vẫn chưa hết đêm. Anh đang thức để suy nghĩ chờ sáng vậy. Trong đêm sâu anh tự hỏi: “Chả lẽ cứ sống như thế này mãi? Đành rằng Đảng, nhân dân nuôi mình và mình sống thế này là hợp lý. Nhưng cứ thế này mãi à? Để chờ đợi một điều mà những người sống không bao giờ mong nó đến. Vô vị quá”.
Từ ngày về đây anh mới viết một lá thư báo cho mẹ biết. Mẹ đến thăm anh nhiều lần, kể cho anh nghe về gia đình. Đôi khi mẹ nhắc đến Nga, người đang yêu anh và chờ anh trở về. Mẹ nói đến sự chăm sóc của Nga với gia đình và chờ tới khi nào... Toàn khẽ nhíu lông mày mẹ mới thôi. Lúc đó, giọng mẹ đổi khác:
- Nhưng mẹ vẫn chưa nói gì với nó là con đã ra…
Không phải Toàn không nghĩ đến Nga mà lúc này anh càng nghĩ đến Nga nhiều hơn. Hình ảnh năm xưa hai người sống bên nhau càng hiện lên tha thiết bao nhiêu thì càng làm anh đau đớn bấy nhiêu. Nga là cô gái đầu tiên đến với anh, nhưng giờ anh đã quyết định sẽ xa cô. Anh mong Nga tàn nhẫn với anh. Cô cứ đi tìm một cuộc sống khác. Đâu có phải chỉ vì một chút ít kỷ niệm để rồi bắt Nga phải sống bên anh, một người mù. Quyết định xót xa ấy đã làm anh sung sướng.
Nhưng rồi Nga vẫn biết và đến với anh. Nga dạy học ở một trường cấp hai trong nội thành. Mới nghe tiếng Nga hỏi mấy đồng chí thương binh ở đầu lán, Toàn đã nhận ra cái tiếng quen thuộc của mấy năm trước, ngực anh bỗng dâng lên một niềm tin tưởng. Một cảm giác sung sướng, hồi hộp lan khắp người. Anh với chiếc gậy ở đầu giường toan chạy ra đón Nga. Nhưng khi tiếng chân Nga dừng ở cửa, anh chỉ đứng dậy, bàn tay nắm chặt đầu gậy, đôi mắt trắng đục mở căng, đôi mày nhíu lại.
Tiếng Nga như một tiếng nấc:
- Anh Toàn! - Lần đầu tiên, từ khi hai người yêu nhau cô gọi anh bằng anh.
Và cô chạy lại nắm bàn tay anh đang vo tròn đầu gậy. Anh thấy cả ngực Nga thở dồn dập bên cánh tay. Mấy đồng chí thương binh lảng ra đầu lán.
Toàn muốn nói: “Em, anh mong em vô cùng” nhưng không hiểu sao anh lại hỏi:
- Sao em biết anh ở đây? - Cũng lần đầu tiên anh gọi cô bằng em. Tiếng em nghe ngỡ ngàng, trong và vang.
Nga xúc động:
- Sao anh giấu em? Anh ác quá! Anh không thương em!
Sau lần ấy Nga đến với anh luôn. Ngày nghỉ cô đến bên anh suốt ngày, đọc sách rồi kể những chuyện ở trường cho anh nghe.
Anh em thương binh bị hỏng mắt rất thích nghe Nga đọc truyện “Ruồi trâu”, “Người nhạc sĩ mù”. Còn những đồng chí khác thì nhờ Nga mua cho những thứ mà các anh ưa thích. Lâu lâu Nga trở thành người bạn thân thiết của trại.
Toàn không còn tư lự như những ngày trước nữa. Vài ngày Nga không đến, anh mong, anh chờ đợi bước chân Nga. Tiếng bước chân Nga không thể lẫn với tiếng bước chân người nào khác được. Nhưng nhận ra được sự chờ đợi của mình anh lại lo sợ.
Trong các câu chuyện Nga đều có hướng khơi dậy trong lòng anh nghề dạy học. Nghề mà từ trước anh đã từng mơ ước. Đồng chí hiệu trưởng trường thương binh hỏng mắt hiểu được khả năng và nguyện vọng của anh cũng gợi ý với anh nên trở về với nghề. Giảng dạy cho những đồng chí cũng bị thương tật như anh. Anh thấy hào hứng nhưng lại nhận lời một cách dè dặt. Bởi vì, đối với anh cái khó không phải là khi truyền đạt trên lớp mà là, làm sao có thể hoàn thành được một tập giáo trình toán cấp hai của riêng anh. Bằng một loại chữ của người mù.
Hiểu được nỗi băn khoăn của Toàn, Nga cương quyết:
- Em tin anh hoàn thành được.
Nga sung sướng lao vào tìm tài liệu và những sách cần thiết để Toàn có thể soạn một giáo trình toán cấp hai hoàn chỉnh. Sự chuẩn bị nhanh chóng và lòng quyết tâm của Nga làm Toàn thêm tin tưởng.
Công việc đầu tiên của Toàn là học chữ nổi. Một loại chữ của người mù. Việc nhận biết mặt chữ không lâu. Cái khó là “viết” ngược lên mặt giấy cứng. Có ngày cặm cụi. Toàn chỉ “viết” nổi một trang, trong khi đó công thức cứ kéo đến chồng chất. Có khi anh phải bỏ cả buổi, chờ Nga, chỉ vì một vài cách chứng minh anh không nhớ nữa.
Lúc ấy, Toàn dễ cáu bẳn và sẵn sàng để cho nỗi đau đớn đến giày vò cơ thể.
Có đồng chí thương binh cùng phòng bảo anh:
- Cậu nên tìm việc khác thích hợp để đỡ tốn sức hơn.
Toàn không nói gì, nắm chiếc gậy xăm xăm đi ra hành lang, người anh va đánh sầm vào cánh cửa. Anh cứ đi. Tới bãi cỏ đầu dãy nhà anh đứng sững lại. Có tiếng chim, tiếng lích rích của những con chim sâu chắc đang chuyền trong khóm lá đâu đây, cả tiếng lá va vào nhau lao xao trong gió. Xa nữa, là tiếng ồn ào của đường phố. Cái thứ tiếng ồn ào muôn thủa từ ngày thơ anh đã nghe... Anh hít gió cho căng lồng ngực rồi thở ra rất chậm và nhẹ. Anh bước đi từng bước, nghe thấy rõ cả tiếng vang của bước chân mình. Tiếng thứ nhất gọn và mất đi nhanh, tiếng thứ hai, tiếng thứ ba rồi những tiếng tiếp theo đều đặn như một lời nói của người bạn. Anh tự nhủ: “Mới có vậy đã nản à? Rút lui đi! Đây là một việc tự nguyện. Giống như tình yêu. Yêu đấy, đâu có phải đến vì lời hứa. Hãy tìm việc gì khác, thật đơn giản và gắn bó, để rồi không bao giờ phải khổ nữa”.
Chính ý nghĩ ấy lại thôi thúc anh phải trở về với công việc đang làm, trở về với mong muốn của Nga.
Từ khi ra trại an dưỡng, anh đã về trường thương binh hỏng mắt trong thành phố, cách trường cô không xa lắm. Nên ngoài giờ giảng dạy cô chỉ đến với anh. Cô đọc toàn bộ chương trình toán cấp hai một cách hệ thống để anh ghi lại. Thầy giáo cũ, các bạn cùng nghề biết tin anh muốn trở lại nghề đều đến thăm và khuyến khích. Có thầy cho anh tập giáo án mới soạn. Có bạn cùng lớp là công nhân, nhìn bản đặt dòng của anh làm bằng miếng tôn quá dày đã làm cho anh bản khác bằng đồng lá rất nhẹ. Có lần đến, Nga vui mừng báo tin cho anh sắp có loại giấy bằng ni lông dùng cho người khiếm thị, rất mỏng.
Toàn càng được cổ vũ, làm việc không kể đến thời gian để hoàn thành tập giáo trình. Đồng chí hiệu trưởng nói với anh: “Lãnh đạo hy vọng đây là tập giáo trình hoàn chỉnh nhất dùng cho những đồng chí hỏng mắt của trường”. Toàn nắm tay đồng chí hiệu trưởng, muốn nói: “Tôi sẽ cố gắng hết sức”. Ánh sáng như trở lại dần dần với anh. Anh tự nhủ: “Mù đâu phải đã hết. Mù chỉ là bắt đầu một cách sống khác”.
Nhưng tập giáo trình gần đến ngày hoàn thành thì cái suy nghĩ: “Anh sẽ xa cô”, lại cựa quậy và trỗi dậy. Một lần vô tình anh nghe được câu chuyện của hai người thương binh.
- Liệu cô ấy có định sống với cậu Toàn không?
- Có trường hợp nào như thế không nhỉ?
- Đâu có trong một cuốn tiểu thuyết, còn thực tế mình chưa gặp. Một cô gái có trình độ, chắc chắn là xinh nữa, ai lại quyết định sống với một người mù!
- Cũng có thể chứ, vì cô ấy có vẻ quyến luyến cậu Toàn lắm.
- Cho rằng cô ấy đến đây luôn, nhưng đến có phải vì yêu không? Hay vì thương? Hay vì sợ dư luận?
- Ừ! Biết đâu nhỉ - Toàn đau khổ suy nghĩ - Những ngày vừa qua cô đến với anh chỉ vì sợ dư luận của những người xung quanh? Nếu không, cũng chỉ là tình thương. Thương hại một người mù! Có vậy Nga cũng chẳng đáng chê trách. Người ta phải nhìn lên. Anh cố giữ lại, đấy chỉ là lòng ích kỷ. Mà sao lại giữ nhỉ? Anh đã quyết định rồi. Ngày cuối cùng hoàn thành tập giáo trình cũng là ngày anh sẽ nói với Nga điều ấy.
*
Nga đang giảng bài thì bác thường trực rụt rè gõ vào cánh cửa:
- Cô Nga ơi. Có điện gọi cô đấy.
Nga vội xin lỗi các em học sinh và ra khỏi lớp. Ai gọi điện cho cô? Gọi vào giữa lúc cô đang có giờ lên lớp! Sau một lúc ngạc nhiên cô quả quyết: “Chỉ có anh”.
Sáng nay Nga đọc cho Toàn phần cuối cùng của tập giáo trình. Anh ghi phác vội vã từng đề mục chuẩn bị cho buổi chiều viết lại. Ghi xong, tay anh run run lần trên giấy tra lại. Đầu anh hơi nghiêng, tai anh như lắng thấy tiếng nói của chữ. Rồi anh ngồi thừ ra, đôi mắt trắng đục mở găng quay về phía cô. Đôi mắt ấy Nga thấy anh muốn nói: “Em có biết chiều nay khi viết xong dòng cuối cùng anh sung sướng thế nào không?”. Nhưng cũng đôi mắt ấy Nga thấy một điều khác nữa. Điều ấy không phải giờ Nga mới thấy mà những ngày vừa qua cô luôn thấy nó lởn vởn trên gương mặt anh, đến giờ thì nó đứng lại rõ nét. Anh ấy, sẽ nói đây. Nhưng, Toàn đã cúi xuống, mạch máu ở thái dương giật mạnh, im lặng. Nhưng chỉ tối nay hoặc cùng lắm là ngày mai thôi. Anh sẽ nói đến điều ấy. Điều cô đã hiểu rất rõ và không muốn thấy anh nói đến. Vì, đó chỉ là những giày vò vô ích.
Nga ngạc nhiên nhưng rồi cô cũng nhận ra người gọi điện cho cô là ai. Có việc gì mà anh gọi điện cho cô thế? Xuống phòng hội đồng, cô vừa cầm ống nghe áp vào tai thì từ đầu dây đằng kia, tiếng hỏi đã dồn dập:
- Nga phải không? Anh đây, Toàn đây.
Nga nhìn quanh gian phòng, chỉ có bác thư ký đang đánh máy lia lịa. Cô dịu dàng:
- Vâng, em đây.
- Tối nay đến chỗ anh nhé… - Tiếng anh bỗng chậm lại - Anh có chuyện muốn nói với em.
Mới nghe thế thôi, Nga đã hiểu. Tối nay anh ấy sẽ nói đến điều ấy đây. Dù đã biết vậy nhưng người cô vẫn gai lên như gặp phải một cơn gió lạnh. Lần đầu tiên từ khi anh về, cô từ chối:
- Tối nay em bận.
Lập tức, đầu dây đằng kia tiếng hỏi lại dồn dập:
- Sao? Em bận à? Thế khi nào em đến chỗ anh được. Anh có một chuyện rất cần muốn nói với em.
Nga siết chặt lấy ống nghe nín lặng. Tiếng anh vẫn giục vội vã:
- Thế nào? Trả lời anh đi. Bao giờ em đến được?
Nga vẫn im lặng. Bỗng nhớ ra điều gì, cô mỉm cười, đôi mắt ánh lên tinh nghịch:
- Sáng mai Nga đến, Nga cho Toàn một thứ rất thích.