Không hiểu đã dừng lại ở những ga nào và cô gái ngồi trên chiếc ghế đối diện với Tùng nhìn như thế đã bao lâu. Đôi mắt cô mở to, trong và bình thản nhìn qua cửa sổ ra những quả đồi mọc đầy cây gai, dây giàng soài đi lút tầm mắt, tiếp đến dãy núi màu xám nhấp nhô như răng cưa đang mỗi lúc một thẫm. Cô không để ý tới mọi người, tới những câu chuyện phiếm xung quanh. Tất nhiên, cô cũng không để ý tới Tùng - anh ngồi ở ghế đối diện, đang chăm chú nhìn cô. Anh hiểu, đôi mắt ấy không phải mải mê đắm trong cảnh chiều lặng lẽ miền trung du mà cảnh vật như đã khơi dậy trong cô một suy nghĩ gì đấy, có thể là một trò chơi thích thú ngày thơ ấu, cũng có thể là kỷ niệm về một người bạn...
Tùng để ý tới cô không phải vì cô có những nét ưa nhìn. Cặp mắt to kín đáo. Cái mũi thon nhỏ nhô ra một cách kiêu kỳ trên đôi môi hơi mím, lạnh lùng.
Anh để ý đến cô bởi vì tất cả những nét trên khuôn mặt, trên dáng người cô gợi cho anh nhớ đến một người quen, một người con gái đã đi qua cuộc đời anh trong những tháng năm tuổi trẻ.
Tàu dừng lại ở một ga chờ tàu tránh. Nắng nhạt thếch trên sân ga. Mấy con chim sẻ sà xuống đỗ sát thành toa rỉa những mẩu bánh mì khô của khách vứt bừa bãi.
Cô gái chú ý đến một con chim, rồi mỉm cười kín đáo đưa ngón tay lên rộ rộ con chim. Mấy con chim bay đi, cô lại ngồi im.
Chờ lâu quá, thỉnh thoảng cô lại ghé đầu qua cửa sổ nhìn về phía đầu đoàn tàu xem tàu ngược chiều đã về chưa. Không thấy gì, cô lại quay vào.
Câu chuyện phiếm của những người xung quanh mỗi lúc một ồn ào.
Ý chừng sốt ruột, cô ngồi xoay người luôn và cuối cùng chắc cũng là để cho thời gian chờ đợi không đến nỗi nặng nề, cô rút trong túi du lịch đặt ở bên người một cuốn sách ra đọc. Đấy là cuốn sách viết về Côpecnich. Tùng hiểu, cô lấy cuốn sách cho có bạn, chứ thực ra cô cũng không thể đọc được trong lúc chờ đợi này. Đọc được một đoạn, cô lại gập cuốn sách để trên đùi và đôi mày khẽ chau lại khi thấy tiếng máy bay phản lực ầm ì từ xa, mới nghe ngỡ là tiếng xe lửa đang tiến đến gần.
Tùng nhìn cô, mỉm cười, vừa nói đủ để cô nghe thấy:
- Có sốt ruột cũng đến thế thôi.
Thấy có người để ý tới mình lúc này, cô gái mới nhìn Tùng vẻ ngượng ngập:
- Biết thế nhưng dù sao vẫn sốt ruột anh ạ.
- Chắc chị dạy học ở vùng trên về nghỉ hè?
- Không, em vẫn còn đi học.
Họ nói đến nội dung cuốn sách, đến Côpecnich. Câu chuyện của họ bắt đầu bằng những con người mà trên trái đất kể từ ngày khai thiên lập địa có thể đếm trên đầu ngón tay được.
Vào tuổi cô, nhắc đến những con người kiệt xuất ấy, người ta dễ tin với một niềm tin ngây thơ, đáng yêu. Còn Tùng, anh đã ngoài ba mươi rồi, anh đã ước mơ, đã làm việc và anh vẫn chỉ là một cán bộ giảng dạy toán bình thường; có nhắc đến những con người ấy chỉ gây một sự hưng phấn, nuối tiếc những ước mơ thời đi học.
Tàu tránh đến, đoàn tàu chuyển bánh, anh và cô vẫn nói chuyện một cách thích thú. Tên tuổi của những con người sống cách đây hàng trăm năm đã làm câu chuyện của hai người kéo dài mãi. Khi Tùng nhắc đến Ma-ri Quy-ri thì ánh mắt cô sáng lên, cô tiếp luôn:
- Những người phụ nữ như thế rất hiếm. Trước kia, em có bức ảnh Ma-ri Quy-ri của một bạn học ở Liên Xô gửi về cho, sau bị đứa nào cùng lớp lấy mất.
Nói xong cô tỏ ra trầm ngâm, luyến tiếc. Tùng chần chừ giây lát và mạnh dạn nói:
- Nếu chị thích, tôi sẽ gửi tặng chị một chiếc khác, chỉ là bức tranh tôi đã vẽ từ ảnh trong một cuốn sách nước ngoài thôi.
- Thế ra anh cũng vẽ được truyền thần kia à? - Cô mỉm cười tinh nghịch - Như vậy em càng thích.
- Không, chỉ là một bức ký họa nhưng tôi bảo đảm: thoáng nhìn chị sẽ nhận ra ngay.
Xuống tàu, cô để lại địa chỉ cho anh. Và lúc đó Tùng mới biết tên cô là Hương, sinh viên năm thứ ba Trường Kiến trúc.
Giữ đúng lời hứa, về tới nơi làm việc, Tùng đã gửi bức ký họa nhà nữ bác học Ma-ri Quy-ri theo địa chỉ Hương để lại. Độ nửa tháng sau, Tùng nhận được thư trả lời, nói cho đúng hơn, đấy không phải là thư mà là dòng chữ cảm ơn ngắn gọn nhưng chân tình.
Tùng gửi tiếp lá nữa. Nhưng anh không nhận được thêm lá thư nào của Hương.
Hình ảnh Hương cứ mờ nhạt dần... một hình ảnh khác, hình ảnh Lưu, người con gái đã đi qua thời niên thiếu và suốt mấy năm đầu cuộc đời sinh viên của anh bỗng lại hiện lên rõ nét...
Tùng gặp Lưu lần đầu vào một buổi chiều mùa hè oi bức. Lưu mặc chiếc áo ngắn tay màu xanh da trời, ngồi một mình trên chiếc ghế đá đường Thanh Niên, mặt hướng về phía Hồ Tây đọc sách. Cánh tay trắng mềm mại đỡ cuốn sách, mái tóc dày tết đuôi sam buông về phía trước, ít sợi tóc rơi lòa xòa trước trán nắng nhuộm đỏ óng lên. Bên cạnh chiếc cặp da khóa đã mở, hờ hững.
Những ngày đi học về, thỉnh thoảng Tùng lại thấy cô ngồi ở đấy.
Tuy không học cùng lớp nhưng qua câu chuyện của bạn bè xung quanh, anh được biết tên và được biết cô là học sinh lớp 10G, giỏi toán.
Vào năm học chừng một tháng, do sự tình cờ, Lưu sinh hoạt cùng tổ ngoại khóa toán với anh. Và từ đấy anh đã quen Lưu. Hai người trao đổi nhiều về các bài toán trên Báo Toán học tuổi trẻ. Lưu tỏ ra thông minh và có những nhận xét khá độc đáo. Cô diễn đạt sự hiểu biết, suy nghĩ của mình bằng tiếng nói đều, trầm ấm áp. Anh lắng nghe tiếng nói của cô. Chỉ riêng vậy thôi, cũng đã đủ để tâm hồn anh xáo động, đủ để anh luôn tìm đến với cô trong sự say mê hào hứng, Lưu còn hiểu nhiều về văn học. Cô đọc nhiều tác phẩm cổ điển của Nga, của Pháp, cô nhớ số phận từng nhân vật và cuộc đời của tác giả. Và chính điều này đã lôi cuốn anh, thu hút anh không cưỡng nổi. Còn Lưu, khi biết anh có một vài bài in trên Báo Toán học tuổi trẻ, cô tỏ ra mến anh hơn và đã mời anh đến nhà chơi, giới thiệu anh với gia đình. Ngày ấy, tại căn phòng có nhiều đồ đạc đắt tiền của ngôi nhà đồ sộ giữa phố Hàng Trống, anh và cô ngồi hàng buổi nói chuyện về tương lai. Có khi Lưu hát, cũng không rõ ngày ấy Lưu hát có hay không, nhưng anh vẫn nhớ chắc chắn rằng, anh đứng lặng rất lâu bên khung cửa sổ có tấm đăng ten trắng mỏng manh nghe Lưu hát, giọng hát hơi buồn có lời ca xa lạ. Bước ra khỏi căn phòng ấy lại thấy quyến luyến, xa một ngày anh lại muốn tìm ngay trở lại. Hình như anh đã yêu, đã yêu Lưu với cả tấm tình ngây thơ và nhiệt thành. Nhiều lúc, anh tưởng tượng đến một ngày nào đó anh với Lưu cùng làm việc, cùng nổi tiếng để người ta phải nhắc đến với một vẻ trân trọng, thán phục.
Những ngày ấy qua nhanh như một ảo ảnh. Tùng gặp Lưu đột ngột ở tổ ngoại khóa toán như thế nào thì Lưu cũng ra khỏi tổ ngoại khóa toán đột ngột như thế. Cô sang sinh hoạt ngoại khóa môn văn và bảo anh:
- Tùng ạ, Lưu thấy thích văn hơn, bởi vì văn dễ đi vào lòng người và nói được nhiều.
Một cô gái như Lưu dù đi vào ngành gì anh vẫn tin rằng cô có khả năng thực hiện được. Còn anh, anh thích toán hơn, mà thực ra, anh cũng chỉ biết có môn ấy.
Anh vẫn đến với cô luôn nhưng câu chuyện của hai người không còn được như trước nữa. Một lần, vừa thấy anh ở cửa, Lưu quay ra, đôi mày hơi nhíu lại, cặp mắt hằng ngày vẫn thấy hiền hiền giờ mở căng chằm chằm nhìn vào chiếc áo của anh như muốn nói: “Tùng cứ mặc mãi chiếc áo này thôi à?”. Người anh nóng ran ngượng ngập. Anh đi vào ngồi xuống chiếc ghế kê gần cửa với một dáng điệu khổ sở. Hôm ấy, anh đã nói nhiều câu ngớ ngẩn. Không phải anh chỉ có một chiếc áo đang mặc, có điều cái đang mặc là đẹp hơn cả. Nói là đẹp hơn cả thôi, chứ thực ra ở vai áo bên phải đã bị một lỗ thủng tròn bằng đồng xu. Lúc chia tay, rời khỏi gian phòng, anh cứ phải đưa phía vai ấy ra ngoài gần như là đi ngang ra cửa để Lưu không nhìn thấy chỗ thủng ấy.
Sau lần đó, anh tự nhủ không đến với Lưu nữa. Nhưng chỉ được vài ngày, anh lại muốn tìm đến Lưu, anh lang thang đi trên phố với ý nghĩ đến và không đến, với một nỗi khao khát rạo rực lẫn giận dỗi, giày vò. Nhưng dù có đi loanh quanh phố này qua phố khác thì cuối cùng cũng vẫn đến dãy phố có ngôi nhà Lưu ở. Khi ánh mắt anh bắt gặp khung cửa sổ có tấm đăng ten màu trắng mỏng manh thì chân anh như sững lại. Nhớ tới ánh mắt Lưu hôm nào, một cảm giác bải hoải bỗng ùa khắp cơ thể làm anh thấy rã rời.
Có lần gặp anh ở cổng trường, Lưu mỉm cười:
- Sao lâu nay không thấy Tùng đến chơi? Tùng vẫn sinh hoạt đều ở tổ toán chứ?
Anh gật đầu toan nói với Lưu về một chuyện gì khác nhưng không hiểu sao, anh lại giở luôn đề một bài toán mới in ở Báo Toán học tuổi trẻ, nói với Lưu. Lưu cũng tỏ ra sốt sắng nhưng khi nghe thấy tiếng gọi của mấy người bạn gái, Lưu vội bỏ đi ngay và hẹn anh đến khi khác.
Học hết phổ thông, Tùng vào Tổng hợp toán và nghe tin Lưu vào Trường Sư phạm. Anh vẫn say mê với toán và gửi bài cho Báo Toán học tuổi trẻ nhưng rất ít được in bởi những phương pháp giải của anh chưa phải là hay nhất so với một số bài khác.
Một ngày chủ nhật, anh đến thăm Lưu và rất ngạc nhiên khi thấy Lưu cắt bỏ đôi sam tóc dài rất dày đã một thời làm anh ngơ ngẩn và uốn lại thành những búp nhỏ rủ xuống sau gáy. Lưu nhìn anh bằng đôi mắt có phần mệt mỏi và nói:
- Thời gian này hình như Tùng ít viết cho Báo Toán học tuổi trẻ, Lưu theo dõi, không thấy.
Và Lưu nhắc tên một người mới trỗi dậy gần đây, như để anh hiểu: “Còn Tùng sao mãi không thấy khá lên để người ta nhắc đến nhỉ?”.
Tùng buồn thấm thía.
Hết năm thứ nhất đời sinh viên, chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ tràn ra miền Bắc. Các trường sơ tán. Và từ đó anh không gặp Lưu, chỉ trao đổi trên thư từ, nhưng cũng chẳng được bao lâu. Thư anh viết đi nhưng thư Lưu viết lại ít dần rồi tắt hẳn. Anh thấy giận Lưu, nhưng rồi anh lại tự nghĩ: “Sao lại thế! Lưu có bao giờ nói yêu mình đâu. Chỉ có mình yêu Lưu thôi”. Ít lâu sau, anh được biết Lưu đã bỏ Trường Sư phạm, bỏ nơi sơ tán về Hà Nội, và có tin Lưu chạy vạy xin vào một đoàn kịch nói. Rồi lại có tin Lưu sắp chuyển sang một đoàn văn công khác...
Tốt nghiệp đại học, anh ở lại trường giảng dạy. Trong những ngày hè cuối cùng ở Hà Nội, vào một buổi tối, anh đến thăm Lưu. Nhưng vừa tới gốc cây nơi anh thường đứng nhìn lên khung cửa sổ có buông tấm đăng ten màu trắng mỏng manh, thì thấy từ ô cửa sổ ấy vang lên tiếng ắc-coóc-đê-ông với một giọng nam cao đang hát bài “Gặp nhau trên đỉnh Trường Sơn”. Và cũng từ khung cửa hiện ra một người con trai trạc tuổi anh, khoẻ mạnh, mặc sang trọng, nhìn xuống mặt đường. Anh từ từ rời gốc cây ra khỏi chỗ khuất ánh điện. Anh bước đi một cách dứt khoát, để lại phía sau cái khung cửa sổ có bóng dáng Lưu, để lại phía sau tiếng sau ắc-coóc-đê-ông với giọng nam cao trong gian phòng. Tới đầu phố, khi không còn nghe thấy gì nữa anh bước chậm lại. Từ lâu rồi, anh biết rằng không thể tiếp tục gần Lưu được, nhưng sao anh vẫn buồn. Anh luyến tiếc gì nữa? Cái gian phòng ấy, những con người ấy có chút gì gần gũi với anh đâu. Ngay cả giọng hát kia, không biết nó sẽ đọng lại trong trái tim Lưu được bao lâu? Anh tiếc những ước mơ ngày mới lớn bị thời gian và sự thiếu nhẫn nại nhấn chìm. Anh buồn cho những tiếng nói chẳng để lại một âm vang.
Còn tiếng nói của Hương, tiếng nói của cô gái gặp trên một chuyến tàu có để lại âm vang gì không? Hay nó cũng theo thời gian mà mất đi. Biết đâu, một hai năm sau, anh lại chẳng gặp Hương, khi ấy ánh mắt cô cũng phần nào mệt mỏi và cô cũng không còn hỏi những điều ước mơ, lý tưởng như cô đã nói với anh trên chuyến tàu ấy nữa.
Thời gian cứ trôi đi.
Một lần Tùng đọc trên Tạp chí Xây dựng bài viết về một vấn đề mà trong xây dựng đang gặp khó khăn. Tùng đã để tâm tới chuyện đó bao năm nay và luôn theo dõi trên báo chí nhưng chỉ thấy người ta nêu ra rồi để đấy. Bài báo này đã giải đáp khó khăn ấy một cách xuất sắc. Anh sung sướng như chính mình tìm ra điều đó và với một thói quen sẵn có, anh đi gặp tác giả của những bài viết có liên quan tới công việc của anh làm. Anh qua tòa soạn tạp chí, anh lần theo địa chỉ của tác giả bài báo đó. Anh dự đoán tác giả chắc phải là một người già dặn trong công tác nghiên cứu, có kiến thức rộng, sâu sắc.
Nhưng anh tới nơi thì ông thường trực của cơ quan nhìn anh lắc đầu:
- Địa chỉ thì đúng rồi nhưng không có ai tên như thế cả - và ông chần chừ - Nhưng anh cứ vào khu tập thể của cán bộ hỏi xem sao. Nhiều ông, nhiều bà cứ hay lấy bút danh nên tôi cũng chẳng nhớ hết.
Theo hướng ông thường trực, anh vào khu tập thể và gõ cánh cửa gian phòng đầu tiên anh gặp. Một thanh niên trẻ măng, đeo kính cận nghe anh nói tên và địa chỉ của người viết bài báo xong bỗng cười:
- Đấy chỉ là một biệt hiệu thôi, còn cô ấy tên là Hương, một cán bộ trẻ ưu tú của phân viện chúng tôi đấy.
Mới nghe cái tên ấy, Tùng đã sửng sốt liên tưởng tới cô gái trên chuyến tàu ngày nào và bước đi vội vã theo anh thanh niên đến khu nhà gạch xây một tầng. Anh thanh niên gõ cửa lấy lệ rồi rất tự nhiên, đẩy cửa một gian phòng và gọi:
- Hương ơi, có người tìm gặp đấy.
Rồi anh mỉm cười nhìn Tùng vẻ tinh nghịch.
Một cô gái ra mời Tùng vào nhà và nói:
- Hương đang ở thư viện. Anh vào ngồi chơi để em đi gọi.
Tùng ngồi chờ Hương trên chiếc giường một ở góc nhà nhìn về phía góc bàn kê gần cửa sổ. Trên mặt bàn có mấy cuốn sách và có chiếc lọ thủy tinh cắm một bông hoa hồng nhung đỏ sẫm, cánh vừa nở hết. Đôi mắt Tùng bỗng sững lại khi bắt gặp bức ký họa nhà nữ bác học Ma-ri Quy-ri. Bức ký họa do chính tay anh đã vẽ được lồng trong khung kính ngay ngắn đặt bên lọ hoa. Không thể là ai khác được! Chỉ có Hương, cô gái anh đã gặp trên chuyến tàu ngày nào với những niềm khát khao công việc ngày mai...
Cũng lúc này, rất tự nhiên, anh bỗng nhớ tới Lưu với những ước mơ chóng phai tàn của cô. Và anh ngẫm thấy chính bản thân anh cũng đã một lúc nào đó, để thời gian qua đi, ước mơ nguội lạnh. Giờ đây, cuộc gặp gỡ với Hương sắp tới lại thổi bùng lên trong anh một niềm tin mãnh liệt vào những ngày sắp đến.