Cửa ra vào buồng làm việc của ông giám đốc chỉ là tấm mành trúc ken thưa, nên từ bàn làm việc tôi thấy ông rất rõ. Ông ngồi tư lự trên chiếc ghế bành bằng song, cái đầu bạc cúi xuống, nét mặt khắc khổ, đôi mắt mở trân trân không rõ nhìn vào giấy tờ nào trong đám giấy bày la liệt trên chiếc bàn rộng. Thỉnh thoảng, ông lại lặng lẽ lần tay vào túi áo khoác nhón một viên thuốc cho vào miệng nhai một cách âm thầm. Những lúc như vậy, cả xí nghiệp thu mua và chế biến vải vụn này biết là ông đang suy nghĩ căng thẳng. Vì vậy nên các phòng ban hoặc phân xưởng nào cần gặp ông làm việc, họ cũng chỉ lảng vảng bên ngoài, sà vào những phòng bên chờ lúc ông đeo kính, cầm bút, họ mới vào trình bày hoặc xin chữ ký.
Ngày tôi mới về, ông trưởng phòng hành chính quản trị có đôi mắt bé tí tẹo, chuyên nhìn trộm sau cặp kính dày như đít chai, nói nhỏ với tôi:
- Cô ạ, muốn đề đạt việc gì, lúc ấy chớ có vào. Sau lúc ấy hẵng hay.
Điều đó đúng. Tôi đã chứng kiến nhiều lần những tiếng cười, những nét mặt rạng rỡ hàm ơn và những tờ giấy có chữ ký của ông như được chắp cánh bay ra khỏi phòng. Và, cũng sau một lần như vậy, ông đã lững thững sang phòng tôi tủm tỉm cười, ánh mắt độ lượng nhìn vào những phác thảo vẽ mẫu các loại vải được chế biến từ vải vụn của xí nghiệp. Ông cầm lên xem và dừng lại ở một phác thảo:
- Được, được đấy, phóng hẳn cái này lên thành bốn pa-nô lớn.
Tôi bất ngờ sướng run lên, rụt rè hỏi:
- Thưa bác, ông trưởng phòng quản trị bảo chỉ cần một pa-nô trưng bày cho triển lãm thủ công nghiệp thành phố thôi ạ?
- Thêm hẳn ba cái nữa. Một dựng cổng xí nghiệp. Hai đặt chỗ đông người. Phải tuyên truyền chứ! Từ vải vụn thành những tấm vải lớn đâu phải chuyện đùa. Cô thể hiện luôn cả bốn pa-nô cần xuất bao nhiêu vải làm, tôi cũng ký.
Thế mới là giám đốc chứ. Phải mạnh bạo, phải biết quyết. Có vậy mới được việc. Tôi cảm động, tim đập đến loạn nhịp khi ông nhăm nhăm cây bút bi và ký vào chỗ giấy thừa của bản phác thảo. Tôi lắp bắp đôi ba câu cảm ơn một cách chân thành và nói một điều như những người ở tâm trạng tôi lúc đó vẫn nói:
- Làm việc với bác thế này thích thật.
Nhưng nghe vậy nét mặt ông bỗng xỉu đi. Ông chậm chạp đậy nắp bút cài lên túi áo ngực, nói với tôi bằng một giọng buồn buồn:
- Hơn ba chục năm làm việc, người nào cũng nói với tôi như thế. Sao tới giờ tôi vẫn không có lấy một người bạn, chẳng nhận được cách xử sự chân tình của ai cả. Người ta đến với tôi bằng những mong muốn. Tôi giải quyết cho họ. Họ hồ hởi, sung sướng ra đi. Và nhiều người ra đi hẳn. Cô ạ, cuộc đời nghĩ nhiều lúc buồn lắm. Mà tôi lại là người cả nể, luôn muốn tạo niềm vui cho người cần đến mình.
Tôi ngơ ngác nhìn ông. Từ đang vui chuyển sang buồn một cách nhanh chóng. Qua tâm sự, tôi bỗng thấy thương ông. Không bạn thì buồn quá. Còn ông, những người khi cần thì tìm đến ông, xong việc họ lại quên ngay ông. Con người phải chăng dễ quên? Họ mải miết vào những ngày sắp đến, quên đi những nhịp cầu đã đi qua... Thậm chí, quên cả những con người đã từng đem lại cho họ những hạnh phúc nho nhỏ của đời thường. Tôi, không bao giờ tôi quên. Dù chỉ là một ánh mắt thông cảm trước nỗi buồn của tôi, tôi vẫn thường rưng rưng và thầm cầu mong cho những người đối xử tốt với tôi được sung sướng. Ông giám đốc, lần đầu tiên ông thấy tôi đứng ngơ ngác trước cửa buồng làm việc. Và, chưa để tôi trình hết ý muốn đến gặp, ông đã mỉm cười, gật đầu, nhận để tôi làm hợp đồng rồi nói một câu nuôi hy vọng cho tôi đến tận bây giờ: “Sau vài tháng tôi sẽ ký quyết định biên chế chính thức”.
Và, các bạn biết đấy, ông đã nhanh chóng thông qua phác thảo, không ngần ngừ quyết dựng bốn pa-nô chứ không phải một như ông trưởng phòng quản trị đã nói với tôi vì sợ đắt. Chắc hẳn, các họa sĩ sẽ cười vì đây chỉ là tấm pa-nô quảng cáo các loại mẫu vải. Ai lại gọi là sáng tạo. Nhưng với tôi đấy là tác phẩm. Tác phẩm đầu tay. Người giúp để tác phẩm đó nhanh đến với công chúng lại là ông.
Ai có quên ông thì quên. Còn tôi tôi nhớ. Bằng biểu hiện nào đấy tôi sẽ để ông thấy rằng nếu chỉ còn một người nghĩ đến ông. Người ấy sẽ là tôi. Tôi sẽ là người giúp việc tận tụy của ông và luôn quan tâm săn sóc đến đời sống tinh thần của ông, và yêu mến ông, để ông hiểu rằng cuộc sống còn nhiều người tốt. Như vậy, biết đâu ý nghĩ buồn nản về tình bạn của ông chẳng được thay bằng những suy nghĩ mới, đẹp đẽ hơn. Điều đó cứ lởn vởn trong suy nghĩ tôi và rồi vào một lần vô tình tôi được biết ngày tháng năm sinh của ông. Phải rồi, tới ngày sinh nhật ông, tôi sẽ đến, tôi sẽ mua những bông hoa đẹp nhất tặng ông. Những bông hoa có hương thơm thanh khiết nhắc: về lòng người. Tôi cứ lặng lẽ làm việc, nao nao nghĩ tới ngày ấy và hình dung thấy ông sung sướng khi tôi hiện ra ở cửa mang trên tay những bông hoa.
Đến ngày sinh ông giám đốc, tuy vẽ dở ba chiếc pa-nô còn dựng ngổn ngang ở cổng xí nghiệp, tôi cũng đã xếp gọn đồ nghề vào cái hòm gỗ kê ở góc bàn làm việc. Đã dự định rồi, hôm nay tôi phải về sớm. Trước khi làm việc ấy, tôi đã lảng qua cửa phòng ông giám đốc thì ông cũng không còn đấy nữa. Chắc hẳn chiều nay, ông cũng tự cho phép mình được thư thả, vui vẻ bên người thân. Biết đâu đây chẳng là lần sinh nhật cuối cùng trong những năm làm việc để ông chuẩn bị nghỉ hưu. Ông đã vào tuổi năm mươi chín.
Nhưng tôi vừa đeo chiếc túi khoác đi ra tới hành lang thì thấy cãi nhau to ở phòng hành chính, mắt tròn xoe ngơ ngác như đang chứng kiến cuộc cãi nhau vì đâm xe mà không biết lỗi tại ai. Tôi kiễng chân ngó qua đầu mấy người thì thấy khuôn mặt ngắn ngủn, tái nhợt và đôi mắt nhỏ hùm hụp, đảo qua đảo lại sau cặp kính của ông trưởng phòng hành chính quản trị đang muốn tìm sự đồng tình của người chung quanh. Đối thủ của ông ta là anh Dân, chuyên theo dõi lao động tiền lương kiêm giữ dấu của xí nghiệp đang ngồi bên chiếc bàn đối diện.
Tôi nhìn khuôn mặt đỏ bừng của anh Dân - người giữ dấu - và đôi mắt ánh lên những tia sáng giận dữ. Tôi bán tín bán nghi nhìn anh: con người có nụ cười hiền lành, có ánh mắt rất bao dung nhân hậu, đã nhiều lần giúp tôi khi tôi loay hoay không kê nổi cái thang; hoặc đi tìm ống bơ đục, gõ, kê bếp quấy hồ để tôi pha màu! Người mà tôi không hề thấy một lần tỏ ra khó chịu vì người khác đến xin anh giấy giới thiệu hoặc con dấu đi công tác. Người đó... giờ thấy ông trưởng phòng hành chính quản trị sấn lại thì từ từ đứng dậy, nhưng không rời khỏi chỗ, hai bàn tay xòe ra, chống vững chãi trên mặt bàn, giọng nghẹn lại:
- Lấy chứng cớ đâu để anh buộc tội tôi? Đừng dựng chuyện.
Giọng ông trưởng phòng vẫn chắc nịch:
- Ban kiểm tra xí nghiệp đang làm việc. Rồi chúng tôi sẽ có đủ bằng chứng. Trong khi chờ công bố của ban kiểm tra, tôi yêu cầu anh ra khỏi phòng.
Anh Dân, sau lúc nổi cáu, giờ như nhận ra được điều gì, nét mặt anh bỗng trở lại bình thản. Anh lắc đầu cười buồn, giọng lạnh tanh đi:
- À, ra vậy... Anh đã dùng cả Ban kiểm tra giúp sức. Giúp cho việc làm bỉ ổi của anh. Anh muốn đẩy tôi đi khỏi đây, để nhổ đi một cái gai. Để bịt miệng một người biết anh đã thông đồng với thủ kho cho xuất hàng tạ vải mà các anh gọi là giẻ phế phẩm nhưng thực chất đấy là những mảnh vải nhỏ có thể làm vỏ chăn, áo gối, may quần áo mùa hè. Các anh đã chia...
Ông trưởng phòng bỗng giãy nảy, da mặt ông sậm sạm, đoạn mạch máu ngoằn ngoèo ở thái dương nổi phồng lên, co giật như người bị động kinh. Giọng ông bỗng chuyển sang ầm ầm như muốn át đi tiếng nói của anh giữ dấu:
- Kìa, bảo vệ đâu? Sao lại để cấp dưới ăn nói hồ đồ thế này. Tôi yêu cầu bảo vệ. Yêu cầu bảo vệ đưa anh ta ra khỏi phòng. Đây là phòng quản trị, cạnh phòng tài vụ, phòng có để két tiền. Không thể để anh ở đây được.
Nhưng anh Dân đã nhếch miệng cười nhạt, từ từ ngồi lại vị trí của mình, thủng thẳng nói:
- Muốn chuyển đi đâu phải có quyết định của giám đốc.
Câu ấy càng làm ông trưởng phòng run lên vì tức giận:
- Hả! Anh thách hả? Được, rồi sẽ có quyết định. Còn giờ, tôi yêu cầu bảo vệ...
Ông đi thẳng ra ngoài mặt hầm hầm. Người đứng cửa rẽ ra để ông đi. Người ngơ ngác không hiểu, nhưng có người đưa tay che miệng cười rúc rích.
Tôi nhìn theo dáng lật đật của ông trưởng phòng hành chính quản trị. Chắc còn phải ồn. Bởi mấy người đứng bên tôi bảo nhau:
- Ông ấy nói là ông ấy làm được đấy.
Giám đốc hay bảo vệ cùng chỗ thân tình của ông ấy cả.
Ngày tôi mới về, nhiều người ở xí nghiệp đã hỏi một chuyện. Ông trưởng phòng hành chính quản trị đã có vợ và con gái lớn ở quê. Một lần, đứa con gái đến tận khu nhà tập thể xí nghiệp tìm ông xin tiền và mời ông về dự cưới. Ông đã mắng con sa sả, đuổi về, và nói là chẳng dây mơ rễ má gì với cái quê ấy sất. Ông cắt béng. Sau lần đó, ông rục rịch cho đám cưới của mình, lấy một phụ nữ còn trẻ ở xí nghiệp ông thường đến liên hệ.
Một anh công nhân, đứng sau tôi xì tiếng rõ dài, nói oang oang: “Việc gì mà ông ấy chẳng làm được”.
Tôi nhìn anh Dân, thấy anh cúi xuống tránh ánh mắt của mọi người vẻ tội tội.
Buổi tối tôi định đến nhà ông giám đốc sớm hơn, nhưng trời bỗng đổ một trận mưa như trút nước. Kể ra, trận mưa có làm tôi đến chậm gần một tiếng nhưng cũng có cái hay: không gian thoáng đãng, trong trẻo, những ngọn đèn trên đường phố như sáng hơn trong những tán lá xanh nhẫy. Vừa đi tới vừa ngắm những bông hoa bọc hờ trong một tờ giấy can, bên ngoài có một băng chữ mang tên ông nhân lần sinh thứ năm mươi chín. Tôi rất bằng lòng với những bông hồng tôi đã chọn. Những bông hồng to, màu trắng, cánh mới duỗi nhẹ để lộ một chút nhụy màu vàng chanh; lại cả những chiếc lá măng lưa thưa mỏng tang, tôi khéo léo đôn từ phía dưới lên tạo thành một mảng màu xanh nhạt càng tôn thêm vẻ đẹp thanh lịch của những cánh hoa màu trắng. Chác hẳn, ông sẽ vui lắm. Tôi sẽ đưa bó hoa tận tay ông và nói những lời tốt đẹp.
Tới nhà ông, tôi vừa đẩy cửa đi vào sân thì một điều khiến tôi bất ngờ đứng sững lại. Qua cửa sổ tôi đã nhìn thấy ông trưởng phòng hành chính quản trị của xí nghiệp với cặp kính dày như đít chai đang chằm chằm nhìn ông giám đốc và nổi gân cổ trình bày một điều gì. Thỉnh thoảng ông giám đốc lại mủm mỉm cười, gật gật đầu. Thấy ông trưởng phòng, tôi bỗng nhớ tới cuộc cãi vã buổi chiều giữa ông và anh Dân ở xí nghiệp. Tôi rón rén toan quay đi ra đầu phố đứng chờ ông về, tôi sẽ quay lại. Nhưng tiếng nói như nài xin của ông với ông giám đốc như níu chân tôi lại:
- Một lần nữa anh giúp tôi. Chứ để cậu ta ở phòng tôi thì tôi không làm ăn gì được. Mà kế hoạch thì đang... anh biết đấy!...
- Nhưng chuyển cậu ấy đi đâu?
- Tôi đã làm việc với đội bốc xếp trên công ty. Họ đồng ý nhận.
- Thôi được. - Ông giám đốc lại mủm mỉm cười.
Ông trưởng phòng hấp tấp cho tay vào túi áo ngực lấy ra một tờ giấy, cúi kính xuống sát tờ giấy gườm gườm nhìn rồi đưa về phía ông giám đốc:
- Tôi đã cho đánh máy sẵn quyết định đây rồi. Anh ký cho. Mai tôi đưa luôn chuyển cậu ta đi.
Ông giám đốc không nói không rằng đưa tay lên mặt bàn tìm cây bút bi. Và, cũng không cần liếc qua xem quyết định viết những gì, ông ký ngay vào tờ giấy, rồi nhìn ông trưởng phòng cười rõ tươi, hỏi:
- Hì, được rồi chứ?
- Thế này thì tôi yên tâm lắm rồi.
Nói vậy, ông trưởng phòng đứng dậy, cầm tờ quyết định đã có chữ ký của ông giám đốc. Những ngón tay run run gấp tờ giấy cất sâu vào túi ngực.
Tôi đứng ngoài, những bông hoa cũng run lên trong bàn tay tôi. Tôi biết là tờ quyết định để chuyển ai đi rồi. Ông ấy nhất quyết không để anh ở phòng ông nữa. Trước kia tôi thấy chữ ký của ông giám đốc trong bản hợp đồng của tôi, trong những phác thảo đầu tiên của tôi đáng yêu biết bao nhiêu, thì giờ, chữ ký của ông trong tờ quyết định đang nằm ở túi áo ông trưởng phòng kia lại đáng sợ bấy nhiêu. Tôi không rõ giữa Dân và ông trưởng phòng ai sai ai đúng. Nhưng tôi tin ở Dân, anh là người có nhân cách. Tôi bỗng nghĩ đến thân phận mình; không hiểu, đến một lúc nào đó, tôi có phải rơi vào trường hợp bị đưa đi làm một công việc khác như anh Dân. Và, biết đâu, sau chữ ký để đưa tôi đi, ông giám đốc cũng sẽ lại cười hồ hởi như thế kia. Nụ cười thật thoải mái của một người vừa làm một “việc tốt” cho người khác.
Tôi đi giật lùi ra phía cổng. Tới ngoài, tôi cắm cổ đi thật nhanh. Chợt nghĩ tới bó hoa trong tay. Tôi cúi nhìn, những bông hoa thật đẹp, nhưng mắt tôi bỗng gặp băng chữ mang tên ông. Tôi hối hận về sự xốc nổi của mình. Tới đâu phố, tôi lặng lẽ bóc băng chữ mang tên ông và để lại bó hoa trên rãnh nước còn đọng lại sau mưa.