Vào mùa lũ, mặt sông rộng mênh mông. Chiếc tàu kéo ngược dòng lún sâu trên mặt nước, rì rì kéo theo sau những chiếc sà lan chất đầy xi măng.
Tôi ngồi trong buồng lái tàu kéo, hết nhìn sang bờ sông bên này lại nhìn sang bờ sông bên kia, mãi mãi cái màu xanh nhấp nhô đều đều tẻ nhạt, rồi lại bờ đất dựng đứng và bãi cát trắng nhoa nhóa trong ánh nắng chói chang, nhìn đến nhức mắt.
Không biết bao giờ mới ngược tới đập thủy điện sông Đà? Càng ngược lên, lòng sông càng hẹp lại, nước càng vuốt mạnh vào mạn tàu làm lườn sóng bên tàu càng dâng cao.
Mỏi mắt, tôi lại nhìn sang người lái tàu, đấy là một thanh niên ngoài ba mươi, mặt xương, da nâu, đôi mắt to cũng màu nâu mở đăm đăm nhìn về phía trước. Tôi đã nghe mọi người trong Công ty 3, Cục Vận vải đường sông nói về anh. Nguyễn Văn Phúc, vốn là con nuôi tàu TK-85, làm thủy thủ từ khi mới mười bốn tuổi, bơi giỏi, là tàu trưởng gần mười năm nay. Tàu TK-85 của anh đã xuôi ngược hầu hết các con sông miền Bắc, chạy ven biển, kéo sà lan chở hàng. Một điều giám đốc công ty lưu ý với tôi là tàu của anh có tải trọng hàng ki-lô-mét cao và giữ tàu an toàn trong những chuyến đi. Tôi ghi chép rất đầy đủ những chuyến đi của anh. Những chuyến chở gạo trong những năm chiến tranh ra đảo, khi vùng biển bị phong tỏa; những chuyến chở máy cồng kềnh từ cảng Hải Phòng ngược sông đến Nhà máy nhiệt điện Phả Lại, hay Nhà máy thủy điện sông Đà… Những người trong công ty coi những chuyến đi ấy của anh là niềm tự hào của những người vận tải đường sông. Bởi những chuyến đi ấy không nằm trong luật thông thường chuyên chở mà đòi hỏi phải có sáng kiến, phải táo bạo. Một cô công nhân nghề tiện trong công ty nghe tin đồn về anh, tìm đến với anh. Hai người đã lấy nhau.
Tôi chợt cười một mình, hỏi Phúc:
- Có phải cô hôm qua tiễn cậu là “chị ấy” không?
Phúc cũng mủm mỉm cười, gật đầu:
- Vâng, Hà đấy anh ạ.
Hôm qua, lúc tàu sắp rời bến, một cô gái người mảnh mai, da trắng, mắt đen rợp hốt hải chạy qua cái cầu bằng mảnh ván bấp bênh xuống tàu đưa cho Phúc một bọc giấy và dặn:
- Đêm trên mặt nước lạnh, anh mang theo cái chăn đơn để đắp.
Phúc cầm bọc chăn, không nói câu nào, hai người chỉ nhìn nhau nhưng tôi biết họ đã nói với nhau nhiều lắm.
Phúc như hiểu điều tôi đang nghĩ, anh vẫn đăm đăm nhìn về phía trước mũi tàu, chậm rãi:
- Ở cùng xí nghiệp, lấy nhau đã bốn năm, nhưng tính thời gian ở với nhau có thể tính bằng ngày anh ạ. Tôi lênh đênh trên tàu suốt.
Kể cũng phải, mỗi chuyến đi, anh và những người thủy thủ ở miết trên mặt sông hàng tháng, có khi hơn nếu gặp trắc trở bốc hàng hoặc thời tiết xấu phải neo lại vật nước chờ đợi... Anh và các bạn anh đã coi con tàu là ngôi nhà - ngôi nhà di động. Bao vất vả vui buồn đã đến với họ trong ngôi nhà di động này, và cũng ở ngôi nhà như cái lều lợp tôn trên mặt nước, lúc nào cũng rùng rùng tiếng máy nổ, chòng chành theo nhịp lắc của con sóng, hầm hập nắng và hơi máy. Nhưng cũng chính ở đây họ đã trực tiếp đóng góp sức lực vào những công trình xây dựng của đất nước...
Song, tất cả những đóng góp của anh, của những người bạn anh đang xoay trần dưới khoang tàu điều hành máy kia, tôi cứ ngỡ đấy như một lẽ tự nhiên của lớp người lao động hiện nay, ở bất cứ đâu, làm bất cứ công việc nào; và cả hạnh phúc của anh tôi chợt bắt gặp hôm qua cũng như đấy là lẽ đương nhiên. Nghĩ đến anh, trong suy nghĩ tôi cứ lởn vởn đến một chuyện tưởng như không ăn nhập gì đến những việc anh đã làm, đến chuyện anh đang lái tàu kia. Tại sao anh lại là con nuôi của tàu TK-85 này và còn là thủy thủ từ khi mười bốn tuổi? Với tuổi ấy đến cầm cái vòng cáp bằng thép để nhấc lên đã không nổi chứ chưa nói gì đến vác chạy trên boong, quăng móc vào các sà lan hoặc di chuyển trên sàn tàu khi sóng gió.
Chờ lúc anh chuyển tay lái cho người lái phụ, ngồi uống nước trên giường nằm trong buồng lái, tôi mới hỏi anh chuyện đó. Nét mặt anh bình thản, anh đưa tay vuốt vuốt mớ tóc cứng quèo nói với tôi một điều không đúng với câu tôi hỏi:
- Tôi rất thích công việc lái tàu, có lẽ từ giờ cho tới lúc già tôi cũng chẳng làm một công việc gì ngoài việc lái tàu.
- Chắc anh thích từ nhỏ?
- Đấy chỉ là một lý do. - Anh cười buồn lắc đầu như muốn xua đi một ý nghĩ gì vừa đến. - Tôi thích công việc này còn vì có một người nữa đã làm công việc này.
Thấy tôi có vẻ ngạc nhiên, môi anh lại phảng phất nụ cười vẻ muốn nói: “Anh không tin chứ gì? Thế thì tùy anh thôi”. Anh im lặng nhìn lên bờ sông, ánh mắt như đóng đinh vào một điểm. Anh đang chú ý đến một cái gì ở trên bờ, coi như không có tôi ở bên. Còn tôi cũng không hỏi anh thêm.
Tiếng máy rùng rùng êm êm, con tàu vẫn trườn đi, những chiếc sà lan vẫn lầm lũi như những con vật khổng lồ bị dắt mũi lôi ngược nước. Bỗng con tàu tạt gần vào bờ. Phúc nhổm người cao lên, anh đặt tay lên vai tôi một cách gần gũi, đôi mắt nâu chợt sáng nhìn về phía kè đá xếp thoai thoải dưới một lùm cây đa um tùm trên bờ, anh nói vội vã:
- Chính chỗ ấy đấy, lần đầu tiên tôi bước chân lên con tàu này và gặp anh ấy! Phải đến mười lăm, mười sáu năm rồi. Anh ấy lúc bấy giờ cũng bằng tuổi tôi và anh bây giờ.
- Có phải người anh nói khi nãy?
- Vâng, chính anh ấy. Anh Lâm là tàu trưởng con tàu này. Kia kìa, anh có thấy cả cái bãi cát đang bị nước ngập dần ở phía xa kia nữa không, ngày nhỏ tôi đã sống ở đấy...
*
- Vâng tuổi nhỏ của tôi đã sống gần hết trên bãi cát ấy!
Phúc kể, câu chuyện cũng tự nhiên như anh đã chỉ tay lên bãi cát và cái kè đá xếp lô xô trên bờ. Trên bãi cát là xóm chài nhỏ có vài ba chục nóc nhà nằm nấp trong những lùm cây quanh năm xanh tốt. Chỉ có cái nhà thờ quét vôi trắng là nhô cao trên lùm cây. Ở cái xóm nhỏ ấy, đàn ông làm nghề chài lưới, còn phụ nữ thì trồng dâu nuôi tằm. Bố tôi mất sớm, tôi ở với mẹ, nhà ở cạnh nhà thờ. Những buổi đi học về, vào những ngày nắng chói chang tôi và bọn trẻ trong xóm thường ra bãi cát tắm, nô đùa. Vùng vẫy chán, chúng tôi lại trèo lên những chiếc bè vó phơi nắng, hoặc nằm dài trên bãi cát sát mép nước cho sóng trườn trên da thịt và ngắm nhìn những con tàu kéo sà lan lầm lũi trên mặt nước. Nhìn những thủy thủ đi lại trên tàu và chú lái tàu ngồi trong buồng lái quay bánh lái đứa nào chúng tôi cũng có vẻ thèm muốn lắm. Riêng tôi, tôi chỉ mong nhanh lớn và có một phép kỳ diệu nào đó. Là người lái tàu. Con tàu của tôi sẽ đi khắp nơi, bến bờ xa lạ sẽ hiện ra đầy ngỡ ngàng ở một nơi nào đó, thỉnh thoảng tôi trở về khúc sông này lại thấy được cái xóm chài bé nhỏ. Cũng lạ anh ạ, mấy năm sau ước mơ và số phận như dun dủi tôi làm công cho một ông có bè vó trong xóm. Đấy là những ngày hè năm tôi học lớp 6. Tôi tự thấy mình có thể làm được việc, có thể chèo chống bè ngược lũ, có thể nạnh bè trong một vật nước kéo cá. Những đứa trẻ bên sông chúng tôi thường biết bơi sớm, như tuổi tôi có thể vượt qua sông trong mùa lũ. Tôi cũng cần giúp mẹ, mẹ tôi mỗi năm mỗi yếu. Một ngày và đêm làm việc trên bè kéo cá tôi được chia một suất, thường cá ăn không hết, mẹ tôi lại đem vào chợ ven đê bán...
Một điều cũng phải nhắc để anh lưu ý, đấy là vào những năm giặc Mỹ đã mở rộng chiến tranh phá hoại ra miền Bắc. Hàng ngày máy bay Mỹ vẫn bay qua xóm chài nơi tôi ở, tiếng bom chúng thả và tiếng súng cao xạ bắn trả của bộ đội nghe rất rõ. Tôi làm công cho ông có bè vó tên là Nhạ. Ông ở đầu xóm, có hai vợ chồng già và một đứa con gái trạc tuổi tôi còn đi học. Hai người con trai lớn của ông đã vào bộ đội. Vợ ông bị thấp khớp, đau, ốm luôn. Nhà ông sống chủ yếu nhờ vào bè vó. Cũng vì vậy ông chăm chút giữ bè và vó cẩn thận lắm. Kéo cá độ tuần lễ ông đã cho vó ăn nâu. Vó gai ăn nâu không ngấm nước, kéo róc nước nhẹ mà lại bền. Có người kéo cá chỉ được hai, ba vụ nước, chứ vó của ông cứ phải bốn, năm vụ mà vẫn còn tốt. Những sợi gai vó của ông lúc nào cũng đen nhánh, săn chắc. Còn bè ông lát bên trên một lớp ván để đi lại, cây bương không bị giập nát. Có lần tôi sơ ý để nước chảy xô mồng bè vào kè đá, ông đã nhảy lên xuýt xoa như chính ông bị va vào đá. Nhất là bộ gọng vó làm bằng bốn cây tre gai nhỏ, cứng mà lại dẻo được ông giữ cẩn thận lắm. Chưa bao giờ ông để tôi được trèo lên thang níu dây mắc vó. Ông sợ tôi làm gãy gọng. Ông thường nửa đùa nửa thật bảo tôi:
- Kéo vó mà mất gọng thì chẳng khác gì đi học mà không có bút. Không có bút thì cứ ngồi mà nghe cho tai này chạy sang tai kia. Không có gọng thì cứ mà ngồi nhìn cá nó quẫy ngay trước mũi.
Vì ông giữ bè vó như vậy nên tôi làm gì cũng cẩn thận.
Nhưng rồi sự cẩn thận của tôi cũng không tránh khỏi sơ suất. Đấy là vào một buổi chiều tối, khi tôi đang nằm ngủ trong lều cuốn trên bè thì nước nguồn bỗng đổ về đột ngột. Kể ra, ở những người có kinh nghiệm thì nhìn đầu nguồn sông ngày trước cứ thấy chớp nhằng và sấm núi sẽ biết ngay nước về. Còn tôi, không có kinh nghiệm ấy, tính lại dễ quên, lúc buổi trưa, khi ông Nhạ cắp rổ cá về, ông cũng đã nhắc tôi phải chú ý nước và trông bè cẩn thận, để tối có nước nguồn về thì kéo cá. Nước nguồn mới về, cá nheo, ngạnh, chạch chấu đi nhiều lắm. Tôi đã tận mắt chứng kiến trên khúc sông này có người chỉ kéo hai mẻ vó đã đầy giỏ. Cái giỏ dưới rốn vó cứ vít căng bốn rường làm gọng cong như cánh cung. Có người ngay mẻ vó đầu đã bắt được con chép to, cái đuôi như bàn tay, đỏ ối không xuống hết cứ loe ngoe trên miệng giỏ.
Với những người làm nghề chài lưới thì trong năm có tiền hay không đều nhìn vào nước nguồn đầu mùa này. Thế mà cả chiều đó tôi ngủ quên. Tỉnh dậy, mặt sông và bờ bãi đã nhờ nhờ tối. Tôi hốt hoảng thấy mặt sông đã rộng ra mênh mông và bè vó thì như bị ai đẩy ra giữa dòng. Buổi trưa bè của tôi còn cắm gần bờ lắm kia mà. Tôi chạy ra xem cọc nạnh. Cọc nạnh vẫn chắc nguyên cắm xuống lòng sông.
Thì ra, lúc tôi ngủ nước đã dâng lên tràn vào bãi nên cái bè của tôi tưởng như bị ai đẩy ra xa. Có tiếng nước réo đầu mồng bè, tôi lên xem, điều tôi không thể lường được: đầu mồng bè được nạnh chắc nên bị nước chảy vít xuống tràn cả lên ván lát làm trôi mất hai chiếc gọng vó mà lúc trưa tôi và ông Nhạ đã hạ xuống để chữa lại. Thế mới nguy hại! Nước nguồn đầu mùa về mà lại mất gọng! Tối nay tôi và ông Nhạ sẽ xoay xở ra sao? Tôi thì chẳng ngại lắm, vì tôi chỉ là một lao động phụ thêm thắt giúp mẹ, còn ông Nhạ, ba miệng ăn trông chờ vào cái bè vó, lại thuốc thang cho vợ ông khi ốm đau. Cứ nghĩ lại những buổi đi học về qua chơi bên ông thấy cái Tâm, con gái ông ngồi trên giường bóp chân cho mẹ và nghe tiếng rên của bà là tôi đã thấy ái ngại. Tôi chạy đi chạy lại trên mặt bè, hớt hải, nhìn mặt nước sủi ùng ục, lóa nhóa trong bóng tối các bè vó khác mọi người đang chống đẩy tìm bãi đậu, có bè đang mắc vó. Tôi càng thêm lo lắng, sốt ruột nhìn hai cái gọng vó còn lại đu đưa, gõ lách cách vào cần bè. Bỗng tôi để ý đến chiếc thuyền thúng buộc ở nạnh bị nước trôi đi làm chiếc dây thừng căng ra. Tôi bắc tay làm loa gọi sang một chiếc bè gần nhất:
- Bác Đoan ơi, nước lên lâu chư… ưa...
Từ bè ấy một tiếng đáp trả lan dài trên mặt nước:
- Mới thô... ôi… mắc vó đi... i…
Vậy là hai gọng vó mới bị trôi! Không chần chừ, tôi cởi thừng buộc nhảy xuống thuyền thúng, chiếc thuyền chành đi, nhưng đã quen với sóng nước, chèo lái tôi đã ngồi vững, bám men vào mồng bè đưa chiếc thuyền thúng đúng chỗ buổi trưa tôi và ông Nhạ đã để hai chiếc gọng vó. Phải! Tôi sẽ bắt đầu cho thuyền trôi xuôi từ chỗ hai chiếc gọng bị trôi ấy. Gọng, trôi theo hướng nào, thuyền tôi sẽ trôi theo hướng ấy. Tôi vẫn còn hy vọng là gọng vó cồng kềnh lại gập khúc ở chỗ giáp vào nhau nên sẽ không trôi nhanh bằng thuyền thúng. Mặt khác, chỉ gặp cái cọc cụp đánh cá nhô lên mặt nước cũng đủ giữ gọng vó lại.
Mới đầu chiếc thuyền trôi chậm, qua doi cát thuyền trôi nhanh hơn. Nhìn dòng sông rộng mênh mông, tôi và chiếc thuyền chỉ như cái lá vuốt đi trên mặt nước. Bên bờ những hình khối sẫm tối, nhoang nhoáng, vùn vụt lùi về phía sau. Đôi lúc mới bắt gặp một đốm lửa ẩn hiện trên bãi. Tất cả là hoang vắng, mờ tối. Chỉ có tôi trên chiếc thuyền trôi giữa dòng. Thỉnh thoảng tới chỗ xoáy, nước réo lên, chiếc thuyền đứng khựng lại, xoay tròn rồi như có một bàn tay thủy quái từ đáy sông, nâng chiếc thuyền hất ra xa xoáy nước rồi lại vùn vụt trôi. Nếu như không quen với sông nước thì chỉ một sự hốt hoảng cũng đủ để chiếc thuyền thúng chành đi, chìm nghỉm. Tới chỗ bờ lở, một vệt đen sẫm dựng đứng kéo dài, chợt một mảng đất đổ ầm xuống mặt nước cách thuyền tôi không xa làm sóng lan ra suýt lật nhào tôi xuống nước. Thật hú vía! Bởi khi nước lên sóng và nước chảy làm xói mòn bờ đất có khi làm đổ sập cả một bờ dựng đứng sừng sững như ngôi nhà hai tầng bị chìm nghỉm trong lòng nước. May mà thuyền tôi xa bờ, chứ gần thì tảng đất đó đã đè sập không những tôi mà cả chiếc thuyền lớn hơn chiếc thuyền thúng tôi đang ngồi xuống đáy sông rồi.
Không rõ chiếc thuyền trôi đã bao lâu, chỉ biết đã xa lắm. Tôi cứ chăm chăm nhìn trên mặt sông, mong gặp một chiếc cọc nào đó nhô trên mặt nước. Rồi tôi cũng chẳng nhìn thấy gì nữa! Hai bên bờ mất đâu trong tối thẫm, xòe bàn tay ra trước mặt tôi cũng chỉ thấy nhờ nhờ trắng. Tôi thất vọng, chán chường nghĩ tới lúc phải chèo thuyền dạt vào bờ kéo ngược dòng về lại bè với hai tay không. Tất nhiên, ông Nhạ sẽ to tiếng, nhưng điều đó tôi không sợ. Tôi chỉ sợ đêm nay không kiếm được cá, ông sẽ buồn, vợ ông sẽ không vui, cả cái Tâm nữa. Những người đó đã gần gũi với tôi như gia đình, tôi không muốn những người ấy phải buồn. Nhưng biết làm thế nào được...
Tôi đang suy nghĩ mông lung thì chiếc thuyền đột nhiên bị va mạnh vào một vật cứng tưởng đến vỡ thuyền và hất tôi nhào về phía trước. Một ý nghĩ vụt đến: phen này thì tôi bị hất xuống lòng sông rồi. Tôi vội cầm lấy dây buộc thuyền. Dù tôi có bị hất xuống sông thì chiếc thuyền không thể trôi được. Tôi sẽ bơi và kéo thuyền vào bờ. Nhưng lạ thật, tôi không bị hất xuống sông mà vai tôi bị va mạnh vào một vật rắn như đá. Tôi vội đứng lên đưa tay bám chặt vào cái vật rắn lạnh ngắt đó. Vật gì nhỉ? Tại sao lại nhô lên giữa lòng sông? Nước réo mạnh dưới chân tôi. Tôi giữ để đứng cho thăng bằng trong lòng thuyền rồi từ từ lần theo cái vật cứng đó và nhận ra đấy là cái mũi vát của con tàu. Tôi vội đưa tay xuống dòng nước đang bị xé ra làm hai trước mũi tàu và sướng rơn lên khi bắt gặp những vòng dây thép giáp nối giữa hai gọng, còn hai gọng vó thì bị nước vuốt về hai phía thân tàu. Phải, đúng những con tàu vẫn kéo sà lan mà hàng ngày tôi vẫn thấy trên sông. Sao nó lại neo ở đây im lìm vậy! Không, hình như trong tiếng nước réo có tiếng đàn bập bùng và cả tiếng ai đang hát. Tiếng hát như từ mặt sông vẳng lên khỏe khoắn:
Dạt dào biển mênh mông
Sóng vỗ nhịp thân tàu
Từng đoàn thuyền ta ra khơi...
Tiếng máy reo vang
Tràn ngập tình đất nước quê hương...
Rồi một ngày mai đây
Tay súng ta không rời...
Tiếng hát dù có nhỏ, nhưng trên sông nghe thật rõ. Trong lúc loay hoay lấy cái gọng vó khỏi mũi tàu, tôi làm cái gọng va mạnh vào thân tàu làm tiếng hát ngừng bặt. Có tiếng chân chạy trên sàn tàu rồi một tiếng hỏi ngay trên đầu tôi:
- Ai?
Tôi ngẩng lên nhưng chỉ thấy tối mù mịt. Tiếng tôi ríu lại:
- Tôi… cháu đây ạ.
Lại tiếng chân nữa trên sàn tàu. Một ánh đèn pin lia ngang, dọc sau rọi thẳng vào tôi khiến mặt tôi lóa lên. Một tiếng nói cũng như trút đi nỗi lo lắng:
- À... một đứa nhỏ. - Vẫn tiếng ấy hỏi tôi giật giọng - Này! Làm gì ở đây thế?
- Cháu đi tìm gọng vó bị nước làm trôi.
- Trôi từ đâu?
- Từ bãi trên kia ạ.
- Có một mình thôi à?
- Vâng.
Cái gọng vó tôi đã lôi được một phần ra khỏi dòng nước xiết, đang đặt trên vai. Ánh đèn pin rọi khắp người tôi rồi tắt ngấm.
Vẫn tiếng nói của người vừa rồi với người bên cạnh:
- Nó bị ướt cả, chắc rét, trông nó nhợt đi. - Tiếng người ấy lại nói với tôi - Này, cứ chờ đấy, chú xuống giúp cho một tay.
Cuối tàu có tiếng tời kéo rồi tiếng xích loảng xoảng. Lát sau, trong ánh đèn pin tôi thấy một chiếc thuyền gỗ, trên có một chú cao lớn, mặc áo sọc ngang đang bám theo thân tàu đưa chiếc thuyền gỗ ngược lên mũi tàu đến với tôi. Trong lúc chờ đợi chiếc thuyền gỗ ngược dòng nhích lên từng tý, tôi mới thấy rét, mới nhận biết quần áo đã bị nước táp lên ướt rượt và hai hàm răng tôi va vào nhau. Gọng vó đã được tôi nâng lên vai nhưng hai đầu vẫn bị nước lôi đi muốn vít người tôi vào mũi tàu. Chú mặc áo kẻ sọc như nhận biết điều ấy, trong ánh đèn pin tôi thấy chú hấp tấp đến và đỡ lấy gọng vó trên vai tôi. Chỉ trong chốc lát chú đã lấy được hai chiếc gọng vó và tay chú vòng lấy lưng tôi xốc cao tôi lên đặt vào thuyền gỗ. Trong khi đó tôi vẫn nắm chặt dây buộc thuyền thúng.
Chú ấy đưa tôi lên tàu. Chính con tàu tôi và anh đang đi đây này. Ngày ấy, con tàu nhìn mới, đẹp lắm, buồng lái, mái che khoang máy lợp bằng tôn hoa lúc nào cũng sáng lóa. Nhưng sau bị đạn bắn thủng, hơi bom làm bay cả. Tôi nhớ hôm ấy là ngày 12 tháng 9 năm 1968, chúng tôi chở gạo ra đảo cho bộ đội, dọc đường bị máy bay giặc Mỹ đuổi theo ném bom. Trên trời máy bay phản lực nhào lộn đuổi theo, trên mặt biển, tàu chúng tôi chạy ngoắt ngoéo cứ y như trẻ con đuổi bắt đùa nhau vậy.
Phúc lại mỉm cười lắc đầu. Tôi sợ anh sang chuyện khác, vội hỏi:
- Thế còn đêm ấy, anh có mang gọng vó về kịp kéo cá không?
- Có. Sau khi lên tàu, các chú cho tôi vào buồng lái. Trong buồng lái, chỉ có độc ngọn đèn pin nhỏ xíu nhưng cũng đủ chiếu sáng. Tôi thấy cây đàn, cuốn sổ ghi bài hát để trên giường. Chú to lớn mặc áo kẻ sọc giục mấy chú khác đi pha nước đường cho tôi uống, còn chú thì tự tay mở chiếc hòm gỗ lấy ra một chiếc áo bảo hộ lao động bảo tôi thay áo.
Các chú muốn tôi ngủ lại trên tàu qua đêm nhưng nghe tôi kể chuyện về gia đình tôi, về gia đình ông Nhạ và sự cần thiết phải đem gọng vó về, các chú không giữ tôi nữa. Chú lớn mặc áo kẻ sọc đêm đó đã đi cùng tôi về bè. Chú vác gọng còn tôi dắt thuyền thúng đi bên mép nước. Đêm tối như bưng, chỉ có tiếng nước réo và bờ đất lở làm xáo động khúc sông.
Tới bãi dâu dễ đi, chú cao lớn hỏi tôi:
- Bố cháu mất lâu chưa?
- Lớn lên cháu đã không thấy bố rồi.
- Tiền làm được cháu có giúp mẹ thêm không?
- Cháu đưa tất cả cho mẹ!
Im lặng hồi lâu, tôi hỏi chú:
- Chú tên gì?
- À, chú tên là Lâm - Chợt giọng chú trầm xuống - Kể ra cháu đã là vất vả nhưng dù sao cháu vẫn còn mẹ.
Chú thở dài. Từ đó cho tới lúc về đến bè vó chú không nói thêm câu nào, tôi chỉ nghe thấy tiếng cát lạo xạo dưới chân chú.
Ông Nhạ đón tiếp chúng tôi bằng những lời oán thán. Suốt lúc mắc vó cứ nghe tiếng cá quẫy là ông lại rên rẩm, ca cẩm làm y như từng đàn cá đang xuôi dòng trôi đi mất dưới gầm bè. Nhưng thấy tôi và chú Lâm mắc vó nhanh và ngay mẻ vó đầu chú Lâm cầm chão, mới kéo vó lên hở rường đã nghe thấy tiếng cá vật mạnh trong vó, rồi nghe thấy cả tiếng “roạt” của một con cá nào đó khá to chui qua hom giỏ, ông Nhạ mới vỗ đùi đánh đét vẻ thích thú hỏi chú Lâm:
- Ra anh cũng biết nghề cá đấy à?
Chú Lâm từ từ hạ vó, lấy tay khẽ nâng những hòn đá buộc lủng lẳng vào dây kéo; khi biết gọng vó đã xuống sát đáy sông chú lại khẽ nhỏm dây chão cho vó căng ra thì ông Nhạ không còn chê chú vào đâu được. Ông hấp tấp đi đun nước pha chè, còn chú Lâm thì cười, bảo ông:
- Cháu cũng quê ở bên sông mà. Cứ xuôi theo sông này độ nửa ngày là tới quê cháu bác ạ.
Trong lúc ngồi uống nước, thỉnh thoảng lại kéo một mẻ vó. Mẻ vó nào cũng có tiếng cá quẫy làm câu chuyện càng thêm vui. Giỏ có vẻ nặng, đã vít cả đáy vó. Ông Nhạ muốn ra đổ cá để lấy cá thết chú Lâm. Nhưng chú Lâm đã xin phép phải đi vì giữa đêm tàu chú nhổ neo kéo hàng lên sông Thao, phải qua Việt Trì vào lúc trời chưa sáng để tránh máy bay địch.
Sau đêm đó chú vẫn lái tàu qua lại khúc sông này. Tàu của chú vẫn neo chỗ nước sâu gần kè đá, đáy khuất, nhìn cây cối trên bờ máy bay giặc Mỹ khó phát hiện hơn. Tôi vẫn gặp chú ở đấy và trở thành quen thân của sáu chú thủy thủ trên tàu. Tôi được biết chú Lâm là tàu trưởng, lái chính, chú Lâm dạy tôi ghi ta, dạy tôi hát. Chú có giọng hát ấm lắm. Có lần chú ngồi đàn và hát khiến mấy chú thợ máy đang bảo dưỡng máy ngừng cả việc và mấy chú bảo vệ sà lan cứ nghển lên từ mũi sà lan nghe chú hát.
Có lần, tàu chú xuôi không kéo theo sà lan, đang chạy giữa dòng, tôi trông thấy từ xa, mừng rỡ đưa tay làm loa gọi:
- Chú Lâm ơi...
Trong buồng lái tàu một bàn tay giơ ra, rồi con tàu rẽ hướng đi về phía bè vó chỗ tôi đứng. - Tiếng máy nhỏ lại, tàu chạy chậm dần. Chắc chú sợ chạy nhanh, gây sóng làm chòng chành thuyền nhỏ đang thả lưới ven sông.
Buổi ấy, ông Nhạ mới đem cá về bán, chỉ còn tôi kéo vó. Được mấy cân cá tôi đổ giỏ nấu ăn một bữa với các chú trên tàu. Trong lúc các chú khác hí hoáy nấu nướng, chú Lâm đưa tôi vào buồng lái cho tôi chục quyển vở và cái bút máy chú bảo chú mua từ Hải Phòng, nhưng mấy hôm trước vì kéo hàng ngược sông qua đây vào đêm nên chú chưa đưa cho tôi được.
Nhưng những quyển vở ấy tôi chưa dùng hết, chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ đã lan đến khúc sông yên ả và xóm chài bé nhỏ. Máy bay chúng đã bắn xuống những thuyền chài lưới trên sông. Những chiếc tàu kéo và sà lan chở hàng là mục tiêu săn đuổi của máy bay bọn cướp Mỹ. Một sà lan chở đầy hàng bị bom Mỹ làm lật bên kia sông, ở ngay trên bờ cát, chúng tôi đã chứng kiến các chú thủy thủ phơi lưng trên boong tàu, chạy trên sà lan tháo dây cáp móc nối hy sinh chiếc sà lan ấy khỏi bị kéo theo những chiếc sà lan khác và tàu kéo chìm xuống đáy sông.
Một biến cố xảy ra với xóm chài, máy bay giặc Mỹ đã ném bom phạt ngang nhà thờ, cái chóp nhô cao chỉ còn là đống gạch vụn đổ nát. Rồi những con bò đang gặm cỏ ngoài chân đê, trên bãi dâu cũng ngã ra, rống lên vì những viên đạn từ trên máy bay Mỹ bắn xuống. Lớp học dưới chân đê phải đóng cửa. Các gia đình chuẩn bị cho bọn trẻ sơ tán. Mẹ tôi cũng chuẩn bị cho tôi đi. Nhìn mẹ vét những bơ gạo cuối cùng cho vào túi để tôi đem đi, tôi thấy ngực tôi cứ nhói lên, mắt cứ phải tránh nhìn đi nơi khác. Rồi đây không hiểu mẹ tôi sẽ sống như thế nào khi hàng tháng cứ phải gửi gạo, tiền để tôi ăn học? Đến tôi ở nhà làm giúp thêm còn khó khăn. Giá như có chú Lâm ở đây, tôi sẽ xin chú để đi theo con tàu. Tôi cũng lớn rồi. Chỉ vài ba năm nữa tôi có thể trở thành một thủy thủ thực sự. Nhưng giờ tôi biết chú còn đang ở trên một con sông rất xa, phải hàng nửa tháng nữa chú mới trở về qua khúc sông này.
Sơ tán đến trường mới, hằng ngày thấy máy bay giặc Mỹ gầm gào trên đầu, nghe tiếng bom giội xuống quanh nơi ở, tôi lại có cớ để không yên tâm học nữa. Nhất là cái túi gạo mỗi ngày một vơi, tôi lại nghĩ đến bàn tay lóng ngóng của mẹ vét gạo và lần túi lấy tiền hôm đi. Tôi muốn đi làm để mẹ đỡ vất vả.
Cho tới một hôm tôi đã bỏ nơi sơ tán, quay về. Nhưng thật lạ, khi đến gần xóm chài tôi lại không có ý nghĩ về nhà mà mắt tôi cứ nhìn như dán vào những con tàu đang neo trong các vạt nước. Tôi lững thững đi xuôi về phía kè đá, nơi tàu của chú Lâm thường neo ở đó, mà chuyến đi về này tôi cũng có ý định về nhà đâu. Tôi về để tìm chú Lâm thì đúng hơn. Theo như hẹn, thì hôm nay chú sẽ về, qua khúc sông này. Nhưng tới kè đá thì mặt sông vắng không, vài chiếc thuyền chài bập bềnh ngoài xa. Có người từ dưới thuyền ngạc nhiên nhìn lên khi thấy tôi ngồi chơ vơ trên tảng đá dưới lùm cây. Tôi cứ ngồi thế, ruột cồn cào, mắt ngóng ngược theo dòng sông mong thấy một con tàu. Tôi ngồi thế từ lúc mặt trời đứng bóng cho tới khi cả con đê cao đã bắt đầu soài bóng dần ra bãi dâu ven sông. Và tới lúc tôi thất vọng, thì từ xa, trên mặt nước, một con tàu đang rẽ sóng xuôi dòng, tiếng máy nổ đều đều cứ rõ dần. Một điều làm tôi hết sức vui sướng là mũi tàu chạy cứ nán dần vào bờ, rồi tiếng còi tàu vè vè cứ hối lên ba hồi một nữa chứ. Đấy là báo hiệu tàu của chú. Tôi nhảy lên trên kè đá, đưa tay lên miệng làm loa gọi. Chú đã nhận ra tôi và mũi tàu chếch thẩy về phía kè đá.
Tôi trở thành thủy thủ tàu TK-85 từ hôm ấy.
- Thế bà cụ không hay biết gì sao? - Tôi hỏi Phúc.
- Có, buổi chiều hôm ấy chú Lâm dẫn tôi về xóm chài. Mới đầu mẹ tôi khóc nhưng sau thì đồng ý. Mẹ tôi chỉ biết nắm tay chú Lâm và bảo phó thác tôi cho chú.
- Thế bây giờ chú Lâm làm ở đâu?
Phúc nén tiếng thở dài, đưa cốc nước chè lên nhấp một ngụm, giọng buồn buồn:
- Chú ấy không còn nữa. Chú ấy hy sinh trong một chuyến chở hàng ra đảo cho bộ đội. Lúc ấy tôi đã vào tuổi mười bảy. Chú bị đạn từ trên máy bay Mỹ bắn xuống. Trước khi trút hơi thở cuối cùng, chú chỉ nói được với tôi một câu: “Cháu cố mà làm việc cho tốt”. Tôi đã khóc chú ấy. Và có lẽ cũng chẳng ai khóc nhiều như tôi bởi chú ấy không còn người thân thiết. Bố mẹ chú ấy đã chết trong nạn đói năm bốn nhăm.
- Có phải trong trận đó anh bị thương và nằm lại trên đảo?
- Lần khác anh ạ. Sau lần chú Lâm hy sinh đến một năm. Lúc ấy tôi đã trở thành thủy thủ chính thức, được trên cho đi học về làm lái tàu chính tàu TK-85. Chuyến ấy chúng tôi chở gạo cho nhân dân và bộ đội ngoài các đảo. Không hiểu thằng lái cái máy bay phản lực F-105 ấy mới ra trường hay sao không biết! Nó lao xuống cắt bom vào tàu hai lần đều trượt. Cuối cùng nó bắn. Tôi bị một viên đạn xuyên qua đùi. Anh em băng bó và tạm để tôi trên một hòn đảo không người cùng với ít lương khô, nước ngọt. Hai ngày sau mới quay lại đón tôi vào đất liền.
Con tàu chạy qua kè đá tiến dần về phía xóm chài. Trên mặt sông sát với bãi cát trắng xóa những chiếc thuyền nhỏ đỗ san sát nhấp nhô theo sóng nước, vài ba chiếc vó bè phơi những chiếc gọng khẽ đung đưa:
- Anh có ghé về xóm chài thăm cụ luôn không? - Tôi hỏi.
- Tôi đã đón mẹ đến xí nghiệp ở với vợ chồng tôi mấy năm nay rồi.
Qua bãi cát xóm chài, con tàu bỗng cất lên một hồi còi, tiếng vè vè lan dài trên khúc sông. Bọn trẻ con đang nô đùa trên bãi cát đều ngừng lại nghển cổ nhìn theo con tàu. Con tàu lại kéo một hồi còi nữa giống như lời chào, làm bọn trẻ trên bãi thích thú nhảy cẫng lên, đưa tay vẫy vẫy.
Phúc đăm đăm nhìn lên xóm chài, bỗng anh mỉm cười, mắt nheo nheo lại như tránh nắng.
Tôi hiểu, anh lại đang tạm biệt khúc sông này, tạm biệt cái bãi nhỏ nơi tuổi thơ của anh đã bắt đầu ra đi... lúc anh nằm trong vòng tay anh Lâm, người thợ lái tàu đã đưa anh lên chiếc tàu kéo trong cái đêm tối mù mịt khi một mình anh trên chiếc thuyền thúng thả trôi theo dòng sông.