— 1 —
Tại sao chúng ta phải thay đổi?
Trước hết, tại sao chúng ta lại muốn thay đổi thực tại hay mang đến một sự chuyển hóa? Phải chăng là vì thực tại khiến chúng ta bất mãn, nó gây xung đột và làm ta bối rối; chính vì không thỏa mãn với tình trạng đó nên chúng ta tìm đến thứ gì đó tốt hơn, cao quý hơn, lý tưởng hơn. Chúng ta mong muốn đạt được sự chuyển hóa vì có quá nhiều nỗi đau khổ, cảm giác khó chịu và sự mâu thuẫn tồn tại trong ta.
- 2 -
Cảm giác chán chường
Về bản chất, cái tôi thật đáng chán, nó yếu ớt, lạc lõng và phù phiếm; hoạt động của nó thì buồn tẻ và đơn điệu. Những ham muốn đầy tính mâu thuẫn và xung đột của nó, những hy vọng và thất vọng trong nó, những thực tế và ảo tưởng của nó, tất cả đều đáng mê hoặc nhưng đồng thời cũng thật trống rỗng; những hoạt động đó chỉ dẫn ta đến sự mệt mỏi mà thôi. Cái tôi không ngừng leo lên và ngã xuống, không ngừng theo đuổi và thất vọng, không ngừng đạt được và mất mát; từ đó nó trở nên chán chường và tìm cách trốn chạy, thông qua những hoạt động bên ngoài hay thông qua ảo tưởng, nó khiến ta say xỉn, phụ thuộc tình dục, vùi mình vào sách vở, chạy theo kiến thức, sa đà vào các thú tiêu khiển, v.v… Kết quả là môi trường dung dưỡng cho sự ảo tưởng của cái tôi ngày càng trở nên phức tạp và rộng lớn hơn.
- 3 -
Vấn đề của bản ngã không thể được giải quyết bằng sự trốn chạy
Sự tìm quên chính mình diễn ra dưới nhiều hình thức, bên trong lẫn bên ngoài; một số người tìm quên trong tôn giáo, số khác thì lao vào các hoạt động hay công việc. Những điều đó chẳng có ý nghĩa gì cả; sự ồn ào náo động ở bên trong và bên ngoài có thể tạm thời đè nén cái tôi, rồi nó sẽ sớm trở lại dưới một hình thức khác bởi những gì bị đè nén sẽ luôn nung nấu ý định trốn thoát. Sự tự quên lãng thông qua rượu chè hay tình dục, thông qua sự tôn sùng thành công hay kiến thức đều tạo ra thói lệ thuộc và từ đó nảy sinh vô số vấn đề.
- 4 -
Giải quyết vấn đề
Vấn đề sẽ luôn tồn tại ở những nơi mà hoạt động của cái tôi chiếm ưu thế, do đó chúng ta cần thận trọng để nhận biết đâu là hoạt động của cái tôi. Hơn nữa, một vấn đề sẽ không bao giờ được giải quyết ở cùng mức độ, trong cùng phân đoạn mà nó được tạo ra; sự phức tạp của nó cần được tìm hiểu trong toàn bộ diễn trình. Mọi cố gắng giải quyết vấn đề ở duy nhất một phân đoạn về mặt thể xác hay tâm lý sẽ chỉ làm gia tăng thêm sự xung đột và hỗn loạn. Để giải quyết một vấn đề, ta phải nhận biết một cách tỉnh táo và nhạy bén về toàn bộ quá trình của nó.
- 5 -
Tuổi trẻ trong mối quan hệ với các vấn đề
Tôi không cho rằng chúng ta cần phân định ra những vấn đề của tuổi trẻ, của tuổi trung niên, hay của tuổi lão niên. Không có vấn đề của tuổi trẻ nào cả, có chăng là khi còn trẻ thì ta mắc lỗi do quá non nớt và thiếu kinh nghiệm sống mà thôi. Tuy vậy, tuổi trẻ được coi là nơi khởi đầu, nếu từ đây chúng ta tạo ra mớ hỗn độn trong cuộc đời mình thì ta ắt hẳn sẽ vướng vào những bãi lầy của các vấn đề, của sự bất định, bất mãn và thất vọng. Vì vậy, tôi nghĩ chỉ ở độ tuổi này chúng ta mới có thể xây dựng cho mình một nền tảng đúng đắn.
Khi người ta còn trẻ, họ chưa phải lo lắng nhiều cho gia đình hoặc công việc, hoặc mọi hoạt động bắt buộc, đó là thời điểm vàng để gieo một hạt giống và ươm mầm cho nó nở thành một cuộc đời đúng đắn, thay vì đánh mất mình trong những thứ vô nghĩa của việc tồn tại cho qua ngày đoạn tháng.
- 6 -
Tâm trí bị nhào nặn
Bạn biết đấy, chúng ta vẫn luôn được bảo rằng mình nên nghĩ cái gì và không nên nghĩ cái gì. Sách vở, giáo viên, gia đình và cả xã hội xung quanh đều quy định điều chúng ta nên nghĩ, họ chẳng bao giờ giúp ta tư duy. Để tư duy đúng cách không quá khó khăn, nhưng chúng ta luôn gặp vấn đề với điều đó là vì từ thuở nhỏ, tâm trí chúng ta đã luôn bị quy định bởi những từ ngữ, câu từ, những quan điểm sẵn có bên cạnh những định kiến. Tôi không biết liệu bạn có để ý rằng suy nghĩ của hầu hết người lớn đều rất bảo thủ; thật khó để lay chuyển tâm tưởng họ về bất kỳ chủ đề gì.
- 7 -
Để giải quyết vấn đề và hành động đúng đắn, hãy lắng nghe sự thay đổi của cuộc sống, đừng tin vào những nguyên tắc sáo rỗng
Sự thấu hiểu vốn dĩ đầy tính sáng tạo và tự do, nó không phải là điều bạn ghi nhớ hay học thuộc lòng, cũng không phải điều được tích lũy trong tâm trí. Cuộc sống là để bạn lắng nghe và thấu hiểu trong từng khoảnh khắc mà không cần tích lũy kinh nghiệm.
Như một dòng sông trôi mãi không ngừng, cuộc sống liên tục biến đổi và chẳng bao giờ tĩnh tại; nếu giáp mặt nó với gánh nặng ký ức thì hiển nhiên là bạn khó lòng tương tác được với cuộc sống. Sao bạn có thể khám phá ra điều gì mới khi vẫn còn bị đè nặng bởi quá nhiều ký ức, kinh nghiệm; vì vậy mà cuộc sống luôn mới mẻ còn chúng ta thì chẳng thể thấu hiểu được nó. Đời sống tẻ nhạt khiến chúng ta trở nên đờ đẫn, chúng ta chẳng làm gì ngoài chuyện bồi đắp cho một thể xác phì nộn và một tâm trí ngu muội.
- 8 -
Hành động đúng đắn không phải là sự tuân phục
Dù ở độ tuổi nào thì hầu hết chúng ta đều có xu hướng tuân phục, nghe theo và sao chép hành vi của số đông bởi sâu thẳm bên trong, chúng ta đầy sợ hãi và bất an. Chúng ta muốn được ổn định cả về tài chính lẫn đời sống, chúng ta muốn mình luôn được chấp nhận. Chúng ta muốn ở vào địa vị an toàn và vững chắc, muốn được bao bọc và tránh đối đầu với mọi khó khăn, đau đớn, khổ sở. Chính nỗi lo sợ bị trừng phạt đã ngăn cản chúng ta làm bất kỳ việc gì trái ngược với mong muốn của người khác.
- 9 -
Tự mình thấu hiểu mọi vấn đề trong cuộc sống
Sau khi lớn lên và hoàn thành cái quá trình được gọi là giáo dục, chúng ta rời khỏi trường học cùng vô số vấn đề ập đến. Đầu tiên là chúng ta sẽ chọn lựa nghề nghiệp như thế nào để có thể đáp ứng những nhu cầu của bản thân và cảm thấy hạnh phúc? Nghề nghiệp nào sẽ khiến chúng ta an tâm rằng mình không bóc lột hay đối xử tàn ác với người khác? Chúng ta liên tiếp phải đối mặt với nỗi đau, những thảm cảnh và cả cái chết. Chúng ta phải hiểu về nạn đói, sự gia tăng dân số, tình dục, cảm giác đau đớn cũng như hài lòng, thỏa mãn. Chúng ta phải ứng phó với tình trạng hỗn loạn và mâu thuẫn liên miên trong cuộc sống: những cuộc cãi vã, đấu đá giữa con người với nhau, giữa đàn ông và đàn bà; những xung đột trong lòng và những xung đột thể hiện ra bên ngoài. Chúng ta phải hiểu được về lòng tham, về chiến tranh và tinh thần quân đội, cả về nền hòa bình với vai trò sống còn, lớn lao hơn rất nhiều so với nhận thức của chúng ta. Chúng ta phải thấu hiểu ý nghĩa của tôn giáo, không chỉ riêng trong sự tôn sùng một hình ảnh ngẫu tượng nào đó, cũng như phải thấu hiểu về một điều phức tạp và lạ thường gọi là tình yêu. Chúng ta phải nhạy cảm trước vẻ đẹp của cuộc sống, khi trông thấy một chú chim sải cánh bay cũng như khi bắt gặp một kẻ ăn mày nhếch nhác, nghèo hèn, cả khi đi ngang những tòa nhà hôi thối và những ngôi đền bẩn thỉu. Chúng ta phải đối mặt với tất cả những vấn đề này, cũng như chúng ta phải đối mặt với câu hỏi về việc liệu mình có nên tuân theo một người nào đó hay không.
Hầu hết chúng ta chỉ quan tâm đến việc thay đổi chỗ này hay chỗ khác, mong sao sự thay đổi đó giúp ta cảm thấy thỏa mãn. Chúng ta càng lớn lên thì càng ít tạo ra những chuyển biến sâu sắc và mang tính nền tảng, bởi chúng ta ngày càng sợ phải thay đổi. Chúng ta không còn bận tâm đến sự thay đổi căn cơ mà chỉ tạo ra những đổi khác vụn vặt, hời hợt. Tất cả những vấn đề mà chúng ta phải đối mặt đều bắt nguồn từ sự tìm kiếm hạnh phúc, từ tham vọng và sự đeo đuổi để đoạt lấy mục tiêu tham vọng của mình; đổi lại, bạn phải nhận về mình sự cạnh tranh, sự mục nát trong tâm hồn mình và người khác, cũng như sự sa đọa của tâm trí, sự trống rỗng trong cõi lòng. Sau cùng thì bạn vẫn cần phải thấu hiểu về tất cả những điều này, vì chính bản thân mình.
- 10 -
Không nhà tư tưởng nào có thể giải quyết vấn đề của bạn
Suy nghĩ không thể giải quyết được những vấn đề của chúng ta. Những bộ não sáng suốt nhất, các triết gia, các học giả, những nhà lãnh đạo chính trị, đều không giải quyết thấu đáo, dứt điểm được bất kỳ vấn đề nào của nhân loại – vốn nằm trong mối tương quan giữa bạn và người khác cũng như giữa bạn và tôi.
- 11 -
Sự hiểu biết bắt nguồn từ tự do khỏi cái tôi
Sự khôn ngoan chỉ xuất hiện khi có sự tự do khỏi cái tôi, đó là khi mà tâm trí không còn đặt nó vào vị trí trung tâm của những đòi hỏi hơn thua, không còn vướng kẹt trong những ham muốn ngày một chất chồng và mở rộng.
- 12 -
Đừng dùng bạo lực để đáp trả bạo lực
Khi bạn rời ghế nhà trường để bước ra cuộc đời, tôi thấy điều quan trọng nhất là bạn đừng bao giờ bó tay chịu trói hoặc cúi đầu trước mọi đối tượng áp đặt hay gây ảnh hưởng lên bạn. Hãy luôn đối mặt để thấu hiểu chúng và để thấy được những ý nghĩa và giá trị đích thực của chúng với một thái độ mềm mỏng song hành cùng sức mạnh nội tại to lớn; như vậy, bạn sẽ tránh được việc tạo ra thêm các mối bất hòa cho thế giới này.