— 1 —
Mối quan hệ diễn ra giữa chúng ta hay là giữa các hình tượng của chúng ta?
Khi nói đến một “mối quan hệ”, liệu chúng ta có thật sự liên hệ với người khác, hay chẳng qua đó chỉ là liên hệ giữa những hình tượng của chúng ta? Tôi mường tượng về bạn, chẳng hạn với vai trò là người bạn đời của tôi, và bạn cũng tạo dựng một hình ảnh về tôi. Vậy mối quan hệ của chúng ta chỉ là sự liên kết giữa hai hình tượng ấy, không hơn không kém. Một mối quan hệ chỉ có thể diễn tiến khi trong nó không còn một hình dung mộng tưởng nào cả. Chỉ khi chúng ta nhìn nhau mà không mảy may bị tác động bởi những ảo tưởng về nhau hay những hình ảnh của nhau trong quá khứ, trong sự tổn thương, trong mọi mặt; lúc ấy ta mới có một mối quan hệ. Chủ thể quan sát thì luôn có khuynh hướng tạo ra những hình tượng, đúng không nào? Nhưng nếu chỉ gồm hai hình tượng quan sát lẫn nhau thì mối quan hệ không thực sự tồn tại vì giữa chúng không có sự tương tác qua lại, mà mối liên hệ thì đòi hỏi quá trình tương tác trực tiếp với nhau. Bạn cần phải hoàn toàn nhận biết và chú tâm mới có thể nhìn trực diện vào người khác chứ không phải vào hình dung của ta về họ – cái hình tượng trong ký ức đã từng sỉ nhục ta, hoặc từng làm ta vui lòng, hoặc từng gây thỏa mãn cho ta. Hãy quên đi mọi hình tượng của nhau để giữa chúng ta có thể hiện hữu một mối quan hệ thực sự.
- 2 -
Đừng lệ thuộc vào các mối quan hệ
Đối với hầu hết chúng ta, mối quan hệ với người khác thường đi cùng cảm giác lệ thuộc về mặt kinh tế cũng như về mặt tâm lý. Sự phụ thuộc này không những nung nấu nỗi sợ hãi mà còn dung dưỡng cho tham muốn chiếm hữu, từ đó dẫn đến nguồn cơn xích mích, thói đa nghi và cảm giác bất lực, thất vọng. Sự phụ thuộc về mặt kinh tế có thể được giải quyết ổn thỏa với một số luật lệ thích đáng, thế nhưng vấn đề cần bàn đến hơn cả là sự lệ thuộc vào người khác về mặt tâm lý, vốn bắt nguồn từ niềm khao khát thỏa mãn vị kỷ, ham muốn hạnh phúc, và những điều tương tự như vậy. Trong mối quan hệ mang tính chiếm hữu này, người ta cảm thấy mình trọn vẹn hơn, tươi mới hơn và ngập tràn năng lượng; người ta cảm nhận được ngọn lửa lòng mình mạnh mẽ dần lên; do đó người ta lo sợ sẽ mất đi suối nguồn cảm giác đủ đầy ấy, những nỗi sợ mang tính chiếm hữu này sẽ đến với ta cùng mọi vấn đề liên quan đến nó. Ẩn chứa trong mối quan hệ lệ thuộc đó là nỗi sợ vô thức hoặc có ý thức, và cả sự hoài nghi được lấp liếm bằng những mỹ từ chỉ sự hài lòng giả tạo. Mang trong mình nỗi sợ hãi, người ta tìm đến cảm giác an toàn và sự đủ đầy bằng nhiều cách thức khác nhau, hoặc người ta cô lập chính mình trong những ý tưởng và lý tưởng, hoặc họ nghĩ ra những lựa chọn thay thế khác cho sự thỏa mãn.
Tuy lệ thuộc vào người khác nhưng người ta vẫn mong muốn mình, trong một mối quan hệ, được toàn vẹn. Thế thì vấn đề ở đây là làm thế nào chúng ta yêu thương mà không lệ thuộc, không va chạm và xung đột; làm thế nào chúng ta chế ngự được ham muốn cô lập bản thân và loại bỏ được nguyên nhân gây xung đột. Nếu ta cứ mãi lệ thuộc vào người khác, vào xã hội, hay vào môi trường để có được hạnh phúc, thì tất cả chúng sẽ trở nên rất cần thiết đối với ta. Ta sẽ bám riết lấy chúng và bất kỳ một sự thay đổi nào cũng khiến ta vẫy vùng kháng cự bởi ta lệ thuộc vào chúng để có được cảm giác an toàn và dễ chịu. Mặc dù về mặt trí tuệ, chúng ta nhận thức được rằng cuộc sống vốn biến đổi một cách mạnh mẽ và liên tục; thế mà chúng ta cứ để bị cảm xúc điều khiển, cứ bám víu vào những giá trị sẵn có giúp xoa dịu tâm hồn thì ta khó tránh khỏi việc mắc kẹt vào cuộc đấu tranh không ngừng nghỉ giữa sự thay đổi và ham muốn thường hằng. Vậy liệu chúng ta có thể chấm dứt những xung đột này hay không?
- 3 -
Liệu chúng ta có thể yêu thương mà không chiếm hữu?
Chúng ta không thể sống thiếu các mối quan hệ, nhưng đồng thời chúng ta cũng khiến cho các mối quan hệ trở nên khốn khổ và đáng khinh khi ta đặt vào đó tình yêu thương mang đậm tính cá nhân và chiếm hữu. Chẳng lẽ người ta không thể yêu thương mà không chiếm hữu sao? Bạn sẽ tìm thấy câu trả lời xác đáng cho bản thân, không phải thông qua sự trốn chạy, lý tưởng hay những niềm tin mà thông qua hiểu biết về căn nguyên của sự lệ thuộc và tính chiếm hữu. Nếu người ta có thể hiểu sâu sắc về vấn đề trong mối tương quan giữa từng người với nhau, có lẽ người ta cũng sẽ hiểu và giải quyết được các vấn đề trong mối tương quan của chúng ta với xã hội vì xã hội chính là phiên bản mở rộng của tất cả chúng ta.
- 4 -
Các mối quan hệ cá nhân hình thành nên xã hội
Xã hội của chúng ta, môi trường sống của chúng ta là do thế hệ đi trước tạo nên, và rồi chúng ta mặc nhiên chấp nhận nó, chỉ vì nó duy trì lòng tham, tính chiếm hữu, và những ảo tưởng của chúng ta. Ảo tưởng không thể mang lại sự thống nhất hay hòa bình; thậm chí sự hợp nhất về kinh tế do bị cưỡng buộc và áp đặt bởi pháp luật cũng không thể chấm dứt chiến tranh. Chừng nào mà chúng ta chưa hiểu về mối tương quan giữa các cá nhân, chừng ấy chúng ta chưa thể xây dựng một xã hội hòa bình. Khi các mối quan hệ bị bủa vây bởi tình yêu mang tính chiếm hữu, chúng ta cần nhận biết được từ bên trong mình về những nguyên nhân của nó, và cả những hậu quả của nó. Trong tiến trình nhận biết sâu sắc về sự chiếm hữu cùng thói bạo lực, nỗi sợ hãi, và chuỗi những phản ứng của nó, bạn sẽ hiểu biết trọn vẹn hơn. Sự hiểu biết này giúp giải phóng suy nghĩ khỏi thói lệ thuộc và tính chiếm hữu. Sự xem xét, không phải đối với người khác hay đối với môi trường sống, mà là đối với chính mình sẽ mang đến sự hài hòa, đồng điệu trong mọi mối tương quan.
- 5 -
Soi rọi chính mình để giải quyết xung đột
Nguyên nhân sâu xa dẫn đến sự va chạm trong các mối quan hệ nằm ở chính bản thân mỗi người, ở cái tôi vốn là trung tâm của khát khao được hợp nhất. Nếu chúng ta có thể nhận ra rằng cách người khác hành xử không phải là điều quan trọng, mà cách mỗi người chúng ta hành xử và phản ứng mới đáng lưu tâm. Nếu chúng ta có thể hiểu một cách sâu sắc và chạm đến cốt lõi của phản ứng và hành động trong ta, thì mối quan hệ có thể trải qua một sự thay đổi sâu sắc và triệt để. Trong mối tương quan không chỉ tồn tại những vấn đề về vật chất, thể xác mà còn có những vấn đề về suy nghĩ và cảm nhận ở mọi cấp độ. Người ta chỉ có thể hòa hợp với người khác khi tổng thể con người họ hài hòa với nhau. Điều quan trọng trong mối tương quan là tâm trí cần suy ngẫm về chính mình, không phải trong sự cô lập bản thân mà là trong nỗ lực thấu hiểu sâu sắc về nguyên nhân của sự xung đột và phiền muộn nơi mình. Chừng nào chúng ta còn phụ thuộc vào người khác để cảm thấy ổn thỏa, về mặt trí tuệ hay cảm xúc, chắc chắn nỗi sợ hãi, buồn phiền sẽ tiếp tục nảy sinh từ sự phụ thuộc đó.
- 6 -
Cuộc sống là mối tương quan giữa chúng ta với mọi vật, mọi người, mọi ý tưởng
Cuộc sống bao gồm mối liên hệ giữa ta với các sự vật, với người khác và với mọi ý tưởng. Nếu chúng ta không thể ở trong các mối tương quan này một cách đúng đắn và trọn vẹn, thì mâu thuẫn và xung đột sẽ xảy ra do tác động từ thách thức bên ngoài.
- 7 -
Mối quan hệ là tấm gương phản chiếu
Mối quan hệ đóng vai trò như một tấm gương phản chiếu giúp bạn khám phá chính mình. Thiếu đi mối quan hệ, bạn không thực sự tồn tại; vì tồn tại nghĩa là liên hệ, liên hệ nghĩa là tồn tại. Bạn chỉ thực sự tồn tại trong các mối quan hệ, bằng không, sự tồn tại của bạn chẳng có nghĩa lý gì cả. Đâu phải vì bạn nghĩ bạn đang ở đây nên bạn tồn tại. Bạn tồn tại khi bạn có sự liên hệ với người khác, mà nếu trong đó thiếu đi sự hiểu biết thì ta sẽ phải đối mặt với những xung đột, cả bên trong lẫn bên ngoài.
- 8 -
Hạnh phúc là hiểu về chính mình trong các mối tương quan
Bạn có thể hiểu về chính mình thông qua tấm gương phản chiếu về suy nghĩ, và thông qua tấm gương của mối quan hệ. Hạnh phúc nằm trong đôi tay chúng ta, chìa khóa của hạnh phúc nằm trong việc hiểu biết chính mình – không phải hiểu biết theo kiểu của Freud, Jung hay Shankara – sự hiểu biết chính mình đến từ quá trình khám phá của riêng bạn thông qua các mối quan hệ hằng ngày. Nhờ quan sát và nhận biết mà không nỗ lực thay đổi ý nghĩ từ ngày này sang ngày khác; khi bạn đi xe buýt, khi bạn lái xe hơi, khi bạn trò chuyện với vợ bạn, với con bạn, hay với hàng xóm – nhờ vào quá trình quan sát tương tự như lúc bạn nhìn mình qua tấm gương, bạn bắt đầu khám phá ra cách bạn nói chuyện, cách bạn suy nghĩ, cách bạn phản ứng. Dần dà bạn sẽ nhận ra rằng trong quá trình khám phá chính mình, bạn tìm thấy những thứ không có trong sách vở hay trong các triết lý, cũng không được giảng dạy bởi những bậc thầy tâm linh.
- 9 -
Phá hủy cỗ máy hình tượng
Thế nên, để thiết lập được một mối tương quan đúng nghĩa thì bạn cần phải hủy đi các hình tượng, đúng hơn là bạn phải hủy đi cỗ máy đã tạo ra những hình tượng vốn có sẵn trong mỗi chúng ta; đó là vì nếu bạn hủy đi một hình tượng, sớm muộn gì cỗ máy này cũng sẽ tạo ra một hình tượng khác.
- 10 -
Sự hình thành các hình tượng và quan điểm
Người ta cần phải đi sâu vào tìm hiểu xem làm thế nào mà một hình tượng xuất hiện và liệu ta có thể dừng cỗ máy tạo hình tượng ấy lại không. Mối quan hệ vốn chỉ diễn ra giữa con người với con người, chứ nào có mối quan hệ giữa các hình tượng vì hình tượng là những thực thể chết. Nếu bạn tâng bốc tôi, tỏ ra kính trọng tôi thì tôi có một hình tượng về bạn thông qua sự tâng bốc đó. Nếu tôi có những trải nghiệm đớn đau, chết chóc, khốn khổ, xung đột, đói khát và cô đơn; thì tất cả những trải nghiệm ấy tạo ra một hình tượng trong tôi, tôi là hình tượng ấy. Tôi không phải là hình tượng đó, cũng không hẳn hình tượng đó và tôi hoàn toàn khác nhau; mà cái tôi là một hình tượng, và người suy nghĩ chính là hình tượng. Chính người thực hiện hành vi suy nghĩ đã tạo ra hình tượng thông qua những hồi đáp và phản ứng của anh ta, về mặt thể chất, tâm lý và trí óc. Người suy nghĩ, người quan sát, người trải nghiệm tạo ra hình tượng thông qua ký ức và suy nghĩ của mình. Thế nên cỗ máy tạo hình tượng được duy trì hoạt động thông qua việc suy nghĩ. Mặt khác, suy nghĩ thì cần thiết cho sự tồn tại của bạn.
Khi nhìn nhận vấn đề, ta biết được suy nghĩ tạo ra người suy nghĩ và người suy nghĩ thì bắt đầu tạo ra một hình tượng về anh ta, rồi anh ta sống với nó. Vì thế, suy nghĩ chính là nhiên liệu đầu vào của cỗ máy này. “Vậy làm sao tôi có thể ngừng suy nghĩ?”. Bạn không làm được đâu, nhưng bạn có thể tiếp tục suy nghĩ mà không tạo ra hình tượng.
- 11 -
Các quan điểm chỉ là những hình tượng
Hẳn nhiên là không có mối quan hệ nào giữa các hình tượng. Nếu bạn và tôi có những quan điểm riêng biệt về nhau thì làm sao chúng ta có thể tạo dựng một mối quan hệ thực sự? Mối quan hệ chỉ tồn tại khi nó được tự do khỏi các hình tượng sẵn có.
- 12 -
Tự hình tượng hóa bản thân khiến ta đau khổ
Vì sao bạn cảm thấy tổn thương? Có phải do bạn tự kiêu và tự xem mình là quan trọng hay không? Thế thì tại sao bạn lại như vậy?
Bởi vì người ta luôn có một ý tưởng và một hình tượng về chính mình, về việc người ta nên là ai và không nên là ai. Ý niệm về việc hình tượng bản thân bị ai đó công kích đã đánh thức cơn giận trong ta. Thật ra ý niệm về chính mình chẳng qua cũng là một sự trốn chạy khỏi sự thật rằng ta là ai. Nếu bạn quan sát và nhìn nhận sự thật về bản thân, không một ai và không một điều gì có thể gây tổn thương đến bạn. Giả dụ một người dối trá nghe người khác gọi mình là kẻ nói dối, thì theo bạn người đó có bị tổn thương không; đó là sự thật kia mà.