Đấy, một phố nhỏ ở Hà Nội, có hai dãy nhà không dài lắm nằm đối diện nhau, bao một con đường nhựa cũng nhỏ nằm trong bóng mát của phượng vĩ. Con đường nhỏ nối với đường giao thông chính ồn ào, sôi nổi. Bất cứ một căn nhà nào ở đấy cũng có thể nghe thấy tiếng leng keng của xe điện, tiếng rít của bánh trượt trên đường sắt, đoạn rẽ của con đường, tiếng ồn ào từ một cửa hàng ăn... Trên căn gác, vào một buổi chiều, Phương đang xoay trần bên giá vẽ. Chiếc bút lông thận trọng đưa trên mặt giấy. Từng đường nét, mảng màu đậm nhạt của bức tranh đã được trí tưởng tượng và bộ óc quen sắp xếp màu sắc, chọn lọc đưa nhẹ trên mặt giấy. Phương chăm chú làm việc, không một tiếng động nào bắt anh phải dừng lại. Khi thần kinh tập trung quá căng thẳng, nếp nhíu của lông mày nhức nhối, anh mới chịu dừng lại.
Lúc này, Phương nghỉ ngơi bằng cách ngắm những bức tranh treo la liệt quanh phòng. Anh ít hài lòng về tranh của mình. Anh không phải là họa sĩ chuyên nghiệp, có thể vì thế mà anh vẽ khá dễ và cũng rất nhanh chán. Thường thường Phương thấy thoải mái hài lòng nhất là khi dừng lại ở khu “Tranh măng non”. Nét bút dành cho các em có cái tươi mát, hồn nhiên, màu sắc sáng sủa, có những cái cười thú vị. Những bức tranh ấy thường bị mất vì cậu em trai nhỏ dẫn bạn đến xem tranh, chúng thích và xin. Tất nhiên đứa em mến khách ấy đã cho cả những bức tranh được triển lãm nhiều nơi mà Phương muốn giữ làm kỷ niệm. Đôi khi bạn bè thân thiết ở nhà máy hoặc cặp vợ chồng trẻ đến chơi thích những bức tranh ngộ nghĩnh, Phương cũng cho. Tuy vậy, tranh vẽ của khu măng non không bao giờ cạn. Phương có sở trường về loại tranh này. Phương không phải là họa sĩ cũng không phải là sinh viên Trường Cao đẳng Mỹ thuật. Anh là công nhân thích vẽ. Trước kia, ngày còn là học sinh phổ thông anh cũng đã tham gia những lớp học vẽ. Trong cuốn sổ tay cho đến giờ vẫn còn những nét ký họa: “Một đôi mắt đen ánh lên niềm vui của em bé gái được điểm khá. Một tia mắt nghịch ngợm của một cậu học sinh đang né tránh sau gáy bạn. Một mái tóc rối, vàng cháy của một cậu học sinh lười...”. Từng bức tranh vẽ về các em, có xem lại tới chục lần Phương vẫn thấy hài lòng như lúc đầu. Đôi mắt Phương dừng lại ở một bức tranh nhiều màu sắc.
Một chiếc mũ rơm lớn được đặt trên ba gạc tre. Dưới mũ rơm, ba em, hai trai, một gái đang vỗ tay reo. Bên trên, bầu trời xanh thẳm, những viên đạn đỏ lừ, đan chéo nhau như mắt lưới, chụp lấy chiếc phản lực Mỹ. Có chiếc nhao lên chạy trốn, có chiếc trúng đạn đâm xuống, lửa phun ra phía sau thành cột dài.
Bức tranh ấy Phương mới đem ở triển lãm về cách đây mấy hôm. Đấy là bức tranh anh thấy ưa hơn cả.
Có tiếng chân bước nhẹ ở cầu thang. Hình như trước lúc về Phương cũng đã nghe thấy! Chỉ khác, giờ bước chân nhẹ, nhỏ dần, mất hút dưới chân cầu thang. Chắc là tiếng chân của con mèo nhà bên. Nó thường chờ anh đi khỏi nhà là vào ăn vụng hồ đặt trên bàn với những vụn bánh mì rơi lả tả ở mảnh giấy trên bàn. Nó biết giờ này Phương sắp đi ăn cơm, và đến.
Phương nhìn qua cửa sổ, dãy phố vắng vẻ. Trên mặt đường một người công nhân vai khoác súng trường, đầu đội chiếc mũ xanh đính hình vuông, đi xe đạp ẩn hiện trong hàng lim và phượng vĩ. Có tiếng chân người ở dưới hiên. Phương nhìn xuống - Một em bé gái mảnh khảnh, mặc chiếc áo mỏng ngắn tay màu xanh da trời, đôi bím tóc ngắn cũn cỡn như đùa nghịch trên vai. Phương tư lự nhìn cô bé đi khuất.
Mặt trời nhạt dần trên ngọn lim, ánh sáng hắt qua cửa sổ yếu ớt. Bức tranh vẽ dở không thấy rõ. Tất cả báo cho Phương biết, vào giờ này đường phố mọi sinh hoạt bắt đầu, phố thời chiến bao giờ cũng vậy! Phương mặc quần áo, với chiếc cặp lồng. Và trước khi xuống căng-tin anh không quên khép cánh cửa cẩn thận. Biết đâu, chú mèo chẳng lẻn vào ăn hồ, làm rây bẩn những bức tranh.
Phương đặt từng bước trên hè phố, mải miết theo đuổi công việc đang làm. Anh không để ý tới phố vắng, tới hàng cây đang rắc lá.
Tới phố chính, người đột nhiên ùn ra, xe đạp đan nhau, ồn ào, sôi nổi. Có người mặc áo màu sáng, tay xách túi nhựa màu tím. Người mặc quần áo xanh công nhân, vai đeo súng. Người xách cặp lồng dáng vội vã. Trên đường, một đoàn xe nối nhau đi từ phía Bắc xuống phía Nam, lá nguỵ trang héo quắt, rung mạnh miếng vải bạt phủ ngoài trại đất.
Phương dừng lại trước một cửa hàng ăn. Người xếp hàng thứ tự. Quanh quầy bán vé một vài người chen lấn, Phương đứng sau cùng.
Một cô bé, có lẽ đã thấy anh từ xa, lại gần:
- Em nhường chỗ cho anh đây này.
Cô nắm tay Phương dẫn lên trên, Phương ngần ngại. Cô bé quả quyết:
- Em nhường chỗ cho anh thật đấy. Em không mua nữa đâu.
Mấy anh công nhân, mấy đồng chí bộ đội nhìn cô bé rồi lại nhìn Phương.
- Chỗ của cô bé đấy. Anh đứng vào đi.
Phương ngại ngùng nhìn mấy anh công nhân.
- Các đồng chí còn cần hơn tôi.
- Kể cũng cần đấy, nhưng bây giờ là giờ nghỉ. Anh cứ đứng vào đi.
Lúc ấy Phương mới chịu vào hàng, và anh đưa mắt tìm cô bé. Cô bé đã biến mất. Phương thầm cảm ơn cô bé vì thời gian này đối với anh rất quý. Chỉ còn năm ngày nữa anh đã lên đường nhập ngũ. Anh muốn dành mấy ngày nghỉ trước khi đi vẽ về phân xưởng tiện của anh để lại làm kỷ niệm cho nhà máy. Anh phải hoàn thành bức tranh, càng sớm càng tốt. Có lần lấy cơm về anh chỉ ăn qua loa rồi lại vội vã làm việc.
Những chiều sau cứ đến giờ đó Phương lại xách chiếc cặp lồng đến cửa hàng ăn. Vẫn cô bé đứng nhường chỗ. Giờ Phương không thể không để ý đến cô bé. Anh vui vẻ đứng vào chỗ. Nhưng, lần nào anh định hỏi chuyện xem cô bé ở đâu? Em ở có xa không? Sao chiều nào cũng nhường chỗ cho anh? Sao anh được em đặc biệt chú ý?... Thì cô bé đã biến đi lẫn trong những người đi trên hè phố. Có lần anh ra muộn, người lúc này đã thưa. Cô bé vẫn ở đó, vẫn mỏng manh chiếc áo màu xanh da trời, mái tóc màu nắng, đôi mắt đen ánh lên nhìn anh như từng quen thân từ lâu. Chỉ thế thôi, cô bé lại đi. Phương ngạc nhiên, bâng khuâng nhìn theo cô bé mãi.
*
Bức tranh vẽ phân xưởng máy tiện đã hoàn thành. Chiều mai Phương đến nơi tập trung. Anh biết, đi lần này sẽ lâu, cuộc kháng chiến chống Mỹ còn có thể kéo dài. Căn nhà ở phố nhỏ yên tĩnh này, anh tưởng tượng ngày sắp đến sẽ vắng ngắt. Cả phố cũng như gia đình anh đã về quê tạm lánh hoặc đến một nơi mà bom đạn Mỹ không sao có đủ mà vung vãi. Những bức tranh treo quanh phòng đã hạ xuống, cũng ngày mai anh sẽ đem ra ngoài thành gửi một cô bạn cùng nhà máy. Biết đâu, căn nhà này lúc anh quay trở lại nó chẳng là đống gạch đổ vỡ. Anh không thể để mất đi những bức tranh mà anh đã gửi gắm bao suy nghĩ. Từng bức tranh là kỷ niệm vui buồn của những người anh đã gặp! Trong đó có cả bức tranh vẽ về khu phố nhỏ yên tĩnh này.
Phương đang xếp những thứ cần thiết cho buổi lên đường ngày mai. Từng cuộn tranh lớn nhỏ anh đã buộc cẩn thận xếp thành đống giữa sân. Có tiếng chân bước ở cầu thang, anh lắng nghe. Bước chân dừng lại! Đúng chú mèo nhà bên, chủ nhà sơ tán không mang theo, tưởng hôm nay, vào giờ này anh đã đi đến cửa hàng ăn nên lẻn đến ăn vụng hồ và những mẩu bánh mì hấp còn thừa trên tờ giấy đặt ở chiếc bàn nhỏ kê sát tường.
Phương dừng tay, quỳ bên đống tranh, đôi mắt nhìn ra cửa chờ đón: “Cứ lên đi chú mày, tớ không làm gì sất”. Nhưng bước chân lại không thấy. “Chú mày sợ à? Thôi vậy”. Phương lại lúi húi, cặm cụi bên đống tranh. Anh đã thấy đói, nhưng phải chuẩn bị cho xong mới có thể đi ăn được. Lạ chưa! Phương bắt tay vào làm thì bước chân lại rón rén đặt trên cầu thang, lần này bước chân chậm và rụt rè hơn. Anh biết, nếu dừng lại thì lập tức bước chân ấy cũng dừng lại ngay. Cứ để tự nhiên, mình làm tự nhiên thì bước chân ấy cũng lên khỏi thang gác bước vào phòng một cách tự nhiên. Anh cứ làm, chú mèo cứ việc vào và trèo lên chiếc bàn nhỏ mà nhảy nhót. Nghĩ vậy nên anh để mặc. Khi biết rõ rằng bước chân rụt rè, chần chừ mãi dưới bậc thang đã đặt ở cửa anh cũng không quay lại. Vì anh biết, chỉ cần dừng tay, lập tức chú mèo sẽ nhạy phóc xuống cầu thang, chạy biến. Thế nào bước chân cũng rón rén vào tiếp. Nhưng lạ quá, bước chân vẫn dừng ở cửa ra vào. “Chắc nó sợ! Cứ vào đi chú mày”. Phương thầm bảo vậy rồi lúi húi làm tự nhiên hơn, chờ đón bước chân đi tiếp. “Cứ vào đi, ngày mai tớ đi rồi, không biết chú mày sẽ sống ra sao? Chú mày phải biết rằng, có chú trong những bức tranh, nhất là lúc chú mày ngồi vuốt ria là bọn trẻ thích lắm. Vào đi, đừng do dự nữa”. Bỗng nhiên Phương thấy mến bước chân ấy một cách lạ lùng. Tim anh rộn lên, một cảm giác thơ trẻ, xa lắm, tưởng như bẵng quên, vụt đến.
Trái với dự đoán của Phương, bước chân vẫn dừng lại. Và, có tiếng gõ vào cánh cửa. Phương quay lại, không phải chú mèo hàng ngày mà là một cô bé mảnh khảnh, chừng mười hai tuổi, vẫn chiếc áo mỏng màu da trời, đôi mắt đen rụt rè nhìn anh. Qua vài giây ngạc nhiên, Phương đã nhận ra. Cô bé vẫn đứng nguyên, tay cầm một gói giấy báo vuông vắn, ngượng ngập.
Phương vội đứng dậy nhìn cô bé, mỉm cười:
- Em vào đây, thế mà anh cứ tưởng...
Phương cúi xuống xếp vội đống tranh sang một bên lấy lối cho cô bé vào bên chiếc bàn nhỏ:
- Nào, em ngồi xuống đây. Cứ tự nhiên.
Và Phương nhìn vào đôi mắt nhút nhát của cô bé:
- Nhà em gần đây không?
Cô bé ngồi trên chiếc ghế thấp lủn củn ở sát tường nhìn Phương, tay không rời gói giấy báo:
- Em ở phố Huế.
- Thế cũng là láng giềng với anh đấy.
Phương cười to cho cô bé được tự nhiên. Anh nhìn vào đôi chân nhỏ của cô bé:
- Anh tưởng bước chân em là bước chân của chú mèo kia. Em không có dép à?
Cô bé ngượng nghịu chụm đôi chân lại. Ánh nắng vàng trên ngọn lim hắt vào. Cả người cô bé lọt trong cái ánh sáng phản chiếu ấy. Má cô bé ửng hồng bối rối:
- Em để dép dưới cầu thang.
Phương bật cười:
- À, thế đấy. Lần sau có đến thì cứ đi cả dép lên. Em xem, sàn nhà cũng bụi lắm. Anh có lau chùi được đâu.
Cô bé nhìn thẳng vào đôi mắt Phương:
- Anh ở có một mình thôi à?
- Ừ, hiện giờ có một mình. Nhưng trước anh cũng ở với nhiều người. Anh có đứa em gái út bằng tuổi em, cả đứa em trai nữa nhưng chúng nó đi sơ tán cả rồi.
Cho cô bé tự nhiên hơn, Phương để cô bé ngồi đó và đi xếp lại những cuốn tranh còn ngổn ngang giữa phòng. Im lặng một lát. Đôi mắt cô bé dừng lại chiếc cặp lồng rồi hỏi:
- Sao chiều nay anh không đi lấy cơm?
Phương ngạc nhiên nhìn cô bé. Anh chỉ vào đống tranh còn ngổn ngang giữa phòng và chiếc hòm đang xếp dở:
- Em xem, cả chiều nay anh mới vẽ xong tranh. Còn bao nhiêu thứ, bừa bãi quá, anh phải xếp cả lại vì sáng mai còn đi sớm.
Cô bé chăm chú nghe Phương nói, bỗng nhiên đôi mày nhíu lại, cô thốt lên:
- Ngày mai em cũng phải đi rồi!
Phương cũng không kém phần ngạc nhiên, đôi mắt rướn lên, một vài nét nhăn sớm hiện trên trán anh. Anh không hiểu nổi nỗi lo lắng trên khuôn mặt non nớt! Cô bé cúi xuống vân vê gói giấy báo:
- Ngày mai em cũng phải về trường. Anh có biết không. - Cô bé ngập ngừng, tay càng nắm mạnh gói giấy báo vuông vắn. Đôi mắt đen mở găng ra chân thật nhìn thẳng vào cặp mắt đang nheo lại của Phương. - Em đến để...
- Em cần gì?
Phương kéo ghế ngồi đối diện với cô bé. Cô bé chỉ tay lên mảng tường trống mà khi nãy còn được mang tên khu “Tranh măng non”.
- Anh ạ, cái bức tranh, chỗ này này. Có cái mũ rơm, có đạn của bộ đội bắn lên, và máy bay Mỹ bị cháy đâm xuống...
Cô bé toan nói tiếp những gì nữa, nhưng Phương đã gật đầu, mỉm cười. Anh nhớ bức tranh ấy rồi: “Các chú bộ đội ơi! Bắn nữa đi!”.
Cô bé ngập ngừng một lát, hai tay bối rối bóp mạnh gói giấy báo, làm gói giấy bị rách một đường nhỏ.
Bức tranh của anh em xem trong triển lãm phố Hàng Ngang. Em xem ba lần rồi. Em viết thư cho một đứa bạn cùng lớp học tận trên Hà Bắc, chân nó bị teo lại, chẳng đi đâu được cả, đi học chúng em cũng phải thay nhau cõng nó. Nó viết thư cho em muốn được xem bức tranh của anh lắm. Nên hôm nay em...
Tới đây cô bé lại ngập ngừng. Phương cũng hiểu:
- Sao em biết anh ở đây?
- Dạ, biết chứ, em chơi với cái Hòa em gái anh, trước chúng em học cùng lớp, giờ nó sơ tán về Hải Dương rồi. Khi anh vẽ bức tranh ấy, em cũng đến xem nhiều lần nhưng anh không để ý đến em - Đôi mắt cô bé chớp chớp - Từ hôm nhận được thư của đứa bạn, lúc nào em cũng nghĩ đến bức tranh. Có lúc em nghĩ đến cái Hòa, em anh, nếu nó ở nhà thế nào em cũng bảo nó... - Cô bé dừng lại ngước mắt nhìn Phương.
Lát sau cô nhìn xuống chớp chớp, tay mân mê gói giấy:
- Sau ngày cái Hòa đi sơ tán, em cũng đến xem anh vẽ luôn. Em lên tận cầu thang, nấp ở chỗ kia kìa.
Cô bé chỉ tay ra phía sau cánh cửa:
- Hôm nào lên tới giữa cầu thang em cũng gặp con mèo đang nấp ở đấy. Nó ngồi vuốt râu nhìn buồn cười quá. Thấy em nó quay lại chạy xuống cầu thang. Lúc đó anh dừng lại. Em rất lo, chỉ sợ anh ra mở cửa, bắt gặp, thì em chẳng chạy đi đâu cả.
Nói đến đây cô bé im bặt, Phương tiếp:
- Và từ hôm ấy buổi chiều nào em cũng nhường chỗ cho anh phải không?
Cô bé cúi xuống, gật đầu bối rối. Có tiếng động ở cầu thang, con mèo đứng ở giữa cửa nhìn hai người do dự. Phương đến giờ mới nhìn vào đôi tay bé đang xé vụn tờ giấy báo:
- Em cầm gói gì đấy?
Cô bé bỗng giật mình, đôi tay dừng lại, cho đến giờ cô mới nhớ đến. Nhìn gói giấy bị xé nát, cô bé ngượng ngập, nhưng rồi cô lấy hết can đảm đặt gói giấy lên mặt bàn:
- Em thấy chiều nay anh không đi lấy cơm nên em…
Phương thận trọng mở gói giấy. Đó chỉ là một miếng bánh mì hấp do một bàn tay khéo léo đã làm. Anh nhìn đôi tay run run của cô bé và cứ ngồi nguyên thế.
Sợ anh từ chối, cô bé vội tiếp:
- Phần của em đấy. Em chỉ ăn hết phần cơm thôi còn bánh chẳng bao giờ ăn đến cả. Mẹ em làm ngon lắm.
Phương lặng lẽ nhìn cô bé. Cái dáng nhỏ mảnh khảnh, rụt rè ngồi trên chiếc ghế trúc thấp lủn củn mang cả cái ánh sáng của một buổi chiều hắt vào của cô bé, và miếng bánh mì nằm trên đôi tay run run kia khiến Phương liên tưởng đến những chuyện cổ tích ngây thơ anh thường nghe bà kể lại.
Phương bừng tỉnh, mỉm cười hiền hậu:
- Để đấy, anh sẽ ăn. Anh cũng đang đói lắm đây. À, chờ anh một lát nhé.
Phương đứng dậy đẩy chiếc ghế vào sát tường, đi lại phía những cuộn tranh đang để bề bộn trên sàn và ngồi xuống thận trọng chọn từng bức. Lát sau ngẩng lên khẽ nói:
- Thế này nhé: Em treo bức tranh này ở lớp cho tất cả các bạn cùng xem. Tất nhiên có cả cô bạn giấy…
Cô bé gật đầu. Nụ cười giờ mới thoáng hiện trên môi cô.
Trên ngọn lim mảng nắng cuối cùng đã mất. Đường chưa lên đèn, một màu tím trùm xuống.
Ngày mai Phương lên đường nhập ngũ, anh có nhiều điều để suy nghĩ. Nhưng, giờ có thêm một ý nghĩ nữa xen đến, cái công việc vẽ tranh nghiệp dư, những bức tranh bình thường của anh tưởng chẳng có ai để ý đến, thế nhưng các em nhỏ vẫn chú ý, theo dõi từng đường nét. Ngày mai anh ra đi thành anh bộ đội. Những việc làm của anh trên đoạn đường chống Mỹ, cứu nước sắp đến dù nhỏ hay lớn lớp người sau vẫn dõi theo...