— 1 —
Loại hình giáo dục đúng đắn
Người dốt nát không phải là người không có học thức, mà là người không hiểu biết về chính mình. Người có học thức sẽ là kẻ dốt nát nếu anh ta cứ mãi dựa vào sách vở, vào kiến thức và vào uy quyền để trao cho anh ta sự hiểu biết. Sự hiểu biết chỉ đến với những ai hiểu rõ chính mình, nghĩa là với những ai nhận biết được toàn bộ diễn trình tâm lý của chính mình. Vì thế giáo dục, theo ý nghĩa thực sự của từ này, là hiểu biết chính mình, bởi vì toàn bộ cuộc tồn sinh được tập hợp lại bên trong mỗi người chúng ta.
Cái hiện nay chúng ta gọi là giáo dục chẳng qua là sự tích lũy thông tin và kiến thức từ sách vở, điều mà bất kỳ người biết đọc nào cũng có thể làm được. Kiểu giáo dục như thế chỉ cung cấp cho chúng ta một hình thức đào thoát khỏi chính mình một cách tinh vi; và giống như mọi kiểu đào thoát khác, nó chắc chắn gây ra tình cảnh khốn khó ngày một chất chồng. Những cuộc xung đột và trạng thái hỗn loạn của chúng ta là kết quả của mối tương quan lầm lạc giữa chính ta với người khác, hay với các sự vật và tư tưởng; và chừng nào ta còn chưa nhận chân ra được mối tương quan ấy và cải sửa nó, thì việc học hành đơn thuần, tức là việc thu thập các dữ kiện và sở đắc những kỹ năng khác nhau, chỉ càng dìm ta lún sâu hơn nữa vào trạng thái hỗn loạn và sự hủy hoại nhau mà thôi.
Như cách xã hội chúng ta được tổ chức hiện thời, chúng ta gửi con cái của mình tới trường để học hành một phương thức nào đó rồi mong chúng sau này có thể dựa vào đấy mà mưu sinh. Chúng ta dồn mọi ưu tiên vào việc biến đứa trẻ thành một chuyên gia, qua đó hy vọng mang lại cho chúng một vị thế kinh tế an toàn. Nhưng chỉ vun bồi cho phương thức như thế liệu có giúp chúng ta hiểu biết về chính mình hay không?
Cho dù rõ ràng là việc biết đọc biết viết, việc học hành nghề kỹ sư hay học những nghề nghiệp khác để kiếm sống là chuyện cần thiết không cần bàn cãi, nhưng liệu những kỹ thuật, những phương thức này có giúp ta hiểu hết về cuộc sống hay không lại là chuyện khác. Chắc chắn kỹ năng nghề nghiệp chỉ là thứ yếu; nếu kỹ năng nghề nghiệp là thứ duy nhất ta đang phấn đấu đạt được thì rõ ràng là ta đang rũ bỏ điều gì đó thuộc về bản chất cuộc sống.
Cuộc sống là nỗi thống khổ, là niềm hân hoan, là vẻ đẹp, là sự xấu xí, là tình yêu. Khi chúng ta hiểu nó một cách toàn diện, ở mọi cấp độ, thì lối hiểu ấy tạo ra phương thức của riêng nó; bằng ngược lại thì không đúng: Phương thức không bao giờ có thể mang lại sự hiểu biết đầy tính sáng tạo.
- 2 -
Đời sống đâu chỉ bao hàm các phương thức mưu sinh
Nền giáo dục hiện nay đã hoàn toàn thất bại, bởi lẽ nó quá chú trọng đến kỹ thuật, hay phương thức. Khi gán cho kỹ thuật một vai trò quan trọng thái quá, chúng ta đã hủy hoại con người. Vun bồi năng lực và tính hiệu quả mà không màng đến sự hiểu biết về đời sống, không nhận biết một cách toàn diện về cách thức vận hành của suy nghĩ và những ham muốn, sẽ chỉ khiến ta ngày càng trở nên tàn nhẫn hơn, gây thù chuốc oán hoặc rước họa vào thân nhiều hơn. Việc chỉ vun bồi cho phương thức đã sản sinh ra các nhà khoa học, các nhà toán học, các kỹ sư cầu đường, những người chinh phục không gian,... nhưng liệu họ có hiểu được toàn bộ diễn trình của cuộc sống huyền diệu này không? Một vị chuyên gia liệu có thể trải nghiệm cuộc sống một cách toàn vẹn hay không? Có thể, chỉ khi nào anh ta thôi xem mình là một chuyên gia.
- 3 -
Đừng chỉ bận tâm đến nghề nghiệp
Sự tiến bộ về công nghệ có thể giải quyết được một số vấn đề nào đó, cho một số cá nhân nào đó, ở mức độ nào đó, nhưng nó cũng đem đến những hệ lụy lớn hơn và khó lường hơn. Sống mà không đếm xỉa gì tới toàn bộ diễn trình cuộc sống chẳng khác nào đang mời gọi sự khốn cùng và sự hủy hoại. Nhu cầu lớn nhất và cấp bách nhất đối với mỗi cá nhân là có sự hiểu biết toàn diện về cuộc sống, điều đó cho phép anh ta đương đầu với những hoàn cảnh ngày càng diễn biến phức tạp hơn.
Kiến thức công nghệ, dù cần thiết đến đâu, sẽ không thể nào giải quyết được những áp lực và xung đột trong nội tâm con người; và cũng chính vì ta đã sở đắc kiến thức kỹ thuật mà không hiểu gì về toàn bộ diễn trình của cuộc sống nên kỹ thuật lại trở thành một phương tiện hủy hoại chính ta. Người biết cách tách một nguyên tử nhưng không có tình yêu trong tâm hồn sẽ trở thành quỷ dữ.
Chúng ta lựa chọn nghề nghiệp tùy theo năng lực của mình; nhưng liệu việc theo đuổi một nghề nghiệp sẽ giúp ta thoát khỏi sự xung đột và hỗn loạn chăng? Một số hình thức đào tạo kỹ thuật xem chừng là cần thiết; nhưng sau khi chúng ta đã trở thành kỹ sư, y sĩ, kế toán viên,... thì sao nữa? Việc hành được một nghề nào đó có nghĩa là ta đã sống một cuộc đời trọn vẹn chăng? Dường như với hầu hết chúng ta thì là như vậy. Nghề nghiệp khiến ta bận bịu suốt phần lớn cuộc đời mình; nhưng những gì mà chúng ta tạo ra, và theo đó bị chúng mê hoặc, lại là những thứ đang gây ra sự hủy hoại và tình trạng khốn cùng. Thái độ và các giá trị của chúng ta biến công việc và thế giới thành công cụ cho sự đố kỵ, cay cú và thù hằn.
Không hiểu rõ bản thân, công việc sẽ chỉ dẫn ta đến chỗ thất vọng, cùng sự đào thoát tất yếu thông qua mọi loại hoạt động ranh mãnh.
- 4 -
Cá nhân và hệ thống, điều gì quan trọng hơn?
Giáo dục không nên khuyến khích cá nhân tuân phục theo xã hội hay hòa hợp một cách tiêu cực với nó, mà nên giúp cá nhân đó khám phá những giá trị đích thực vốn luôn song hành với sự tìm tòi và ý thức về chính mình một cách trung thực, không mảy may định kiến. Khi không hiểu biết về chính mình thì sự tự thể hiện bản thân sẽ biến tướng thành sự tự khẳng định, cùng với những xung đột đầy tham vọng và gây hấn. Giáo dục phải đánh thức năng lực tự nhận biết bản thân, chứ không phải để thỏa mãn việc tự khẳng định bản thân.
Học hành xuất sắc phỏng có ích chi nếu trong quá trình sống ta tự hủy hoại chính mình? Chúng ta đang chứng kiến và chịu đựng hết cuộc chiến tranh tàn phá này đến cuộc chiến tranh hủy hoại khác, đấy là dấu hiệu cho thấy rõ ràng có điều gì đó hoàn toàn sai lầm trong cách chúng ta nuôi dạy con cái. Tôi nghĩ hầu hết chúng ta biết rõ tình trạng này, nhưng lại không biết làm thế nào để giải quyết.
Các hệ thống, các tổ chức đều không thể thay đổi một cách triệt để; chúng chỉ có thể thực sự chuyển đổi khi có sự thay đổi căn cơ trong chính bản thân chúng ta. Cá nhân là yếu tố quan trọng nhất, chứ không phải hệ thống; và chừng nào cá nhân còn chưa hiểu rõ toàn bộ diễn trình của chính mình, thì không một hệ thống nào, dù là cánh tả hay cánh hữu, có thể mang lại trật tự ổn định và hòa bình vững bền cho thế giới.
- 5 -
Chức năng của giáo dục
Loại hình giáo dục đúng đắn quan tâm đến sự tự do cá nhân, có thể mang lại sự hợp tác thực sự giữa cá nhân và tập thể; nhưng sự tự do này không thể đạt được bằng cách theo đuổi sự đề cao vai trò của cá nhân và sự thành công của riêng bản thân. Tự do đi cùng với sự nhận biết chính mình, tức là lúc tinh thần đã vượt trên mọi rào cản xung quanh để thỏa mãn khao khát có được sự an toàn.
Chức năng của giáo dục là giúp mỗi cá nhân nhận diện tất cả những trở ngại tâm lý này, chứ không áp đặt các khuôn mẫu ứng xử mới, các cách tư duy mới. Những lối áp đặt như thế sẽ không bao giờ khơi dậy được trí tuệ, sự thông hiểu có tính sáng tạo, mà sẽ chỉ khuôn buộc thêm cho cá nhân. Hẳn đây là điều đang xảy ra trên toàn thế giới, và đó là lý do tại sao các vấn đề của chúng ta cứ tiếp tục tăng theo cấp số nhân.
- 6 -
Con cái có phải là tài sản?
Chỉ khi nào chúng ta hiểu rõ ý nghĩa sâu xa của cuộc sống thì chúng ta mới có thể có được nền giáo dục chân chính; nhưng để hiểu được thì tâm trí phải khéo léo giải phóng nó ra khỏi ham muốn được tưởng thưởng, vốn là cái sản sinh ra nỗi sợ hãi và sự tuân phục. Nếu chúng ta coi con cái như là tài sản của mình, nếu xem chúng là sự tiếp nối cái tôi thiển cận của chúng ta và là sự hiện thực hóa các tham vọng của chúng ta, thì chúng ta sẽ dựng lên một môi trường sống, tức một cấu trúc xã hội, không có tình thương yêu, mà chỉ có mỗi một thứ là sự theo đuổi các lợi ích vị kỷ.
- 7 -
Điều gì là cần thiết với chúng ta?
Chúng ta cần gì ở nền giáo dục? Bạn sẽ đòi hỏi sự hiện diện của các trường đại học, các trường trung học, các kỳ thi. Nhưng việc chỉ bàn luận trên bình diện từ ngữ không thôi là hoàn toàn ấu trĩ. Điều mà chúng ta phải làm với tư cách một người trưởng thành – nếu những người trưởng thành vẫn còn tồn tại – là đi thẳng vào vấn đề này. Bạn có muốn con cái của mình được đào tạo để trở thành những nhân viên, những công chức đóng vai trò bình hoa di động vô thưởng vô phạt, làm việc một cách máy móc trong những hệ thống? Hay bạn mong muốn con cái mình trở thành người thống nhất trong suy nghĩ, sở hữu năng lực, sự khôn ngoan, và không chút sợ hãi? Việc sở đắc kiến thức đơn thuần chưa phải là sự khôn ngoan, và nó không tạo ra những con người trí tuệ. Bạn có thể nắm rõ tất cả những kiến thức, kỹ thuật, nhưng điều đó không đảm bảo rằng bạn là một người thông minh, hay là một người phát triển toàn diện.
- 8 -
Kiến thức là sự tích lũy quá khứ, việc học hành thì luôn diễn ra ở hiện tại
Có sự khác biệt lớn giữa việc thu nhận kiến thức và hành động học hỏi; bạn cần có kiến thức và cũng cần học hỏi thực sự. Nếu không có kiến thức, bạn sẽ không biết mình đang ở đâu, trong thời đại nào, bạn quên mất nơi sinh sống, quên luôn tên của mình. Thế nên, ở một mức độ nào đó thì kiến thức là cần thiết, nhưng khi kiến thức được sử dụng như một phương cách tìm hiểu về cuộc sống – vốn luôn dịch chuyển, vốn là một thứ đầy sống động và biến đổi muôn hình vạn trạng trong mọi khoảnh khắc – thì lúc đó bạn không hòa nhịp chuyển động cùng cuộc sống, bạn chỉ đang náu mình trong quá khứ mà cố gắng hiểu được về cuộc sống lạ thường này. Để hiểu về cuộc sống, bạn phải học hỏi trong từng phút giây.