Đấy là một đêm vào ngày giáp Tết.
Tôi bị sốt li bì suốt bảy, tám tiếng đồng hồ. Bố phải đưa tôi đi bệnh viện cấp cứu. Khi bố cõng tôi ra đến chân cầu thang, mẹ còn chạy theo choàng cái áo bạt phủ kín người tôi. Tiếng mẹ hấp tấp:
- Có khi trời mưa. Để em ra đầu phố gọi xích lô.
Nhưng bố tôi đã bước vội xuống cầu thang, gạt đi:
- Em cứ ở nhà với thằng Đức. Hai mẹ con ngủ đi. Gần 12 giờ đêm rồi đấy.
Mỗi bước đi của bố tôi lại làm chiếc áo bạt tụt xuống. Tôi hé mắt nhìn ra ngoài, đã ra khỏi khu nhà tập thể. Gió lạnh thổi dọc theo phố chính. Của các ngôi nhà đóng im ỉm, dãy đèn đường nhạt nhòa, tạo thành những vồng sáng trên đường nhựa vắng ngắt, hun hút. Bên trên, những tán lá đen thẫm, từng mảng mây màu chì sà thấp xuống, hơi nước đùng đục bay nhờ nhờ như khói. Đến ngã ba, bố tôi dừng lại ngơ ngác nhìn. Trên hè phố không một bóng người. Chỏng chơ ngay rãnh nước vệ đường, một chiếc xe đẩy, chở rác, cái xích to sụ giữ lấy bánh, được vòng vào một thân cây khóa chặt lại.
Tôi thất vọng, thở dốc, ngả mặt vào lưng bố, khẽ hỏi:
- Bố ơi, làm thế nào bây giờ?
- Bố cõng con đi vậy. - Bố trả lời trong hơi thở bập bỗng.
- Nhưng bệnh viện xa lắm.
- Xa cũng đi.
Bố xốc tôi lên, hăm hở bước. Tôi đâu còn bé, sắp sang tuổi mười lăm rồi. Tôi đã xách nước giúp bố, đã mang xe đạp cho mẹ tôi sau mỗi lần đi làm về từ tầng một lên tầng ba. Ngày thường đứng bên bố, ước tính đầu tôi đã cao tới vai bố tôi rồi... Rõ khổ thân bố tôi! Những chiếc xích lô, những chuyến xe buýt ban ngày nườm nượp đi, giờ biến đâu như trong chuyện thần thoại. Cái mặt đường ồn ào, náo nhiệt sống ban ngày giờ cũng ngủ yên. Chỉ có hai bố con tôi giữa bốn bề vắng lặng:
- Bố ơi, mọi đêm có xích lô không?
- Có.
- Sao đêm nay lại không?
- Chắc gió lạnh, mưa rét nên người ta không đi con ạ.
Tiếng chân của bố tôi lại đơn độc, khô gọn trên mặt đường. Mỗi bước chân làm ngực tôi thắt lại.
Bỗng có tiếng thùng loảng xoảng nảy lên xô mạnh từ mặt đường phía sau dội tới, xen lẫn tiếng ro ro của bánh xe lăn trên đường nhựa. Bố tôi đứng lại, ngoái nhìn. Tôi cũng thò đầu ra khỏi áo bạt. Một chiếc xích lô, một khối đen loáng nhoáng trong ánh đèn đường, có gắn ngọn đèn bão, chụp ngoài sơn đỏ đang tiến lại gần.
Bố luống cuống cõng tôi chạy ra đứng giữa lòng đường như sợ người đạp xe không nhìn thấy.
- Bác xe ơi! Cho bố con tôi đi với.
Chiếc xe đang lao nhanh, kít dừng lại. Mấy chiếc thùng rỗng xô vào nhau loảng xoảng. Tiếng một người đàn ông khỏe khoắn vang lên:
- Có việc gì thế anh?
- Tôi cho cháu đi cấp cứu.
- Thế thì lên đi.
Người đạp xe nhảy phắt từ trên yên xuống lòng đường; chiếc áo mưa ngắn cũn cỡn, lòa xòa quệt vào thành xe loạt soạt. Qua tiếng nói, tôi đoán được người đạp xe còn trẻ, chỉ bằng tuổi bố tôi là cùng. Chú vội vã xếp những chiếc thùng trong lòng xe cho bằng bặn, rồi rút mảnh ván đặt thành cái cầu từ thành xe bên này qua thành xe bên kia, và giục:
- Anh bế cháu ngồi tạm lên vậy.
Khi bố tôi vừa ngồi chắc chắn thì chiếc xe lao đi ngay. Nghe tiếng loảng xoảng của những chiếc thùng va vào nhau trong lòng xe, bố tôi hỏi:
- Hình như không phải xe chở khách, đúng không anh?
Chú xích lô cười hóm hỉnh:
- Đúng đấy! Mà tôi cũng không phải làm nghề đạp xe nữa kia.
Bố tôi ngoái hẳn lại nhìn chú, ngạc nhiên. Còn tôi cũng thảng thốt, nhìn chằm chằm vào khuôn mặt gồ ghề, nhuộm ánh sáng đỏ của chiếc đèn buộc bên thành xe hắt lên.
- Thế anh làm gì? Ở đâu? - Bố tôi hỏi.
Vẫn giữ nguyên nụ cười hóm hỉnh, chú trả lời:
- Tôi làm ở nhà máy. Bố tôi thì đạp xe. Đêm đến, tôi lấy xe của cụ đạp thêm. Có xe mà đạp là còn tốt đấy. Chứ có người muốn đạp xe buổi đêm, đi thuê cũng mất một, hai chục nghìn anh ạ.
Bố tôi im lặng. Chú đột nhiên im lặng. Chiếc xe vẫn đi, bánh ro ro đều đều trên mặt đường. Qua chỗ ổ gà, chú cho xe đi chậm lại, chiếc xe chành đi, đằm xuống trong chốc lát rồi lại tiếp tục lăn ro ro.
- Anh biết đấy, trong lúc khó khăn này, chỉ đồng lương thôi, sống sao nổi - Chú tiếp tục câu chuyện - Gia đình nào chẳng có người già và trẻ con phải nuôi. Tôi có hai cháu nhỏ, vợ tôi cũng làm trong nhà máy, nhưng sau giờ đi làm về chỉ giặt giũ, cơm nước bảo ban học hành cho hai đứa nhỏ là nhoài người ra rồi. Tiền cũng cần nhưng dạy dỗ cho các cháu nên người trong lúc này lại cần hơn. Tôi có làm ra tiền thì cũng phải bằng chính sức lao động của mình. Có đổ mồ hôi, có vặn cơ bắp để kiếm được đồng tiền mới thấy lòng mình thanh thản, mới thấy con mình lớn lên trong sạch. Chẳng hiểu anh có nghĩ giống tôi không, chứ tôi thấy trẻ con bây giờ nó tinh lắm. Anh có nói mồm, đưa ra hàng đống sách về cho nó đọc, bảo nó phải sống thế này, phải sống thế kia mới là tốt, cũng không bằng anh dạy nó bằng chính cuộc sống của mình. Cứ trở về với cách dạy xưa của ông cha mình, thấy đúng lắm anh ạ. Rau nào sâu ấy. Cha mẹ sống bất lương, lèo lá thì con cái làm sao tốt được.
Bố tôi vẫn im lặng. Tôi thấy cánh tay bố siết chặt lấy tôi hơn và đôi mắt cứ mở chằm chằm nhìn về phía trước như nuốt lấy con đường sâu hun hút.
Còn chú xích lô vẫn nói. Chú nói chuyện như để bớt trống trải, để con đường ngắn lại cho bố con tôi đỡ sốt ruột. Và có thể chú cũng nói như thói quen chú ngồi trên xe vậy.
- Kể ra đạp xe đêm chở khách cũng có tiền, khá đấy. Nhưng nhà máy lại cần người chở đêm mang suất ăn từ cửa hàng về cho công nhân làm ca đêm. Hôm thì chở bánh mì, bánh bao, hôm thì phở... mỗi đêm hai chuyến. Như vậy cũng được tính thêm một công mà long rong trên đường chỉ mất ba tiếng là cùng. Nói thật với anh, bánh mì, bánh bao, nước phở... các cô nhà hàng chẳng đếm đủ, đong đủ từng bát nước dùng đâu. Bao giờ cũng dư anh ạ. Dư một vài cái bánh, hay đôi ba bát nước dùng thì cũng đỡ lo quà sáng cho các cháu hoặc nồi canh cho gia đình buổi trưa. Ngẫm ra, ở đời cũng lắm người tốt anh ạ. Có cô ở cửa hàng nghe tôi nói có hai cháu nhỏ, thế là cứ mỗi lần đến nhận hàng, cô ấy lại giấu giấu giếm giếm, lần thì bánh mì, lần thì bánh bao cho vào túi áo tôi. Mới đầu tôi xấu hổ không nhận, cô ấy bảo tôi mắc bệnh sĩ...
Nghe đến đây bố tôi bật cười. Còn chú xích lô thì cười hơ hớ. Cười như chú vừa kể, vừa nghe xong câu chuyện về ai. Chiếc xe lại qua đoạn ổ gà, chú phanh xe cho đi chậm lại, để tôi đỡ xóc. Chú tiếp tục, giọng vẫn vui vẻ như chưa hề bị mệt:
- Đi đêm lắm cũng gặp lắm người lạ anh ạ. Có lần lấy hàng về, mệt quá, tôi đỗ xe dọc đường uống nước. Một bác xích lô thấy tôi thở hổn hển, bảo: “Anh bạn chắc mới đi nghề phải không?”, “Vâng”, tôi đáp. Thảo nào tôi thấy anh phí sức quá, bác vỗ vai tôi ân cần, đã đạp xe đêm thì phải biết tiết kiệm sức! Lúc nào cũng nhông nhông cái xe trên đường thì ăn mấy cho lại, lấy sức đâu mà sống với vợ con. Anh cứ nhìn tôi đây này. Tối đến ăn mặc tươm tất, đủng đỉnh đạp xe ra khỏi nhà. Tới phố chính, để xe ở ngã ba trống huếch, trống hoác nào đó, sao cho từ xa người ta đã nhìn thấy mình, rồi ngồi trong mà tia ra. Ngồi thu lu như mèo rình chuột ấy. Cả đêm chỉ cần vồ được một con. Chỉ thế thôi, lại đủng đỉnh đưa xe về, vừa nhàn xác lại vừa có chất hì hì... Bác cười nhưng tôi thì ngơ ngác. Mèo rình chuột là thế nào hả bác? Đấy, tôi biết ngay là anh mới vào nghề mà. Ngồi trong xe tia ra là mình. Mèo là mình, còn chuột là khách. Chỉ cần một ca cấp cứu, một ca đẻ hay một tai nạn nào đấy là hàng trăm nghìn vì lúc bấy giờ gia đình người ta cần người còn mình lại cần tiền. Cái lý của bác ấy là như vậy anh ạ.
Đến một ngã ba, xe phải rẽ vào con đường nhỏ gồ ghề, tối hơn. Xe lăn đi chòng chành trong vòng sáng của ngọn đèn dầu đỏ quạch... Không hiểu đã sắp tới bệnh viện chưa? Nếu tới, chú lấy bố con tôi bao nhiêu tiền? Ít khi tôi thấy bố mẹ tôi có đến một trăm nghìn trong túi lắm. Vậy nếu, chú là mèo thì đêm nay chú đã rình vồ được con chuột nhỏ và xương xẩu.
- Anh đi tắt lối này cho nhanh anh à? - Bố tôi hỏi.
- Vâng, đến bệnh viện trẻ em thì phải đi đường này cho gần. Chỉ mất một đoạn khó đi thôi.
- Lát nữa anh lấy hàng ở phố nào?
- Phố Hàng Bột anh ạ.
Bố tôi ngơ ngác:
- Anh phải đạp xe vòng trở lại à?
- Vâng! - Chú mỉm cười trong hơi thở hổn hển.
Bố tôi thở dài, băn khoăn về đoạn đường của chú. Như vậy, để đưa tôi đến bệnh viện, chú đã phải đạp một đường vòng khá xa. Hình như biết nỗi băn khoăn của bố tôi, qua đoạn đường ổ gà chú tiếp tục câu chuyện như để xóa nỗi băn khoăn ấy.
- Người ta sống có nhiều cách phải không anh? Muốn làm được cái gì cũng phải tùy thuộc vào tính khí con người. Có người chỉ kiếm ăn nơi sáng sủa, có kẻ chuyên kiếm ăn trong xó tối. Giống như loài cá chẳng hạn: cá chép ăn chìm sát đáy. Cá trôi kiếm ăn chỗ nước lửng lơ. Còn cá mè, cá ngão ăn nổi. Có trường hợp kiếm sống của hai bố con người đạp xích lô như thế này, anh bảo có đáng sợ không. Vì những hôm đến lấy hàng nhưng lại chưa có, thế là tôi đạp xe long rong trên đường. Tôi gặp hai bố con người đó một cách tình cờ. Người bố cũng phải hơn tôi vài ba tuổi, còn đứa con mười một, mười hai tuổi là cùng. Cứ tầm đêm anh ta mới cho con ngồi lên xe xích lô rồi đạp đến các bến xe, ga tàu, nơi đông người. Lúc ấy, khách đi tàu, xe ngồi đợi đã mệt. Người thì rải ni lông, mảnh chiếu ra ngủ, người thì ôm gối ngủ gà ngủ gật. Ba lô, túi xách, tay nải xếp đống lộn xộn. Anh ta đỗ xe dưới tán cây tối tối giả đò như chờ khách rồi thả con đi tăm. Tôi để ý tới thằng bé vì nó quá gầy yếu. Cứ mỗi lần nhác thấy nó thập thễnh, len lỏi dọc hè ga, mặt nhớn nhác là tim tôi lại thót lên. Người khách nào sơ ý ngủ thiếp đi, là lập tức thằng bé nẫng ba lô hoặc tay nải mang ra xích lô. Anh ta đạp đi ngay. Chắc bố con anh ta đã quen sống bằng cách ấy. Nhưng có lần, một anh công nhân đã phát hiện ra thằng bé. Nó lấy ba lô của anh ấy. Thế là hành khách ngủ hoặc ngồi quanh đấy bật dậy, đổ xô đến, ầm ĩ. Nhìn vòng trong vòng ngoài người vây quanh thằng bé, tôi nhận thấy thân hình bé tí đổ nghiêng đi vì sức nặng của cái ba lô. Tôi vội nhìn ra chỗ tối tối dưới lùm cây. Không thấy chiếc xích lô nào đỗ ở đấy. Nhưng trên đường lại có chiếc xe phóng như chạy trốn. Đúng anh ta rồi! Rõ là một thằng khốn nạn! Tôi nhảy lên xe, đạp đuổi theo. Tôi cũng phóng như bay cùng với nỗi uất ức. Phải! Tôi sẽ cho anh ta một trận. Tôi sẽ đập vào giữa cái mặt ấy. Cái mặt không đáng làm bố khi bắt đứa trẻ phải làm công việc này. Càng đê tiện hơn khi bỏ con một mình trong lúc hoạn nạn. Dứt khoát tôi sẽ không tha. Đừng hòng ai ngăn cản tôi. Hình như không nhận ra tôi đuổi theo phía sau, tới phố vắng anh ta không đạp nữa, chiếc xe được thả trôi giữa lòng đường và dừng lại. Tụt khỏi yên xe, anh ta ngồi thụp xuống thì cũng là lúc tôi đến. Xe chưa kịp dừng, tôi đã nhảy thoắt xuống, xông lại. Tôi nắm tóc anh ta, hất ngược cái bộ mặt khốn nạn ấy lên để nhìn, và một tay vung cao toan đập vào cái bộ mặt ấy. Nhưng cánh tay tôi đã kịp dừng lại. Một khuôn mặt gồ ghề nhiều nếp nhăn, tái mét. Những giọt nước mắt giàn giụa chảy ra từ bao giờ, bay cả xuống bộ râu lưa thưa. Những sợi râu to cứng, đọng nước mắt. “Em lạy anh!” - Anh ta nấc lên - “Em không muốn như vậy, anh hiểu cho. Nếu mọi người biết là có cả em thì cả nó, cả em, cả cái xe này bị giữ lại. Nó còn các em, còn mẹ nó ở nhà...”. Cổ họng tôi tắc nghẹn, nước bọt quánh lại, đắng ngắt. Tôi buông anh ta ra và thấy mình cũng rã rời.
- Còn đứa bé thế nào hả anh? - Bố tôi buột hỏi.
Để anh ta ở đấy, tôi vội đạp xe quay lại. Lúc này, người vây quanh thằng bé càng nhiều hơn. Người ta chỉ hò hét ầm ĩ, rồi nguyền rủa đứa nào là bố mẹ nó, chứ không một bàn tay nào chạm đến người nó cả. Không chần chừ, tôi rẽ mọi người ra, ôm chặt lấy thằng bé. Tôi lẩm bẩm như van xin với những người xung quanh: “Thưa các ông, các bà nó là con tôi”. Lập tức vòng người quây lại xỉa xói tôi, chửi bới tôi. Tôi ôm nó rẽ đám người để đi. Mọi người tránh ra nhưng chưa buông tha. Và, đột nhiên không biết từ phía nào trong vòng người, một bãi nước bọt nhổ thẳng vào mặt tôi. Tôi đưa ống tay áo lên lau, cái chất dính lớp nhớp ấy như ăn chặt vào da thịt, tưởng chừng không bao giờ lau sạch. Nhưng lạ một điều, tôi không thấy phẫn uất, không thấy hổ thẹn, chỉ thấy đau đớn, nước mắt tôi trào ra. Tôi khóc.
Kể đến đấy, chú im lặng. Bố tôi cũng im lặng, im lặng kéo dài trên con đường trống vắng. Lần này bố tôi lại hỏi, tiếng nhỏ đi:
- Thế thằng bé làm sao hở anh?
- Cũng lúc ấy, một anh công an đến. Vòng người ồn ào hẳn lên. Nhiều người nói: Phải bắt giam bố thằng bé lại. Tội là tội bố nó... Tôi cứ ôm ghì thằng bé đi bên anh công an. Vào đồn, mấy anh công an nhìn tôi với con mắt lạnh lùng. Một anh đứng tuổi bảo tôi ngồi xuống chiếc ghế băng, phía dưới là một thanh sắt nặng, có hàn những vòng tròn dùng để cùm chân tội phạm. Tôi nói hết sự thật. Tất nhiên, tôi nói cả chuyện tôi không phải là bố thằng bé. Lúc ấy, các anh công an bỗng thay đổi nét mặt. Các anh nhìn tôi và thằng bé. Chính anh công an có nét mặt lạnh lùng hất hàm ra hiệu tôi ngồi khi nãy thì lại quay mặt đi nơi khác dụi mắt, bảo tôi: “Anh đưa nó đến với bố nó đi”.
Đạp xe đưa thằng bé quay lại, tới cái phố vắng, bố thằng bé còn ngồi dựa lưng vào gốc cây bên đường. Anh ta khóc.
- Anh còn gặp thằng bé không?
- Sau lần đó tôi có ý lảng vảng đến những đoạn đường ấy nhưng không bao giờ gặp anh ta và thằng bé nữa. Chính điều đó lại làm cho tôi vui anh ạ. - Chú xích lô bỗng mỉm cười, nụ cười thật hiền lành - Từ nhỏ tới lớn tôi chưa bao giờ bị nhổ nước bọt vào mặt. Đấy là lần đầu nhưng không hiểu có phải là lần duy nhất hay không? Nhưng nếu có bị nhổ nước bọt vào mặt bởi những việc tương tự thì cũng chẳng có gì ân hận anh nhỉ.
Câu chuyện tới đây thì cũng là lúc chiếc xe xích lô đã đến cổng bệnh viện. Bố tôi vội vã bế tôi xuống và thò tay vào túi, hỏi chú:
- Anh lấy tôi bao nhiêu tiền hở anh?
Chú xích lô nhảy lên xe nói:
- Tôi giúp anh thôi. Anh cho cháu vào bệnh viện nhanh lên.
- Không, không thể thế được. - Tiếng bố tôi hốt hoảng như muốn giữ chú lại.
Chú vẫn bình thản đạp xe đi, nói với lại:
- Anh yên tâm. Tôi giúp anh, lại có người khác giúp tôi anh ạ.
Lần này chiếc xe lao đi rất nhanh. Tiếng thùng va vào nhau loảng xoảng xa dần. Tôi và bố tôi còn nhìn theo, cho tới lúc màu sẫm của chiếc xe nhòa trong bóng tối loang lổ trên mặt đường và nó chỉ còn lại ngọn đèn dầu đỏ đặc.