- Tôi không phải là cái túi để đựng. Việc đầu cua tai nheo gì các anh cũng bổ lên đầu tôi. Lúc lấy hàng ở căng-tin, lúc đưa giấy báo họp, lúc tìm nhà cho khách nghỉ. Cho đến cả tiếng Pháp tôi mới chỉ nhận được mặt chữ cái thế mà các anh cũng đưa bản thảo khoa học để tôi ngồi suốt buổi đối chiếu từng chữ chép lại. Cho tới giờ mấy bao thuốc lá thừa cũng lại: “Minh, em trả cho anh”. Không hiểu lát nữa còn ai đến: “Minh, em lấy cho anh phích nước” nữa không.
Minh nói một hơi dài, mắt cô ươn ướt nhìn anh cán bộ giảng dạy to béo có cái mũi đỏ xôm xốp đang đưa tay huơ huơ chờ Minh dừng lại để phân bua. Nhưng vừa dứt lời Minh đã vùng vằng bỏ vào trong, giữa những giá sách, tay hất mạnh bím tóc ra phía sau.
Anh cán bộ giảng dạy đi theo cười hì hì, cái mũi đỏ giãn ra, tay đưa lên ngực:
- Ấy, ấy tưởng Minh rỗi như mọi lần, hì hì... thôi để mình tự đi vậy.
Nói rồi, anh ta vội vã đi ra bàn, cầm tút thuốc đã bóc dở và đi lại ra cửa:
- Hôm nay mình không gặp may... hì hì... đừng có giận đấy.
Khi anh cán bộ giảng dạy đi khỏi, Minh ngồi thụp xuống một bó sách, tay ôm lấy mặt rồi từ từ ngẩng lên tựa cằm vào lòng bàn tay. Cũng lúc này, những ngấn nước từ mắt cô mới dào ra thành giọt chạy dài xuống đôi má đỏ chín vì giận dỗi. Minh cứ ngồi vậy, nước mắt vẫn dào ra. Và, cũng lúc này cô không rõ là cô đã bực với ai, giận ai, kể cả anh cán bộ giảng dạy to béo mà cô vừa trút nỗi bực dọc lên đầu. Hình như cô giận hết, cả cô nữa. Cái giận ấy mỗi ngày từng người góp nhặt lại, cho đến buổi sáng hôm nay anh cán bộ giảng dạy phụ trách công đoàn không hiểu bận việc gì đã sang nhờ cô lên căng-tin của trường lấy thuốc lá và mì chính cho khoa. Lúc đó cô không có nhà. Anh viết những dòng chữ thật khẩn thiết để lại. Nể quá, Minh đi nhưng suốt dọc đường chỉ muốn khóc.
Một cô bạn làm ở phòng can in thấy Minh, gọi lại:
- Sao? Mày lại đi lấy hàng à?
Minh quay đi, nước mắt lưng tròng.
- Công việc chính của mày là gì kia chứ. Thôi, vứt quách đi, về phòng vẽ với chúng tao. Đang thiếu người can in chết đi đây.
Minh vẫn tấm tức không nói được bỏ đi. Vừa đi cô vừa nghĩ sẽ trút nỗi bực dọc ấy lên người đầu tiên hôm nay là anh phụ trách công đoàn đã nhờ cô việc này, tiếp sau đó là người thứ hai, thứ ba... Anh cán bộ giảng dạy to béo là người thứ hai không may gặp cô...
Minh cứ ngồi bó gối như vậy. Mắt cô mở căng nhìn vào khoảng không, lâu lắm và rất im. Có thể nghe rõ thấy tiếng mọt đục giá sách cọt kẹt, tiếng mái lá chạm vào nhau sột soạt. Qua song cửa, ngoài sân nắng đã nhuộm vàng, một chú lợn nằm ềnh, phơi cái bụng tròn xoe trong nắng. Bên đống rơm, mấy con gà chân co chân đứng, đầu rúc vào cánh ngủ lười biếng. Còn rất xa, sau rặng tre lá đã vàng sẹm là tiếng náo nức của cánh đồng mùa, của tiếng máy bơm chạy binh binh... thoảng trong gió se lạnh mang theo hơi sương và hương lúa mới. Minh lặng im, lòng thấy trĩu nặng...
*
Ba năm trước đây Minh là họa viên của trường. Cô không phải là họa sĩ vẽ phong cảnh, cũng không phải là người chuyên vẽ các mẫu trang trí cho phòng họp trong những ngày vui chơi. Cô là người can lại các bản vẽ trong xây dựng dùng cho sinh viên học tập. Công việc ấy đã làm cô say mê. Mặc dầu trong bản vẽ của cô không có ánh nắng tưng bừng tô sáng dần những thân cây trong buổi sáng mùa hạ, cũng không có hơi sương mỏng manh quấn lưng đồi của một chiều xám nhạt, mà trong bản vẽ của cô chỉ có đường nét thẳng đứng, những cung tròn gò bó của vòm cuốn, những mặt bằng, mặt chiếu đứng các ngôi nhà. Và, chỉ có một màu vàng muôn thuở thể hiện trên bản vẽ y như nước vôi vàng quét trên mặt tường.
Cô yêu thích công việc ấy không phải vì những bản vẽ cho cô sự chú ý, thán phục của mọi người như những nhà họa sĩ. Cô yêu thích bởi những bản vẽ đã đem lại cho cô niềm sung sướng, tự hào, một cảm giác tươi mát, mới lạ khi trên một đoạn đường nào đấy cô chợt gặp một tòa nhà mới xây theo bản vẽ do chính tay cô can in gửi đi các nơi. Cô yêu mến sự sinh sôi nảy nở mọc liên tiếp trên mặt đất từ các bản vẽ.
Đang lúc cô say sưa với công việc thì chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ tràn ra miền Bắc. Trường sơ tán lên trung du. Các khoa ở rải rác, phòng ban xé lẻ. Phòng can in của cô cũng tách ra mỗi người về mỗi khoa. Cô về khoa cơ bản, coi thư viện. Gọi là thư viện chứ đấy chỉ là một ít sách và họa báo của thư viện nhà trường phân tán tránh oanh tạc của máy bay Mỹ. Có lẽ vì công việc gấp gáp trong chiến tranh, nên cô coi chuyện chuyển nghề cho phù hợp với yêu cầu của nhà trường là tất nhiên. Thực ra, cô cũng không nhớ rõ được cả thời gian mình nhận cái công việc ấy từ lúc nào.
Ngày đầu, nhà thư viện người đến nhộn nhịp. Ba cái bàn đôi kê ở gian ngoài luôn có người ngồi xem sách và họa báo. Nhất là mấy anh cán bộ giảng dạy mới ra trường thì hay viện cớ lui tới với cô trông thư viện có đôi lông mày dài giao nhau, đôi mắt ngây thơ, ngỡ ngàng mà các anh gọi là “đôi mắt nai”. Nhưng đôi mắt ấy chẳng in lại bóng dáng của anh cán bộ giảng dạy nào. Thư viện thưa dần, ít cuốn họa báo ngày nào cũng có người xem đã nhàu nát. Những người nghiên cứu nghiêm túc thì lại không đến thư viện, mà đã có sách riêng ngồi ở phòng riêng nghiền ngẫm.
Tuy vậy thư viện vẫn mở đều đặn ngày tám tiếng. Những cánh cửa sổ bằng nứa dài vẫn chống lên. Nắng vẫn xuyên vào những giá sách nằm im lìm. Cô vẫn ngồi ngay cửa sổ nơi có ghi dòng chữ viết nắn nót:
“Phòng cho mượn sách. Khoa cơ bản”.
Sẵn sàng chờ bạn đọc.
Lâu lâu cô lại leo lên các giá sách phủi bụi hoặc lấy những cuốn sách bị chuột gặm, gián nhấm ra đóng lại. Hằng tuần, vào chiều thứ bảy cô vẫn làm vệ sinh dọn quanh thư viện, không cho cỏ ấu mọc lên thềm, hoặc dùng xẻng nạo rêu xanh loang từng đám ở lối đi. Rồi lại lau ba cái bàn đôi kê ở ngoài phòng đọc. Sách gọn, phòng sạch, cô lại ngồi bên cửa sổ nơi giao dịch với bạn đọc, chờ đợi. Rỗi quá! Ngày trở thành dài, buồn tênh. Cô cảm thấy mình như một người giữ kho. Nhưng cô vẫn hy vọng chờ ngày một ngày hai sẽ khác. Trường sẽ tập trung các khoa lại gần nhau. Cô trở về phòng vẽ làm tiếp công việc mà cô từng yêu thích.
Để lấp thời gian trống trải cô tìm sách tự học, nhưng chỉ được vài tuần cô lại thấy buồn lay day. Cái công việc can in cô đã nghĩ sẽ gắn liền với nó suốt đời đâu cần đọc mà cần vẽ luôn, luyện tay cho mềm mại và chính xác. Cô cần đến giấy crô-ki, đến ê-ke, bàn vẽ và những mẫu nhà. Nhiều lúc cô ngồi thừ, cuốn sách mở để trước mặt, đưa mắt nhìn những băng chữ cô đã mất nhiều công nắn nót kẻ dán trên tường quanh phòng đọc: “Trong giờ đọc không nói chuyện ồn ào”. “Không hút thuốc trong phòng đọc”... Rồi cô lại nhìn ba chiếc bàn trống không xếp ngay ngắn mấy cuốn họa báo, xong cô thở dài, tay chống cằm đôi mắt mở trân trân nhìn ra mảnh sân ngoài cửa sổ. Mấy chú gà con quanh quẩn, lích rích chạy quanh sân. Con lợn lang của nhà bên nằm phơi bụng tròn xoe trong nắng vàng suộm và thấy buồn vô hạn.
Có người mong muốn được im lặng để suy nghĩ không bị gián đoạn và thường nổi khùng cáu bẳn khi bị tiếng ồn ào luôn ám ảnh. Cô không hiểu nổi những mong muốn ấy. Chắc hẳn, đấy là mong muốn của những người có bộ óc khác thường cần có lúc yên tĩnh để làm nảy sinh ra những điều mới lạ. Còn cô, cô chỉ như trăm nghìn người bình thường khác. Cô mong muốn được đi lại, tiếp xúc, được va chạm với cuộc sống sôi nổi, được lo lắng, bận bịu với công việc. Và, nếu có phải sống một mình một việc lặng lẽ ở một nơi hẻo lánh nào đấy thì cái công việc ấy cũng phải tạo nên được niềm sung sướng hồ hởi của mọi người khi đón nhận thành quả lao động của cô. Còn đây, công việc chỉ có mở và đóng cửa, ngán quá. Hình như mọi người trong khoa cũng thấy tâm trạng không thoải mái của cô, nhưng lại chẳng ai nhắc đến.
Một lần, anh cán bộ giảng dạy phụ trách công đoàn đến, chìa tờ biên lai cho cô qua chỗ cửa sổ mà cô vẫn đưa sách cho bạn đọc, khẩn khoản:
- Tôi phải lên lớp phụ đạo ngay bây giờ mà căng-tin nhà trường chỉ giao hàng vào sáng hôm nay hàng tuần. Minh tạm đóng cửa thư viện đi nhận đường, sữa về cho anh em hộ với.
Nói xong anh ta dúi tờ biên lai vào tay cô rồi chạy đi, được vài bước ngoái lại phân bua:
- Vội quá, mà Minh cũng rỗi. Giúp với nhé.
Cô nhận lời, cầm tờ biên lai và nghĩ: “Đây cũng là công việc chung. Lấy đường sữa về cho Khoa trong đó có cả của cô kia mà”. Nhưng sau lần ấy thì anh cán bộ giảng dạy phụ trách công đoàn còn nhờ cô nhiều lần nữa. Lần lấy mì chính, bột súp. Lần ma-gi, thịt hộp lẫn cả văn phòng phẩm giấy má, cặp sách. Khi anh trực tiếp gặp cô. Khi viết giấy để ở mặt bàn. Dù trực tiếp gặp hay viết giấy bao giờ đoạn kết cũng có câu: “Vội quá, mà Minh cũng rỗi. Giúp với nhé”.
Mới đầu cô thấy câu ấy bình thường chỉ là câu nói khó của một người đi nhờ việc. Nhưng lâu dần cô thấy câu ấy như một hòn sỏi cộm lên dưới chiếu cô nằm. Nó luôn ám ảnh, nhắc cô nghĩ đến nỗi buồn lay day về công việc. Cô đâm giận anh và sau mỗi lần giúp việc xong, tối về nghĩ lại cô hứa không bao giờ giúp anh nữa. Nếu anh ta còn đến nhờ cô sẽ nói thẳng: “Đấy không phải là việc của tôi”. Nhưng rồi, thấy nét mặt hiền lành và nụ cười như phân bua của anh, cô lại không nỡ nói, không nỡ từ chối. Và cô hậm hực.
Vào một buổi tối, cô đang nằm nghĩ ngợi liên miên bên những giá sách về việc làm thì có tiếng gõ cửa, rồi tiếng gọi:
- Cô Minh ơi!
Minh mở cửa, bắt gặp cặp kính trắng của anh thư ký Khoa. Bên anh, trong ánh sáng của ngọn đèn dầu hắt ra là một cô gái xách chiếc cặp da, tươi cười nhìn cô.
Dù chỉ là ánh đèn dầu cô vẫn nhận thấy nụ cười của anh thư ký Khoa giông giống anh phụ trách công đoàn.
- Bí quá cô Minh ạ. Khách đến liên hệ công việc với Khoa mà nhà cửa sơ tán trong dân. Chúng tôi toàn... kể cũng không tiện. Cô cũng là nữ. Mà nhà thư viện cũng rộng, có thể ghép ba cái bàn đọc thành giường ngủ tạm cũng tiện.
Minh chưa kịp nói gì thì anh thư ký Khoa đã quay sang phía khách ý như thanh minh:
- Chị thông cảm. Điều kiện sơ tán.
Khách vội tiếp luôn:
- Không sao! Không sao đồng chí ạ. Trong chiến tranh được chỗ nghỉ như thế này là tốt lắm rồi.
Minh tươi cười mở rộng thêm cánh cửa đón khách. Đêm ấy cô nhường giường của mình cho khách, còn mình ghép mấy cái bàn của bạn đọc thành giường để ngủ.
Sau lần ấy Khoa có khách luôn. Nhà thư viện thành nhà nghỉ của khách. Cô luôn ở tình trạng phải giữ ý sống không thoải mái. Nhưng vì lòng quý khách và cũng để cho khách những kỷ niệm tốt đẹp về nhà trường cô vẫn tỏ ra niềm nở; Còn anh phụ trách công đoàn thì vẫn cứ đến nhờ cô lấy hàng. Có hôm, cô đi lấy dầu thắp cho Khoa, vừa về đến nhà, mồ hôi nhễ nhại thì đã thấy hai người khách khác giới ngồi chờ sẵn ở cửa, tay ôm cặp, tay phe phẩy mũ lá, giương mục kỉnh trắng ngó hai chú gà giò đang tung chân xô vào nhau đá toách! Toách! Thấy cô về, họ đứng dậy mỉm cười lịch sự. Một người chụp chiếc mũ lên đầu rút mảnh giấy ở túi áo ngực đưa cho cô:
- Đồng chí thư ký Khoa có bảo chúng tôi đến đây gặp chị.
Minh đặt thùng dầu xuống hiên lấy khăn tay lau mồ hôi rồi cầm mảnh giấy nhìn lướt:
Cô Minh.
Tôi vội quá. Khách đến liên hệ công tác mà nhà nghỉ của trường lại xa. Minh thông cảm nhường nhà cho khách vào ở tạm trong dân một hai ngày. Minh ở đây đã quen, liên hệ dễ hơn. Thông cảm nhé, Cũng là công việc chung cả. Mà nhà thư viện cũng rộng.
Ký tên…
Lại nhà thư viện cũng rộng! Minh nuốt nước bọt thấy đắng ở cổ và nhìn khách mỉm cười.
Vẫn người khách đưa tờ giấy cho cô vừa rồi đưa mắt nhìn anh bạn đi cùng chần chừ, ngần ngại rồi mạnh dạn:
- Anh ấy có dặn thêm là chị đi báo cho chúng tôi hai suất cơm sáng nay. Xong chị chỉ đường cho chúng tôi đến nhà bác hiệu phó.
Mắt Minh bỗng tối sầm, cô nhìn xuống toan bật ra một câu: “Tôi có phải là người đón tiếp khách đâu”. Nhưng cô vội ghìm lại được, vì trước mặt cô là hai người khách. Họ có lỗi gì đâu! Cô quay vào mở cửa mời:
- Các đồng chí vào nhà nghỉ. Có nước ở phích đấy. Các đồng chí uống cho đỡ khát.
Xong cô đi báo cơm. Cô hiểu trong điều kiện sơ tán chưa thể mỗi chốc Khoa có ngay một nhà khách. Cô sẵn sàng nhường nhà và giường nằm cho khách nhưng còn việc vặt vãnh như báo cơm, chỉ đường đâu có phải việc của cô. Nếu như trước kia cô là người thợ vẽ, ai nhờ cô những việc ấy cô thấy đây lại là niềm sung sướng vì ngoài việc chính ra cô đã giúp thêm được người khác. Còn đằng này đấy lại là công việc chính thì buồn quá. Đấy không phải là một việc. Từ chuyện bực bội với anh thư ký Khoa cô lại nghĩ đến những việc đầu cua tai nheo mà anh phụ trách công đoàn đã nhờ. Cô cương quyết đây là lần cuối cùng và sẽ không bao giờ nhận lời làm giúp những việc ấy.
Một cô bạn cùng ở phòng can in thấy vậy, bảo cô:
- Mày xin về đi. Công việc ở đây thì túi bụi, còn mày thì lại đi làm cái việc vớ va vớ vẩn. Phí quá! Mày xem đấy, chúng ta vẽ cả ngày mà cũng không hết việc! Được bản vẽ nào các khoa lấy, rồi các công trường nhà máy đến lấy. Tối cả mắt.
Minh nhìn các bàn găm la liệt bản vẽ. Những ngôi nhà đang dựng dở, những ngôi nhà đã đi xong nước màu cuối cùng. Bên mặt bằng, mặt cắt nhìn rối mắt các đường dóng, con số ghi kích thước là hình phối cảnh vẽ toàn bộ khung cảnh một ngôi nhà đứng sừng sững. Bất giác cô lại nghĩ đến những bản vẽ ngày xưa do tay cô can ra đã mọc lên thực sự trên mặt đất... Ôi, buồn thế, sao lại cứ bắt cô phải giữ mãi cái “kho sách”. Cái kho sách không có nhập, không có xuất. Cái kho sách chỉ có những cuốn sách câm nằm im lìm chẳng ai muốn tìm đến. Cô học không rộng, cô không biết hết giá trị của những cuốn sách nằm ngay bên cạnh. Cô chỉ đoán là trong sách chắc không có gì hay nên mọi người chẳng muốn tìm đến. Bởi hàng ngày không ít những người xung quanh cô, thường hay chê bai nội dung những cuốn sách viết nghèo nàn, hời hợt hoặc bố cục rườm rà, khó hiểu. Kể cả những người rất ít đọc sách cũng thấy nói ra điều ấy với một vẻ coi thường. Chao ôi! Nếu thế thì cái “kho sách” sao không tự biết số phận mà dứt bỏ cô đi, còn giữ cô đến bao giờ? Trong khi đó công việc của phòng vẽ thì đang bề bộn. Các ngôi nhà ở, những nhà trường, xưởng máy mới đang cần đến cô. Không! Cô phải trở về với phòng vẽ. “Cái kho” không tự đi, cô sẽ tự dứt bỏ. Cô phải tìm gặp ông trưởng khoa và nói để ông ấy hiểu.
Không để cô phải tìm. Ngay hôm ấy ông trưởng khoa lại tìm đến gặp cô đưa cho một tập giáo trình in bằng tiếng Pháp, có đầy đủ những hình phức tạp.
- Nghe tin cô tự học tiếng Pháp, cô chép và can lại cho tôi các hình vẽ như nguyên bản.
Minh nhìn tập sách có nước mực in còn óng ánh, rồi lại nhìn nét mặt nghiêm nghị của ông trưởng khoa, toan thốt lên: “Báo cáo đồng chí, tiếng Pháp tôi mới chỉ nhận được mặt chữ cái, còn một từ bẻ đôi tôi cũng không biết”. Nhưng ông trưởng khoa đã đẩy cuốn sách lại gần cô hơn nữa, chậm rãi:
- Thuyết minh ít thôi, chủ yếu là can hình vẽ. Việc ấy cô làm thạo quá còn gì nữa. - Xong ông đứng dậy, nhấn mạnh: - Một tuần sau cô có thể cho tôi xin lại nhớ. Vì cuốn sách không mượn được lâu hơn.
Minh nuốt nước miếng đánh ực, nước mắt vòng quanh, nhìn ông trưởng khoa đã quay đi tất bật, khuất sau mấy bụi tre. Một tiếng nói dằn mạnh trong đầu cô: “Đã thế! Được rồi”. Và, suốt một tuần ròng rã Minh ngồi đối chiếu từng chữ, từng dấu phẩy, chấm chép lại. Còn các hình vẽ, thực ra cô làm cũng có quen, nên nhanh. Đến ngày đưa lại tập sách và bản chép tay cho ông trưởng khoa, cô đã viết hai câu hỏi đậm nét vào một mảnh giấy crô-ki: “Đồng chí cho tôi biết công việc hiện giờ của tôi là gì? Tôi có phải là thư ký riêng chép sách cho đồng chí không?”. Xong cô kẹp mảnh giấy vào tập sách, giao lại cho ông trưởng khoa. Giao xong, cô mỉm cười đắc ý, thích thú hình dung thấy ông trưởng khoa bối rối khi đọc được những chữ trên tờ giấy ấy. Thế nào ông cũng gọi cô đến. Lúc đó cô sẽ nói hết những suy nghĩ bực bội, những công việc không đầu không cuối trong những ngày qua. Nhưng rồi, cô cứ chờ mãi. Một ngày, hai ngày, rồi tuần lễ cũng không thấy ông trưởng khoa cho người đến gọi. Chả lẽ ông không nhận được tờ giấy ấy chăng? Hay nhận được rồi mà ông cũng bỏ lơ đi? Có thể ông không nhận được. Ông ấy là một người tốt, chỉ tội mê sách quá đâm quên chuyện vặt vãnh. Và, hai câu nói trong mảnh giấy của cô cũng lại là chuyên vặt vãnh, ông không xem mà đã để lẫn trong đám giấy lộn nào? Ừ! Mà thế không biết chừng. Có lúc ông ta quên cả tên con mình, muốn gọi con ông cứ ngơ ra mãi mới nhớ ra tên để gọi. Rõ khổ! Mới chỉ là phó tiến sĩ hình học họa hình, chứ lần này ông bảo vệ xong bản luận án tiến sĩ thì không hiểu thế nào? Nhưng làm việc phải thế. Cô cũng muốn có một công việc rõ rệt để say mê. Cô sẽ say mê những mô hình hình học cao siêu trừu tượng. Cô không hiểu được, sao có người làm công việc chính của mình một cách thờ ơ, lạnh nhạt. Họ tỏ ra mệt mới uể oải khi bắt tay vào công việc, nhưng lại hào hứng sôi nổi ngồi tranh cãi với nhau hàng giờ về chuyện cái dấu đóng ở phía trước hay phía sau chữ ký của thủ trưởng, hoặc chè búp của vùng nào sao được nước, uống đậm. Thời gian đối với họ trôi đi quanh câu chuyện nhàm bên khói trà và cái gạt tàn thuốc cho đến hết giờ làm việc. Cũng có người thì lại hoàn toàn thích thú với lối sống dựa dẫm, nước chảy bèo trôi, lợi dụng những công việc vặt, họp hành, báo cáo, mua bán hoặc phân phối căng tin... rồi lờ luôn việc chuyên môn của mình.
Sau lần viết hai câu hỏi để vào tập sách đưa cho ông trưởng khoa cô đã mấy lần ngỏ ý cho các đồng chí tổ trưởng bộ môn. Các đồng chí ấy cũng có hứa đề đạt với phòng tổ chức. Nhưng rồi ngày lại ngày cứ nối nhau đều đặn đi. Cô vẫn hàng ngày tám tiếng hai lần mở, hai lần đóng cửa thư viện, vẫn phủi bụi lau chùi giá sách và thỉnh thoảng vẫn nhận được những mảnh giấy: “Vội quá, mà Minh cũng rỗi” gài vào cuốn sách cô đang đọc dở ở mặt bàn. Và, đôi khi cô vẫn lại nhường nhà để giường cho khách ngủ... Hình như các đồng chí ấy cũng bận bịu công việc nên chẳng nhớ đến cô. Thực ra, cũng chẳng ai muốn nhớ đến, bởi vì có cô ở đây cũng chẳng hại gì cho ai. Có ai mất gì đâu? Cô lĩnh lương Nhà nước và lại giúp những công việc vặt cho khoa, làm nhẹ công việc cho từng người...
*
Minh vẫn ngồi nguyên trên đống sách, hai tay chống cằm nhìn ra ngoài cửa sổ. Lúc này, đôi mắt cô đã ráo hoảnh, trong sáng. Cái im lặng xung quanh đã để cô bình tĩnh lại. Cô lắng nghe tiếng động từ sau rặng tre cứ dội đến, dội đến. Tiếng cười sảng khoái lẫn trong tiếng nước bắn tung tóe. Rồi tiếng máy bơm từ xa nữa cứ “Binh! Binh! Binh!...” vọng tới. Náo nức quá! Cái tiếng động ấy làm cô yên tâm và thấy vui vui. Nỗi day dứt dịu dần. Cô nghĩ tới ngày vô vị trong thời gian qua chỉ là một đám mây mưa sẽ tan đi trong chốc lát, trời lại trả về ánh nắng rực rỡ. Bởi vì, có bao giờ trong cuộc sống, một người mong muốn được làm việc lại bị quên đi. Và, niềm hy vọng lại lóe lên, chỉ ngày một ngày hai thôi cô sẽ trở về với những bản vẽ các ngôi nhà, về với công việc bận bịu nhưng vô cùng hào hứng. Khoa đã quên cô. Mọi người trong khoa giả như quên. Cô sẽ nhắc mọi người nhớ đến. Cô sẽ gặp phòng tổ chức, các đồng chí ấy sẽ hiểu.
Và, ngày hôm ấy cô viết xong một lá đơn có dòng đầu tiên rất đậm:
Kính gửi các đồng chí Phòng Tổ chức.