Phương không phải là con đẻ của ông Sâm. Ông đã giấu Phương hai mươi năm nay. Ông vẫn tự nhủ, sẽ nói điều ấy. Nhưng một ý nghĩ khác lại ngược lại: “Có ai biết đâu! Cứ để thế còn hơn”.
Một người nữa cũng liên quan đến chuyện này, bố đẻ của Phương. Ông đã thăm dò tin tức bao năm nay cũng không thấy. Ông lo rằng, nói ra muốn hay không, tình cảm của Phương đối với ông vẫn bị mất mát. Mặc dù Phương có thể yêu ông hơn nhưng cứ để Phương hiểu ông là bố để vẫn hơn.
Những năm mới lớn Phương hỏi: “Mẹ con đâu?”. Ông trả lời: “Mẹ con chết rồi”. “Mẹ con thế nào?”. Ông xoa đầu Phương: “Mẹ rất giống con”.
Phương đinh ninh mẹ đã chết khi anh mới ra đời.
Cho tới khi vào quân đội, Phương vẫn chỉ hiểu về mẹ có vậy. Những bản lý lịch anh khai một chữ ngắn gọn. Mẹ: chết.
Nhưng hai ngày nay ông biết không thể giấu Phương được nữa. Phương vào quân đội đã hai năm. Hai năm trong cuộc chiến đấu chống lại bọn giặc Mỹ, những bức thư của bạn bè và giấy báo công từ đơn vị gửi về làm ông sung sướng, và từng ngày ông nhận thấy bước tiến của con mình. Có lần Phương bị mảnh đạn, nằm ở Viện Quân y 108 gần nhà cũng không hề viết thư báo, mà đến lúc ra viện mới tạt về thăm. Ông mở căng mắt nhìn con. Phương cười, kể lại cho ông nghe. Ông cúi xuống dụi mắt, muốn nói: “Đã hai tháng, sao không viết thư cho ba?”. Ông nhìn Phương rất kỹ. Ông luôn cười, để lộ hàm răng nhỏ đều bóng loáng. Ông nghĩ: “Nó giống mẹ cho đến cả hàm răng! Chỉ khác mẹ nó có một chiếc răng nanh hơi trồi lên bên phải”.
Thời gian đầu ở quân đội, Phương học thông tin. Sau chuyển sang lái xe xích. Cho đến giờ anh được cử đi học sửa chữa máy bay ở nước ngoài. Điều vướng mắc chỉ còn lý lịch. Không những lý lịch cửa bố mẹ mà cả bên nội ngoại cũng phải được khai tỉ mỉ. Phương viết thư nói cho ông điều ấy. Và, ông tin rằng thể nào cũng có người đến tìm ông. Ông sẽ nói gì? Nói ra một lý lịch nào đó về mẹ Phương, vợ ông, dù có được công nhận hay không cũng được. Có vậy Phương mới hoàn toàn là của ông. Lập tức ông lại gạt đi: “Không! Không thể được!”.
*
Một đồng chí bộ đội ở đơn vị Phương đến tìm ông. Ông không tỏ vẻ ngạc nhiên:
- Tôi biết thế nào các đồng chí cũng đến. Cháu Phương có viết thư về cho tôi, nhưng tôi biết nói với đồng chí thế nào. Tôi chưa viết gì cả mà cũng không biết viết thế nào nữa.
Đồng chí bộ đội, nheo cặp mắt nhìn ông:
- Cụ cứ nói lại.
- Ai xác minh những điều tôi nói.
Đồng chí bộ đội sửng sốt:
- Thế là thế nào ạ. Chả lẽ cụ cũng không rõ? Tôi đã lật hồ sơ của Phương viết về mẹ chỉ ghi một chữ: “chết”.
Ông Sâm ngả người ra thành ghế, đôi mắt nhắm lại một cách mệt mỏi, giọng ông run run nhưng dằn mạnh:
- Tôi không phải là bố đẻ của cháu Phương.
Đồng chí bộ đội bỗng nhoài người lên mặt bàn, đôi mày nhíu lại:
- Phương không phải là con đẻ của cụ?
Ông Sâm lần tay, tìm ca nước trên mặt bàn. Đồng chí bộ đội đưa đến tận tay cho ông. Ông ngửa cổ uống cạn, cái cằm bạnh ra đỏ lừ:
- Tôi chỉ biết mẹ cháu Phương có hai tháng và bố của cháu một lần vào buổi tối như tôi với đồng chí thế này. Đồng chí bảo tôi kể về bố mẹ cháu Phương, tôi cũng chỉ biết kể trong khoảng thời gian hai tháng. Nhưng nói thế nào được vì tôi không hiểu hết.
Ông Sâm kể lại…
*
“Tôi ở thôn Tự Khoát ngoại thành Hà Nội, làm nghề chạm trổ. Vợ và hai đứa con tôi bị chết năm 1945, tháng 8 năm 1947 tôi ra Hà Nội với hy vọng xin làm công cho một cửa hàng trang sức nào đấy. Nhưng, những người như tôi thì nhiều, công việc lại ít. Các cửa hiệu cứ lần lượt lắc đầu, không nói với tôi một lời. Có người tử tế hơn cười méo mó tiễn biệt tôi: “Ông bạn tìm nghề khác đi. Em cũng sắp đóng cửa rồi”.
Một ngày lê trên đường phố Hà Nội ồn ào và oi bức, tôi mệt nhoài nhìn những nét mặt thiểu não, dáng người ngược xuôi, tất tả. Tiếng giày đinh, tiếng còi xé tai. Tiếng dùi cui nện mạnh vào những cái nón lụp xụp ở ngã tư phố, cửa chợ. Xe “gíp”, xe bọc thép lồng lộn. Những cái đầu, tóc vàng như râu ngô, đôi mắt xanh sâu hoắm nhìn qua thành xe xuống vỉa hè; những mớ tóc quăn tít trên khuôn mặt đen có hàm răng trắng nhởn, cười bỉ ổi khi thấy những cô gái... Cảnh đó qua mắt tôi một cách hỗn độn. Tôi không nhìn kỹ, không nghe bởi người mệt mỏi, bụng cồn cào. Có lúc qua đường, đứng chờ đoàn xe mười bánh rít lên, chân tôi run muốn quỵ xuống. Tôi hoảng hốt lo rằng mình sẽ lăn vào gầm xe nên vội lùi lại. Tiếng cười sằng sặc từ trên xe ném xuống. Tôi đói, một ngày đi kiếm việc, trong túi chỉ có ba đồng thì tôi đã dùng để uống nước chè từ lúc sớm và trưa.
Cơm không có một hạt. Tôi cứ đi, không biết rằng mình sẽ kiếm được một miếng ăn bằng cách nào, ở đâu cho qua đêm?
Trước khi lên đây, tôi đã nghe người làng nói là, lên Hà Nội tôi có thể xin làm thuê ở một hiệu đồ gỗ hoặc hiệu kim hoàn nào đấy, không khó lắm. Vì làng tôi, nghề chạm trổ đã chết dần, tôi làm và sống lay lắt...
Ngồi ở vườn hoa Chí Linh nhìn mấy gánh hàng bán trứng luộc và chuối, tôi nảy ra một ý định. Có thể, chờ tối xuống, lẻn ra bò sát sau một bụi cây, tôi sẽ lấy được một nải chuối một cách dễ dàng. Tôi cứ ngồi thế, cái ồn ào, tất bật, cái no đói chồng chéo trên đường phố đầy rẫy người xa lạ. Tôi không để ý tới cái ấy, mà còn mải chú ý tới gánh hàng.
Tôi bỗng găng người lên, vì một thằng bé chừng mười bốn tuổi, mặc độc chiếc quần soóc đen đủi, mái tóc xù lên, đôi mắt mở trừng trừng, đứng sau gốc cây, nhìn như nuốt lấy những quả trứng luộc bày trên đĩa và mấy nải chuối vừa chín tới.
Lừa lúc bà bán hàng sơ ý, thằng bé bò nép sau một búi cây, đúng chỗ tôi dự tính. Nó trườn đến như một con mèo hoang. Bàn tay gầy dài ngẳng chộp lấy một quả trứng. Ngay lúc đó, bà bán hàng quay lại. Bà ta thét lên, tay vớ chiếc đòn gánh vụt theo thằng bé đã chạy được ba bốn bước. Chiếc đòn gánh đúng chân, thằng bé ngã vồ xuống đất, tay còn nắm chặt quả trứng. Bà bán hàng xô đến, túm chặt lấy nó, tru tréo. Một vài người quây lại, có tiếng huỳnh huỵch trong đám người ấy. Chắc họ đánh thằng bé. Tôi đứng dậy khỏi ghế đá, bủn rủn bước đi.
Đêm xuống, mắt tôi hoa lên vì những mảng sáng nham nhở, tai ù lên vì tiếng ồn ào và tiếng xe lồng lộn. Qua những cửa hàng ăn, mùi thức ăn thơm lừng bao bọc lấy tôi. Tôi nuốt nước miếng và bụng cứ cồn lên. Tôi đói quá! Chẳng hiểu sao đôi chân tôi cứ dừng lại ở một cửa hàng ăn cạnh chợ Hôm. Mùi xào nấu và mấy con gà luộc treo ở tủ kính như giữ tôi lại. Tôi nghĩ: “Phải lấy bằng đuợc!”. Và tôi tin là sẽ lấy được. Vì cửa hàng ăn rất đông người ra vào. Mấy người bán hàng lấy thức ăn từ trong nhà ra chứ không đả động gì tới mấy móc gà treo bên ngoài.
Tôi đến gần, mấy thằng lính ngụy cũng vừa ra, theo sau là mấy thằng lính da đen; khẩu súng “sít-ten” quệt cả nòng súng vào người tôi. Thằng nào cũng sặc mùi rượu!
“Tôi phải lấy”. Hình ảnh thằng bé lấy quả trứng luộc bị đánh, không làm sao ngăn nổi ý nghĩ ấy. “Tôi phải sống để về quê. Mặc dầu ở quê cũng không có gì bấu víu, nhưng tôi vẫn hy vọng trong những đám tre xơ xác, trong luống khoai héo rũ sau nhà...”. Con gà luộc vàng ngậy, những giọt mỡ thỉnh thoảng lại rỏ xuống...
Tôi lẫn trong đám khách hàng và nhanh như một con sóc tôi gỡ ngay lấy con gà, trùm vào vạt áo, phóng thẳng ra đường. Nhưng, mới được vài bước, một bàn tay cứng như gọng kìm, cặp chặt lấy gáy tôi. Tôi vẫn ôm con gà, đầu không xoay được. Một cú đấm như viên đá tảng đập vào giữa mặt tôi. Mắt tôi lóa lên như có bao nhiêu ánh sáng rọi tới, tai ù đi. Tôi cố sức chạy vài bước nữa thì một quả đấm ngược lại, hất tôi về phía sau. Tôi ngã sõng soài. Con gà rời khỏi tay lăn ra vỉa hè. Cứ thế, tôi thấy khắp người bị những vật gì thúc mạnh. Máu lẫn nước dãi từ miệng tôi trào ra. Tôi mở mắt nhìn, hình ảnh một tên béo phị, nhăn nhó, mắt long lên, tay dang một cái gì quá đầu đập xuống, chân tôi oằn lên...
Tôi nhớ rằng tôi đã lết được vào bóng tối, sát bức tường một căn nhà, đầu ngả lên thềm.
Tỉnh dậy, tôi thấy mình nằm trên một chiếc giường cũ kỹ, nhưng sạch. Cạnh tôi, một chiếc bàn gỗ tốt, đen bóng, có vài quả cam xếp trên chiếc đĩa thủy tinh, một ít vỏ cam xếp gọn, một con dao “tây” trắng đã dùng lâu năm và lọ đường dùng dở. Tôi đưa mắt nhìn gian phòng nhỏ, sau bức rèm màu thẫm cũng là một chiếc giường cũ. Phía ngoài, ngay cửa ra vào kê hai chiếc đi-văng màu xám... Tôi ngạc nhiên không hiểu mình ở đâu; đấy là thực hay ảo? Tôi nhớ là đầu tôi ghếch lên thềm, máu ở chân vẫn trào ra kia! Hay là tôi đã sang thế giới khác! Nơi mà những người đau khổ thường hay nghĩ đến.
Tôi thấy tỉnh táo, lật người quay nghiêng. Lập tức, người tôi rúm lại. Tôi nằm vật xuống, phát ra một tiếng rên khủng khiếp. Có tiếng guốc đi vội từ trong ra, nâng đầu tôi đặt lên gối. Chân tôi vẫn nhói mạnh. Tôi siết chặt lấy thành giường, mồ hôi vã ra. Không, đấy là thực. Tôi vẫn sống. Cơn đau dứt, tôi từ từ mở mắt. Thật vô cùng sửng sốt, trước mặt tôi là một người con gái chừng hơn hai mươi tuổi, mặc chiếc áo phin trắng bó sát người. Khuôn mặt tròn, mái tóc dày tết thành sam hất về phía trước. Đôi mắt đen, ánh lên một cái gì sâu xa, hiền mà cương quyết. Đôi mày dài muốn giao nhau. Chị cười, chiếc răng bên phải lộ ra, rất có duyên.
Hai ngày sau tôi đỡ nhiều. Và, được biết chị tên là Hòa, ở đây với đứa con trai chừng bốn tháng. Chị buôn bán hoa quả. Cứ buổi sáng chị lại bế thằng bé sang nhà bên gửi một bà cụ mắt kém. Trưa và tối đón về. Một điều đáng chú ý tôi thấy chị không có dáng con nhà lao động. Con nhà lao động như chúng tôi nhìn rõ ngay.
Chị chăm sóc tôi tận tình. Cháo nấu sẵn để trên bàn. Chiều tối mang ít quả ngọt. Tôi cảm động, thầm cảm ơn chị, nghĩ rằng: “Dù sau này có đi đâu, tôi cũng sẽ tới đây, luôn thăm hỏi và nếu chị cần gì, tôi sẵn sàng làm tất cả”. Người phụ nữ ấy đối với tôi thật đặc biệt. Chị vượt lên trên hẳn người bình thường. Hỏi tôi không nghĩ thế sao được, khi tôi một kẻ đói khốn cùng, ăn cắp được chị đưa vào nhà.
Ít ngày sau, tôi trở lại khỏe khoắn nhưng chân phải không làm sao giẫm nổi xuống đất. Chị sắm cho tôi chiếc gậy để chống. Và, tôi được nghe chị kể lại. Lúc tôi ôm con gà chạy ra đường thì tên chủ hiệu và khách hàng lao theo ngay, cùng với một số lính ăn ở đấy ùa ra đấm đá. Chính tên chủ béo phị đã rút chiếc song sắt nện vào ống chân tôi. Lúc tôi lết được vào bóng tối là lúc bọn chó dữ tha mồi. Tôi ngất đi, và chị đem tôi vào căn nhà ấy.
Chân tôi hình như bị giập, cứ chạm xuống đất là buốt nhói đến óc, mồ hôi túa ra. Chỉ chống gậy, lần từng bước trong gian phòng tôi mới đi được. Nhưng dù sao, tôi cũng phải đi. Ở đây làm phiền chị sao được.
Một buổi sáng tôi ngỏ ý với chị:
- Tôi đỡ rồi. Tôi xin chị để về quê. Chỉ ít ngày vừa qua thôi, tôi không thể nào quên được. Thế nào tôi cũng...
Tôi mới nói được vậy. Chị Hòa đã lắc đầu, đôi mày dài và cong nhíu lại:
- Bác còn yếu lắm. Mà đi đâu?
- Tôi về quê. Gia đình tôi ở cả đấy.
Giọng tôi run lên, mắt nhìn đi nơi khác. Chị quả quyết:
- Bác nói dối. Những người có gia đình khác kia.
Và, mắt chị nhìn xuống, buồn rầu. Tôi bỗng nấc lên khóc như một đứa trẻ. Không giấu giếm nữa, tôi kể cho chị nghe về gia đình tôi. Lúc ấy chiếc gậy trong tay tôi cứ run lên bần bật. Chị nắm bàn tay thô, gân nổi lên chằng chịt của tôi:
- Bác ở đây với cháu. Bác đừng lo là bác không có việc gì đâu. Bác thấy đấy, cháu có một cháu bé, bố cháu đi làm xa. Bác trông nom giúp, còn cháu chợ búa.
Giọng chị thành thật và đầy lòng thương người.
Từ đó tôi ở với chị trông thằng bé. Nó tên là Phương. Ăn no nó nằm chơi cả ngày. Cũng vì thế tôi có thể làm những việc trong gia đình. Một điều đáng mừng, tôi đã không dùng đến gậy mà vẫn đi được, chỉ tập tễnh chút ít.
Năm ấy tôi chưa tới bốn mươi. Nói chuyện chị gọi tôi bằng bác. Một bữa, vô tình tôi cầm đến chiếc gương thì lạ lùng, tóc tôi trước có đôi chiếc bạc, mới chỉ qua nửa ngày đã trắng nửa đầu. Giữa sống mũi một vết sẹo dài còn đỏ. Đấy là vết tích của trận đòn khủng khiếp.
Mấy nếp nhăn trên trán hằn lên. Tôi đã đổi khác một cách đột ngột.
Tôi sống với chị, giữa hai người có tình cảm khác biệt. Chị coi tôi như người bác. Còn tôi coi chị như một người chị, một đứa em. Lúc tôi chăm sóc, lúc tôi nghe lời. Chị cũng thấy điều đó và mến tôi hơn. Mỗi lần đi chợ về chị thường dành lại một hay hai quả cam, cũng có khi là chùm nhãn, nói là: “Quà của hai bác cháu”. Nghĩa là của tôi và Phương. Chỉ có tôi ăn được thôi chứ Phương đã biết ăn gì. Nó chỉ biết đưa nắm tay lên mồm bú chùn chụt. Nhưng tôi vẫn tạo mọi cách để nó được ăn quả. Tôi vắt cam lấy nước, hòa đường ngồi cho nó uống từng thìa. Chị rất vui khi thấy điều ấy. Còn thằng Phương cũng hoa chân múa tay cười, nhe hai cái lợi đỏ mòng mọng.
Mỗi lần đi chợ về, chị lại ôm chặt lấy nó, hôn lên má lên bụng nó. Có lần thằng Phương đái cả vào mặt chị, chị mắng nó và cười. Còn tôi cười đến nhức nhối xương, phải gieo người xuống đi-văng. Chị nắm cánh tay tròn trĩnh hồng hào của thằng Phương, rồi nói: “Bác chăm sóc trẻ con còn hơn cả phụ nữ chúng cháu”.
Một điều đáng chú ý, chị đi chợ và về rất đột ngột. Có sáng đi chợ từ lúc ngoài đường đèn còn sáng trưng cho đến tối mịt mới về. Có sáng chị đi một lát về ngay. Những hôm ấy, chị về, nét mặt không được vui, và đôi lúc lại nhìn ra đường, từng đoàn xe mười bánh đầy ắp lính với xe bọc thép chạy rầm rầm về phía Bắc. Xe đi hết, chị vào gian trong ngồi ghi chép. Có khi giữa đem cũng hí hoáy viết, không dùng đèn điện mà thắp ngọn đèn dầu, lấy nhật trình che lại, chỉ để hở một khoảnh nhỏ.
Tôi nhớ, có đêm tôi và Phương đã ngủ bên nhau, chị gánh gánh hàng vào nhà rất nhẹ, chỉ nghe tiếng đòn gánh rất khẽ. Tôi mở mắt nhìn, không phải một mình chị, còn người đàn ông nữa mặc quần áo rất thẫm, khi người ấy đi qua chỗ tôi để vào gian trong, tôi thấy nồng nặc mùi dầu cháy, mùi xăng. Hai người mở nắp cống nước ở cái sân nhỏ sâu bên trong và nói rất nhỏ. Lát sau, người đàn ông ra, mang theo một bọc khá nặng. Trước khi ra đường, người đàn ông đứng sau cánh cửa nhìn ra ngoài. Yên ắng, người ấy lẻn ra rất nhẹ. Chị đứng sau, khép cánh cửa lại.
Bên ngoài, bỗng có tiếng còi xé lên, rồi tiếng chân chạy huỳnh huỵch qua nhà. Chị hé cửa nhìn ra. Tôi vẫn nằm nguyên, vì mọi đêm vẫn vậy. Chị quay vào, thắp đèn và bế thằng Phương trong tay tôi, khẽ nói:
- Cảnh sát đuổi kẻ cắp bác ạ.
Chị bế thằng Phương ngồi trên đi-văng cho nó bú. Đôi mắt đen, sâu thẳm nhìn vào một nơi nào rất xa, thoáng lúc rờn rợn. Lại tiếng còi xé lên giật giọng trong đêm phố tĩnh mịch. Chị nghiêng đầu, nhìn ra.
Tôi mơ hồ nhận ra công việc của chị nhưng không dám hỏi. Tôi muốn chị nói với tôi công việc chị đang làm và hãy giao cho tôi. Tôi tin rằng tôi hiểu và làm được. Vì trong thời gian ở với chị tôi đã có ý nghĩ, khi nào chân đỡ hẳn, tôi sẽ tìm đường trốn ra vùng tự do. Điều ấy, tôi chưa dám nói.
Đêm ấy, chị ngồi thế trên đi-văng. Gần sáng có tiếng xe tăng chuyển qua đường làm náo động khu phố. Chị bế thằng Phương đứng nhìn qua cửa sau đó lại quay vào ngồi trên đi-văng. Nghe tiếng xe tăng gầm gào đang nghiền nát mặt đường, nhìn nét mặt chị điềm tĩnh, cánh tay hơi siết lại ôm con vào lòng, tôi bỗng nhớ lại hai năm trước, hình ảnh vợ con tôi chết thảm thương trong góc nhà tôi tàn. Và, nhớ tới cái buổi chiều đói lả... Bỗng dưng nước mắt tôi túa ra. Tôi quay nghiêng để ánh đèn không rõ mặt.
Tiếng xe tăng xa rồi. Khu phố bị chao đi, giờ lắng hẳn. Có tiếng giằng xé và tiếng chửi của một người phụ nữ ở ngoài đường.
Tôi đứng dậy, tập tễnh đi ra, co lại rèm cửa để ánh điện đỏ quạch ngoài đường không hắt vào.
Chị Hòa vẫn ngồi trên đi-văng. Ngọn đèn dầu từ trong nhà hắt ánh sáng ra mờ mờ. Phương vẫn ngủ ngon trong lòng chị.
Tôi ngồi xuống giường rụt rè:
- Chị Hòa, chị Hòa.
Tôi gọi tới câu thứ hai, chị bỗng ngẩng lên, đôi mắt đang đọng lại một chỗ, giãn ra ngơ ngác:
- Gì thế bác?
- Tại sao chị lại bảo những người không có gia đình chị biết ngay?
Chị nhìn tôi, đôi mày dài và cong nhíu lại như cũ:
- Vì cháu cũng giống thế bác ạ.
Tôi ngạc nhiên:
- Sao lại thế?
- Cũng có thời gian cháu phải ở nhờ nhà bạn bè.
- Tôi vẫn nghĩ gia đình chị rất giàu.
- Vâng, nhưng bố mẹ cháu giàu thôi, còn cháu lại nghèo.
Chắc chị không muốn nói thêm về gia đình. Và, chính điều tôi hỏi đã làm chị thoáng buồn. Tôi giục:
- Chị đi ngủ đi. Khuya quá rồi.
Chị lắc đầu:
- Đã thức thế này thì không ngủ được bác ạ.
Lát sau, chị đặt thằng Phương vào giường, rồi ngồi hí hoáy viết đến gần sáng.
Hai hôm sau tôi được tin một đoàn xe tăng bị ta đánh úp trên con đường Hà Nội - Vĩnh Yên. Tôi nói với chị tin ấy. Chị ngạc nhiên rồi nói sang chuyện khác. Nhưng tôi biết chị rất vui.
Cũng đêm ấy, một người khách lạ đột ngột tới. Đó là một thanh niên khỏe mạnh, hoạt bát. Anh tự đẩy cửa vào. Có lẽ chỉ thấy mái tóc bạc của tôi nên anh chào bằng cụ, và muốn hỏi gì nữa thì chị Hòa từ trong nhà ra, thốt lên:
- Anh.
Người thanh niên quay lại, đi rất nhanh về phía chị.
- Hòa, em.
Hai người ôm nhau. Tôi vội cúi xuống. Họ làm như không có tôi ở đấy.
Tôi vặn nhỏ ngọn đèn rồi vội vàng ra cài cửa thật chặt. Theo tôi hiểu: Đây là chồng chị. Cả hai người đều làm một việc rất quan trọng, rất nguy hiểm mà bọn cảnh sát và những cỗ xe kín lồng lộn trên đường tìm bắt. Tôi nghĩ: Nếu có tiếng xe dừng ngoài đường, rồi tiếng gõ cửa thì tôi sẽ không mở, và chỉ đường cho anh trèo qua một bức tường sau nhà, sang nhà bên, ra một con đường nhỏ rồi luồn qua nhà bà già mắt kém, ra phố một cách an toàn. Tự dưng, tôi có suy nghĩ ấy. Phải bảo vệ lấy hai người, lấy sự sum họp sau này mà tôi tin rằng sẽ đến.
Đêm lặng đi. Tiếng còi đôi lúc lại xé lên vu vơ. Tiếng chân chạy đuổi bắt ngoài đường.
Chừng hai tiếng sau, chị Hòa nhẹ nhàng đi ra, vặn to ngọn đèn, khẽ gọi:
- Bác Sâm, bác...
Tôi choàng dậy. Chị giao thằng Phương cho tôi. Nó đang ngủ ngon lành. Đôi môi mọng tóp tép rồi nhếch lên cười. Người nó thơm mùi sữa. Người thanh niên đứng sau mỉm cười nhìn tôi. Trong ánh đèn dầu tôi thấy anh không rõ. Giọng anh khẽ và vang:
- Chào bác, cháu phải đi thôi. Ngày chúng cháu về không lâu đâu.
Tôi nhìn anh trân trân và lòng dâng lên một cảm giác sung sướng y như người thợ phụ được người thợ cả tin cậy nói cho biết những bí quyết của nghề nghiệp. Tôi tự nhủ: “Thế có nghĩa là chị đã nói chuyện với anh về tôi và tin tôi. Nhất định tôi sẽ hỏi chị. Và, sẽ làm những việc chị cần”.
Tôi miên man với niềm sung sướng của tôi. Còn hai người đưa nhau ra cửa đứng lặng ở đấy. Lát sau cánh cửa hé mở. Anh đi. Tiếng còi lại xé mạnh. Chị đứng sát cánh cửa nhìn ra ngoài. Tôi hốt hoảng:
- Gì thế?
Chị quay lại lắc đầu, mỉm cười, chiếc răng khểnh lộ ra, loáng trắng:
- Không sao bác ạ. Cảnh sát!
Tôi không ngờ. Cả chị nữa. Đấy là lần cuối cùng hai người được thấy nhau.
Cách đấy hai ngày, gian nhà chật hẹp của chị có nhiều khách. Chị Hòa đã nói trước cho tôi biết và nhờ tôi ngồi gian ngoài, nếu ai đến hỏi thì nói chị đi vắng.
Có mấy người đã đứng tuổi mặc những bộ quần áo vải bạt cũ, dính đầy dầu mỡ. Hình như có người vẫn thường đến. Tôi nói “Chị đi vắng” thì họ mỉm cười chào tôi và đi thẳng vào gian trong. Có mấy thanh niên dáng nhỏ nhắn, như học trò, thấy tôi thì ngỡ ngàng. Lúc ấy chị Hòa ra gật đầu gọi họ vào.
Tiếng chị Hòa nói bên trong:
- Còn Nghĩa nữa. Cậu ấy đến muộn quá.
Có tiếng khác của một người đã đứng tuổi:
- Chờ lát nữa.
Ngay lúc ấy từ trong nhà có tiếng ồ lên rất nhỏ, ngạc nhiên:
- Nghĩa! Ông mãnh ở đâu ra thế?
Tôi nhìn qua tấm rèm, trong ánh đèn dầu, một thanh niên gầy cao nhẳng. Đôi mắt tinh nhanh của anh nheo lại, mớ tóc cứng dựng lên:
- Tôi đến hơi muộn.
Một cô gái có mớ tóc uốn, càu nhàu:
- Muộn quá, còn hơi gì nữa.
Chị Hòa đứng dậy, nhường chỗ cho anh ta ngồi và hỏi:
- Nghĩa đi đường nào đến đấy?
- Cổng sau!
- Cậu cũng biết đường ấy?
- Biết chứ. Định đi cửa trước, nhưng ở đầu phố gặp mấy thằng mặc áo xám. Mấy thằng “chó” ấy tôi nhìn quen mặt lắm nên phải vòng lại phía sau. Phố này tôi thuộc như lòng bàn tay. Cả cái cửa cổng này cũng dẫn ra những cửa cổng ở bên ngoài. - Nghĩa chỉ tay ra phía sau.
Một người đứng tuổi ngắt lời:
- Chúng ta bắt đầu. Khu vực của chúng ta từ Ga trở về đến Hoàng Mai. Chúng ta phải làm xong trong đêm mồng một tháng chín. Tôi đã dự kiến phân công: Liên, Luận và Nhân đại lộ Trần Hưng Đạo; Thuận, Mẫn chợ Hôm; Hùng, Hải, phố Bờ Sông. Còn nhà Bát Cổ, nhà máy rượu chúng tôi đã bố trí.
Một tiếng nói sửng sốt:
- Còn Bạch Mai?
- Để Nghĩa.
Người đó lắc đầu:
- Nghĩa treo cờ ở ngọn cây gạo ngay Cầu Đổ. Thôi, để ngay đêm nay tôi sẽ sang nhóm khác xin thêm một người.
Chị Hòa nhổm dậy:
- Còn tôi?
- Không được! Trên có nhiệm vụ cho chị rồi.
Chị vẫn cương quyết:
- Tôi rõ nhiệm vụ của tôi rồi. Nhưng tôi tin là được vì lúc đó tôi cũng đã lấy “hàng” về rồi. Mặt khác, phố Bạch Mai tôi thuộc.
Người ấy vẫn lắc đầu. Nghĩa quả quyết:
- Cắm cờ xong, để tôi đi. Chị Hòa không nên. Chúng đang lùng chị ráo riết.
Người đứng tuổi, không nói gì. Chắc hẳn ông không đồng ý với ý kiến của người nào.
- Cô gái có mớ tóc uốn, hỏi:
- Đến bao giờ có những “thứ” ấy?
Người đứng tuổi:
- Tối mai. Khi chị Hòa ở xuôi về. Nghĩa có nhiệm vụ đến lấy. Đúng sáu giờ sáng ngày kia mồng một tháng chín ta sẽ phân phát cho từng nhóm.
- Địa điểm?
- Chúng ta sẽ bàn.
Cuộc thảo luận còn kéo thêm ít phút nữa. Trước lúc mọi người về, chị Hòa ra, khẽ nói với tôi:
- Bác Sâm. Bác ra cửa xem có ai không?
Lần đầu tiên chị nhờ tôi việc đơn giản ấy, mà sao tôi thấy quan trọng và sung sướng vô cùng.
Đêm, tôi trằn trọc không sao ngủ được và nghĩ rằng nhất định tôi sẽ nói với chị điều tôi mong muốn.
Sáng hôm sau, chị đi rất sớm. Trước lúc đi, chị nói với tôi:
- Hôm nay cháu về muộn đấy.
Tôi biết chị đi lấy “gánh hàng” mà đêm nay Nghĩa sẽ đến lấy.
Thật bất ngờ! Tám giờ tối hôm ấy khi chị vừa mở cửa đi vào, mang trên vai một gánh nặng đặt ở gian trong thì có tiếng xe rú bên ngoài. Tôi hoảng hốt, nhắc đôi chân tập tễnh ra kéo rèm cửa. Và, cài cửa thật chắc. Bên ngoài có vài người mặc áo xám, đội mũ “phốt”, chắp tay sau lưng đi lại, nhìn vào nhà.
Chị Hòa, với đôi mắt lạnh lùng, mồ hôi từng hạt vẫn còn đọng trên trán, nói với tôi:
- Bác bế ngay cháu Phương đi theo phía sau lưng nhà bên.
Tôi mở trừng mắt nhìn chị. Đôi mày chị cau lại:
- Bác bế cháu đi đi.
Tôi đã hiểu ra, một sự việc khủng khiếp sắp chụp đến. Và, tôi vội vã vào giường bế Phương. Chị vào theo, mở trừng mắt nhìn con rồi nói với tôi:
- Bác trông nom cháu giúp con. Khi nào anh ấy về bác nói với anh ấy.
Có mấy bóng thấp thoáng ngoài cửa. Hình như có người còn dừng lại ngay cửa. Chị quay lại, đẩy tôi ra phía sau:
- Bác đi đi.
Thời gian cấp bách lắm rồi. Tôi bế thằng Phương không để nó khóc. Cũng với đôi chân tập tễnh, tôi dùng hết sức lực trèo lên bức tường cao ngang ngực. Chân đau quá! Người tôi ướt đẫm, lạnh toát. Mạch máu bên thái dương giật mạnh. Bên trong, chị Hòa đang lục ngăn kéo và đốt những tờ giấy khuất sau chiếc tủ lớn. Trong ánh lửa bập bùng, đôi mày chị cau lại, cánh mũi phập phồng.
Tôi nghe tiếng giày bên ngoài bước vội vã. Không thể chậm được, tôi dùng đầu gối, cùi tay trái trèo qua tường ra một con đường nhỏ rồi vào cửa sau một gian nhà tối om.
Bà cụ già mắt kém thì thào, lo lắng:
- Có việc gì thế ông?
Tôi không nói, giao thằng Phương cho bà và vội vàng quay trở lại. Lần này có một mình, tôi vượt qua tường dễ dàng.
Chị Hòa chắc đã đốt xong những giấy tờ cần thiết, giờ đang vội vã chuyển những gói hàng ra sau nhà. Phủ được mấy miếng bao tải rách dùng để lau sàn nhà lên, thì bên ngoài có tiếng gõ cửa. Mới đầu tiếng gõ còn nhỏ, sau là tiếng đập phá. Cánh cửa hình như gần sập. Chị Hòa vùng dậy, cầm một thanh sắt rất to, tôi tin là chị ra để chèn cửa. Tôi biết chị không kịp giấu những “gói hàng” quan trọng này.
Nhìn những gói hàng để sát tường, tôi biết thế nào cũng bị mất. Trong tiếng đập phá và tiếng văng tục bên ngoài, tôi chuyển cả những “gói hàng” vào bếp, đổ mùn cưa phủ lên. Sau đó, tôi vứt đôi quang qua tường cùng với hai thúng nữa ra con đường nhỏ, thông lung tung sau phố, có ngách ăn ra phố khác. Xong xuôi, tôi toan lao vào trong kéo chị đi rồi cùng chạy ra phố khác bằng bức tường. Nhưng, tôi vội dừng lại vì chính tôi cũng không còn đường ra nữa. Bên kia bức tường mới xuất hiện vài cái mũ “phớt”. Có tiếng xì xào. Tiếng còi bật xé lên. Chắc chúng đã thấy đôi quang và hai cái thúng vứt lăn lóc giữa đường.
Tôi nấp vào bóng tối nhẹ nhàng mở cửa buồng tắm, trèo lên một thanh gỗ ngang, vắt qua cửa ra vào, ngồi nín lặng nhìn ra.
Có tiếng chân chạy và tiếng chửi từ sau tường:
- Mẹ nó! Mất rồi còn gì. Ông đã bảo.
Và, mấy bóng người lao vút qua tường, ập vào trong. Tay tên nào cũng lăm lăm súng ngắn. Không ngờ, cách “nghi binh” của tôi chúng đã mắc.
Cùng lúc ấy, cánh cửa bên ngoài bật tung, bốn năm ngọn đèn pin rọi vào. Có ngọn xuyên qua khe cửa nhà tắm làm tôi lóa mắt. Chị Hòa đứng giữa nhà không nói một câu.
Một thằng cao lớn, đeo kính nửa đen nửa trắng lại gần. Môi nó mím lại và đưa bàn tay có những ngón dài, tóp lại, nâng cằm chị. Rồi, bất chợt nó giáng một quả đấm vào mặt chị. Chị kêu hự một tiếng rồi lảo đảo. Nó vặn ngọn đèn dầu cho to đặt trên bàn, rồi hất đầu cho những đứa phía sau. Một thằng mặc quần “soóc”, áo cộc xô đến, ghì chị xuống chiếc đi-văng, trói nghiến lại bằng những sợi dây vải chúng mang theo. Còn những đứa khác dùng đèn pin rọi khắp nhà. Chúng lố nhố đi lại, tiếng co bàn, tiếng chân đá vào cánh cửa tủ, tiếng kính vỡ loảng xoảng... Tôi mở căng mắt nhìn ra. Toàn những đứa mặc quần áo màu đêm. Chúng không nói để việc làm thay tiếng nói. Chúng không nhìn mà dùng đôi mắt sói thôi miên. Chúng rọi đèn vào bếp. Tôi lo lắng. Chúng rọi đèn vào nhà tắm nhưng tôi ngồi ngay trên đầu chúng nên chúng không biết.
Một tên cầm đôi quang gánh, vòng từ ngoài đường vào, vứt ra giữa nhà:
- Chúng đem đi hết rồi!
Tên đeo kính nửa trắng nửa đen đá tung đôi quang vào tường, hai tay chống nạnh đứng trước mặt chị Hòa, rít lên:
- Đôi quang gánh này sẽ đựng mày mỗi bên một nửa.
Rồi nó quay lại bọn kia đang đứng, quát:
- Thấy gì nữa không?
- Một ít giấy tờ. Nó cũng đã đốt đi khá nhiều.
Cánh tay dài như vượn của nó lại dang thẳng. Nó tát vào giữa mặt chị, buông một câu:
- Mẹ mày!
Chị Hòa hơi nghiêng đầu trên thành ghế. Một dòng máu từ bên mép ứa ra. Đôi mắt chị vẫn mở to nhìn tên mật thám đang lồng lộn.
Ngay lúc ấy, ngoài cửa một chiếc xe nữa đến. Một tên cao gầy, da mai mái, tóc chải ốp lại, bóng nhẫy. Nó đi vào, nhẹ nhàng nắm cánh tay của tên đeo kính kéo ra xa:
- Ông Sinh. Nóng quá.
Nó kéo ghế ngồi đối diện với chị Hòa. Đôi mắt nó sâu, tròn ánh lên một sự gian giảo, bỗng dựng lên ngạc nhiên:
- Trời! Cô Hòa!
Chị không chớp mắt. Một giọt máu từ bên mép chị rỏ xuống ngực. Chị nhếch mép:
- Chào ông!
Tên này cười. Miệng nó là một hốc tối. Nó ra hiệu mở dây trói cho chị. Rồi, đưa chiếc khăn tay. Chị không cầm, đưa ống tay áo quệt máu, nhìn tên có nước da mai mái không chớp.
Tên này lại cười:
- Gặp tôi chắc cô ngạc nhiên lắm?
Chị cười nửa miệng. Tôi không ngờ chị vẫn cười được.
- Trước kia ông dạy lịch sử. Ông đã dạy chúng tôi nguồn gốc của người Việt Nam là Gô-loa1 Nên giờ thấy ông trong đám người này, tôi không lấy gì làm ngạc nhiên hết.
Bọn chúng đứng xúm quanh, tên nào cũng muốn lao vào. Nhưng tên da mai mái đưa mắt ngăn lại, mỉm cười:
- Cô đối đáp khá lắm. Trước kia cô cũng là một học sinh như thế. Tôi đã tìm cô mãi.
- Tôi biết! Và tiếc một điều… - Chị dằn giọng.
- Điều gì?
Chị chưa trả lời vào câu hỏi ngay:
- Ông trước là giáo viên dạy tôi. Nhưng, dạy tôi làm nô lệ. Giờ ông chuyển sang làm mật thám. Bàn tay ông đã vấy bao máu của bạn bè tôi?
Chị dừng lại, nhìn như xoáy vào đôi mắt sâu hoắm ấy. Tên này phá lên cười. Chắc để che giấu sự mất bình tĩnh của hắn.
- Còn điều cô tiếc nữa?
Giọng chị đanh lại:
- Điều ấy là tôi và các bạn tôi chưa giết được ông ngày khởi nghĩa.
Lần này hắn cười to hơn, rồi ngừng bặt. Hắn không đóng kịch nổi nữa phải thốt ra lời nghề nghiệp:
- Câm đi. Bây giờ không phải là lúc để mày nói ra điều ấy. Chúng ta không cần đến gánh hàng ấy, cũng không bắt mày phải nói những điều đã viết trong những tờ giấy đã thành than kia. Mày gặp thằng Thành2 vào giờ nào? Ngày nào? Ở đâu?
Chị lắc đầu, nhìn đi nơi khác:
- Tôi không hề biết người ấy.
Nó cười gằn, rút trong túi ra một tờ giấy:
- Trần Thị Hòa, sinh năm 1926. Tham gia hoạt động học sinh nội thành năm 1944. Khởi nghĩa năm 1945. Liên lạc 1945. Liên quan đến những vụ phá cầu ngày 18 tháng 2 năm 1947. Phá xe nhà binh ngày 20 tháng 3 năm 1947... Là người trực tiếp làm liên lạc cho tên Trần Văn Thành (tức Hai). Đặc điểm...
Chị bỗng đứng dậy, giật lấy tờ giấy, vo lại ném vào mặt tên da mai mái.
- Đừng hòng bắt tao nói một điều gì. Những đồng chí của tao sẽ nói chuyện với chúng mày. Lũ bán nước!
Tên có nước da mai mái vội đứng dậy, lùi lại. Chị Hòa xô đến toan tát nó thì tên đeo kính nửa trắng nửa đen giữ lại. Những thằng khác ùa đến dằn chị xuống đi-văng, dùng tay và đầu gối đánh vào ngực, vào mặt chị. Chiếc đèn trên bàn đổ nghiêng, dầu trào ra, lửa bốc cháy trên mặt bàn. Một tên dùng mũ dập lửa.
Tên da mai mái đưa khăn tay thấm mồ hôi trên trán, hất đầu bảo đồng bọn:
- Mang nó đi.
Chúng xốc chị đứng dậy. Người chị lả đi, chúng dựng dậy lôi chị ra đường. Cánh cửa xe đóng sầm lại. Tiếng máy rên lên, xa dần.
Ngọn lửa trên bàn tắt ngấm. Bọn chúng còn lục soát một chập nữa mới đi. Căn nhà lặng đi như một người bị đòn ngất lịm. Tôi vẫn ngồi trên xà ngang. Lúc bấy giờ tôi mới để ý thấy người tôi đẫm mồ hôi.
Biết trong nhà không còn ai, tôi nhẹ nhàng đu người xuống rồi lần ra cửa nghe động tĩnh. Cánh cửa ra vào khép hờ hững. Mùi dầu tây, giấy cháy khét lẹt. Bàn, ghế, giường ngổn ngang. Tôi đưa tay sờ trên đi-văng, một chất nước quánh sệt, nhớp nháp. Tôi nghĩ: “Máu!”.
Không rõ lúc ấy tôi đã nghĩ những gì, hình như việc trước tiên tôi nghĩ đến những gói hàng trong đống mùn cưa. Tôi xuống bếp đổ thêm mùn cưa cho cao. Sau đó tôi vào nhà làm một số việc cần thiết. Đồ vặt vãnh chúng lấy gần hết. Kể cả con dao “tây” và chai pha sữa cho cháu Phương.
Tôi lục lọi và mang theo một vài thứ cần thiết cho ngày mai của hai chúng tôi.
Đêm ấy, cháu Phương nằm trong tay tôi đến gần sáng. Bà chủ nhà có đôi mắt kém, đôi lúc lại thở dài: “Khổ thằng bé quá”. Bà bảo tôi:
- Hay ông để nó lại cho tôi.
Tôi lắc đầu, không nói gì ngồi lặng trên chiếc ghế nhìn qua khe cửa ra đường. Mặt đường loang lổ những mảng sáng. Trong chỗ tối như chứa một cái gì rất khủng khiếp. Thoáng chốc có một chiếc xe “gíp” lao vút qua.
Tôi sẽ làm gì? Từ ngày mai. Tất nhiên tôi phải kiếm việc làm. Tôi không thể để Phương cho ai được. Tôi sẽ nuôi nó, dạy nó, cho nó hiểu và sống xứng đáng với những ngày ấy. Cũng đêm đó, khi Phương nằm trên tay tôi. Nó đang ngủ ngon lành. Tôi thấy tôi là tất cả của nó và ngược lại. Hai bác cháu tôi không người thân, gặp nhau, chúng tôi yêu thương nhau. Một nụ cười vô tình của Phương, trong giấc ngủ. Nó không thể hiểu được sự việc khủng khiếp vừa xảy ra.
Sáng sau mặt trời vừa bừng dậy, tôi ngỡ ngàng tưởng đêm qua như một đêm nào rất xa, mấy năm về trước, khi vợ con tôi chết đói ở những góc nhà tồi tàn.
Ngày hôm ấy, không ai tới. Qua khe cửa nhìn sang bên kia đường tôi thấy một vài người cứ đảo qua đảo lại mãi.
Tôi cũng không hy vọng ai tới. Và, nhủ rằng: “Nếu đêm nay không có ai tới, tôi sẽ trèo qua tường về chuyển những gói hàng trong đống mùn cưa đi”. Những gói hàng ấy tôi biết rất quan trọng và cần thiết cho ngày mai, ngày Quốc Khánh lần thứ ba của dân tộc.
Tối xuống, tôi biết ngoài cửa không có ai theo dõi. Mà có theo dõi tôi vẫn về bằng lối sau.
Bà chủ nhà giữ Phương. Tôi ra cửa sau, đi vào con đường nhỏ, tới bức tường tôi vượt qua rất nhanh. Cái chân bị tật hầu như không ảnh hưởng gì đến việc ấy. Tôi lẻn vào nhà. Tất cả vẫn bề bộn. Không có động tĩnh gì. Tôi men theo bóng tối xuống bếp, lục trong đống mùn cưa, thì lạ lùng, đống mùn cưa đã bị ai bới tung. Những gói hàng mất gần hết. Tôi sửng sốt, tim đập dồn dập. Một câu hỏi xô đến trong óc tôi: “Ai? Ai đã lấy những gói hàng?”. Ngày hôm nay cửa trước và cửa sau không ai tới!
Tôi nhìn quanh và nghi ngờ tất cả những chỗ tối trong căn nhà. Tôi tin rằng trong chỗ tối nào đấy có một đôi mắt đang theo dõi tôi. Đôi mắt ấy ngay hay gian không biết. Chỉ biết rằng đôi mắt ấy làm tôi lo lắng. Tôi nép vào thành bếp bởi có tiếng lịch kịch. Tôi vơ một thanh gỗ khít tay đưa thẳng lên, chờ đợi. Người tôi găng lên, cánh tay hơi run, nhưng tôi sẵn sàng làm một việc táo bạo. Có thể đổ máu.
Tiếng lịch kịch ngừng bặt. Tôi cho là một con chuột cống nào đấy thấy tôi rồi bỏ chạy. Nhưng vài giây sau tiếng lịch kịch lại tiếp tục. Trước mặt tôi chiếc nắp cống từ từ nâng lên rồi đẩy sang bên. Một hố sâu đen ngòm hiện ra. Từ trong hố ấy, một cái đầu tóc bù xù nhô lên. Rồi một người cao, gầy, ngồi bên miệng cống nhìn xung quanh. Bằng động tác rất nhẹ nhàng anh đã đến bên đống mùn cưa. Tôi dang thẳng thanh gỗ. Người đó đứng sững lại. Lúc đó là lúc quyết định nhất. Tôi đã nhận ra:
- Anh Nghĩa phải không?
- Trời! Bác Sâm, vâng, sao bác biết cháu?
- Tối hôm kia anh đến họp muộn.
Tôi nắm tay anh kéo lại gần:
- Tôi lo anh không đến.
- Cháu chuyển gần hết rồi. Bằng đường cống ngầm. Anh em đón cháu bên ngoài.
- Sao anh biết đường này?
- Mọi đường ngang lối tắt ở phố này cháu biết hết. Lúc đến đây cháu không tin là còn những gói này. Vì chúng theo chị rất sát.
Trong sự đau đớn của tôi có thêm niềm vui ngấm ngầm:
- Tôi có thể giúp anh được gì không?
- Giờ bác giúp cháu một tay.
Tôi và anh chuyển nốt những gói còn lại xuống cống ngầm. Xong việc, anh kéo tôi vào chỗ tối:
- Cháu phải đi đây. Giờ thế này nhớ. Mà chị ấy có nói với bác được gì không?
Tôi lắc đầu. Anh rút trong túi ra một gói cuốn tròn trong chiếc khăn tay đưa cho tôi:
- Bác cầm lấy. Của đoàn thể đấy. Bác nuôi Phương, thỉnh thoảng chúng cháu sẽ tới.
Tôi trả lại vào tay anh:
- Chị Hòa vẫn còn ít tiền. Mà tôi còn khỏe. Các anh yên tâm.
- Không! Đây là nhiệm vụ của cháu. Bác chưa cầm nghĩa là cháu chưa hoàn thành nhiệm vụ.
Anh nói và dúi cả gói vào túi tôi. Anh hỏi sang chuyện khác:
- Bác đi đâu phải báo cho chúng cháu biết.
Tôi gật đầu:
- Không rõ chúng mang chị Hòa đi đâu?
Cánh cửa bên ngoài bỗng rung lên. Nghĩa nhìn ra rất nhanh và thọc tay vào túi. Có tiếng kim loại lách cách trong túi anh. Anh nói:
- Đêm qua chúng nhốt chị vào xe bọc kín đưa đến Sở cảnh sát. Sáng nay, vẫn bằng chiếc xe ấy chúng đưa chị tới sân bay Bạch Mai.
Tôi sửng sốt. Vì, chúng thường xử bắn cán bộ của ta ở đấy.
Hình như anh cũng hiểu như vậy. Anh nắm chặt tay tôi:
- Cháu phải đi đây. Bác chuyển đi đâu hoặc có việc gì bác cứ viết giấy để ở đưới hòn gạch ngay chỗ chân bác. Bác nhớ đấy.
Một cái đầu nữa nhô lên miệng cống. Sau đó là tiếng huýt sáo gió rất nhẹ. Anh nhắc lại:
- Hòn gạch dưới chân bác.
Và, anh biến đi trong cái hố tối đen ngòm ấy cùng với một người nữa.
Sáng sau tôi còn nằm trên giường, bà chủ nhà đã gọi tôi:
- Ông Sâm! Ông Sâm! Dậy! Dậy mà xem.
Tôi đắp lại chiếc chăn mỏng cho Phương ngủ, rồi theo cái dáng tất tả, sung sướng của bà chủ nhà ra cửa.
Hai bên hè phố ngộp truyền đơn, tường và các cột điện dán rất nhiều. Một điều làm tôi sung sướng đến trào nước mắt. Trên nóc cao chót vót của nhà máy rượu, một lá cờ đỏ sao vàng hứng đầy nắng, uốn sóng bay hiên ngang. Cũng từ nóc ấy, đột nhiên, một bó truyền đơn tung ra, gió thổi thốc lên như đàn chim bồ câu sà xuống các phố lân cận. Không hiểu người nào tung bó truyền đơn ấy. Có phải người công nhân đứng tuổi? Hay cô gái uốn tóc đến họp mà tôi đã được gặp?
Tôi đi dọc phố, lòng sung sướng, hớn hở như một con cá sau bao ngày bị tù hãm trong chậu, được về với hồ ao, đầy ắp nước. Tôi cứ đi, hàng bao người cũng đi như tôi. Những nét mặt thiểu não hàng ngày bỗng bừng lên. Mọi người nhặt truyền đơn xem rồi bàn tán. Cờ đỏ sao vàng trên nóc nhà ba tầng, trên nóc sở cảnh sát, nhà Bác Cổ, Tháp Rùa giữa hồ Hoàn Kiếm...
Tôi cầm một tờ truyền đơn lên xem. Đấy là lời kêu gọi nhân dân và tố cáo tội ác của bọn thực dân Pháp của Đảng.
Nhìn màu cờ và những tờ truyền đơn, nghe tiếng xe “gíp” lồng lộn trên mặt đường, thấy những bộ mặt thảm hại, ngơ ngác của bọn cảnh sát, tôi tự nhủ: Giá chị Hòa còn sống mà thấy được điều này, chị sẽ vui đến thế nào. Ngày hôm nay, vào giờ này, chị Hòa còn không?
Bà chủ nhà giới thiệu tôi với một người quen. Với số tiền còn lại tôi thuê một gian nhà ở phố khác. Tôi với Phương đến đấy ở. Mấy đêm sau tôi về nhà, cũng bằng lối sau, mang đi đồ đạc và quần áo của Phương. Giữ đúng lời hẹn với Nghĩa, tôi viết lại một mảnh giấy để dưới hòn gạch trong bếp: “Tôi đã đi khỏi Hà Nội. Các anh cứ yên tâm. Tôi sẽ chăm sóc cháu Phương chu đáo”.
Nghề chạm trổ của tôi không ai cần đến. Sức khỏe của tôi đã giảm sút, những công việc nặng nhọc như khuân vác, đội than tôi không làm được. Tôi xin đổ thùng. Những người cùng cảnh ngộ thấy chân tôi tập tễnh xin giúp tôi chuyển sang quét đường. Bà cụ mắt kém ở cạnh nhà cũng chuyển đến ở với chúng tôi. Bà trông nom Phương và bán hạt bí rang ở cửa nhà để kiếm thêm tiền. Bốn năm sau thì bà qua đời sau một cơn suyễn nặng. Lúc ấy Phương đã lớn, có thể tha thẩn ở nhà một mình.
Tôi cứ sống như thế cho đến ngày Hà Nội được giải phóng.
*
Ông Sâm kể đến đây đừng lại. Dưới ánh sáng trắng của đèn, tóc ông đã bạc càng bạc trắng. Ông ngả đầu về phía sau, hai bàn tay nổi gân đặt trên thành đi-văng. Mắt ông hơi khép lại nhìn lên trần nhà.
Đồng chí bộ đội nhìn ông như nhìn một bức chạm trổ rất tinh vi. Từ mái tóc, nếp nhăn bên mép, đến bàn tay đặt trên thành đi-văng đều toát ra một cái gì rất trang trọng.
Ông tiếp:
- Tôi chỉ mong một điều, nuôi Phương khôn lớn. Tôi sẽ kể cho Phương nghe về mẹ và tìm bố cho cháu. Nhưng bao năm nay tôi vẫn không được tin tức gì về bố cháu. Còn chuyện của mẹ cháu tôi cũng chưa kể cho cháu nghe được. Nhưng lần này tôi sẽ kể.
Ông ngập ngừng, rồi khó nhọc lắm mới nói được:
- Về bố mẹ cháu Phương tôi chỉ biết có thế.
1. Nguồn gốc người Pháp.
2. Trần Văn Thành - Phó Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến ngoại thành Hà Nội.