— 1 —
Gia đình và Xã hội
Gia đình tương phản với xã hội – tương phản với mối quan hệ giữa người và người nói chung. Bạn biết đấy, gia đình giống như một căn phòng nhỏ trong một ngôi nhà lớn, điều phi thường diễn ra trong căn phòng nhỏ ấy. Gia đình có tầm quan trọng trong mối tương quan với xã hội; cũng như căn phòng nhỏ liên hệ đến toàn bộ căn nhà, gia đình liên hệ đến sự tồn tại của toàn thể nhân loại. Thế mà chúng ta lại chia cách gia đình ra, rồi chúng ta bám víu vào nó. Chúng ta đã làm nhiều điều với gia đình – trong các mối quan hệ của tôi cũng như các mối quan hệ của bạn – và chúng ta cũng đã không ngừng đấu tranh với những người khác. Khi chúng ta quên đi toàn bộ căn nhà thì căn phòng nhỏ bỗng trở nên vô cùng quan trọng; thế nên gia đình cũng sẽ trở nên cực kỳ quan trọng khi bạn lãng quên sự tồn tại của nhân loại. Gia đình cần được đặt ở một tầm quan trọng nhất định trong mối quan hệ với sự hiện tồn của con người, bằng không nó sẽ trở nên vô cùng đáng sợ và kỳ quái.
- 2 -
Chúng ta có thực sự yêu thương gia đình mình?
Khi chúng ta nói: “Tôi yêu gia đình mình”, chúng ta không thực sự yêu gia đình; chúng ta không thực sự yêu con cái mình. Khi bạn nói rằng bạn yêu con mình, bạn hàm ý rằng con của bạn là một phần thuộc về thói quen của bạn, hay bạn xem con cái là những món đồ chơi giải trí cho bạn mà thôi. Nhưng nếu bạn thật lòng yêu thương thì bạn sẽ rất mực quan tâm săn sóc chúng.
Thế nào là quan tâm săn sóc? Là giống như khi bạn trồng một cái cây thì bạn sẽ chăm sóc tỉa tót cho nó; bạn nâng niu nó và nuôi dưỡng nó. Trước khi trồng một cái cây, bạn phải đào thật sâu rồi xem xét chọn loại đất phù hợp. Khi cái cây đã được trồng xuống, bạn tiếp tục bảo vệ và quan sát nó mỗi ngày, bạn trông nom như thể nó là một phần cuộc đời bạn. Rất có khả năng bạn không yêu thương con cái mình được như thế; vì nếu bạn làm như vậy, lẽ ra nền giáo dục đã mang một diện mạo hoàn toàn khác. Lẽ ra đã không còn những cuộc chiến tranh và sự nghèo đói. Tâm trí con người lẽ ra đã không được đào tạo chỉ riêng về mặt kỹ thuật. Lẽ ra đã không tồn tại trạng thái cạnh tranh khốc liệt, cũng như chủ nghĩa dân tộc cực đoan. Do chúng ta không yêu thương con cái mình đúng mức nên những điều này đều đã xảy ra.
- 3 -
Sự lệ thuộc biến bạn thành kẻ bất tài vô tướng
Khi bạn nói lời yêu ai đó, liệu bạn không mong phụ thuộc vào người đó chút nào sao? Nếu bạn còn nhỏ thì không có gì sai khi bạn lệ thuộc vào cha mẹ, vào thầy cô, hay là vào người giám hộ của bạn. Bởi vì còn nhỏ nên bạn cần được chăm sóc, bạn cần được cung cấp quần áo, cần có một nơi trú thân, cần được bảo vệ. Ngày bé, đúng là bạn cần được ôm ấp vỗ về, cần được để tâm săn sóc. Nhưng giờ đây khi đã lớn lên rồi thì cảm giác lệ thuộc này vẫn chưa hề tan biến, phải không? Bạn không để ý thấy điều này ở những người lớn tuổi, ở cha mẹ bạn, và ở thầy cô của bạn sao? Bạn không để ý rằng họ cũng còn lệ thuộc vào vợ chồng của họ, vào con cái của họ, vào cha mẹ của họ đấy sao? Người ta dù lớn vẫn muốn được ở trong vòng tay ôm ấp vỗ về của ai đó, vẫn có nhu cầu được lệ thuộc. Nếu không tìm kiếm ai đó, không được dẫn dắt bởi ai đó, không có được cảm giác an toàn và dễ chịu thì họ sẽ cảm thấy cô đơn, không phải vậy sao? Họ ắt hẳn thấy mình lạc lõng. Thế nên, sự lệ thuộc vào người khác được gọi là tình yêu, nhưng nếu bạn quan sát kỹ càng hơn, phía sau sự lệ thuộc ấy là nỗi sợ chứ nào phải tình yêu. Vì họ sợ cô đơn, vì họ sợ phải nhọc công suy nghĩ về những thứ mới mẻ, vì họ sợ phải cảm thấy, nhìn thấy, tìm thấy toàn bộ ý nghĩa của cuộc sống, nên họ đem lòng yêu thương Thượng đế, họ trở nên lệ thuộc vào cái mà họ gọi là Thượng đế. Mà bạn biết rồi đấy, nếu một thứ được tạo ra từ tâm trí, thì ta đừng nên lệ thuộc vào đó; kể cả khi đó là một lý tưởng hay một niềm tin, chẳng hạn như nếu tôi tin vào một điều gì đó thì điều đó cho tôi một cảm giác rất dễ chịu vậy. Khi bạn còn nhỏ, điều này hoàn toàn ổn thôi. Nhưng nếu bạn vẫn tiếp tục cái thói lệ thuộc đó khi đã trưởng thành thì nó sẽ tước đi khả năng suy nghĩ và tự do của bạn. Nơi nào có sự lệ thuộc, thì nơi đó có nỗi sợ hãi, uy quyền và hiển nhiên là chẳng có tình yêu thương.
- 4 -
Theo một cách hoàn toàn tự nhiên, ta có một gia đình
Giờ đây, gia đình là một điều thuộc về mối tương quan giới hạn, bị phong kín và bị loại trừ. Chúng ta cần phải thấu hiểu cái ham muốn có được sự an toàn về mặt tâm lý chứ đừng chỉ đơn thuần thay đổi kiểu mẫu an toàn này thành kiểu mẫu ổn định khác.
Vấn đề không nằm ở gia đình mà nằm trong ham muốn được an toàn của chúng ta. Chẳng lẽ ham muốn đó không phải là một sự loại trừ ở mọi cấp độ hay sao? Tinh thần loại trừ được thể hiện ra ở gia đình, tài sản, quốc gia, hay tôn giáo. Ham muốn có được sự an toàn này không phải đã được dựng nên như một hình thức an toàn ở bên ngoài, vốn cũng luôn mang tính loại trừ hay sao? Rồi chính cái ham muốn được an toàn này lại hủy diệt luôn cả sự an toàn. Sự loại trừ và sự chia cách chắc chắn sẽ mang lại tình trạng tan rã, với nào là chủ nghĩa dân tộc, đấu tranh giai cấp, những cuộc chiến tranh, và tất cả những biểu hiện khác của nó. Gia đình, trong vai trò một phương tiện đạt đến sự an toàn nội tâm, là cội nguồn của mọi rối loạn và thảm họa xảy đến với xã hội.
- 5 -
Chỉ khi không màng đến sự an toàn nội tại, bạn mới được an toàn
Chỉ khi nào bạn ngưng tìm kiếm sự an toàn ở bên trong mình thì bạn mới có thể bắt đầu sống một đời an nhiên trong thực tại.
Việc bạn sử dụng người khác như một phương tiện để thỏa mãn và để tìm cầu an toàn hoàn toàn không phải là tình yêu. Tình yêu chẳng bao giờ đồng nghĩa với bến bờ an toàn; tình yêu là một trạng thái mà trong đó không còn ham muốn, kể cả ham muốn được an toàn; trong trạng thái dễ bị thương tổn đó cũng không tồn tại sự loại trừ, thù nghịch, căm ghét. Chỉ riêng trong trạng thái ấy, một gia đình đúng nghĩa mới có thể hình thành mà không nảy sinh mầm mống của sự loại trừ và sự tự phong kín bản thân.