— 1 —
Việc so sánh nuôi dưỡng nỗi sợ hãi
Một trong những điều khiến ta đánh mất cảm giác an toàn là sự so sánh. Khi bạn so sánh với ai đó trong việc học hay trong các cuộc thi, hay so bì vẻ bề ngoài, bạn sẽ có cảm giác lo lắng, sợ hãi, bất an. Thế nên khi chúng ta thảo luận với các giáo viên, giảng viên thì điều quan trọng là quan sát xem cảm giác so đo trong trường học đối với chúng ta là như thế nào; việc cho điểm và những nỗi sợ hãi thi thố đối với chúng ta là như thế nào.
Một môi trường học hành tốt không thể thiếu sự tự do, niềm hạnh phúc, sự hứng thú. Tất cả chúng ta đều biết điều này khi chúng ta chơi trò chơi, sắm vai trong một vở kịch, khi đi dạo hay khi ngắm nhìn một dòng sông; khi hạnh phúc và hăng hái thì chúng ta học hành dễ dàng hơn nhiều. Nhưng khi có nỗi sợ bị so sánh, nỗi sợ về điểm số và các bài thi, thì chúng ta chẳng thể trở thành một người học tập xuất sắc.
Giáo viên vốn chỉ quan tâm đến việc bạn có vượt qua được những kỳ thi và được lên lớp hay không, ba mẹ bạn cũng không khác gì. Họ đều không quan tâm đến việc bạn có bước ra khỏi cánh cổng trường học như một con người khôn ngoan, giàu trí tuệ và không chút sợ hãi, nhún nhường hay không.
- 2 -
Sự cạnh tranh
“Tôi không muốn cạnh tranh, nhưng làm thế nào để có thể tồn tại trong một xã hội đầy rẫy sự ganh đua như thế này?”
Bạn thấy đấy, chúng ta mặc định rằng chúng ta sống trong một xã hội đầy tính cạnh tranh và xem đấy như là một tiền đề sẵn có, rồi từ đó ta bắt đầu cuộc sống. Ngay khi bạn nói: “Tôi sống trong một xã hội cạnh tranh”, chắc chắn bạn sẽ bắt đầu cạnh tranh. Xã hội này chất chứa sự hám lợi, tôn thờ sự thành công; nếu bạn muốn thành công, theo một cách tự nhiên bạn sẽ cạnh tranh với người khác.
Nhưng vấn đề thực sự thì thuộc tầm sâu và có sức vóc hơn nhiều so với việc người ta cạnh tranh lẫn nhau. Cái gì ẩn giấu bên dưới ham muốn cạnh tranh vậy? Trong trường học, chúng ta được dạy là phải cạnh tranh với bạn học của mình, không phải vậy sao? Sự cạnh tranh trong lớp học được minh họa bằng hình thức chấm điểm, bằng việc so sánh những học sinh yếu kém với những học sinh giỏi giang, bằng việc liên tục chỉ ra rằng một học sinh nghèo vẫn có thể trở thành tổng thống hay giám đốc của một tập đoàn nào đó – bạn đã quen với những điều này rồi mà. Tại sao chúng ta lại nhấn mạnh nhiều như thế vào sự cạnh tranh? Có điều gì quan trọng ẩn sau sự cạnh tranh đó? Xét theo khía cạnh nào đó, sự cạnh tranh mang ý nghĩa kỷ luật, đúng không? Bạn phải kiềm chế, bạn phải tuân phục, bạn phải đặt chân mình lên đúng đường kẻ được vạch sẵn, bạn phải trở nên giống như những người khác. Mặt khác, bạn cũng được khuyến khích trở nên giỏi hơn kẻ khác, thế nên bạn tự kỷ luật bản thân để đạt được thành công. Hãy chú ý kỹ vào điều này nhé: Nơi nào có sự khuyến khích cạnh tranh, nơi đó chắc chắn có quá trình kỷ luật tâm trí theo một khuôn mẫu hành vi nhất định. Nếu bạn muốn trở thành một cái gì đó hay một ai đó, bạn phải biết kiềm chế, tập tính kỷ luật và đừng bao giờ thôi cạnh tranh. Chúng ta đã được nuôi dạy trên nền tảng đó và chúng ta tiếp tục truyền thụ điều này cho con cái mình. Vậy hóa ra chúng ta chưa bao giờ có ý định kể cho chúng nghe về sự tự do, hay về quá trình khám phá bản thân!
Sự cạnh tranh làm lu mờ thực trạng của một người; nếu bạn muốn hiểu biết chính mình, liệu bạn có nên cạnh tranh với mọi người không, liệu bạn có nên so sánh mình với người khác không? Bạn có thể hiểu được bất kỳ điều gì thông qua sự so sánh không? Bạn có thể thấu hiểu và cảm nhận một bức tranh bằng việc so sánh nó với một bức tranh khác? Hay là bạn chỉ có thể cảm nhận nó khi bạn thực sự nhận biết, ngắm nhìn bức tranh mà không có ý nghĩ so sánh nào trong đầu?
- 3 -
Ta cạnh tranh chỉ để che giấu nỗi sợ thất bại
Bạn khuyến khích tinh thần cạnh tranh nơi con cái bạn vì bạn muốn chúng phải thành công trong những việc mà bạn đã từng thất bại; bạn muốn hoàn thành tâm nguyện của chính mình thông qua con cái hoặc thông qua đất nước của bạn. Bạn cho đó là sự tiến triển, sự tiến bộ, sự thành đạt có được thông qua sự phán xét, so sánh. Thế nhưng, khi nào thì bạn so sánh, và khi nào thì bạn cạnh tranh? Chỉ khi bạn có sự bất an trong lòng, khi bạn không hiểu về chính mình, chỉ khi có nỗi sợ trú ngụ nơi tâm hồn bạn. Hiểu biết chính mình là hiểu biết về toàn bộ diễn trình của đời sống, và sự hiểu biết chính mình là sự khởi đầu của trí tuệ, của sự khôn ngoan. Không biết mình thì sẽ không có sự thấu hiểu; ở đó chỉ còn lại sự ngu dốt, và người ngu dốt sẽ chẳng bao giờ trưởng thành.
- 4 -
Cạnh tranh là sự tôn sùng vẻ hào nhoáng bên ngoài
Thế nên, liệu ta có cần phải cạnh tranh để hiểu được chính mình? Liệu tôi có phải cạnh tranh với bạn để hiểu được chính tôi? Tại sao chúng ta lại tôn sùng thành công đến như vậy? Những người không chút sáng tạo và những người rỗng tuếch bên trong là những người luôn chìa tay ra, hy vọng đạt được một điều gì đó, hy vọng trở thành ai đó. Hầu hết chúng ta đều nghèo túng từ tận bên trong, đều mang vác theo những tâm hồn xác xơ túng thiếu, chúng ta cạnh tranh để trở nên giàu có bề ngoài. Viễn cảnh hào nhoáng về sự sung túc, địa vị cùng quyền lực đã làm hoa mắt chúng ta vì đó là những gì chúng ta muốn.
- 5 -
Hợp tác là sự vắng mặt tinh thần vị kỷ
Chúng ta chỉ có thể hợp tác khi bạn và tôi cùng hóa hư vô. Hãy đi tìm ý nghĩa của nó, hãy suy ngẫm về nó, và hãy thiền định với nó. Đừng chỉ đặt ra câu hỏi: “Trạng thái hư vô có nghĩa là gì?”. Chúng ta có hàm ý gì khi nói đến điều đó trong khi chúng ta chỉ biết về cái tôi, cùng với những hoạt động lấy cái tôi làm trung tâm.
Từ đó, chúng ta biết rằng không thể có được sự hợp tác cơ bản, chỉ có thể có được sự thuyết phục hời hợt dựa trên nỗi sợ, phần thưởng, hình phạt – vốn không phải là sự hợp tác. Thế nên, nơi nào tồn tại những hoạt động của cái tôi như một sự kết thúc trong quan điểm, như một điều không tưởng trong quan điểm thì không thể có sự hợp tác, mà chỉ có sự hủy hoại, chia cách. Người ta nên làm điều người ta thực sự mong muốn, không phải một cách hời hợt, mà theo một cách tuyệt đối chân thành? Nếu muốn hợp tác với vợ con, hay với hàng xóm thì bạn phải làm thế nào? Hết sức hiển nhiên, bạn sẽ làm được điều đó bằng cách thật lòng yêu thương người khác!
Tình yêu không phải là một điều thuộc về tâm trí, tình yêu không phải là một ý niệm. Tình yêu chỉ có thể xuất hiện khi các hoạt động của cái tôi chấm dứt. Nhưng bạn lại xem các hoạt động của cái tôi là tiền đề cho những thay đổi tích cực, trong khi những hoạt động đó đều dẫn đến sự hủy hoại, chia cách, sự khốn khổ, hỗn loạn; hẳn là bạn hoàn toàn hiểu về điều đó. Thế mà trong khi chúng ta ra rả về sự hợp tác, về tình anh em thì chúng ta vẫn chưa bao giờ thôi chấp bám vào các hoạt động của cái tôi.
- 6 -
Tất cả là vì Tôi, hay vì Chúng ta?
Nếu một người thực sự muốn theo đuổi và tìm thấy chân lý ở sự hợp tác thì người đó phải chấm dứt hoạt động lấy bản thân làm trung tâm. Khi bạn và tôi không còn đặt mình ở vị trí trung tâm nữa thì chúng ta mới có thể yêu thương người khác; khi đó bạn và tôi mới hào hứng hành động mà không màng đến kết quả; khi đó chúng ta mới có thể yêu thương lẫn nhau. Nếu sự vị kỷ của tôi va chạm với sự vị kỷ của bạn, thì chúng ta sẽ vấp phải mâu thuẫn; ngoài mặt chúng ta hợp tác nhưng trong lòng mỗi người đều khư khư giữ lấy chính kiến của mình.
Vậy, hư vô hoàn toàn không phải là một trạng thái có ý thức, khi bạn và tôi yêu thương lẫn nhau thì chúng ta sẽ hợp tác, không phải để làm một việc chúng ta tán đồng, mà là hợp tác để hoàn thành bất cứ điều gì.
Nếu bạn và tôi yêu thương người khác cũng như yêu thương lẫn nhau, bạn nghĩ liệu xã hội dơ dáy, bẩn thỉu này có thể tồn tại được nữa không? Chúng ta sẽ hành động thật sự, chúng ta sẽ không chỉ ra rả những lý thuyết suông về phương pháp, hệ thống, đảng phái, chính quyền và luật pháp, cũng như sẽ không chỉ bàn luận suông về tình yêu thương. Yêu thương bằng lời thì chưa phải là yêu thương đúng nghĩa. Từ “yêu thương” chỉ mang tính biểu tượng, nó sẽ không bao giờ trở thành hiện thực nếu thiếu đi hành động.
- 7 -
Biết khi nào không thể hợp tác
Khi bạn biết làm thế nào để có thể hợp tác bởi trong bạn có một cuộc cách mạng, thì bạn cũng sẽ biết khi nào bạn không thể hợp tác; điều này rất quan trọng, thậm chí còn quan trọng hơn cả việc hợp tác nữa. Giờ đây chúng ta hợp tác với bất kỳ ai nhằm tạo ra một cuộc cải cách, một sự thay đổi, thế thì ta chỉ càng làm cho sự xung đột và khốn khổ kéo dài bất tận. Chỉ khi chúng ta hiểu về tinh thần hợp tác cùng toàn bộ diễn trình của đời sống thì chúng ta mới có khả năng tạo nên một nền văn minh mới, một thế giới hoàn toàn khác, một nơi vắng bóng sự hám lợi, đố kỵ, so sánh. Đây không phải là một thế giới hoàn hảo không tưởng chỉ tồn tại trên lý thuyết mà là một trạng thái trong thực tế, khi tâm lý liên tục tự vấn và theo sát thực tại cùng những điều hạnh phúc thiêng liêng.