— 1 —
Hiểu về tâm trí
Dường như khi chưa tỏ tường về cách tâm trí hoạt động, ta không sao giải quyết được những vấn đề phức tạp của đời sống. Tâm trí tự nó đã là một điều khó nắm bắt, mà để hiểu được không thể chỉ thông qua kiến thức sách vở. Từ chính tiến trình tìm hiểu về tâm trí mình, chúng ta có thể thoát khỏi những cuộc khủng hoảng xảy đến trong đời.
— 2 —
Theo tôi, tìm hiểu về tiến trình vận hành của tâm trí là một việc tối quan trọng.
— 3 —
Tâm trí là gì?
Chúng ta không biết rõ cách tâm trí mình hoạt động – tâm trí như nó là, không phải như cái nó nên là, hay cái ta muốn nó là. Tâm trí là phương tiện duy nhất ta có để suy nghĩ, hành xử, và thông qua đó ta hiện hữu. Nếu ta còn mù mờ về cách thức tâm trí vận hành thì bất cứ vấn đề nào cũng dễ trở nên phức tạp và trầm trọng hơn. Vậy nên với tôi, thấu hiểu tâm trí của mình là điều thiết yếu và tiên quyết trong mọi quá trình rèn luyện.
Vậy tâm trí của chúng ta, của bạn và của tôi, là gì?
Nếu không dựa theo mô tả của tôi về tâm trí mà trong lúc lắng nghe tôi, bạn tự theo dõi cách tâm trí mình vận hành thì có lẽ sẽ hữu ích hơn khi ta đi vào câu hỏi lớn về ý nghĩ của chính bạn. Phải chăng tâm trí của chúng ta là kết quả của hoàn cảnh sống và truyền thống qua hàng thế kỷ, của cái gọi là nền văn hóa, của ảnh hưởng từ nền kinh tế và môi trường, của những ý tưởng hay giáo điều hằn sâu trong xã hội, của những tri thức và thông tin hời hợt? Mong bạn hãy quan sát tâm trí của riêng mình chứ đừng chỉ nghe theo những mô tả kém phần quan trọng của tôi. Nếu quan sát được những hoạt động của tâm trí mình, có lẽ bạn sẽ có thể ứng phó với hầu hết mọi vấn đề phiền não trong cuộc sống.
Tâm trí bao gồm phần ý thức và phần vô thức, hoặc chúng ta có thể gọi là phần nổi và phần chìm – một phần thuộc bề nổi mà ta nhận thức được, còn phần lớn là những lớp ẩn sâu của tâm trí mà ta không nhận thức được. Toàn bộ phần ý thức và phần vô thức, phần nổi và phần chìm đó là tổng thể tiến trình tư duy mà chúng ta gọi là tâm thức. Tâm thức ở đây chính là thời gian, nó là kết quả từ nỗ lực không ngừng nghỉ của loài người suốt bao năm qua.
Chúng ta đã được thuyết phục để tin vào những quan điểm sẵn có từ thời ấu thơ, chúng ta cũng bị ràng buộc vào các giáo điều, các tín ngưỡng cũng như các giả định. Mỗi người trong chúng ta đều chịu ảnh hưởng và bị giới hạn trong vô thức theo nhiều cách, từ đó tư tưởng ta phát triển theo nhiều lối khác nhau. Có một điều hiển nhiên là tư tưởng đó khởi nguồn từ ký ức, truyền thống, và cũng dựa trên nền tảng ý thức lẫn vô thức, phần nổi cũng như phần chìm trong tâm trí, mà chúng ta tiếp xúc với đời sống. Cuộc sống luôn chuyển dịch và không bao giờ tĩnh. Nhưng tâm trí của chúng ta, vốn bị kiềm tỏa bởi giáo điều, tín ngưỡng, kinh nghiệm và kiến thức thì trở nên tĩnh tại. Với tâm trí bị ràng buộc nặng nề đó, chúng ta giáp mặt đời sống cùng vô vàn biến đổi phức tạp, đời sống luôn đòi hỏi ở ta một cách tiếp cận mới mẻ từng ngày, từng phút; nên hẳn nhiên trong khoảnh khắc tiếp xúc đó, tâm trí bất động cứ mãi xung đột với đời sống biến chuyển không ngừng. Đó là điều đang xảy ra đúng không nào?
Chúng ta ngày ngày góp nhặt cho mình những tri thức bề mặt bên cạnh những khám phá, nghiên cứu mới để chinh phục thiên nhiên, khoa học. Nhưng tâm trí dù được vun bồi bao nhiêu tri thức đi chăng nữa thì vẫn cứ mắc kẹt lại với trạng thái bị giới hạn bởi một dạng niềm tin nào đó. Thế nên, vấn đề của chúng ta là làm sao để tâm trí, với tất cả những giáo điều, tín ngưỡng đó, có thể tự cởi trói cho chính nó thoát khỏi ràng buộc với bất kỳ hệ thống, niềm tin, hay tri thức đặc thù nào. Sau tất cả, việc hiểu rõ những hoạt động trong tâm trí ta lại không quan trọng sao – khi nhờ nó mà chúng ta ngưng tạo ra thêm nhiều vấn đề, nhờ nó mà chúng ta chấm dứt mọi nỗi khốn khổ, muộn phiền?
— 4 —
Bản ngã là gì?
Chúng ta có hàm ý gì khi nhắc đến bản ngã? Bàn về bản ngã cũng chính là đề cập đến mọi phạm trù của ý tưởng, kinh nghiệm; mọi dạng thức khác nhau của những khái niệm cụ thể và trừu tượng; mọi ý thức về việc tồn tại hay không tồn tại; mọi ký ức được tích lũy trong vô thức về chủng tộc, hội nhóm, cá nhân, bè phái, và toàn bộ chúng. Bản ngã chính là sự chiếm lĩnh toàn bộ những điều kể trên, dù được phát sinh ra thành hành động hay là giữ kín trong tâm niệm. Bản ngã bao hàm tính cạnh tranh và khát khao hiện diện, một khi đối diện với nó, chúng ta nhận ra ngay rằng đó là một thứ độc địa. Tôi chủ ý sử dụng từ “độc địa” vì bản ngã, hay cái tôi, vốn dĩ tách biệt và khép kín cho nên các hoạt động của nó đều mang tính phân cách và cô lập. Chúng ta nên hiểu điều này, và cũng cần trải nghiệm những khoảnh khắc phi thường khi vắng bóng cái tôi, khi đó ta không còn phải gắng gượng, khi đó ta được vỗ về bởi tình yêu thương.
— 5 —
Hiểu biết chính mình là một tiến trình
Để khắc phục vô số vấn đề mà chúng ta gặp phải, lẽ nào việc hiểu biết chính mình lại không cần thiết hay sao? Ấy vậy mà đó lại là một trong những điều cản trở ta nhiều nhất. Việc nhận biết về bản thân không tương đồng với sự tự cách ly, ta tìm hiểu về chính mình không có nghĩa là ta rút lui khỏi các mối quan hệ. Làm sao mà bạn có thể hiểu về mình một cách sâu sắc, trọn vẹn chỉ nhờ sự ẩn mình cách biệt; hay bằng cách tìm đến các nhà tâm lý học, các vị đạo sư; hay qua việc học hành, đèn sách. Ta cần biết rằng hiểu rõ chính mình là một tiến trình chứ nào phải điểm đến; trong tiến trình đó, người ta khám phá và nhận biết về bản thân qua hành động – qua các mối tương quan với xã hội, với người khác. Hơn thế nữa, để thật sự nghiệm ra ý nghĩa đằng sau cách bạn phản ứng, cũng như những hồi đáp từ phía bạn, đòi hỏi một trí tuệ minh mẫn cùng một nhận thức sắc sảo.
— 6 —
Bạn sao, thế giới vậy
Mối quan hệ giữa bạn và những nỗi buồn đau, băn khoăn xảy ra trong nội tâm và xung quanh bạn là gì? Chắc chắn một điều là chúng không tự xuất hiện mà do chính bạn và tôi tạo ra trong mối tương quan giữa chúng ta với nhau. Cái bạn là ở bên trong được phóng chiếu hướng ra thế giới; những suy nghĩ, cảm nhận, hành động hằng ngày của bạn góp phần hình thành nên thế giới; sự khốn khổ, rối loạn hay những suy nghĩ hỗn độn trong nội tâm bạn cũng không phải là ngoại lệ. Xã hội này được tạo nên từ các mối tương quan giữa chúng ta, giữa bạn và tôi, hay giữa tôi và mọi người. Vậy nếu các mối tương quan ấy đầy rối ren, vị kỷ, hạn hẹp và thiếu công bình thì chúng ta cũng mang theo sự hỗn độn đó vào thế giới.
Bạn sao, thế giới vậy, và vấn đề của bạn là vấn đề của thế giới, thế nhưng bằng một cách nào đó chúng ta dường như luôn lãng quên điều này. Chúng ta muốn mang lại thay đổi thông qua một hệ thống, hoặc một cuộc cách mạng về ý tưởng và giá trị dựa trên một hệ thống, mà lại quên rằng chính bạn và tôi là người mang đến sự rối loạn hay trật tự xã hội hiện tại qua cách chúng ta sống. Vậy thì hãy bắt đầu trong phạm vi gần gũi thôi, hãy lưu tâm đến sự hiện hữu hằng ngày của chính mình, từ ý nghĩ, cảm xúc cho đến những hành vi, hoạt động sống cơ bản, cũng như lưu tâm đến mối tương quan giữa chúng ta và các ý tưởng hay niềm tin.
— 7 —
Cuộc chiến của bạn cũng là cuộc chiến của nhân loại
Nhìn chung, đời sống con người không thể được cải thiện triệt để trừ phi bạn và tôi hiểu về chính mình trong một tiến trình tổng thể. Chúng ta không phải là những cá nhân riêng lẻ mà là kết quả của cuộc chiến giữa toàn nhân loại và sự ảo tưởng, những thú vui và ham muốn, thói ngờ nghệch, sự xung đột và mâu thuẫn, nỗi khốn khổ,... Bạn đừng mong sửa đổi những sai lầm của thế giới nếu không hiểu được chính bản thân mình. Chỉ cần bạn nhận ra điều đó thì ngay lập tức trong bạn đã hoàn thành một cuộc cách mạng rồi. Ta không cần cầu viện bậc thầy nào cả bởi lẽ quá trình tìm hiểu chính mình diễn ra trong từng khoảnh khắc, chứ nào phải là sự tích lũy những lời đồn đoán, hay là được ẩn giấu trong những giáo điều. Khi bạn khám phá bản thân trong mối tương quan với người khác, từ khoảnh khắc này đến khoảnh khắc khác, mối quan hệ mang một ý nghĩa hoàn toàn mới. Nó trở thành một sự hiển lộ và từ đó, hành động nảy sinh.
Vậy, sự hiểu biết về chính mình không đến từ sự cách biệt bản thân mà chỉ có thể đạt được qua các mối tương quan – sự hiểu biết đó là kết quả của việc ta nhận thức về từng hành động một.
— 8 —
Thay đổi chính mình để thay đổi thế giới
Sự thay đổi của thế giới bên ngoài đến từ chính sự thay đổi bên trong bạn, bởi bản ngã là kết quả và cũng là một phần quan trọng trong toàn bộ quá trình tồn tại của con người. Để thay đổi bản thân thì hiểu biết chính mình là điều thiết yếu. Không hiểu mình, sẽ không có nền tảng tư duy đúng đắn; không biết mình, sẽ không thể mang đến sự đổi thay.
— 9 —
Tại sao phải thay đổi ngay bây giờ?
Không có sự khác biệt cơ bản nào giữa người già và người trẻ, vì cả hai đều là nô lệ cho những ham muốn và thỏa mãn của chính họ. Độ chín chắn không liên quan gì đến tuổi tác, nó đi cùng với sự hiểu biết. Tinh thần truy vấn một cách háo hức có lẽ dễ dàng nảy sinh hơn đối với người trẻ, vì những người già đã bị cuộc sống làm cho bầm dập, các cuộc xung đột đã làm họ kiệt sức, và cái chết dưới nhiều hình thức khác nhau đang chờ đợi họ. Điều này không có nghĩa là họ không còn đủ sức truy vấn có mục đích, mà chỉ là đối với họ, việc đó sẽ khó khăn hơn mà thôi.
Nhiều người trưởng thành về mặt tuổi tác lại thiếu chín chắn và khá ngây ngô, đây là nguyên nhân góp phần làm cho thế giới trở nên hỗn loạn và đau khổ. Chính người lớn phải chịu trách nhiệm cho sự khủng hoảng kinh tế và suy đồi đạo đức đang lan tràn; một trong những sự yếu kém, thiếu may mắn của chúng ta đó là chúng ta trông chờ có ai đó hành động thay mình và làm thay đổi diễn trình đời sống của chúng ta. Chúng ta mong đợi người khác nổi dậy xây dựng một thế giới mới, thế nhưng chính mình thì vẫn thụ động, chưa chắc chắn về kết quả.
Điều mà phần lớn mọi người theo đuổi chính là sự an toàn và thành công; và một tâm trí mãi bận tâm tìm kiếm sự an toàn, thèm khát sự thành công không phải là một tâm trí khôn ngoan, vì thế mà không thể hành động một cách toàn diện. Hành động toàn diện chỉ có thể diễn ra khi người ta ý thức về tình trạng bị định đặt của chính mình, và các thành kiến chủng tộc, dân tộc, chính trị và tôn giáo của mình; nghĩa là chỉ khi nào người ta nhận ra rằng các phương cách tồn tại của bản ngã mãi mãi tách biệt nhau.
Cuộc sống là một nguồn nước sâu. Người ta có thể đến với nó với những cái xô nhỏ và chỉ múc được một ít nước, hoặc người ta có thể đến với nó với những cái thùng lớn, múc nhiều nước để sinh hoạt và dự trữ. Thời trẻ là quãng thời gian lý tưởng để người ta tìm tòi và trải nghiệm mọi thứ. Nhà trường nên giúp học sinh phát hiện ra những thiên hướng và trách nhiệm của mình, chứ không chỉ đơn thuần nhồi nhét các dữ kiện và kiến thức kỹ thuật vào đầu các em; nhà trường nên là mảnh đất để học sinh có thể trưởng thành một cách hạnh phúc, toàn diện và không có bóng dáng của nỗi sợ hãi.
- 10 -
Suy nghĩ không giúp giải quyết vấn đề của bản ngã
Chúng ta càng suy nghĩ, nghiên cứu, phân tích và bàn luận nhiều về một vấn đề thì nó lại càng trở nên phức tạp. Liệu ta có thể nhìn vào vấn đề một cách toàn diện và đầy đủ hay không? Bằng cách nào? Với tôi, đó là một trở ngại lớn khi các vấn đề của chúng ta đang tăng theo cấp số nhân với vô vàn những nguy cơ xung đột và những xáo trộn trong các mối quan hệ; vậy làm thế nào ta có thể nhìn chúng trong một tổng thể để giải quyết? Chắc hẳn chỉ khi quá trình suy nghĩ – vốn có nguồn gốc từ bản ngã trên nền tảng truyền thống, thành kiến, hy vọng, thất vọng – đã chấm dứt. Liệu chúng ta có thể hiểu được về cái tôi không bằng cách phân tích nó, mà bằng cách nhìn mọi thứ như nó vốn là, nhận biết nó trong thực tại chứ không phải như mớ lý thuyết suông? Liệu chúng ta có thể nhìn vào đó mà không tìm cách từ bỏ, chỉ quan sát các hành vi đang diễn ra mà không có bất kỳ động thái công kích hay khuyến khích nào? Đó là một vấn đề nan giải đúng không? Nếu trong mỗi chúng ta, trung tâm của cái tôi, không còn tồn tại cùng những ham muốn sức mạnh, địa vị, uy quyền, sinh tồn của nó, các vấn đề của chúng ta sẽ chấm dứt!
Vì bản ngã là một vấn đề mà suy nghĩ không thể giải quyết, chúng ta cần một sự nhận biết đơn thuần, tránh phán xét hay biện bạch cho các hành vi của bản ngã. Nếu bạn nhận biết nhằm tìm kiếm cách giải quyết vấn đề, hay để thay đổi nó, để đạt kết quả, thì mọi thứ vẫn còn nằm trong phạm vi của bản ngã, của cái tôi. Cho dù thông qua phân tích, nhận biết hay thông qua sự xem xét liên tục từng suy nghĩ thì bạn vẫn ở trong khuôn khổ của suy nghĩ, nghĩa là bạn vẫn bị giới hạn bởi cái tôi và của tôi.
Nhờ có tình yêu thương chúng ta mới xóa nhòa được những nhức nhối trong xã hội. Thế nhưng, chừng nào tâm trí còn hoạt động thì tình yêu thương không thể tồn tại.