— 1 —
Sự an toàn, hạnh phúc và cảm giác hài lòng
Hầu hết chúng ta đang tìm kiếm gì thế? Chúng ta mong muốn điều gì? Trong thế giới không chút ngơi nghỉ này, việc quan trọng là nhận ra đâu là điều chúng ta nỗ lực tìm kiếm, đâu là điều chúng ta cố công khám phá, phải không nào? Tôi nghĩ thứ mà hầu hết chúng ta mong muốn là một trạng thái hạnh phúc, bình an nào đấy, chẳng hạn như một nơi nương náu bình yên giữa thế gian huyên náo, đầy rẫy những cuộc chiến tranh, bất hòa, xung đột. Vậy nên chúng ta đeo bám hết nhà lãnh đạo này đến nhà lãnh đạo khác, hết tổ chức tôn giáo này đến tổ chức tôn giáo khác, hết người thầy này đến người thầy khác.
Giữa hạnh phúc và thỏa mãn có sự khác biệt, thế thì chúng ta đang mong cầu hạnh phúc hay mong cầu một sự thỏa mãn mà từ đó ta hy vọng có được hạnh phúc? Bạn có thể tìm kiếm hạnh phúc chăng? Có lẽ bạn sẽ tìm được sự thỏa mãn, chứ chắc chắn không thể tìm thấy hạnh phúc. Hạnh phúc mang tính phái sinh, nó là sản phẩm thứ phát của một điều khác. Trước khi gửi gắm tâm tư và con tim mình cho một hành trình đòi hỏi quá trình tư duy nghiêm túc, sự chú tâm, chăm chút, thì chí ít chúng ta phải biết mình tìm kiếm điều gì, dù đó là niềm hạnh phúc hay sự thỏa mãn. Tôi e rằng hầu hết chúng ta hướng đến sự thỏa mãn; sau cuối hành trình kiếm tìm, ta muốn được thỏa mãn và tận hưởng cảm giác tràn đầy.
Suy cho cùng, nếu đi tìm sự bình an, người ta có thể thấy nó rất dễ dàng khi dâng hiến bản thân một cách mù quáng cho một mục đích hay ý hướng nào đó và trú ngụ luôn ở đó. Nhưng cô lập chính mình trong một ốc đảo khép kín chẳng thể giúp giải quyết sự xung đột. Chỉ khi chúng ta hiểu điều mình mong muốn từ trong ra ngoài thì vấn đề mới được giải quyết. Ta sẽ không phải đi đến bất kỳ đâu, cầu viện bất kỳ học viện, nhà thờ, hay tổ chức nào nữa một khi ta hiểu rõ về các ý định của chính mình, nhưng ta phải làm thế nào? Liệu ta có thể tìm ra câu trả lời qua nỗ lực lắng nghe lời nói của người khác, từ bậc đạo cao đức trọng cho đến các nhà thuyết pháp? Mà đó cũng chính là điều bạn đang làm, đúng không? Chúng ta đọc vô số sách vở, tham dự vô số hội nghị, góp mặt vào những cuộc thảo luận, trở thành thành viên của các tổ chức khác nhau hòng tìm thấy một phương cách hóa giải những xung đột, đau khổ trong cuộc sống của mình. Hoặc nếu không làm tất cả những điều đó, có lẽ chúng ta cho rằng mình đã tìm ra câu trả lời ở một tổ chức đặc biệt, một người thầy đặc biệt, một quyển sách đặc biệt nào đó, chúng ta đã thỏa mãn và tìm thấy điều mình muốn, rồi chúng ta khép kín lòng mình và mắc kẹt lại luôn trong đó.
Đối tượng tìm kiếm của chúng ta có vẻ như là một điều gì đó kéo dài vô hạn. Chúng ta có thể gọi đó là sự thật, Thượng đế, hiện thực, hay bất cứ danh xưng nào mà bạn muốn, từ ngữ ở đây không quan trọng; nhưng thật sự có một cuộc lùng kiếm thứ gì đó vĩnh cửu bên trong mỗi chúng ta. Từ đó ta trông đợi một sự đảm bảo, niềm hy vọng, bầu nhiệt huyết, sự ổn định bền vững, trong khi chúng ta không dám chắc điều gì về chính mình, cũng không hề có trải nghiệm thực tế nào cho dù đã nắm bắt rất nhiều dữ kiện và kiến thức từ sách vở.
Vậy, điều gì là cái tồn tại mãi mãi mà chúng ta đang tìm kiếm, đâu là thứ dẫn ta đến với sự vĩnh cửu? Chẳng lẽ không phải là hạnh phúc dài lâu, sự thỏa mãn dài lâu, sự chắc chắn dài lâu hay sao? Nếu chúng ta bỏ qua mọi ngôn từ cũng như câu cú và tập trung vào chuyện chúng ta mong mình được mãn nguyện mãi không thôi, thì đây mới là điều ta ao ước: chúng ta muốn có được sự hài lòng vĩnh cửu.
- 2 -
Không thể theo đuổi hạnh phúc
Chúng ta định nghĩa hạnh phúc như thế nào? Hẳn sẽ có người bảo rằng hạnh phúc là đạt được thứ ta muốn. Bạn muốn một chiếc xe hơi, một bộ đồ mới, muốn du lịch châu Âu hoặc bất cứ thứ gì khác như sự thành đạt hay danh vọng; và nếu thực hiện được chúng thì bạn hoàn toàn hạnh phúc, bằng không bạn liền thấy bất hạnh. Điều này đúng với tất cả chúng ta, cả người giàu lẫn người nghèo đều mong muốn một số thứ cho bản thân, cho gia đình, cho xã hội và nếu họ không hoàn thành chúng, họ sẽ không cảm thấy hạnh phúc. Nhưng khi bạn ý thức rằng mình hạnh phúc và sở hữu nhiều điều trong tay, đó có phải là hạnh phúc không? Thời điểm bạn ý thức rằng mình khiêm tốn, thì bạn đang không thật sự khiêm tốn. Hạnh phúc cũng vậy, nó vốn là thứ không thể được theo đuổi mà chỉ đơn giản xảy đến, hễ ta bỏ công tìm kiếm, nó sẽ lảng tránh ta.
- 3 -
Sự hài lòng, niềm vui thích chuyển thành thói lệ thuộc và nỗi sợ mất mát
Thường thì chúng ta đâu có thực tâm tận hưởng bất cứ thứ gì. Chúng ta chỉ tìm đến sự tiêu khiển hay kích thích để có được thứ cảm giác hời hợt coi như là niềm vui mà thôi. Niềm vui thích đích thực thì cần được thấu cảm và trải nghiệm một cách sâu sắc hơn thế nhiều. Từ thuở nhỏ, chúng ta đã tìm được niềm vui trong nhiều điều giản đơn, từ trò chơi, áo quần, sách truyện đến những vần thơ hay những bức họa, thậm chí chỉ đơn thuần là từ những trò đùa nghịch cùng nhau. Khi lớn lên, dù vẫn muốn tận hưởng mọi thứ nhưng chúng ta đã khác đi mất rồi, tâm can ta giờ đây chỉ còn hướng về đam mê, ham muốn, uy lực và địa vị mà thôi.
- 4 -
Trong suốt quá trình trưởng thành, nhiều thứ trong cuộc sống dần mất đi ý nghĩa và tâm trí ta trở nên sáo mòn, vô cảm hơn từng ngày; vì lẽ đó, chúng ta cố gắng tìm đến sự tận hưởng bằng cách ép mình ngắm những bức tranh, quan sát những rặng cây và lũ trẻ đang chơi đùa, đọc một vài quyển sách và cố gắng tìm trong đó những ý nghĩa sâu xa, những lời hay ý đẹp đáng lưu tâm. Nhưng tất cả chúng tựu trung lại đều là nỗ lực cứu vãn tuy đầy khó nhọc nhưng vô ích của chúng ta mà thôi.
Tôi nghĩ việc nghiệm ra niềm vui thích với vạn vật là cực kỳ quan trọng. Khi bạn nhìn thấy một thứ vô cùng xinh đẹp, bạn liền muốn chiếm hữu và giữ chặt lấy nó, bạn muốn gọi đó là cái cây của tôi, con chim của tôi, căn nhà của tôi, chồng tôi, vợ tôi. Và chính vì mong muốn đó mà niềm vui thích biến mất cùng lúc với sự nảy sinh tính lệ thuộc, nỗi lo sợ, nhu cầu phòng vệ; cảm nhận thuần túy về vẻ đẹp bỗng chốc tiêu tan và cuộc sống trở nên ngột ngạt.
Để biết về niềm vui đích thực, người ta phải chịu dấn thân.
- 5 -
Niềm vui là sự vắng bóng cái tôi ham muốn
Chúng ta có thể chuyển đổi từ thú vui tao nhã này sang thú vui tao nhã khác, từ đường nét tinh tế này sang đường nét tinh tế khác, từ quá trình hưởng thụ này sang quá trình hưởng thụ khác, dù gì thì trong tất cả những điều ấy đều tồn tại một cái tôi ham thích tận hưởng, mong cầu hạnh phúc, cái tôi ấy cứ mãi lùng sục và tranh đấu không ngừng nghỉ. Mà chỉ khi nào cái tôi âm ỉ đó chịu dừng lại thì người ta mới đạt được trạng thái hạnh phúc ngây ngất, mới biết được niềm vui đích thực, mới thôi khổ đau, thôi rạn vỡ. Ngay lúc này đây, mọi điều tưởng chừng như là vui sướng hay hạnh phúc hóa ra đều là sự mục nát cả; bởi ẩn giấu sau đó là sự đớn đau và nỗi lo sợ.
Một khi tâm trí vượt thoát khỏi ý nghĩ về cái tôi, về người trải nghiệm, về chủ thể quan sát hay người suy tưởng thì sẽ tồn tại trong chúng ta một niềm hạnh phúc không thể phai nhòa. Ta đánh mất hạnh phúc là do ta khát khao tìm kiếm hạnh phúc vĩnh cửu. Nếu tâm trí không còn bị ràng buộc bởi cái tôi nữa thì ta sẽ cảm nhận được một niềm hạnh phúc kéo dài từ khoảnh khắc này sang khoảnh khắc khác. Niềm hạnh phúc ấy tự nó xuất hiện mà không viện đến sự tìm cầu của bạn; nó cũng không thể được gom góp, tích trữ, dành dụm, và cũng chẳng phải là điều mà ta có thể nắm giữ.
- 6 -
Chúng ta muốn được an toàn
Chúng ta luôn giữ cho mình được an toàn, nhất là khi chạm trán thú dữ, một con rắn chẳng hạn, hoặc là khi ta quan sát hai bên lúc băng qua đường. Thế nhưng ngoài những chuyện tương tự như vậy ra thì bạn để ý mà xem, không còn hình thức an toàn nào khác nữa. Bạn sẽ muốn có cảm giác yên ổn tuyệt đối với vợ con, hàng xóm, và các mối quan hệ của bạn, nhưng tình trạng an toàn đó không có thật trên đời đâu. Chúng ta có mẹ, có cha nhưng bạn không can hệ gì đến họ. Bạn hoàn toàn độc lập và vì vậy không hề tồn tại sự an toàn về mặt tâm lý nào cả; trong bất cứ thời điểm nào, ở bất cứ mức độ nào, với bất kỳ ai thì người khác và bạn đều là con người, đều có đầy đủ quyền tự do cá nhân; đây là điều khó nhận ra nhất. Ấy thế mà chúng ta cứ mãi mong cầu sự bất biến trong các mối quan hệ của mình nhờ vào hôn nhân và những lời thề nguyện. Bạn biết rõ các mánh khóe mà chúng ta đang áp dụng với chính bản thân mình và với những người khác xung quanh mà. Chẳng cần đến những nghiên cứu lớn lao cũng thấy đây là một sự thật hiển nhiên không cần bàn cãi.
- 7 -
Hiểu về tình trạng bất an
Chúng ta chưa từng thử tiếp cận với sự bất an, chúng ta e sợ mọi trạng thái bấp bênh và thiếu chắc chắn trong đời sống. Hễ cảm nhận sự bất an ập đến, người ta sẽ trốn chạy ngay, hoặc trở nên mất cân bằng, thậm chí nảy sinh ý định tự tử hoặc phát bệnh rối loạn tâm thần, cũng có khi người ta trở thành một kẻ sùng đạo. Những kiểu hành xử đó đều là biểu hiện của sự thiếu quân bình trong tâm trí. Thực chất, ta cần phải bình tâm, thông tuệ để có thể hiểu về trạng thái bất an này, cũng như ta cần sống một cuộc đời đơn giản, minh bạch mà hài hòa phi thường để thật sự nhận ra – không phải đơn thuần trên bình diện trí tuệ, ngôn từ, hay ý chí – rằng không hề tồn tại một tình trạng an toàn nào cả.
- 8 -
Tại sao chúng ta luôn tìm kiếm một điều gì đó?
Chúng ta không ngừng tìm kiếm, nhưng lại chưa từng tự hỏi lý do ta làm vậy. Hiển nhiên là vì chúng ta luôn không thỏa mãn, không hạnh phúc, không vừa lòng; chúng ta cô đơn, lẻ loi, và đầy sợ hãi. Thế nên chúng ta cần thứ gì đó để bám víu và ai đó có thể che chở cho mình – có thể là cha mẹ ta hay những người khác – cứ thế chúng ta mải miết kiếm tìm. Không may là chúng ta cũng sẽ luôn tìm thấy một điều gì đó mỗi bận chúng ta cố gắng tìm kiếm.
Điều tiên quyết ở đây là ngừng tìm kiếm, bạn có hiểu điều ấy không? Bạn luôn được dạy rằng phải tìm kiếm, phải thử nghiệm, chúng ta phải tìm ra chân lý và theo đuổi nó đến cùng; rằng chúng ta phải tuân thủ kỷ luật và học cách kiểm soát chính mình. Rồi một người đến bên và khuyên bạn: “Đừng làm những điều đó nữa. Đừng tìm kiếm nữa”. Phản ứng của bạn hẳn sẽ là yêu cầu anh ta rời đi hoặc bạn tự quay lưng bỏ đi, cũng có thể bạn sẽ tự hỏi tại sao anh ta nói những điều như vậy – bạn không chấp nhận hoặc khước từ mà chỉ đặt câu hỏi. Vậy rốt cuộc thì bạn đang tìm kiếm gì thế?
Hãy tự hỏi chính mình như thế nếu bạn vẫn đang không ngừng tìm kiếm vì tin rằng mình bỏ lỡ điều gì đó trong đời sống nội tâm; chứ không phải chuyện bạn có một công việc vặt vãnh hay cần kiếm được nhiều tiền hơn. Chúng ta đang tìm kiếm điều gì? Để tìm cách vượt qua sự bất mãn sâu sắc với gia đình, với xã hội, với nền văn hóa, với chính mình, bởi nó đang gặm nhấm, hủy hoại cõi lòng ta. Vậy cớ sao chúng ta lại bất mãn? Có những sự bất mãn dễ dàng được xoa dịu. Hãy cho một người trẻ đang cảm thấy bất mãn một công việc tốt, một căn nhà đẹp, một chiếc xe hơi xịn, một khu vườn tuyệt mỹ, một địa vị cao sang quyền quý, và bạn sẽ thấy sự bất mãn trong người ấy biến mất. Nếu anh ta có thể đạt được một thành công về mặt tư tưởng, sự bất mãn đó cũng sẽ tiêu tan. Nhưng bạn chưa bao giờ tự hỏi tại sao mình lại cảm thấy bất mãn – chính bạn, chứ không phải những người làm công ăn lương hay những người muốn giành được một công việc tốt hơn. Chúng ta cần hiểu tường tận nguyên nhân của sự bất mãn trước khi có thể xem xét đến toàn bộ cấu trúc và ý nghĩa của sự hài lòng; và tiếp sau đó, là nỗi muộn phiền.