— 1 —
Mối tương quan giữa chúng ta với thiên nhiên là gì?
Tôi không biết liệu bạn đã từng khám phá mối liên hệ giữa mình với Mẹ Thiên nhiên chưa. Đương nhiên không có mối quan hệ nào gọi là “đúng đắn”, mà chỉ có sự thấu hiểu đối với mối quan hệ đó mà thôi. Mối tương quan đúng đắn, cũng như ý nghĩ đúng đắn, chỉ là sự tiếp nhận một công thức hành động nào đó. Ý nghĩ đúng đắn và tư duy đúng đắn là hai chuyện hoàn toàn khác nhau. Ý nghĩ đúng đắn là tuân thủ những điều được cho là đúng, những điều được xã hội coi trọng; trong khi tư duy đúng đắn lại là một sự dịch chuyển, một hành động, là sản phẩm của sự thấu hiểu qua quá trình chuyển hóa, thay đổi không ngừng. Tương tự, có một sự khác biệt giữa mối tương quan đúng đắn và việc thấu hiểu mối liên hệ giữa chúng ta với thiên nhiên.
Thiên nhiên của chúng ta là sông hồ, cây cối, chim chóc, cá lội dưới nước, khoáng sản dưới lòng đất, thác và ghềnh, v.v… Mối liên hệ giữa chúng ta và những thứ ấy là gì? Hầu hết chúng ta đều không nhận biết về chuyện đó. Chúng ta chưa bao giờ thực sự nhìn vào một cái cây, và nếu có thì trong lúc nhìn chúng ta cũng chỉ nghĩ cách sử dụng cái cây ấy. Nói cách khác, chúng ta nhìn vào cái cây với mục đích tận dụng nó, chúng ta chưa từng nhìn vào cái cây mà không phóng chiếu mình vào nó hay xác định mục đích sử dụng của nó trong đời sống tiện nghi của chúng ta.
- 2 -
Chúng ta yêu thương Trái đất hay chỉ tận dụng nó thôi vậy?
Chúng ta đối xử với Trái đất và những sản vật của nó theo cùng một cách: Không có tình yêu thương, chỉ có sự tận dụng đến cùng mà thôi. Nếu người ta thực sự yêu thương Trái đất này, thì người ta đã khôn ngoan, khéo léo hơn trong việc sử dụng sản vật của Trái đất. Điều đó có nghĩa là chúng ta chẳng hiểu gì về mối tương quan giữa mình và Trái đất, việc thấu hiểu mối liên hệ giữa chúng ta và Trái đất cũng khó khăn như việc thấu hiểu mối liên hệ giữa chúng ta với hàng xóm, với vợ chồng con cái của mình. Chúng ta không dành thì giờ suy nghĩ về nó, chúng ta chẳng bao giờ ngồi yên lặng ngắm những vì sao, ánh trăng và cây cối. Chúng ta quá bận rộn với những hoạt động chính trị và xã hội. Hiển nhiên là vì những hoạt động đó giúp chúng ta trốn chạy khỏi chính mình, nên giả dụ chúng ta có tôn sùng thiên nhiên đi chăng nữa thì đó cũng là một hình thức trốn chạy thôi. Chúng ta luôn tận dụng thiên nhiên, hoặc như một cách trốn chạy hoặc tận dụng theo đúng nghĩa đen. Chúng ta chưa bao giờ thực sự tận hưởng vẻ đẹp của những cánh đồng trù phú, mặc dù chúng ta tận dụng nó liên miên để có cơm ăn áo mặc mỗi ngày. Chúng ta chưa bao giờ thích thú với việc tự tay cày cấy trên mảnh đất ấy, thậm chí là trong hầu hết các trường hợp chúng ta cảm thấy xấu hổ khi phải làm việc bằng đôi tay của mình.
- 3 -
Bản đồ chỉ mang tính tham khảo chính trị, Trái đất không là của riêng ai
Vậy, quả là chúng ta đã đánh mất mối tương quan giữa mình và thiên nhiên. Nhưng một khi hiểu được mối quan hệ này cùng với tầm quan trọng thực sự của nó, chúng ta sẽ không buồn phân chia sản vật của Trái đất thành phần của bạn và phần của tôi nữa; mặc dù người ta vẫn có thể sở hữu một mảnh đất và xây một căn nhà trên mảnh đất ấy. Sự thấu hiểu này cũng là hồi kết cho ý niệm về cái của tôi và cái của bạn.
Trái đất lớn lao hơn là một môi trường ta sống, một nơi ta trú thân. Vì chúng ta không yêu quý Trái đất và những sản vật của nó nên chúng ta chỉ đơn thuần tận dụng chúng, chúng ta vô cảm trước vẻ đẹp của một thác nước, chúng ta đánh mất mối giao cảm với cuộc sống, chúng ta chẳng bao giờ ngồi tựa vào một thân cây. Nếu không biết cách yêu quý thiên nhiên, chẳng lẽ chúng ta lại biết cách yêu quý con người và loài vật hay sao.
- 4 -
Chúng ta đều là những người coi sóc của Trái đất
Nói vậy không có nghĩa là bạn không được sử dụng những sản vật của Trái đất, nhưng bạn phải dùng nó một cách hợp lý và khôn ngoan. Trái đất là để chúng ta yêu thương và săn sóc, chứ không phải là để chúng ta phân định ra cái của tôi và cái của bạn. Thật ngớ ngẩn khi ta trồng một cái cây trong một khuôn viên nào đó và bảo rằng cái cây đó là “của tôi”.