— 1 —
Hôn nhân phải chăng là sự lợi dụng lẫn nhau?
Bây giờ, tình yêu ở đâu trong mối quan hệ giữa bạn với bạn đời của mình, nếu như trong đó đã đầy ắp sự chiếm hữu, ghen tỵ, sợ hãi, mè nheo, thao túng và hám lợi? Đó mà là tình yêu sao? Khi bạn chiếm hữu một con người và từ đó tạo ra một xã hội ủng hộ việc chiếm hữu con người, thì đó đâu phải là tình yêu. Khi bạn lợi dụng người khác để thỏa mãn tình dục hoặc bất kỳ một nhu cầu nào khác, đó đâu phải là tình yêu, đúng không? Nơi nào đã chất chứa sự ghen tỵ, nỗi sợ hãi, thói chiếm hữu thì nơi đó không có tình yêu. Chắc chắn là tình yêu không thể dung nạp được sự bất hòa, tranh chấp, ghen tỵ. Khi bạn chiếm hữu thì bạn cũng sợ hãi, dù bạn gọi đó là tình yêu, nhưng thực chất nó cách xa tình yêu lắm. Hãy trải nghiệm nó mà xem, bạn kết hôn và sinh con đẻ cái, bạn dựng vợ gả chồng để sở hữu họ, tận dụng họ, thế nên bạn mãi luôn sợ hãi hoặc ghen tuông. Vậy nó có phải là tình yêu không?
- 2 -
Không thể suy nghĩ về tình yêu
Bạn có thể nghĩ về người mà bạn yêu thương, nhưng bạn không thể nghĩ về tình yêu. Bạn có thể gắn liền mình vào một người, một đất nước, một nhà thờ, một đền chùa, song ngay khoảnh khắc mà bạn nghĩ về tình yêu, thì chẳng có tình yêu nào cả, nó chỉ đơn thuần là một trạng thái tâm lý. Tâm trí bạn khi ấy đang hoạt động nên nó lấp đầy tâm hồn với những thứ thuộc về tâm trí, rồi chúng ta đùa cợt với mấy thứ ấy và gây ra nhiều vấn đề. Vấn đề là sản phẩm của tâm trí, và để giải quyết được vấn đề thì tâm trí phải ngừng hoạt động; chỉ khi đó thì tình yêu mới xuất hiện.
- 3 -
Khi biết cách yêu một người, bạn biết cách yêu mọi người và cả thế giới
Chúng ta không thể nghĩ về hoặc vun trồng cho tình yêu, cũng không thể luyện tập để yêu thương. Mọi quá trình luyện tập đối với tình yêu hay tình thân đều nằm trong khuôn khổ của tâm trí; do đó nó không phải là tình yêu. Chỉ khi nào tất cả những điều này chấm dứt thì tình yêu mới đến với chúng ta, một tình yêu không thể được đong đếm. Dù bạn không nói: “Tôi yêu cả thế giới” nhưng khi biết cách yêu một người, bạn cũng biết cách yêu mọi người và yêu thương thế giới. Nếu chưa từng yêu thương một ai thì tình yêu của chúng ta dành cho nhân loại cũng không có thật. Tấm lòng yêu thương chân thành sẽ khiến mọi vấn đề của chúng ta tan biến, và rồi chúng ta có thể nếm trải được niềm hạnh phúc tuyệt vời nhất.
- 4 -
Tình yêu trong mối tương quan
Tình yêu trong mối tương quan là một quá trình chọn lọc tất cả những phương cách của cái tôi.
Tình yêu của chúng ta sao mà dễ dàng bị hủy diệt! Chỉ cần một chướng ngại vật xuất hiện trong thoáng chốc, chẳng hạn như một lời nói, một cử chỉ, một nụ cười, những thay đổi về sức khỏe, tâm trạng hoặc ham muốn; chỉ cần vậy thôi, những điều từng rất tươi sáng bỗng trở nên mờ mịt tăm tối và đầy phiền toái. Chúng ta tận dụng đến mức bản thân ta tàn tạ còn những gì từng rất sắc bén, rõ ràng trở nên tẻ nhạt và rối rắm. Chúng ta liên tục va chạm, hy vọng rồi lại thất vọng khiến cho mọi điều đẹp đẽ và giản dị trong quá khứ bỗng chốc trở nên đáng sợ dai dẳng.
Bước ra từ một mối quan hệ phức tạp và khó khăn, rất ít người có thể giữ mình lành lặn. Mặc dù chúng ta đều muốn có một mối quan hệ tĩnh lặng và bền vững, mối quan hệ lại là một sự dịch chuyển, nó là một quá trình đòi hỏi sự thấu hiểu sâu sắc và đầy đủ, nó từ chối tuân theo mọi khuôn mẫu bên trong cũng như bên ngoài. Sự tuân phục, vốn dĩ là cấu trúc xã hội, sẽ đánh mất uy lực và quyền năng của nó khi đối diện với tình yêu. Tình yêu là một quá trình thanh lọc vì nó biểu hiện ra đủ mọi phương cách của bản ngã. Nhờ có sự hiển lộ này mà mối quan hệ trở nên giàu ý nghĩa.
- 5 -
Chúng ta không yêu thương, chúng ta khao khát được yêu thương
Thế nhưng, cứ hễ đối diện với sự hiển lộ này thì chúng ta liền kháng cự dưới nhiều hình thức: Ta thống trị hoặc ta quỵ lụy, ta sợ hãi hoặc ta thất vọng, ta ghen ghét hoặc ta chấp nhận, và những hành vi tương tự như thế. Sở dĩ điều ấy khó khăn là vì chúng ta không yêu thương; và nếu có yêu thương thì chúng ta cũng muốn tình yêu thương ấy diễn ra theo một cách đặc biệt nào đó, chứ chúng ta không cho nó được tự do. Chúng ta yêu bằng lý trí chứ không yêu bằng trái tim mình. Tâm trí có thể tự điều chỉnh, nhưng tình yêu thì không. Tâm trí có thể tự bảo vệ nó khỏi sự tổn thương, nhưng tình yêu thì không. Tâm trí luôn có thể lẩn trốn, có thể mang tính cá nhân hoặc khách quan; tình yêu thì không thể đem ra so sánh hay bị kìm kẹp bởi các quy tắc.
Cái mà chúng ta gọi là tình yêu, hóa ra lại là tâm trí. Chúng ta lấp đầy con tim mình bằng những thứ thuộc về tâm trí và do đó trái tim ta thật ra trống rỗng và khô cằn, bởi tâm trí thì không khi nào thôi bám víu, đố kỵ, kìm giữ và hủy hoại. Cuộc sống của chúng ta bị cơ thể và tâm trí thống trị. Chúng ta không yêu thương, mà chúng ta thèm khát được yêu thương; chúng ta cho đi để được nhận lại, tức là tâm trí ta đang cho đi còn con tim ta thì không. Tâm trí không ngừng tìm kiếm sự an toàn và chắc chắn; thế thì nó có thể tạo ra một tình yêu vững bền không? Liệu tâm trí, thứ hoàn toàn thuộc về thời gian, có thể song hành cùng tình yêu, thứ vốn là sự vĩnh hằng không?
Hơn thế nữa, đến cả tình yêu của con tim cũng có những mưu mẹo riêng của nó; đó là vì chúng ta đã khiến cho trái tim mình rạn nứt, khiến nó trở nên ngần ngại và bối rối. Bảo sao cuộc sống chúng ta không đau đớn và mệt nhọc quá chừng. Trong khoảnh khắc này chúng ta được bao bọc bởi tình yêu, thì khoảnh khắc tiếp đó chúng ta lại đánh mất nó. Sự mâu thuẫn tồn tại trong mỗi chúng ta không thể được hóa giải bởi cả tâm trí tréo ngoe lẫn con tim do dự. Không một phương tiện hay cách thức nào có thể đưa cuộc xung đột này đến điểm kết thúc. Nếu chúng ta cố gắng tìm cho ra một phương tiện thì đó cũng chỉ là một kiểu thúc đẩy để tâm trí vươn lên vị trí cao nhất, để nó có thể dập tắt mọi mâu thuẫn hòng đạt được trạng thái an bình, chiếm lấy tình yêu, hay gặt hái một thành quả nào đó mà thôi.
- 6 -
Tình yêu không là của riêng bạn hoặc tôi
Khó khăn lớn nhất của chúng ta là nhận biết một cách sâu sắc và toàn diện rằng không có cách nào khác để yêu thương ngoài việc chấm dứt những thèm muốn của tâm trí. Khi chúng ta thực sự thấu hiểu điều này, chúng ta có khả năng nhận được một thứ vốn không thuộc về thế giới này mà nếu thiếu đi tác động của nó, sẽ không thể có hạnh phúc lâu dài trong mối quan hệ. Nếu bạn đã nhận được ơn phúc đó và tôi thì chưa, hiển nhiên giữa chúng ta nảy sinh mâu thuẫn; có thể bạn sẽ không thấy xung đột, nhưng tôi thì có và trong nỗi đau đớn, phiền muộn tôi sẽ tự chia cắt bản thân mình. Nếu tồn tại ơn phúc đó của tình yêu, bạn không định hình tình yêu dựa theo hành vi của tôi và sẽ yêu thương tôi bất chấp con người tôi ra sao.
- 7 -
Sự nhàm chán trong mối quan hệ
Nếu quan sát kỹ càng, bạn sẽ biết được rằng chúng ta nhàm chán trong mối quan hệ chính là vì những suy nghĩ tính toán, cân đo đong đếm, vì sự điều chỉnh bản thân. Tình yêu, không xuất phát từ tâm trí, là nhân tố duy nhất giúp chúng ta được tự do khỏi tình trạng đó.
- 8 -
Khi không có tình yêu, chúng ta có hôn nhân
Khi không có tình yêu thì khuôn vàng thước ngọc của hôn nhân trở nên cần thiết. Khi tồn tại tình yêu thì tình dục không phải là một vấn đề, sự thiếu thốn tình yêu mới khiến nó trở thành một vấn đề. Khi bạn yêu ai đó thực sự sâu sắc, không xuất phát từ tâm trí mà từ con tim, bạn sẽ chia sẻ với người ấy về mọi điều. Mỗi lúc gặp rắc rối thì bạn và người đó sẽ giúp đỡ lẫn nhau và hỗ trợ cho nhau. Không có bất kỳ sự phân chia nào giữa đàn ông và đàn bà trong tình yêu, còn tình dục chắc chắn sẽ trở thành vấn đề nếu chúng ta không biết đến hương vị của tình yêu.
- 9 -
Sự hài lòng không đồng nghĩa với tình yêu
“Ông đã nói về mối quan hệ dựa trên nền tảng lợi dụng nhau để được thỏa mãn riêng mình, và ông cũng thường lưu ý đến trạng thái được gọi là tình yêu. Vậy tình yêu có nghĩa là gì?”
Chúng ta biết mối quan hệ của chúng ta thật sự là gì: một quá trình tận dụng nhau và làm hài lòng nhau được khoác lên lớp áo gọi là tình yêu; trong đó có sự chăm sóc và che chở cho người được tận dụng. Chúng ta bảo vệ biên giới quốc gia của mình, những quyển sách của mình, tài sản của mình; tương tự như thế, chúng ta cũng cẩn thận giữ gìn vợ hoặc chồng của mình, gia đình của mình, xã hội của mình, bởi nếu không có những điều đó chúng ta sẽ trở nên cô đơn, lạc lõng. Không có con cái, cha mẹ cảm thấy cô đơn; điều chúng ta không có, con cái sẽ thay ta đạt được, vì thế con cái trở thành phương tiện cho tính tự phụ hão huyền của chúng ta. Chúng ta nhận thức được về mối quan hệ của nhu cầu và sự tận dụng. Chúng ta cần người đưa thư và anh ta cũng cần chúng ta, thế nhưng chúng ta đâu có bảo rằng ta yêu người đưa thư. Mặt khác, chúng ta nói ta yêu người bạn đời và con cái mình, mặc dù chúng ta tận dụng họ để đáp ứng cho thỏa mãn cá nhân và cũng sẵn sàng hy sinh họ cho niềm tự hào phù phiếm của mình. Chúng ta biết rất rõ tiến trình này, và hiển nhiên nó không thể là tình yêu. Tình yêu mà để ta tận dụng, khai thác, rồi sau đó hối lỗi thì không thể là tình yêu, tình yêu không bao giờ xuất phát từ tâm trí.
Bây giờ, hãy thử khám phá xem tình yêu là gì và thật sự trải nghiệm trạng thái ấy. Khi bạn tận dụng tôi như một bậc thầy tâm linh và tôi tận dụng bạn như một môn đệ, đây chính là sự khai thác lẫn nhau. Tương tự, việc bạn tận dụng vợ con bạn để trục lợi cho bản thân cũng là một sự khai thác, khi đó chắc chắn không tồn tại tình yêu. Sự tận dụng song hành cùng sự chiếm hữu, nuôi dưỡng nỗi sợ hãi và đưa đường dẫn lối cho sự đố kỵ, ghen tuông, hoài nghi. Khi tận dụng thì bạn không yêu thương, tình yêu không thuộc về tâm trí nên nghĩ hoài về một người không có nghĩa là ta yêu người đó. Bạn có lẽ chỉ nghĩ về một người khi họ đã khuất dạng, đã qua đời, đã rời bỏ bạn hoặc không chịu trao cho bạn thứ bạn muốn. Sự thiếu thốn bên trong bạn đã tạo nên quá trình này của tâm trí. Khi ai đó kề bên, bạn không nghĩ gì về anh ta vì việc đó thật là phiền nhiễu, thế nên bạn mặc định là anh ta luôn ở đó. Thói quen là một cách thức để quên lãng và để được yên ổn ở một nơi mà bạn không thể bị làm phiền. Sự tận dụng dẫn bạn đến một trạng thái miễn nhiễm với mọi thương tổn, và đó chắc chắn không phải tình yêu.
Hành vi tận dụng cũng là một tiến trình suy nghĩ giúp lấp đầy sự thiếu thốn bên trong, dù theo hướng tích cực hay tiêu cực. Nếu không được thỏa mãn thì chúng ta sẽ ra sao? Bản năng của tâm trí là tìm kiếm sự thỏa mãn. Tình dục là một cảm giác được tạo ra và mường tượng bởi tâm trí, sau đó tâm trí quyết định hành động hoặc không hành động. Cảm giác cũng là một quá trình suy nghĩ và không đồng nghĩa với tình yêu. Khi tâm trí chi phối ta thì quá trình suy nghĩ trở nên hệ trọng, khi đó ta không yêu thương. Chỉ khi nào làn khói của sự tận dụng, suy nghĩ, tưởng tượng, nắm giữ, bao bọc, từ chối tan đi thì ngọn lửa của tình yêu đích thực mới bùng lên trong ta. Đôi lúc chúng ta sẽ được ngọn lửa ấy sưởi ấm, một cách mãnh liệt và trọn vẹn, nhưng thường thì làn khói sẽ sớm trở lại thôi.
- 10 -
Đừng cố sống độc thân
Những người cố gắng ép mình vào đời sống độc thân để được chạm đến Thượng đế cũng là những người không trinh bạch. Họ đang tìm kiếm một kết quả và đang muốn giành được một điều gì đó, thế nên họ đánh đổi tình dục vì một lợi ích, kết cuộc là trong lòng họ cũng đầy sợ hãi. Trái tim họ không chứa đựng tình yêu; nếu tâm trí và trái tim bị đè nặng bởi nỗi sợ và bị cuốn theo những lối mòn thói quen, cảm xúc thì tấm lòng ta không rộng lượng và đầy trắc ẩn, thế nên ta không sao có được một tình yêu trong trắng, minh bạch.
- 11 -
Tại sao tình dục và hôn nhân lại trở thành vấn đề?
Làm thế nào để khéo léo đáp ứng nhu cầu tình dục mà không biến nó thành vấn đề?
Chúng ta ngụ ý gì khi nói đến tình dục? Đó là một hành động thể xác thuần túy hay là những ý nghĩ kích thích, lôi cuốn chúng ta hành động? Tình dục thuộc về tâm trí và theo lẽ đương nhiên nó phải tìm kiếm sự đáp ứng để không bị thất vọng.
Tại sao tình dục lại trở thành một vấn đề trong cuộc sống của hầu hết chúng ta? Có lẽ bạn chưa từng tự hỏi như vậy; hãy cùng nhau tìm hiểu về nó mà không áp đặt, lo lắng, sợ hãi hay phán xét.
Tình dục là một vấn đề vì trong hành động đó vắng bóng cái tôi; trong khoảnh khắc sự ý thức về bản thân tạm thời biến mất, chúng ta hạnh phúc hoàn toàn với sự hợp nhất, giao hòa trọn vẹn, không mảy may bận tâm về quá khứ hay tương lai. Theo một cách tự nhiên, chúng ta mong muốn cảm giác hạnh phúc ấy được tái hiện, rồi dần dần việc đó trở nên hoàn toàn quan trọng đối với chúng ta; vì đó là thứ trao cho ta niềm vui thuần khiết và khoảnh khắc quên mình hoàn toàn. Ở bất cứ nơi nào khác, chúng ta đều mắc kẹt trong trạng thái xung đột là vì ở tất cả các cấp độ hiện sinh khác nhau, cái tôi cũng như ý thức về bản thân đều phát triển mạnh mẽ dù là trên phương diện kinh tế, xã hội hay tôn giáo; đó chính là sự xung đột. Vì ý thức về bản thân đến từ sự xung đột nên trong mọi mối tương quan giữa chúng ta với tài sản, con người và các ý tưởng đều ẩn chứa sự xung đột, tranh đấu, nỗi đau đớn, khốn khổ. Chỉ riêng trong tình dục ta mới chứng kiến tất cả những điều đó tan biến. Chỉ riêng trong tình dục ta cảm thấy hạnh phúc trong khi mọi điều khác dẫn ta đến nỗi khổ, sự rối loạn, xung khắc, hỗn độn, đối kháng, chiến tranh, hủy hoại. Thế thì tình dục nghiễm nhiên trở nên giàu ý nghĩa và hoàn toàn thiết yếu trong cuộc sống của chúng ta.
Vậy vấn đề không nằm ở tình dục mà là ở cái tôi...
Thưa các bạn, cái tôi vốn không phải là một thực thể khách quan, nó không thể được nghiên cứu dưới kính hiển vi, cũng không thể được truyền đạt qua sách vở hoặc tài liệu dù cho nguồn thông tin đó có sức ảnh hưởng đến đâu. Chúng ta chỉ có thể hiểu được nó trong mối tương quan giữa ta với tài sản, ý tưởng, với vợ con hay người hàng xóm; nếu không giải quyết xung đột cơ bản đó mà chỉ đơn thuần duy trì sự giải thoát thông qua tình dục, rõ ràng ta đã đặt mình vào thế mất quân bình. Chúng ta hiện đang cư xử y như vậy, đời sống ta thiếu cân bằng vì chúng ta đã biến tình dục thành một con đường thoát thân; và cái xã hội văn minh hiện đại này cũng hết mực ủng hộ điều đó, cứ thử nhìn vào các mẩu quảng cáo và ngành phim ảnh với những gợi ý về cử chỉ, tư thế và dáng vẻ bề ngoài mà xem.
Hầu hết các bạn kết hôn lúc trẻ, khi sự thúc đẩy sinh lý là rất mạnh mẽ. Bạn lấy vợ, lấy chồng và chung sống đến hết phần còn lại của cuộc đời. Mối quan hệ của bạn chỉ tập trung vào nhu cầu thể xác, và mọi thứ khác phải được điều chỉnh theo đó. Có lẽ bạn rất lý trí còn cô ấy thì đa sầu đa cảm, vậy sự hòa hợp nằm ở đâu? Hoặc có lẽ cô ấy rất thiết thực còn bạn cứ như đang sống trên mây, vậy sự hòa hợp nằm ở đâu? Cuộc hôn nhân của chúng ta được tạo nên dựa trên sự thôi thúc thời trẻ, nhưng theo thời gian những mâu thuẫn từ vụn vặt đến lớn lao xảy đến, và chúng ta ly dị.
Vì vậy, chúng ta cần tiếp cận vấn đề này một cách khéo léo và sáng suốt, có nghĩa là chúng ta phải thay đổi toàn bộ nền tảng giáo dục để giúp ta hiểu được không chỉ về các sự kiện của cuộc sống mà còn cả về đời sống thường ngày; ta không những phải hiểu biết về toàn bộ quá trình thôi thúc tình dục mà còn phải thấy được hướng giải quyết hợp tình, hợp lý.
- 12 -
Cái nhìn thấu thị về giới hạn của suy nghĩ
Lòng nhân từ, thương xót, sự tha thứ, tôn trọng đều không phải là cảm xúc. Quanh ta tồn tại tình yêu khi mọi sự ủy mị, đa cảm và sùng bái chấm dứt. Sự sùng bái, hiến dâng không phải là tình yêu mà là một hình thức mở rộng cho cái tôi. Lòng tôn trọng không chỉ dành cho một số đối tượng nào đó, mà là cho toàn nhân loại, chúng ta tôn trọng mọi người từ thấp hèn đến cao quý. Sự rộng lượng và lòng khoan dung chỉ để trao đi mà không đòi hỏi được đáp ứng điều kiện gì, không đòi hỏi được nhận lại phần thưởng gì.
Tình yêu tự nó có thể chuyển hóa sự điên rồ, bối rối và bất hòa. Không một hệ thống và không một khuynh hướng nào dù thuộc cánh tả hay cánh hữu có thể đem lại hòa bình và hạnh phúc cho con người. Thế nhưng nơi nào có tình yêu, nơi đó không có sự chiếm hữu, không có thói ghen tỵ; sự khoan dung và lòng từ bi sẽ hiện hữu, không chỉ trên lý thuyết mà rất chân thành và thực tế, với vợ con, với hàng xóm của bạn.
Tình yêu sẽ đến cùng niềm hạnh phúc ngây ngất khi cái tôi trong bạn ngừng hiện diện.
- 13 -
Liệu tình yêu có thể tĩnh tại, bất động hay không?
Một trải nghiệm hài lòng làm chúng ta đòi hỏi nó nhiều hơn, và sự “nhiều hơn” này là ham muốn được an toàn trong cơn hài lòng của chúng ta. Nếu chúng ta yêu ai đó, chúng ta muốn chắc rằng tình yêu đó được đáp trả, và rồi chúng ta cố gắng thiết lập một mối quan hệ mà ta hy vọng nó sẽ tồn tại lâu dài, thậm chí vĩnh viễn. Cả thế giới của chúng ta đều sẽ xoay quanh mối quan hệ đó. Nhưng có điều gì là vĩnh viễn không? Tình yêu có là vĩnh viễn không? Mong muốn của chúng ta là có được cảm giác vĩnh viễn, còn điều không thể được biến đổi thành vĩnh viễn là tình yêu, sẽ lướt đi ngang qua chúng ta.
- 14 -
Nơi nào bạn xem mình là quan trọng, nơi đó không có tình yêu
Chúng ta đang cố gắng hiểu về hôn nhân, trong đó bao hàm mối tương quan về tình dục, tình yêu, tình bạn, tình đồng đội. Hôn nhân mà không có tình yêu, chỉ vì sự thỏa mãn đơn thuần, thì thật đáng hổ thẹn. Tình yêu chỉ xuất hiện và tồn tại khi cái tôi vắng mặt. Không có tình yêu, sự hài lòng trong mối quan hệ nhanh chóng dẫn đến sự chán nản và lối mòn của thói quen với tất cả những hệ quả của nó. Nếu không muốn bị nhấn chìm bởi các vấn đề tình dục, chúng ta cần phải xem xét hôn nhân để thấu hiểu tình yêu. Chắc chắn tình yêu là thuần khiết, thiếu tình yêu thì bạn không thể trở nên thuần khiết. Không phải cứ sống một đời độc thân, dù là đàn ông hay phụ nữ, thì bạn sẽ có được sự thuần khiết. Nếu bạn có một lý tưởng về sự thuần khiết, đó là khi bạn muốn trở nên trinh bạch, thì không có tình yêu trong đó bởi nó chỉ đơn thuần là ước muốn trở thành cái gì đó mà bạn nghĩ là cao thượng, mà bạn nghĩ là sẽ giúp bạn tìm ra chân lý; không có tình yêu nào ở đó cả. Sự phóng túng không phải là sự thuần khiết, nó chỉ dẫn bạn đến bến bờ suy đồi đầy đau khổ, sự theo đuổi một lý tưởng cũng vậy. Cả hai đều loại trừ tình yêu, cả hai đều ẩn chứa mong ước trở thành cái gì đó, đam mê thưởng thức một thứ gì đó; và do đó bạn tự khiến mình trở nên quan trọng, vì thế không thể tồn tại tình yêu.
- 15 -
Trong thói quen không có tình yêu
Hôn nhân giống như một thói quen, nó dung dưỡng sự thỏa mãn, rồi nó cũng sớm trở nên suy thoái bởi trong đó không có tình yêu. Chỉ rất ít người yêu thương nhau trong một cuộc hôn nhân có ý nghĩa, và dần dà mối quan hệ ấy trở nên vững bền. Trong những mối quan hệ đó không chỉ có thói quen hay sự thuận tiện, nó cũng không được xây dựng dựa trên nhu cầu sinh học, tình dục. Trong tình yêu đó có sự thống nhất của các đặc tính đã được vô điều kiện hóa, mối quan hệ như vậy có thể được xem như là một liệu pháp, trong đó có niềm hy vọng.
Nhưng đối với hầu hết các bạn, quan hệ hôn nhân không được hợp nhất. Để kết hợp các đặc tính riêng biệt ấy, bạn phải hiểu biết chính mình, và người bạn đời phải hiểu biết chính họ. Đó mới là yêu thương, nhưng thường thì nó không xảy ra trong thực tế. Tình yêu vốn rất tươi tắn, mới mẻ, nó không gói gọn trong sự hài lòng thỏa mãn hoặc thói quen. Nó mang tính vô điều kiện nhưng chúng ta không cư xử với nhau một cách vô điều kiện, bạn sống trong sự cô lập của mình và người ấy sống trong sự cô lập của họ, các bạn thiết lập thói quen thỏa mãn dục tình, đảm bảo cho nhau được thỏa mãn dục tình. Điều gì sẽ xảy ra với người có nguồn thu đảm bảo? Chắc chắn họ sẽ hư hỏng dần đi, tâm trí họ đang trôi đi vội vã. Họ có thể đứng ở địa vị cao, nổi tiếng về tài năng của mình, nhưng niềm vui trọn vẹn của cuộc sống đã mãi biến mất khỏi cuộc đời họ.
Tương tự, trong một cuộc hôn nhân mang đến cho bạn nguồn vui vĩnh viễn, một thói quen không được đi kèm bởi sự hiểu biết và tình yêu, thì bạn bị buộc phải sống ở nơi không mong muốn. Giờ đây, bạn không cần phải bỏ vợ và theo đuổi người khác, nhưng hãy xem xét về ý nghĩa của mối quan hệ này. Chắc chắn rằng yêu thương là hòa hợp nhưng bạn có thật sự cảm thấy như vậy với người yêu hay người bạn đời của mình không, ngoại trừ hòa hợp về thể xác? Bạn biết gì về người kia, ngoại trừ thể xác? Người ấy có hiểu gì về bạn không? Chẳng lẽ không phải là cả hai đều bị cô lập, mỗi người theo đuổi lợi ích, tham vọng và nhu cầu riêng mình, mỗi người tìm cho mình sự hài lòng, an toàn khác về kinh tế hay tâm lý đó sao? Mối quan hệ như vậy chỉ là một quá trình ràng buộc khép kín lẫn nhau về nhu cầu tâm lý, sinh học và kinh tế; kết quả là ta bị nhấn chìm trong những mâu thuẫn, nỗi khổ, sự dè dặt, sự chiếm hữu, nỗi sợ, cơn ghen tuông, v.v…
Vì vậy, hôn nhân với vai trò là một quá trình rèn luyện của niềm vui như một thói quen, sẽ là yếu tố hủy hoại đi mối quan hệ. Vì trong thói quen không hề tồn tại tình yêu, thứ vốn luôn hàm chứa sự vui tươi, tính sáng tạo, những điều mới mẻ.