Đêm ấy vào đầu mùa thu.
Tôi đi trên chiếc xe gắn máy, tới cuối đoạn đường mới mở rộng, chân dốc Kim Liên rẽ vào khu ngõ chợ Khâm Thiên, bất chợt có ba thanh niên từ bóng tối bên đường lao ra. Một tên cao nhất, cầm cuộn dây thòng lọng chụp đúng đầu tôi, rồi cả bọn xô vào níu dây kéo lại hòng hất tôi xuống mặt đường, cướp xe. Tốc độ xe lúc đó còn mạnh nhưng tôi vẫn cố bám chặt trên mặt xe, mặc cho sợi dây thít vào cổ. Tôi gồng người lôi cả bọn đi một đoạn mới dừng lại. Bị mấy gậy vụt vào người, tôi vẫn kịp hất chân chống. Để chiếc xe vẫn đang nổ máy giữa đường, vừa chống cự, vừa kêu cứu: “Cướp! Cướp!”. Hai tên thanh niên cao lớn cầm gậy cứ nhằm đầu tôi bổ xuống nhưng tôi đều tránh được. Một đứa nhỏ nhất bọn, có vẻ hung hăng, thấy tiếng kêu cứu gấp gáp, nó rút lưỡi lê lao vào mong chóng kết thúc, để đồng bọn lấy xe phóng đi. Nhưng tôi đã nhanh mắt tránh được, đồng thời, bằng một cú đá móc vào bụng, tôi đã hất người nó ngược trở lại, ngã ngửa trên mặt đường. Nó chỉ kêu “hự” một tiếng nhỏ rồi ôm bụng, cong người lết vào bóng tối của ngôi nhà bên đường.
Cách đấy không xa, mấy ngôi nhà bật đèn và có tiếng kêu hùa theo. Hai tên còn lại quăng gậy bỏ chạy. Gần chục người ở quanh đấy ùa ra. Người cầm theo xà beng, người mang theo búa - chắc cũng chỉ là để đề phòng - vì họ biết trên mặt đường lúc này chỉ còn có tôi. Mọi người ngạc nhiên nhận thấy tôi vẫn bình thường đang đứng bên xe máy. Họ thầm hỏi, gạn chuyện. Tôi nói, vì đoạn đường này đèn quá mờ nên không rõ mặt bọn cướp và chỉ hướng hai tên chạy. Do ý thức tự nhiên tôi không nhắc đến tên thứ ba. Có thể - tôi nghĩ - nó cũng đã trốn, hoặc có thể còn lẩn quất trong bóng tối của ngôi nhà. Nhưng tôi không muốn rắc rối thêm. Việc tôi chặn cướp giữa đường cũng đã là quá đủ.
Cảm ơn mọi người, tôi lên xe đi. Ai về nhà nấy. Vì người nào cũng ngại, cũng sợ công an phát hiện ra, mời về đồn, lại khai báo, lại làm chứng. Rách chuyện!
Nhưng mới đi qua đoạn rẽ vào ngõ chợ chừng vài trăm mét, tôi thấy có điều gì không yên. Liệu cái thằng cầm lê, bị tôi đá vào bụng có làm sao không? Cho dù việc tôi đánh nó là để tự vệ. Thật may mắn nếu nó không việc gì. Nhưng nhỡ ra nó gục ngay tại đấy... Biết sao được. Từ khi lớn lên tôi chưa đánh nhau và đánh ai bao giờ. Tôi sợ với ý nghĩ phải đánh người khác!
Tôi vòng xe lại. Đoạn đường khi nãy không còn một ai. Ánh đèn đường như mờ tối hơn, bóng đổ của các ngôi nhà quanh đấy đen đặc lại. Tôi là người ít biết sợ nhưng sau sự việc vừa xảy ra, chỉ tiếng chuột chạy trên lá từ một bụi cây gần đấy đã làm tôi nổi gai ốc. Tôi vẫn ngồi trên xe, về số, nhấn ga, dận phanh. Chỉ cần có dấu hiệu nguy hiểm là tôi có thể thả phanh vọt đi ngay. Tôi lia đèn pha xe máy vào mảng tối của ngôi nhà mà tôi cho rằng nó đã lết vào. Nhưng chỗ đó chỉ có cái nền xi măng bỏ hoang, cắt ngang một rãnh nước đen ngòm lượn ra con mương phía xa. Tôi vừa mừng, vừa lo, quay ngoắt xe lại toan đi thì từ một mảng tối khác, sát bên tôi, bỗng bật lên tiếng con gái yếu ớt:
- Em ở đây kia!
Tôi rùng mình, quay pha xe lại.
Cái đứa bị tôi đánh khi nãy, không phải là thằng mà là một đứa con gái chừng mười sáu, mười bảy tuổi. Tóc nó cắt ngắn như con trai, khuôn mặt nhỏ, sớm có những nét cứng trước tuổi. Chiếc áo lụa đen của nó xộc xệch, trễ cổ, để lộ hai bầu vú nhỏ như hai vốc tay, nhìn như của đứa trẻ con mới lớn, nhưng cũng lại như của một người đàn bà bị bòn rút, tóp lại.
- Giờ thì em đỡ rồi. Nhưng em đã thử mà chưa đi được.
Nó nói, hai tay vẫn ôm chặt lấy bụng, đôi mắt đờ đẫn, ngước lên.
- Anh có thể cho em về nhà em được không? Nhà em cũng gần đây, trong ngõ chợ.
Tôi nghi hoặc nhìn nó rồi nghĩ đến hai đứa đồng bọn, nhưng không dám hỏi. Hiểu vậy, nó nhìn xuống, đôi mắt gần như khép lại:
- Rồi thế nào em cũng về được.
Ý nó muốn bảo tôi đi đi. Tôi định bỏ, đi thật. Nhưng nhìn nó nhỏ thó, lưng dựa vào mảng tường rêu ẩm ướt. Không nỡ, tôi cúi xuống, bế nó ra xe. Cũng lúc ấy nó nói nhỏ bên tai tôi, nghe thật tội:
- Em xin anh, gặp mẹ và các em em, anh hãy nói là em bị cảm. Nếu biết em thế này, mẹ em sẽ khổ lắm.
Tôi có một đứa em trai bị tù. Lần thứ nhất nó bị tù vì tội ăn cắp khi nó mười bốn tuổi. Nó cùng hai đứa nữa đi gỡ trộm công tơ điện. Lần thứ hai nó cùng đứa nữa tháo cốp xe gắn máy. Lần này thì nó đã ở tuổi mười bảy. Chỉ cần giam ít tháng cho đến tuổi thanh niên là có thể đưa ra xét xử và cho đi tàu suốt được rồi. Nó bị kết án tù ba năm. Giá một cái cốp xe đắt quá! Nhiều lúc tôi đã tự hỏi: Không biết lỗi tại đâu? Tại mẹ tôi mất sớm? Tại bố tôi không dạy được lũ con lau nhau? Hay tại cái đồng lương hưu còm cõi của bố tôi lĩnh hàng quý? Giờ tôi đã kiếm được tiền giúp gia đình, nhưng với đứa em bị đi tù thì đã quá muộn.
Có lần tôi đến trại cải tạo thăm nó. Lúc anh em rủ rỉ nói chuyện, tôi bảo:
- Sao em dại thế! Cái công tơ điện đáng gì để cho người ta nói mình có tiền án, tiền sự.
Nó nói thật:
- Lúc đứa bạn rủ đi lấy, em chỉ thấy thích vì sẽ có tiền, chẳng nghĩ tội như người ta nói ở tòa. Khi còn mẹ, mẹ hay nhắc nhở. Chứ bố và các anh có bao giờ nói cho em biết đâu. Chắc nhà mình đông anh em, nên bố coi em như không có. Em bỏ học, đi đâu, làm gì, mặc kệ! Đã vậy thì em đi. Mới đầu là vui, sau thành thật.
Tôi an ủi em:
- Hết ba năm, về nhà, anh em mình sẽ làm lại từ đầu.
Nhưng nó đã trả lời:
- Em không về nhà nữa đâu. Em sẽ đi, có thể đi thật xa.
Nó hận gia đình. Nghĩ cho cùng, nó hận cũng phải. Gia đình bao giờ cũng là chỗ dựa cuối cùng vững chắc nhất, thế mà nó chẳng tìm thấy. Cũng như cô gái đã rút lê đâm tôi cũng không yêu thích gì cái gia đình của mình. Buổi đêm, hôm tôi đưa nó về tới nhà, nó không muốn vào, cứ ngồi xệp ở cổng, nước mắt giàn giụa. Nhìn nó, tôi lại nghĩ tới em tôi. Khi ấy, còn mấy chục trong túi, tôi rút ra cho nó cả.
Sau lần ấy tôi còn đến thăm cô gái ấy hai lần. Cả hai lần ấy cứ vui như bạn bè gặp nhau vậy. Lạ thật! Kẻ cướp và người bị cướp lại chơi với nhau được kia chứ. Bình thường nó cũng dịu dàng như mọi cô gái khác. Đôi lúc còn có duyên nữa. Ba đứa em lúc nào cũng bấu quanh chị. Bà mẹ lại hiền... Biết chuyện, một người bạn đã bảo tôi: “Thế thì phải đến thường xuyên mà chăn dắt thôi”. Tôi cũng mỉm cười bâng quơ và một ý nghĩ mơ hồ, đầm ấm len đến. Tôi có một ý nghĩ: “Hầu như gia đình nào cũng có một người sinh ra để làm khổ cả nhà. Gia đình tôi, không biết là thằng em trai ngồi tù hay ông bố? Còn gia đình cô gái này thì rõ ràng là do ông bố chứ không phải là cô gái...”. Qua cô, tôi được biết ông bố ngoài bốn mươi tuổi, đạp xích lô, chữ nghĩa chỉ đủ ký tên mình. Nghiện rượu. Rượu vào, lời ra. Ông chửi tất, đánh tất. Chính cái cô gái tướng cướp ấy đã nhiều lần xanh mặt khi thấy ông bố cầm cán xẻng. Cô ấy nói với tôi: “Vô phúc cho đứa con nào, hoặc bất kể người nào đấy, bắt gặp khi ông đang ngật ngưỡng một mình một chai trên phản...”.
Dù ông bố có thế nào chăng nữa, cũng không ngăn nổi ý nghĩ tôi đến thăm cô.
Như mọi lần, tôi lại đi xe vào các ngách của ngõ trọ. Các ngách đường, gạch lát nghiêng như làng cổ nhỏ hẹp. Chỉ đi thẳng hoặc rẽ ngang. Nếu dừng lại là xe sau húc vào lưng rồi. Chỉ một cái rướn ga nhỏ chiếc xe của tôi đã đỗ khựng trước một cái cổng gạch, vữa đã tróc từng mảnh nham nhở. Mấy chiếc rễ si, rễ đa đâm ra từ các kẽ nứt trên nóc cổng rủ lòng thòng, vướng cả vào mặt người qua lại. Bên trong, qua cái sân rộng lát gạch bát màu đỏ đã mòn vẹt là một ngôi nhà gạch, mái ngói cong cong giống mái đình, một đầu đã xệ, tưởng chỉ cần một trận mưa rào là có thể sụt xuống. Nhìn ngôi nhà, mảnh sân, cái cổng tôi có cảm giác những thứ ấy có từ lâu rồi. Và từ đó tới giờ chưa hề được đụng chạm đến. Hương hỏa mả dài của cha ông để lại, việc gì phải tốn công, nhọc sức sửa sang cho nó mất đi cái gốc gác cha truyền, con nối!
Chiếc xe máy vừa mới dựng chân chống, để người xung quanh chưa kịp nhận ra tôi là khách của nhà ai thì từ trong ngôi nhà xập xệ ấy đã vọng ra tiếng “choang” rợn người. Rõ là tiếng nện của cái bát xuống nền nhà. Cũng lúc ấy, từ trong sân, ba đứa trẻ, cả trai lẫn gái nhìn nhang nhác nhau, mặt tái mét vọt ra cổng, túa về hai phía ngõ. Chúng chạy nhanh đến nỗi, nhoáng một cái đã mất dạng. Lại một tiếng bát vỡ. Rồi một người đàn bà chừng bốn mươi tuổi, dúm dó trong bộ quần áo nhầu nhĩ chạy ra ngồi thụp giữa sân, mếu máo:
- Giời ơi là giời! Ông ơi là ông... Ông cứ uống đến chết hay sao? Ông còn hành hạ mẹ con tôi đến bao giờ? Hu hu...
- Ông... cứ uốn đấy - Giọng một người đàn ông đã líu lại - Ông cứ uốn... uốn cho khỏi phải nghĩ đến mày, đến cái lũ đói rách ấy... A, mà cái lũ ấy đâu... mang rượu về đây ngay cho tao... không thì tao tuốt xác. Tiền à... tao thiếu gì tiền... tao có phải in đâu... tao cứ tiêu thôi...
Người đàn bà gục mặt xuống gối và khóc to hơn, đôi vai nhỏ nhô lên rung rung. Hàng xóm đôi ba người đến ngấp nghé ở cổng.
Tôi thở dài lùi xe, nhưng mới được một đoạn thì nhìn thấy một con bé trong ba đứa khi nãy. Nó chừng tám, chín tuổi, xanh xao, đứng nép vào cổng của một ngôi nhà gần đấy:
- Chị có nhà không em?
Nó lắc đầu. Ánh mắt lấm lét.
- Bố em vẫn thế này à? - Tôi lại hỏi.
- Nó gật đầu. Chợt nhớ ra, tôi với tay lấy gói bánh để giỏ xe đưa cho nó:
- Của em đấy.
Nó e ngại đưa mắt nhìn tôi. Và cũng rất bất ngờ nó chộp gói bánh ôm chặt vào người, như sợ bị giằng lại.
Tôi quay đi, nhưng mới được vài bước, con bé bật nói, như thấy rằng sẽ không bao giờ còn gặp lại tôi nữa:
- Chị ấy đi từ sáng rồi. Chị ấy bảo lần này chị ấy đi hẳn.