— 1 —
Công nghệ ngày càng tạo ra nhiều thì giờ nhàn rỗi
Con người ngày càng trở nên nhàn rỗi nhờ các công nghệ tự động hóa, sự phát triển của ngành điều khiển học, trí não nhân tạo, v.v… Thời gian rỗi rãi đó được dành cho các thú tiêu khiển dưới nhiều hình thức khác nhau, hoặc cho các hoạt động tiêu cực trong mối tương quan giữa người với người, hoặc để ta thu mình lại trong vỏ ốc; chỉ có ba khả năng ấy thôi. Sự phát triển của công nghệ giúp người ta lên đến mặt trăng nhưng vẫn chưa thể giải quyết các vấn đề của nhân loại. Tiêu tốn sự nhàn rỗi này vào một tín ngưỡng hay một số hình thức giải trí nào đó cũng không giúp ích gì. Đi lễ, tìm về đức tin, tuân theo tín điều, đọc sách kinh, v.v… đều chỉ là để giải khuây cho tâm trí. Những ai không làm vậy có thể chọn cách nghiền ngẫm sâu xa và chất vấn mọi giá trị mà con người đã tạo dựng trong suốt thời gian qua, cố gắng tìm ra thứ gì đó thâm trầm hơn sản phẩm đơn thuần của trí não. Vô số hội nhóm trên khắp thế giới nổi dậy chống lại trật tự đã được thiết lập, nghiện ngập đủ loại chất kích thích, khước từ mọi hoạt động mang tính cộng đồng, v.v…
Còn tôi, tôi không sử dụng bất kỳ hình thức kích thích nào, dù đó là việc lắng nghe một diễn giả và nhờ đó được kích thích, hay là nhậu nhẹt, sinh hoạt tình dục, sử dụng ma túy, hay hòa mình vào đám đông phấn khích. Mọi hình thức kích thích dù là tinh vi nhất cũng đều gây hại cho ta; chúng khiến tâm trí ta thành ra ngu muội vì lệ thuộc vào chúng.
- 2 -
Sự trốn chạy là khát khao quên lãng chính mình
Tất cả những mâu thuẫn, những tham vọng của chúng ta đều rất nhỏ bé, rất tầm thường. Thế nên chúng ta muốn mình được gắn kết, không phải với Thượng đế thì là với địa vị, với chính quyền, người cai trị, với xã hội; nếu không phải vậy nữa thì là với một xứ sở Không tưởng hoàn hảo (Utopia) rất chi xa vời, một xã hội tuyệt diệu mà chúng ta sẽ gầy dựng, trong quá trình đó ta phương hại đến nhiều người, song điều đó chẳng khiến ta lưu tâm. Trong trường hợp bạn không nghĩ về bất kỳ điều gì kể trên, có thể bạn chọn đắm chìm vào vật chất và sự hưởng thụ, vậy bạn được xem là thiên về vật chất; còn người quên mình trong thế giới tinh thần thì được xem là thiên về tinh thần. Cả hai đều có chung một ý định – khi để mình mê đắm trong rạp chiếu phim hay trong những quyển sách, trong các lễ nghi, trong việc thiền tọa bên bờ sông hay trong sự buông bỏ – họ muốn trút bỏ mọi gánh nặng, muốn từ bỏ bản thân, đánh mất chính mình trong sự tôn sùng một điều gì đó. Khi còn trẻ, người ta ít khi cảm thấy mình bé mọn nhưng theo dòng thời gian, bạn dần nhận thấy bản chất nhỏ nhặt cùng những giá trị tầm thường của cái tôi, nó giống như một bóng đen giằng xé, đầy đớn đau và buồn khổ. Người ta sớm chán chường với nó nên họ theo đuổi những thứ khác nhằm quên đi chính mình. Đó là điều mà tất cả chúng ta đang làm. Người giàu tìm quên trong các hộp đêm, mấy thú tiêu khiển, những chiếc xe hơi và những kỳ nghỉ mát. Người tài giỏi bắt tay vào việc nghiên cứu phát minh cùng với niềm tin phi thường. Kẻ ngu ngơ cũng muốn lãng quên chính mình nên họ theo đuôi mọi người, các bậc thầy tâm linh chẳng hạn, để được bảo cho biết điều cần làm. Những người giàu tham vọng quên mình trong việc theo đuổi các mục tiêu đời mình. Tất cả chúng ta trong quá trình trưởng thành đều muốn lãng quên chính mình, thế nên chúng ta cố gắng tìm ra điều gì đó lớn lao để tự gắn mình vào đó.
- 3 -
Tránh cái-nó-là thì gặp ách nô lệ
Việc trốn chạy nhìn chung là hình thức cao nhất của sự phòng thủ. Chúng ta có khả năng đối mặt với cái-nó-là và làm điều gì đó; nhưng nếu trốn chạy khỏi nó, ta đâm ra ngu ngốc và mê muội, ta khó tránh khỏi việc trở thành nô lệ cho cảm xúc cùng sự quẫn trí.
- 4 -
Sự lệ thuộc biểu hiện đời sống trống rỗng của chúng ta
Ham muốn đối với cảm xúc sai khiến chúng ta bám víu vào âm nhạc và chiếm lấy cái đẹp. Thói lệ thuộc vào hình thức bề ngoài là biểu hiện thuần túy cho tình trạng trống rỗng trong sự hiện sinh của chúng ta; chúng ta gắng gượng tự lấp đầy với âm nhạc, nghệ thuật, và sự thinh lặng đầy chủ ý. Chính vì tình trạng trống rỗng liên miên được phủ lấp bởi các dạng thức cảm xúc nên mới sinh ra nỗi sợ hãi dài lâu về cái-nó-là và về cái-chúng-ta-là. Các xúc cảm đều có khởi đầu và kết thúc, chúng có thể được lặp lại mãi; nhưng sự trải nghiệm thì không nằm trong giới hạn của thời gian. Trải nghiệm là điều quan trọng nhưng lại bị ta khước từ trong khi mải mê theo đuổi cảm xúc. Cảm xúc thì hạn hẹp và mang tính cá nhân, chúng gây ra mâu thuẫn và nỗi đau khổ nhưng trải nghiệm thì hoàn toàn khác; nó không đơn giản chỉ là sự lặp lại của kinh nghiệm, không mang tính tuần hoàn, và chỉ nhờ trải nghiệm chúng ta mới đạt được sự đổi mới, sự chuyển hóa.
- 5 -
Tại sao tình dục là hình thức trốn chạy phổ biến nhất?
Tại sao tình dục lại trở thành một vấn đề trong cuộc sống của hầu hết chúng ta? Có lẽ bạn chưa từng tự hỏi như vậy; hãy cùng nhau tìm hiểu về nó mà không áp đặt, lo lắng, sợ hãi hay phán xét.
Tình dục là một vấn đề vì trong hành động đó vắng bóng cái tôi; trong khoảnh khắc sự ý thức về bản thân tạm thời biến mất, chúng ta hạnh phúc hoàn toàn với sự hợp nhất, giao hòa trọn vẹn, không mảy may bận tâm về quá khứ hay tương lai. Theo một cách tự nhiên, chúng ta mong muốn cảm giác hạnh phúc ấy được tái hiện, rồi dần dần việc đó trở nên hoàn toàn quan trọng đối với chúng ta; vì đó là thứ trao cho ta niềm vui thuần khiết và khoảnh khắc quên mình hoàn toàn. Ở bất cứ nơi nào khác, chúng ta đều mắc kẹt trong trạng thái xung đột là vì ở tất cả các cấp độ hiện sinh khác nhau, cái tôi cũng như ý thức về bản thân đều phát triển mạnh mẽ dù là trên phương diện kinh tế, xã hội, hay tôn giáo; đó chính là sự xung đột. Vì ý thức về bản thân đến từ sự xung đột nên trong mọi mối tương quan giữa chúng ta với tài sản, con người và các ý tưởng đều ẩn chứa sự xung đột, tranh đấu, nỗi đau đớn, khốn khổ. Chỉ riêng trong tình dục ta mới chứng kiến tất cả những điều đó tan biến. Chỉ riêng trong tình dục ta cảm thấy hạnh phúc trong khi mọi điều khác dẫn ta đến nỗi khổ, sự rối loạn, xung khắc, hỗn độn, đối kháng, chiến tranh, hủy hoại. Thế thì tình dục nghiễm nhiên trở nên giàu ý nghĩa và hoàn toàn thiết yếu trong cuộc sống của chúng ta.
Vậy vấn đề không nằm ở tình dục mà là ở cái tôi. Bạn đã tận hưởng cảm giác khi cái tôi ngưng hiện diện, dù chỉ trong vài giây hay trong cả ngày dài, mặc nhiên bạn sẽ khao khát nhiều hơn nữa những phút chốc được tự do khỏi cái tôi ấy. Cái bạn đang tìm kiếm là niềm hạnh phúc khi cái tôi cùng với tất cả sự xung khắc do nó gây ra không còn tồn tại. Vậy bạn muốn cảm nhận được niềm hạnh phúc đó trong thoáng chốc qua hành động tình dục; hay là bạn kiểm soát bản thân, bạn đấu tranh, thậm chí đè nén mình đến mức tự hủy hoại – điều đó có nghĩa là bạn đang tìm kiếm sự tự do khỏi xung đột, cũng chính là niềm vui. Nếu ta có thể được tự do khỏi xung đột, ta sẽ luôn hạnh phúc ở mọi cấp độ hiện sinh của cuộc sống.
- 6 -
Có điều gì bất ổn ở niềm khoái lạc?
Tại sao người ta không nên tận hưởng niềm khoái lạc? Bạn trông thấy cảnh hoàng hôn rực rỡ, một dáng cây đẹp đẽ, một dòng sông mênh mông, những rặng núi uốn lượn, hay một gương mặt mỹ miều; bạn ngắm nhìn và lòng bạn thích thú, sướng vui. Vậy có gì bất ổn ở đây? Tôi e rằng sự rối loạn và khốn khổ nhen nhóm từ khi gương mặt, dòng sông, đám mây, ngọn núi trở thành một ký ức, và ký ức này không ngừng đòi hỏi thêm những niềm thích thú lớn lao hơn nữa, chúng ta ham muốn được vui thích thêm nhiều lần nữa. Ai cũng biết điều này, tôi hay bạn có một niềm khoái lạc, sự vui sướng nào đó và chúng ta muốn điều đó được lặp lại; dù là tình dục, nghệ thuật, trí tuệ, hay bất kỳ thứ gì khác, hễ ta đòi hỏi nó, ham muốn nó thì niềm khoái lạc bắt đầu làm mù mờ tâm trí ta và tạo ra những giá trị sai lầm, xảo trá.
Điều quan trọng là chúng ta hiểu được niềm khoái lạc chứ không trốn chạy khỏi nó; làm thế là rất ngu ngốc vì chẳng ai có thể thoát khỏi nó cả; ta phải hiểu được bản chất và cấu trúc của niềm khoái lạc. Nếu đó là những gì người ta mong muốn trong cuộc sống, thì không chỉ riêng niềm khoái lạc mà họ còn phải gánh lấy cả nỗi khốn khổ, sự rối loạn, ảo tưởng gây ra bởi những giá trị sai lệch do chính ta tạo ra; và chúng ta sẽ không bao giờ có được sự thông suốt.
- 7 -
Khi nhu cầu khoái lạc không được thỏa mãn
Người ta có biết về sự hài lòng khi mong ước của mình được hiện thực hóa, sự mãn nguyện khi mình đóng vai trò quan trọng, hay khi mình là một tác giả, một họa sĩ, một vĩ nhân nổi tiếng được cả thế giới công nhận hay không? Người ta có hiểu được cảm giác khoan khoái hưởng thụ sự thống trị, của cải; hoặc niềm vui trong việc thề nguyện của người nghèo cũng như sự hài lòng của người có cho mình thật nhiều trải nghiệm hay không? Và người ta có nhận ra rằng cứ hễ niềm khoái lạc không được thỏa mãn là ta thấy thất vọng, đau đớn, chua chát hay không? Thế nên người ta phải nhận biết về tất cả những chuyện này, không chỉ về mặt thể xác mà còn từ sâu trong tâm hồn; rồi người ta bắt đầu truy xét xem khát khao khoái lạc từ đâu mà có.
- 8 -
Niềm khoái lạc có phải là lối thoát khỏi nỗi cô đơn?
Bạn biết đấy, có hai kiểu trạng thái trống rỗng. Một kiểu là khi tâm trí nhìn vào chính nó và nhận xét rằng: “Tôi trống rỗng”; còn kiểu kia là trạng thái trống rỗng thực chất mà tôi muốn khỏa lấp đi vì tôi không thấy thoải mái với cảm giác trống trải, cô đơn, trạng thái cô lập và tình trạng bị chia cách hoàn toàn khỏi mọi thứ. Mỗi người trong chúng ta hẳn đều từng bắt gặp cảm giác ấy, dù là tình cờ thoáng qua hay cực kỳ mãnh liệt. Người ta thường cố trốn chạy mỗi khi nhận thức được cảm giác ấy, hoặc cố che đậy nó bằng tri thức, bằng các mối quan hệ, bằng việc đòi hỏi một sự gắn kết hoàn hảo giữa đàn ông và đàn bà, nói chung là bằng mọi cách khả dĩ. Đây là tình trạng hiện tại của chúng ta, phải không nào? Nếu người ta chịu khó quan sát và đi sâu vào bên trong bản thân dù chỉ một chút thôi, họ cũng sẽ nhận ra sự thật này. Khi đó, họ bắt đầu hiểu rằng nơi nào tồn tại cảm giác cô đơn bất tận – sự trống rỗng do chính tâm trí nhìn nhận rằng nó thiếu vắng điều gì đó; thì nơi đó sẽ dấy lên một sự thôi thúc, một động cơ mạnh mẽ để khỏa lấp và che đậy nó.
Vậy nên người ta sẽ nhận biết về trạng thái này một cách có ý thức hoặc vô thức. Thật sự tôi không muốn dùng từ trống rỗng ở đây vì nó vốn là một từ đẹp đẽ. Một vật như cái cốc hay căn phòng sẽ chỉ hữu dụng khi nó có không gian trống. Một cái cốc đã đầy nước hay căn phòng đã chật kín đồ đạc thì thành ra vô dụng. Hầu hết chúng ta khi được ở trong trạng thái trống rỗng thì lại cố lấp đầy chính mình bằng đủ mọi phương cách ồn ào huyên náo, bằng niềm khoái lạc cũng như các hình thức trốn tránh, tìm quên khác.
- 9 -
Hiểu về niềm khoái lạc không có nghĩa là chối bỏ nó
Nếu không hiểu về niềm khoái lạc, chúng ta không thể chấm dứt nỗi đau buồn. Có được sự hiểu biết về niềm khoái lạc cũng không đồng nghĩa với việc từ bỏ nó bởi đó là một trong những nhu cầu căn bản của cuộc sống, cũng giống như sự tận hưởng vậy. Khi bạn nhìn ngắm một cái cây xinh xắn, một ánh chiều tà dịu dàng, một nụ cười thân thiện, một tia nắng lấp lánh xuyên qua kẽ lá, thì bạn thực sự tận hưởng những vẻ đẹp ấy và cảm nhận được niềm vui sướng tuyệt vời.
- 10 -
Đừng mang theo suy nghĩ vào đó
Khi ngắm nhìn một điều gì đó tuyệt diệu, tràn đầy nét đẹp và sức sống, xin bạn đừng bao giờ để suy nghĩ len lỏi vào đó. Ngay khi sự tận hưởng va chạm cùng ý nghĩ, nó sẽ bị biến chất thành niềm khoái lạc; từ đó nảy sinh nhu cầu đòi hỏi nhiều hơn nữa và nếu ham muốn đó không được thỏa mãn thì sẽ xuất hiện sự xung đột cùng nỗi lo sợ. Vậy, liệu bạn có thể chỉ lặng nhìn mà đừng nghĩ suy không?