— 1 —
Nơi nào có sự lệ thuộc và ràng buộc, nơi đó không tồn tại tình yêu
Xét về mặt tâm lý, các mối quan hệ của chúng ta đều dựa trên sự phụ thuộc và đó là lý do tồn tại nỗi sợ hãi. Vấn đề ở đây không phải là tìm cách để ngưng lệ thuộc, mà là làm sao để nhìn thẳng vào sự thật rằng chúng ta đang lệ thuộc. Nơi nào có sự ràng buộc, nơi đó không có tình yêu. Bạn không biết mình thật lòng yêu ai, nên bạn chọn cách lệ thuộc, và do đó bạn lo sợ. Điều quan trọng là bạn nhìn thẳng vào sự thật, chứ không phải là làm thế nào để yêu thương, hay làm thế nào để được tự do khỏi nỗi sợ.
- 2 -
Nơi nào có sự lệ thuộc, nơi đó có nỗi sợ hãi
Chúng ta không cần bác bỏ hoặc chấp nhận, hay đưa ra bất kỳ quan điểm nào về chuyện này, chúng ta cũng không phải trích dẫn lời hay chỗ này, ý đẹp chỗ kia, ở đây chúng ta chỉ cần lắng nghe một sự thật: nơi nào có sự ràng buộc thì không có tình yêu, và nơi nào có sự lệ thuộc thì cũng đầy ắp nỗi sợ. Tôi đang bàn về sự lệ thuộc tâm lý, chứ không nói về những tình trạng phụ thuộc tất yếu (như là phụ thuộc vào người giao sữa đến cho bạn mỗi ngày, hay phụ thuộc vào các phương tiện giao thông công cộng). Tôi đang nói đến sự lệ thuộc về mặt tâm lý (như là lệ thuộc vào các ý tưởng, vào người khác, vào tài sản, vật chất), kiểu lệ thuộc dung dưỡng cho nỗi sợ hãi.
- 3 -
Tình yêu xuất hiện từ sự thấu hiểu về các mối quan hệ
Tình yêu là một thứ gì đó không thể được vun trồng, tình yêu không phải là một thứ được tạo ra từ tâm trí. Nếu bạn nói: “Tôi sẽ rèn luyện để mình trở nên giàu lòng trắc ẩn”, thì lòng trắc ẩn ấy hóa ra là một thứ thuộc về tâm trí, do đó không liên quan gì đến tình yêu. Tình yêu thương xuất hiện một cách mờ ảo mà trọn vẹn, một cách bất khả tri, vào lúc chúng ta hiểu trọn vẹn về diễn trình của mối quan hệ. Khi ấy, tâm trí cũng trở nên tĩnh lặng và nó ngừng việc lấp đầy trái tim bằng những điều giàu lý trí; nhờ thế mà tình yêu có thể đến với chúng ta.
- 4 -
Tại sao chúng ta quan trọng hóa chuyện tình dục?
Chuyện tình dục ở đây là một hành động hay là một ý nghĩ về hành động? Tôi nghĩ nó không thể là hành động; hành động tính dục thì chẳng gây phiền hà gì hơn so với chuyện ăn uống, nhưng nếu bạn nghĩ về chuyện ăn uống hay bất cứ thứ gì suốt cả ngày vì trong đầu bạn chẳng còn gì khác, trong trường hợp đó nó trở thành vấn đề. Từ phim ảnh, tạp chí cho đến mấy mẩu chuyện và cách phụ nữ ăn vận, mọi thứ đều khiến bạn suy nghĩ về tình dục. Tại sao tâm trí cứ luôn nghĩ về tình dục? Tại sao nó trở thành vấn đề nan giải nhưng trọng yếu trong cuộc đời bạn?
Trong khi có rất nhiều thứ đòi hỏi sự chú tâm của bạn, bạn lại dành trọn sự chú ý cho những suy nghĩ tình dục, tại sao tâm trí bạn lại quá bận tâm về điều đó vậy? Bởi vì đó là phương cách chạy trốn, là phương cách tìm quên hoàn toàn, phải vậy không nào?
Trong cuộc sống, hay là trong chính khoảnh khắc này, bạn không có cách nào khác để quên đi chính mình. Tất cả những gì bạn làm trong cuộc đời đều nhấn mạnh vào cái tôi, vào bản ngã: Công việc của bạn, tôn giáo của bạn, Thượng đế của bạn, cấp trên của bạn, hoạt động chính trị và kế hoạch kinh tế của bạn, sự trốn chạy của bạn, hoạt động xã hội của bạn, những bữa tiệc của bạn. Hết thảy chúng đều đề cao và tiếp thêm sức mạnh cho cái tôi. Giờ đây, vì bạn còn một phương tiện trốn chạy cuối cùng giúp bạn quên đi chính mình dù chỉ trong giây lát, bạn sẽ vồ lấy nó để được hưởng cái khoảnh khắc duy nhất mà bạn cảm thấy hạnh phúc.
Thế nên, tình dục thật sự là một vấn đề khó khăn và phức tạp, nhất là khi bạn vẫn chưa hiểu rõ cái tâm trí mãi băn khoăn về vấn đề ấy.
- 5 -
Tại sao tình dục là vấn đề?
Tại sao đụng đến điều gì chúng ta cũng biến nó thành vấn đề vậy? Và vì sao chúng ta không chấm dứt chúng, tại sao ta lại cam chịu chung sống với các vấn đề và mang vác chúng từ ngày này qua ngày khác, từ năm này qua năm khác? Chắc chắn đây là một câu hỏi quan trọng, nhưng còn một câu hỏi khác cần chúng ta giải đáp trước: Tại sao chúng ta biến cuộc sống thành một tập hợp vấn đề? Làm việc, làm tình, kiếm sống, suy nghĩ, cảm nhận, trải nghiệm, bạn biết đấy, tất cả đều là diễn trình của cuộc sống, điều gì đã khiến tất cả chúng gây cản trở và trở thành vấn đề đeo bám ta? Không phải chủ yếu là do chúng ta cứ luôn nghĩ theo một hướng, không phải là do góc nhìn của ta hạn hẹp và cứng nhắc hay sao?
- 6 -
Ham muốn không phải là tình yêu
Ham muốn không phải là tình yêu, ham muốn dẫn đến sự thỏa mãn, hoặc ham muốn chính là sự thỏa mãn. Chúng ta không chối bỏ sự ham muốn vì sẽ thật ngớ ngẩn khi bảo rằng chúng ta phải sống và từ bỏ ham muốn, điều đó là không thể. Con người đã từng cố gắng làm thế khi họ chối bỏ mọi cảm xúc thỏa mãn bằng cách tự kỷ luật mình, tự hành hạ mình, vậy mà ham muốn vẫn tồn tại, vẫn gây xung đột, vẫn mang đến mọi tác động tàn bạo. Chúng ta không biện hộ cho ham muốn, nhưng chúng ta tốt hơn hết là nên hiểu toàn diện về hiện tượng ham muốn, sự thỏa mãn, nỗi đau khổ; sau cùng thì nếu chúng ta có thể vượt qua nó, chúng ta sẽ đạt đến trạng thái tuyệt diệu ngập tràn tình yêu thương.